Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

LÁ THƯ CUỐI CÙNG

LÁ THƯ CUỐI CÙNG

16/5/05AL

Hùng Anh

Chị viết vài dòng để em hiểu rõ về chuyện gia đình mình thì quá nhiều chuyện buồn. Theo chị nghĩ là bệnh của Mẹ chắc là không sống lâu vài năm nữa đâu, vì quá nhiều chuyện bực tức, luôn lo và suy nghĩ.

Còn về nhà cửa, chị đã thuyết phục Mẹ ngăn riêng cho vợ chồng Pháp khúc sau, Pháp đã đứng ra khai riêng và chụp hình riêng rồi. Còn Mẹ chụp hình riêng và khai riêng nhà trên và đất xung quanh, nên chuyện này có lẽ theo chị nghĩ là đã rõ ràng rồi. Nhưng chị cũng muốn lúc nhận tiền nhà thì em phải về để làm giấy tờ cho rõ ràng. Của vợ chồng Pháp không còn gì trong nhà này nữa, vì con vợ nó quá tham lam, không biết đâu là tình thâm máu mủ. Nếu không có giấy tờ rõ ràng thì khi Mẹ qua đời thì mọi chuyện sẽ đổi khác. Không ai chủ quyền ngôi nhà sẽ nhiều việc không ngờ sẽ xảy ra. Nên em phải về để ba mặt một lời để sau này không có gì ray rức về sau.

Em ơi! Chị cạn nghĩ tu đâu cho bằng tu nhà, thờ Cha kính Mẹ mới là chữ tu. Khi làm con chưa tròn chữ Hiếu là còn nặng nghiệp với đời, nên chị cũng không đi chùa, không làm công quả được vì Cha Mẹ chị còn bữa đói bữa no, nên nước mắt chị còn chảy nhiều lắm em ơi!

 

Nếu chị là trai hoặc chị không có chồng con thì sẽ khác, không phải chị ngồi niệm Phật như em, mà phải bằng thực tế, vì Phật ở rất xa người trần. Chỉ có tấm lòng mình tin tưởng nơi Phật cho nhẹ nhàng, thanh thản mà thôi. Nên đã lâu rồi chị đã không đồng ý khi em dứt bỏ gia đình để đi tu. Nếu em biết nghĩ về Cha Mẹ thì ngày nay đâu đã đến thế này. Chị từ ngày đã lớn, chị không bao giờ chị ngồi đây để hưởng mồ hôi nước mắt của người khác mà hưởng phúc lợi, dù đến chồng và con của chị nếu chị còn làm được. Mình phải có nghị lực cho bản thân mình, và cũng không làm đau khổ người khác để kiếp sau mình sống sung sướng tấm thân. Vì chị nghĩ đã vay thì phải trả. Luân hồi là thế đó. Dù rằng chị không tu, không đi chùa nhưng tâm chị luôn luôn hướng về Đức Phật để cho tất cả trong gia đình mình được mọi điều an lành. Vì chị còn phải bon chen vào cuộc sống để mưu sinh nên chị không dám nghĩ xa hơn.

Cuộc đời chị từ nhỏ lớn lên đến bây giờ toàn là chuyện khổ. Chị ngồi khóc thầm vì chị nghĩ kiếp trước chị vay quá cao, nên bây giờ chị phải trả nặng. Không biết đến bao giờ chị mới hưởng được sung sướng như mọi người. Chị tỏ rõ tấm lòng chị vơi được chút nào thì vơi. Nhưng em phải về đến lúc nhận đất nhận tiền thì chị sẽ báo với em. Phải về để giải quyết việc gia đình.

Chị chúc em bình yên sức khỏe.
Chị Thu

 

Lá thư này chị Hằng viết gởi chúng tôi vào tháng 5 âl năm 2005, thời chúng tôi đang ở tại Tu viện Chơn Như, huyện Trảng Bàng-Tây Ninh.

 

Nói là lá thư cuối cùng bởi sau lá thư viết vào năm 2005 này thì chị Hằng từ đó đã không viết thêm một lá nào cho chúng tôi nữa. Nếu có là từ lá thư này ngược thời gian trở về trước, rất xa. Như thời chúng tôi ở Ratanakiri-Campuchia năm 1985. Hoặc có những lá viết từ đầu thập niên 80. Nhưng tất cả những lá thư này đã bị thất lạc, không còn. Hiện chỉ còn lại lá duy nhất mà các bạn đang thấy trước mặt.

 

Trong lá thư này có đoạn chị Hằng cho biết không muốn chúng tôi xuất gia tu hành. Thật ra ý niệm này chị Hằng chưa nói rõ. Bởi chúng tôi hiểu rất rõ tâm tư, ý nghĩ thầm kín người chị của mình, kể cả tâm niệm, ước muốn của mẹ hai chị em là chỉ muốn chúng tôi lập gia đình, có vợ con để chung sống cùng nhau cho sum vầy, hạnh phúc bên nhau mãi mãi mà thôi. Đừng làm chuyện ngược lại khi bỏ nhà, trốn vào chùa tu hành như thế!

 

Nhưng thật sự, lòng người hay tình chị, tình mẹ ước muốn là một chuyện, còn nhân quả nhiều khi lại xảy ra theo chiều hướng ngược lại. Chị Hằng và mẹ chúng tôi đâu biết. Cuộc đời và những tâm ý niệm của chúng tôi thay đổi theo từng thời điểm khi đi qua những chặng, những đoạn thăng trầm vinh nhục, buồn vui trên mỗi lộ trình mưu sinh cầu thực vì sự sống còn, vì chén cơm manh áo cho chính mình và cho cả gia đình.

Cuối cùng, không còn con đường nào khác, chúng tôi phải rời bỏ phố thị mù sương Pleiku, chấp nhận làm kẻ chiến bại thảm hại mặc dù thời điểm này nói về mặt tài năng nghề nghiệp thì rất khó có tay thợ nào giỏi hơn chúng tôi trên lĩnh vực chuyên môn. Sau này, khi đã là một tu sĩ, chúng tôi có nhiều lần về thăm lại phố thị mù sương, tìm đến những bạn quen trên lĩnh vực xe cộ, cơ khí. Một số thợ máy người Phú Tài còn trụ lại, ở dưới Chư Á, cho biết từ khi anh từ bỏ nghề nghiệp thì tuyệt đối đất Gia Lai này không thể có một cá nhân nào mà tay nghề có thể sánh nổi với tay nghề khi xưa của anh được.

 

Đây là nhận định của một số thợ máy, thợ đồng có tiếng tăm ở Pleiku. Thật ra, chúng tôi hiểu rõ về khả năng, trình độ làm nghề, lao động của mình hơn ai hết. Và đây cũng chính là ước muốn, ước mơ mà chị Hằng và mẹ của chúng tôi đặt trọn niềm tin vào tài năng nghề nghiệp con em của mình. Bởi gia đình chúng tôi là một gia đình làm nghề xe cộ có truyền thống lâu dài. Nhưng để biến ước mơ của mẹ, của chị và của chính mình thành sự thật thì chúng tôi cần phải có nhiều điều kiện, yếu tố hỗ trợ, như mặt bằng để mở xưởng và kinh phí để mua sắm các loại đồ nghề, gồm máy hàn bấm sắt, tole dày từ 1li đến 3li, 4li. Khoản này thì chúng tôi trắng tay, bó tay. Những thu nhập trong hiện tại của thời điểm ấy chỉ có thể trang trải tạm bợ cho qua ngày tháng, không thể làm gì hơn được bởi những đòi hỏi khắt khe, nghiệt ngã của nghề nghiệp chuyên môn đối với lĩnh vực xe cộ kiêm cơ khí. Phương tiện giao thông quan trọng bậc nhất mà thời đại, thời kỳ nào cũng phải có, và cũng phải được chú trọng, ưu tiên lên hàng đầu.

 

Đây chính là lý do để chúng tôi đi đến quyết định. Phải vượt biên sang Mỹ thì mới có thể thực hiện được ước mơ nghề nghiệp: "Chinh phục, tức sáng tạo, làm ra những mẫu mã xe hơi đẹp, bền nhất thế giới!". Vì thế, vào năm 1990 chúng tôi cùng một người bạn làm nghề điện ôtô quyết định vượt biên bằng đường bộ, qua cửa khẩu Lao Bảo để đến Lào, sau đó sang Thái Lan làm một thời gian kiếm tiền rồi qua Mỹ sau.

