Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

TU NÓI THÌ DỄ, SỐNG MỚI LÀ KHÓ...

TU NÓI THÌ DỄ, SỐNG MỚI LÀ KHÓ...

Ảnh cái bình bát dùng ăn cơm hằng ngày của ngài Thông Lạc được lưu giữ tại tu viện Chơn Như. Loại bình bát này đặc biệt hơn bình bát bên hệ khất sĩ Minh Đăng Quang là do hãng gạch Đồng Tâm Sài Gòn sản xuất, được làm bằng chất liệu như gạch lót nền nhà, tráng men trắng bên trong, bên ngoài màu vàng sậm đất sét. Hãng Đồng Tâm làm cúng dường cho ngài Thông Lạc nghe nói mấy trăm cái bình bát một kiểu dáng như thế. Còn bình bát của hệ Khất sĩ làm bằng đất sét nung, đặt làm tại mấy cơ sở sản xuất gạch ngói xây nhà, mang về sơn đen trong ngoài rồi sử dụng. Xét về tính chất, thì bình bát của hãng gạch Đồng Tâm tốt hơn rất nhiều, trước là chất liệu làm nền, sau là lớp men bảo vệ bề mặt trong ngoài, bình bát hệ khất sĩ sử dụng nhiều năm sẽ bị bào mòn do vật tiếp xúc là cái muỗng dùng múc cơm, nó vừa bào mòn bình bát vừa mòn chất liệu nhôm hoặc inox của tự thân cái muỗng, mòn cả lớp sơn bên trong.

bình bát

Hồi chúng tôi còn sử dụng bình bát hệ khất sĩ, chúng tôi không sơn bình bát, mà chúng tôi lấy lá bạch đàn đốt xông khói cả trong lẫn ngoài. Đốt xông đến độ đen bóng, láng là được. Do lá bạch đàn có chứa tinh dầu, nên khói xông lên sẽ làm cho bình bát vừa đen vừa láng bóng bởi tinh dầu của nó. Chính lớp tinh dầu phủ bóng bình bát sẽ làm cho màu đen của khói xông bám vào bình bát không bị bay màu, cũng không bị cạo vét, trầy tróc do cái muỗng múc cơm gây ra bên trong bình bát.

 

Tả sơ qua về công đoạn làm đen bình bát. Tất nhiên bình bát là do các cơ sở sản xuất gạch ngói làm theo mẫu mã, kích thước giao hẹn của người đến đặt hàng. Khi nhận hàng về, chọn cái nào tròn trịa, không bị méo, vênh. Mang cái ấy ra lấy giấy nhám, đá mài mài trong ngoài cho láng, bớt ghồ ghề, thô nhám. Xong tới đoạn đốt đen bình bát như đã nói. Bình bát sau khi đốt lá xông, tiếp đến là lấy xác dừa đã vắt nước cốt, bỏ vào rang đảo đều, mục đích để cho chất dầu trong xác dừa ngấm vào toàn bộ bên trong bình bát. Bình bát nếu được thực hiện đúng từng công đoạn như vậy thì khi sử dụng mới an toàn, sạch sẽ, nhất mang được tính chất nguyên thủy xa xưa, không như những bình bát dùng sơn sơn trong ngoài, vừa xấu vừa độc hại. Tương tự hình thức dùng ly nhựa và ly thủy tinh vậy. Trong đó cũng phải nói đến hành động múc cơm ăn có nhẹ nhàng, tỉnh thức hay không của vị khất sĩ nữa. Nếu múc cơm vô tư, chiếc muỗng cào qua cào lại ào ào, rột rẹt, kiểu như thợ xây xúc cát, trộn hồ thôi thì chịu thua. Bình bát nào không hư, không mòn, dù là bình bát dập bằng inox của hệ Nam tông, sản xuất từ xứ chùa tháp Thái Lan.

 

Bình bát của ngài Thông Lạc đặc biệt ở chỗ, cái nắp bát do chúng tôi làm, bằng inox không rỉ sét. Nhìn ảnh chụp, chúng ta thấy đường mép cạnh dưới và cạnh trên là của kỹ thuật ghép mí, kiểu như ghép mí thùng chứa nước, gàu xách nước, không phải hàn oxy hay que điện, rồi mài giũa làm nguội, làm láng. Muốn làm nắp bát kiểu lắp ghép này thì thợ tay nghề phải thật giỏi, yếu quá, hoặc tầm trung bình làm cũng không bao giờ được, mà phải là thợ cơ khí giàn đồng xe cộ, thợ chuyên làm gàu, làm thùng, dân nghề gọi là thợ thiếc, sẽ không làm nổi cái nắp bát kiểu này đâu. Làm cái nắp bát kiểu này khó nhất là chỗ, phải tính, phải vẽ ra được đường quay compa của đường kính trên dưới của viền bao nắp bát. Tính sai sẽ gặp mấy trường hợp, 1-nắp bát bị vênh, tráng. 2-nắp bát bị rộng hoặc chật so với miệng bình bát, thân bình bát, chỗ cạnh dưới nắp bát bám vào. Xin nhắc lại, chỗ khó nhất khi bắt tay làm nắp bát kiểu lắp ghép: tính cho đúng, chính xác đường kính quay compa trên dưới của đường viền bao bình bát như đã nói. Chưa nói còn phải chọn loại inox không dày quá, không mỏng quá. Mỏng thì dễ làm nhưng dễ bị thụng, vênh mặt. Dày quá lại rất khó ghép mí hai đường kính trên dưới. Nói rõ hơn, đường kính dưới chỉ gấp lại một lần. Đường kính trên mới khó làm nhất, bởi nó được gấp, ghép bởi ba lớp (lần) inox chồng lên nhau. Với ba lần gấp như thế sẽ rất khó sắc cạnh nếu inox chọn làm dày quá.

