1- BÀI THƠ CUỐI CÙNG
Giá trị lịch sử nằm trong một bài thơ.
Đây là bài thơ Khâm vãn Đan Dương Lăng của danh sĩ Ngô Thì Nhậm sáng tác, chúng tôi trích lại nguyên văn trong tập I Ngô Gia Văn Phái, trang 665. Xin mời các bạn đọc lại xem sao về bài thơ mà chúng tôi dám cả quyết là đã bị chỉnh sửa be bét hết cả tám câu, từ câu thứ nhất đến câu thứ tám.
Nguyên bản:
欽 輓 丹 陽 陵
龍 馭 難 攀 紫 極 堂
金 悵 悵 望 九 迴 塘
戎 衣 神 武 留 憑 藉
方 策 英 謨 迪 憲 章
陟 降 皇 靈 欽 在 左
保 明 聖 胤 仰 當 暘
栽 培 天 德 思 酬 報
坤 道 無 他 利 直 方
Dịch âm:
KÍNH VIẾNG LĂNG ĐAN DƯƠNG*
Long ngự nan phan tử cực đường,
Kim nguyên trướng vọng cửu hồi đường.
Nhung y thần vũ lưu bằng tạ,
Phương sách anh mô địch hiến chương.
Trắc giáng hoàng linh khâm tại tả,
Bảo minh thánh dận ngưỡng đương dương.
Tài bồi thiên đắc tư thù báo,
Khôn đạo vô tha lợi trực phương.
Dịch nghĩa:
Khó níu được xe rồng trên cung Tử Cực*,
Buồn trông Nguồn Vàng chín khúc quanh co*.
Võ công hiển hách, còn để lại nơi nương tựa,
Mưu lược sáng suốt, đã mở đường cho hiến chương.
Anh linh trắc giáng, kính thấy ngay ở bên,
Dòng dõi giữ gìn, ngẩng thấy đang ở trong ánh dương.
Đức trời bồi đắp, những lo báo đáp,
Đạo quẻ Khôn không có gì khác, lợi ở thẳng và vuông*.
Dịch thơ:
Khó vượt thiên cung níu áo rồng,
Suối vàng chín khúc dạ hoài mong.
Võ công oanh liệt gây nền vững,
Chính sách tài tình để phép chung.
Kính tưởng hồn thơm kề bóng ngự,
Giữ gìn nghiệp lớn, đỡ vầng đông.
Đức trời bồi đắp, lo đền đáp,
Nếp "thẳng", đường "vuông" vẹn đạo lòng.
Ngô Linh Ngọc dịch
Chú Thích (trong NGVP):
1- Lăng Đan Dương (lăng vua Quang Trung).
2- Cung Tử Cực (cung trời. Câu này ý nói vua Quang Trung đã mất).
3- Nguồn Vàng (nguồn nước ở phía tây mộ).
4- Hào từ, quẻ Khôn, Kinh Dịch viết: "Trực, phương, đại, bất tập vô bất lợi" (Thẳng, vuông, lớn, không tập mà không gì là không lợi).
Nếu một người tay ngang, tức người không hiểu biết gì về thơ Đường luật, về chữ Hán Nôm, thậm chí cho tính luôn cả những người có hiểu biết thâm sâu về Hán Nôm, về thơ Đường luật thì khi đọc qua bài thơ này họ cũng mù tịt, không thể nào biết được những cái sai tào lao, lạc nẻo trong bài thơ hết sức đặc biệt này.
Tại sao lại xảy ra trường hợp như thế? Chuyện này thì chúng tôi đã có nói rồi. Đó là do người ta làm việc, tức cách xử lý một văn bản không phải bằng sự tư duy, động não tích cực. Mà họ chỉ làm việc bằng sự ghi nhớ, mặc định. Trước nói sao, bày sao thì sau nói vậy, làm vậy. Vì thế, chính những văn bản dạng này đã để lại quá nhiều những hệ lụy cho con người và xã hội hôm nay, ngày mai. Có thể cả trăm năm, ngàn năm, triệu năm về sau nữa nếu như không có người nào đó phát hiện và tích cực vạch, chỉ ra những đúng sai do cố ý hoặc vô tình.
Bây giờ, trước khi đưa ra bài thơ đã chỉnh lại của chúng tôi đối với nguyên bản gốc của danh sĩ Ngô Thì Nhậm. Chúng tôi chỉ yêu cầu các bạn cần phải biết bài thơ đặc biệt này đã được Ngô Thì Nhậm sáng tác, viết ra vào thời điểm nào? Và Ngô Thì Nhậm viết bài thơ này với mục đích gì? Lại viết cho người nào?
Nếu các bạn không hiểu, tức không trả lời được những câu hỏi chúng tôi đã nêu thì các bạn tuyệt đối sẽ không bao giờ có khả năng đọc được những thâm ý mà Ngô Thì Nhậm ký thác ở trong bài thơ này. Còn những gì các bạn đọc được qua cách luận giải, phân tích của các nhà học giả trong hai tập Ngô Gia Văn Phái thật ra không bao giờ đúng với sự thật. Ở đây có hai sự thật. Thứ nhất. Sự thật của nguyên tắc thơ Đường luật. Thứ hai. Sự thật ở tại hiện trường, nơi có Tháp mộ vua Quang Trung!
Sự thật không phải là chân lý.
Sự thật là cái gì đó khác xa với chân lý.
Câu thứ nhất có nói đến Cung Tử Cực. Tử là màu đỏ tím. Cực là nơi cao nhất, nơi cùng tột, không còn chỗ nào cao hơn được nữa. Lại cực cũng là chỉ cho ngôi vua. Đem nhập ba chữ này lại thì Cung Tử Cực là cung có một màu đỏ tím, và cung này ở tuốt tầng trời nào đó cao nhất trong 33 cõi trời mà chỉ có một mình Ngô Thì Nhậm thấy biết rõ ràng. Còn lại đám phàm phu tục tử như Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Bùi Đắc Tuyên, Quang Toản, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Bắc Cung Hoàng Hậu... Vân vân thấy cái gì thì còn có thể chấp nhận chứ tuyệt đối không thể nhướng con mắt phàm phu tục tử nhìn thấy vua Quang Trung hiện đang ngồi chễm chệ trên Cung Tử Cực cho nổi cách nào!
Đây là một câu sai lạc, tào lao thiên tướng, nhất trong các câu sai lạc, tào lao thiên tướng từng có mặt trong văn học Việt Nam, cả trên thế gian này kể từ khi loài người xuất hiện cho đến tận hôm nay.
Chúng tôi sở dĩ nói ngoài câu tầm bậy này ra thì trong văn học Việt Nam hiện còn tồn trữ kính cẩn rất nhiều câu tầm bậy nữa nhưng rất lạ là ở chỗ. Những câu tầm bậy, trật cù chìa này vẫn được đám văn sử học Bắc Nam, nhất giới thầy cô giáo xưa nay vẫn cần mẫn, sùng tín mang ra xúm đè cứng ngắc nhét nhồi vào đầu óc đám học sinh các cấp ngơ ngác như con nai vàng hết ngày này qua năm khác mà cũng chả ai biết chuyện gì cho ra chuyện gì. Như câu tầm bậy sau đây trong bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Các bạn nhướng mắt lên đọc xem sao:
...Lác đác bên sông chợ mấy nhà...
Để làm sáng tỏ câu tầm bậy, vô nghĩa, rỗng tuếch này trong bài thơ quỷ khóc thần sầu rồi đây sẽ gây một chấn động không ít của Bà Huyện. Nên chi vào ngày 3/08/2017 vừa rồi buộc bắt chúng tôi phải lên xe Trường Thịnh mang biển số 77B 01262, xuất bến lúc 15h30 tại bến xe Trung Tâm Quy Nhơn cất công ra đèo Ngang trở lại một chuyến nữa. Bởi trước đó, vào lúc 15h30 định kỳ của ngày 27/06/2017 chúng tôi cũng đã quyết định leo xe Trường Thịnh đi ra đèo Ngang Quảng Bình để lấy tư liệu cho bài viết về con đèo nổi tiếng này qua bài thơ mật mã Qua đèo Ngang như đã nói.
Khi đi bộ từ dưới chân đèo -phía bên Hà Tĩnh- lên ngay cua cánh chỏ, và chúng tôi đã quyết định ngủ lại cua cánh chỏ này từ 17h hơn của ngày 1/07/2017 hôm trước cho đến sáng hôm sau mới lên đỉnh đèo, nơi có di tích lịch sử có tên là Cổng Trời.
Cua cánh chỏ Đèo Ngang. Chúng tôi ngủ tại đây, bên trái, sáng hôm sau mới lên Cổng Trời
Các ngày trước của ngày 1/07/2017 chúng tôi còn đang bận dò tìm đến các chứng di tích liên quan đến Tây Sơn-Nguyễn Huệ đã được Bà Huyện cài khéo léo vào trong bài thơ mật mã Thăng Long Hoài Cổ. Các chứng di tích này hiện nay vẫn nằm cô đơn, bất động giữa trời sương gió, trải qua bao cuộc dâu bể trên địa giới đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông Lam, nhớ biển rộng quê ta, ới a ới à...
Cột mốc ngay tại cua cánh chỏ Đèo Ngang
Thời điểm ở ngay tại cua cánh chỏ, khi nhìn về vùng núi và đất liền bằng phẳng ở hướng đông -thuộc địa giới Quảng Bình- nơi mặt trời xuất hiện từ rất sớm, lúc 5h25 của ngày 2/07/2017 chúng tôi không thấy có một triệu chứng gì để chứng tỏ rằng xưa kia nơi đây đã từng có một khu chợ do người trong làng nhóm họp để sinh hoạt mua bán, làm ăn gì được.
Mặt trời mọc trên biển đông, phía bên Quảng Bình. Ảnh chụp lúc 5h25 ngày 02/07/2017
Từ khu vực biển ở hướng đông này xê dịch tầm mắt về bên trái, tức đi ra hướng bắc -thuộc khu vực Hà Tĩnh- bạn sẽ thấy biển đông kéo dài cho đến khuất sau một rặng núi và con đường thiên lý Bắc Nam. Tại đây, từ khu vực đèo Ngang đi ra hướng bắc khoảng tầm 10km là điểm nóng Vũng Áng, nơi tập đoàn Formusa đang chiếm đóng và xả thải vô tư ngày đêm ra biển lớn. Nhưng trước hết người dân Hà Tĩnh phải lãnh đủ chướng nạn này cái đã rồi tới đâu tính sau. Còn chuyện ai là người quyết định rước tập đoàn xả độc, tàn phá môi trường, tiêu diệt cuộc sống của con người, của dân tộc Việt, nhất hành động ngăn chặn, triệt tiêu sự tiến hóa, thay đổi của đất nước thôi thì để đó hạ hồi phân giải.
Biển đông góc phải và con đường ra Bắc khuất sau rặng núi. Bên trái là đường vào hầm Đèo Ngang.
Như đã nói, khu vực sát với biển đông kéo dài từ điểm mặt trời mọc cho đến khi khuất sau rặng núi kế bên đường thiên lý Bắc Nam không thể nào là nơi dân làng tụ tập để dựng lên một khu chợ mua bán gì được. Mà tại khu vực lấy đèo Ngang làm tâm điểm này với bán kính xoay tròn chung quanh 1km thưa các bạn không thể nào có thể dựng lập nên một khu chợ để người dân sinh hoạt mua bán! Tại sao? Vì nơi đây xưa kia, tính từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn chính là nơi giáp ranh của hai nước Chiêm Việt. Nghĩa là tính từ đèo Ngang trở vô thuộc về Chiêm Thành, từ đèo Ngang trở ra là của nước Việt. Vậy đèo Ngang chính là giới tuyến, là cột mốc quân sự phân chia lãnh thổ của hai quốc gia Chiêm Việt.
Nơi đây, còn gì nữa. Nếu đã là khu vực quân sự, điểm phân chia giới tuyến của hai đất nước Chiêm Việt thì tất nhiên chiến tranh và chết chóc có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Vậy không ai điên gì lại tập trung về đây nhóm họp, xây dựng làng mạc, nhất lập chợ mua bán, trao đổi hàng hóa, mậu dịch ở nơi vượn kêu sầu khỉ hót véo von quanh năm suốt tháng này mà làm chi. Chỉ có những người điên điên khùng khùng, điếc không sợ súng mới tập trung tới ở vùng đèo núi hoang vu đầy sơn lam chướng khí này lập nghiệp, sinh sống. Chưa nói sự nguy hiểm sẽ mang lại từ đám cọp beo, lang sói, trăn rắn tại vùng rừng núi âm u, tịch mịch, lắm hiểm nguy rình rập này nữa. Nhưng cái chính vẫn là sự giao tranh ác liệt giữa quân lính Chiêm Việt trong thời kỳ rừng rú, hoang dã, chỉ biết dùng sức mạnh để lấn chiếm đất đai, địa giới hòng mở mang bờ cõi về phương Nam của người Đàng Ngoài đối với dân tộc Chiêm qua nhiều thời kỳ cai trị của các nhà nước phong kiến.
...Một thời oanh liệt,
người dân nước Chiêm lừng ghi chiến công vang khắp non sông.
Mộng kia dẫu tan, cuốn theo thời gian nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non.
Người xưa đâu? Người xưa đâu? Người xưa đâu...
(HẬN ĐỒ BÀN)
Lòng căm hận mất nước và thù diệt chủng sục sôi của dân tộc Chiêm đối với người Đàng Ngoài như vẫn còn đó đến ngàn năm, triệu năm trong không gian, thời gian mãi mãi kia mà!
Tình trạng này, tức sự chiếm đóng và lấn chiếm địa giới quốc gia giữa Đàng Ngoài Đàng Trong chỉ chấm dứt vào hậu bán kỷ 18 khi phong trào cách mạng Tây Sơn xuất hiện với tài nhập trận cực kỳ xuất sắc có một không hai trong lịch sử của thiên tài quân sự Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ. Đáng tiếc là tình trạng thống nhất đất nước này kéo dài không lâu bởi sau đó đã phát sinh sự lục đục, chia rẽ giữa các anh em họ Hồ gốc Nghệ An này.
Chuyện này thôi hãy để nói trên một bài viết khác là hơn.
Học lịch sử phải là sự dấn thân và trải nghiệm.
Nếu các bạn chỉ ngồi một cục tại chỗ, đọc qua văn bản tam sao thất bổn của Bà Huyện rồi ú ớ cho rằng. Tại khu vực đèo Ngang kia vào năm xưa đã từng có một cái chợ chồm hổm ở bên cạnh một con sông mua bán đủ các thứ thập cẩm hầm bà lằng thì chứng tỏ các bạn không phải là người ăn ngủ bình thường, thần kinh luôn ổn định như chúng tôi. Mà các bạn thuộc dạng nếu không tẩu hỏa nhập ma do tu luyện trật đường rầy thì cũng bị cậu Ba mợ Bảy gì đó nhập vào điều khiển nên thường ợ ợ ngáp ngáp sinh ra chứng nói xàm xàm rồi đó!
Các bạn trợn mắt, trề trề nhún nhún à?
Vậy yêu cầu các bạn gấp rút thu xếp công ăn việc làm, dẹp quách luôn cả chuyện học hành, giảng dạy chỉ tổ hao tốn thời gian, lãng phí ngày xanh vô ích. Rồi nhanh chóng leo xe tìm về miền trung thương nhớ, đến ngay con đèo lịch sử này cùng nhau thay phiên đi mò mẫm từng gốc cây, lùm bụi, kẽ đá, hang hóc để xem thử đã từng có một cái chợ chồm hổm mà Bà Huyện khi xưa đã cà tửng ghi vào trong văn bản hay không?
Riêng chúng tôi thì dám một hai khẳng định rằng. Tại đèo Ngang này khi xưa chả có cái chợ chồm hổm mua bán đủ các thứ thập cẩm nào cả ở bên một dòng sông bởi các lý do cụ thể, rõ ràng, rành mạch như đã nói.
Tóm lại. Nếu đám văn sử học Bắc Nam cứ một hai khăng khăng, nằng nặc, ngồi một cục tại chỗ ung dung, thản nhiên cho rằng. Theo lời Bà Huyện di chúc, dặn dò kỹ lưỡng lại cho đám hậu sinh văn học khả úy thì khi xưa ở tại vùng đèo Ngang đã từng có một cái chợ chồm hổm nhóm họp cạnh biển đông mua bán thứ gì đó chả biết, mà cũng chả biết là mua bán cho ai ở nơi khỉ ho cò gáy này. Thì cho dù ông cao tằng cố tổ 9 đời của chúng tôi có đội mồ ngóc đầu sống dậy cũng đành bó tay, đầu hàng vô điều kiện chứ đừng nói loại cóc nhái như chúng tôi sao trả lời cho nổi câu hỏi ngớ ngẩn, tầm phào như thế?
Họa may, xúm cùng nhau làm ẩu xị vụ việc gì đó kiếm mớ tiền tàu xe mò qua Tàu đến núi Hoa Quả, động Thủy Liêm trải chiếu chắp tay ân cần, tha thiết cung thỉnh Tôn Ngộ Không cân đẩu vân về gấp ngay tại Hoành Sơn Quan lịch sử liền cho. Rồi sau đó xúm năn nỉ nhờ lão Tôn trợn mắt gãi lông xuống tấn, bắt ấn niệm chú úm ba la, úm bà là tróc sơn thần thổ địa lên ngay lập tức tra gạn để thử xem các va trả lời như thế nào? Rằng ở tại đây khi xưa đã từng có một cái chợ chồm hổm mua bán đủ các thứ thập cẩm hay không? Có thế may ra biết được chút đỉnh gì đó chăng?
Nếu các va sơn thần thổ địa Hoành Sơn Quan lịch sử vuốt râu, trợn mắt dõng dạc trả lời là chả có con khỉ gió gì ở đây cả, đám khùng điên chớ ăn ở không rộn chuyện phá đám sự yên nghĩ tích cực của ta nghen chưa! Thế tại sao Bà Huyện lại cà tửng ghi chép... Lác đác bên sông chợ mấy nhà... như thế? Hay Bà Huyện thuộc dạng do học hành, nghiên cứu văn chương quá nhiều nên não bộ từ đó đã mất ổn định rồi?
Vì thế, có thể nói. Câu thơ... Lác đác bên sông chợ mấy nhà... của Bà Huyện được xem là một trong những câu tầm bậy, tào lao xịt bộp nhất mà đám học sinh các cấp ngơ ngác như con nai vàng của ông thơ họ Lưu đã chắp tay y giáo phụng hành răm rắp 200 năm nay từ đám văn sử học mê man bất tỉnh nhân sự Bắc Nam vậy.
Riêng câu khai đề tam sao thất bổn bài Khâm vãn Đan Dương Lăng của Ngô Thì Nhậm lại không nằm trong bộ môn văn học giảng dạy ở nhà trường. Hú hồn hú vía! Mà nó thuộc về dạng văn học riêng biệt của gia đình, giòng họ Ngô Gia Văn Phái nên ít được ai lưu tâm chú ý. Chỉ có những người chuyên khảo cứu về sử học thời Tây Sơn mới chịu khó để mắt, đọc tới các văn bản dạng cá biệt này. Nhưng nói gì thì nói, câu thơ khai đề của bài KVĐDL này của Ngô Thì Nhậm đúng là một câu thuộc diện tào lao thiên tướng nhất trong tất cả các câu tầm bậy hiện đang được đám hậu sinh văn học khả úy tôn thờ kính cẩn trong bộ môn văn sử học Bắc Nam từ xưa nay.
Xin các bạn đừng cho chúng tôi nói bậy là được.
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ...
Đến đây, chúng tôi xin đưa ra và giảng giải câu khai đề thứ nhất của bài thơ Khâm vãn Đan Dương Lăng do Ngô Thì Nhậm sáng tác nhưng có thể đã bị con cháu hay những người trong giòng họ chỉnh sửa. Cũng có thể đó là do tam sao thất bổn, hay do mãi về sau văn học miền Bắc đã đè đầu chỉnh sửa theo ý chủ quan không chừng?
Câu khai đề chỉnh sửa này của chúng tôi như sau:
龍 御 南 棺 梓 浴 堂
Long ngự nam quan tử dục đường,
Long 龍 ở đây là rồng, và rồng là con vật không biết có hay không?.Nếu có thì có thể nó chỉ có ở tuốt trên thượng giới, nơi một tầng trời nào đó rất ư là đặc biệt lắm chứ thế giới ta bà phàm thánh lẫn lộn này xưa nay chưa từng một ai trông thấy nó bao giờ cả. Con gì mà lạ quá. Hình như có lẽ đó là con rắn hay con trăn chi chi đó mà đám họa sĩ Tàu đã cắc cớ vẽ thêm bốn cái chân, cái mồng, vài cọng râu, một mớ vảy với dăm ba cuộn mây rồi đặt cho cái tên là con rồng. Thế là từ đó đám người nhẹ dạ cả tin liền cho đó là con vật linh thiêng có thật, ở tuốt trên thượng giới, thỉnh thoảng bay xuống hạ giới làm mưa làm gió rồi cuộn lại trong đám mây ngũ sắc bay mất tăm dạng. Hệt như chuyện ông tiên, bà tiên gì đó năm xưa ở lầu Hoàng Hạc từng cà tửng đè cổ hạc bay về trời trong Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vậy.
Văn học miền Bắc sụp hầm tội nghiệp khi đè cổ dịch giải các tập Ngô Gia Văn Phái theo ý chủ quan!
Lại quả thật nếu đã có người từng thấy rồng thì chỉ duy nhất mỗi vua Lý Công Uẩn khi xưa đã thấy nó trong giấc mộng mỵ mơ hồ mà thôi. Nhưng ai biết có thể đó là do vua Lý Công Uẩn cà tửng bịa ra giấc mơ thấy rồng bay như vậy hòng có điều kiện vững chắc để dễ dàng xây dựng kinh đô tại địa giới lềnh bềnh sông nước Hà Nội, sau gọi là Thăng Long mà không một ai dám đứng ra đương đầu phản biện, ngăn cản. Dễ rớt cái... tà trí như chơi ấy chứ?
Nhưng cho dù con rồng có hay không có thì chúng ta cũng chả cần quan tâm ba cái chuyện thực hư, mơ hồ, mộng mỵ này mà làm chi. Khổ lắm. Chúng ta chỉ cần biết rằng Long 龍, tức rồng là để chỉ cho vua, người cai trị thần dân bách tính trong một đất nước mà mình đang ở. Như vậy, Long 龍 ở đây chính là để chỉ cho vua Quang Trung, người mà Ngô Thì Nhậm tôn thờ, kính ngưỡng bằng tất cả sự ái mộ, tận tụy và thương yêu đến tận đáy sâu tâm hồn của một bề tôi trung thành.
Ngự 御 là chữ tiếp theo. Phàm những gì liên quan mật thiết đến vua thì gọi là ngự. Như ngự thư là chữ vua viết, ngự chế là bài văn vua làm ra. Ngự y là thầy thuốc của vua. Và khi vua ăn thì gọi là ngự thiện, phòng ngủ của vua gọi là ngự phòng, vv...
Các bạn cũng nên lưu ý cho chỗ này. Chữ Ngự 御 này tuyệt đối chỉ có vua chúa mới được sử dụng. Chứ đám phàm phu ăn tục nói phét sờ mó vào thứ chữ đặc biệt này thì coi chừng đi ăn mày hết cả đám đấy! Có khi còn bị tru di cả tam tộc nữa là thậm chí!
Nam 南 ở đây có nghĩa là phương hướng, tức ở hướng nam hay phương nam. Thông thường, khi bạn đứng ở bất cứ vị trí nào mà mặt bạn nhìn về hướng đông thì bên tay phải của bạn là hướng nam. Do đó, ở đây, trong câu khai đề của bài thơ mà chúng tôi cho là vô cùng nghiệt ngã, vô cùng quan trọng này mà nếu có ai đó đem cả vàng ký ra để đánh đổi thì xin bạn thẳng thừng từ chối liền cho.
Các bạn nghe rõ chứ? Nam 南 ở đây vừa có nghĩa là hướng nam và cũng vừa có nghĩa là vị trí bên tay phải. Nhưng tại sao lại là bên tay phải thì xin hạ hồi phân giải. Chớ vội. Chuyện đâu còn có đó.
Quan là gì? Quan ở đây là cái áo quan, tức cái quan tài. Vậy quan một khi đã xác nhận đúng là cỗ áo quan thì chữ quan sẽ được viết là 棺.
Ngu dốt, giết người không đáng sợ. Sai đè hiểu đúng mới đáng sợ!
Thơ bảy chữ có hai cách để hiểu, để trình bày, tức nó thuộc dạng văn bản nào? Nếu nó thuộc dạng thơ Đường hoặc Đường luật thì nó đi theo nhịp 4/3, tức 4 chữ trước được xếp vào một cụm, ba chữ còn lại là một cụm. Một cụm ở đây cần phải được hiểu là mỗi cụm mang một ý nghĩa khác nhau. Đây là bảy chữ nhịp 4/3 của văn bản thơ Đường thuần túy hay Đường luật. Thơ bảy chữ tràng thiên cũng đi theo nhịp 4/3 này. Như bài Hai sắc hoa tigôn của tác giả TTKH chẳng hạn.
Văn bản còn lại đi theo nhịp 3/4. Thể thơ đi theo nhịp 3/4 này chỉ có ở Việt Nam, và rất tiếc chúng ta không thể nào biết được nhịp thơ 3/4 bảy chữ này xuất hiện từ thời nào, và do ai sáng chế, cách tân từ thể thơ đi theo nhịp 4/3 của Tàu. Chúng ta chỉ biết được một điều chắc chắn rằng kể từ khi nhịp thơ 3/4 này xuất hiện thì văn học cổ Việt Nam đã cho ra những bài thơ Song thất lục bát kiệt tác bởi những nhà thơ trứ danh, lỗi lạc như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều với bài Cung oán ngâm khúc, Đoàn Thị Điểm với bài Chinh phụ ngâm chuyển nhịp của Đặng Trần Côn, Bắc cung Hoàng hậu với độc nhất bài Ai tư vãn. Nhưng có lẽ theo chúng tôi một trong những bài Song thất lục bát hay nhất của nền văn học cổ Việt Nam đó chính là bài Tỳ bà hành do Phan Huy Vịnh (?) chuyển đổi từ nhịp 4/3 sang 3/4 của tác giả Bạch Cư Dị người Tàu.
Tuyệt tác văn học của Tàu và Việt nhưng có quá nhiều những sai lệch rất khó chấp nhận!
Có thể nói không ngoa rằng chỉ từ khi bài thơ Tỳ bà hành nhịp 4/3 của Bạch Cư Dị được cao thủ Phan Huy Vịnh chuyển qua nhịp 3/4 thì bài thơ này mới trở thành một kiệt tác bất hủ, đồng thời tên tuổi Bạch Cư Dị cũng từ đó đã trở nên bất tử đối với người Việt. Chứ với thể thơ nguyên bản đi theo nhịp 4/3 của bài Tỳ bà hành mà khi đọc qua nghe không hay, và không đã tai một chút xíu nào cả. Nếu không tin, bạn nên đọc lại nguyên bản bài Tỳ bà hành nhịp 4/3 của Bạch Cư Dị xem sao. Đây là khổ đầu tiên, các bạn đọc hoặc ngâm liền đi:
Tầm dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền...
Đọc qua nguyên bản của Bạch Cư Dị chúng tôi thấy nó cứ làm sao ấy. Cũng có thể do ngôn ngữ và cách ngắt câu, nhả chữ, luyến láy âm giọng của chúng ta khác với ngôn ngữ, chất giọng của người Tàu nên chúng ta không thể nào thấm nhập các dạng văn bản như thế này của Bạch Cư Dị được chăng?
Xin mời các bạn ngâm, đọc khổ thơ nhịp 4/3 nguyên bản đã được Phan Huy Vịnh chuyển qua nhịp 3/4 thử xem:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti...
Ôi, cả một trời thơ, cả một trời kỷ niệm chất ngất thiên thu đã bỗng chốc xuất hiện, kéo về trong tâm tưởng, trước con mắt tha nhân mà từ bao lâu tưởng như đã nhạt nhòa, phôi phai, tàn úa vì buộc trói của chén cơm manh áo, vì tiếng nói của con tim đi tìm mộng cuộc đời...
Đây là nói theo cảm xúc của người đọc khi đọc qua bản dịch của của Phan Huy Vịnh đối với nguyên bản Tỳ bà hành nhịp 4/3 của Bạch Cư Dị. Hiện tại, bản dịch nhịp 3/4 Song thất lục bát này của Phan Huy Vịnh chẳng riêng gì giới chuyên môn mà cả những người tay ngang, nghiệp dư đã và đang tôn nó lên hàng tuyệt phẩm thượng thừa. Điều này không một ai có thể bàn tới bàn lui gì được nữa. Và đặc biệt nhất là nhà trường đã đem bản dịch nhịp 3/4 này vào giảng dạy cho học sinh các cấp từ cả hai miền Nam Bắc xưa nay.
Dưới đây là những phát hiện chồng chéo, nhập nhằng của chúng tôi đối với bài thơ thuộc diện kiệt tác này của cả hai tác giả danh tiếng lẫy lừng, một ở Việt Nam, một ở Trung Hoa.
Bốn câu khổ đầu -đã dịch nghĩa- nguyên bản nhịp 4/3 của Bạch Cư Dị đã được chúng tôi trích nguyên văn trong tập Bạch Cư Dị-Tỳ Bà Hành, trang 160 do Tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp biên soạn. Sách do NXB Đồng Nai ấn hành vào tháng 10 năm 2003. Xin mời các bạn bỏ chút đỉnh thời giờ vàng ngọc đọc lại lời văn dịch nghĩa trong tập sách này:
Trên bờ sông Tầm Dương vào ban đêm, ta tiễn đưa người bạn đi xa.
Lá phong đỏ, hoa lau vàng xào xạc trong gió thu thật là thê lương.
Ta xuống ngựa đưa khách lên thuyền,
Nâng cốc định uống rượu biệt ly, tiếc là không có đàn ca giải sầu...
Câu dịch âm thứ hai trong khổ thơ này là Phong diệp địch hoa thu sắt sắt thực ra là một câu sai, không còn đúng với nguyên bản của Bạch Cư Dị. Bởi vì trước hết Bạch Cư Dị là người sống cách đây hơn 1000 năm (772-864) thì những trước tác văn thơ của ông làm gì còn đúng nguyên bản gốc để ngày nay chúng ta có thể đặt một niềm tin vững chắc đó chính là di cảo, bút lực của ông? Sau là do chúng tôi căn cứ vào những gì được dịch trong câu thơ thứ hai này để có thể thấy ra những cái sai mà người sau dù có dịch hay che đậy cách nào để tìm cách dịch cho thoát ý văn thơ cũng không thể nào được.
Tại đây, chúng tôi sẽ tuần tự chỉ ra những cách dịch léo lận, che đậy, không nói có, có nói không của các nhà dịch giả đối với bài thơ này.
Thứ nhất. Trong câu thơ âm và nghĩa thứ hai này tuyệt đối không có một từ, chữ nào để có thể chứng tỏ rằng tại hiện trường có ngọn hay luồng gió thu thổi tới nên đã làm cho lá hoa kêu lên xào xạc. Cố gắng đọc đi đọc lại rất nhiều lần hoàn toàn chúng tôi vẫn không hề thấy một từ, chữ nào trong hai câu âm nghĩa này có thể nói lên rằng cây lá, cỏ hoa bên bờ sông đang bị gió thu thổi mạnh để từ đó phát ra tiếng kêu xào xạc, tạo nên cảnh thê lương, buồn bã cho những người trong cảnh biệt ly.
Hoàn toàn không là không!
Nhưng nếu mạnh dạn thay đổi vị trí các từ, chữ trong câu lại thì sự thật sẽ xuất hiện ra ngay lập tức! Vậy bây giờ thay đổi như thế nào? Đó là trả các từ, chữ mà do tam sao thất bổn lại đúng ngay vị trí của nó như trong nguyên bản của Bạch Cư Dị. Chúng tôi thay đổi, làm một cuộc cách mạng đảo lộn sự xáo trộn, mất trật tự lại như sau. Xin mời các bạn đọc qua cách thay đổi của chúng tôi:
Phong địch diệp hoa thu sắt sắt...
Nếu là Phong diệp thì hai chữ này sẽ cho người đọc hiểu đó là lá phong, tức lá bàng. Lá bàng vốn màu xanh, khi ngã màu sẽ cho ra sắc đỏ. Nhưng nếu đảo lại, đổi Phong diệp thành Phong địch thì ngọn gió hay từng luồng, từng cơn gió thu rất mạnh sẽ xuất hiện ngay tức thì! Và chính những luồng, những cơn phong địch này sẽ làm cho cỏ cây, hoa lá trên bến Tầm Dương chẳng những chỉ kêu lên tiếng xào xạc, xào xạc thôi mà còn rung, còn rít lên bần bật, bần bật cho mà coi. Bạn có tin điều này hay không?
Vậy Phong địch là gì?
Phong 風 ở đây là gió, và địch 敵 có nghĩa là đương đầu, kháng cự, chống lại, như khi nói : "Mãnh hổ nan địch quần hồ". Lại địch 敵 còn là quét, là thổi. Như vậy, bạn đã thấy. Chỉ cần đặt sai vị trí của một từ, một chữ nào đó trong một câu văn, câu thơ thì toàn bộ ý nghĩa sự thật của câu văn, câu thơ đó sẽ bị đảo lộn, không còn đúng với nguyên bản của sự thật và của ý niệm tác giả được nữa.
Phong bây giờ của nguyên bản khi đã là Phong địch 風 敵, tức gió thổi thì tiếp theo sẽ là diệp hoa chứ không phải địch hoa. Diệp hoa 葉 花 là lá và hoa, nói gọn lại là lá hoa.
Ba chữ cuối câu là thu sắt sắt, thu là mùa thu, chữ thu này viết là 秋. Hai chữ nối tiếp là sắt sắt. Sắt 瑟 nếu đứng riêng rẽ một chữ thì là cây đàn sắt, loại đàn có 25 dây. Nhưng nếu hai chữ sắt sắt 瑟 瑟 này nhập lại sẽ mang một ý nghĩa là tiếng gió rít lên nghe san sát, xào xạc. Đây là chữ tượng thanh, không phải chữ tượng hình.
Chúng tôi ghép các chữ đã chỉnh sửa, xáo trộn này lại như sau:
風 敵 葉 花 秋 瑟 瑟
Phong địch diệp hoa thu sắt sắt,
Với câu thơ dịch âm này khi dịch ra nghĩa sẽ là:
Gió thổi mạnh qua từng cơn khiến cỏ cây, hoa lá mùa thu kêu lên xào xạc như lời than vãn não nùng nghe mới thê lương, ai oán làm sao!
Tiếp nữa. Câu dịch âm thứ ba tiếp theo của khổ thơ này vẫn có một cái sai. Rồi từ cái sai này đã dẫn đến cái sai của cao thủ Phan Huy Vịnh trong nhịp thơ 3/4 Song thất lục bát tuyệt hay. Chỗ sai trong câu dịch âm này là đây:
Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền,
Chủ nhân ở đây là Bạch Cư Dị, còn khách là người bạn được Bạch Cư Dị đến tiễn đưa. Chúng ta có quyền đặt các câu hỏi ngay tại đây. Người bạn này là người chèo đò trên bến Tầm Dương hay là người khách chờ đò ra đi, rời bến Tầm Dương để về một phương trời viễn xứ nào đó mà có thể vì chén cơm manh áo buộc bắt của kiếp nhân sinh giữa đời thường? Hay ra đi chỉ vì muốn làm một chí sĩ cứu nước như Kinh Kha và Tần Vũ Dương?
Đưa người chả thấy bến sông,
Ồ, sao tiếng sóng ầm vang trong lòng?
Bóng chiều cũng chả vọt vàng,
Ồ, sao trong mắt hoàng hôn trong đầy?
(Tống biệt hành)
Chả biết. Chúng ta chỉ có thể biết lờ mờ, nhập nhằng, nhá nhem rằng. Nếu câu thơ đúng như nguyên bản dịch âm nhịp 4/3 thể hành của Bạch Cư Dị là Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền... Thế thì còn gì nữa. Bạn của Bạch Cư Dị chính là người chèo đò trên bến Tầm Dương. Và từ câu thơ biểu thị ý nghĩa rõ ràng, cụ thể thế này cho nên cao thủ Phan Huy Vịnh mới hạ bút dịch sát nghĩa như sau:
Người xuống ngựa, khách dừng chèo...
Khách dừng chèo ấy bởi vì khách là người chèo thuyền đưa rước khách độ nhật trên bến Tầm Dương. Với câu dịch của Phan Huy Vịnh bám sát được thực tế thế này là quá hay rồi còn gì. Còn trường hợp nếu như bạn của Bạch Cư Dị không phải là người chèo đò trên bến Tầm Dương thì câu dịch của cao thủ Phan Huy Vịnh đã quá sai ôi sao là sai!
Sai một li thì đi một dặm!
Theo chúng tôi, nếu bạn của Bạch Cư Dị không phải là người chèo đò đưa khách bến Tầm Dương thì câu dịch âm nguyên bản gốc của Bạch Cư Dị phải viết như sau:
Chủ nhân hạ mã khách thượng thuyền,
Nghĩa là bạn của Bạch Cư Dị lên thuyền trước, rồi Bạch Cư Dị mới xuống ngựa, lên thuyền nối theo sau. Nếu sự thật đúng như thế này xảy ra thì câu dịch của cao thủ Phan Huy Vịnh phải thế này đây:
Người xuống ngựa, khách lên thuyền,
Nhưng nếu như câu dịch này của Phan Huy Vịnh là hoàn toàn bám sát được sự thật đã từng xảy ra vào một thời xa xưa thăm thẳm, ngút ngàn thì tại sao lại có câu thứ tư của khổ thứ hai? Các bạn cũng nên vui lòng, bỏ chút đỉnh thời giờ vàng ngọc đọc lại câu thứ tư của khổ thứ hai này xem sao:
...Say những luống ngại khi chia rẽ,
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
Đàn ai nghe vẳng bên sông,
Chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi...
Đọc qua những từ, chữ thế này còn gì nữa có thể nó sẽ dễ làm cho chúng ta nghĩ rằng bạn của Bạch Cư Dị chính là người chèo thuyền đưa khách trên bến Tầm Dương. Nhưng chúng tôi lại không nghĩ, không cho văn bản viết, tức sự thật là như vậy. Mà bốn chữ cuối của câu thứ tư là để chỉ cho tình trạng không được vui lắm của người bạn Bạch Cư Dị khi phải nghe theo lời chiến hữu để đi săn tìm tiếng đàn nào vừa trổi lên đâu đây như muốn níu đôi chân người mặc khách mà tâm hồn luôn anh ách nỗi sầu bi nhân thế.
...Nửa đêm bỗng boăn khoăn nghĩ ngợi,
Vỗ áo cừu bối rối khôn nguôi.
Trượng phu quý ở giúp đời,
Phải đâu cốt sướng con người mình thôi.
(Thôn cư khổ hàn)
Tóm lại. Câu thứ ba dịch âm của khổ thứ nhất trong nguyên bản của Bạch Cư Dị phải được viết như sau thì mới đúng với sự thật. Vì bạn của Bạch Cư Dị không phải là người chèo đò đưa khách mưu sinh độ nhật trên bến Tầm Dương:
主 亻下 馬 客 上 船
Chủ nhân hạ mã khách thượng thuyền,
Khi câu dịch âm nguyên bản đúng như thế này rồi thì câu chuyển thể của cao thủ Phan Huy Vịnh cần phải được văn học Việt Nam, nhất văn học nhà trường nghiêm túc hạ bút sửa lại như sau:
Người xuống ngựa/khách lên thuyền...
Câu này được chia ra hai vế, và vế nào cùng với chữ nào của câu cũng đối với nhau được cả. Đây là điều rất khó đối với các nhà thơ xưa nay khi gieo vần tìm chữ cho thơ, cho câu vậy.
Chứ nếu là:
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
thì là cái sai rất khó chấp nhận cho nổi cách nào đấy! Các bạn có ý kiến gì chăng trước cách xử lý một văn bản của chúng tôi?
(Còn tiếp)