  

Chuyến đi dệt mơ ước thành hiện thực đó của hai chúng tôi đã thất bại, bị công an Lào bắt ngay tại cửa khẩu Lao Bảo vào một buổi chiều, lúc trời đã nhá nhem, chập choạng. Từ đó, giấc mơ qua Mỹ, làm trong hãng sản xuất ôtô con bằng tay đẹp và đắt giá nhất thế giới đành gác lại mãi mãi. Rồi sau thời gian này, càng ngày chúng tôi càng thấy con đường nghề nghiệp của mình không thể nào có thể gầy dựng, phát triển xán lạn, vững mạnh cho nổi do có quá nhiều những cản trở. Niềm đam mê vô tận về những mẫu mã xe cộ cũng như những cách làm đẹp, kỹ thuật, đúng yêu cầu chất lượng, nhất qua mặt tất cả mọi đối tượng trên lĩnh vực chuyên môn mỗi ngày mỗi giảm sút bởi những cản trở chập chùng đến từ nhiều hướng.

 

Và đây cũng chính là lý do quyết định, đẩy chúng tôi đi vào chỗ bế tắc hoàn toàn. Chúng tôi rời khỏi phố thị mù sương Pleiku với niềm luyến tiếc vô hạn sau một sự cố mà đến bây giờ khi nhìn lại thì mới biết được rằng đó là do sự xếp đặt của nhân quả nghiệp lực. Nghĩa là chúng tôi chỉ có một con đường duy nhất là con đường đạo lý, giải thoát. Không nên mơ mộng, miệt mài, lao sâu vào con đường nghề nghiệp xe cộ, cơ khí hay bất cứ lĩnh vực nào khác. Bởi suy cho cùng, ngành công nghiệp sản xuất ôtô chính là thủ phạm gây ra những đột biến về khí hậu, về môi trường sinh thái trên hành tinh này cho nhân loại nhiều nhất vậy.

 

Nếu lưu ý, chúng ta sẽ thấy hễ nói đến các loại xe cộ, cơ giới vận tải giao thông là phải kéo theo ngành công nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu của thế giới. Chưa nói sự bám đuôi như bóng hình của ngành cầu đường kiêm hệ thống giao thông cùng với những bất cập, nhùng nhằng chưa bao giờ được hoàn thiện của rất nhiều các quốc gia, nhất ở Việt Nam. Bây giờ, nhìn lại quá khứ, chúng tôi mới biết khi mình quyết định rời bỏ con đường nghề nghiệp cha truyền con nối là hoàn toàn đúng đắn bởi những hệ lụy mà lĩnh vực này đã gây ra cho xã hội, rộng hơn là của cả nhân loại kể từ khi các loại động cơ máy xăng, máy dầu xuất hiện cho đến nay.

 

Năm 2010 chúng tôi có làm một bài thơ nói lên tâm trạng của mình ngày xưa khi còn bon chen, kiếm chén cơm manh áo độ nhật trên mảnh đất mù sương từng có quá nhiều những kỷ niệm đẹp cùng những ấp ủ hoài bão, mơ mộng như sau:

 

Pleiku phố thị sương mù,
Bay giăng bảng lảng núi đồi đường đi.
Tiết trời dẫu lạnh thấm chi,
Lạnh trong xương tủy lạnh nì áo cơm.
Nhớ đời một thủa hàn ôn, 
Hoa Lư, Chư Á từng ôm ấp nhiều.
Dù nhiều ràng buộc không chìu,
Mười lăm năm biết bao chiều buồn vui.
Pleiku phố thị sương mù, 
Nay xưa vẫn thế đầy vơi chuyện lòng.
(PHỐ NHỎ NGÀY XƯA)

 

Khi biết chúng tôi đi vào lĩnh vực tu hành giải thoát thì giới nghề nghiệp, xe cộ ở Gia Lai, Quy Nhơn, Vinh-Nghệ An, cả nhóm thợ Sài Gòn -đồng/sơn- lúc đó đang làm ở Pleiku không thể nào tin nổi. Cả gia đình chúng tôi cũng vậy. Vì thế, chị Hằng đã cùng mẹ, và các con của chị vào Nha Trang tìm gặp chúng tôi khi nghe loáng thoáng, phong phanh chúng tôi đang xuất gia ở đây. Nhưng tất cả đã được nhân quả xếp đặt, an bài đâu ra đó rồi. Làm sao những người đứng bên ngoài hiểu được tâm trạng của người trong cuộc? Dù đó là mẹ, là chị Hằng, hai người phụ nữ thương yêu duy nhất của cuộc đời chìm nổi của chúng tôi?

Nếu chúng tôi không đi vào lĩnh vực tu hành thì chúng tôi cũng không còn một can đảm nào để có thể sống yên ổn ở trong gia đình hay bên ngoài xã hội. Đừng nói trên lĩnh vực nghề nghiệp xe cộ, cơ khí. Những thập niên 90 chúng tôi từng nhiều lần ngồi khóc một mình trong căn nhà mình đã sống từ thủa ấu thơ. Chúng tôi nói thầm rất nhiều lần rằng rồi đây mình sẽ phải rời bỏ căn nhà thân yêu này ra đi thôi. Lưu luyến với nó để làm gì đây?

 

"...Nói gì để cho sầu vơi tôi ưa tìm lên đồi vắng,
ưa lắng chuông chùa vọng khơi. Trông chim bạt
gió
nghe tiếng tiêu thiết tha xa vời. Mà nghe chơi vơi..."
(LẺ BÓNG)

 

Xin trở lại với lá thư của chị Hằng.

 

Như đã nói. Chị Hằng chỉ với ước muốn duy nhất là chúng tôi nên tiến tới lập gia đình, sống sum vầy, hạnh phúc với cha mẹ, chị và các em. Đừng bỏ đi tu như vậy làm cho chị buồn rầu và nhớ thương em lắm. Vì chúng tôi biết chị Hằng rất thương đứa em trai của mình nhưng chưa có thời gian, điều kiện để nói ra hết lòng mình. Ngược lại, chúng tôi cũng vậy. Tất cả những dự định, ấp ủ, tâm sự vơi đầy vẫn còn chôn chặt, nhốt kín trong tâm tư. Chúng tôi dự định có một ngày, một lúc nào đó sẽ ngồi nói chuyện với chị Hằng về những gì mà mình chưa bao giờ nói cùng chị...

 

Hôm nay, khi ngồi viết những dòng tâm sự này thì chị Hằng đã ra đi được 13 ngày. Ít có ai biết được rằng chị Hằng mất đi thì chúng tôi đã chết theo chị đến 8 hay 9 phần. Phần còn lại chỉ là những bất lực, hoang mang, chơi vơi, chới với, không còn thiết tha, mong muốn bất cứ một thứ gì khác nữa. Bởi như chúng tôi đã nói ở trên. Cuộc đời chúng tôi từ nhỏ cho đến khi xuất gia, vào chùa tu hành thì chỉ có hai người phụ nữ duy nhất là mẹ và chị Hằng là chúng tôi từng gây cho họ nhiều buồn khổ, nhớ thương nhất mà thôi. Cũng có nghĩa chúng tôi chưa đền đáp công ơn cho hai người phụ nữ này trọn vẹn. Nói như vậy cũng có nghĩa những người phụ nữ khác, ngoài tình cốt nhục thì họ chỉ là những bóng mây tụ tán, đi qua trong tâm tưởng chúng tôi phút giây rồi tan biến giữa trời không.

 

Một người muốn lập gia đình thì phải có sự nghiệp. Mà sự nghiệp thì luôn luôn có những cản trở quyết liệt với chúng tôi từ các hướng. Do đó, khi chúng tôi rời bỏ sự nghiệp cũng tức là chấm dứt chuyện tình cảm thầm kín riêng tư. Và bóng hình những người nữ nào đó mà mình từng lưu ý, từng đi qua trong tâm tưởng chỉ còn là những kỷ niệm xa xôi, mờ nhạt... Bởi ước muốn lòng người hay của người thân yêu ruột thịt là một chuyện, còn nhân quả là một chuyện...

 

Tóm lại. Chị Hằng là ân nhân lớn nhất của chúng tôi trong cuộc đời này. Vì nếu không có chị lo lắng, giúp đỡ cho cha mẹ thì chúng tôi tuyệt đối không thể ngồi yên tu hành trong bất cứ một ngôi chùa nào được từ hơn 20 năm nay. Và những dự định ngồi nói chuyện với người chị thân yêu nhất cuộc đời đã không thể nào thực hiện được nữa bởi cái chết quá bất ngờ, đột ngột của chị Hằng tại bệnh viện tỉnh, khoa tim mạch vào lúc 8h tối ngày 06 tháng 04 vừa rồi. Và nếu chúng tôi hiện không vướng bận chuyện văn sử học theo đuổi lâu nay thì với hai cái chết của mẹ, của chị Hằng vừa qua chúng tôi đã không còn một chút can đảm nào để nán lại đất Quy Nhơn-Bình Định bạc bẽo này thêm bất cứ một phút giây nào nữa cả.

 

Tất cả đã quá muộn, đã chấm hết rồi, còn gì nữa đâu? 

Tuy Phước, lúc 17h07 ngày 18 tháng 04 năm 2018
Bốn niệm xứ

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang