Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

2- LÀM SAO XỬ LÝ MỘT VĂN BẢN?

2- LÀM SAO XỬ LÝ MỘT VĂN BẢN?

Như vậy, các bạn có thể đã tạm hiểu ý chúng tôi muốn nói gì rồi. Con người phần đông hằng ngày chỉ làm việc và sống bằng trí nhớ, sự mặc định chứ không phải bằng tư duy, suy nghĩ tích cực. Bởi nếu người ta làm việc bằng sự động não, tư duy tích cực, tới bờ tới bến thì có đâu nạn ô nhiễm môi trường, có đâu sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm độc hại, giết người tràn lan như thế? Lại có đâu xung đột và đâm chém, sát phạt lẫn nhau, xem coi mạng người như cỏ rác. Thêm nạn tham nhũng, móc ngoặc, biển thủ, gian lận của công? Hoặc khom lưng rước giặc về cày xới mồ mã ông bà tổ tiên, giòng họ?

Xin chưa nói những việc làm tráo trở, lật lọng, bóp méo, xuyên tạc, thêm bớt trong lịch sử của những người và những bộ môn hữu trách, liên quan đến văn sử học của đất nước, dân tộc. Tại đây cũng xin cho ra những ví dụ cụ thể như sau về cách làm việc bằng trí nhớ, mặc định của giới văn sử học nước nhà xưa nay.

Truyện Kiều chúng tôi dám xác nhận là của chính Nguyễn Du viết cho mối tình lỡ làng của mình với người trong mộng đầu đời Hoàng Thị Thu Mai, sau này là Bắc Cung Hoàng Hậu, vợ thứ ba của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ rồi vua Quang Trung. Chứ Bắc Cung Hoàng Hậu không phải là Công Chúa Lê Ngọc Hân, con vua Lê Hiển Tông như giới văn sử học đã xúm đè cứng ngắc mặc định hơn 200 năm như thế!

Trong câu chuyện lịch sử nhập nhằng này khi đọc lại các văn bản sử học chúng tôi phát hiện những lỗ hỗng chết người mà giới văn sử học Bắc Nam đã không thể phát hiện cho nổi cách nào. Chính những trường hợp này đã từng xảy ra quá nhiều trong bộ môn hình sự, điều tra phá án và nó đã để lại những hệ lụy khôn nguôi cho con người cùng xã hội. Xin mời các bạn đọc lại những phát hiện của chúng tôi trong hành trình đi làm lại, tìm lại những giá trị miên viễn, bất tử của lịch sử, của sự thật.

 sách
Sự yên lặng và bình an của tâm hồn ngọt ngào hơn các lạc thú

Trong bài thơ AI TƯ VÃN của Bắc Cung Hoàng Hậu có câu "Nỗi lai lịch dễ hầu than thở..." thuộc khổ thứ hai. Câu này chúng tôi cho là câu tầm bậy. Tại sao như thế? Ấy lai lịch tức là lý lịch, lý lịch thì không thể gọi, nói là nỗi lý lịch. Mà lý lịch hay lai lịch bạn phải nói, phải viết là BẢN LÝ LỊCH. Nếu bạn viết, bạn nói NỖI LÝ LỊCH thì người ta sẽ cho bạn thuộc diện điên điên khùng khùng hay bị tẩu hỏa nhập ma đấy nhé!

Tại đây, ngay tại câu văn bảy chữ này chúng tôi đưa ra hai suy luận. 
1- Nếu đó đúng là chữ Nỗi thì phải là "Nỗi bi kịch"
2- Nếu đó đúng là lai lịch thì phải là "Bởi lai lịch".

Trong hai suy luận này buộc bắt chúng tôi chỉ được quyền chọn một, chứ không thể chọn hai. Bởi nếu chúng tôi chọn hai tức đầu óc chúng thuộc diện không bình thường. Và khi đã chọn một trong hai thì sự lựa chọn đó tuyệt đối phải chính xác, đúng với văn bản gốc của Bắc Cung Hoàng Hậu. Vậy chúng tôi đã chọn sự suy luận, tức giải pháp tối ưu nào đối với câu thơ trong bài thơ tam sao thất bổn này?

Thưa các bạn chúng tôi đã chọn giải pháp, sự suy luận thứ nhất, mặc dù chúng tôi đã khẳng định cứng ngắc. Rằng Bắc Cung Hoàng Hậu là Hoàng Thị Thu Mai, không phải Công Chúa Lê Ngọc Hân, con vua Lê Hiển Tông. Tại đây, chúng tôi sẽ cho các bạn biết rõ tại sao chúng tôi lại chọn suy luận thứ nhất mà không chọn suy luận thứ hai cho phù hợp với khẳng định của mình lâu nay về danh tính Bắc Cung Hoàng Hậu.

Trước hết, một khổ thơ gồm bốn câu, và trong bốn câu thì câu này phải liên kết, móc nối chặt chẽ, lôgic với câu kia để cho ra ý tưởng của tác giả hay của câu chuyện gì đó mà tác giả muốn nói, muốn gởi đến với những người đọc. Vậy xin các bạn đọc lại khổ thơ thứ hai với các từ chúng tôi đã chỉnh:
... Nỗi bi kịch dễ hầu than thở, 
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao. 
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao, 
Sầu đầy dạt bể, thảm cao ngất trời...

Khổ thơ này được nối tiếp khổ thứ nhất khi khổ thứ nhất đã được tác giả mở bày, cho biết tâm trạng của mình vào lúc hiện tại ra sao khi người xưa đã ra đi. Còn nếu chúng tôi chọn cách suy luận thứ hai thì cách suy luận này với câu thứ nhất lại không thể mở rộng và nối được ý, tức hoàn cảnh hiện tại của tác giả phơi bày trong khổ thứ nhất. Các bạn đọc xem:

... Bởi lai lịch dễ hầu than thở,
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao. 
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao,
Sầu đầy dạt bể, thảm cao ngất trời...

Xin các bạn lưu ý. Bởi là một từ thường được dùng trong trường hợp để chứng minh tại sao tôi phải làm hay phải biến ra như vậy, hoặc có khi nó được dùng để nối ý trước, ý sau thành một ý, một câu thống nhất và hợp lệ. Như câu sau đây là một ví dụ: "Chúng tôi không chia phần cho anh hôm nay bởi hôm trước anh đã nhận rồi". Bởi ở đây vì vậy là một liên từ dùng để nối ý, nối câu. Nói rõ hơn nữa. Ý trước, ý sau là hai ý ngược lại, chống trái lẫn nhau. Vì vậy, khi đưa từ bởi vào câu là người ta sẽ làm cho hai ý chống trái này trở nên hợp lẽ và liên kết chặt chẽ với nhau.

Chúng tôi xin trích cả hai khổ đầu của bài thơ này để cho các bạn đọc lại, đồng thời kiểm tra lại kiến thức của mình đã như thế nào khi xử lý một văn bản:

Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo,
Trước thềm lan hoa héo ron ron.
Cầu (Chùa?NV) Tiên khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu...
Bởi lai lịch dễ hầu than thở,
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao.
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao,
Sầu đầy dạt bể, thảm cao ngất trời...

Nếu lưu ý, các bạn sẽ thấy ba từ "Bởi lai lịch" của khổ thứ hai chả ăn nhập, liên hệ gì đến khổ nhập đề khơi mào câu chuyện, tâm trạng bi ai của Hoàng Hậu vào lúc này chút nào được cả.

Nhưng "Bởi lai lịch" là ba từ còn có thể chấp nhận, chứ nếu nói "Nỗi lai lịch" thì lại khó nghe thế nào. Do đó, chúng tôi phải chỉnh lại câu này từ "Nỗi lai lịch" thành "Nỗi bi kịch" cho hợp lý, đúng với văn bản gốc của Bắc Cung Hoàng Hậu khi xưa vậy.

Còn nếu các bạn cho chúng tôi là người đầu óc mất bình thường, cứ đem văn thơ, điển tích người xưa ra đè cứng ngắc chỉnh sửa, suy diễn tùy hứng. Thôi thì từ nay các bạn không được viết là BẢN LÝ LỊCH, BẢN TƯỜNG THUẬT nữa. Mà cứ tự do viết là NỖI LÝ LỊCH, NỖI TƯỜNG THUẬT để thử xem rồi đây đám công an hình sự mặt lạnh như tiền kia liệu có la hét, đập bàn vỗ ghế, thậm chí thộp cổ các bạn chố cho bạt tai bật ngữa hay họ sẽ ngồi ngoan ngoãn, im ru bà rù nói chuyện tình cảm thắm thiết với bạn nhé!

Trường hợp thứ hai, và chính trường hợp này nó như đã củng cố vững chắc hơn nữa cho sự xác nhận của chúng tôi về nhân thân của Bắc Cung Hoàng Hậu là rất đúng với câu chuyện có thật. Chứ không phải chúng tôi dựng chuyện thêu dệt để đọc nghe cho vui tai vui miệng.

sách
Nào ai biết được niềm u ẩn, Từng lắng nhiều trong những mảnh đời...(QD)

Trong nhiều văn bản sử học có ghi lại tình cảnh lúc đám tang vua Lê Hiển Tông diễn ra tại điện Kính Thiên vào năm Bính Ngọ 1786. Lúc này Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đang mặc đồ tang đứng trong nhóm thuộc giòng họ, con cháu vua Lê Hiển Tông. Vì trước khi ra đi thì vua Lê Hiển Tông và triều thần đã quyết định gã Công Chúa Lê Ngọc Hân cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Vậy Nguyễn Huệ đã chính thức là con rễ, thuộc giòng tộc vua Lê Hiển Tông từ giây phút ấy!

Nhóm dự đám tang trong điện Kính Thiên còn lại thuộc hàng ngũ các quan văn võ triều đình. Bất chợt Nguyễn Huệ đang ở nhóm bên này nhìn sang nhóm bên kia phát hiện có một ông quan chấp sự gì đó đang đứng nhìn mình mỉm cười. Nguyễn Huệ liền hô quân lính bảo vệ - Tây Sơn - lôi vị quan đùa giỡn tự do kia ra chém trước sân triều đình tức thì!

Hầu hết các văn bản sử học chỉ ghi tóm tắt, đơn giản như vậy. Nhưng khi đọc qua đoạn này chúng tôi không cho sự việc chỉ như vậy đơn giản xảy ra mà nó còn mang tính chất phức tạp, bí mật hơn rất nhiều. Và chính ở điểm mà giới văn sử học cho là đơn giản hoặc họ cũng không lưu ý gì cho lắm lại cung cấp cho chúng tôi thông tin chính xác rằng Bắc Cung Hoàng Hậu, tức người con gái đang mặc đồ tang đứng trong giòng tộc vua Lê mà lịch sử cho là Công Chúa Lê Ngọc Hân kia là ai?

Sau đây là sự suy diễn của chúng tôi trong trường hợp vô cùng quan trọng nhưng cũng không đáng lưu tâm chút nào cả này đối với lịch sử Việt Nam.

Thật ra ông quan bị chém chết kia không phải đang đứng mỉm cười một mình, mà ông ta đang cùng cả nhóm quan văn võ xúm nhau bàn tán, xầm xì và đưa tay chỉ chỏ gì đó phía Nguyễn Huệ. Nhưng vô phúc cho ông ta khi Nguyễn Huệ là người võ học tinh thông, lão luyện với sáu căn ứng lý nhanh như điện xẹt trước tất cả mọi tình huống, mọi động tĩnh. Đó là lúc Nguyễn Huệ bất chợt nhìn thấy sự coi thường như vậy từ nhóm quan văn võ nhà Lê trong ngày trọng đại, trước giờ đưa tiễn người quá cố về nơi an nghĩ cuối cùng. Thì Nguyễn Huệ liền cho lính cận vệ lôi một ông ra chém để dằn mặt, đồng thời cảnh cáo cho những ông còn lại nếu muốn chết thì cứ tự do tiếp tục nói chuyện đi!

Chúng ta có quyền đặt ra những câu hỏi. Ông quan chấp sự bị chết oan uổng kia cùng nhóm quan văn võ đã xúm nhau bàn tán chuyện gì? Và tại sao các ông lại không biết đây là giờ phút trọng đại trước khi di dời linh cữu vua Lê Hiển Tông, người mà các ông tôn thờ, cúi đầu vâng dạ, bẩm báo hằng ngày mà lại xúm nhau bàn tán, chỉ chỏ này kia để rồi một ông trong nhóm phải chết thê thảm như thế?

Chúng tôi xin trả lời câu các câu hỏi này như sau. Đó là các ông đang xúm bàn tán, xầm xì chuyện tướng giặc Tây Sơn ở xó núi mọi rợ kia không phải là rễ vua Lê Hiển Tông nhưng tại sao. Lại mặc đồ tang, cả gan chui vào đứng trong hàng ngũ giòng họ, hoàng tộc con cháu nhà Lê chứ ngoài ra chả có chuyện con khỉ gió gì nữa ở đây cả!

Chúng tôi đồng ý với các bạn là trước đó, khi Nguyễn Huệ đã được vua Lê Hiển Tông cùng triều thần bàn bạc và thống nhất gã cho người con gái là Công Chúa Ngọc Hân. Nhưng sau đó vua Lê và triều thần đã thay đổi ý kiến, quyết định tráo một người con gái khác vào vị trí, vai trò cầu hòa chính trị của Công Chúa Lê Ngọc Hân với danh tướng Nguyễn Huệ, đại diện cho phong trào cách mạng Tây Sơn. Chuyện này thì ngay trong thời điểm ấy Nguyễn Huệ không thể biết. Và người đạo diễn cho cuộc tình duyên chính trị này chính là Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh! Trong Kiều, câu lục 588 Nguyễn Du đã cho biết tình hình diễn ra đúng như vậy tại điện Kính Thiên:

"... Phải tên xưng truất thằng bán tơ..."

Xưng truất là chỉ vào Nguyễn Huệ. Xưng là Phù Lê. Truất là diệt Trịnh. Thằng bán tơ là chỉ đích danh cho ông mai Nguyễn Hữu Chỉnh.

Bởi vì không hiểu biết những bí mật đã âm thầm xảy ra đằng sau tấm màn nhung do Bằng Quận Công đạo diễn, dàn dựng. Cho nên Nguyễn Huệ mới lạnh lùng ra tay đối với ông quan chấp sự vô phúc kia trước giờ tiễn đưa linh cữu vua Lê về nơi an nghĩ sau cùng. Đọc đến đây, có thể các bạn sẽ cho Nguyễn Huệ là người lạnh lùng, giết người không biết gớm tay. Nhưng nếu đặt bạn hay chúng tôi hay một ai khác vào trong trường hợp này tất cũng phải hành động như vậy thôi. Chứ đừng nói Nguyễn Huệ trước sau đã nổi tiếng là người thực thi quân lệnh rất nghiêm minh, dứt khoát, không khoan nhượng. Đó là đặc điểm nổi bật của những danh tướng cổ kim trong lịch sử nhân loại chứ không riêng mỗi Nguyễn Huệ, người xuất hiện trong hiện tại với vai trò, nhiệm vụ càn quét, tiêu diệt các tập đoàn cát cứ, bóc lột nhân dân lao động cực khổ Đàng Trong Đàng Ngoài của thời điểm giao thoa khốc liệt nhất vào hậu bán kỷ 18 trên chính đất nước của chúng ta!

Có đặt được mình vào vị trí ấy của những danh tướng hay những nhà lãnh đạo với trọng trách khi đứng giữa lý và tình, giữa công và tội thì bạn mới có thể hiểu người đứng đầu tổ chức phải có một trách nhiệm, bổn phận gì đối với sự an nguy của tập thể, của dân tộc và đất nước trong mỗi thời kỳ riêng biệt.

Chỉ đến khi đưa người con gái bí mật, giả dạng Công Chúa Lê Ngọc Hân mà Nguyễn Du đặt cho một mật mã là Thúy Kiều ấy về đến Phú Xuân rồi thì lúc này Nguyễn Huệ mới biết rõ sự tình uẩn khúc phía sau tấm màn nhung. Và tại sao ông quan chấp sự tội nghiệp đã bị mình chém chết kia lại dám cả gan xầm xì, cười lạt, đưa tay chỉ chỏ về mình như vậy trong thời khắc trọng đại tại điện Kính Thiên. Nhưng tất cả đã muộn mất rồi! Than ôi!

Lịch sử cổ kim nhân loại chẳng từng xảy ra những chuyện thế này rồi sao?

Vì thế, lịch sử cho chúng ta biết rõ Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lúc này từ Phú Xuân đã liền cấp tốc bắn ra Bắc Hà một sắc lệnh, giao toàn quyền cho Võ Văn Nhậm xử lý Nguyễn Hữu Chỉnh bằng tất cả mọi giá! Và Bằng Quận Công đã phải trả giá đắt cho những việc làm của mình trong hiện tại. Trong đó có cả việc toan tính chiếm hữu và thống trị Bắc Hà chứ không riêng vụ dàn dựng cuộc tình duyên tráo trở mang tính cầu hòa chính trị năm Bính Ngọ 1786.

sách 
Tất cả những nghiên cứu công phu của nhiều tác giả về truyện Kiều đều sai sự thật. Tại sao?

Nhưng sự việc, tức nhân quả không phải chỉ xảy ra đơn giản, đơn phương, đơn điệu và đơn tuyến, đơn côi mờ nhạt như vậy. Mà nhân quả thưa các bạn là một chùm, một đường dây và là một hệ thống diễn biến hết sức chặt chẽ, chằng chịt, lôgic và cũng hết sức ngoạn mục, ly kỳ, hấp dẫn...

Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc...
Các bạn cần phải biết. Vào thời điểm Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nghe theo lời luận dẫn lý sự viên dung của tướng tha hương Nguyễn Hữu Chỉnh liền vội trẩy quân, kéo đoàn quân chinh phạt bất khả chiến bại ra Bắc Hà lần thứ nhất thì lúc này Kim Trọng, tức Nguyễn Du hay Thanh Tâm Tài Nhân đã cùng Thúy Kiều, tức người con gái bí mật kia đã trao cho nhau lời ước hẹn đầu tiên tại vườn thúy vào một đêm trăng thơ mộng hôm nào...

... Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, song đào thêm hương.
Tiên thề cùng thảo một chương,
Tóc mây một món, dao vàng chia hai.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương...

Từ ngày muôn dặm phù tang...
Nhưng lão trời già cay nghiệt kia sao lại cắc cớ dàn xếp, bày chi ra chuyện bãi bể nương dâu để ngăn uyên rẽ thúy nghiệt ngã như thế khi đùng một cái. Bất chợt thư sinh Kim Trọng nghe tin chú mất nên liền tức tốc rời kinh thành về quê chịu tang chú. Đúng 6 tháng sau Kim Trọng trở lại kinh thành Thăng Long thì hỡi ôi. Người ngàn năm thương hoài một bóng hình ai đã theo tướng giặc đi mất rồi còn đâu!

... Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay...

Hoặc:

... Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một người...

Trước sau nào thấy bóng người...
Văn học Việt Nam chỉ biết rằng Nguyễn Du đã từng trải qua thời gian dài lây lất, lang thang trên đất Bắc Hà gần 10 năm. Và giới văn học Việt Nam đã đặt chết một cái tên trong thời điểm chơi vơi, lang bạt, tứ cố vô thân này của Nguyễn Du là 10 năm gió bụi. Tuyệt đối văn học Việt Nam chỉ biết có bấy nhiêu là bấy nhiêu. Không còn gì khác hơn. Chứ văn học Việt Nam không thể ngờ rằng vào thời điểm nghiệt ngã khi người ngàn năm thương hoài một bóng hình ai đã ra đi cùng tướng giặc về phương trời viễn xứ thì với thư sinh Nguyễn Du lúc này đất trời đã như sụp đổ tan hoang! Tất cả mọi mộng mơ, hoài bão, ước hẹn của hôm nào đã bỗng chốc tiêu tan kể từ giây phút ấy!

Thôi giã biệt bạn lòng ơi,
trao trả môi người cười. 
Vì hai lối mộng hai hướng trông,
Mình thương nhau chưa trót.
Thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời, 
Cho dù chưa lần nói...

Một phen thay đổi sơn hà...
Theo cái nhìn tổng quát, cũng như sự chắp nối liền mạch tất cả mọi hiện tượng lại trong thời điểm này của hậu bán kỷ 18, thời kỳ làm chủ, tung hoành ngang dọc của Tây Sơn, nói đúng hơn là danh tướng Nguyễn Huệ, linh hồn cuộc khởi nghĩa với những trận đánh táo bạo, dứt điểm, đâu ra đó và đẹp tuyệt tựa một bài thơ hầu như đã khuất phục và đè bẹp tất cả đám anh chị có máu mặt từ Đàng Trong Đàng Ngoài, nhất hết giới chính sự Bắc Hà, đại diện là triều Lê phủ Trịnh như ngọn đèn cạn dầu sắp tắt. Thì rõ ràng nhân quả một khi đã an bài và xếp đặt, phân bổ như vậy là phải như vậy. Thế thì gã thư sinh trói gà không chặt Nguyễn Du kia thử hỏi sẽ làm được gì trong trường hợp, bối cảnh một khi đã mắc giăng, đan cài đâu ra đó như thế trong phân đoạn 10 năm gió bụi trên đất Bắc Hà?

... Nhưng nếu còn đẹp vì nhau,
xin nhẹ đi vào sầu.
Gợi thương tiếc nhiều đau bấy nhiêu,
Mình quên nhau đi nhé.
Để chốn nao với chiều mưa gió lộng,
Ta dừng chân bến mộng...

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng...
Sau thời gian 10 năm lang thang, vất vưởng, vô cùng đói khổ, không nơi nương tựa này cuối cùng không còn con đường nào khác. Nguyễn Du đành chấp nhận, quy hồi cố quận, trở lại quê hương Hà Tĩnh. Và Nguyễn Du đã chọn cho mình một sinh lộ để còn có cơ hội rửa hận đối với tình địch và mối nhục mất nước không đội trời chung là sắm sửa cung tên vào săn bắn, kiếm miếng ăn qua ngày đoạn tháng trong vùng núi Hồng Lĩnh. Nguyễn Du tự gọi mình là Hồng Sơn Liệp Hộ: phường săn bắn núi Hồng.

Và cũng chính trong thời gian làm nghề săn bắn gian nan, khó khổ bất đắc dĩ ở núi Hồng này bởi quá thiếu thốn vật chất, lương thực, cũng như tinh thần, ý chí bị suy sụp nặng nề do nỗi nhớ người xưa khôn nguôi, lại do không thể tìm ra một con đường, một lối thoát nào khả dĩ tốt đẹp cho tương lai ngày sau nên Nguyễn Du lâm trọng bệnh. Đành nằm một chỗ không cơm thuốc, rau cháo, chờ tử thần đến gọi tên trong những cơn tỉnh tỉnh mê mê...

... Bao lần đi gối mõi chân mòn,
tâm tư nặng vai gánh. 
Đường trần cho đến nay,
Chỉ còn bờ mi khép kín.
Giấc ngủ nào quên,
Giấc ngủ nào gọi tên...

Sao vô duyên bấy là mình với ta...
Rồi cho đến khi tình địch Từ Hải, tức Quang Trung Nguyễn Huệ ra đi bất ngờ vào năm Nhâm Tý 1792. Tiếp đó là sự nối gót người xưa cho tròn ước nguyện của người ngàn năm thương hoài một bóng hình ai Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai vào một mùa đông buồn bã mưa gió đầy trời năm Kỷ Mùi lịch sử 1799. Thì Nguyễn Du bây giờ trên cuộc đời có thể nói đã rơi vào tình cảnh trống vắng, tuyệt đối không còn một nơi nào để nương tựa, bấu víu cùng trao gởi tâm tư, ân tình sâu kín. Cho dù bên cạnh vẫn còn đó nét đẹp đài các trang trọng, nghiêng nước nghiêng thành Thúy Vân. Người em song sinh chắp mối duyên lỡ làng của người xưa...

... Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em
... 

Bạn và tôi, thôi chúng ta nên cùng nhau ngồi xuống và giữ im lặng thật lâu, quan sát xem Nguyễn Du đã làm gì, nghĩ gì trong giai đoạn cuối này khi ván bài nhân quả đã đến hồi chung cuộc:

... Thôi nhắc nhở để mà chi,
quay về xưa làm gì.
Giờ hai lối mộng hai hướng đi,
Niềm ưu tư tôi đếm.
Từng bước trên phố nhỏ đau gót mềm,
Sao rụng giữa đường đêm.
(HAI LỐI MỘNG)

Giai nhân nhất vị đáo Tiền Đường,
Bán thế yêm hoa tái vị trường...

Có thể các bạn cũng như chúng tôi sẽ không bao giờ biết được rằng. Sau khi đã cùng gia đình an táng người xưa vào năm Kỷ Mùi 1799 lịch sử như đã nói. Nghĩa là Nguyễn Du và gia đình Hoàng Hậu đã quyết định di dời hài cốt, linh cữu của Bà từ bên này qua bên kia để chôn táng lần hai sau lần chôn thứ nhất của vua Cảnh Thịnh tại kiệt 51 Minh Mạng thành phố Huế. Cũng như Nguyễn Du và gia đình vì để bảo vệ hài cốt của Bà cho được chu toàn, nguyên vẹn, không bị vua quan nhà Nguyễn triệt phá nên đã cùng nhau cạy tấm bia do vua Cảnh Thịnh dựng lập đến chôn giấu một nơi bí mật, kín đáo.

Thì liền sau đó, như đã nói khi tất cả mọi việc đã an bài, xong xuôi, không còn việc gì để làm hay để phải hối tiếc, ân hận đối với người ngàn năm thương hoài một bóng hình ai, tình đã khơi rồi mộng khó nhạt phai nữa vào lúc này. Thế là Nguyễn Du với hai bàn tay buông sạch đã tìm đến đúng nơi, đúng vị trí mà người xưa đã trầm mình tuẫn tiết sau khi bị tên vua tặc Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc bức hiếp và liền nhảy xuống ngay tại đấy. Chứ không phải Nguyễn Du bị bệnh chết như đám vua quan nhà Nguyễn đã che đậy, gian dối và đám văn sử học Bắc Nam cùng đám con cháu chắt chít còn sót của Nguyễn Du đã nghiêm túc nối đuôi xếp hàng y giáo phụng hành 200 năm cẩn mật như thế!

Chẳng phải trong truyện Kiều đã cho biết quá rõ như vậy hay sao?
"... Đạm Tiên nàng nhé có hay?
Hẹn ta thì đợi dưới này rước ta!"

Hay:

... Trước đèn sẵn bức (giấy?) tiên hoa,
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau...

Một thiên tuyệt bút là gì nếu không phải là tập truyện dài hơi KHIÊM VÂN KIỀU TRUYỆN 3254 câu?

Các bạn phải hiểu thêm cho chỗ này. 
Khi tập tình sử bi ai của mình với người trong mộng đầu đời đã hoàn tất thì Nguyễn Du quyết định ra đi. Và cách ra đi của Nguyễn Du chính là nhảy xuống sông... Tiền Đường, nơi người xưa đã từng nhảy để bảo vệ thanh danh sau khi bị gã Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc bỉ ổi bức hiếp. Chính bài THI VÂN, lời giới thiệu tập truyện của Tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Hợi 1779 Phạm Quý Thích, người đương thời đã cho chúng tôi biết rõ tình cảnh đoạn trường như vậy vào lúc này của Nguyễn Du. Nhưng bài thơ này đã bị chỉnh sửa be bét. Nhưng với chúng tôi chuyện phục hồi bài thơ này trở lại nguyên bản không có gì là quá khó!

người
Văn học Việt Nam đến bao giờ có một tên tuổi, mặt mũi lừng danh thế này?

Dựng lại hiện trường một cái chết.
Tóm lại. 

Cách xử lý một văn bản của chúng tôi hoàn toàn không phải như cách xử lý của giới văn sử học Bắc Nam xưa nay đã từng thực hiện trên nhiều các văn bản. Do đó chúng tôi phát hiện ra những sự thật rất dễ dàng hệt như ông Tư Cò thò tay ngắt một cọng râu vậy mà giới văn sử học không thể tưởng tượng ra cho nổi cách nào.

Đến đây, chúng ta nên trở lại đoạn trong điện Kính Thiên lúc ông quan chấp sự mỉm cười rồi bị chém chết liền sau đó.

Nếu ông quan chấp sự lúc đó không phải xúm bàn tán, xầm xì to nhỏ cùng với các ông quan văn võ khác rồi nhếch mép cười khinh bỉ, sau đó đưa tay chỉ chỏ về phía Nguyễn Huệ mà ông chỉ đứng mỉm cười một mình. Thì nụ cười của ông đúng là một nụ cười thân thiện, hiền hòa, dễ gây cảm tình với bất cứ ai. Vậy hà cớ gì Nguyễn Huệ lại tức giận, liền sai quân cận vệ lôi ông ra chém cảnh cáo, dằn mặt ngay lập tức trước bá quan văn võ triều Lê trong giờ phút vô cùng trọng đại giữa kẻ sống và người chết, giữa sinh ly tử biệt như thế trong một triều đình đối với người đứng đầu trăm họ?

Nếu giới văn sử học Bắc Nam xưa nay hiểu ra được chỗ này thì họ sẽ biết cách làm việc, xử lý một văn bản của họ chưa bao giờ đạt yêu cầu và đi vào đúng trọng tâm của vấn đề và câu chuyện. Điển hình ở đây là câu chuyện về nhân thân của Thúy Kiều, nhân vật đóng thế vai hoàn hảo trong mối tình duyên chính trị do triều Lê và tướng tha hương Nguyễn Hữu Chỉnh dàn dựng vào năm Bính Ngọ 1786. Thời điểm Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chinh phạt Bắc Hà lần thứ nhất dưới danh nghĩa Phù Lê Diệt Trịnh.

Với một nhà điều tra phá án lão luyện, kinh nghiệm thì chỉ cần một chi tiết rất nhỏ thôi là họ có thể sẽ dàn dựng lại diễn tiến một vụ án từ A đến Z và thộp cổ hung thủ dễ như trở bàn tay. Nhưng với điều kiện là những nhà điều tra phá án phải thấy được những gì mà người khác không thấy, hoặc có thấy nhưng cho là không quan trọng, không cấu kết thành vấn đề, câu chuyện như đám văn sử học Bắc Nam đã phớt tỉnh cho qua. Chúng tôi sở dĩ dám xác định Bắc Cung Hoàng Hậu không phải là Công Chúa Lê Ngọc Hân mà chính là Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai chính là do cái thấy biệt nhãn này. Chứ không phải như cái thấy rất mờ nhạt của giới văn sử học Bắc Nam đối với cái chết của ông quan chấp sự tại điện Kính Thiên vào thời điểm diễn ra đám tang vua Lê Hiển Tông năm Bính Ngọ 1786.

Bạn đứng ở vị trí nào khi xúc chạm?
Tóm tiếp. 

Khi các bạn xử lý một câu chuyện, một vấn đề nào đó hay là một văn bản trong văn sử học, vvv... Chúng tôi gọi tắt là một văn bản cho gọn. Thì các bạn phải thấy văn bản đó nếu đúng thì tự nó đã đúng, sai thì tự nó cũng đã sai. Vậy lúc này đây đúng hay sai là do ở đầu óc, tư tưởng và cách nhận thức kiêm sự kinh nghiệm, từng trải của các bạn chứ không phải do sự việc bên ngoài. Nếu các bạn hiểu được điều cốt lõi, then chốt này thì sẽ không bao giờ có xảy ra tình trạng đúng cho là sai, sai cho là đúng, bạn cho là thù, thù cho là bạn, ác cho là thiện, thiện cho là ác, tà đạo cho là chánh đạo, chánh đạo cho là tà đạo, ma cho là Phật, Phật cho là ma, bán nước cho là cứu nước, cứu nước cho là bán nước, vvv...

Lái xe về đích. Không phải lái đích về xe.
Tóm thêm. 

Lại nếu các bạn căn cứ vào đoạn thơ sau đây trong bài thơ AI TƯ VÃN để xác định Bắc Cung Hoàng Hậu là Công Chúa Lê Ngọc Hân ấy là các bạn đã nhầm to!

... Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy...

sách

Rút dây là gì? Hai chữ rút dây này thì đám văn sử học Bắc Nam mù tịt, không biết đường mò cho nổi cách nào. Chúng tôi xin hóa giải hai chữ rút dây nghiệt ngã như sau. Trong tiếng Hán HUYỀN có nghĩa là treo. Treo cái gì chả cần biết, các bạn chỉ cần biết HUYỀN còn có nghĩa treo là được rồi. Mà muốn treo cái gì đó thì phải có sợi dây chứ? Như vậy, rút dây là chỉ cho bà Nguyễn Thị Huyền, mẹ ruột của các chị em Thúy Kiều.

Nhưng nếu nói rút dây là chỉ cho danh tánh bà Nguyễn Thị Huyền thì các bạn lại đâm ra ngơ ngác như con nai vàng, và lại càng khó hiểu hơn nữa! Vậy xin các bạn nghe tiếp biện giải của chúng tôi. Rút dây có nhiều nghĩa. Trong đó có nghĩa như đã nói là chỉ cho bà HUYỀN. Nghĩa sau, rút dây Bắc Cung Hoàng Hậu Thu Mai cho biết mình đã rời khỏi vòng tay, tức cắt đứt sự chở che, cưu mang của tình mẫu tử để theo chồng đi vào Phú Xuân. Đây chính là ý nghĩa thâm trầm của hai chữ rút dây vậy.

Bốn chữ còn lại là... vâng mệnh phụ hoàng. Phụ hoàng có hai nghĩa. Bà Nguyễn Thị Huyền là quả phụ họ Hoàng, tức cha của chị em Thúy Kiều là họ Hoàng, ông đã chết từ trước đó lâu rồi, các chị em sống nương nhờ vào sự chở che, cưu mang của mẹ là bà HUYỀN. Nghĩa thứ hai phụ Hoàng là chỉ cho vua Lê Hiển Tông. Vì vua Lê Hiển Tông có một người vợ, người vợ này là chị ruột của bà HUYỀN.

Như vậy, theo phong tục trong Nam, chị em Thúy Kiều gọi vua Lê Hiển Tông bằng dượng, gọi vợ vua Lê bằng dì ruột. Nói như vậy cũng có nghĩa chị em Thúy Kiều với Công Chúa Lê Ngọc Hân là chị em bạn dì.

Đến đây, các bạn đã hiểu chuyện gì là chuyện gì rồi. Đó là chuyện Công Chúa Lê Ngọc Hân chả ăn nhập, dính dấp gì đến vua Quang Trung cả. Nếu có dính dấp ấy là do sự nhập nhằng, tréo cẳng ngỗng từ các văn bản sử học ghi chép tào lao thiên địa cùng sự truyền tụng, xầm xì trật cù chìa của miệng lưỡi dân gian mà thôi.

Cách chúng tôi xử lý một văn bản là như thế đấy. Các bạn thấy thế nào, xin cho biết?

Xin tóm thêm đoạn.

Đám văn sử học Bắc Nam đã bị Nguyễn Du Thanh Tâm Tài Nhân cắm trên đầu cái sừng ALIBI to tổ bố từ dạo đó nên đầu óc sau này thường xảy ra chứng nhớ nhớ quên quên, lúc nóng lúc lạnh thiệt là tội nghiệp mà không một ai trên đời có thể cứu chữa cho nổi cách nào!

Nói như vậy cũng còn có nghĩa. Truyện Kiều là một tổ hợp tội ác. Vì chính do nó mà dân tộc Việt Nam đã lâm vào tình trạng tăm tối, ngu dốt từ ngày nó xuất hiện cho tận đến hôm nay. Chứ không phải như Phạm Quỳnh đã gian lận phóng đại: "Truyện Kiều còn là tiếng nước ta còn". Nhắm mắt nhắm mũi phóng đại, gian lận thế này về truyện Kiều của Phạm Quỳnh cũng chẳng khác nào Chế Lan Viên từng nối đuôi xếp hàng phóng đại Hàn Mặc Tử lên chín tầng mây vậy!

Những lời chỉ thẳng nói thật muôn đời không bao giờ nghe lọt tai cho nổi cách nào. Nhưng đó vẫn là chủ trương tuyệt đối mà chúng tôi xác định: "Lái xe về đích chứ không phải lái đích về xe".

Bây giờ chỉ còn một cách cứu chữa duy nhất. Đám văn sử học Bắc Nam từ nay thôi dẹp quách tập trung hội hè nói tùm lum đủ thứ chuyện mà chả trúng trật vào đâu, cùng dẹp luôn chuyện viết văn làm thơ tào lao thiên địa như lá rụng mùa thu bao lâu... Mà nên tập trung nghiên cứu, thảo luận và đọc truyện trinh thám của A.Christie cùng Conan Doyle cho thật nhiều vào thì mới có thể nảy lên điểm tựa hòng dễ dàng đánh bật sự ghi nhớ tam khào cuốc chĩa ra khỏi não bộ, tư tưởng là hay nhất, là tốt nhất để tự cứu mình mà thôi.

AGATHA CHRISTIE đang bụm miệng cười chúm chím, tủm tỉm với đám văn sử học bất tỉnh nhân sự Bắc Nam kìa!

Xin chào các bạn.
Tuy Phước, lúc 9h39 ngày 10 tháng 07 năm 2017
Bốn niệm xứ

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang