Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

KÍNH GỞI TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Kính gởi 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

Trước hết, xin kính chúc Tổng bí thư và gia đình cùng các cán bộ, ban ngành liên quan, trực thuộc sức khỏe, an vui. Mọi công việc lo lắng cho nhân dân và đất nước thảy được chu toàn, hanh thông. Sau chúng tôi xin trình bày vắn tắt nội dung sự việc trong lá thư này để Tổng bí thư nắm rõ hơn thông tin mà chúng tôi muốn đề cập.

 

Là một cán bộ quan trọng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo nhân dân và đất nước, Tổng bí thư chắc rõ hơn ai hết. Đất nước chúng ta là một đất nước triền miên chinh chiến. Và suốt trong nhiều thời kỳ triền miên chinh chiến, đạn bom khói lửa tơi bời ấy dân tộc chúng ta đã sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, anh thư đứng lên phất cờ khởi nghĩa lãnh đạo nhân dân kháng chiến, đánh đuổi ngoại xâm, dẹp loạn cát cứ vùng miền để thống nhất đất nước, gom giang sơn về một mối.

 

Với những cố gắng, nỗ lực không biết mỏi mệt, chấp nhận hy sinh tất cả của cả một dân tộc, của những người lãnh đạo sáng suốt, yêu thương nhân dân như con đỏ của nhiều thời kỳ mà đất nước chúng ta đã có một kết quả hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ như hôm nay. Công ơn trời biển ấy làm sao chúng ta có thể quên đi được sự hy sinh cao cả, thầm lặng của những vĩ nhân lãnh đạo các cuộc kháng chiến như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, vân vân và vân vân...

 

Kính thưa Tổng bí thư,                                                               
có thể nói tất cả những vĩ nhân của dân tộc chúng ta sau một thời kỳ lãnh đạo kháng chiến gian khổ, hay khi được đặc cách lên địa vị cai trị muôn dân, trăm họ cho đến lúc ra đi. Trả chiếc thân tứ đại vay mượn về với cát bụi vô thường, duyên hợp. Thì hầu như tất cả đều đã được mồ yên mã đẹp, và tên tuổi, công trạng của họ đã được cháu con tạc bia, ghi vào biên niên sử đất nước để cho cả một dân tộc kính ngưỡng, tôn thờ đến muôn đời. Bởi dân tộc chúng ta là một dân tộc tồn tại trên đạn bom khói lửa, chết chóc và trong sự hy sinh vô bờ bến của những anh hùng, anh thư như đã nói qua nhiều thời đại, thời kỳ dựng nước, giữ nước vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng cũng là một truyền thống vĩ đại, hào hùng của nòi giống Lạc Hồng:

"Đánh cho để đen răng,
Đánh cho để dài tóc.
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
(Hịch đánh trận-Hoàng đế Quang Trung)

 

Kính thưa Tổng bí thư,
trong trách nhiệm, bổn phận cùng niềm tự hào của cháu con và nhân dân hai miền Nam Bắc sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất đối với mồ mã, di tích, tên tuổi, công trạng các anh hùng, anh thư dân tộc có thể nói tạm thời cũng đã được chu toàn, tốt đẹp. Như ngày lễ giỗ tổ các vua Hùng được tổ chức trang nghiêm vào tháng Ba âm lịch hằng năm, như từng đoàn người xếp hàng, nối đuôi vào viếng thăm lăng Bác Hồ kính yêu ở quảng trường Ba Đình lịch sử và nơi yên nghĩ vĩnh hằng của đại tướng Võ Nguyên Giáp bên bờ biển Đông, như lễ truy điệu long trọng các chiến sĩ hằng năm ở các nghĩa trang liệt sĩ, vân vân và vân vân...

 

Đó là những ân tình, nghĩa cử sâu đậm mang nặng phẩm chất đạo đức nhân văn, nhân bản của kẻ sống với người chết, của lòng biết ơn với sự hy sinh thầm lặng, cao thượng, vĩ đại đối với các vĩ nhân đất nước vậy.

 

Chúng tôi là một tu sĩ của Phật giáo hiện đang ở tại Quy Nhơn-Bình Định. Mà tu sĩ dù là của hệ phái hoặc tôn giáo nào thì cũng vẫn chỉ là một công dân ở trong một địa phương, một đất nước mà thôi. Vì thế, khi đã là người, là một công dân ở trên địa giới của Tây Sơn tam kiệt, những nhà lãnh đạo cách mạng nông dân Tây Sơn đôi khi chúng tôi không làm sao lòng không tự vấn lòng:

"Trong những bậc vĩ nhân của dân tộc qua nhiều thời kỳ đánh đuổi ngoại xâm, dẹp loạn cát cứ vùng miền và thống nhất đất nước có thể nói bật nổi hơn cả là tên tuổi, công trạng của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ đất Tây Sơn huyền thoại. Bởi chính Quang Trung Nguyễn Huệ là người đã bao lần đánh đuổi ngoại xâm, dẹp loạn cát cứ trên khắp các vùng chiến thuật Bắc Nam, từ trên cạn, dưới nước. Nhất khi Quang Trung Nguyễn Huệ lại là người phất cao lá cờ đào, thống nhất đất nước đầu tiên kể từ khi nước Việt bắt đầu dựng quốc lập đô cho đến hôm nay. Hậu bán kỷ 18".

 

Thế thì tại sao? Sau khi Hoàng đế Quang Trung ra đi vào năm Nhâm Tý 1792. Tiếp đó là sự nổi dậy của Nguyễn Ánh và sự thất bại, sụp đổ chính thức của Nhà Tây Sơn từ năm Nhâm Tuất 1802. Và kể từ khi lên ngôi tại Phú Xuân vào năm Nhâm Tuất 1802, Gia Long đã cho quật phá Lăng mộ, thi hài Hoàng đế Quang Trung tại Cung điện Đan Dương, tức phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn mà khi đánh chiếm Thuận Hóa vào năm Bính Ngọ 1786 Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã cho tu sửa thành Cung điện Đan Dương. Sử triều Nguyễn và sử mồm mép loan truyền dân gian có ghi chép sự việc vua Gia Long đã quật phá, lấy hài cốt Hoàng đế Quang Trung tại Huế và vua Thái Đức Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn đem giã nát, trộn thuốc súng bắn ra biển. Riêng sọ đầu hai người thì cho vào bô sành để đi tiểu tiện hằng ngày.

 

Đây là phần ghi chép của sử chính thống và sử loan truyền mồm mép dân gian xưa nay.

 

Dòng thời gian cứ thế mà êm trôi...

 

Sau ngày đất nước thống nhất đến hôm nay. Giới sử học chuyên, không chuyên cùng với rất nhiều người ở khắp đây kia vốn đã từng yêu thích phong trào cách mạng Tây Sơn, nhất đối với Quang Trung Nguyễn Huệ, linh hồn của cuộc khởi nghĩa. Tất cả đã xôn xao, khởi sự, nhập cuộc với niềm hy vọng đôi khi mong manh, nhiều lúc mãnh liệt rằng:

"Biết đâu Lăng mộ, thi hài người anh hùng áo vải dân tộc hiện vẫn còn tồn tại ở đâu đó? Chưa thể bị Gia Long và quan quân dưới trướng tàn phá, triệt tiêu dễ dàng như thế?".

 

Vâng, còn gì nữa. Chúng tôi cũng là một người từng khởi lên những tâm ý niệm thầm kín, hy vọng như thế trong dòng người tiếp nối lớp chồng lớp như sóng biển đại dương vỗ liên hồi bất tận trong chuyên án lịch sử đầy hấp dẫn, thú vị nhưng cũng lắm những thử thách, khiêu khích nghiệt ngã và chưa có hồi kết này...

 

"Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn...".
(THỀ NON NƯỚC-Tản Đà)

 

Cho đến hôm nay, với sự bình thản, tự chủ hoàn toàn trong công việc nên chúng tôi dám ăn to nói lớn trước tất cả mọi kiếm tìm, chờ đợi, xôn xao, hy vọng kiêm thất vọng của rất nhiều người chỉ một câu thế này:

 

"Qua 200 năm dâu bể tang thương với bao cuộc đổi thay. Tính từ khi Nhà Tây Sơn sụp đổ sau cái chết đầy bất ngờ, nhiều bí ẩn của người lãnh đạo phong trào cách mạng nông dân vào năm Nhâm Tý 1792. Chỉ chính thức từ khi chúng tôi nhập cuộc, bắt tay vào hành trình lội ngược dòng lịch sử của những ngày đầu tháng 05 năm 2013, lúc 15h30 tại Tịnh thất Kim Châu ở Cát Lợi, Nha Trang-Khánh Hòa. Thì vài tháng sau đó chúng tôi đã biết chính xác Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung hiện vẫn còn bất động, nguyên vẹn trong một ngôi chùa trên đất thần kinh cố cựu mộng mơ!".

 

Nghĩa là, Gia Long và quan quân dưới trướng xưa kia chỉ quật phá được Lăng mộ và hài cốt... dỏm của Quang Trung Nguyễn Huệ. Còn Linh cữu, thi hài thật của vị Hoàng đế bách chiến bách thắng có một không hai trong lịch sử đã được ban tham mưu Phú Xuân âm thầm di chuyển, mang về chôn giấu dưới một ngôi chùa ở tại Huế!

 

Nói như vậy cũng có nghĩa là. Sau khi làm một CUNG ĐIỆN NGẦM để cất giấu Linh cữu, thi hài Hoàng đế Quang Trung. Thì sau đó, ở trên vị trí mà phía dưới mặt đất là CUNG ĐIỆN NGẦM Bắc cung Hoàng hậu đã cho xây dựng một ngôi chùa. Và Bà đã ở tại ngôi chùa này để nhang khói, cúng kính, kinh kệ sớm hôm cho chồng theo truyền thống tâm linh, tín ngưỡng đặc thù của dân tộc. Đồng thời cũng để bảo vệ di tích, thi hài của chồng bên dưới cho được chu toàn, an ổn. Không thể bị thời tiết xâm thực hoặc kẻ xấu tìm mọi cách phá hoại.

người họp
Cuộc họp tổ chức tại Khách sạn Thành Nội Huế, 57 Đặng Dung sau khi lá thư gởi ra HN Tống bí thư nhận được.

Phần lịch sử này tuyệt đối bộ môn văn sử học hai miền Bắc Nam xưa nay không thể biết. Và bộ môn văn sử học Bắc Nam lại càng không thể biết rằng. Sau khi Hoàng đế Quang Trung ra đi thì Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã vào chùa tu hành. Chôn cuộc đời phù du còn lại dưới bóng Phật đài qua tiếng kệ lời kinh cho vơi niềm hận tủi bởi sự trống vắng, đơn côi, khổ đau dằn vặt khôn nguôi cùng lắm nỗi bạc đãi với Bà trong nội bộ triều Tây Sơn sau ngày chồng ra đi...

 

"Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau. 
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho".
(AI TƯ VÃN)

 

Và Bà cũng đã ra đi, nối gót người xưa cho tròn ước nguyện vào một mùa đông mưa gió đầy trời của năm Kỷ Mùi lịch sử 1799...

 

Như đã nói. Chỉ vài tháng sau khi nhập cuộc, chúng tôi đã không khó khăn lắm khi xác nhận Lăng mộ, dấu tích Hoàng đế Quang Trung hiện vẫn còn tồn tại bí mật ở trong một ngôi chùa tại Huế. Và đây chính là lý do tại sao tất cả mọi người, tính luôn giới sử học chuyên nghiệp, thậm chí. Cho tính luôn Gia Long và đám quan quân hăng tiết xưa kia hầu như đã sụp bẫy kế nghi binh, ngụy trang quá tài tình, điêu luyện của ban tham mưu Tây Sơn khi xúm một đám người ngơ ngác, hăng tiết vịt nhào vô quật phá Lăng mộ, thi hài Quang Trung... dỏm tại Cung điện Đan Dương ở khu vực chùa Thiền Lâm!

 

Riêng giới sử học chuyên, không chuyên thì sau giải phóng 75 lại đâm đầu, vác cuốc xẻng, xà beng đi đào xới, tìm kiếm lung tung các điểm nghi ngờ bên ngoài, như Lăng Ba Vành, chân núi Phượng Hoàng Trung Đô và điểm ngụy trang tại Cung điện Đan Dương mà Gia Long và quan quân dưới trướng đã sụp bẫy ê chề, thảm hại xưa kia.

người họp
Ông Trần Viết Lưu, bên phải, Ban Tuyên giáo trung ương, và ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng ban Tg Thừa Thiên.

Chúng tôi sở dĩ tìm ra được ngôi chùa bí ẩn, nơi chôn giấu di tích, Linh cữu, thi hài Hoàng đế Quang Trung chính là nhờ y cứ vào các văn bản văn sử học. Như bài thơ KHÂM VÃN ĐAN DƯƠNG LĂNG bất tử của danh sĩ Ngô Thì Nhậm. Qua bài thơ mật mã này Ngô Thì Nhậm đã cho lịch sử biết rõ. Lăng mộ, thi hài Hoàng đế Quang Trung đã được chính ông và Bắc cung Hoàng hậu y chỉ theo mật ý La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cho di chuyển, chôn giấu ở tại đâu, vào năm nào? Nhưng Ngô Thì Nhậm còn cho biết rõ hơn nữa. Thi hài Hoàng đế Quang Trung đã được ban tham mưu ngày đó tẩm ướp, ngâm trong một loại dung dịch đặc biệt để bảo quản cho được lâu dài, miên viễn. Sau đó, sau khi đã an trí linh cữu Hoàng đế xong xuôi thì cánh cửa CUNG ĐIỆN NGẦM đã được đóng lại mãi mãi để bảo vệ di tích đến muôn đời.

 

Lại sau khi lên khỏi mặt đất, thì nơi lên xuống đã được xây thành như một cái giếng hình vuông. Và tại miệng giếng, tức miệng hầm lên xuống tất nhiên phải được gác đá bít lại trước đã. Rồi sau đó trên miệng hầm đã gác đá ban tham mưu Tây Sơn cho xây tiếp lên một Ngôi Tháp. Văn bia tại Tháp mộ tất nhiên chỉ là hình thức ngụy trang do Ngô Thì Nhậm soạn thảo mục đích để đánh lừa vua quan nhà Nguyễn và những kẻ tò mò, chỉ điểm, cũng như để che đậy sự thật bên dưới Tháp. Nội dung bài thơ còn cho biết. Nếu muốn xuống bên dưới thì phải cạy tấm bia ngụy trang ra thì sẽ gặp một miệng hầm, tức lớp đá gác ngang miệng hầm. Chúng ta có thể hình dung miệng hầm được gác đá hệt như một tấm đanh đậy miệng lỗ cống thoát nước vậy.

người họp
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Giáo sư Viện Hán Nôm Hà Nội phản biện.

Nhưng bài thơ mật mã KHÂM VÃN ĐAN DƯƠNG LĂNG này đã bị chỉnh sửa be bét, hoặc do tam sao thất bổn nên sai cả tám câu. Không còn nguyên bản gốc. Đây chính là lý do đã dẫn đến những việc làm sai lầm nghiêm trọng, chết người của giới văn sử học trước và sau giải phóng. Vì thế, trong công việc đi tìm Lăng mộ, dấu tích người anh hùng áo vải đất Tây Sơn huyền thoại xưa nay tất cả đành phải bó tay, dậm chân tại chỗ. Cuối cùng, người ta chỉ còn biết thầm thì, ậm ự, ngơ ngác khi thì chỉ ở Phượng Hoàng Trung Đô, lúc đã bị Gia Long quật phá. Hay đó là Lăng Ba Vành không chừng? Hoặc theo khám phá của nhà nghiên cứu lịch sử Huế Nguyễn Đắc Xuân. Lăng mộ Quang Trung ở tại Cung điện Đan Dương thuộc khu vực chùa Thiền Lâm 150 Điện Biên Phủ ngày nay. Nhưng đã bị vua Gia Long quật phá hết rồi còn đâu nữa?

 

Riêng chúng tôi là người có khả năng chỉnh sửa, phục hồi, trả lại sự thật cho những bài thơ sai lệch dạng này. Vì thế, chỉ vài tháng sau khi nhập cuộc, lên đường ra Huế, tính từ những ngày đầu của tháng 05 năm 2013 chúng tôi đã thẳng tay loại bỏ tất cả mọi tìm kiếm xưa nay của bất cứ những ai trong hành trình lội ngược dòng lịch sử mang đầy tính hấp dẫn, thú vị lẫn óc điều tra phá án của chuyên án có một không hai trong lịch sử này.

 

Tóm lại.
Bài thơ mật mã KHÂM VÃN ĐAN DƯƠNG LĂNG của danh sĩ Ngô Thì Nhậm làm ra chỉ với mục đích duy nhất. Ám chỉ vào văn bia tại Ngôi Tháp mộ bí mật trong một ngôi chùa ở tại Huế. Đây là hai mảnh răng cưa của một lưỡi cưa ráp lại. Hoặc nói khác đi cho dễ hiểu, dễ nhớ hơn nữa:

"Văn bia tại Tháp mộ là một ổ khóa. Bài thơ KHÂM VÃN ĐAN DƯƠNG LĂNG là chiếc chìa khóa để mở khóa và cánh cửa bí mật vào CUNG ĐIỆN NGẦM dưới chùa. Nơi cất giấu Linh cữu, thi hài Hoàng đế Quang Trung và nhiều hiện vật quý báu vô song khác của Nhà Tây Sơn!".

người ngồi
Ông Bùi Quang Liêm, P.Giáo sư Viện Khảo cổ Hà Nội nêu phản biện. Nay ông đã nghỉ hưu.

Vậy muốn hiểu bài thơ mật mã này thì phải đem nó kết hợp với mật mã văn bia Tháp mộ. Nếu đọc văn bia Tháp mộ hoặc đọc bài thơ mật mã này với tính cách riêng biệt, nghe cho vui tai vui miệng thì cũng chả ai hiểu việc gì cho ra việc gì. Chính vì không hiểu điều này mà dấu tích, Lăng mộ, thi hài Hoàng đế Quang Trung hiện vẫn còn nằm yên bất động qua 200 năm dâu bể trong bóng đêm cô tịch, trong nhang tàn khói lạnh. Mặc dù cách xa không bao nhiêu, tầm 4km hơn, chậc, bên kia sông Hương là một bầy chồn cáo, hùm sói, hổ mang, thuồng luồng đang nhe răng, liếm mép sẵn sàng nhảy bổ vào bất cứ lúc nào nếu chúng đánh mùi Tây Sơn thoảng qua ở đâu đây...

 

Bây giờ, kính thưa Tổng bí thư,
để làm sáng tỏ sự thật lịch sử. Thì chỉ cần cho tiến hành khoan một lỗ đường kính đúng một tấc, sâu 10m bên cạnh Tháp nếu không trúng đường hầm dẫn vào CUNG ĐIỆN NGẦM, nơi đặt Linh cữu, thi hài Hoàng đế Quang Trung thì chúng tôi sẽ uống một ly thuốc độc chết ngắc cù đum ngay tại chỗ!

 

Chúng tôi dám mạnh miệng thề thốt như vậy chính là để có một niềm tin đối với Tổng bí thư. Chứ thật ra trong công việc này thì không nên thề thốt. Vì nói đến sử học là phải có chứng cứ cùng những giải thích cụ thể, chi tiết, rõ ràng, rành mạch thì mới thuyết phục được người nghe, theo dõi. Nhưng thiết nghĩ, chúng tôi nếu không lấy sinh mạng của mình ra đặt cược, bảo đảm cho lời nói, việc làm như thế thì lấy gì đây để Tổng bí thư tin tưởng? Trong khi chúng tôi không phải là người quen biết. Lại cũng không phải là người có một vai vế quan trọng, đặc biệt gì trong xã hội, trong một tổ chức nào đó mà nếu khi bị phát hiện nói dối thì uy tín, danh dự sẽ mất trắng tay.

 

Hữu ý vô tình. Đây cũng là điều rất khó cho chúng tôi vậy.

người họp
Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục bảo vệ Di sản Quốc gia nêu ý kiến. Và ông Ba Giờ, Trưởng ban Tg BĐ.

Nhưng thật ra, không có gì là quá khó, và cũng chả có gì để phải đem mạng sống ra thề thốt, đặt cược như vậy. Dị hợm lắm. Bởi tình thật mà nói. Nếu sau khi khoan xuống một hoặc hai, ba mũi khoan mà không có gì thì không nhẽ Tổng bí thư cùng các cán bộ đứng im ru nhìn chúng tôi chết đành đoạn như vậy được sao? Mà trước khi khoan, thưa Tổng bí thư hãy nên cho thăm dò ở chung quanh Tháp nếu phát hiện có tầng rỗng ở vị trí nào thì cho khoan xuống ở vị trí ấy là xong việc. Ở Hà Nội hiện đang có loại máy xác định các tầng rỗng hay đường hầm ngầm dưới đất từ 100m trở lại. Máy chuyên dụng cho công việc này có tên là "Máy đo địa vật lý". Các cơ quan Địa chất từ trung ương đến địa phương hiện nay đều có loại máy chuyên dụng, đặc biệt này.

 

Đây là nói cho có lý có tình theo khoa học, văn minh, theo cách đối xử đạo đức giữa người với người, giữa cán bộ với nhân dân mỗi khi đụng chuyện. Còn sự thật thì chả có cần quá cầu kỳ, rắc rối như vậy khi mời các chuyên gia Địa chất tham gia, vào cuộc. Bởi Ngô Thì Nhậm đã bật đèn xanh, cho chúng tôi biết tỏng tòng tong bí mật lịch sử qua bài thơ mật mã rằng:

"Đường hầm ngầm xuất phát ngay ở bên cạnh Tháp và đâm vào ngay ở giữa cửa chánh điện của ngôi chùa!".

tháp mộ
Ôn Chơn Trí, trụ trì chùa Thiền Lâm 150 Điện Biên Phủ-Huế đứng tại Ngôi Tháp mộ ngụy trang.

Sau khi đọc lá thư này, thiển nghĩ Tổng bí thư nên ra chỉ thị, giao toàn quyền cho Viện Khảo cổ Hà Nội làm việc cùng với chúng tôi. Đừng qua Viện Sử học. Vì bên sử học đang có chiều hướng phục dựng nhà Nguyễn Gia Miêu. Báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã từng đăng bài phản đối Giáo sư Phan Huy Lê về việc cố tình dựng lại triều Nguyễn. Kể cả các cán bộ sử, học trò Giáo sư Phan Huy Lê hiện đang làm việc tại Viện Sử học Hà Nội cũng cùng thái độ, tính cách như vậy.

 

Và nếu được, thưa Tổng bí thư nên có cả sự ra tay của Bộ Công an để bảo vệ, phong tỏa hiện trường trong suốt thời gian tiến hành thăm dò cho đến khi chấm dứt chuyên án lịch sử này. Kẻo không sẽ có nhiều bất trắc xảy ra do có nhiều thành phần xấu tìm mọi cách phá hoại. Hơn nữa, trong chánh điện chùa hiện vẫn còn nhiều di vật của Nhà Tây Sơn. Nếu không có Bộ Công an nhập cuộc thế nào những hiện vật quý giá này cũng sẽ bị tẩu tán hay thiêu hủy. Vì trụ trì chùa hiện nay là con cháu, thuộc giòng Tôn thất của vua Gia Long. Mà nhà Nguyễn Gia Miêu và nhà Nguyễn Tây Sơn xưa nay vốn chống đối, không ưa nhau. Tư tưởng nghiệt ngã này thôi đã trở thành một định kiến bất di dịch mất rồi! Khổ thật!

 

Nhưng cũng rất may là vị trụ trì chùa lại không hề biết những bí mật lịch sử Tây Sơn lại đang ở ngay tại chùa của mình!

thư mời
Giấy mời Ban Tuyên giáo trung ương kết hợp Ban Tuyên giáo Thừa Thiên do chỉ định của Tbt.

Thông tin ở trên là hoàn toàn đúng sự thật. Chúng tôi với lòng nhiệt tình, hướng thượng nên đã phát hiện ra bí mật lịch sử từ hơn 3 năm nay. Nhưng chúng tôi không làm sao tìm ra đường dây liên lạc nào đáng tin cậy để thông báo thông tin quan trọng này. Chúng tôi dự định phải bỏ cuộc bởi có quá nhiều những cản trở từ các cán bộ sử học và các ban ngành, cơ quan. Thêm nữa là hai tờ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ đã thay nhau đăng bài của các đối tượng xấu ở Huế rằng Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung đã bị Gia Long quật phá hết rồi còn đâu?

 

Đây là những cản trở rất lớn, không thể vượt qua cho nổi cách nào của chúng tôi vậy.

 

Nhưng lạ thay!

 

Trong một lần đi Huế, chúng tôi đã bắt được được tín hiệu từ một thanh niên người Huế lúc 18h hơn của ngày 25 tháng 09 năm 2017. Và chính từ người thanh niên này mà chúng tôi đã qua một trung gian, là một thanh niên khác, người Quảng Ngãi hiện đang ở Hà Nội. Rồi từ hai trung gian, thiên sứ... trên trời rớt xuống này chúng tôi đã được nói chuyện -điện thoại- với một cán bộ đã từng làm việc ở Văn phòng Chính phủ từ thời Bác Hồ. Vị cán bộ cách mạng lão thành này đã tỏ ra vô cùng thích thú trước những khám phá, phát hiện của chúng tôi về bí mật lịch sử Tây Sơn như thế! Và ông hứa khả sẽ chuyển lá thư của chúng tôi lên tận tay để Tổng bí thư xem xét.

 

Chúng tôi xin dừng bút tại đây.

 

Một lần nữa xin kính chúc Tổng bí thư và gia đình cùng các cán bộ, ban ngành trực thuộc, liên quan sức khỏe, an vui. Chân thành cảm ơn sự chiếu cố của Tổng bí thư. Nhà Tây Sơn đang chờ sự ra tay của Tổng bí thư!

 

Chờ thư hồi âm. Nếu được, rất mong Tổng bí thư tạo điều kiện để chúng tôi ra Hà Nội nói chuyện thì sẽ cụ thể, chi tiết hơn nhiều.

 

Số điện thoại liên lạc: 0935061736.

 

Tuy Phước, lúc 16h15 ngày 17 tháng 12 năm 2017
Kính bút
Tỳ kheo Thích Chơn Niệm

 

Chú thích: Ảnh lồng sau, thư gởi đi chưa có ảnh hoặc không thể lồng ảnh. 

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang