LỊCH SỬ ĐÃ BỊ THAY ĐỔI
Trả lại cho lịch sử những gì của lịch sử
Cổng chùa Thiền Lâm 150 Điện Biên Phủ ngày nay. Nghe nói ngày xưa Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung tọa lạc trong khu vực ngôi chùa này, nhưng không biết chính xác tại vị trí nào.
Cung điện Đan Dương đã được vua Quang Trung tu sửa lại từ Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn sau khi tiến công, đánh chiếm Thuận Hóa vào năm 1786 để làm nơi ở cho gia đình, vợ con trong suốt thời gian đóng đô trên đất Phú Xuân. Có thể hiểu đó như là một ngôi biệt thự tráng lệ, nguy nga ngày nay vậy. Còn nơi làm việc của triều Tây Sơn theo chúng tôi chính xác là Hoàng thành nằm bên kia bờ sông... Tiền Đường 前堂, tức dòng sông Hương thơ mộng, hữu tình, lửng lờ êm trôi phía trước. Không phải nơi làm việc của triều Tây Sơn là tại Cung điện Đan Dương như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã công bố trên sách vở lâu nay. Chúng ta cần sống trong tỉnh thức để dễ dàng phân biệt tất cả những đúng sai, có không, được và chưa được qua mỗi khi sáu căn xúc chạm sáu trần, không chỉ riêng những thông tin dạng này hòng thay đổi sự thật lịch sử hữu ý vô tình của rất nhiều người.
Cổng chùa Thiền Lâm đã bị sửa thành Thuyền Lâm. Ảnh chụp năm 2014
Biển cổng chùa chúng ta thấy ghi là Thuyền Lâm, ấy sự việc như thế này. Ôn Chơn Trí trụ trì chùa nói do để tránh trùng tên với ngôi chùa của phái Nam tông ăn mặn Thiền Lâm ở dưới kia nên đổi lại là Thuyền Lâm. Chớ sự thật xưa kia, vào đời các chúa Nguyễn, khởi thủy đầu tiên gọi là Thiền Lâm. Đây là ngôi chùa xây dựng đầu tiên và cũng là lớn nhất của xứ Đàng Trong vào lúc bấy giờ. Theo nhà nghiên cứu sử Huế Nguyễn Đắc Xuân thì tất cả các ngôi chùa mà các bạn thấy ngày nay trên đất Huế đều sinh sau đẻ muộn, ra đời sau hết so với ngôi chùa lịch sử, bề thế thuộc dòng vua chúa lừng lẫy một thời này.
Vậy theo chúng tôi, khi danh tính ngôi chùa đã được xác định rồi, thì ôn Chơn Trí và tăng chúng bổn tự thiết nghĩ cũng nên đặt lại tên chùa là Thiền Lâm để cho tính cách lịch sử của ngôi già lam lâu đời sẽ được hiển bày đầy đủ, trọn vẹn so với những gì mà ngôi chùa này đã từng tồn tại xưa kia vào thời các chúa Nguyễn. Tiếp nối sau là thời vua Quang Trung và Cảnh Thịnh với Cung điện Đan Dương, chứng tích lịch sử đã mai một hiện được các nhà sử học Huế, đại diện là ông Nguyễn Đắc Xuân đã đang tìm mọi cách phục hồi, xác định lại vị thế của nó, hòng trả lại sự thật cho lịch sử, cho cố đô Huế với hai triều đại xưa nay chống đối nhau như nước với lửa từng ngự trị chốn này.
Tuy Phước, lúc 5h16 ngày 9 tháng 03 năm 2017
Kính bút
Bốn niệm xứ