 

Trên nắp bát chúng tôi viết hai chữ Trưởng lão, bằng bút bi, mực xanh trên giấy lột ra từ giấy decan, dán phủ kín bằng decan trong để khỏi bay màu. Mẫu chữ rông bay bướm này chúng tôi học, cop từ mẫu chữ hay sử dụng để viết bảng hiệu của họa sĩ Thạc Đức, cũng để ký hai chữ Thạc Đức dưới góc các biển hiệu, ảnh chân dung đen trắng hoặc sơn dầu do chính ông trình bày, thực hiện. Phòng vẽ của ông hồi trước ở góc công viên Quy Nhơn, đầu đường Lý Thường Kiệt. Họa sĩ Duy Khanh, người chuyên vẽ bìa cho tạp chí Văn nghệ Bình Định là con trai trưởng nam của ông.

 

Những gì gọi là kỷ niệm của chúng tôi với Chơn Như, với ngài Thông Lạc giờ chỉ còn cái nắp bát này thôi. Làm vào năm 2004, tại Quy Nhơn. Nếu cái nắp bát này mà tồn tại đến khoảng 500 năm sau, thì lúc đó nó là một bảo vật vô giá. Rất tiếc những người ở Chơn Như đầu óc quá u tối, chưa biết cách bảo vệ những kỷ vật quý báu, vô giá của thầy mình để lại, như cái bình bát này đây. Bây giờ họ phải gấp rút ra tiệm kính, đặt làm một hộp gương, có nắp đậy bằng kính, mang về bỏ bình bát và y áo thầy mình vào để tránh bụi bặm, không khí ẩm ướt bên ngoài, bởi nó rất dễ làm cho chất liệu vải bị oxy hóa, bay màu, mau hư, mục rã. Họ tu kiểu gì mà đầu óc không sáng, không minh ra được, càng ngày càng u tối. Thế mà ai cũng đòi chứng Alahán là thế nào? Thiệt chẳng hiểu nổi.

 

Riêng năm cái thất chúng tôi làm năm 2000, bằng tầm vông vách liếp, ngài Thông Lạc có đứng chụp ảnh, đắp y khất sĩ màu vàng, về sau đã bị lớp người mới tháo gỡ, xây thất mới bằng gạch. Còn có một số ảnh chụp, ảnh cắt ra từ mấy clip của chúng tôi nằm trong các bài viết trên trang mạng Chơn Như đã bị những người mang tính đố kỵ, hận thù đến sau tìm cách xóa bỏ hết. Ví dụ như ảnh chụp nào có chúng tôi họ cũng sẽ cắt bỏ, chỉ lấy ảnh của ngài Thông Lạc và mấy người chụp chung. Nhỏ mọn, thù vặt đến thế là cùng. Ở đây chính đối tượng Minh Đức/Phan Tuấn Phúc (người Bắc) hay chơi những trò bẩn ấy với chúng tôi, dù chúng tôi không quen biết cũng chưa bao giờ gây hận thù với cá nhân con người này. Đối tượng này làm được những trò ấy là do được tu viện giao coi giữ các trang của Chơn Như. Nghe nói đối tượng này từng là kỹ sư vi tính, máy tính gì đó của mấy hãng bên Nhật. Riêng cái nắp bát này sẽ không bao giờ có một người nào dù mới hay cũ dám thủ tiêu, vứt bỏ. Cũng là điều may mắn lắm vậy. Cho nên tu nói thì dễ, nhưng khó nhất là sống. Sống không cưu mang tính đố kỵ, ganh ghét, hẹp hòi, hơn thua, thù hận, không bị kẻ khác (Nguyễn Thị Thùy Trang/Từ Hạnh) kích động, xúi bày làm chuyện ác đức, bất nhân với người.

thất và người
Năm cái thất chúng tôi làm năm 2000, bên phải còn hai cái nữa. 

Tóm lại. Ở Chơn Như người hiền lành, đạo đức thì ít, còn kẻ thuộc dạng bán trời không văn tự thì nhiều lắm. Nhóm này từ ba miền xúm kéo hết vô Chơn Như bởi nghe vô đây tu không cất giữ vàng bạc, ngày ăn một bữa là sẽ chứng Alahán dễ dàng. Nhưng hỡi ôi, sự thật nào phải như thế đâu?

 

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang