BÓNG ĐÈ
HAY THẦN KIẾM GIỮA RỪNG GƯƠM
Nói đến bóng đè chắc mọi người sẽ nghĩ rằng, đây là đề tài nói về việc bị người cõi âm nhập vào gây ra nhiều chứng bệnh hoang tưởng khiến nhiều người lâm vào tình cảnh dại khờ, khùng khùng điên điên, dở khóc dở cười, từ đó không còn làm chủ thân tâm được nữa. Vậy muốn biết bóng đè của bài viết này có phải như suy nghĩ ở trên hay không xin mời các bạn bình thản đọc hết bài viết này sẽ rõ thôi.
Chúng tôi từng phát hiện có muôn vàn những người bị bóng đè khi đọc qua những bài viết của họ trên mạng FB. Thậm chí, khi xem các chương trình thi ca hát bolero thì những người bị bóng đè cũng vẫn thường xuyên xuất hiện trong các lĩnh vực giải trí này rất nhiều. Chưa nói, trong lĩnh vực tu hành của Phật giáo thì lại càng có nhiều người bị bóng đè hơn nữa. Như những giải thích, phản biện cụ thể, chi tiết của chúng tôi về ý nghĩa bóng đè qua các bài Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ, Đường dài chập chùng, xa xa đồi mơ..., Minh và vô minh, Bốn niệm xứ là gì... Chưa nói đến các bài viết thuộc lĩnh vực văn sử học, vvv...
Tại sao chúng tôi lại nói khác với những gì mà kinh sách Phật giáo đã nói, hoặc những gì được lưu truyền trong bộ môn văn sử học như thế?
Thư hùng kiếm đôi thanh gươm báu, Bậc tài danh ẩn náu dằn lưng...
Có gì đâu khó hiểu. Đó là vì những ghi chép cùng những diễn giảng, lý luận, bình luận, sáng tác đã không hề đúng với sự thật, chân lý. Điển hình nhất là bài viết Đường dài chập chùng, xa xa đồi mơ... Trong bài viết này chúng tôi khẳng định Tứ Diệu Đế là Khổ Tập Đạo Diệt, chứ Tứ Diệu Đế không phải là Khổ Tập Diệt Đạo! Khi đọc qua bài viết này thế nào cũng có nhiều người lầm bầm chửi rủa, cho chúng tôi nói bậy, chống phá Phật giáo. Cũng có một số rất ít cho chúng tôi nói đúng, nhưng họ không dám bình luận. Không dám bình luận bởi là vì họ không dám nói ngược lại những gì kinh sách đã ghi chép, truyền thừa, cũng như tất cả đã được các tăng ni trong Phật giáo rao giảng, diễn dạy từ bao lâu về các đề tài, các bài kinh này.
Bài viết mới đây nhất là hai bài 1-2 Thu, hát cho người hay hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ... Trong hai bài viết này chúng tôi chỉnh lại bốn câu bài Đường luật Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Sở dĩ phải lấy tên nhạc phẩm của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đặt tựa cho bài viết là bởi nhạc sĩ này đã mượn tích Hoàng Hạc Lâu qua hai câu thực để diễn, biến thành ca từ hay, đẹp, mang hơi hướng sử thi là "Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ...". Với ca từ dựa vào điển tích văn học, vào Hoàng Hạc Lâu thế này chúng tôi cho rằng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã bị "bóng đè" quá mạnh, quá chặt bởi sức ảnh hưởng từ bài thơ nói là phá cách này của Thôi Hiệu. Và chỉ người nào sau khi đọc qua hai bài viết nói ở trên với những chỉnh sửa, trả lại nguyên bản Hoàng Hạc Lâu của chúng tôi thì họ mới có thể biết những cái sai trong bài thơ đặc biệt này của văn học Trung Hoa. Cũng như ca từ hay, đẹp, đậm chất sử thi nhưng sáo rỗng, vô nghĩa, không một chút giá trị gì của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong nhạc phẩm rút ruột để đời, tạo dựng tiếng tăm Thu, hát cho người.
Nội dung trong bài viết Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ chúng tôi khẳng định Đức Phật không bao giờ có bài thuyết giảng nào mang tên là THẬP THIỆN hay MƯỜI ĐIỀU LÀNH cả. Mà Đức Phật chỉ có giảng, nói bài pháp BA HÀNH THIỆN, nhưng do các thầy tổ hiểu nhầm hoặc do sự ghi chép cẩu thả, cũng có thể do tam sao thất bổn, thêm nữa là cố ý chỉnh sửa nên từ Ba hành thiện đã bị biến thành Thập thiện, Mười điều lành. Những ai đọc qua bài viết này đều phải công nhận những phản biện, lật ngược vấn đề của chúng tôi là rất đúng, xác thực hoàn toàn. Trong bài viết này hôm nay, chúng tôi sẽ chỉ ra những cái sai nữa cũng trong bài kinh Thập thiện, tức những cái sai, không đúng sự thật trên THÂN KHẨU Ý của một con người.
Như các bạn đã biết, trên bài viết Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ chúng tôi khẳng định rằng trên thân không phải chỉ có đơn giản ba hành động là Sát sanh, Trộm cướp, Tà dâm. Mà trên thân còn vi phạm vào rất nhiều lỗi nữa như ăn, ngủ phi thời, quần áo ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm như ống cao ống thấp, vai chừa trống, hở bụng, lòi rún, áo nút gài nút không, đi đứng nằm ngồi thì ngã nghiêng, lụp chụp, vụt chạc, không ý tứ, cẩn thận, vvv...
Với những gì được bươi móc, mét moi chòi chẹt thêm thì rõ ràng chúng ta đã thấy trên thân vi phạm rất nhiều lỗi, chứ không phải chỉ có ba lỗi Sát sanh, Trộm cướp, Tà dâm. Nhưng sự vi phạm, lầm lỗi trên thân không phải tổng kết chỉ bao nhiêu như những gì các bạn vừa đọc. Dưới đây, chúng tôi sẽ liệt kê, chỉ ra thêm cho các bạn thấy trên thân còn có bốn lỗi vi phạm nữa mà hồi giờ không một người nào chịu lưu ý. Mặc dù tất cả mọi con người từ xưa nay hằng ngày, hằng giờ, phút, giây vẫn thường hay thực hiện đều đặn, trắng trợn các hành động vi phạm, lầm lỗi này!
Các bạn đã từng nghe, từng biết và từng có khi nào quan sát, kiểm tra lại những hành động của thân thể mình và của mọi người qua mọi cuộc tiếp xúc hằng ngày lúc nào chưa? Bạn có biết. Khi một người phụ nữ nào đó hằng ngày luôn bỏ công sức, tiền bạc ra để trang điểm, làm đẹp cho thân thể như sửa mắt, tô son, trát phấn, làm tóc, sơn móng tay, móng chân, quần áo thì may đủ màu sắc sặc sở đỏ, xanh, vàng, tím, hồng, lam, vvv... Có khi họ còn tìm tới các thẩm mỹ viện để nâng ngực, xẻ cằm, độn mông, hút mỡ bụng, tẩy tàn nhang, xóa vết nám, vvv... Nói chung giới phụ nữ bao giờ cũng luôn luôn tìm ra đủ mọi cách để làm sao níu giữ cho thân thể của mình mãi trẻ đẹp, duyên dáng, thùy mị mặc dù thời xuân sắc của họ cứ mỗi ngày trôi qua là mỗi thêm tàn phai, nhợt nhạt. Và họ đã làm được những gì khi cứ mãi chạy đua với quy luật vô thường sanh già bệnh chết từ xưa nay như thế?
Những hành động, việc làm này của giới nữ chúng tôi gọi là... nói thêu dệt. Nói thêu dệt ở đây tức là nói không phải bằng miệng, mà là nói bằng thân thể đấy các bạn ạ!
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại, Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây...
Không biết các bạn có cho chúng tôi nói bậy hay không, chứ những hành động, việc làm chẳng những chỉ riêng giới phụ nữ đã liệt kê ra ở trên mà còn của tất cả mọi người từ nam phụ lão ấu nói chung đều là nói thêu dệt bằng thân đó thôi.
Thêu dệt nghĩa là chuyện chỉ có một, rất ít nhưng lại tìm cách nói lên năm, lên bảy, lên mười, rất nhiều. Thay vì nên chấp nhận những gì đã có, đang có hay đã đánh mất, trôi qua thì người ta nói chung, giới phụ nữ nói riêng lại luôn tìm mọi cách thêu dệt, thêm thắt, nói khác với những gì xảy ra trong hiện tại. Đó là những việc làm như đã nói là trang điểm, nhồi phấn, xoa hương, nâng ngực, độn mông, nối lông my, nâng mũi, sửa miệng, lột da mặt, vvv...
Riêng giới đàn ông thì không thể thêu dệt bằng các hành động như phụ nữ là nâng ngực, nối lông mi, kẽ mắt nhưng chuyện họ độn mông, ướp hương, sửa miệng, tẩy tàn nhang, vết nám kiêm học, tập các kiểu cách làm sang, nhà giàu, trưởng giả, dân ăn chơi lão luyện, điệu nghệ thì có đấy. Như thời trước 1975 có nhiều thanh niên bắt chước ăn mặc theo kiểu dân cao bồi chăn bò miền viễn tây của Mỹ khi miệng lúc nào cũng cắn đót, phì phèo thuốc lá, hoặc ngồi quán xá ghếch chân lên bàn nhìn khói thuốc bay la đà mà hình dung, tượng tưởng ra đủ mọi chuyện trong bộ óc vốn nhỏ như hạt đậu, hạt bắp. Quần áo cần phải xé rách chỗ này, chỗ kia thì mới ra dân anh chị đá cá lăn dưa giang hồ, lãng tử. Tay chân, mình mẩy cũng cần phải xăm trổ đầy ra để chứng tỏ mình là dân chơi thứ thiệt.
Nói đến chuyện xăm trổ, cũng xin nhắc lại thời trước giải phóng, chuyện xăm trổ thân thể thì chỉ có những tay anh chị đá cá lăn dưa, cướp giựt, giết người không gớm tay mới dám làm chuyện quá kỳ dị như thế. Hoặc đó là những người lính đủ mọi binh chủng, đủ mọi thành phần của QLVNCH. Những người lính mà bây giờ, hôm nay mình còn ngồi đây tâm sự chén vơi chén đầy nhưng một lát nữa chưa biết thằng nào, đứa nào rồi sẽ ra đi. Vùi thây trên chiến địa. Cho nên mạng sống, cuộc sống đối với những người lính sống nay chết mai này là hoàn toàn vô nghĩa. Không đáng giá một xu! Thời đó, chúng tôi từng đọc trên cánh tay, trên lưng ngực những người lính trong cuộc nội chiến triền miên của hai miền Nam Bắc này những câu xăm đôi khi chỉ là biểu hiện cho sự nhung nhớ xa xôi, hay là nỗi hận tức bởi sự bạc đen của tình đời, tình người cùng lòng sục sôi căm hận kẻ bên kia chiến tuyến với những câu như Xa quê hương, nhớ mẹ hiền; Hận đời tuổi trẻ, hận kẻ bạc tình, Xin đừng quên tôi; Sát cộng, Mai tôi chết ai là người xây nấm mộ, Cổ quan tài ai lặng lẽ tiễn chân tôi, vvv...
Nhưng xã hội hôm nay, sau giải phóng lịch sử 1975 thì tất cả đã bị đảo lộn hoàn toàn. Chuyện xăm trổ thân thể với nhiều kiểu, nhiều hình ảnh từ ngộ nghĩnh, lạ mắt lạ tai cho đến quái dị chưa từng thấy của đám thanh niên nam nữ xem ra là đã bình đẳng, bão hòa. Có lần chúng tôi vào ngay tiệm xăm trổ trên đường Nguyễn Lữ-Quy Nhơn thì được biết. Giới thanh niên nam nữ cán bộ làm ở các văn phòng, cơ quan, doanh nghiệp tư nhân và nhà nước bây giờ đối với chuyện xăm trổ là quá bình thường. Cháu từng xăm cho họ quá nhiều nên đâu lạ gì. Lại có cả công an cũng tìm đến xăm nữa. Thanh niên chủ tiệm cho biết như vậy.
Nói chung dù xăm trổ với kiểu cách và những hình ảnh nào đi chăng nữa từ tay, chân, mông, ngực, lưng, háng thì đó cũng vẫn chỉ là cách lấy thân thể thêu dệt hoa lá cành màu mè để cho mọi người hễ khi nhìn vào là sẽ liền biết chủ nhân của nó đang nghĩ gì, muốn nói gì, muốn làm gì đó thôi. Nhất lớp thanh niên nam nữ yêu cuồng sống vội, chạy đua theo thời đại hoặc một khi đã sa lầy, gãy cánh đớn đau, đành chấp nhận duy nhất mỗi con đường còn lại phía trước:
"Một làn khói trắng,
Ru đời vào quên lãng.
Nâng sầu thành hơi ấm,
Hơ dịu tình đau..."
(BÀI KHÔNG TÊN SỐ 7)
Trong vấn đề, câu chuyện dùng thân thể để nói lời thêu dệt hoa lá cành màu mè chúng tôi cũng xin các bạn lưu ý lại các trường hợp này giùm cho. Những tu sĩ Phật giáo thay vì phải sống và ăn mặc đơn giản, thanh bần, tự nhiên theo lời Phật dạy là ba y, một bát thì lạ thay! Đám tu sĩ các hệ phái Mật tông, Thiền tông, Đại thừa lại xúm thi nhau ăn mặc rất diêm dúa, cầu kỳ, quá chướng tai gai mắt với đủ các loại màu sắc sặc sở, quái dị như mũ thì có phái mũ Đỏ, phái mũ Vàng, phái mũ Xanh, áo quần thì hoa hòe, sáng bóng, sang trọng bằng các loại tơ, lụa đắt tiền, bắt mắt. Tay áo thì rộng thùng thình, có thể bao nhốt cả heo, chó, dê vào trong cũng dư sức chứ đừng nói mấy loại nhỏ bé như gà, vịt, ngan, ngỗng, chim, cu, vàng, bạc... Giày dép, vớ tất thôi thì đủ các kiểu cách lạ mắt lạ tai. Chưa nói các loại trang sức đắt tiền khác như bùa chú ngãi nghệ, tràng hạt đeo cổ, đeo tay, đồng hồ, lách, dây chuyền, vvv...
Các bạn nếu không tin, vậy chỉ cần ngồi tại chỗ, không cần đi đâu cả, gõ vào các trang mạng xã hội thế nào cũng sẽ thấy hình ảnh tu sĩ các hệ phái Phật giáo như đã nói về cách ăn mặc, trang phục có phải toàn là thêu dệt, thêm thắt hay là chúng tôi dựng chuyện nói láo, vu khống cho họ?
Còn thế nào là nói dối bằng thân? Nói dối bằng thân là khi mình chỉ là anh dân quèn nhưng một hôm cả gan mua bộ cảnh phục công an, quân phục bộ đội trướng vào rồi ra đường chặn xe hỏi giấy tờ hòng kiếm tiền mãi lộ bất chính. Có khi giả làm cán bộ, công nhân viên cơ sở, doanh nghiệp đi bán hàng tiếp thị nhưng toàn hàng dỏm để lừa phỉnh thiên hạ. Hoặc có lúc đóng vai giám đốc, thủ trưởng đi ký kết hợp đồng làm ăn với các đối tác. Muốn như vậy thì những dạng người này cần phải có bộ vó bên ngoài thật chỉn chu, sang trọng, quyền quý, có cả xế hộp mới cáu cạnh đưa rước, kiêm áo vét thắt cà vạt, giày da hàng hiệu đen bóng, đầu tóc, thân thể sực nức mùi hương quyến rũ bởi các loại nước hoa đắt tiền.
Những hành động, việc làm của những hạng người này chúng tôi cho là nói láo bằng thân, chỉ xin bạn đừng nên nghĩ nói là chỉ có cái miệng mới biết nói, mới biết phát ra các loại âm thanh. Trên thân thể của bạn từ mắt, tai, mũi, đầu, lưng, ngực, hai chân, hai tay nó vẫn biết nói láo, nói thật, nói thêu dệt và nói con cò con cuốc lung tung, loạn xà ngầu như thường ấy chứ?
Các bạn có bao giờ nghe cách dùng hai chân, thậm chí cả mình, cả tay để nói láo của các cầu thủ bóng đá hay chưa? Chưa à?
Những cú lừa tuyệt chiêu của quái kiệt Maradona
Nếu chưa thì đây. Như những cú lừa ngoạn mục, có một không hai của danh thủ Garrincha người Ba Tây mà ngày nay lịch sử bóng đá không thể nào quên những gì mà con người vô cùng đặc biệt này còn lưu lại cho hậu thế.
Cuối cùng, mãi đến năm 19 tuổi, Garrincha mới bắt đầu thử việc ở Botafogo, thực chất đây là lời giới thiệu của một cầu thủ do tình cờ được xem Garrincha chơi bóng ở các đội phường. Cầu thủ ấy quả quyết với CLB rằng mình chưa bao giờ thấy một cầu thủ chuyên nghiệp nào thi đấu xuất sắc như Garrincha ở đội bóng Esporte Clube Dau Grande kia cả.
Bị thuyết phục, BLĐ Botafogo đồng ý chi tiền ngay cái rụp để cầu thủ giới thiệu ấy đến Pau Grande ngay liền và phải lôi theo bằng được quái kiệt Garrincha để thử tài. Thuốc thử của Garrincha là Nilton Santos, hậu vệ trái nổi tiếng của CLB khi ấy đã từng khoác áo Selecao (đội tuyển quốc gia) và cũng là nhân vật quan trọng bậc nhất ở Botafogo.
Kết quả hậu vệ sừng sỏ nhất của Ba Tây đã bị Garrincha lừa bóng qua người dễ như chơi. Nhưng cái cách mà Garrincha lừa qua Nilton Santos là thế này mới đáng nói. Đứng đối diện, bất chợt Garrincha nghiêng người qua trái rồi phải chuẩn bị dẫn bóng đi. Tất nhiên Nilton Santos cũng phải đảo người theo và xoạc chân ra cản đường. Chỉ chờ có thế Garrincha liền luồn bóng qua hai chân Nilton Santos rồi chạy vòng ra sau lưng khiến Nilton Santos bị vặn tréo người, ngã đỗ kềnh ra đất khiến những ai đang xem cũng phải bật ngữa, phì cười trước cú lừa vô cùng tuyệt đẹp chưa từng có này của một cầu thủ vô danh tiểu tốt!
Lịch sử bóng đá thế giới bắt đầu từ đó gọi cú lừa chuyên nghiệp của Garrincha là xỏ lỗ kim, tức luồn bóng qua háng đối thủ. Đã là cầu thủ dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư mà một khi bị đối thủ xỏ lỗ kim thế này là tức hộc máu, chứ không phải chuyện đùa. Như đã nói. Tuy giận tím mặt nhưng Nilton Santos nói ngay với BLĐ Botafogo: "Phải ký ngay hợp đồng chuyên nghiệp để ràng buộc gã ấy, kéo hắn gia nhập đội khác đó!".
Sau khi ký hợp đồng, Garrincha ở lại Rio de Janeiro, và Garrincha ghi ngay liền ba bàn trong lần đầu tiên khoác áo CLB này.
Có một trận đấu mà sự khôi hài đã lên đến đỉnh điểm. Garrincha nhận bóng trong tình huống quay lưng về phía Vairo, đội Achentina. Garincha lập tức quay người rất nhanh và chạy thẳng đến cột cờ góc sân. Vairo cũng vội chạy bám sát theo sau Garrincha như hình với bóng. Garrincha bất chợt dừng lại và... Té ra, Garrincha chỉ chạy không chứ đâu có dẫn bóng! Khỏi nói thì các bạn đã biết khán giả cười như thế nào trên khán đài trước tình huống dùng thân diễn hề lừa đối thủ, tức nói dối có một không hai này của quái kiệt chân cao chân thấp Garrincha!
Bàn tay của "chúa" đã làm cho đội Anh thất bại cay đắng bởi quái kiệt Maradona tại W.C 1986
Đây chỉ là một điển hình dùng thân nói dối qua tài nghệ điêu luyện của danh thủ Garrincha người Ba Tây với cú lừa đã trở nên bất tử là xỏ lỗ kim, luồn bóng qua hai chân đối thủ. Nhưng muốn áp sử dụng động tác này cho đạt hiệu quả thì người cầm bóng trước hết phải biết cách đánh lừa sao cho đối phương phải hoàn toàn tin vào những động tác giả mà mình đang bày ra. Khi đối phương đã tin, đã chịu hướng tâm ý, thân thể theo các hành động đánh lừa rồi thì việc đưa bóng qua háng chỉ còn là thủ tục quá thông thường. Ai làm chả được!
Chúng tôi cũng chưa nói đến trường hợp dùng thân thể nói dối đủ mọi cách kiểu của các ảo thuật gia trong bộ môn ảo thuật nổi tiếng. Chuyện ảo thuật, mà mắt thiên hạ thực hư hư thực như đùa này nhiều khi các bạn lại còn rành rẽ hơn chúng tôi nữa là khác mà.
Rồi thế nào là nói lật lọng bằng thân?
Dùng thân thể để nói lật lọng ít ra các bạn phải hiểu như thế này. Nói lật lọng thông thường là những lời nói phản ngược lại sự sắp xếp, an bài, mặc định trong đầu kẻ đối diện. Ví dụ mình mượn người ta 5-10 triệu, hay người ta cho mình ở nhờ trong nhà của họ. Đến kỳ hạn họ đến hỏi nợ hay đòi nhà, thay vì phải trả nợ, trả nhà cho người ta tức khắc theo lời giao hẹn thì mình lại phùng mang trợn mắt, nói tao không trả mầy làm gì tao? Các bạn phải hiểu tính chất của lời nói này quá rõ ràng là có sự thách đố, khiêu khích, tức lời nói biểu thị của người có sức mạnh cơ bắp, nếu cần là họ sẽ cho biết sức mạnh đó như thế nào. Hoặc lời nói này là của người có một thân thế, quyền lực sau lưng rất mạnh. Bởi chính nhờ dựa vào nhiều thứ, nhiều loại quyền lực, thân thế tà có, chánh có, ma có, phật có bao bọc từ bên ngoài hoặc là sức mạnh của cơ bắp, võ nghệ nội tại thì những hạng người này mới có thể dám nói lật lọng, ngang ngược như vậy. Chứ nếu như cơ thể của họ quá yếu đuối, bạc nhược hoặc đó là người cô thân độc mã, không nơi nương tựa chắc chắn những dạng người này sẽ không bao giờ dám mở miệng nói những lời lật lọng, phản ngược tình hình, trạng thái như vậy. Lỡ may bị người đối diện tức giận, nổi cơn tam bành lục tặc đập cho một trận túi bụi, tơi bời hoa lá thì sao?
Các bạn đã hiểu tính chất, diễn biến của lời nói lật lọng này chưa?
Còn trường hợp khi một người dùng thân thể để nói lời lật lọng thì nó cũng tương đương, ngang bằng với tính chất khi dùng miệng lưỡi để biểu hiện sự việc, tình huống chứ không gì khác. Lời nói lật lọng của thân ở đây là trong trường hợp khi tài năng võ nghệ hay sức mạnh, mưu chước của cá nhân được mang ra áp sử dụng triệt để, tổng lực để bất ngờ chuyển đổi tình thế hất ngã, hạ gục đối phương. Như khi bạn bị đối phương đánh tới tấp, bạn giả đò lui dần về phía sau để né đòn, đồng thời lừa dịp, chờ đối phương sơ hở bạn xoay người đánh cú chỏ lật khiến đối phương dính đòn bất ngờ vào chỗ hiểm nên loạng choạng té ngã. Chỉ chờ có thế, bạn nhào tới bồi liên tiếp vài cú khiến đối phương nằm thẳng cẳng, nốc ao tại chỗ.
Trong bất cứ bộ môn võ thuật nào cũng có dạy cho môn sinh những đòn lật lọng, phản công tự vệ sở trường rất hiệu quả, đạt chất lượng mà chỉ những người ở trong cuộc mới hiểu rõ từng chi tiết hiểm yếu, độc đáo của những đòn thế lật ngược tình huống dạng này.
Các bạn cũng nên biết thêm. Trong bộ môn võ học, được giới chuyên môn phân ra hai loại, là võ đấu đài và võ trận. Võ đấu đài là có sự tổ chức và tham gia, giám sát của nhiều thành phần chuyên nghiệp, trong đó tất nhiên phải có sự cấp phát giấy tờ danh chính ngôn thuận hoặc ít ra cũng phải có sự hiện diện của chính quyền địa phương, nơi tổ chức trận đấu để bảo vệ cho trận đấu không bị gián đoạn bởi những sự cố ngoài ý muốn mang đến. Riêng lĩnh vực võ trận thì lại khác. Võ trận là những trận đánh mà sự quyết định thắng bại là do hai bên quyết định tất cả, nó không liên hệ gì đến các bên tham gia tổ chức, như đánh để lấy bằng khen, món tiền thưởng hay để tạo tiếng tăm, danh dự trong làng võ của cá nhân và cho môn phái. Điển hình là trận đánh của quân đội Tây Sơn và Hoàng Đế Quang Trung với 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh đầu năm Kỷ Dậu 1789. Hoặc trận tiêu diệt quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Thêm nữa là mười năm trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh của Bình định vương Lê Lợi. Tất cả những trận đánh này có khi vừa là dùng vũ khí giao chiến trực tiếp, vừa là dùng sức mạnh và mưu kế tổng hợp để dụ địch, đưa địch lọt vào trận địa mai phục hòng dễ dàng hốt cốt toàn bộ đám giặc thù truyền kiếp của dân tộc.
Với những trận đánh mà cục diện, tình hình đã được xác định nó là sự tồn vong của cả một dân tộc, đất nước, thưa bạn, thì bất kể những thủ đoạn và mưu chước, cứ hễ đánh cách nào mà địch quân bị tiêu diệt sạch sẽ, đồng thời quân bên ta không bị hy sinh quá nhiều thì chiến lược của trận đánh đó sẽ được chấp nhận, thông qua và thành công trọn vẹn. Tóm lại. Trong đánh võ trận, cả hai bên giáp chiến đều dùng tất cả những mưu kế, thủ đoạn để lừa phỉnh, đánh lừa phe bên kia hòng đảo ngược tình hình, chiếm thế thượng phong. Lịch sử chiến tranh Việt Nam và thế giới có quá nhiều những trận đánh mà âm vang của nó còn vọng mãi đến ngàn năm, triệu năm về sau. Ngoài những trận đánh nói ở trên Việt Nam còn có trận đánh làm rung chuyển hoàn cầu tại Điên Biên Phủ năm 1954 dưới sự chỉ huy, lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong những chiến thắng của các trận đánh vang dội này, như đã nói tất nhiên người ta phải biết áp sử dụng mưu kế dùng thân lật lọng, lừa đối phương vào tròng để xoay chuyển tình thế, thời cuộc. Và bên nào cao cơ, lão luyện hơn thì bên đó chiến thắng. Đơn giản thế thôi.
Lại cũng có trường hợp dùng thân lật lọng vô cùng kỳ thú, hấp dẫn như câu chuyện sau đây. Bạn đã nghe câu chuyện dùng "Khổ nhục kế" của Nguyễn Nhạc để cướp thành Quy Nhơn dễ ẹt như ông Tư Cò thò tay ngắt một cọng râu khi xưa chưa? Câu chuyện thế này. Sau khi đã trụ đứng vững vàng ở căn cứ địa Tây Sơn, Nguyễn Nhạc lập mưu đánh chiếm thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc cho bộ hạ đóng giả quân phản bội Tây Sơn lấy dây cột trói mình, nhốt vào cũi rồi khiêng đến giao nộp cho quan trấn giữ thành Quy Nhơn. Tướng giữ thành là Nguyễn Khắc Tuyên còn gì nữa mà không tin, bèn cho quân lính khiêng Nguyễn Nhạc vào nhốt trong thành. Nửa đêm, quân Tây Sơn trá hàng âm thầm tháo cũi, mở trói cho Nguyễn Nhạc. Và Nguyễn Nhạc đã cùng đám lính trá hàng phối hợp với phục binh bên ngoài ùa vào đánh chiếm thành Quy Nhơn chớp nhoáng nội trong một đêm. Nguyễn Khắc Tuyên vội vã bỏ cả gia đình, ấn tín chạy trối chết.
Rồi từ Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc đánh thẳng ra Quảng Ngãi. Sau đó, tiến đánh vào Phú Yên, rồi Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận, vvv...
Các bạn có thấy mưu kế dùng thân lật lọng để đảo ngược tình hình, chiếm thế thượng phong quá tuyệt vời của người xưa hay chưa? Nếu có thời gian, rảnh rỗi, bạn gõ vào các trang mạng sử học hay võ học bạn sẽ đọc, sẽ biết có đến muôn vàn những trường hợp, những mưu kế dùng thân nói lật lọng để chuyển bại thành thắng bàng bạc khắp trong lịch sử cổ kim nhân loại, chứ không riêng trường hợp dùng "Khổ nhục kế" lấy thành Quy Nhơn của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc khi xưa. Một điển hình nữa là dùng thân lật lọng của Nguyễn Huệ trong trận đánh kinh điển trên sông Rạch Gầm Xoài Mút vào năm 1785 khiến 5 vạn quân Xiêm Nguyễn rụng bay tan tác như hoa lá trước trận cuồng phong bão tố sấm sét của đoàn quân thiện chiến Tây Sơn.
Nói đến dùng thân lật lọng, đảo ngược tình thế chúng tôi dám chắc nhiều khi các bạn cũng đã áp sử dụng rất nhiều những trường hợp và nó đã mang lại những thành công vang dội không phải là ít. Nhất những võ sĩ thường hay lên đài so găng tranh tài cao thấp ở khắp các tỉnh thành đó đây. Nói đến võ nghệ, cũng xin hiến cho các bạn một câu chuyện dùng thân lật lọng kinh điển được lưu truyền trong làng võ Tây Sơn về võ sư Hồ Ngạnh như sau:
"Trong võ thuật, vũ khí không chỉ để công mà còn là để thủ. Công hay thủ đều đòi hỏi sự tinh nhạy của người đánh. Lúc Hồ Nhu đã tiến bộ, mỗi khi cậu múa roi, bà mẹ di chuyển xung quanh, dùng sỏi ném vào. Sỏi trúng vào roi vào người cậu kêu cắc cắc, bụp bụp. Ban đầu cậu đỡ đòn còn vụng về, sau điêu luyện dần, đường roi vun vút, tiếng sỏi va cắc cắc mỗi lúc một giòn. Những vốc sỏi ném vào bị đường roi của Hồ Nhu gạt rụng rào rào như một cơn mưa.
Việc ông đạo sĩ võ đến lánh nạn tại nhà họ Hồ là cơ duyên đặc biệt để Hồ Nhu tiến tới bước "đại thành" trong kỹ thuật đánh roi. Vị đạo sĩ này rất giỏi roi Kinh, thời còn tại triều ông đảm trách việc luyện roi cho quân cấm vệ hoàng thành. Trong những ngày lưu lại Thuận Truyền, khảo sát tâm tính và vốn võ nghệ của Hồ Nhu, ông đạo sĩ nhận ra một năng khiếu võ học hiếm có. Để đền ơn bạn đã cưu mang, ông quyết định luyện các ngón roi bí truyền cho cậu thiếu niên.
Người con đầu của Hồ Nhu tên là Ngạnh. Theo phong tục Bình Định, người ta gọi cha mẹ bằng tên con. Gọi riết thành quen, người đời gần như chẳng mấy ai nhắc tới tên húy của ông mà gọi luôn là Hồ Ngạnh.
Đặc điểm roi Hồ Ngạnh (hay đặc điểm roi Thuận Truyền) là lấy nghịch chế thuận, vận dụng triệt để phép âm dương để trả đòn, đánh hạ đối thủ. Đường roi Lạc Côn Hồ Nhu học từ Hồ Khiêm là đường roi tuyệt kỹ với nguyên tắc cộng lực, dựa sức đối phương để đánh lại đối phương. Còn ngón roi đánh nghịch độc đáo do một vị đạo sĩ võ truyền cho, Hồ Nhu chỉ dùng đến khi đối phương là cao thủ mà để lộ sát khí, tức là có ý hãm ông vào chỗ chết. Tương truyền ngọn roi khai tử của ông chấm vào sa mỡ của kẻ nào là kẻ đó cầm chắc cái chết trong vòng ba, bảy ngày. Roi Đổ thủy (một đầu chúc một đầu ngửa), roi Rút (đánh hai đầu) và roi Điểm huyệt cũng là các tuyệt chiêu của ông. Những ngón roi này ông chỉ truyền cho một vài học trò tâm đắc.
Mỗi bài roi Thuận Truyền -nay đã khá phổ biến ở Bình Định- gồm lời thiệu và động tác. Lời thiệu để dẫn dắt động tác, còn động tác là các đòn thế được tổ chức theo các phách roi cơ bản. Các phách roi cơ bản là Bát, Bắt, Triệt, Chận, Hoành, Khắc, Lắc, Tém. Bát: phá đòn đánh từ trên xuống; Bắt: phá đòn đâm từ nửa thân trên; Triệt: phá đòn đánh tạt ngang sườn; Chận: phá đòn đánh phất của đối phương; Hoành: đưa ngang roi bên trái rồi bên phải để lựa thế tấn công địch thủ; Khắc: làm cho roi của đối phương văng ra xa; Lắc: né đòn tấn công đâm thẳng từ thắt lưng trở lên; Tém: tóm gạt tất cả đầu roi, đòn đâm thẳng của đối phương. Trong đó, có phách nặng về thủ, có phách nặng về công, cũng có phách vừa thủ vừa công. Roi tiên quyền tiếp. Với môn roi, bên ra đòn trước thường chiếm thế thượng phong. Nhưng không phải lúc nào, trận nào anh cũng gặp thuận lợi để ra đòn trước, do đó phải biết thủ để tìm cơ hội. Thủ không có nghĩa là né đòn thụ động, mà phải biết cách phá trừ đòn của đối phương rồi liền đó ra đòn tiêu diệt đối phương. Cũng có khi thủ là một cách trá bại để nhử đối phương vào thế. Các phách roi được sử dụng không phải nhất nhất theo thứ tự trên, mà phải linh hoạt. Linh hoạt ở chỗ không chỉ vận dụng phách nào thích hợp, mà còn biết chuyển hóa hư thực trong từng phách. Sự linh hoạt ấy biểu hiện đa dạng, nhưng có thể rút ra mấy đấu pháp: dùng thủ để công, trước thủ sau công, trừ công để thủ, thủ giả công thật.
Tiếng tăm con nhà võ đi liền với thành tích trong giao đấu. Nhưng việc săn tìm danh tiếng là quá xa lạ với tính cách Hồ Ngạnh, vì ông trầm tĩnh, ít nói và chẳng bao giờ khoe khoang. Song ở đời hữu xạ tự nhiên hương, tiếng đồn Hồ Ngạnh giỏi roi khiến nhiều cao thủ tò mò. Một bữa nọ ông đang tắm ở giếng thì một người đi đường bước tới hỏi xin nước uống và cầm cái gáo dừa chờ ông sớt nước cho. Hồ Ngạnh vừa cúi xuống lấy gàu thì vị khách nọ vung gáo đập vào đầu. Nghe hơi gió, ông vung ngay dây gàu đỡ thân gáo rồi sẵn đà co chân xuất cước đá văng vị khách vô lễ khỏi thềm giếng. Một lần khác Hồ Ngạnh đi ăn giỗ về hơi tối, bất chợt một bóng đen từ bụi rậm vác đao nhảy ra đón đường. Ông rút khăn lông trên vai vung lên, trong nháy mắt đoạt gọn cây đao. Bóng đen chắp tay xin lỗi. Hỏi, người ấy thưa rằng nghe đồn ông Ngạnh giỏi nên muốn thử sức. Hồ Ngạnh chỉ cười không nói, quăng trả cây đao, đi thẳng.
Các võ nhân thử tài Hồ Ngạnh thì nhiều, nhưng chỉ có hai nhân vật nổi tiếng nhất là Dư Đành và Tàu Sáu.
Dư Đành, như đã nói, là một cao thủ võ lâm đương thời, cầm đầu một đảng cướp, hoành hành khắp vùng Tuy Viễn. Nghe tiếng Hồ Ngạnh Thuận Truyền, Dư Đành bèn nhắn tin hẹn gặp. Đêm đến, Hồ Ngạnh một mình một roi ra điểm hẹn. Bè đảng Dư Đành chờ sẵn, mời ông hợp tác làm ăn. Hồ Ngạnh từ chối. Bên Dư Đành ra điều kiện nếu đấu thua phải gia nhập đảng cướp. Hồ Ngạnh chỉ cười khẩy. Thế là điểm hẹn nơi truông vắng xảy ra một trận thư hùng. Mặc dù bên đối phương đông, Hồ Ngạnh không hề nao núng. Đàn em Dư Đành tuy vào hàng cao thủ, nhưng đều không phải là đối thủ của Hồ Ngạnh. Khi bọn đàn em bị đánh rạp, Dư Đành mới lộ diện. Ngoài sức mạnh vô địch, Dư Đành còn có võ công lão luyện, nhưng trước đường roi thượng thừa của Hồ Ngạnh, tên chúa đảng khét tiếng không sao tìm ra chỗ hở. Thấy Dư Đành ỷ sức hung hăng, Hồ Ngạnh sử dụng tuyệt kỹ, đá văng thiết bản khỏi tay đối phương rồi xoay người giở thế đánh nghịch. Ngọn roi phăng tới, Dư Đành biết kết cục đã đến, nhắm mắt chờ đợi, nhưng tay roi vừa chạm áo đối phương Hồ Ngạnh đã thu về.
Nhưng Dư Đành vẫn chưa chịu bỏ cuộc.
Một hôm Dư Đành cho đàn em lên rẫy Hồ Ngạnh nhổ hết củ mì (củ sắn) chất thành mấy giỏ lớn và cho người về báo cho Hồ Ngạnh rằng Dư Đành đang ở rẫy mì, nhắn Hồ Ngạnh ra gặp. Lúc Hồ Ngạnh tới nơi chỉ thấy mấy giỏ mì và đòn gánh để sẵn chứ không thấy người. Đoán rằng Dư Đành âm mưu chờ mình quảy mì về sẽ tấn công nên Hồ Ngạnh quay về tay không. Quả nhiên Dư Đành đã phục sẵn bên hàng rào chè của một nhà gần đường đi với một cái bắp cày bằng gỗ kiền kiền nặng trịch. Hồ Ngạnh vừa trờ tới, Dư Đành vung bắp cày ngang cổ ông đánh phạt qua. Nghe hơi gió, Hồ Ngạnh trụt xuống, bắp cày của Dư Đành đang đà phạt ngang cây bồ lời đứt tiện làm đôi như dao chém chuối. Nhanh như chớp, Hồ Ngạnh đi ngựa áp sát tới, chụp ngang bắp cày trên tay Dư Đành, rồi vận dụng phép cộng lực trong thế lạc côn, biến sức đối phương thành sức của mình, hất mạnh Dư Đành lọt vào giữa bụi tre đánh roạt. Mắc kẹt giữa bụi tre um tùm không cách nào thoát được, Dư Đành cất tiếng xin Hồ Ngạnh tha tội và đưa giúp mình ra ngoài. Hồ Ngạnh giận, nói: "Chú đánh hiểm vậy, tôi né không kịp thì đứt đầu rồi, còn xin tha sao?". Dư Đành hạ mình: "Tôi biết thế nào anh Chín cũng né được. Xin anh Chín rộng lượng bỏ qua. Từ nay tôi không dám nữa.". Hồ Ngạnh thấy Dư Đành van nài tha thiết quá, bèn mượn cây rựa phát tre cho Dư Đành ra ngoài. Xúc động trước sự đối xử cao thượng của họ Hồ, Dư Đành quỳ gối cúi đầu tạ tội và thề sẽ không bao giờ dám xâm nhập đất Thuận Truyền. Quả nhiên từ đó về sau, Dư Đành giữ đúng lời hứa.
Tàu Sáu -Diệp Trường Phát- là một võ sư người Minh Hương ở An Thái. Việc thử tài của ông với Hồ Ngạnh là một ước định hữu hảo với hai môn côn, quyền, nhằm tìm hiểu tài nghệ của nhau nên giao hẹn không gây thương tích, chỉ dùng mực ghi dấu trên y phục của đối thủ. Cuộc tỷ thí của hai ông diễn ra trước sự chứng kiến của rất nhiều người, lấy thời gian tàn một cây nhang tính một hiệp giao đấu. Qua mỗi hiệp hai người tự thông báo trên người mình có bao nhiêu dấu mực của đối phương. Về quyền, mặc dù số dấu mực trên y phục hai bên bằng nhau, nhưng khi xem lại thì dấu mực của Tàu Sáu trên áo Hồ Ngạnh nhạt hơn. Ông Ngạnh thẳng thắn thừa nhận mình thua Tàu Sáu một bậc. Người xem thắc mắc, ông phân tích: Đường quyền thế cước của Tàu Sáu hàm chứa sức mạnh giông bão, nếu đi trọn có thể đoạt mệnh hoặc gây chấn thương nặng cho đối phương, nhưng do đã đạt đến mức vận hành công lực như ý nên dấu mực vừa điểm nhẹ trên áo Hồ Ngạnh, Tàu Sáu liền thu khí công về trong nháy mắt. Về côn, hai ông cũng giở tất cả sở trường ra thi đấu, người xem không còn thấy rõ bóng người, chỉ thấy đường côn loang loáng và tiếng côn đập vang lên bôm bốp. Khi vừa tàn cây nhang, hai ông dùng thế hồi loan nhảy vút ra ngoài, bái tổ, rồi chào nhau, sắc diện vẫn điều hòa tươi tỉnh. Họ lại tự báo với nhau số dấu mực trên người. Tàu Sáu mang nhiều dấu mực hơn, ông kính cẩn hoành côn xá ông Ngạnh, ứng khẩu: “Đoản côn Thuận Truyền duy hữu chủ”, nghĩa là: Đoản côn chỉ có Thuận Truyền (Hồ Ngạnh) làm chủ.
Hồ Ngạnh mất năm 1976. Các học trò thống nhất tôn ông làm tổ sư của môn phái và lấy ngày giỗ ông (mồng 6 tháng 2 âm lịch) làm ngày giỗ Tổ hàng năm".
Bài viết này chúng tôi trích trên trang mạng của Lê Viết Thọ. Qua bài viết này của Lê Viết Thọ nói về chuyên môn trong nghiệp võ chúng tôi chỉ với chủ ý muốn cho các bạn hiểu rõ hơn về cách dùng thân nói lật lọng phần nhiều nằm trong bộ môn võ học với mục đích duy nhất là lật ngược, đảo xoay tình thế từ thủ sang công, chiếm thế thượng phong và hạ nốc ao đối phương ngay tại chỗ. Những trường hợp dùng thân nói lật lọng như trên mà các bạn đã đọc qua xin nhắc lại nó cũng tương đương với dùng miệng lưỡi nói lời lật lọng vậy. Tức là khi một người muốn dùng thân hay khẩu nói lời lật lọng thì người đó như đã nói là phải có thân thế và sức mạnh, mưu chước. Nếu không có đủ hai, ba điều kiện cơ bản này hỗ trợ đắc lực thì sự việc sẽ phản tác dụng ngay liền! Và nó sẽ mang lại hậu quả khôn lường cho người sử dụng nó.
Vậy bạn đã hiểu dùng thân nói lời lật lọng là gì rồi chứ gì?
Còn thế nào là dùng thân nói lời độc ác?
Có quá nhiều cách, nhiều trường hợp dùng thân nói lời độc ác như sau và như sau... mà chúng tôi dám khẳng định cứng ngắc một điều rằng. Từ lúc lọt lòng mẹ cho tận đến hôm nay, khi mà các bạn đọc được bài viết này thì đã biết bao lần các bạn từng dùng thân thể nói lời độc ác đối với rất nhiều hạng người, trong đó, khổ nổi, nạn nhân của những trò độc ác này lại chính là mẹ cha, ông bà, chú bác, anh chị em của chính các bạn. Hoặc có khi đó là thầy cô, bạn bè, láng giềng, người làm và những kẻ ăn xin lang thang, cơ nhỡ, vvv...
Đó là khi các bạn thấy người ăn xin đứng co ro, rẩy run trước cửa nhà trong gió mưa lạnh lẽo chờ đợi chút ban bố từ lòng thương hại của xã hội nhưng các bạn ngoảnh mặt, giả lơ đành đoạn. Hoặc lúc các bạn đi trên đường, liếc mắt thấy người cùi hủi đưa tay chờ chút bố thí rơi rớt nhưng các bạn hất mặt ngưỡng thiên, đi thẳng một lèo mất tăm dạng. Lại có khi các bạn cúi mặt, chăm bẳm vào màn hình bấm bấm, xóa xóa, mặc cho mẹ, cho chị của mình kêu gọi ra giúp việc này, việc nọ. Trời đã trưa lắm rồi đó con, đó em...
Hoặc các bạn là một cán bộ cơ quan nhà nước, làm trong các ủy ban huyện, xã, phường, thành phố, vvv... Khi các bạn thấy những người dân dã, thôn quê, nghèo khổ ôm xấp giấy tờ ló thụt, rón rén bước vào phòng chờ giải quyết các bạn liền khoát tay, đứng dậy ra khỏi phòng, khóa trái cửa lại mà không buồn nói một câu mặc dù chưa hết giờ làm việc khiến kẻ nghèo khổ kia chỉ còn biết đứng im lặng, bất lực, buồn bã, mặc cảm cho số phận hẩm hiu. Họ thầm hiểu rằng chính do sự rách rưới, bần hàn, xấu xí của bản thân, gia đình, giai cấp nên đã bị mọi người lạnh nhạt, thờ ơ, đuổi xua như thế!
Cũng có khi bạn là một tài xế, một người lái, chạy xe một mình bon bon trên đường vắng nhưng bạn vẫn khẽ nhún vai cách điệu, lạnh lùng, đành đoạn nhấn ga chạy thẳng một lèo trước sự vẫy tay rối rít xin quá giang đi nhờ của khách bộ hành lỡ đường mặc dù lúc này hoàng hôn đã trùm phủ lên ngàn cây nội cỏ. Sáng hôm sau, người ta phát hiện tại cây số bạc mệnh kia có một thi thể thiếu nữ nằm chết lõa lồ do bị hiếp, giết để bịt đầu mối của hung thủ. Tại đây, ngay cây số bạc mệnh này sau bà mẹ già nua, nghèo khổ của người trinh nữ xấu số kia đã dựng một trang thờ để tưởng nhớ một linh hồn bé nhỏ lạc lõng, tội nghiệp, không biết đi về đâu, ở đâu trong lời khấn nguyện, trong làn khói hương vô nghĩa quyện bay vào không gian lạnh lẽo, u buồn...
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Trên cành bao tơ liễu kéo nhau chạy xuống hồ.
Mây xám bay bay làm tôi thấy,
Quanh tôi và tất cả một trời chít khăn xô.
Sáng nay vô số lá vàng rơi,
Người trinh nữ ấy đã xa lìa cõi đời...
(HỒN TRINH NỮ)
Rồi cũng có những khi không phải bạn vô tình, mà là bạn cố ý dùng thân quyết cán chết người cho bằng được với hai ba lần chạy xe tới, chạy xe lui khiến cô bé tội nghiệp, thơ ngây kia đành phải chết tức tưởi, cơ thể nát bấy dưới những chiếc lớp vô hồn, khổng lồ bởi sự tàn ác, dã man của bạn. Sở dĩ chúng tôi nói các bạn dùng thân thể cán người chết là bởi có phải hay không các bạn lúc đó dùng tay kéo, đẩy cần số tới, số lui, lấy chân đạp thắng, dậm ga quyết giết chết sinh linh bé bỏng, tội nghiệp kia cho bằng được mới thôi, mới hả dạ vừa lòng thú tính rừng rú, hoang dã của bạn.
Những hành động giết người dã man, cố ý đó các bạn đừng thơ ngây cụ, hồn nhiên cho rằng đó là do chiếc xe, hay là do trí óc, tư tưởng. Nếu các bạn nghĩ, nói như vậy là lầm to rồi đấy! Như khi các bạn chạy xe muốn rẽ qua trái, qua phải không lý các bạn thò đầu ra ngoài nói cho tôi qua phải, cho tôi qua trái? Các bạn nói như vậy thì lúc này ai nghe tiếng kêu gào vô lý, lạc lỏng của các bạn? Đây chính là lý do để những loại đèn xi nhanh trái phải, cùng còi báo hiệu xin đường, qua mặt của các loại xe lớn nhỏ từ hai bánh, bốn bánh, sáu bánh ra đời kịp lúc để đáp ứng cũng như để bảo vệ mạng mạch giao thông an toàn cho mọi người và cho mọi phương tiện giao thông cơ giới đó các bạn ạ!
Riêng chúng tôi, người đứng trong trong lĩnh vực tu hành của Phật giáo nhìn ra thì những hành động đưa tay nhấn còi, xi nhanh đèn trái, phải, hay dùng chân nhấn ga, hãm phanh, dậm col, vô trả số, vvv... đều phải gọi là hành động của thân hành. Không thể nói đơn thuần, đơn điệu, đơn phương, đơn tuyến đó là tín hiệu, báo hiệu giao thông như cách nói đơn giản của người trên lĩnh vực chuyên môn và trên các văn bản về pháp luật hay quy tắc giao thông.
Có quá nhiều, còn rất nhiều những trường hợp dùng thân để nói những lời độc ác, những lời lật lọng, thêu dệt và gian dối, lừa đảo nữa chứ không phải chỉ có bấy nhiêu. Có thể trong các bạn đây cũng có rất nhiều người còn biết nhiều hơn những gì chúng tôi vừa liệt kê, nói ra nữa là khác. Nhưng tại sao có rất nhiều người hiểu biết về những gì mà chúng tôi vừa nói ở trên nhưng tuyệt nhiên xưa nay không một ai chịu nói, viết ra để cho tất cả mọi người cùng hiểu, cùng giác ngộ những sự thật chìm khuất bao lâu ở ngay chính trên thân thể của mình là lý do tại sao? Đồng thời, qua đó cũng chính là để xác định lại bài kinh THẬP THIỆN, MƯỜI ĐIỀU LÀNH có phải do Đức Phật thuyết giảng hay do các tổ thầy dỏm sau này bịa ra với mục đích đã rõ mười mươi là đưa con người và xã hội đi vào chỗ ngu dốt, tăm tối hòng dễ bề lừa đảo, thâu tóm danh lợi?
Chính vì lý do nói là đặc biệt nhưng thật ra là quá tầm thường này mà chúng tôi mới dám khẳng định tất cả các bạn, thậm chí cả thế giới này, nhất những tu sĩ Phật giáo từ trong nước, ngoài nước, từ miền nam, miền bắc và từ đông sang tây hầu như đều bị BÓNG ĐÈ hết cả!
BÓNG ĐÈ chúng tôi xin nhắc lại động từ này không phải là các bạn bị bóng chàng hay bóng nàng ở cõi âm đè kẹp. Mà là các bạn bị những truyền thống, truyền thuyết cùng những nhân vật hư cấu, câu chuyện không có thật trong lịch sử, cả trong lĩnh vực văn sử học, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh kẹp đè cứng ngắc từ bao lâu. Với bài viết này khi đọc qua tất các bạn sẽ hiểu Thập thiện hay Mười điều lành chỉ là một bài kinh tào lao thiên tướng, tầm bậy, không hề có trong Phật giáo! Mà nó do các thầy tổ dỏm tu hành chưa đến nơi đến chốn hay do tu trật đường rầy nên từ con rắn lại xúm đè cứng ngắc vẽ thêm chân móng, râu ria, mồng miếc, vài cụm mây rồi cho là con rồng. Nếu các bạn cho chúng tôi ăn ở không ngồi nói bậy, vậy các bạn thử kiểm tra lại xem trên thân các bạn ngoài các lỗi thường hay vi phạm mà tất cả các loại kinh sách của Phật giáo xưa nay đều ấn định chỉ có ba là Sát sanh, Trộm cướp, Tà dâm. Nhưng trong bài viết Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ chúng tôi đã vạch, chỉ ra không phải thân chỉ có vi phạm ba lỗi như trên. Mà thân còn có các lỗi như ăn, ngủ phi thời, quần áo ống cao ống thấp, lôi thôi, luộm thuộm, đi đứng ngồi nằm thì ngã nghiêng, tênh hênh, vụt chạc, thêm trèo leo, chạy nhảy khiến mất tư cách, oai nghi tế hạnh. Nay bài viết này chúng tôi lôi kéo, chỉ ra trên thân thể con người còn có bốn cách nữa để thực hiện những hành động, việc làm mang tính cách biểu thị cho bản chất gian dối, thêu dệt, lật lọng và độc ác cố hữu của mọi con người, và của cả nhân loại này nữa.
Thập Thiện dỏm của thầy tổ dỏm viết ra mục đích để lừa đảo phật tử và tiêu diệt đạo Phật
Như vậy, những kinh sách và những thầy tổ nào từ xưa nay từng đưa ra các quy định, nguyên tắc như đinh đóng cột trong bài kinh gọi là THẬP THIỆN hay MƯỜI ĐIỀU LÀNH như dưới đây thì xin các bạn chớ có tin! Thậm chí, các bạn cần phải mang tất cả những loại băng đĩa, kinh sách dỏm, giả này, cả hình ảnh của những thầy tổ dỏm mà các bạn hữu ý vô tình đã thờ cúng cung kính nghiêm trang, cẩn mật trên đẩu cổ ra đập sạch, đốt sạch hết ngay liền cho! Chứ các bạn hoặc luyến tiếc hoặc sợ hãi, không dám mang ra thiêu hủy, đập sạch mà cứ vẫn tật ấy chứng nào. Để chây ì tại đó thêm ngày nào là ngày đó sẽ còn mang lại nhiều nguy hiểm trước hết là cho gia đình, con cháu, giòng họ, sau là cho con người và xã hội.
THÂN:
1/Sát sanh
2/Trộm cướp
3/Tà dâm.
KHẨU:
1/Nói dối
2/Nói thêu dệt
3/Nói lật lọng
4/Nói lời độc ác.
Ý:
1/Tham
2/Sân
3/Si.
Các bạn đã thấy rõ quy định thống nhất, rập khuôn, bổn cũ soạn lại lại soạn cũ bổn của các loại băng đĩa, kinh sách dỏm của các thầy tổ dỏm về các lỗi lầm mà Thân Khẩu Ý thường hay vi phạm gom lại có mười lỗi được chúng tôi liệt kê ra ở trên. Đây là chứng cứ về sự ngu đặc, dốt đặc, mù mờ, nhập nhằng nhân quả thiện ác, đúng sai của các thầy tổ dỏm xưa nay đối với GIỚI KINH và con đường giải thoát của Phật giáo Nguyên thủy do Đức Phật dựng lập. Không phải do các thầy tổ dỏm lãnh đạo các hệ phái đã từng ngang nhiên chiếm hùng cứ, phân chia tan nát Phật giáo như Nam tông, Khất sĩ tông, Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông kiến giải, viết sách, in ấn cùng thuyết giảng lung tung khiến con đường giải thoát chân chánh của Phật giáo đã bị đóng bít từ hơn 2500 về trước. Và cũng từ đó đến nay không một ai làm sao còn có thể cách nào tu chứng quả giải thoát Alahán cho nổi với những kinh sách, băng đĩa kiến giải, tưởng giải loanh quanh, mù mờ, tào lao thiên tướng như bài pháp THẬP THIỆN hay MƯỜI ĐIỀU LÀNH thế này chẳng hạn.
Tóm lại. Qua bài viết này chúng tôi muốn cho các bạn thấy rõ ràng, cụ thể, chi tiết những lậu hoặc, những lỗi lầm thường hay xảy ra trên thân thể các bạn nhưng các bạn không hề mảy may hay biết. Và chúng tôi cũng đã vạch, chỉ ra lý do nào đã cản đường, chốt chặn khiến cho các bạn từ đó đã không thể nào hay biết những lỗi lầm mà mình đã từng vi phạm, gây ra từ xưa nay. Đó chính là do các bạn bị BÓNG ĐÈ phải chăng?
Bài viết này được xem là bài nối tiếp cho bài Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ để chỉ ra, chỉ thêm những cái sai, đúng hơn là những cái ngu của bài kinh nói là THẬP THIỆN, MƯỜI ĐIỀU LÀNH do các thầy tổ dỏm của loạn "Thập nhị sứ quân" Phật giáo kiến giải, tưởng giải viết ra từ lâu. Và tất cả, từ người viết, người đọc đã cùng xúm dựa vào bài kinh dỏm này để đặt vào đấy một niềm tin bất động cho một tương lai xán lạn, rạng rỡ nếu hằng ngày cắm đầu, cắm cổ, chỗng khu chăm chằm chằm quyết thực hiện đúng lời dạy của bài kinh này thì thế nào cũng sẽ được tái sanh về các cõi trời để thọ hưởng phước báu hữu lậu dài lâu.
Nếu chúng tôi không trực ngôn, trực hạnh, ngồi viết ra những bài viết dạng này thì bảo đảm rằng. Mãi mãi sẽ không có bất cứ một người nào khác có thể viết được, chỉ ra được những sai đúng, có không như thế này trong Phật giáo, kể cả những cái sai trong văn sử học. Bằng chứng với thời gian trôi qua đã hơn 2500 năm mà toàn bộ tu sĩ Phật giáo từ đông sang tây, từ trong nước, ngoài nước đều cho THẬP THIỆN hay MƯỜI ĐIỀU LÀNH là bài kinh do Phật thuyết. Chỉ đến khi chúng tôi chỉ ra những cái sai, cái dỏm, cái không có, cái nhập nhằng, chồng chéo, mù mờ, ngu dốt của bài kinh dỏm này thì có một số ít người từ đó mới bật ngữa, và họ đã đồng ý, chấp nhận bài viết của chúng tôi rất đúng, rất hay. Nhưng tận trong thâm tâm của những con người này thì vẫn cứ tật ấy chứng nào. Chưa chịu khuất phục. Và họ vì thế vẫn giữ thái độ im lặng, thản nhiên, coi như không có gì xảy ra. Đây chính là lý do để họ không bao giờ xúm vào bình luận, cho chúng tôi là người viết đúng, viết rất hay.
Tại sao lại xảy ra trường hợp như vậy?
Điều này chúng tôi nói ở trên rồi. Đó là do họ bị BÓNG ĐÈ chứ có gì lạ đâu?
Có thể, sắp tới, nếu không có gì thay đổi thì có nhẽ cần phải có ai đó đích thân đứng ra tổ chức một cuộc kết tập, chỉnh sửa toàn bộ lại bốn bộ kinh gốc của Phật giáo Nguyên thủy là Trung bộ, Trường bộ, Tăng Chi và Tương Ưng. Nói chỉnh sửa bởi trong bốn bộ kinh gốc này có muôn vàn những cái sai, không còn đúng với lời Đức Phật thuyết năm xưa. Chưa nói trong các bộ kinh này còn có những bài viết thuộc dạng lừa đảo do các tu sĩ hệ phái Nam tông tìm cách thêm thắt, thêu dệt vào qua các lần kết tập kinh điển được tổ chức chính trên đất nước của họ. Ta là chủ mà? Duy ngã độc tôn mà?
Lời cuối.
Thiết nghĩ, nếu có mạnh dạn, sòng phẳng nói được như vậy, làm được như vậy thì Phật giáo mới có cơ hội sáng tỏ, và cũng từ đó mới có thể chứng minh được với thế giới cùng các tôn giáo bạn rằng con đường tu hành giải thoát của Phật giáo rất là cụ thể, rõ ràng, hễ có tu là có chứng, tức tu tới đâu chứng tới đó. Chứ không phải tu theo Phật giáo là phải tu nhiều đời, nhiều kiếp hay là phải xúm tập trung gõ mõ dộng chuông, miệng niệm tía lia Nam mô A di đà Phật hoặc cứ ngồi lim dim hít thở như con cóc ức chế vọng tưởng hòng kiến tánh thành Phật thành tổ, làm ông nội, bà nội thiên hạ. Đám ngu dốt, cần cù, mê tín kiêm cuồng tín. Đồng thời, qua đó cũng xác định lại những kinh sách nào mới là kinh sách của Phật thuyết khi xưa, và kinh sách nào là kinh sách dỏm bởi nó do các thầy tổ dỏm sau này kiến giải viết ra để đánh lừa đám... ma tử, ủa, cái miệng ăn mắm ăn muối sao ưa hỏi bậy, nói bậy, phật tử hòng dễ dàng triệt tiêu con đường giải thoát của Phật giáo và nhân loại.
Vậy bạn đã hiểu BÓNG ĐÈ là cái quái gì rồi chứ?
Rút kiếm đi bạn!
Đây là bài viết tương đối dài từ FB đưa qua trang w kể từ sau ngày mẹ chúng tôi ra đi lúc 7h sáng ngày 04 tháng 02 năm 2018, nhằm ngày 19 tháng Mười Hai năm Mậu Tuất 2018. Tiếp đó, hai tháng sau, là cái chết vô cùng khổ đau, nhiều nghi vấn -mổ sai quy trình của bác sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa- của chị Hằng chúng tôi vào lúc 19h ngày 06 tháng 04 năm 2018, nhằm ngày 21 tháng Hai năm Mậu Tuất 2018 trên bàn mổ của phòng mổ cấp cứu tim mạch -thông mạc vành- bệnh viện Đa khoa tỉnh-Quy Nhơn. Với hai cái chết quá bất ngờ, đầy thương tâm của hai người thân yêu cách nhau chỉ hai tháng thật sự đã làm chúng tôi hoàn toàn ngã quỵ, không còn muốn bất cứ những gì nữa, đừng nói là ngồi viết bài đưa lên mạng xã hội hay ghép vào trang w. Và cũng từ sau hai cái chết bất ngờ của mẹ và chị, chúng tôi biết chắc một điều nhân duyên của mình ở đất Tuy Phước-Bình Định đến đây đã hết, không còn gì để phải lưu luyến, bịn rịn với địa giới nghiệt ngã này thêm bất cứ một giây phút nào được nữa!
Nếu các bạn đọc được những bài viết nào trên FB sau ngày mẹ chúng tôi ra đi cho đến hôm nay thì đó chỉ là những bài viết ngắn, mục đích giết thì giờ, và cũng để chờ đợi một sự thay đổi về thế và thời mà thôi. Chỉ mãi đến tháng 11 năm ngoái (2018), lúc 16h30 ngày 19, nhằm ngày 12 tháng Mười năm Mậu Tuất chúng tôi mới có điều kiện và chính thức rời khỏi Tuy Phước-Bình Định trong một buổi chiều mà tiết trời sao lại ảm đạm, buồn bã hình như muốn thay lời quê hương tiễn đưa một người ra đi về một phương trời xa lạ cuối chân mây...
Chào các bạn.
Miền trung thương nhớ,
lúc 16h kém 55 ngày 03 tháng 03 năm 2019
Bốn niệm xứ