NHƯNG EM NUÔI MỘNG ƯỚC VỀ TƯƠNG LAI...
Có bản nhạc viết lời rằng:
Ngày xưa, mỗi lần em buông tiếng hát,
thì anh tay phím nắn nót cung đàn...
Không thể phủ nhận, những sách viết về thiền, về nền tảng giáo lý và đạo đức trong Phật giáo của thiền sư Thích Nhất Hạnh, đây nói về văn phong, cách hành văn, rất lôi cuốn người đọc. Có thể nói, phần nhiều người ta tìm về pháp tu Làng Hồng, Làng Mai của thầy Nhất Hạnh sáng lập chính là do sách của thầy viết với văn phong hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, cả cách thuyết giảng có phần đặc biệt của thầy so với cách thuyết giảng của rất nhiều các giảng sư Phật giáo trong và ngoài nước. Chúng tôi là một trong những người mà từ thuở mới bước vào đường tu, cả thời tuổi còn đôi mươi, vốn đã rất ham thích, say mê tìm đọc, sưu tầm cho bằng được những sách của thầy viết, như Hoa sen trong biển lửa, Nẻo về của ý, Nẻo vào thiền học...
Tấm ảnh này hồi trước chúng tôi cũng có sưu tầm, cất giữ, cùng với nhiều những sách do thầy viết. Nhưng rồi, lần hồi chúng tôi đã thiêu hủy gần hết những gì liên quan đến thầy. Xảy ra tình trạng như thế bởi về sau, trên con đường đi tìm những giá trị chân chính, đích thực của Phật giáo, chưa bị lai tạp giữa một rừng tà giáo ngoại đạo bủa vây, chúng tôi phát hiện, và biết được con đường của thầy đi không đúng với con đường giải thoát đến một trời một vực. Vẫn còn đó những cúng kính, tụng niệm, bắt ấn niệm chú, lập đàn tràng, sống chạy theo dục lạc thế gian, mang nặng tính mê tín, lạc hậu, so với con đường giải thoát chân chính: ném, xả, bỏ, quăng ra tất cả. Đây chính là lý do kiên quyết để chúng tôi loại khỏi tâm trí mình hình bóng, những triết lý đạo giáo này nọ về thầy, của thầy viết mà từ thời quá khứ mình đã từng theo đuổi, say mê, suy tôn là thần tượng.
Nếu có ai vấp phải trường hợp như chúng tôi thuở xưa, cũng mau nên tìm mọi cách, lo tẩy não mình cho sớm, cho sạch những gì từng liên quan đến hình ảnh và con đường tu hành theo thiền phái của thầy Nhất Hạnh. Bởi nó, con đường này không hề đem lại sự giải thoát chút nào như mình ngồi tại chỗ suy diễn, tượng tưởng ra cả đâu. Mà nó chỉ làm cho mình ngày càng thêm phóng dật, dấn sâu vào dục, mãi chạy theo sáu trần, thích thú những việc của thế gian, như ăn uống, vui chơi, ca hát, tập trung làm những chuyện không hề có trong sự tu tập theo con đường giải thoát do Đức Phật xây dựng thuở xưa: ly dục, ly ác pháp; sống đúng nền tảng giới luật, từ 5 giới cư sĩ đến 10 giới và 250 giới tăng, 348 giới ni. Nhưng rất lạ là mình lại cứ nghĩ mình đã đang an lạc, sống trong chánh niệm, đi từng bước giải thoát.
Hoàn toàn đây do mình tưởng ra, nghĩ ra. Còn sự giải thoát của người tu theo Phật giáo như đã nói là phải y cứ vào nền tảng giới luật, không được vi phạm dù chỉ những lỗi nhỏ nhặt. Xin lưu ý!
Lời kẻ hồi đầu thị ngạn: buông đao, quay đầu lại là bờ, sau bao tháng năm lầm lạc, mãi chạy theo ảo ảnh phù du, liệu có làm thức tỉnh những ai đã đang trên đường tìm về Phật giáo ẩn mình, nương náu tu hành, sống đời giải thoát, đi ra khỏi mọi buộc ràng, phiền não, khổ đau được chút nào chăng?
Khó quá khó. Phải không?
Ta về đây sau bao năm xuôi ngược khắp nơi,
Ngày đêm lang thang không tương lai không cần ngày mai.
Đời ta vẫn vui như cánh chim ngàn phương,
Chẳng biết mai đây sẽ đưa ta về nơi đâu?
(NGÀY VỀ CỦA KẺ BỤI ĐỜI-Ngân Giang)
(Ảnh lấy trên mạng fb)