Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

THƯ GỬI THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG

Kính gởi
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

 

Kính thưa Thủ tướng,
trước hết, xin kính chúc Thủ tướng cùng các đại biểu, cán bộ, cộng sự lãnh đạo ban ngành trực thuộc, liên quan và gia đình sức khỏe, an vui. Mọi công việc, kế hoạch trù bị, lo lắng cho nhân dân và đất nước thảy được chu toàn, hanh thông. Sau, kính xin Thủ tướng vui lòng bỏ chút đỉnh thời giờ vàng ngọc đọc qua lá thư này. Một lá thư xin vắn tắt trình bày về những sự kiện liên quan chặt chẽ đến những bí ẩn lịch sử mà có thể nói hữu ý vô tình. Nó đã bị vùi chôn thật sâu dày dưới cáu cặn thời gian qua bao cuộc dâu bể, phế hưng cùng với nỗi lạnh lùng, tàn nhẫn của lòng người và tình đời. Chuyện Nhà Tây Sơn.

 

Chuyện như thế này.
Theo như các nhà Sử học Việt Nam và Quốc Sử Quán Triều Nguyễn ghi chép cũng như sự truyền miệng nhân gian vào lúc bấy giờ.

 

Vào năm Nhâm Tý 1792 khi vua Quang Trung, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn huyền thoại mà tên tuổi gắn liền với bao trận đánh quỷ khóc thần sầu, kinh thiên động địa... đột ngột ra đi. Bỏ lại sau lưng bao nhiêu công trình xây dựng dang dở trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước do các cuộc chiến tranh nội bộ và mộng xâm lăng vĩ cuồng của hai thế lực ngoại bang lúc bấy giờ gây ra mà kẻ chắp nối, mời rước về là Nguyễn Ánh và Lê Chiêu Thống. Hai kẻ lưu vong sừng sỏ, mất gốc chốt ở hai đầu đất nước đã không hề biết nhục nhã khi cam tâm quỳ lụy, cúi lòn công kênh đám quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa về tận quê nhà nhảy múa, ồ khạc, dày xéo mồ mã ông bà Tổ Tiên.

 

Những việc làm nhơ nhuốc, tội lỗi ấy của hai kẻ táng tận lương tâm có nhẽ sẽ bị bêu rếu, chửi rủa đến muôn đời trong lịch sử loài người chăng?

 

Theo dòng lịch sử, năm Quý Sửu 1793 Nguyễn Quang Toản lên ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh, năm đầu tiên trị vì. Lúc bấy giờ mới có 13 tuổi.

 

Và căn cứ theo lịch sử ghi chép lại cũng như cơ hội ngàn năm có một. Nguyễn Ánh liền từ miền Nam đánh thốc ra, tuần tự chiếm gần hết các cứ điểm quân sự quan trọng, chiến lược của Tây Sơn. Tây Sơn Nam và Tây Sơn Bắc.

 

Để nói cho đúng đắn, hết ý một cách với những gì xảy ra trong lịch sử. Tây Sơn Nam là của... Trung ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc, lấy mốc từ Bến Ván, Quảng Nam vào Quy Nhơn rồi Bình Thuận. Từ Bình Thuận đến Gia Định giao cho Đông Định Vương Nguyễn Lữ và các tướng cai quản. Phần còn lại, từ Bến Ván, Quảng Nam trở ra thuộc địa phận Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Căn cứ địa đặt tại thành Phú Xuân cũ của chúa Nguyễn.

 

Ngày 2 tháng 7 năm Nhâm Tuất 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, kinh đô vẫn cho tiến hành xây dựng tại thành Phú Xuân, bên bờ sông Hương thơ mộng. Cứ điểm cuối cùng của Nhà Tây Sơn lúc này là Nghệ An và Thăng Long chỉ còn là một thủ tục thông đường, chả mấy khó khăn với Nguyễn Ánh bấy giờ.

