NGOÀI ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI.
Ðề cập đến bậc Ðạo Sư của chúng ta, trước tiên, chúng ta cần nhấn mạnh đến vị trí có một không hai của Ðức Phật-vị trí này cho chúng ta thấy không thể có một Ðức Phật thứ hai trong suốt hiền kiếp Ðức Phật tại thế-vị trí này còn giúp chúng ta nhận rõ những đóng góp gì của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cho nhân loại, cho thế giới này thật là đặc biệt vô song, có vậy, chúng ta mới đánh giá đúng đắn sự xuất hiện rất đặc biệt của vị Bổn Sư của chúng ta.
Kinh Tăng Chi Bộ Kinh tập I, trang 37 ghi chép:
"Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ kheo, không có được trong một thế giới có hai vị A la hán Chánh đẳng giác, không trước không sau, xuất hiện một lần. Sự kiện này không xảy ra. Và sự kiên này có xảy ra, này các Tỳ-kheo. Trong một thế giới, chỉ có một vị A la hán Chánh đẳng giác, xuất hiện, sự kiện này có xảy ra".
Như vậy, chúng ta có thể nói, trong hiền kiếp hiện tại, tại thế giới này, chỉ có một Ðức Phật, không có hai Ðức Phật, có thể có 6 Ðức Phật quá khứ như Ðức Phật Tỳ Bà Thi, Ðức Phật Thi Khi v.v... nhưng thuộc vào kiếp quá khứ, không thuộc kiếp hiện tại; và có đức Phật Di Lặc (Maitriya), nhưng thuộc vào kiếp tương lai, không thuộc kiếp hiện tại. Như vậy vị trí của Ðức Phật, Thích Ca Mâu Ni thật là độc nhất vô nhị, ngay trong tiền kiếp của thời hiện đại của chúng ta, và ở trong thế giới mà hiện chúng ta đang sống.
Từ nơi vị trí Phật độc nhất vô nhị này, Kinh Tăng Chi Bộ Kinh tập I trang 29 nói rõ thêm:
"Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có đặt ngang hàng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A la hán, Chánh Ðẳng giác; một người này khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng bậc Tối thắng giữa các loài hai chân".
Như vậy Ðức Phật của chúng ta không có một ai có thể sánh bằng, không có tương tự, không có đối phần đưa chúng ta đến một vấn đề mới, đức Phật đứng trên vị trí gì để trở thành một bậc tối thượng ở đời không ai có thể sánh bằng, Trung bộ kinh III, trang 110, nói lên địa vị tối thượng này của Sa môn Gotama tức là Ðức Phật của chúng ta.
Trích: ĐỨC PHẬT CỦA CHÚNG TA
Tỳ kheo Thích Minh Châu
Bài viết này của Hòa thượng Thích Minh Châu giúp chúng ta hiểu ra được nhiều điều hay ho, quý báu đồng thời bài viết này của Hòa thượng cũng đẩy chúng ta đi vào chỗ mơ hồ, nhập nhằng không lối thoát. Tại sao chúng tôi nói cà tửng như vậy? Đây là chúng tôi nói theo ngữ nghĩa, văn cú đã được Hòa thượng Minh Châu viết trong bài văn ở trên, chúng tôi không nói thêm bớt gì cả. Như câu trích sau đây sẽ chứng minh lời chúng tôi nói là có cơ sở, không phải bịa đặt ra nói cho vui tai vui miệng. Câu này như sau:
"Như vậy, chúng ta có thể nói, trong hiền kiếp hiện tại, tại thế giới này, chỉ có một Đức Phật, không có hai Đức Phật, có thể có 6 Đức Phật quá khứ như Đức Phật Tỳ Bà Thi, Đức Phật Thi Khí, vv... nhưng thuộc vào quá khứ, không thuộc kiếp hiện tại; và có đức Phật Di Lặc (Maitriya), nhưng thuộc vào kiếp tương lai, không thuộc kiếp hiện tại..."
Câu văn này là của Hòa thượng Thích Minh Châu, không phải của văn bản trích trong kinh Tăng Chi hay Trung Bộ gì đó. Chúng tôi sẽ chỉ ra cái sai trong câu văn của Hòa thượng Minh Châu tại đây như sau. Hòa thượng xác nhận có 6 đức Phật quá khứ như Tỳ Bà Thi, Thi Khí và Ca La Tôn Đại, Câu Na Hàm Mâu Ni, vv... Đồng thời Hòa thượng cũng xác nhận có cả đức Phật vị lai là Di Lặc (Maitriya). Nhưng căn cứ vào đâu để Hòa thượng xác nhận là trước khi Đức Phật Thích Ca xuất hiện thì thế giới này đã từng xuất hiện, có mặt các đức Phật là Tỳ Bà Thi, Thi Khí, vv... hành đạo và tuyên thuyết chân lý? Bởi thế gian nếu đã từng có các đức Phật này trong quá khứ hành đạo thì khi thái tử Tất Đạt Đa bỏ triều đình đi tu thì đã gặp giáo pháp của các ngài này rồi? Thêm nữa là cũng đã có nhiều chùa chiền, tịnh viện do được truyền thừa, xây dựng từ các pháp tu của các ngài để lại cho con người, xã hội ngày sau nương vào đó mà tu hành. Nó cũng giống như sau thời Đức Phật Thích Ca cho đến hôm nay là đã hơn 2500 năm mà hễ mỗi khi có ai đó từ bỏ gia đình đi tìm con đường tu hành nếu không vào chùa A thì cũng vào tịnh xá B hoặc thiền viện H, M ở khắp đây kia, cả thế giới này để mưu cầu sự giải thoát. Thế thì lý do gì khi thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ triều đình, vợ đẹp con xinh ra đi tìm con đường giải thoát thì lại phải mò mẫm vào tận rừng sâu ở với các đạo sĩ Bàlamôn quá khổ cực như vậy mà không tìm vào các ngôi chùa, tịnh viện nào đó tu hành cho sướng tấm thân ngà ngọc của hàng vương tôn công tử dòng dõi vua chúa?
Đây là điều vô lý, hết sức mơ hồ, trừu tưởng nếu cho rằng trước khi thế giới xuất hiện Đức Thích Ca Mâu Ni thì đã từng có các đức Phật quá khứ mặt mũi, tên tuổi như đã nói ở trên hành đạo, tuyên thuyết chân lý. Đó là chưa nói đến việc vô lý hơn nữa khi giáo pháp tu hành hoặc chân lý, sự thật của con đường giải thoát do các ngài phát hiện và hành trì, tuyên thuyết khi xưa sao không có, không còn, không lưu lại được gì hết cả? Mà chỉ có con số không to tổ tướng như hòn núi tu di nằm chình ình cản đường trước mặt Tất Đạt Đa quá kỳ dị như thế?
Hoàn toàn vô lý và vô lý?
Điều mơ hồ, trừu tưởng thứ hai là Hòa thượng Minh Châu cả quyết rồi đây sẽ xuất hiện đức Phật Di Lặc ở vị lai. Nói đến trường hợp trừu tưởng, hư hư thực thực này chúng ta cũng có quyền đưa ra câu phản biện như sau. Nếu có một ai đó, như ông hoặc bà tên tuổi, mặt mũi nào đó thuộc dạng vô danh tiểu tốt hay đang ngồi ghế thủ tướng, bí thư, chánh văn phòng, vv... Bỗng một hôm cà tửng tuyên bố tôi là tổng thống, là chủ tịch nước thì liệu chúng ta có tin đây là sự thật hay không? Hay những mặt mũi, tên tuổi này cần phải đi qua các cuộc bầu cử được tổ chức rộng rãi trong toàn xã hội, đất nước. Rồi sau khi kiểm tra thắng phiếu thì họ mới được đặc cách vào chiếc ghế đương nhiệm đang chờ sẵn?
Nói lên như vậy để chúng ta thấy ra chuyện quá vô lý khi bỗng dưng nói rằng tương lai rồi đây sẽ xuất hiện ông Phật Di Lặc khi nhân vật đại danh từ này hiện không biết ở phương xứ nào? Lại ông cũng chưa qua một ngày giờ tu hành, luyện tập, đoạn diệt lậu hoặc hay nhàm chán và từ bỏ nhân quả, tức ra khỏi ngôi nhà lửa chấp chứa tùm lum đủ thứ chuyện điếc đầu điếc óc gì hết trơn hết trọi thiết nghĩ là điều quá trừu tưởng đã ở ngoài sức, mơ hồ hết chỗ nói luận!
Câu chuyện này làm chúng tôi bỗng dưng nảy lên sáng kiến bèn lục lọi, moi móc liên hệ đến câu chuyện cổ tích thần thoại của Hoàng Hậu Ma Gia khi xưa mà không biết là có hay không. Lạ quá? Đó là khi Hoàng Hậu một hôm nằm mơ thấy bồ tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Xuất hóa thành voi sáu ngà đầu thai vào làm quý tử của mình. Nếu câu chuyện thần thoại này có thật thì tại sao thiết nghĩ khi xưa người ta không gọi bồ tát Hộ Minh là Đức Phật Hộ Minh hay Đức Phật Thích Ca quách cho rồi mà gọi lại gọi chi bồ tát Hộ Minh như thế nhỉ? Bởi sau khi nhập thai, vào làm con Hoàng Hậu Ma Gia rồi thì thái tử Tất Đạt Đa sau một thời gian sinh sống trong cung vàng điện ngọc đã phát sinh buồn chán bèn từ bỏ hết để ra đi tìm con đường giải thoát. Và sau những tháng năm tầm đạo gian nan, khổ cực thì thái tử Tất Đạt Đa chứng đạt chân lý giải thoát. Từ đó người ta gọi ngài là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đưa ra những chứng cớ có thật trong lịch sử này chúng tôi chỉ muốn nói rằng. Một người khi muốn được thế gian tôn kính, gọi là một Đức Phật thì người đó phải được sinh ra tại một gia đình, con của ông bà nào đó giàu nghèo không biết. Nhưng người đó phải đi qua sự tu hành từ dễ đến khó, từ chập chùng cản ngăn cho đến chập chùng trở ngại thì mới có thể thành tựu đạo quả, chứng được pháp giải thoát tối thượng. Chứ không phải bỗng dưng từ trong bụi nhảy ra nhưng lại được cả xã hội, cả loài người khom lưng chắp tay tôn xưng là ông này, bà kia hoặc là ông Phật C, bà Phật B khiến thành một trò buồn cười lộn ruột mà cười sao cho nổi cách nào như thế?
Phải không các bạn?
Tóm lại. Nói không thể có hai Đức Phật xuất hiện trong cùng một thời điểm là rất đúng với sự thật đã có tự ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau. Cho nên ai đó nói rằng có Thập đại đệ tử là Xá Lợi Phất, Ca Diếp, vv... hoặc năm anh em Kiều Trần Như đều là những người đã chứng Alahán trong thời Đức Phật Thích Ca cũng là điều hết sức mơ hồ, trừu tưởng nốt! Bởi Alahán cũng chỉ là Phật chứ không là gì khác. Vì con đường tu tập theo lộ trình Tứ Niệm Xứ, tức tu theo 37 phẩm trợ đạo là sẽ chứng được thánh quả cao nhất là Alahán. Và chỉ có chứng Alahán thì mới chấm dứt được luân hồi sinh tử. Ngoài quả chứng này ra thì không còn quả chứng nào khác để có thể đoạn diệt sạch sẽ lậu hoặc tham sân si, chấm dứt sinh tử như đã nói. Người chứng Alahán được gọi là Đức Phật. Nói khác đi, Đức Phật Thích Ca cũng chỉ là Alahán chứ không là gì khác ở đây. Lại nghĩa của danh từ Alahán là vô lậu, là bậc đã quét sạch ác pháp tham sân si dù nó rất vi tế như sương như khói mỏng manh...
Như vậy, căn cứ vào những bài kinh còn sót lại trong tạng kinh nguyên thủy được Hòa thượng Minh Châu trích đưa vào bài viết ở trên là rất đúng với sự thật khi nói không thể có hai Đức Phật xuất hiện trong cùng một thời điểm. Nhưng nếu nói đã từng có 6 đức Phật trong quá khứ hoặc tương lai rồi sẽ có Phật Di Lặc xuất hiện theo chúng tôi là sai, bậy hoàn toàn! Thêm nữa nếu cho rằng từng có 10 vị Alahán và năm anh em Kiều Trần Như cũng là những người đã chứng Alahán trong thời Đức Phật Thích Ca thì lại càng mâu thuẩn và vô lý lắm lắm!
Não bộ của chúng tôi nói thật nó được dung chứa những điều có lý nằm trong những ngăn, những vùng với những chức năng, hiểu biết có thể. Chứ nó không thể nào gộp hầm bà lằng hai ba bốn năm cái vô lý, có lý vô hết trong một ngăn, một chỗ um tùm, rậm rạp hoa lá cành như thế? Lỡ may nó sinh sự, điên tiết xách gậy gộc, đao kiếm lao vào ăn thua, đâm chém để tranh giành, xác định tao mới đúng, mày là sai thì lấy ai đây đứng ra can thiệp, cản ngăn ở trong này?
Vậy chúng ta thử làm cuộc cách mạng, đồng loạt đứng lên cất tiếng hỏi lớn rằng. Năm anh em ông Kiều Trần Như, cả các ông Thập đại đệ tử sau này tự nhiên biến đâu mất hết trơn hết trọi khiến thế gian không còn thấy một ông nào cả là tại sao?
Bắc thang lên hỏi ông trời,
Thử xem tích cũ người xưa đâu rồi?
ĐN, lúc 8h33 ngày 02 tháng 09 năm 2018
Bốn niệm xứ