 

Khi chủ quyền đất nước đã nắm trong tay, cái việc đầu tiên, quan trọng nhất mà Gia Long cần phải làm là đập phá, càn quét và tiêu diệt tất cả những gì liên quan đến Tây Sơn. Trong đó, có việc quật phá lăng mộ Hoàng Đế Quang Trung tại Cung điện Đan Dương. Cung điện Đan Dương có thể nằm trong khu vực các chùa Thiền Lâm, Vạn Phước, Diệu Đức, Kim Tiên, dọc theo hai bên bờ suối Tiên, thuộc phường Trường An, thành phố Huế ngày nay. Theo như ghi chép của nhà nghiên cứu sử Huế Nguyễn Đắc Xuân.

 

Lại cũng căn cứ theo các nguồn sử liệu ghi chép và truyền miệng nhân gian. Quật mộ xong, Gia Long lấy sọ đầu của Vua Quang Trung, kể cả sọ đầu của Nguyễn Nhạc quật lấy ở Tây Sơn bỏ chung vào một cái bô sành để đi tiểu hằng ngày. Phần xương còn lại của hai người đem giã nát, trộn vào thuốc súng bắn ra biển.

 

Như vậy, Gia Long với ấp ủ, hoài cưu là Nhà Nguyễn Tây Sơn mãi mãi sẽ bị xóa sổ, tuyệt tự, không còn cơ hội, còn nơi để tái sanh hoặc phát tích giòng họ, nòi giống. Làm như thế có thể vì Gia Long đã quá hãi sợ, quá khiếp đảm Long Nhương tướng quân và Nhà Tây Sơn rồi chăng?

 

Chính những việc làm ấy của Gia Long hữu ý vô tình nó như đã tự vạch trần, tố cáo, thốt lên những tư tưởng, tâm địa thấp thỏi, hạ liệt, độc ác rồi. Để từ đấy lịch sử và lương tri con người mới có cơ hội, điều kiện, yếu tố đem ra mổ xẻ, phán quyết về sau chứ?

 

Với Gia Long, vậy là đã rửa xong mối hận căm thấu xương tủy sau bao lần bị Long Nhương tướng quân đánh cho tơi tả, ôm đầu máu chạy lang thang cùng trời cuối đất. Cuối cùng, Nguyễn Ánh chỉ có con đường ngắn nhất, hay nhất. Ra nước ngoài phủ phục, quỳ lụy, khóc lóc, xin xỏ các quan thầy từ bi ra tay tế độ là thượng sách hơn cả mà thôi.

 

Bây giờ, có điều kiện và thời gian ngồi lật lại sử từng trang oai hùng, đẫm lệ mặn môi của Nhà Tây Sơn, chúng tôi phát hiện ra những điều thú vị. Mà điều thú vị nhất, hấp dẫn nhất là Gia Long lẫn lịch sử Việt Nam đã... nhầm to. Nhầm quá to!

ảnh sử học

Lá thư gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn lưu chứng từ bưu điện Hội An

Kính thưa Thủ tướng!
Tại sao và căn cứ vào đâu mà chúng tôi dám khẳng định là Gia Long và lịch sử Việt Nam đã nhầm to?

 

Tại đây, chúng tôi sẽ nêu lên những luận điểm then chốt, cơ bản.

 

Ví dụ, nếu ngày hôm nay vua Quang Trung mất, ngày hôm sau Gia Long bất thình lình đột nhập ngay liền vào Phú Xuân. Thì thôi, triều đình Tây Sơn lúc ấy chắc chắn phải bó tay vì quá bất ngờ, vì không thể nào có thời gian ngồi dự định, tính toán, cân nhắc hòng di chuyển hài cốt, linh cữu vua Quang Trung kịp đến một nơi nào đó để chôn giấu.

 

Luận điểm thứ hai.

 

Đằng này, không phải một ngày, mười ngày, một tháng hoặc một năm mà những... mười năm. Trời ơi, mười năm là một thời gian dài đăng đẳng, thăm thẳm! Ôi, nó dài quá dài, dài vô tận, dài bao la, dài đến nỗi để có thể người ta ung dung, chễm chệ ngồi trịch thượng rung đùi, tréo chân, tô son, kẽ mắt cùng vuốt râu cười ha hả tại chỗ mà dự thảo và tiến hành một công trình, tiến độ gì đó rất ư là ghê gớm, to lớn khủng khiếp mà tưởng tượng đã ở ngoài sức, như đục... hầm Hải Vân, hầm đèo Cả, bắc một cây cầu qua sông Hồng, sông Hà Thanh Nhơn Hội, nhất lại thảm phẳng băng, láng o con đường gồ ghề, cóc nhảy, chập chùng thiên lý Bắc Nam...

 

Luận điểm thứ ba.

 

Lúc này ban tham mưu văn võ nổi tiếng, cự phách của triều đình Phú Xuân hầu hết vẫn còn đầy đủ như Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở, Đặng Văn Long, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, vân vân và vân vân... Chính bộ tham mưu này sẽ quyết định ngồi lại cùng nhau thảo luận và đưa ra một kế sách tối ưu để bảo vệ hài cốt, linh cữu vua Quang Trung cho được chu toàn, an ổn.

 

Thế thì quá vô lý! Di chuyển hài cốt, linh cữu của một ông vua, một con người đã cùng với ngựa voi, binh tướng đói no, chết sống, xông pha trận mạc hôm nào trên khắp nẻo đường chinh chiến thiết nghĩ có gì là quá khó khăn, mệt nhọc lẫn hao tốn tiền của lắm đâu sao lại để cho Nguyễn Ánh ngang nhiên, tự do làm những chuyện vô luân, mất dạy, xấc xược như thế chứ?

 

Như vậy, còn gì nữa, rõ ràng là triều đình Tây Sơn đã âm thầm di chuyển hài cốt, linh cữu vua Quang Trung mang đến chôn giấu ở một địa điểm hết sức bí mật nào đó rồi. Và cũng quá rõ ràng là Nguyễn Ánh và đám quan quân tay sai chỉ tiến hành, thực hiện được những trò dơ bẩn, mất nhân tính ở trên một linh cữu và hài cốt... dỏm mà thôi.

 

Chúng ta cũng cần phải hiểu và thấy ra cho chỗ này.

 

Không phải đợi đến... mười năm. Mà trước đó, khi những tin thất trận, mất thành, mất tướng và hao quân liên tục, dồn dập báo về Phú Xuân thì triều đình Tây Sơn đã dự đoán trước những gì sẽ xảy ra. Và dĩ nhiên, những người có trách nhiệm trực tiếp phải họp khẩn cấp và cùng thống nhất phương án nào là phương án tối ưu để di chuyển hài cốt, linh cữu người chết cấp tốc đến một nơi bí mật nếu chẳng may Nguyễn Ánh... đột nhập vào Phú Xuân!

 

Có thể đó là những năm 1795-1796-1797. Đây là những năm kịch tính, ác liệt nhất xảy ra trong nội bộ triều đình khiến một số quan văn võ bị thanh trừng, bức tử lẫn nhau.

 

Và người chủ trương, quyết định công việc hệ trọng, bí mật này theo chúng tôi không ai khác hơn là... Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Căn cứ vào đâu để chúng tôi xác định như vậy?

 

Theo sự hiểu biết và tìm hiểu riêng của chúng tôi. Sau khi vua Quang Trung ra đi. Vì quá đau buồn trước mất mát quá lớn lao không gì bù đắp nổi khi không còn người để nương tựa, khi mất rồi người tri kỷ để cùng nhau thảo luận, đưa ra những đối sách, chiến lược hòng thay đổi diện mạo đất nước đang trong thời kỳ khó khăn với quá nhiều dồn dập những biến động. Vả lại, triều đình bây giờ cũng nhiều phe phái nên Bắc cung Hoàng hậu quyết định vào chùa tu hành. Chôn cuộc đời phù du còn lại dưới bóng Phật đài qua tiếng kệ lời kinh cho vơi niềm hận tủi:

 

... Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn,
Cánh hải đường đã quyện giọt sương.
Trông chim càng dễ đoạn trường,
Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi ... 
(AI TƯ VÃN)

 

Ngôi chùa đầu tiên Bắc cung Hoàng hậu ở là chùa Kim Tiên. Tuyệt tác Ai Tư Vãn đã được Bà viết tại đây. Sau đó là những ngôi chùa khác nữa do có quá nhiều những đột biến về chính sự, về nội tâm trắc trở, bất an nên Bà cần phải di chuyển liên tục, nhiều hơn.

 

Trong một lần đi thực tế, lần theo dấu người xưa chúng tôi phát hiện một ngôi mộ. Mộ của vua Quang Trung. Hơn hai trăm năm, ngôi mộ đã xuống cấp, rêu rong phủ đầy. Thời kỳ ấy, làm gì có xi măng để pha trộn với đất cát hòng cố định, bảo vệ gạch đá, kiến trúc cho được vững chắc, lâu dài. Vì thế, khi chúng tôi đưa tay bóc và bóp những mảng, mảnh nhỏ của từng lớp vữa mà ngày xưa người ta kết cấu từ cát, vôi và các chất dẻo được lấy từ tổng hợp các loại cây lá, kể cả mật mía để tạo sự kết dính thì nó nát vụn, rơi lả tả như khi bóp nát một cái bánh in vậy.

ảnh sách

Được như thế thì cũng còn tốt chán vì chỉ khi lấy tay bóc, khều thì lớp vôi vữa kia mới chịu rơi ra. Nếu không thì nó cũng vẫn còn bám níu dù đã trải qua một thời gian quá dài lâu với bao sự xâm thực, tác động của thời tiết, mưa nắng và của cả lòng người giữa đất trời hiu quạnh, chơi vơi...

 

Có nhẽ những lớp vôi vữa, đất cát, gạch đá, rong rêu vô tri, vô giác kia như thầm muốn khẳng định với thời gian và lòng người một chân lý, một sự thật rằng. Con người nào rồi cũng đi qua. Thời đại nào rồi cũng tàn phai. Chỉ có tình yêu, mà tình yêu nếu nó được xây dựng, cấu kết trong phạm vi chân đế, trên nền tảng nhân bản, tinh hoa của đất nước, của dân tộc và tình người thì tình yêu ấy mới lâu dài, miên viễn, bất tử.

 

Chính hôm nay, vâng, khi về đây, đứng đây bên lưu ảnh của người xưa thì chúng tôi mới thấy thấm thía và tan vỡ thành tro bụi trước một sự thật phũ phàng đến ngỡ ngàng trước một thời vàng son, oanh liệt và trước những lời châu ngọc vọng về từ một thủa xa xưa...

 

1) Chớ có tin vì nghe truyền thuyết.
2) Chớ có tin vì nghe truyền thống.
3) Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn.
4) Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng.
5) Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình. 
6) Chớ có tin vì đúng theo một lập trường.
7) Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện.
8) Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình.
9) Chớ có tin nơi xuất phát có uy quyền.
10) Chớ có tin vì bậc Sa Môn là đạo sư của mình.
(Lời Đức Phật)

 

Ngôi mộ này đã được ngụy trang rất khéo qua cách xây mộ, đặc biệt là cách tạo và tạc một tấm bia. Nội dung, dĩ nhiên không phải là tên tuổi của vua Quang Trung, và văn tự là chữ Nôm. Loại chữ biến thể của chữ Hán thời ấy mà các văn bản vẫn thường dùng. Ngụy trang như vậy không ngoài mục đích đánh lừa sự tìm kiếm, lục lạo của Nguyễn Ánh và đám quan quân hăng tiết đang ngày đêm sục mõm vào khắp hang cùng ngõ cụt với chiêu bài rất ư là Phát Xít, Pôn Pốt “Tận pháp trừng trị”?

 

Nếu như sau khi di chuyển hài cốt, linh cữu ra đây để chôn giấu, bảo tồn mà vẫn ngang nhiên, đường đường để tên tuổi của người đã mất hoặc xây dựng thành một lăng tẩm to lớn, đặc biệt của hàng vua chúa thôi thì nên để quách tại chỗ nghe vẫn còn có lý hơn là... "Lạy ông tôi ở bụi này, Ông tới ông trói khiêng giùm tôi ra!".

 

Chúng ta đồng ý chứ?

 

Hiện tại ngôi mộ của vua Quang Trung nằm trong một ngôi chùa. Có nhẽ lịch sử đã rất công bằng, rất biết điều khi an bài cho ông, một con người không có chí làm vương, làm chúa nhưng làm trai trót sinh trong thời loạn nên đành thôi xếp bút nghiên khoác chiến y, múa gươm rượu tiễn chưa tàn xông vào binh lửa để bảo vệ nhân dân, đất nước qua cơn lầm than một nấm mồ bình thường, nằm trong một ngôi chùa cũng rất đỗi bình thường để sớm hôm nghe lời kinh kệ nhịp nhàng của người vợ hiền yêu dấu, thủy chung. Một người con gái tài hoa, bí mật, danh bất hư truyền trong một lần hạnh ngộ ở đất Bắc xa xôi...

 

Do đó, chúng tôi dám xác quyết, Bắc cung Hoàng hậu từng ở ngôi chùa này. Và Bà đã với mọi cách di chuyển linh cữu, hài cốt vua Quang Trung ra đây để thủ thỉ, nhang khói cho vơi niềm thương nhớ, kính yêu đối với ông. Một con người có một không hai trong lịch sử đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi:

 

... Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội,
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang.
Miếu đường còn dấu chưng thường,
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh...
(AI TƯ VÃN)

 

Nhưng than ôi sao ông lại ra đi quá sớm! Để lại nỗi đau khôn nguôi chẳng phải cho riêng Bà, cho Nhà Tây Sơn mà còn cho cả dân tộc và đất nước Việt Nam đến mãi nghìn sau nữa.

 

Rồi về sau, có thể là do sự lục đục, bất an trong triều đình mỗi ngày mỗi lớn nên Bà đành phải rời xa ngôi chùa có ngôi mộ vua Quang Trung ấy để bảo toàn tính mạng nếu như Nhà Tây Sơn... sụp đổ.

 

Rồi Bà đã trút hơi thở cuối cùng tại đây vào năm Kỷ Mùi 1799 đúng như lịch sử đã ghi. Và người ta đã an táng Bà tại ngôi chùa này với một tấm bia bằng văn Nôm, ghi một tên tuổi khác. Tức là một ám hiệu! Ngôi chùa nằm ngoài địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế, rất xa.

 

Do hãn hữu một nhân duyên mà chúng tôi sưu tầm được những tư liệu vô giá thời xa xưa ấy nên từ đó mới có cơ hội lần tìm theo dấu chân độc hành, lạc loài mà Bà đã đi qua. Chúng tôi chưa dám công bố phần việc về Bắc cung Hoàng hậu. Trước mắt, xin công bố về ngôi chùa có ngôi mộ, hài cốt vua Quang Trung. Vì nơi đây sớm hay muộn cũng sẽ bị đào xới, giải tỏa để làm đường bởi chương trình chỉnh trang đô thị và nông thôn mới đang được nâng lên toàn diện, khắp mọi nơi.

 

Phần còn lại, tức là hành trình gian khổ, cam go mà Bắc Cung Hoàng Hậu nếm phải kể từ khi đặt chân lên đất Phú Xuân, căn cứ địa của “địch”, nhất thời gian khi vua Quang Trung đã ra đi. Tất cả chúng tôi sẽ công bố lên một tập sách nếu điều kiện và thời gian cho phép vì suy cho cùng. Ở đời không có gì là bí mật. Tất cả đang nằm đấy, chờ đấy. Chỉ cần có người đến đánh thức dậy mà thôi.

 

Chúng tôi cũng xin cải chính lại. Lâu nay các nhà Huế học đã rất sai lầm khi tuyên bố lăng mộ vua Quang Trung ở đây kia trong khu vực Phú Xuân, Thừa Thiên cũng như Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu lịch sử Huế xác nhận Bắc Cung Hoàng Hậu đã ra đi tại chùa Kim Tiên.

 

Kính thưa Thủ tướng,
nếu chúng tôi không nắm trong tay những tài liệu lịch sử vô giá thì những việc làm bẩn thỉu, đáng nguyền rủa của Nguyễn Ánh lẫn sự sai lầm và cố tình của nền văn sử học Việt Nam, của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn cùng miệng lưỡi nhân gian là đúng sự thật.

 

Nhưng hiện tại, éo le thay và cũng đáng buồn, đáng hận, đáng trách đến làm sao! Chúng tôi đang đứng đây và trước mặt. Không xa tầm tay với là mồ mã, hài cốt của người xưa nằm đấy trong cô đơn tịch liêu sau hai trăm năm dâu bể với nhang tàn khói lạnh, của ray rức khôn nguôi...

 

... Trải bao thỏ lặn ác tà,
Ấy mồ vô chủ ai mà ghé thăm...
(TRUYỆN KIỀU)

 

Thì tất cả những sự thật vô lý, ác độc, ngu xuẩn, che đậy kia cần phải được đạp đổ hết xuống!

 

Con người và cuộc đời này tồn tại là nhờ ở niềm tin. Có niềm tin thì người ta mới sống được. Do đó, tôn giáo, đảng phái, chính trị, quân sự, gia đình, tình yêu, học đường, kể cả tội ác, tất cả được tồn tại, bành trướng chính là nhờ ở niềm tin. Và niềm tin, nếu nó được hình thành, lấy ra, khởi lên từ cái thấy, cái nghe thì lại rất nguy hiểm vì cạn cợt, hời hợt. Đó là niềm tin của tình cảm. Nói rõ nghĩa là niềm tin của thất tình lục dục. Nói hết nghĩa là niềm tin của đố kỵ, ghen ghét, hơn thua, bảo thủ và bè phái, đâm thọc, ly gián.

 

Lại có một loại niềm tin, mà nếu nó được triển khai, đúc kết từ kinh nghiệm, từ phản pháo, phản biện và hiểu biết thì lại rất sâu sắc, vi tế, hay ho lẫn hóm hỉnh. Đơn giản là vì nó xuất phát từ lý trí, sự minh mẫn tuyệt vời, độc đáo của đầu óc, nhất khi tận cùng của hiểu biết, của tư duy ai trồng khoai đất này nhỉ lại chính là cái... thấy, cái nghe! Lạ chứ? (nhướng mắt...)

 

Như đã nói, đã biết. Lịch sử bao giờ cũng công bằng và cần phải công bằng.

 

Năng lực, phẩm chất của Quang Trung là bảo tồn, xây dựng và phát huy truyền thống, tinh hoa của dân tộc, nòi giống. Của Nguyễn Ánh thì ngược lại. Nó đã hoàn toàn rơi rớt ngoài chân đế! Nó không đi đúng con đường và khát vọng của con Hồng cháu Lạc.

 

Như vậy, còn gì nữa. Nguyễn Ánh không thể và không bao giờ có thể bước đến gần Quang Trung dù trong gang tấc, dù khi còn sống hay lúc đã chết chứ đừng nói đến việc làm mất nhân tính, hèn hạ ở trên kia!

 

Và hài cốt, linh cữu vua Quang Trung nếu đem lý nhân quả nhà Phật ra mà nói thì hữu ý vô tình. Đã được hồn thiêng sông núi, anh linh dân tộc phủ trùm, che chở mặc dù bây giờ lãnh thổ và quyền sinh sát, càn quét đang nằm trong tay Nguyễn Ánh!

 

Kính thưa Thủ tướng,
khi đọc đến đây, rất mong Thủ tướng ra một quyết định đúng đắn, kịp thời, kèm theo những phương án tiếp cận mục tiêu và khai quật hầu đưa hài cốt, linh cữu, thậm chí những đồ gia bảo, quốc bảo như ấn kiếm, binh khí và những gì mà vua Quang Trung thường sử dụng về một nơi khác, nếu triều đình đã chôn táng theo lúc tẩm liệm đúng với nghi thức, thể chế hoàng cung thời phong kiến.

 

Nếu như Thủ tướng chấp thuận, theo chúng tôi cần có cả Bộ Công An nhập cuộc để bảo vệ công trình trong suốt thời gian khai quật hoặc khi hài cốt, linh cữu được đưa về an táng một nơi nào đó. Rất mong không nên công bố rộng rãi là sẽ khai quật mộ Hoàng đế Quang Trung. Làm như thế rất nguy hiểm bởi thế nào cũng sẽ có những kẻ tham lam tìm đến đào bới để lấy của quý, hoặc kẻ xấu ác sẽ tìm mọi cách phá hoại.

 

Sau cùng, theo thiển ý chúng tôi. Nên đưa hài cốt, linh cữu vua Quang Trung và những gì khai quật được về Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An. Vì đây mới chính là nơi mà vua Quang Trung hướng đến lúc sinh thời, lại nó mới đúng với tính cách và vai trò mà lịch sử đã trao cho ông.

 

Còn đất Tây Sơn, Bình Định, ôi, để nói cho hết lý, hết tình. Dù sao bấy giờ cũng chỉ còn là nơi kỷ niệm chôn nhau cắt rún của quê mẹ, của những ngày thơ bên cây me giếng nước, bên bến Trường Trầu, trên sông Côn mùa lũ mênh mang với những chuyến đò chan chứa tình xuôi ngược xa xưa và là nơi phát tích, dấy khởi buổi ban sơ của Nhà Tây Sơn mà thôi...

 

Cục diện, bộ mặt chính sự đã hoàn toàn đảo ngược kể từ khi Long Nhương tướng quân đặt chân lên đất Bắc Hà vào năm Bính Ngọ 1786, nhất vào năm Nhâm Tý 1792 khi ông... đột ngột ra đi rồi...

 

Tóm lại. Những gì được trình bày trong lá thư này là những lời tâm huyết, chân thật của một con người trong hành trình đi tìm và làm sống lại những giá trị bất tử, hào hùng của lịch sử, của dân tộc mà hữu ý vô tình. Đã bị miệng lưỡi thế gian vùi dập và của cả sự lãng quên, hờ hững của những người anh em, người chị em con Hồng cháu Lạc trên vạn dặm trường chinh đi tìm miền đất hứa xưa nay.

 

Một lần nữa, xin kính chúc Thủ tướng cùng các đại biểu, cán bộ, cộng sự lãnh đạo ban ngành trực thuộc, liên quan và gia đình sức khỏe, an vui.
Xin dừng bút nơi đây.

 

Chân thành cảm ơn và chờ đợi sự chiếu cố nhiệt tình của Thủ tướng. 
Nhà Tây Sơn đang chờ đợi Thủ tướng!

 

Hội An, 8h18 ngày 29 tháng 07 năm 2014
Kính thư
Người thứ bảy

 

Ghi chú
Rất tiếc là lá thư này đã không đến tay Thủ tướng và Chủ tịch Trương Tấn Sang do đã bị chặn lại từ ban xử lý thông tin, thư từ. Tiếc lắm vậy. Bần đạo tuần tự sẽ gởi cho mọi người những bài viết về vấn đề Tây Sơn-Nguyễn Huệ. Thời gian trước không có máy tính, mới có khoảng hai tháng nay. Hẹn gặp những bài viết sau. Bình Định, 20h30 ngày 24/2/2017.

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang