Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

KIM THIỀN THOÁT XÁC...

KIM THIỀN THOÁT XÁC 
HAY LÀM SÁNG TỎ LẠI MỘT TỒN NGHI LỊCH SỬ

Lần theo dấu vết một văn bản 
Trong tập sách Lịch sử chùa Am của ngài Thông Lạc, viện chủ Tu viện Chơn Như viết được NXB Tôn Giáo ấn hành vào Quý I năm 2014 cho biết rằng Tu viện Chơn Như khởi thủy là do một danh tướng của Nhà Tây Sơn trên đường chạy trốn khỏi sự truy tìm của triều Nguyễn lập nên, tên là chùa Am. Vị tướng này có tên là Lê Văn Tâm. Ai là người từng đọc sử thời đại Tây Sơn chắc đã quá biết trong những danh tướng nổi tiếng của triều Tây Sơn không hề có vị tướng nào tên là Lê Văn Tâm cả. Nếu như thế, không lẽ thầy Thông Lạc là người tu hành lại đi nói dối, gạt lừa mọi người dễ dàng như vậy hay sao?

 

Chuyện này, chúng ta hãy khoan bàn vội, mà chúng ta nên đọc những trích đoạn sau đây trong tập sách để từ đó mới có điều kiện, cơ sở hòng xác định thông tin mà thầy Thông lạc cung cấp, viết trong tập sách là đúng hay sai, có lý hay vô lý. Mời các bạn bỏ chút đỉnh thời gian vàng ngọc đọc qua những tư liệu lịch sử có thể nói vô cùng quý giá nhưng chưa bao giờ được ghi chép trong bất cứ dạng tài liệu sử học nào cả:

 

"Ghi lại lịch sử là một việc làm hết sức phải thận trọng, nhất là phải thấy trách nhiệm và bổn phận đối với độc giả. Mọi người, ai cũng biết lịch sử của một dân tộc là do nhiều nhân vật làm nên, nhưng mỗi nhân vật đều có những tài năng đặc biệt khác nhau. Do đó, khi ghi lại lịch sử chúng ta phải ghi trung thực theo tài năng của mỗi nhân vật làm nên lịch sử trong địa phương đó. Ghi như vậy mới được gọi là ghi lại lịch sử.

 

Ở đây, chúng tôi ghi lại lịch sử của một địa danh, chớ không ghi lại một nhân vật lịch sử cá nhân nào. Vì thế, chúng tôi cần phải biết rất rõ trong một địa danh lịch sử không chỉ có một nhân vật lịch sử, mà phải có nhiều nhân vật. Có nhiều nhân vật mới làm nên địa danh lịch sử. Đó là điều chắc chắn không còn ai bắt bẻ chúng ta ghi sai.

 

Bởi vậy, một địa danh phải được gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử. Nhiều nhân vật lịch sử mới làm nổi bật một địa danh trong lịch sử của nước nhà. Đọc một cuốn sử đất nước Việt Nam, trong đó có rất nhiều anh hùng liệt sĩ hữu danh cũng như vô danh không sao kể cho hết. Sách viết như vậy mới là cuốn sử ký.

 

Chùa Am đã trở thành một địa danh lịch sử, do bắt đầu từ một võ tướng của Tây Sơn về đây trú ngụ; không phải trú ngụ để mai danh, ẩn tích, mà (về?NV) Chùa Am trú ngụ để âm thầm chiến đấu chống giặc ngoại xâm; để tiếp tục làm nên những trang sử anh hùng của dân tộc, ngõ hầu để đóng góp công sức mình cho những trang sử nước nhà.

 

Như chúng ta ai cũng biết: Triều đại Tây Sơn là do những người nông dân áo vải ở đất Tây Sơn đứng lên phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc phương Bắc-Nhà Thanh ở miền Bắc nước ta, và dẹp sạch quân Xiêm La ở miền Nam, kế đó đập tan bè lũ phong kiến bán nước: Trịnh đàng ngoài-Nguyễn đàng trong, thống nhất đất nước thành một nước độc lập chủ quyền phong kiến Việt Nam. Những trang sử oanh liệt này làm sao nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác lại quên được người áo vải anh hùng Nguyễn Huệ Quang Trung, phải không quý vị? Đấy là những điều cần nhắc nhở cho mọi người lưu ý khi đọc lịch sử Chùa Am...".

 

Chúng tôi xin cắt ngang đoạn này, từ trang 23 đến trang 26 tập sách để trích qua đoạn khác ở chương khác, bởi đoạn này đã chuyển sang nói về Phật giáo, không còn nói về sử nữa.

 

Chùa Am và những bí mật lịch sử 
"Vị trụ trì đầu tiên của Chùa Am là Hòa thượng Thích Minh Không, tục danh là Lê Văn Tâm, một võ tướng của Tây Sơn, dưới trướng của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ như chúng tôi đã tường trình sơ lược ở trên (theo gia phả của giòng họ Lê ghi lại rõ ràng).

 

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một danh tướng của Việt Nam; ông thường đánh Nam, dẹp Bắc để thống nhất giang sơn Tổ quốc. Trong trận đánh quân nhà Thanh tại Hà Nội, với chiến lược, chiến thuật thần tốc của vua Quang Trung thì Lê Văn Tâm lãnh một đạo quân, dưới quyền chỉ huy của vua Quang Trung, mở cuộc tấn công dũng mãnh vào phía Nam đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh rút vào đồn cố thủ, dùng đại bác và hỏa khí bắn xuống dữ dội như mưa để cản bước tiến của quân Tây Sơn.

sách

Trước chiến trận như vậy, Vua Quang Trung ra lệnh cho đội xung kích gồm 600 dũng sĩ cảm tử, trong đó có ông sơ chúng tôi tình nguyện chiến đấu, lưng giắt đao ngắn, 200 người đi đầu khiêng 20 tấm ván dầy, bện rơm thấm nước che súng đạn và lửa cho 400 dũng sĩ theo sau, làm cho súng đạn quân Thanh mất hiệu lực.

 

Lúc bấy giờ quân Tây Sơn họp lại đông như kiến cỏ, khí thế lên ào ạt như thủy triều dâng, tấn công phá tan cửa lũy, mở đường cho kỵ binh và tượng binh tiến vào thành. Quân Tây Sơn tung hoành chém giết. Đồn Ngọc Hồi chìm trong khói lửa. Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy tán loạn, lớp bị giết, lớp chà đạp lên nhau chạy mà chết, nên thây phơi nằm lớp lớp.

 

Quân Tây Sơn đã phá tan cứ điểm Ngọc Hồi, tiêu diệt 3 vạn quân Thanh, trong đó có ba danh tướng cao cấp của giặc. Trong trận đánh này, ông sơ của chúng tôi cũng được tham dự như trên đã nói, đập nát phòng thủ phía Nam, mở toang cánh cửa vào thành Thăng Long.

 

Trong khi đạo quân chủ lực đang quyết chiến ở mặt trận phía Nam thành Thăng Long, thì sáng ngày mồng 5 Tết Nguyên đán năm Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đã đập tan mộng cướp nước, đè bẹp ý chí xâm lược của quân nhà Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long và miền Bắc, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Chiến thắng Ngọc Hồi là một chiến công oanh liệt, làm vẻ vang cho Tổ quốc và kết thúc sự xâm lược của (tập đoàn?NV) phong kiến phương Bắc đối với nước Việt Nam.

 

Công việc đang tiến hành thuận lợi, thì vào ngày 29 tháng 7 năm 1792 âm lịch, phái bộ Đại Việt nhận được tin Vua Quang Trung đã đột ngột từ trần. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh Hoàng Đế. Vua Quang Trung chết là một nỗi đau của dân tộc Việt Nam. Vì đất nước chưa thống nhất hoàn toàn, nên vua Quang Trung chết là một thiệt thòi rất lớn cho vận mệnh quê hương xứ sở này.

 

Khi vua Quang Trung mất, thì anh em của Vua Quang Trung chia nhau đất nước cai trị. Miền Nam do Nguyễn Lữ cai trị, nhưng do sự bất tài của Nguyễn Lữ, miền đất chiến lược không được Tây Sơn tổ chức cai trị chặt chẽ nên đã lọt vào tay Nguyễn Ánh tháng 8 năm 1788. Trên mảnh đất chiến lược này, Nguyễn Ánh ra sức phát triển kinh tế, xây dựng lực lượng và ngoại giao cầu viện thực dân Pháp, để mở màn cho một cuộc tấn công quy mô đối với quân Tây Sơn.

 

Sự lớn mạnh và những cuộc tấn công của lực lượng Nguyễn Ánh trực tiếp đe dọa sự tồn tại của triều đại Tây Sơn. Chính khi còn sống, Vua Quang Trung đã nhìn thấy hiểm họa đó. Ông xem lực lượng phản động của Nguyễn Ánh là một tai họa lớn cho bước tiến thống nhất đất nước.

 

Sau khi chiến thắng quân Thanh ở thành Thăng Long, khi về Phú Xuân, Vua Quang Trung ra sức chuẩn bị lực lượng, chiến thuật chiến lược, vạch ra kế hoạch tấn công tiêu diệt Nguyễn Ánh. Nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì Vua Quang Trung đã đột ngột từ trần vào năm 1792, như trên đã nói.

 

Cái chết của vua Quang Trung đã làm suy yếu toàn bộ phong trào Tây Sơn, và cuộc đương đầu với Chúa Nguyễn có phần suy yếu. Đó là thế lợi cho nguyễn Ánh. Nhất là trong nội bộ anh em của Tây Sơn tham quyền cố vị, chia rẽ và giết hại lẫn nhau nên đã làm lực lượng Tây Sơn suy yếu lại càng suy yếu hơn.

 

Năm 1801, Nguyễn Ánh đem toàn lực lượng tấn công kinh thành Phú Xuân. Thành Phú Xuân bị Nguyễn Ánh chiếm. Vua Cảnh Thịnh phải chạy ra Bắc Hà, huy động quân đội các trấn Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc và quân Thanh-Nghệ chống lại với quân Nguyễn Ánh. Mặt trận chính xảy ra ở Nghệ An và Thanh Hóa. Nữ tướng Bùi Thị Xuân chỉ huy 5.000 quân cùng hàng vạn quân của Vua Cảnh Thịnh chống trả quyết liệt cuộc tấn công của quân Nguyễn Ánh, khiến cho quân Nguyễn Ánh khiếp sợ. Lúc bấy giờ vua Cảnh Thịnh hèn nhát, sợ chết rút lui làm cho măt trận Nghệ An tan vỡ. Trần Quang Diệu và ông sơ tôi đem quân ra cứu viện, nhưng không kịp. Trần Quang Diệu, vợ là Bùi Thị Xuân và con gái bị quân Nguyễn Ánh bắt, còn ông sơ của chúng tôi chạy thoát.

chùa

Chùa Am tức Tu viện Chơn Như ngày nay. Xưa tướng Lê Văn Tâm, ông sơ thầy Thông Lạc trú ẩn nơi đây

 

 

Sau khi bắt Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và con gái thì Nguyễn Ánh đem hành hình một cách thảm khốc. Hành động trả thù của Nguyễn Ánh rất thù vặt, mất nhân tính, ác độc. Lịch sử còn ghi lại những hành động ác này để chứng minh tập đoàn phong kiến vương triều Nguyễn là những nhà vua không lấy đức trị dân, mà đàn áp bóc lột nhân dân.

 

Trước sự hành hình Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và con gái, Vua Gia Long đang thị sát cuộc hành quyết, không bao giờ xúc động trước tiếng kêu cứu của một đứa bé vô tội, con gái Trần Quang Diệu, khi cháu kêu lên: "Mẹ ơi, cứu con với!". Tiếng kêu cứu làm đứt ruột nát lòng người mẹ. Nhưng lúc ấy, Bùi Thị Xuân cũng đang bị hành quyết như con, bị bốn ngựa xé xác, bà cất tiếng trả lời, an ủi con bằng nước mắt của người mẹ: "Hãy gan dạ lên con! Đừng sợ hãi bọn giặc bán nước. Chỉ có cái chết mới đền nợ nước, tình nhà. Chúng ta rất hãnh diện chết là vì quê hương tổ quốc con ạ!".

 

Một đứa trẻ vô tội có làm gì nên tội, mà phải bị xử tử cho bốn ngựa xé xác như vậy thật là tội nghiệp!

 

Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân là những tướng tá của Vua Quang Trung, thì phải hết sức phò vua giúp nước, nhưng khi bị bắt thì chỉ còn đem cái chết để đền ơn nước tình nhà, mà gọi có tội là không đúng. Khi hai bên đánh nhau, ai vì vua nấy; ai thắng làm vua, ai thua làm giặc, đó là lẽ thường; cớ sao khi thắng làm vua thì lại thù vặt, giết người như vậy? Thật là hẹp hòi, ích kỷ, thiếu lòng nhân ái!

 

Bằng chứng khi vua Gia Long lên ngôi thì nhân dân khắp nước nổi lên chống chế độ phong kiến của ông.

Ngày 10 tháng 6 năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm được thành Thăng Long. Vua Cảnh Thịnh và em là Nguyễn Quang Thùy chạy về Kinh Bắc thì bị Nguyễn Ánh bắt và hành hình. Vua Cảnh Thịnh không đủ tài đức điều quân khiển tướng, nên bị Vua Gia Long tiêu diệt. Từ đó quân Tây Sơn lần lần tan rã, tất cả tướng tá của Tây Sơn đều trốn chạy. Vì Vua Gia Long là một người tâm địa hẹp hòi, ích kỷ, thiếu lòng nhân, không biết chiêu dụ người hiền tài, nên thường truy tìm bắt tướng tá của Tây Sơn trả thù, khi bắt được thì hành hình thảm khốc như vợ chồng Trần Quang Diệu. Vì thế, ông sơ chúng tôi phải giả thường dân, trốn tránh vào trong miền Nam thành Gia Định.

 

Sau khi lật đổ nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, xưng đế hiệu là Gia Long. Trước đó, Nguyễn Ánh nhiều lần bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải chạy trốn ra đảo Phú Quốc lánh nạn; có khi phải chạy qua Xiêm La cầu cứu viện binh; có khi bị quân Tây Sơn đánh tơi tả không còn một manh giáp. Do đó, ông ôm hận thù, nên khi Vua Quang Trung chết và quân Tây Sơn tan rã, thống nhất được đất nước, Vua Gia Long quyết tâm trả thù, nên lúc bây giờ tướng tá của Tây Sơn chết do Vua Gia Long giết không biết bao nhiêu người mà kể. Thù hận đến nỗi, Vua Gia Long đào mộ Vua Quang Trung, lấy sọ đầu để vào cầu xí, hằng ngày đi tiểu tiện lên đó. Thật là một vị vua tâm lượng hẹp hòi đê tiện mà sử sách còn ghi, thật là đáng chê trách!

 

Do sự lùng bắt gắt gao của quân lính Vua Gia Long, nên ông sơ chúng tôi phải cải trang làm một người thường dân, cùng một cô em gái mà chúng ta gọi là bà Năm (Vì lúc đó chúng tôi còn nhỏ nên ông bà, cha mẹ không cho chúng tôi biết tên ông sơ). Ông sơ và bà Năm trốn vào thành Gia Định lánh nạn, cư ngụ tại Phú Lâm thuộc Phú Thọ Hòa bấy giờ. Trước tình trạng Vua Gia Long truy lùng tướng tá của Tây Sơn để trả thù quá gắt gao, nên ông sơ chúng tôi cải trang làm tu sĩ Phật giáo, bỏ người em gái ở lại Phú Thọ Hòa, rồi đến Tỉnh Tây Ninh, Huyện Trảng Bàng, cư ngụ tại Ấp Bàu Trâm. Bấy giờ ở đây là rừng rú trùng trùng điệp điệp, không có người ở, tên là Ấp Gia Lâm.

 

Ông cất một am tranh tu hành, và dùng tài chiêm tinh bói toán của mình để giúp dân làng nơi đây ngăn chặn bọn trộm cắp, nhất là tìm lại những trâu bò bị bọn trộm cắp bắt. Nhờ khoa chiêm tinh bói toán tìm lại trâu bò đã mất, nên dân trong làng một lòng rất kính trọng và thương mến ông.

 

Vì thế, những người trộm cướp thường lén đốt am tranh của ông. Nhưng mỗi khi am bị đốt, thì được những người dân làng ở đây nhớ ơn, nên chặt cây cất lại am khác cho ông. Cuộc sống ở đây được bình an, không còn bị truy lùng bắt bớ, ông lập gia đình với một người phụ nữ tại địa phương này, rồi sinh con đẻ cái ở đây tạo thành một dòng họ Lê rất đông đảo.

 

Và cũng là nơi đây, Chùa Am bắt đầu khởi sự cho con cháu sau này tiếp nối ý chí kiên cường, bất khuất của ông cha, đã trở thành những người con của Việt Nam anh hùng cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đây, Chùa Am là nơi tập trung những nhà yêu nước, yêu dân tộc.

 

Như vậy, Lê Văm Tâm là ông sơ của chúng tôi, có pháp danh Thích Minh Không như trên đã sơ lược kể, sinh năm 1760, và Chùa Am khởi sự dựng cất vào năm 1802, lúc Nguyễn Ánh lên ngôi xưng hiệu là Gia Long. Từ đó, ngôi Chùa Am được con cháu thừa truyền nối tiếp nhau mãi mãi, cho đến ngày hôm nay đã trải qua nhiều đời.

 

Lê Văn Tâm trong lúc làm tướng dưới trướng Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đánh Nam dẹp Bắc, có công đuổi giặc nhà Thanh ra khỏi miền Bắc-Hà Nội, và đập tan quân Xiêm La ở miền Nam nơi Rạch Gầm; chúng chạy về nước không kịp thở.

 

Một người có công lao với đất nước như ông sơ chúng tôi mà không được ghi vào sách sử, cũng như biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ vô danh đã bỏ mình cho đất nước này, nhưng đến nay có còn ai nhắc đến; có còn sử sách nào ghi chép?

 

Thật may mắn thay, gia tộc chúng tôi còn ghi lại gia phả; nếu không ai ghi lại gia phả thì hôm nay làm gì chúng tôi biết mà ghi lại những trang sử Chùa Am, và như vậy thì ông sơ chúng tôi cũng chỉ là một chiến sĩ vô danh như bao chiến sĩ khác, chỉ có hy sinh xương máu của mình ngoài mặt trận giải phóng dân tộc mà thôi.

 

Chúng tôi nói không phải kể công lao ông sơ của chúng tôi, mà nói ở đây là khéo nhắc nhở những nhà cầm bút viết sử phải lưu ý bao nhiêu danh tướng dưới một nhà vua tài ba chỉ huy, thì không một lý do nào lại bỏ sót một vị tướng có công với Tổ quốc, khi họ đã hy sinh công sức và xương máu của mình ngoài mặt trận.

 

Làm nên một sự nghiệp thống nhất đất nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Vua Lê Lợi, Vua Quang Trung, không phải chỉ có một mình các ngài làm nên sự nghiệp lớn như vậy, mà còn biết bao công sức, xương máu của tướng tá và binh lính. Cho nên, việc viết sử là phải người đương thời viết, còn mọi sự việc lịch sử đã qua và người sau viết lại lịch sử thì sẽ không làm sao tránh khỏi sự thiếu sót rất nhiều.

 

Người viết sử nên viết lại những công lao của những người lính trước, rồi sau đó mới ghi tới tá, tướng, và cuối cùng mới ghi đến cấp lãnh đạo chỉ huy mặt trận như vua, chúa. Chớ viết sử mà chỉ nhắc đến các vua chúa, danh tướng, còn các tướng tá, quân lính vô danh mà không ghi thì sử đó không giá trị.

 

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ vì bảo vệ đất nước đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Vì thế, Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo rất sáng suốt, cho phép mỗi địa phương từ xã, huyện, tỉnh đều được ghi lại lịch sử từ người lính đến các cấp tướng tá tại địa phương đó, bằng cách xây dựng Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ, để nhớ công ơn từ người lính đến các sĩ quan tướng tá.

 

Hình ảnh nghĩa trang lịch sử khắp nơi trong nước, là nói lên những trang sử oai hùng của dân tộc được ghi lại bằng những công lao từ người lính đến sĩ quan cao cấp rất rõ ràng. Bởi vậy, nhìn những Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ rất uy nghi tuyệt vời.

 

Đời đời con cháu hằng năm đến những ngày lễ lớn, đều về thăm viếng mồ mã và thắp những nén tâm hương nhớ đến công ơn của những anh hùng liệt sĩ. Đó là những hành động "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của những con cháu nhiều thế hệ, ngàn đời sau này mãi mãi không bao giờ quên".

 

Đập nát rêu phong tìm cổ kính... 
Chúng tôi xin cắt ngang đây, trang 49, bắt đầu từ trang 35 là phần nói về sử học, "Đời thứ nhất" của vị tướng Tây Sơn có tên là Lê Văn Tâm mà theo thầy Thông Lạc cho biết vị tướng này là ông sơ của thầy, là người từng tham gia trận đánh giặc Thanh tại năm cứ điểm hùng hiểm Thăng Long-Hà Nội nằm dưới mũi tiến công do đích thân Hoàng Đế Quang Trung chỉ huy thế trận. Sau trang 49 này là phần nói về những đời trụ trì khác, với những hoạt động bí mật nhằm tổ chức nghĩa quân và nhân dân chống phá lại chính quyền triều Nguyễn và thế lực giặc ngoại xâm đang liên kết hòng dễ bề thôn tính nước Việt lâu dài.

 

Chuyện này thiết nghĩ chúng ta không quan tâm, mà chúng ta chỉ nên quan tâm đến câu chuyện sử học với vị tướng Tây Sơn có tên là Lê Văn Tâm mà theo thầy Thông Lạc cho biết đó là ông sơ của thầy, là người có mặt trong mũi tiến công đánh giặc Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789 tại Thăng Long Hà Nội vào đồn Ngọc Hồi do Hoàng Đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy.

 

Ở trên, thầy Thông Lạc cho biết khi vua Cảnh Thịnh do quá hèn yếu nên đã bỏ chạy khiến mặt trận Nghệ An tan vỡ. Nghe tin, tướng Trần Quang Diệu và ông sơ của thầy Thông Lạc, tức vị tướng có tên Lê Văn Tâm liền mang quân ra cứu viện nhưng thất bại. Sau Trần Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân cùng ông sơ của thầy Thông Lạc bị quân nhà Nguyễn bắt giải về Phú Xuân để chờ ngày mang ra hành hình, xử tội. Nhưng ông sơ của thầy Thông Lạc sau đó đã chạy thoát được.

 

Từng đọc sử Tây Sơn chắc nhiều người đều biết rằng trong hàng tướng tá nổi tiếng của Tây Sơn thời ấy không có ai tên là Lê Văn Tâm cả. Đây có thể là một bất ngờ rất lớn đối với giới chuyên nghiên cứu sử, nhất nghiên cứu sử thời Tây Sơn. Chuyện này chúng ta cũng khoan bàn vội là có hay không vị tướng Tây Sơn với tên tuổi, mặt mũi như thế trong hàng ngũ tướng lĩnh Tây Sơn. Các bạn nên đọc tiếp những thông tin được chúng tôi lấy trên trang mạng, rồi mang ra đối chiếu với những gì thầy Thông Lạc cho biết trong tập sách là đúng hay sai, có hay không mới là điều quan trọng, cần thiết.

 

Thầy Thông Lạc có cho biết, trong mũi tiến công của Hoàng Đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy có ông sơ, tức tướng Lê văn Tâm của thầy lưng giắt đao ngắn cùng nghĩa quân Tây Sơn công phá thành Ngọc Hồi. Chúng tôi kiểm tra lại ghi chép của nhiều dạng tài liệu lịch sử về trận đánh giặc Thanh của Hoàng Đế Quang Trung vào năm Kỷ Dậu 1789 thì được biết thế trận ngày này năm ấy được chia ra năm mũi tiến công chủ lực như sau:

 

1- Đạo quân do Quang Trung chỉ huy gồm có Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm tiên phong, có cả tượng binh và kỵ binh đánh vào mặt chính Nam thành Thăng Long.
2- Đạo quân do đô đốc Tuyết chỉ huy theo đường thủy tiến vào sông Lục Đầu, đánh đồn cần vương của Lê Duy Kỳ ở Hải Dương, chặn đường rút của quân Thanh bên kia sông Hồng.
3- Đạo quân của đô đốc Lộc chỉ huy cùng đạo quân đô đốc Tuyết theo đường thủy tiến vào sông Lục Đầu, tới đây tách ra đi gấp lên Phượng Nhãn, Lạng Giang chặn đường rút của quân Thanh phía Bắc.
4- Đạo quân đô đốc Bảo chỉ huy cũng có tượng binh và kỵ binh theo đường Ứng Hòa (Hà Tây) ra làng Đại Áng phối hợp với cánh quân Quang Trung đánh thốc đồn Ngọc Hồi của Hứa Thế Hanh.
5- Đạo quân đô đốc Long chỉ huy cũng có tượng binh và kỵ binh theo đường Chương Đức, hướng lên Sơn Tây nhưng sẽ rẽ quặt (ngoặc?NV) sang làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống và tiến vào Thăng Long từ hướng Tây.

 

Trong năm mũi tiến công chủ lực này của trận đánh long trời lỡ đất đã hốt cốt trọn bộ 29 vạn hùm beo Thanh-Lê năm xưa chúng ta chỉ chú ý vào mũi tiến công thứ nhất do Hoàng Đế Quang Trung đích thân chỉ huy, vì theo thầy Thông Lạc cho biết ông sơ của thầy hiện có mặt trong đạo quân này ngoài hai danh tướng chúng ta đã được biết là Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Đồng thời qua ghi chép sử sự này chúng ta không hề thấy có tên tuổi, mặt mũi hai danh tướng tài năng lỗi lạc, danh bất hư truyền mà về mặt tài năng có thể còn bật nổi hơn những vị tướng hiện tham gia trong trận đánh nói trên rất nhiều. Đó là hai danh tướng tài ba được xếp vào trong hàng ngũ Thất hổ tướng của Nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng. Tại sao lại có sự việc ghi chép kỳ lạ thế này?

 

Những danh tướng đặc biệt dưới thời Tây Sơn 
Dưới đây là những danh tướng có thể được xem là những người tài giỏi vào bậc nhất của Tây Sơn trong thời kỳ ấy, được gọi là Thất hổ tướng. Thất hổ tướng gồm có:

 

1. Võ Văn Dũng hay còn gọi là Vũ Văn Dũng. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Tư khấu, Đại Tư khấu, Đại Tư đồ. Tước phong của Vũ Văn Dũng: Hám hổ hầu, Chiêu Viễn hầu, Vũ Quốc công.
2. Võ Ðình Tú hay còn gọi là Vũ Đình Tú. Ông lần lượt giữ các chức: Đổng lý, Đại Đổng lý, Binh bộ Thượng thư (triều Thái Đức), Binh bộ Tham tri (triều Cảnh Thịnh), An phủ sứ Phú Yên.
3. Trần Quang Diệu hay còn có bản ghi là Nguyễn Quang Diệu. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Đại Tổng quản, Trấn thủ Nghệ An, Thiếu phó. Tước phong của Trần Quang Diệu: Siêu Vũ hầu, ông còn được phong tước Quận công và Quốc công nhưng không rõ danh hiệu do chưa tìm được nguồn tư liệu.
4. Nguyễn Văn Tuyết hay còn gọi là Đinh Công Tuyết. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Tư lệ, Đại Tư lệ, Trấn thủ Hải Dương, An Quảng. Tước phong của Nguyễn Văn Tuyết: Tuyết Quang hầu, ông còn được phong tước Quận công và Quốc công nhưng không rõ danh hiệu do chưa tìm được nguồn tư liệu.
5. Lê Văn Hưng. Ông lần lượt giữ các chức: Đề đốc, Đô đốc, Đại Đô đốc, Thái úy, Trấn thủ Diên Khánh, Bình Thuận (triều Thái Đức), Binh bộ Thượng thư, Thái úy (triều Cảnh Thịnh).
6. Lý Văn Bưu: hay còn gọi là Lý Văn Mưu (Miêu). Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc.
7. Nguyễn Văn Lộc. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Trấn thủ Quảng Nam, Quảng Ngãi.

 

Bảy vị tướng tài ba này theo sự ghi chép trong các tài liệu sử học thì Võ Đình Tú đã tử trận, còn Nguyễn Văn Lộc và Võ Văn Bưu từ quan ở ẩn. Trần Quang Diệu thì sau đã bị Gia Long cho hành hình cùng vợ con. Riêng Võ Văn Dũng và Nguyễn Văn Tuyết thì hiện còn tồn nghi, chưa biết sống chết thế nào. Lê Văn Hưng bị Cảnh Thịnh giết (còn tồn nghi). Theo Đại Nam thực lục thì trong các tướng bị bắt, xử tử lúc làm lễ Hiến Phù có Thống tướng Lê Văn Hưng.

 

Nếu căn cứ vào những thông tin của thầy Thông Lạc cung cấp thì có thể nói. Trong mũi tiến công thứ nhất dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng Đế Quang Trung vào đồn Ngọc Hồi tất nhiên là có ông sơ của thầy Thông Lạc là tướng Lê Văn Tâm. Nhưng vị tướng này lại không được sử học ghi chép công trạng, mà đã bị loại, gạt ra ngoài danh sách như đã nói. Kể cả danh tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng. Chúng ta cũng không biết tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng ở vào mũi tiến công nào trong năm mũi tiến công? Hoặc trận đánh lịch sử này tướng Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn không tham gia, mà có thể họ đã tình nguyện ở lại Phú Xuân trông coi triều đình để canh chừng biết đâu Nguyễn Ánh lợi dụng tình hình chiến tranh đang xảy ra ngoài mặt Bắc bèn cà tửng chơi ngẳng mang quân đánh úp chiếm mất kinh đô Phú Xuân thì sao?

 

Thiết nghĩ, đây là điều hết sức vô lý nếu Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng không được tham gia trong trận đánh lịch sử này, bởi họ chính là hai trợ thủ đắc lực nhất, đặc biệt nhất trong hàng ngũ Thất hổ tướng từng theo phò giúp Tây Sơn từ những ngày đầu kháng chiến gian khổ cho đến khi cuộc cách mạng nông dân đi vào thắng lợi hoàn toàn sau trận đánh lịch sử tại Thăng Long-Hà Nội.

 

Hay có thể ông sơ của thầy Thông Lạc, tức tướng Lê Văn Tâm là tướng Võ Văn Dũng chăng?

 

Trong một trang khác, thầy Thông Lạc còn cho biết rõ, ông sơ của thầy, tức tướng Lê Văn Tâm đã cùng danh tướng Trần Quang Diệu tập họp quân lính kéo ra Nghệ An đánh giải vây cứu vua Cảnh Thịnh và vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân khi nghe tin Nghệ An thất thủ bởi vua Cảnh Thịnh do quá lo sợ, hoang mang trước sức phản công của quân đội triều Nguyễn nên vội vàng tháo chạy nhưng không kịp nữa rồi! Than ôi!

 

Lịch sử đã cho chúng ta biết khá rõ về tình hình chiến sự lúc này tại Nghệ An đã xảy ra thế nào. Hai danh tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và nữ tướng Bùi Thị Xuân sau đó đã bị quân triều Nguyễn bắt nhốt vào cũi. Riêng Võ Văn Dũng sau đó đã bẻ cũi trốn thoát được. Nữ tướng Bùi Thị Xuân đúng ra cũng chạy thoát cùng tướng Võ Văn Dũng dễ dàng, nhưng do phải ở lại cùng chồng là Trần Quang Diệu lúc này đang bị bệnh đi không nỗi cho trọn vẹn nghĩa tình, thủy chung sau trước. Phân đoạn lịch sử gay cấn, vô cùng bi ai này chúng ta cũng đã biết thế nào rồi sau đó tại kinh đô Phú Xuân.

 

Đoạn thầy Thông Lạc nói ở trên thì lại trùng khớp với ghi chép của nhiều sách lịch sử viết về thời điểm Tây Sơn sau ngày Hoàng Đế Quang Trung bất ngờ, đột ngột ra đi khi tướng Trần Quang Diệu nghe tin Nghệ An thất thủ đã vội vã tập họp binh tướng bàn bạc kế hoạch dự định kéo ra giải vây Nghệ An như sau:

 

"... Chợt Trần Quang Diệu được tin quân Tây Sơn bị thua ở Nhật Lệ, Trấn Ninh, Nguyễn Phúc Ánh đã hoàn toàn làm chủ đất Thuận Hóa thì thất kinh, bàn cùng các tướng:

 

'Binh mã đã bị hao ở Trấn Ninh và Nhật Lệ quá nhiều, lực lượng ở Bắc Thành không còn mấy. Nếu Nguyễn Phúc Ánh kéo quân đến đánh thì Bắc Thành không thể trì thủ được lâu. Ta phải đem quân về cứu, kẻo Bắc Thành thất thủ nữa thì Quy Nhơn có giữ vững cũng không ích gì. Vậy nên bỏ thành Quy Nhơn. Võ tướng quân (Võ Văn Dũng NV) cùng tôi đem đại binh ra Bắc. Nguyễn Quang tướng quân đem binh đóng ở Dương An, Nguyễn Văn tướng quân về đóng ở Kỳ Sơn, để chia bớt lực lượng của quân Nguyễn. Không nên đóng quân trong thành mà địch bao vây'.

 

Sắp đặt xong, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các bộ tướng đem 3.000 quân, 80 thớt voi, theo đường thượng đạo sang Lào để ra Nghệ An, vào thượng tuần tháng Ba năm Nhâm Tuất (1802)". 
(Trích Nhà Tây Sơn của Quách Tấn-Quách Giao, trang 279)

 

Như thế, nếu thông tin thầy Thông Lạc viết đúng đắn với những gì mà gia phả giòng họ Lê ghi chép, tức ông sơ của thầy là tướng Lê Văn Tâm còn lưu lại trong gia phả thì đích thị tướng Lê Văn Tâm chính là tướng Võ Văn Dũng chứ không ai khác vào đây hòng trồng khoai đất này!

 

Còn lý do tại sao tướng Võ Văn Dũng phải bỏ chạy vào miền Nam, sau dạt về vùng Trảng Bàng-Tây Ninh thay đổi tên họ là Lê Văn Tâm, sau lập chùa, đội lốt một tu sĩ thì cũng đâu có gì khó hiểu. Tất cả cũng đều để đánh lừa dư luận hòng tránh khỏi sự truy lùng gắt gao, trả thù tàn nhẫn của vua quan triều Nguyễn mà thôi.

 

Di hoa tiếp mộc 
Để hiểu được câu chuyện bí mật lịch sử xoay quanh cuộc đời và hành tung của danh tướng Võ Văn Dũng sau đó đã ra sao sau cái chết quá bất ngờ và đột ngột của Hoàng Đế Quang Trung vào năm 1792, đúng thời điểm tướng Võ Văn Dũng lúc này đang làm trưởng đoàn Đệ nhị ngoại giao An Nam đi sứ sang Tàu. Trộm nghe nói đây chỉ là lần đi dọ thám địa thế và tình hình chính trị của Tàu để chuẩn bị cho trận tiến công, đánh úp triều Thanh hòng lấy lại hai đất Lưỡng Quảng cho đất nước đã được triều đình Tây Sơn và Hoàng Đế Quang Trung bàn bạc rất kỹ lưỡng. Trong truyện Kiều Nguyễn Du cũng có cho biết dự định âm thầm, giả bộ hiền ngoan dễ nói, dễ nghe của đoàn Đệ nhị ngoại giao Đại Việt dẫn đầu là tướng Võ Văn Dũng nhưng vô cùng táo bạo của triều Tây Sơn qua nhân vật Từ Hải lúc nói chuyện với Thúy Kiều qua các câu 2221-2222-2223-2224 như sau:

 

... Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia...

 

Thời điểm này, lúc tướng Võ Văn Dũng dẫn đoàn ngoại giao trống kèn, cờ xí rợp trời rồng rắn râu ria kéo qua Ải Nam Quan, nhập vào đất Tàu là vào năm 1792, ba năm sau sau trận đánh lịch sử nhớ đời tại Thăng Long-Hà Nội. Thì chỉ còn năm, sáu năm nữa là cuộc chiến đánh Tàu để lấy lại hai đất Lưỡng Quảng cho tổ quốc sẽ bắt đầu mở màn, châm ngòi khai cuộc. Chúng tôi sở dĩ nói như vậy là bởi tất cả các sách sử học xưa nay đều cho biết Quang Trung hiện đang âm thầm chuẩn bị binh hùng tướng mạnh trong vòng 10 năm, sau đó sẽ kéo sang Tàu đánh một trận tưng bừng khói lửa, dạy cho thiên triều bài học lễ độ biết người biết ta. Nhưng dự định to lớn, vĩ đại của con người có một không hai trong lịch sử đành phải vùi chôn, tan thành khói sương lãng đãng khi bất chợt phái đoàn ngoại giao Đại Việt, đại diện là danh tướng Võ Văn Dũng lúc đang diện kiến Càn Long tại Yên Kinh nghe được hung tin Quang Trung đã băng hà đột ngột!

 

Nghe nói khi nghe hung tin từ các sứ giả đoàn Đệ nhị ngoại giao đến báo cáo thì danh tướng Võ Văn Dũng đã té xỉu ngay tại sân điện Thanh triều, sau đó, khi tỉnh dậy có làm bài thơ cảm thán rằng:

 

Năm năm dấy nghĩa tự thân nông, 
Thời trước thời sau khó sánh cùng. 
Trời để vua ta thêm chục tuổi,
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.

 

Đây là câu chuyện có thật, dự định đánh Tàu, trước là hai bên cùng ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc, sòng phẳng để xác định lại vấn đề tự do, bình đẳng, dân chủ của con người và của các quốc gia trong lĩnh vực chủ quyền cai trị đất nước riêng biệt. Sau là đưa ra yêu sách, lấy lại hai đất Lưỡng Quảng cho dân tộc đã bị người Tàu ỷ mạnh hiếp yếu chiếm đoạt từ trước đó. Để làm được những việc thiết nghĩ vô cùng to lớn, vĩ đại này cho đất nước, dân tộc thì triều Tây Sơn mà đại diện là Hoàng Đế Quang Trung và bá quan văn võ tất nhiên phải cùng nhau bắt tay thực hiện giải pháp duy nhất. Đó chính là sự hóa thân, nhập vai, thay đổi vai diễn cho một tấn tuồng đầy tính bi hài thực hư hư thực thì giấc mộng vàng kia mới có thể biến thành sự thực. Do đó, còn gì nữa, Võ Văn Dũng khi đang từ một võ tướng dõng mãnh từng tung hoành ngang dọc trên khắp các chiến địa Bắc Nam khiến quân thù bao lần tan hồn vỡ mật nay đã được mang râu dội mũ, bôi phấn trát hương hóa thành một quan văn chân yếu tay mềm với chức trưởng đoàn Đệ nhị ngoại giao trong công việc thăm hỏi kết tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng mà có lúc tay bắt mặt mừng, nói cười hỉ hả đôi khi lại quát tháo, trợn mắt xông vào chém giết túi bụi cũng là chuyện hết sức bình thường của cái gọi là diệu kế "Di hoa tiếp mộc" đó thôi.

 

Để chứng minh cho câu chuyện "Di hoa tiếp mộc" của danh tướng Võ Văn Dũng trong vai diễn là trưởng đoàn Đệ nhị ngoại giao Đại Việt sang Tàu nói chuyện vào năm 1792 với mục đích chính là quan sát địa hình, địa cuộc và nội bộ chính trị triều Thanh để chuẩn bị cho mưu đồ phục quốc táo bạo, cao cả ở trên. Vậy xin mời các bạn đọc câu chuyện rửa hận của các võ sĩ samurai Nhật Bản cũng đã từng thực hiện diệu kế này ra sao vào thời quân chủ xa xưa trên đất Phù Tang sau đây.

 

Vụ trả thù đẫm máu và tàn khốc
của các võ sĩ smurai khiến cả nước Nhật kính phục 
Năm 1701, từ Kyoto, Hoàng đế Higashiyama gửi một sứ giả đến thủ phủ Edo (Tokyo ngày nay). Hai Daimyō trẻ, Asano Naganori cai quản vùng Ako và Kamei Sama cai quản vùng Tsumano tình cờ cũng có mặt tại Edo đúng thời điểm này. Vì vậy Asano và Kamei được giao nhiệm vụ đón tiếp sứ giả.

 

Kira Yoshinaka, một quan chức cao cấp trong Mạc phủ chịu trách nhiệm tổ chức các buổi lễ lớn cho các chuyến thăm đặc biệt, được chỉ định phải đào tạo hai Daimyō. Asano và Kamei đã biếu Kira chút quà coi như là tỏ lòng thành vì được thầy dạy dỗ. Tuy nhiên, Kira không thỏa mãn với những món quà này và cho rằng hai người không thành tâm. Vậy là từ đó Kira luôn cư xử xúc phạm đến hai Daimyō trẻ.

 

Kamei rất tức giận và muốn giết chết Kira, nhưng Asano luôn thuyết phục Kamei hãy bình tĩnh.

 

Những người hầu cận của Kamei vì lo lắng cho chủ nhân nên đã bí mật gửi cho Kira một khoản tiền lớn. Từ đó Kira đối xử với Kamei khác hẳn. Còn Asano tiếp tục bị đối xử không ra gì. 

 

Đến một ngày, Kira chửi mắng Asano là “thằng nhà quê vụng về không biết phép tắc” ngay giữa sảnh chính, Asano không kiềm chế được nữa và rút kiếm tấn công Kira.

 

Mặc dù Kira chỉ bị một vết chém nhẹ ở đầu không nghiêm trọng, nhưng luật của Mặc phủ đã quy định không ai được phép rút kiếm khi đang ở trong Thành. Vậy là Asano phải thực hiện hình phạt seppuku (mổ bụng tự sát) khi mới 34 tuổi.

 

Sau khi Asano qua đời, Mạc phủ tịch thu tài sản của ông, khiến gia đình ông lâm vào cảnh nghèo túng. Các võ sĩ Samurai dưới quyền ông trở thành các ronin (lãng nhân).

 

Theo đúng như tinh thần võ sĩ đạo, những ronin này quyết định thực hiện nghi lễ seppuku, thà chết theo chủ chứ không chịu nỗi nhục làm một Samurai vô chủ. Tuy nhiên, có 47 võ sĩ trong số 320 Samurai của Aseno không chấp nhận nỗi oan khuất và tìm cách trả thù.

 

Quyết tâm trả thù
Dẫn đầu 47 Samurai này là Oishi Yoshio. 47 người thề với nhau phải giết chết Kira bằng mọi giá. Bản thân Kira cũng lo sợ bị trả thù nên cho người canh gác dinh thự cẩn mật hơn.

 

47 Samurai đành phải chờ đợi thời cơ thích hợp để ra tay. Một Samurai còn phải kết hôn với con gái của một gia đình phụ trách xây dinh thự của Kira để tìm hiểu đường đi trong dinh thự. Các Samurai khác thì làm tạm các công việc chân tay.

 

Còn Oishi vì muốn đóng giả làm một kẻ đê tiện nhục nhã nên thường xuyên rượu chè và tìm đến gái mại dâm. Từng có một Samurai ở vùng Satsuma nhận ra Oishi nằm vạ vật trên đường đã chế nhạo và đá vào mặt Oishi, hành động thể hiện sự khinh bỉ tột cùng. Oishi còn phải ly dị vợ và gửi gia đình đi thật xa để bảo vệ cả nhà. Nhưng cậu con trai 16 tuổi quyết định ở lại với bố.

 

Vào ngày 14/12/1702, 47 Samurai họp mặt một lần nữa để lên kế hoạch cuối cùng. Một Samurai trẻ nhất được yêu cầu trở về Ako để kể lại câu chuyện của họ.

 

Đêm đó, 46 người còn lại trang bị đầy đủ thang dây, súng và kiếm đột nhập vào dinh thự của Kira. Trước đó, các Samurai đã cảnh báo cho hàng xóm xung quanh về cuộc tấn công.

 

Các Samurai dễ dàng vào bên trong dinh thự, khống chế người canh cửa đang hoảng loạn. Những tiếng trống vang lên, 46 ronin bao vây dinh thực từ khắp các ngả.

 

Các Samurai của Kira lúc này đang say ngủ, vội vàng chân trần chạy ra chống trả yếu ớt.

 

Kira chỉ mặc mỗi đồ lót, vội chạy trốn trong chuồng gia súc. Phải mất 1 tiếng, 46 ronin mới tìm ra Kira đang run rẩy trong đống than.

 

Oishi đưa cho Kira thanh kiếm ngắn, để ông ta có thể thực hiện cái chết danh dự seppuku. Đó cũng chính là thanh kiếm Aseno dùng để kết liễu đời mình.

 

Nhưng Kira quá nhát gan để có thể tự ra tay đoạt mạng mình, cuối cùng Oishi tự tay chặt đầu Kira. Kết thúc trận chiến, 46 samurai chỉ bị thương 4 người và giết chết khoảng 40 Samurai của Kira.

 

Tử vì đạo-cách chết huy hoàng 
Bình minh lên, 46 võ sĩ rửa sạch máu trên đầu Kira, cầm thủ cấp của Kira đi trên phố, đến đền thờ Sengakuji, nơi chủ nhân được chôn cất. Nhiều người đã nghe về cuộc báo thù của 47 võ sĩ và đứng hai bên đường hò reo cổ vũ các Samurai trung thành.

 

Sau khi đặt chiếc đầu của Kira lên mộ của Aseno, 46 người ngồi lại đó chờ bị bắt.

 

Tuy nhiên, 46 ronin trở thành những người anh hùng, vì lòng trung thành, sự dũng cảm và tinh thần võ sĩ đạo. Bản thân Mạc chúa cũng được thuyết phục hãy tha thứ cho 46 người này. Tuy nhiên, những người cố vấn của Mạc chúa quyết không khoan dung cho những hành động vô pháp vô thiên. Vào ngày 7/2/1703, 46 ronin và cậu con trai 16 tuổi của Oishi được cho phép thực hiện seppuku. Đây có thể coi là một bản án nhân đạo, vì chỉ có các Samurai mới được thiện hiện cái chết cao quý seppuku mà thôi.

 

46 Samurai được chôn cất gần chủ nhân của mình. Rất nhiều người ngưỡng mộ 46 Samurai thường xuyên hành hương đến để thể hiện lòng tôn kính. Một trong các Samurai ở vùng Satsuma từng đá vào mặt Oishi lúc Oishi còn đang đóng giả thành kẻ nát rượu nằm lay lắt trên phố, đã tự sát để xin lỗi Oishi.

 

Số phận của Samurai thứ 47, người được cử về Eko để kể lại câu chuyện của đồng đội, không rõ ràng. Có người nói người này sau đó cũng tự sát, người thì bảo vị Samurai thứ 47 sau này chết già và cuối cùng cũng được chôn cất gần 46 người còn lại.

 

Câu chuyện của 47 võ sĩ Samurai giúp người Nhật thắp nên niềm hy vọng rằng, tinh thần võ sĩ đạo vẫn chưa bao giờ bị mai một. Huyền thoại có thật này cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật như múa rối, phim ảnh. Tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai có thể được coi là biểu tượng của tinh thần Nhật, 47 võ sĩ huyền thoại không chỉ được dân tộc Nhật ngưỡng mộ, mà còn khiến người dân khắp thế giới nể phục. 
***

Để thực hiện được việc trả thù lạnh lùng, tàn nhẫn này, thì các samurai, đại diện là Oishi Yoshio sau đó phải tìm cách tan hàng, làm những lãng nhân, tức những người không còn tham gia, dính líu vào đao kiếm, võ nghệ gì nữa. Có như vậy thì họ mới không bị đối phương theo dõi và trả thù. Từ đó họ mới có điều kiện để âm thầm phục hồi sức mạnh, tiềm lực hòng chuẩn bị cho cuộc nổi dậy phản công, đánh lại thế lực thù địch. Riêng đại diện Oishi Yoshio thì giả làm kẻ khùng điên, say xỉn suốt ngày, nằm vạ vật khắp đầu đường xó chợ để đánh mạnh vào dư luận xã hội. Rồi nhờ dư luận xã hội từ đó sẽ là điều kiện tối ưu, hữu hiệu nhất tác động đến đối phương. Khiến cho đối phương dễ dàng tin tưởng, càng ngày càng tỏ ra khinh thường, chủ quan và mất cảnh giác hoàn toàn. Đến lúc này thì việc báo thù cho chủ mới thực sự bắt đầu chính thức được thực hiện vậy.

 

Đây là câu chuyện thứ nhất, xảy ra tại Nhật Bản thời quân chủ xa xưa. Ở Trung Hoa cũng từng có câu chuyện trả thù tương tự như thế nhưng bất thành. Và nó đã trở thành khúc tráng ca bất tử cho nhiều giai thoại, tác phẩm văn học sáng giá. Như tuyệt tác Tống biệt hành của Thâm Tâm cũng dựa vào câu chuyện này đây:

 

Đưa người ta không đưa qua sông, 
Sao có tiếng sóng ở trong lòng.
Bóng chiều không thắm không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong...

 

Dịch lục bát:
Đưa người đưa chả qua sông, 
Ồ, sao tiếng sóng ầm vang trong lòng?
Bóng chiều cũng chả vọt vàng,
Ồ, sao trong mắt hoàng hôn trong đầy?

 

Chuyện Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng. Chuyện này như sau:

 

Kinh Kha hành thích Tần Vương 
Tần Vương Doanh Chính trọng dụng Úy Liêu, quyết tâm thống nhất Trung Nguyên, không ngừng tiến công các nước chư hầu. Ông phá vỡ liên minh giữa Yên với Triệu, khiến nước Yên mất một số tòa thành. Thái tử Đan của nước Yên vốn trước kia làm con tin ở Tần. Ông thấy Tần Vương quyết tâm thôn tính các nước, lại chiếm của Yên một số tòa thành, liền trốn về Yên. Ông rất căm thù nước Tần, quyết báo thù cho nước Yên. Nhưng ông không rèn luyện binh mã, cũng không nghĩ tới việc liên kết với các nước để cùng chống Tần, lại gửi gắm vận mệnh nước Yên vào hành động ám sát Tần Vương.

 

Thái tử Đan đem hết của cải để tìm cho được người có thể hành thích Tần Vương. Sau đó, thái tử Đan chọn được một dũng sĩ rất có tài năng, đó là Kinh Kha. Ông tôn Kinh Kha làm thượng khách, nhường xe ngựa của mình cho Kinh Kha dùng, để Kinh Kha cũng ăn mặc như mình. Vì vậy, Kinh Kha hết lòng cảm kích thái tử Đan.

 

Lịch sử Trung Quốc năm 230 trước Công nguyên, Tần diệt Hàn. Hai năm sau, đại tướng Vương Tiễn của Tần chiếm được đô thành Hàm Đan của Triệu, rồi tiến quân lên phía bắc, tới sát nước Yên. Thái tử Đan vội vã đi tìm Kinh Kha và nói: "Nếu đem quân chống lại Tần thì như trứng chọi đá, muốn liên kết với các nước để hợp tung chống Tần, cũng không kịp nữa. Tôi nghĩ chỉ còn cách cử một dũng sĩ đóng vai sứ giả sang yết kiến vua Tần, thừa cơ tiến sát vua Tần, buộc ông ta trả lại đất đai cho các nước. Nếu vua Tần thuận theo thì tốt nhất, nếu không thì giết đi. Tráng sĩ xem như thế có được không?". Kinh Kha nói: "Cũng có thể được. Nhưng muốn đến sát vua Tần, nhất định phải làm cho ông ta tin là ta đến cầu hoà. Nghe nói vua Tần từ lâu đã muốn có miền đất phì nhiêu là Đốc Kháng (nay ở huyện Trác, Hà Nam). Ngoài ra, tướng nước Tần là Phàn Vu Kỳ đang lưu vong tại nước Yên, vua Tần đang treo thưởng để bắt ông ta. Nếu tôi có thể mang theo đầu của tướng quân Phàn Vu Kỳ và bản đồ vùng Đốc Kháng sang dâng lên vua Tần, thì ông ta mới chịu tiếp kiến tôi. Như vậy, tôi mới có thể hành sự được".

 

Thái tử Đan cảm thấy khó xử, bèn nói: "Bản đồ vùng Đốc Kháng thì được, còn Phàn tướng quân thì vì bị nước Tần bức hại nên mới chạy sang nương nhờ ta, ta sao có thể nhẫn tâm làm hại ông ta?". Kinh Kha biết thái tử Đan không nỡ làm việc đó, liền tự mình tới gặp Phàn Vu Kỳ, nói: "Tôi có ý định giúp nước Yên trừ hậu hoạn và còn có thể báo thù cho tướng quân, nhưng còn một điều rất khó nói". Phàn Vu Kỳ vội nói: "Điều gì? Xin cứ nói". Kinh Kha trả lời: "Tôi quyết định đi hành thích, nhưng lại sợ không được Tần Vương tiếp kiến. Hiện nay Tần Vương đang treo thưởng để bắt tướng quân. Nếu tôi có được chiếc đầu của tướng quân đem dâng cho ông ta, thì nhất định được tiếp kiến". Phàn Vu Kỳ nói: "Được, ngài hãy lấy đi". Nói rồi, rút bảo kiếm, đâm cổ tự sát.

 

Thái tử Đan chuẩn bị một con dao găm cực sắc, có tẩm thuốc độc, chỉ cần đâm sướt da chảy máu là người bị đâm sẽ chết ngay. Ông trao dao tẩm độc cho Kinh Kha để dùng làm dụng cụ hành thích. Ngoài ra, còn cử một dũng sĩ mới mười ba tuổi tên là Tần Vũ Dương đi theo làm trợ thủ cho Kinh Kha.

 

Năm 227 trước Công nguyên, Kinh Kha từ nước Yên lên đường đi Hàm Dương. Thái tử Đan và một số tân khách, mặc quần áo tang tiễn Kinh Kha ở bên bờ sông Dịch (nay ở huyện Dịch, Hà Bắc). Trước khi từ biệt, Kinh Kha cất tiếng hát: "Gió hiu hiu chừ, sông Dịch lạnh ghê. Tráng sĩ một ra đi chừ, không trở về". Nghe lời ca bi tráng, mọi người có mặt đều rơi nước mắt.

 

Kinh Kha kéo Tần Vũ Dương lên xe, không hề quay đầu nhìn lại. Kinh Kha đến Hàm Dương. Tần Vương Doanh Chính nghe nói nước Yên phái sứ giả mang đầu Phàn Vu Kỳ và bản đồ vùng Đốc Kháng tới thì rất phấn khởi, liền hạ lệnh cho Kinh Kha vào tiếp kiến ở Cung Hàm Dương. Nghi thức triều kiến bắt đầu. Kinh Kha bưng chiếc hòm đựng đầu Phàn Vu Kỳ, Tần Vũ Dương bưng chiếc khay đựng bản đồ, tiến từng bước lên bậc thềm cung điện. Tần Vũ Dương thấy khung cảnh uy nghiêm của triều đình nước Tần, bất giác run lên cầm cập. Các thị vệ của vua Tần liền quát lớn: "Sứ giả tại sao biến sắc?". Kinh Kha quay đầu lại nhìn, thấy mặt Tần Vũ Dương vừa trắng bệch vừa xanh xám, liền cười nói với Tần Vương: "Kẻ thôn dã đó, xưa nay chưa từng được thấy sự uy nghiêm của đại vương nên không tránh được sợ hãi. Xin đại vương thể tình cho".

 

Tần Vương có chút hoài nghi, liền bảo Kinh Kha: "Bảo Tần Vũ Dương trao bản đồ cho nhà ngươi, một mình nhà ngươi lên thôi". Kinh Kha nhận lấy bản đồ, đặt trên chiếc hòm đựng thủ cấp, bưng lên dâng Tần Vương. Tần Vương Doanh Chính cho mở hòm, quả nhiên là đầu của Phàn Vu Kỳ. Liền sai Kinh Kha mở bản đồ ra xem. Kinh Kha từ từ giở cuốn bản đồ, tới khi giở hết thì lộ ra chiếc dao găm đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Tần Vương nhìn thấy, giật mình nhảy thót lên. Kinh Kha vội cầm dao găm, tay trái níu chặt tay áo Tần Vương, tay phải nhắm ngực Tần Vương đâm tới. Tần Vương Chính đánh mạnh về phía sau, làm đứt ống tay áo rồi bỏ chạy về phía bình phong toan chạy ra ngoài. Kinh Kha xông lên đuổi, Tần Vương thấy chạy không thoát liền chạy vòng quanh chiếc cột đồng trên điện. Kinh Kha đuổi theo sau, hai người chạy vòng quanh như đèn cù. Xung quanh Tần Vương lúc này có rất nhiều quan hầu, nhưng tay không tấc sắt, thị vệ đứng dưới thềm tuy có vũ khí, nhưng theo pháp luật của nước Tần, không có lệnh của Tần Vương thì không được lên điện. Mọi người kinh hoàng. Nhưng Tần Vương trong cơn hoảng hốt, không kịp lên tiếng gọi võ sĩ.

 

Trong số quan hầu cận, có một thầy thuốc, nhanh trí, lấy túi thuốc ném mạnh vào Kinh Kha. Kinh Kha dùng tay gạt, túi thuốc đó bay sang một bên. Trong giây lát đó, Tần Vương Doanh Chính xoay mình rút được bảo kiếm, chém đứt chân trái của Kinh Kha. Kinh Kha ngã xuống, cầm dao găm phóng về phía Tần Vương. Tần Vương né tránh, con dao bay vụt qua tai, trúng vào cột đồng, toé lửa. Tần Vương thấy trong tay Kinh Kha không còn vũ khí, liền tiến lên, chém thêm mấy nhát. Kinh Kha bị tám vết thương, biết sự việc đã hoàn toàn thất bại, liền cười đau đớn nói: "Ta không sớm hạ thủ ngay là vì muốn bức ngươi phải trả lại đất đai cho nước Yên". Lúc đó, võ sĩ đã ùa lên điện, giết chết Kinh Kha, và Tần Vũ Dương ở dưới thềm cũng bị các võ sĩ kết thúc tính mạng. 
***

 

Tam thập lục kế vi đào thượng sách 
Đây là hai câu chuyện tiêu biểu cho mưu kế "Di hoa tiếp mộc: đổi hoa ghép cành, dời hoa nọ ghép cành kia. Kế này vốn chỉ vào việc chiết ghép hoa cỏ, cây cối, tức ngấm ngầm sử dụng thủ đoạn, kế mưu, dùng giả để làm thay đổi thật. Hoặc thay đổi người hay sự vật trong quá trình diễn tiến của vụ việc". Ở đây là nói về sự trả thù rửa hận đối với thù nhà hận nước, một ở Nhật Bản, một ở Trung Hoa. Câu chuyện trước thì các võ sĩ samurai sau khi giết được đối thủ liền sau đó họ cũng đã tự tìm cái chết theo tinh thần bất di dịch của truyền thống Nhật Bản: Mổ bụng tự sát. Nếu không thì chính quyền cũng sẽ thực thi mệnh lệnh của pháp luật và họ cũng sẽ phải chết. Câu chuyện sau thì bất thành, nhưng cho dù Kinh Kha có giết được Tần Thủy Hoàng hay không thì sau đó Kinh Kha cũng phải chết bởi mãnh hổ nan địch quần hồ. Giữa vòng vây trùng trùng lớp lớp của quân thị vệ triều đình thì làm sao Kinh Kha và Tần Vũ Dương có thể địch cho nổi?

 

Riêng trường hợp của danh tướng Võ Văn Dũng thì lại khác hai trường hợp trên ở chỗ. Có thể Tần Thủy Hoàng và quan quân triều đình xưa kia không một ai biết mặt Kinh Kha và Tần Vũ Dương là ai, và đến với mục đích gì? Còn Võ Văn Dũng thì quan quân triều Nguyễn, có thể cả Gia Long cũng đã từng chạm trán và biết mặt mũi về nhau hết rồi. Do đó tướng Võ Văn Dũng sẽ không thể thực hiện kế hoạch đến gần Gia Long để có thể cướp đoạt mạng sống của y dễ dàng như câu chuyện Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng ở trên. Câu chuyện còn lại cũng không khác câu chuyện trước cũng với mục đích giả điên dại để tìm cách đến gần kẻ thù và ra tay kết thúc mạng sống đối thủ trong tầm tay với.

 

Như vậy, theo chúng tôi, có thể khi xưa trong đầu óc, tư tưởng tướng Võ Văn Dũng cũng từng khởi lên tâm ý niệm sẽ tìm cách thực hiện kế hoạch hành thích Gia Long táo bạo như Kinh Kha và Tần Vũ Dương hoặc của các võ sĩ samuarai Nhật Bản đã từng thực hiện nhưng do thấy quá khó nên đã từ bỏ dự định ấy. Một trong những mưu kế dạng chuyển bại thành thắng này là mưu "Khổ nhục kế" đã từng được Nguyễn Nhạc áp dụng thành công để chiếm thành Quy Nhơn hiện vẫn còn truyền tụng trong dân gian, cả sử chính thống. Bởi một người mà từng có những dự định, hoài bão phục quốc cao cả như Võ Văn Dũng khi đã từng đóng vai trò trưởng đoàn ngoại giao qua Tàu để âm thầm dọ thám tình hình chính trị và xem coi địa cuộc như thế thì không lý gì Võ Văn Dũng không từng đặt định trong đầu những âm mưu như Kinh Kha và các võ sĩ samurai đã từng thực hiện xưa kia. Đây là âm mưu, thủ đoạn chung của chiến thuật và chiến lược chính trị-quân sự, chứ nó không dành riêng cho thời đại hay trường hợp nào và cho riêng một ai. Chúng ta cần phải hiểu như vậy.

 

Vì thế, cũng theo chúng tôi, sau đó nếu tướng Võ Văn Dũng cũng từng có dự định cắm chốt ở trên Hòn Dũng hay Núi Xanh gì đó hoạt động lâu dài để tìm cách xây dựng cơ sở, tập trung nhân tài, lương thực và khí giới hòng chờ ngày khởi binh đánh chiếm các tỉnh thành cho kế hoạch "vết dầu loang" như thời trước ba anh em Tây Sơn đã từng làm sẽ không bao giờ thực hiện được. Thứ nhất. Bởi tình hình chính trị đất nước vào lúc bấy giờ hiện triều Nguyễn đang cai trị toàn diện, từ đồng bằng cho đến cao nguyên, từ miền Nam cho đến miền Bắc. Không một nơi nào mà quan quân triều Nguyễn không đi tảo thanh, càn quét ngày đêm hòng bắt và giết cho sạch tất cả những ai từng dính líu, liên quan đến Tây Sơn và ba anh em Nguyễn Nhạc. Nhất vùng trọng điểm cuộc khởi nghĩa nông dân là Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo, nơi phát tích dòng họ, gia đình ba anh em Tây Sơn tam kiệt. Nói gì núi Hòn Dũng thấp lè tè, trống huơ trông hoác kia làm sao có thể dung túng cho Võ Văn Dũng và nghĩa binh ẩn nấp lâu dài hòng nuôi mộng bình sơn?

 

Thứ hai. Võ Văn Dũng cho dù có là người tài giỏi bậc nhất trong hàng ngũ các danh tướng Tây Sơn thời ấy, nhưng xét ra ông không phải là chơn mạng của bậc đế vương như Lê Lợi, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Nhạc để có thể đứng lên hô hào, triệu tập nhân quần hòng làm cuộc cách mạng tổng tiến công đánh đuổi chế độ độc tài vương triều Nguyễn. Điều này là không bao giờ có thể thực hiện được. Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy, biết rõ vương triều này từng tồn tại gần 150 năm cho dù suốt trong thời gian cai trị toàn dân từ trong Nam ra ngoài Bắc đều một lòng tìm cách chống cự, lật đỗ nhưng tất cả cũng đành bó tay, bất lực, thúc thủ. Mà phải chờ đến khi nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh ra đời cùng với chính quyền cách mạng lâm thời thì từ đó chế độ phong kiến tham tàn, bóc lột, gia đình trị này mới bắt đầu lung lay, sụp đỗ tan hoang, thảm hại. Tội nghiệp quá chừng!

 

Việc có ai đó ngồi mơ màng suy diễn cà tửng cho rằng tướng Võ Văn Dũng ẩn cư trên núi Hòn Dũng hay Núi Xanh rồi cuối đời chết trên đó, con cháu sau lên hốt cốt mang về lập từ đường thờ cúng là điều không bao giờ có thể xảy ra! Bởi chỉ cần vài cuộc càn quét đơn giản, nhanh gọn là quan quân triều Nguyễn sẽ quét sạch tất cả những nghĩa quân Tây Sơn nếu họ hiện đang tập trung trên các vùng núi này. Chuyện này thiết tưởng là không quá khó đối quan quân triều Nguyễn vào lúc này khi toàn bộ đất nước từ Đàng Trong cho đến Đàng Ngoài đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, quản lý của họ. Nếu các ông quan làng, xã, huyện nào mà để cho nghĩa quân Tây Sơn ngang nhiên tụ tập hoạt động tự do tại địa phương của mình dễ dàng và công khai như thế chắc ông quan đó và gia đình, giòng họ của ông đã hết muốn sống rồi nên mới dám giỡn mặt với bạo chúa Gia Long như vậy. Phải không các bạn?

 

Do đó, vẫn theo chúng tôi lúc này tướng Võ Văn Dũng chỉ còn lại cách duy nhất để tự cứu chính mình, chứ không phải cứu nước. Cũng như trường hợp Thái tử Tất Đạt Đa khi xưa từ bỏ cung vàng điện ngọc ra đi là đi tìm con đường thoát khổ cho chính mình, chứ không phải ra đi tìm con đường cứu khổ cho nhân loại! Đây là điều hoang tưởng, suy diễn bậy bạ mang tính vĩ cuồng do người sau đã suy tôn quá đáng vị trí của Đức Phật. Đó là việc tướng Võ Văn Dũng cải trang làm người dân bình thường cùng người em gái bỏ quê hương, xứ sở, bỏ cả núi Hòn Dũng-Núi Xanh nếu hiện ông đang ẩn cư ở đây để trốn vào miền Nam, sau đổi lốt làm một tu sĩ Phật giáo là giải pháp an toàn, hữu hiệu duy nhất mà thôi theo như thầy Thông Lạc đã cho biết trong tập sách Lịch sử chùa Am.

 

Và kịp đến khi Võ Văn Dũng trong hình thức một tu sĩ Phật giáo lúc bấy giờ đang cư ngụ tại vùng Phú Thọ Hòa, bây giờ là Phú Lâm-Gia Định cũng đành phải bỏ đứa em gái lại tại đây bởi sự truy lùng gắt gao, ráo riết của quan quân triều Nguyễn để lần mò, dạt trôi về vùng ấp Bàu Trâm thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nay là ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc sử dụng pháp danh là Thích Minh Không để đánh lừa dư luận nhân dân trong vùng, cả chính quyền sở tại. Thì từ đó theo lời thầy Thông Lạc ông sơ của thầy mới có thể sống an ổn, hạnh phúc cho đến cuối cuộc đời bên vợ con, cháu chắt tại vùng đất Bàu Trâm-Gia Lộc, quê hương thứ hai này đây.

 

Ngang đây, đoạn này, chúng ta có quyền đưa ra câu hỏi như sau. Vậy cái tên Lê Văn Tâm được ông sơ của thầy Thông Lạc sử dụng trong trường hợp nào ngoài pháp danh là Thích Minh Không? Nếu cái tên này được ghi trong gia phả giòng họ, thì liệu có lý hay không bởi ông sơ của thầy Thông Lạc cũng đã cho biết mình là vị tướng từng có mặt trong trận đánh giặc Thanh tại Thăng Long-Hà Nội năm Kỷ Dậu 1789 dưới mũi tiến công do Hoàng Đế Quang Trung chỉ huy?

 

Thao quang dưỡng hối
(Phô giả giấu thật: phô kém cỏi giấu tài năng)
Như đã nói, sau khi ông sơ của thầy Thông Lạc từ vùng Phú Thọ Hòa (Phú Lâm bây giờ)-Gia Định đành bỏ lại người em gái cùng trốn chạy từ miền Trung vào lánh nạn truy tìm của vua quan triều Nguyễn lúc này đang săn lùng ráo riết để chạy tiếp về vùng Bàu Trâm-Gia Lộc dựng am thất tu hành với hình thức là một tu sĩ Phật giáo. Vậy sau khi đã về tới vùng đất này rồi thì ông sơ của thầy Thông Lạc bằng cách nào mà lại có thể sống yên ổn, hạnh phúc cho đến cuối đời như thế khi chung quanh ngoài người dân bản địa thì còn có cả chính quyền của chế độ lâm thời triều Nguyễn nữa?

côn trùng

Chuyện này không khó hiểu cho lắm. Khi đã về ở tại địa phương ấp Bàu Trâm rồi, dưới hình thức là một tu sĩ thì tất nhiên ông sơ thầy Thông Lạc phải cũng phải đến trình báo với chính quyền địa phương. Hoặc chính quyền địa phương sau đó thế nào cũng phải tìm đến chỗ ở của tu sĩ Thích Minh Không để ghi tên tuổi ông vào sổ bộ những người đang tạm trú tại địa phương để dễ bề quản lý và theo dõi. Bởi đây là chính quyền mới thành lập của triều Nguyễn, cho nên việc kiểm tra an ninh nhân hộ khẩu của các cán bộ xã thôn lúc này cần phải được thực hiện triệt để hầu để nắm bắt cho rõ lý lịch từng hộ, đồng thời cũng để lập danh sách báo cáo cụ thể tình hình dân số địa phương về triều đình Phú Xuân cho các cán bộ quản lý dân số ngoài đó biết rõ tình hình dân số của ba miền hiện có bao nhiêu. Trong đó tất nhiên việc lập sổ bộ thống kê nhân hộ khẩu ngoài công tác quản lý dân số của chính quyền lâm thời, thì vấn đề còn lại chính là mục đích mà nhà Nguyễn đã đang quyết tâm thực hiện cho bằng được.Theo dõi chặt chẽ những người từng làm việc, dính líu đến triều đại cũ và Quang Trung Nguyễn Huệ hiện đã đang chạy trốn và trà trộn ở khắp mọi vùng miền sau khi nhà Tây Sơn sụp đỗ để bắt và giết cho sạch tận gốc rễ!

 

Chuyện vào những năm 1975-1976, sau ngày thống nhất đất nước, chúng tôi từng được đưa vào làm cán bộ ban "Điều tra cơ bản" của phường ăn rồi ngày hai buổi mang sổ sách, bút mực đi ghi tên tuổi từng hộ gia đình trong khu vực để lập báo cáo lên cho các cấp cán bộ quản lý nhân khẩu thuộc Ủy ban phường, thị xã. Khi rảnh thì mang cọ và sơn đi viết khẩu hiệu trên vách tường của những hộ nhà xây, đại để những câu như: "Đã đảo đế quốc Mỹ, Chủ nghĩa Mác Lê Nin vô địch muôn năm! Hay Liên tục tấn công, truy tróc địch, và Lao động là vinh quang, vvv...". Chưa nói còn có cả việc được lệnh tập trung đi lùng sục, tịch thu "văn hóa phẩm đồi trụy, phản động, độc hại Mỹ Ngụy" còn lại sau giải phóng giao hết về cho Ban văn hóa thông tin Ủy ban phường. Việc gì thì không biết, chứ ngày đó khi mon men vào từng hộ moi móc, lục soát, kiểm tra mà phát hiện những cuốn truyện đầy tính hấp dẫn như loạt truyện trinh thám Z.28 của tác giả Người thứ tám hoặc những tập truyện của những nhà văn nổi tiếng trong nước và thế giới là chúng tôi liền ém bớt, lận lưng mang về nhà đọc say sưa, miệt mài rồi cất kỹ làm của riêng. Chậc, tội gì mà phải mang văn hóa, tri thức nhân loại đi giao nộp hết như thế?

 

Như vậy, theo đó, khi đến trụ sở xã, thôn báo cáo hay khi chính quyền địa phương tìm đến vấn hỏi lai lịch, tung tích từ đâu mà đến trú ngụ nơi đây thì ông sơ của thầy Thông Lạc phải khai thế danh của mình là Lê Văn Tâm, pháp danh là Thích Minh Không. Còn nếu lúc đó cán bộ xã thôn cật vấn, hỏi giấy tờ, quê quán thì ông sơ thầy Thông Lạc chỉ việc nói do chạy giặc nên giấy tờ đã bị thất lạc cùng hành trang, hoặc do binh đao gây ra hỏa hoạn nên giấy tờ đã bị cháy sạch cùng nhà cửa, tài sản, chùa chiền, hiện không còn gì cả. Mà giờ về đó cũng không còn gì, lại về cũng để làm gì nữa. Ông bà cha mẹ, anh chị em chết hết rồi! Thôi, ở đây lập nghiệp vậy.

 

Tóm lại. Lê Văn Tâm là cái tên được ông sơ của thầy Thông Lạc sử dụng trong việc kê khai để chính quyền xã, thôn lập sổ bộ cho việc kiểm tra nhân hộ khẩu tại địa phương để báo cáo về triều đình Phú Xuân cho các cán bộ quản lý dân số nắm biết tình hình dân số trong cả nước. Còn khi ghi chép gia phả thì ông sơ của thầy Thông Lạc phải ghi đúng họ tên của mình là Võ Văn Dũng. Nhưng đây là phần ghi chép thuộc diện bí mật, mà chỉ con cháu trong gia tộc mới biết, người bên ngoài không thể biết câu chuyện bí mật này. Bởi nếu người bên ngoài biết được câu chuyện bí mật tày đình này thì ông sơ của thầy Thông Lạc không thể tồn tại cho đến cuối cuộc đời ở vùng đất Bàu Trâm-Gia Lộc quá dễ dàng như thế. Nói gì đến đám con cháu sau này. Đó là chúng tôi chưa nói đến việc bộ gia phả giòng họ Lê thời ấy phải được ông sơ thầy Thông Lạc ghi chép bằng chữ Hán, vì đây đang là thời kỳ cai trị của Gia Long. Thời mà tiếng Hán vẫn đang được triều Nguyễn chú tâm trọng dụng. Chúng ta đã biết, Gia Long lên ngôi vào năm Nhâm Tuất 1802, đến năm Kỷ Mão 1820 thì ra đi. Vậy ông sơ thầy Thông Lạc có thể tồn tại trong hai mốc thời gian này. Sau đó, khi vua Minh Mạng lên nối ngôi triều Nguyễn thì người trụ trì chùa Am lúc bây giờ có thể đã là người khác, tức người này là con hay cháu của ông sơ thầy Thông Lạc lên tiếp quản, trụ trì ngôi chùa. Chúng ta sẽ không bàn sâu vào những đời trụ trì sau đời thứ nhất là vị tướng Lê Văn Tâm làm chi.

 

Để nói cho rõ hơn đoạn này. Khi sử dụng họ tên Lê Văn Tâm như thế thì chắc ông sơ của thầy Thông Lạc ngày đó cũng đã tính toán, suy đi nghĩ lại rất kỹ, rất nhiều lần rồi sau đó mới dám công khai tên họ này trong việc kê khai làm giấy tờ, sổ bộ nhân hộ khẩu thường trú tại địa phương. Tất nhiên cũng không một ai trong thời đó lại có thể đặt niệm nghi ngờ, phân vân gì về cái tên Lê Văn Tâm này cả, cho dù đó là các cán bộ chính quyền xã, thôn dưới sự kiểm soát, quản lý của triều Nguyễn.

 

Bây giờ, để làm sáng tỏ tồn nghi lịch sử bí mật này, tức để có thể biết được ông sơ của thầy Thông Lạc, người mang tên họ Lê Văn Tâm có phải đúng là danh tướng Võ Văn Dũng xưa kia đã từng buồn bã, gạt lệ, quay lưng, âm thầm góp nhặt hành trang giã từ phủ Quy Nhơn, huyện Tuy Viễn một thời hoa lệ dẫn theo người em gái chạy trốn vào vùng Phú Thọ Hòa-Gia Định, sau dạt về vùng Bàu Trâm-Gia Lộc lập lên ngôi chùa Am, sống cho đến cuối đời tại đây hay không thì chỉ còn cách duy nhất. Tập trung vào ba chữ LÊ VĂN TÂM để thử xem ba chữ này ẩn chứa gì, và muốn nói gì trong đó mà thôi. Ngoài cách này ra thì cuộc đời sẽ không cách nào khả dĩ hay hơn, tốt hơn được nữa để có thể làm sáng tỏ lại một tồn nghi lịch sử trôi qua đã hơn 200 năm kể từ khi Hoàng Đế Quang Trung bất ngờ, đột ngột ra đi vào năm Nhâm Tý 1792, và kéo theo là sự sụp đỗ chính thức của Nhà Tây Sơn. Lệ rớt theo số mệnh người. Và danh tướng Võ Văn Dũng từ đó theo thời cuộc tàn phai, nhạt nhòa, từng bao đêm hắt hiu chong đèn ngồi suy tư cho vận nước tình đời sao như áng mây trôi có phải là người đã bỏ xác, vùi chôn cuộc đời oanh liệt tung hoành ngang dọc còn lại trên núi Hòn Dũng hay Núi Xanh gì đó, sau con cháu mò lên lấy hài cốt mang về chôn cất, lập từ đường thờ cúng tại Phú Mỹ hay không? Hay ông đã bị triều Nguyễn bắt giết, hành hình xẻ thịt phanh thây cho thỏa hờn căm sôi sục như các sách sử từng ngồi một chỗ mơ hồ, mường tượng, nặn óc ra ghi ghi chép chép xưa nay? Hay sau khi nhà Tây Sơn sụp đỗ, ông tìm cách chạy trốn rồi chết ở đâu đó trên bước đường lang thang, phiêu bạt không định hướng, không tương lai, không ngày mai? Hoặc có thể ông đã bỏ xác tại nơi khỉ ho cò gáy, hoang vu, tịch tịnh nào đó không người thân thích kề cận sớm hôm, mãi mãi ôm mối hận mất nước nhà tan xuống tuyền đài không một lời than vãn, trối trăn cho hậu thế? Than ôi?

 

Hận nước chưa xong đầu đã bạc,
Mài gươm mấy độ dưới trăng thâu...

 

Hồn Trương Ba da hàng thịt 
Dưới đây, còn gì nữa, trước hết, mời các bạn đọc qua cách chiết tự của chữ Dũng hầu để nới rộng tầm nhìn nhãn quang, cũng như để xác định thêm có phải danh tướng Võ Văn Dũng đã cải trang, đổi lốt thành Lê Văn Tâm hay không?

 

Chữ Dũng có rất nhiều cách viết, ở đây, chúng tôi chọn ra ba cách viết như sau vì thiết nghĩ những chữ này nó mang hay nói lên được tính cách của chủ nhân sử dụng nó. Cách thứ nhất là chữ Dũng 7 nét. Chữ Dũng  7 nét này ở dưới là bộ Dụng 5 nét, trên là 2 nét tượng hình cái móc chuông nhập lại ra chữ Dũng 7 nét. Đây là chữ Kim văn cổ, tượng hình cho cái chuông lớn, trên đầu có quai treo. Chữ Kim văn ra sau chữ Giáp cốt văn, vào cuối đời Thương. Về sau, chuyển qua chữ Khải thư chữ Dũng  7 nét này có nghĩa là con đường ở giữa, mà ở giữa là trung, tức con đường trung với nước, hiếu với dân. Cũng có thể nói trung là lòng trung thành tuyệt đối với vua Quang Trung nếu như đây đúng là danh tướng Võ Văn Dũng cải trang chạy trốn vào miền Nam cốt để tránh sự lùng sục, tìm kiếm của vua quan triều Nguyễn đã đang tung tai mắt khắp nơi hòng bắt giết cho bằng được những tướng tá và những người từng dính líu đến Nhà Tây Sơn và Quang Trung Nguyễn Huệ theo như thầy Thông Lạc cho biết trong tập sách.

ve sầu

Cách viết thứ hai của chữ Dũng gồm chữ Dũng -con đường ở giữa- 7 nét ở trên, dưới là bộ Lực  2 nét như sau . Chữ Dũng  9 nét này có nghĩa là dũng cảm, biểu thị cho người có sức mạnh hơn người, rất bạo dạn, khi đứng trước tất cả mọi hiểm nguy không bao giờ chùng bước, e ngại. Hoặc Dũng là càng đánh lại càng hăng, càng gan dạ. Dũng còn là tinh thần bất khuất, mạnh mẽ vô song. Chữ Dũng ban đầu chỉ đơn thuần là con đường ở giữa, nhưng khi được nhập với bộ Lực -sức mạnh- vào thì chữ Dũng này đã thay đổi hoàn toàn với những ý nghĩa như đã giảng giải.

 

Sau hết, là cách viết chữ Dũng thứ ba như sau. Chữ Dũng này ở trên cũng vẫn là chữ Dũng với nghĩa là con đường ở giữa, ở dưới là bộ Tâm  4 nét nhập lại ra chữ Dũng 11 nét này đây . Chữ Dũng  11 nét này có nghĩa là khuyên, là lời thúc giục, mong muốn nên làm việc gì đó ngay liền liền, tức mình không bao giờ muốn làm hay muốn thay đổi như vậy nhưng có thể do hoàn cảnh, thời thế, điều kiện hoặc do kẻ khác buộc, bắt mình phải làm như vậy thì mới được, thì mới có thể phù hợp với tình hình trong hiện tại. Hay Dũng cũng có nghĩa là con đường này bây giờ cần phải thay đổi hướng đi thì mới có thể làm được nhiều việc, hoặc mới có thể tìm ra được giải pháp an toàn cho riêng mình. Dũng còn đọc là túng dũng. Túng có âm là tung. Vào thời Chiến Quốc (403-221 trước TL) có trường phái học thuật về đường lối tung hoành. Họ quy định khi họp các nước phía Nam-Bắc lại thì gọi là tung, còn khi liên kết các nước Đông-Tây lại thì gọi là hoành. Từ ngữ tung hoành có ra từ đó. Tung còn thêm nghĩa là nói rõ ra tung tích của sự việc vì sao mà phải biến thay đổi ra quá kỳ lạ như thế!

 

Tóm lại. Chữ Dũng 11 nét này nên hiểu là tượng trưng cho ba chữ Thể-Tướng-Dụng. Thể là nguyên lý, là cốt lõi, là bản năng, là phần bên trong của sự vật hay của con người. Đây dụ cho bộ Tâm . Tướng là hình thức bên ngoài sự việc, bên ngoài con người. Đây dụ cho chữ Dũng viết theo lối Kim văn (cổ) là hình cái chuông lớn có quai treo. Còn Dụng là công dụng, là sự hoạt động hay sự làm việc của tướng, của cái hình thức bên ngoài vậy. Có thể trình bày về ý nghĩa ba chữ Thể-Tướng-Dụng như sau để cho các bạn dễ hiểu, dễ nhớ hơn nữa:

 

Thể= : là phần bên trong của sự việc, của con người.
Tướng= : là hình thức bên ngoài sự việc, bên ngoài con người.
Dụng= : là công dụng, là sự, là biểu thị cho sức hoạt động, làm việc của thể và tướng.

 

Như vậy, bạn đã biết hay chưa biết gì cả. Dũng sẽ được hiểu với ba cách viết như trên mà chúng tôi đã giải thích. Và cách nào của ba chữ Dũng , , này cũng đều đúng cả, cũng đều chỉ vào người có tên là Dũng, tức danh tướng Võ Văn Dũng đã đang trá hình dưới cái tên khác lạ là Lê Văn Tâm, sau nữa là dưới hình thức một tu sĩ mang pháp danh là Thích Minh Không, trụ trì chùa Am đời thứ nhất như thầy Thông Lạc đã cho biết trong tập Lịch sử chùa  Am vậy.

 

Nhưng tại sao từ cái tên Lê Văn Tâm là người mà thầy Thông Lạc nói là ông sơ của mình, đồng thời cũng chính là vị tướng từng tham gia trận đánh tại Thăng Long-Hà Nội năm Kỷ Dậu 1789 dưới mũi chỉ đạo của Hoàng Đế Quang Trung theo lời thầy Thông Lạc cho biết mà chúng tôi lại suy diễn ra chữ Dũng 11 nét, nói đầy đủ là Võ Văn Dũng, hoặc nói khác đi, tại sao từ chữ Dũng 11 nét chúng tôi lại có thể suy diễn, kéo ra, lấy ra chữ Tâm thì các bạn cần phải đọc tiếp tục và tiếp tục. Ngoài cách này ra thì không còn cách nào khác hay hơn, tốt hơn được nữa. 

 

Văn tự, chữ nghĩa là thanh-âm
là một hơi thở ra-vô không gián đoạn
Bắt đầu, các bạn cần chú ý thật kỹ vào ba chữ Lê Văn Tâm. Trước hết là chữ Văn. Văn trước hết là văn tự, chữ nghĩa, ở đây muốn nói văn tự Trung Hoa chính là do bắt chước hình tượng các loại vật, cả con người để đặt ra chữ, thì đó gọi là văn. Còn nếu gộp cả hình với tiếng lại thì gọi là tự. Hay văn là văn hoa, là khi chỉ cần chú ý đến cái hình thức bên ngoài sao cho đẹp, xinh, duyên dáng chứ không cần chuộng đến cái bên trong, là phần của sự thực, như phồn văn: phù văn, phù văn là loại văn chương phù phiếm, mơ mộng, viết ra chỉ để đọc cho vui tai vui miệng chứ chẳng giúp ích được gì cho ai, hay cho sự giải thoát khổ đau của kiếp người hữu hạn này được cả. Văn cũng có nghĩa là mang tính che đậy cho sự việc, cho câu chuyện hay ho, bí mật nào đó. Hay văn là chỉ cho quan văn, đối lại với quan võ. Tục xưa, mỗi khi ra chầu, thì quan văn đứng bên tay phải, còn quan võ đứng bên tay trái nhà vua. Văn có một âm là vấn, vấn là hỏi, mà hỏi là có đáp, có trả lời. Hoặc văn là chữ trong Giáp cốt văn. Giáp cốt văn là thứ chữ viết được khắc lên trên mai rùa và xương thú. Giáp cốt văn là hình thái văn tự cổ đại đầu tiên của chữ Hán của Trung Quốc, ra đời vào thời kỳ Ân-Thương.

 

Lại văn còn là ngôn ngữ, văn tự, bài văn. Văn cũng là lễ nghi, văn hóa của vùng miền bản địa. Văn còn mang nghĩa là che dấu, là sự điểm tô, vẽ vời hòng biến cái sai thành cái đúng, cái đúng thành cái sai, tức dùng văn tự, chữ nghĩa văn chương để lấp liếm, che đậy cho sự việc gì đó khiến sai biến thành đúng, đúng biến thành sai làm cho sự việc bỗng chốc trở nên mờ mờ ảo ảo, hư hư thực thực, làm cho cả bàng dân thiên hạ ngơ ngơ ngác ngác chẳng còn có một ai biết ai hay chuyện gì là chuyện gì được cả.

 

Chữ Văn có nhiều cách để viết, để hiểu, ở trên là nghĩa thứ nhất của chữ văn 3 nét. Dưới đây, chúng tôi lấy thêm chữ Văn với nghĩa là nghe như sau. Văn là nghe, tục gọi người hẹp hòi, nghe ít là cô lậu quả văn. Còn người trí thức lịch duyệt, nghe nhiều học rộng, đi một ngày đàng học được một sàng khôn thì gọi là bác học đa văn, hay bác văn cường chí. Nói chung đây là chỉ cho người có học thức lịch duyệt, kim văn bác cổ chính là đều nhờ ở chỗ tai nghe mắt thấy tay rờ đụng qua mỗi khi tiếp xúc. Văn thường được dùng để chỉ cho người nổi danh, nổi tiếng nào đó, như các nhà thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Lý Thương Ẩn, Sầm Than, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, giòng họ Ngô Gia Văn Phái, vvv...

 

Tóm lại. Văn ở đây có nghĩa là cần im lặng lắng nghe, tức người trong cuộc đã đang sẽ, đã đang như muốn nói, muốn trình bày sự việc gì đó mang tính bí bí mật mật cho người nào đó có khả năng lắng nghe đặc biệt, hay cho cả mọi người cùng nghe cùng hiểu rồi cùng xúm ồ, la lên một tiếng đồng thanh biểu lộ sự ngạc nhiên, phấn khích thái quá. Nhiều khi cao hứng quá độ bèn vỗ tay đôm đốp, vỗ đùi đen đét rồi đứng hết cả dậy nhảy cà tửng cà tưng như đám khùng khùng điên điên kia cũng không chừng. Văn còn có âm là vấn. Vấn thì cũng đã giải thích ở trên rồi.

 

Đây là ý nghĩa của hai chữ Văn, chữ đứng giữa trong ba chữ Lê Văn Tâm. Cốt lõi của chữ Văn này như đã nói là nghe, lắng nghe những điều mà người ta muốn nói, muốn trình bày một cách kín đáo bằng lối chiết tự của chữ nghĩa, không phải cách thông thường là nói công khai, minh bạch trên giấy trắng mực đen, hay phát ra bằng lời, bằng thanh âm bổng trầm, khoan nhặt, du dương...

 

Như chúng tôi đã nói ở trên, Văn có nghĩa là thanh và âm, là của một hơi thở ra và vô không gián đoạn. Vậy muốn biết Văn có phải mang nghĩa như chúng tôi nói hay không, bạn chỉ cần làm như sau thì sẽ rõ thôi. Bạn lấy bàn tay để trước miệng, xong bạn nhắm mắt, đọc ba chữ Lê Văn Tâm thì bạn sẽ thấy hơi thở của bạn đẩy vào bàn tay mà nếu bình thường nó chỉ thuần túy là hơi thở ra vô, nhưng khi bạn đọc lên ba chữ Lê Văn Tâm thì hơi thở của bạn lúc bấy giờ không còn là hơi thở nữa mà chính là câu văn ngắn dài có thanh, âm trầm bổng, khoan nhặt, yếu mạnh nhưng không hề bị gián đoạn, mà là sự liên kết từ chữ này đến chữ kia.

 

Chính vì lý do này cho nên người ta mới có thể nói Văn là nghe, là chú ý lắng nghe vậy. Tức lắng nghe âm, thanh và chữ nghĩa, văn tự có gì lạ, có gì bí bí mật mật ở trong đó hay không. Hay đây chỉ là văn tự, chữ nghĩa bình thường đọc cho vui tai vui miệng lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Đó là chúng tôi chưa muốn nói đến việc hơi thở còn được dùng để tu tập thiền định của các tôn giáo nữa. Như khi một người tréo chân ngồi kiết già, lưng thẳng, nhiếp tâm trong hơi thở ra vô thì người đó mới biết rằng trong từng hơi thở ra, hơi thở vô của mình lúc bấy giờ sẽ khởi lên biết bao nhiêu vọng tưởng, ý niệm lăng xăng tự ngôn tự ngữ, tự nói tự rằng tùm lum đủ thứ chuyện... Nào chuyện đông chuyện tây, chuyện trên trời dưới đất, chuyện hôm qua hôm nay, chuyện cũ chuyện mới, rồi chuyện chúng mình, chuyện ba mùa mưa, chuyện ba người, chuyên đêm mưa, chuyện buồn năm cũ, chuyện một người đi, chuyện một chiếc cầu đã gãy, chuyện hoa sim, chuyện tình của nàng trinh nữ tên thi, chuyện lan và điệp, chuyện Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân, mai cốt cách, tuyết tinh thần, mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười, vvv...

 

Ôi! Nội trong một hơi thở ra vô mà có biết bao là chuyện trên trời dưới đất bỗng khởi tùm lum lên như thế thì trách chi đám tôi anh chị này không bị tẩu hỏa nhập ma, khùng khùng điên điên hết lên thì mới là chuyện lạ quá chớ!

 

Treo đầu dê bán thịt chó 
Tiếp theo chữ Văn , là chữ Lê. Lê trước hết là họ Lê. Theo cách viết này thì Lê là họ Lê. Còn cách viết khác, như chữ sau đây thì Lê nghĩa thứ nhất là cây lê. Nghĩa thứ hai lê là dựa theo tích vua Đường Minh Hoàng vốn là người có tài năng âm nhạc, đã chọn ra ba trăm con em nhà nghề vào dạy ở trong vườn trồng lê. Vì thế, ngày nay mới gọi rạp hát tuồng là lê viên. Nghĩa thứ ba Lê là giả. Giả có nghĩa là dối trá, không thật, là vay mượn hình thức này, hình thức kia với mục đích để che đậy, bưng bít cho sự vụ gì đó hòng tránh sự theo dõi có thể của chính quyền, pháp luật và người dân nơi trú xứ, bản địa. Ví dụ, có những kẻ sau khi gây án tại địa phương liền tẩu thoát, tìm về một vùng quê hẻo lánh hay vùng cao nguyên, rừng núi nào đó cải trang thành một con người khác sống ẩn dật âm thầm, lặng lẽ. Khiến từ đó bản án mà chính quyền và pháp luật dành cho y cũng đành mất hiệu lực, bế tắc, xếp vào đống hồ sơ lưu trữ nằm trong góc tủ không ai buồn giở xem. Họa may chờ phép màu nào đó từ dòng thời gian vô ngôn chảy mài miệt ngày đêm như nước xuôi ra biển lại mưa về nguồn trả lời mà thôi. Giả còn là chữ dùng đối lại với chữ chân là thật.

 

Đến đây, sau khi đã đọc qua phần giải thích về chữ Lê và các chữ liên hệ đến chữ lê này. Chúng tôi xin mới các bạn trở lại với chữ lê mang nghĩa là họ Lê .

 

Chữ Lê này bên trái là bộ Thử 12 nét, bên phải là bộ Chủ1 nét và bộ Đao  2 nét nhập lại ra chữ Nhận 3 nét. Trước hết nói về bộ Đao  2 nét. Đao  là con dao, cái dao, hay đao là đao kiếm, là loại vũ khí ngày xưa dùng mang ra chiến trận chém giết quân thù, như đại đao, bảo đao, thần đao, thanh long đao...

 

Tiếp theo, Chủ ở đây là vua, hay chủ là chúa, là người đứng đầu một tổ chức, đoàn thể nào đó, như người lãnh đạo một toán quân, đoàn quân và một tông phái mang hình thức tín ngưỡng tâm linh tôn giáo. Hoặc chủ là chỉ cho người có chủ quyền về sự việc gì, như chủ tướng, chủ nhà, chủ đồn điền, chủ ruộng, chủ chùa và chủ nợ, vvv... Lại chủcòn là chủ ý, tức ám chỉ cho sự việc gì mà mình có chủ ý muốn nói gì trong đó. Ví dụ, để ghi nhớ, nhắc nhở việc gì cần phải phân biệt hay phân tích kỹ càng, rõ ràng, hoặc sự gì cần nên biết, hay lòng mình ngầm đã muốn thế, muốn định vào việc ấy rồi thì lúc bấy giờ đánh dấu chủ .

Tiếp nữa. Bộ Chủ , bộ Đao khi nhập lại ra chữ Nhận 3 nét. Nhận ở đây ngoài nghĩa là mũi nhọn, là lưỡi dao, một bộ phận sắc nhọn của các đồ binh khí, như đao nhận; lưỡi đao. Truyện Tàu có câu "Nhân thủ nhận sát chi: do đó cầm mũi nhọn giết chết". Nhận vì thế còn có nghĩa là chém giết, như thủ nhận: tự tay mình giết chết. Nhận nói chung là chỉ cho các loại vũ khí bén, nhọn dùng để chém giết địch thủ khi lâm trận. Nhận khi được viết cách khác, như chữ sau đây sẽ cho ra ý nghĩa khác. Đó là chữ Nhận với nghĩa là biện biệt, nhận ra rõ ràng, đã biết rõ ràng, cụ thể sự việc, không còn phân vân, nghi ngờ gì nữa. Hay nhận là công nhận, thừa nhận, là bằng lòng, chấp nhận, vì thế, nhận cũng còn có ý là nhẫn, là chịu. Nhận cũng còn có nghĩa là phủ nhận, là bác bỏ, không bằng lòng, chấp nhận điều người đã nói, đã vu cho mình. Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa có câu "Tháo tuy tâm tri trúng kế, khước bất bằng nhận thác: Tháo trong bụng biết mình đã mắc mưu, nhưng vẫn không chịu nhận lỗi".

 

Tóm lại. Nhận vừa là thú nhận, thừa nhận, chấp nhận, bằng lòng, đồng thời Nhận cũng là phủ nhận, không bằng lòng, chấp nhận việc này, chuyện kia mà nhiều khi cốt để chạy tội, thoát lưới pháp luật do người vu cáo cho mình.

Một lần nữa, chúng tôi mời các bạn trở lại với chữ Lê mang nghĩa là họ tên. Bên trái chữ Lê này là bộ Thử 12 nét. Thử ở đây chỉ có nghĩa là lúa mùa, nhưng đây thuộc về các chữ mang tính mật mã, cho nên Thử phải được hiểu qua nghĩa khác với cách viết khác như sau. Chữ Thử  6 nét này có nghĩa là đây, tức là mình, chữ này dùng đối lại với chữ Bỉ  8 nét mang nghĩa kia, chỉ người bên kia. Trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu hai câu đầu đã bị sai, chúng tôi đã chỉnh lại như sau cho đúng với nguyên bản cũng có hai chữ Bỉ và Thử như sau:

 

Tích nhân bỉ thừa hoàng phi xứ,
Thử địa mông cư hoàng hạc lâu.

 

Dịch thơ: 
Tây lầu hoàng hạc nằm đây, 
Người kia đã cỡi hạc đi xứ nào?

 

Còn chữ Nhận , chúng tôi đã giải thích với các nghĩa mà các bạn đã đọc qua. Đó là chữ Nhận 3 nét và chữ Nhận 14 nét. Nhận 3 nét gồm bộ Đao  và bộ Chủ nhập lại ra chữ Nhận  như đã nói. Chúng tôi xin nhắc lại, Chủ là vua, nhưng chủ cũng là chỉ cho người nào đó có chủ quyền về sự việc gì, như chủ nhà, chủ đồn điền, chủ ruộng, chủ xe, chủ chùa, vvv... Hay Chủ là người đứng đầu một tổ chức, đoàn thể, hay toán quân nào đó. Chúng ta đã biết khá rõ, Võ Văn Dũng là một tướng tài trong Thất hổ tướng Tây Sơn của thời ấy, vì thế chắc ông phải được Quang Trung giao quyền cầm nắm, điều khiển một toán quân, đoàn quân, thuộc đơn vị chủ lực quân đội Tây Sơn để đi chinh chiến khắp các nơi những khi giặc giã nổi lên. Và tất nhiên một tướng lĩnh quan trọng như Võ Văn Dũng thì phải rất giỏi các môn võ nghệ thập bát ban cùng sở hữu những món vũ khí lợi hại nào đó. Như một thanh kiếm báu giao chiến, kèm theo là một đoản đao ngắn phòng vệ chẳng hạn. Ở đây là chữ Nhận gồm bộ Đao  và bộ Chủ nhập lại đã cho chúng ta biết rõ người chủ này là người chuyên sử dụng trường kiếm hay một thanh đao ngắn sắc bén, lợi hại nào đó. Thầy Thông Lạc có cho biết trận tấn công đồn Ngọc Hồi ông sơ của thầy có giắt lưng một thanh đao ngắn.

 

Như vậy, có thể nói, ông sơ của thầy Thông Lạc, tức tướng Lê Văn Tâm chính là danh tướng Võ Văn Dũng chứ không ai khác sau khi chúng tôi chắp nối tất cả mọi tư liệu, dữ kiện rời rạc từ nhiều nguồn sử học lại để truy tìm ra sự ẩn khuất trong những tồn nghi lịch sử. Như tồn nghi trong tập sách LSCA của thầy Thông Lạc này đây. Nhưng với những bằng chứng thế này xét ra cũng còn quá đơn giản, sơ sài, nó chưa mang tính thuyết phục gì cho lắm. Vậy như đã nói các bạn chỉ còn một cách duy nhất là tiếp tục đọc và đọc cho hết bài viết, ngoài cách này ra thì không còn cách nào để giải quyết vấn đề tốt hơn được nữa. Phải không các bạn?

 

Kim thiền thoát xác
(Kim thiền thoát xác là con ve sầu lột xác) 
Nhận như đã nói là chỉ cho mũi nhọn sắc bén của một loại vũ khí, như mũi đao ngắn dùng để chiến đấu khi lâm trận. Đồng thời Nhận cũng còn ý nghĩa khác nếu được viết với cách khác. Đó là chữ Nhận 14 nét. Chữ Nhận này chúng tôi đã nói là nó vừa mang tính thừa nhận, chấp nhận, bằng lòng nhưng cũng vừa biểu thị ý nghĩa phản đối, phủ nhận, không bằng lòng. Nếu là thừa nhận, đồng ý thì đó chính là ý nghĩa xác định người chủ tướng này -Chủ - là người chuyên sử dụng đao kiếm xông pha chiến trận. Đồng thời người chủ này cũng phủ nhận luôn mình -Thử - không phải là họ Lê ! Mà mình là người mang một họ khác, tức họ... Võ!

 

Tại sao chúng dám nói như vậy? Và căn cứ, dựa vào đâu để khẳng định người mang họ Lê chính là họ Võ?

 

Đó chính là chúng tôi dựa vào chữ Thử 6 nét này đây. Như đã nói ở trên Thử có nghĩa là đây, là chỉ vào bên này, hay là chỉ vào chính mình. Mà chỉ vào mình chính là chỉ vào chữ Lê chứ không phải chỉ vào đâu cả!

ve sầu

Như vậy, chữ Thử này dùng để đối lại với chữ Bỉ là bên kia, người đối diện. Vậy người đối diện là ai? Thưa đó chính là người mang họ Võ, tức danh tướng Võ Văn Dũng chứ không phải ai khác! Bởi Văn như đã nói có nghĩa là nghe, nhưng Văn cũng là quan văn. Mà đối lại với quan văn là quan võ. Trong một triều đình thì phải có quan văn và quan võ, nếu chỉ có một bên thì chưa phải là một triều đình đúng nghĩa, cho dù đó có là thời đại nào đi chăng nữa. Đây do sự cố tình, chủ ý xếp đặt từ ngữ, chữ nghĩa của tướng Võ Văn Dũng khi tìm cách thay đổi họ Võ của mình bằng một họ khác là họ Lê. Mà trong chữ Lê có bộ Thử . Thử là đây, hay Thử là mình, chữ này dùng đối lại với chữ Bỉ là bên kia, người bên kia.

 

Ở trên chúng tôi đã giải thích chữ Lê có ba nghĩa với ba cách viết khác nhau. Nghĩa thứ ba thì Lê mang nghĩa là giả. Giả là dối trá, không thật, là mang tính vay mượn hình thức này, hình thức kia mục đích để che đậy, bưng bít cho sự việc gì đó hòng tránh sự theo dõi có thể là của pháp luật, chính quyền hoặc của nhân dân ở nơi đang tạm trú hòng dễ bề hoạt động, làm ăn bất chính hay để tránh bắt bớ, truy tìm. Bên trái chữ giả là bộ Nhân 2 nét, bên phải cũng vẫn là chữ Giả 9 nét. Nhập hai chữ lại có nghĩa Nhân là người giả , không phải người thật, nói khác đi họ tên người là giả, còn con người vẫn là người thật. Như vậy, Lê hay Lê Văn Tâm chỉ là họ giả, tên giả, không phải họ thật, tên thật của ông sơ thầy Thông Lạc. Mà ông sơ của thầy Thông Lạc chính là danh tướng Võ Văn Dũng, người ở miền Trung chạy vào miền Nam trốn tránh sự theo dõi của chính quyền triều Nguyễn, sau dạt về vùng Bàu Trâm-Trảng Bàng đã cải trang, thay tên đổi họ thành người có tên là Lê Văn Tâm mà thầy Thông Lạc đã cho biết trong tập sách.

 

Để nói chỗ này cho rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn nữa. Để xác định mình là người mang họ Võ, không phải họ Lê hoặc là họ nào nào đó, thì người trong cuộc, tức ông sơ thầy Thông Lạc phải nghĩ ra cách sử dụng chữ nghĩa sao cho hết sức hợp lý để chẳng những chỉ riêng cho mình hiểu mà còn để cho người khác hiểu và nắm bắt được nghĩa lý của sự việc bí mật, động trời này nữa. Như thế, điểm qua tất cả các từ, chữ biểu thị cho dòng họ, từ Nguyễn, Trần, Lý, Đinh, Hoàng, Phạm, Phan, Đặng, Bùi, vvv... thì duy nhất chỉ có chữ Lê  là hội đủ các ý nghĩa như đã nói. Trước hết, trong chữ Lê có bộ Thử 12 nét. Thử ở đây là một mật mã, vì là mật mã cho nên nó phải mang nhiều nghĩa, chứ không phải chỉ có một nghĩa duy nhất. Vậy khi Thử là một mật mã thì nó là chữ này đây . Chữ này chúng tôi giải thích rồi.

 

Đoạn này nói thêm về chữ Thử . Thử ngoài những nghĩa đã giải, thì Thử còn có nghĩa là từ cái kia đến cái này, hay từ chữ kia đến chữ này. Chữ này là chữ nào?

 

Chữ còn lại trong chữ Lê là chữ Nhận 3 nét. Chữ này gồm bộ Chủ, bộ Đao nhập lại ra chữ Nhận . Chủlà chủ ý hoặc cần phải chú ý điều người ta muốn nói trong cách chơi chữ mục đích để truyền đạt nghĩa lý của sự thật. Đao nói đầy đủ là đao kiếm, mà đao kiếm thì chỉ có quan võ hay người rành, người có võ nghệ sử dụng, chứ nó không dành cho quan văn hay người tay ngang, không hiểu biết gì về võ nghệ. Đây là ý nghĩa chi tiết của từng chữ trong chữ Lê . Sau Lê còn có nghĩa là giả. Giả chúng tôi cũng đã giải thích. Như vậy, khi Lê đã là giả thì cần phải bỏ nó đi, mà nên thế vào chữ khác, đó là chữ Võ , bởi Võ là chữ dùng đối lại với chữ Văn , hơn nữa, Võ còn có nghĩa là kia -Bỉ - còn Lê là đây -Thử -!

 

Du long chuyển phượng
(Biến rồng thành phượng) 
Sau đây là phần giải thích về chữ Võ . Võ là họ của dòng họ. Võ là chữ dùng để đối lại với văn . Võ 武 là võ thuật, là người có tài năng, sức mạnh, rất giỏi về nghề nghiệp võ thuật, quân sự. Ở đời, nếu những người nào giỏi đủ hai môn văn võ thì được gọi là văn võ song toàn: văn võ toàn tài. Lại người nào đã giỏi võ mà còn có tính can đảm, gan dạ, xem coi trời đất bằng nắp vung thì gọi là "Uy vũ bất năng khuất: uy quyền, sức mạnh không làm cho khuất phục được". Chiết tự chữ Võ gồm bộ Chỉ 4 nét, chữ Nhất 4 nét nhập lại ra chữ Võ , tức Vũ. Chỉ  có nghĩa là dừng lại, ở lại một chỗ, không còn đi tới, đi lui như trước được nữa. Hay Chỉ là trỏ bảo, điểm chỉ việc gì đó cho người khác nghe và hiểu. Sau Chỉ là dấu vết. Nhất là biểu thị của sự nhất tâm, đoan chính, hay nhất là sự ngay thẳng, đường đường chính chính, không quanh co, léo lận, giả trá như những kẻ tầm thường. Lại nhất là người số một, giỏi nhất, khá nhất trong nghề nghiệp võ thuật, cung kiếm.

 

Chữ Nhất đúng ra là được nhập từ bộ Dặc 3 nét và bộ Nhất 1 nét ra chữ Nhất 4 nét. Dặc là bắn, là phóng, từ này biếu thị cho một loại vũ khí dùng để bắn, phóng như cung tên, hay loại súng hỏa hầu, phóng lửa, súng bắn đá được sử dụng cho chiến trận ngày xưa. Còn Nhất như đã nói là tượng trung cho người số một, giỏi nhất, khá nhất. Vậy người đó là người nào? Đó chính là người mang họ Võ , tức danh tướng Võ Văn Dũng, là một trong Thất hổ tướng của nhà Tây Sơn vậy.

 

Nếu chữ Nhất cổ này khi đứng riêng thì được viết với cách bố trí bộ Nhất 1 nét sẽ nằm dưới gạch ngang, bên trái của bộ Dặc 3 nét. Nhưng khi viết chung với bộ Chỉ 4 nét để ra chữ Võ -Vũ- thì bộ Nhất 1 nét sẽ được dời lên trên nét ngang của bộ Dặc 3 nét.

 

Tóm lại. Chữ Võ gồm bộ Chỉ và chữ Nhất cổ nhập lại. Chỉ là dừng, đứng lại, Nhất là đứng đầu, số một. Người đứng đầu, số một mang họ Võ này lúc bấy giờ đã dừng lại, đứng lại, yên nghỉ một chỗ, không còn xông xáo, tung hoành ngang dọc như thời trước được nữa. Đây là ý nghĩa của chữ Võ , một trong ba chữ Võ Văn Dũng vậy.

 

Đến đây, chúng ta nên hiểu tóm tắt, gãy gọn lại thế này. Tất nhiên bất cứ ai cũng có thể hiểu ra rằng đối lại với văn là võ. Nhưng, để đưa được, mang được chữ Võ với ý nghĩa là họ của danh tướng Võ Văn Dũng vào trong văn bản, vào câu chuyện bí mật mai danh ẩn tích, đội lốt trá hình hòng qua mặt sự theo dõi của vua quan triều Nguyễn, cả dư luận người dân bản địa thời ấy thì người trong cuộc là danh tướng Võ Văn Dũng phải nghĩ ra cách chơi chữ hết sức điệu nghệ, hóc búa. Đó là gạt chữ Võ ra ngoài, và thế vào là chữ Lê như đã nói. Và Lê trước hết là họ Lê , họ của vị trụ trì chùa Am đời thứ nhất là Lê Văn Tâm, tức tu sĩ Thích Minh Không. Ở trong chữ Lê này bên phải là Bộ Thử 12 nét. Thử chúng tôi chỉ lấy ra một nghĩa duy nhất, Thử là đây, là người bên này. Nhưng để loại, bỏ chữ Thử mang nghĩa đây, bên này đi thì bên phải chữ Thử sẽ là chữ Nhận 3 nét. Nhận có hai nghĩa chính, đó là thú nhận-thừa nhận và phủ nhận-từ chối.

 

Vậy thú nhận và phủ nhận việc gì? Đó là phủ nhận chữ Lê , tức họ Lê , bởi Lê còn có nghĩa khác là giả như đã nói. Khi chữ Lê , họ Lê  đã bị loại bỏ rồi thì bây giờ chữ Võ , tức họ Võ sẽ được thay thế vào để cho đúng với nghĩa đối của Thử -đây- và Bỉ -kia- của Võ và Văn . Hình thức lấy chữ này, bỏ chữ kia sẽ được áp dụng tiếp tục đối với chữ Dũng 11 nét mà chúng tôi cũng đã giải nghĩa ở trên.

 

Ba chữ Lê Văn Tâm có thể được trình bày ngắn gọn, tóm tắt, không cần phải nói lòng vòng, dài dòng vòng vo tam quốc như trên như sau để cho các bạn dễ hiểu, dễ nhớ hơn nữa:

 

: Tướng : là hình thức giả dối, không thật bên ngoài.
Văn : Dụng : là công dụng, là sự hoạt động của thể và tướng.
Tâm : Thể : là căn bản, là nguyên lý, là cốt lõi bên trong sự việc hay của con người.

 

Như vậy, họ tên hay ba chữ mật mã Lê Văn Tâm nói cho nhiều cho mệt đầu mệt óc, vòng vo tam quốc diễn nghĩa đủ thứ chuyện tùm lum trên trời dưới đất đọc dễ nỗi điên chứ thật ra đó cũng chỉ từ một chữ Dũng 11 nét biến hóa ra cả mà thôi.

 

"Du long chuyển phượng" là một trong tam thập lục kế của Trung Hoa, kế này là biến cái này thành cái kia, cái kia thành cái này, bên trong tuy là hình rồng đó, nhưng bên ngoài sẽ làm cho nó trở thành con phượng hay con khỉ gió gì đó cũng được. Can gì phải thành con phượng? Kế này rất phổ biến, trong dân gian người Việt thường gọi là "treo đầu dê bán thịt chó" đó thôi.

 

Mài kiếm dưới trăng
Như vậy, chúng ta đã hiểu. Theo như thầy Thông Lạc cho biết, ông sơ của thầy tục gọi là Lê Văn Tâm chính là danh tướng Võ Văn Dũng từng tham gia trận đánh giặc Thanh tại Thăng Long-Hà Nội năm Kỷ Dậu 1789, nằm trong mũi tiến công dưới sự chỉ huy của Hoàng Đế Quang Trung vào mặt chính Nam của thành Thăng Long. Nhưng vì lý do gì đó không biết, người ghi chép sử liệu thời đó lại không ghi tên tuổi ông sơ của thầy vào trận đánh lịch sử này. Mà trong mũi tiến công dưới sự chỉ huy của trực tiếp của Hoàng Đế Quang Trung này chỉ có ghi tên hai vị tướng là Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Chúng ta cũng chưa nói trong trận đánh vô cùng quan trọng này cũng không hề thấy bóng dáng, tên tuổi danh tướng Trần Quang Diệu đâu cả? Theo chúng tôi, có thể tướng Trần Quang Diệu lúc này được biệt phái ở lại canh giữ kinh đô Phú Xuân để phòng những chuyện bất trắc có thể xảy ra. Như việc Nguyễn Ánh biết đâu một khi đã nắm chắc tình hình vua quan, binh lính triều đình hiện đã lên đường, kéo hết ra Đàng Ngoài để đánh một trận sống mái với giặc Thanh thì liền chộp cơ hội ngàn năm một thủa. Xua đám tàn quân thập cẩm hầm bà lằng xí tố gom góp bao lâu kéo ra đánh chiếm Phú Xuân, tàn sát hết gia đình, dòng họ, vợ con Quang Trung và của cả các tướng lãnh thì tính sao?

 

Do đó, trong trận đánh lịch sử vô cùng quan trọng này tướng Trần Quang Diệu không thể tham gia với lý do như chúng tôi đã nêu là có thể đúng. Riêng tướng Võ Văn Dũng là có tham dự trận đánh lịch sử này nhưng lại không được người ghi chép sử liệu thời đó ghi vào trong danh sách trận đánh. Còn tên tuổi các vị tướng giỏi nhất của Tây Sơn trong thời ấy tham gia trận đánh chúng ta cũng đã được biết qua năm mũi tiến công vào năm hướng thành Thăng Long.

 

Ngoài những thông tin mà thầy Thông Lạc cho biết trong tập sách Lịch sử chùa Am về cuộc chạy thoát của tướng Võ Văn Dũng khi mặt trận Nghệ An bị vỡ, dưới đây là những ghi chép có thể nói khá tỷ mỉ, chi tiết về cuộc đào thoát của tướng Võ Văn Dũng được chúng tôi trích trong tập sách NHÀ TÂY SƠN của đồng tác giả Quách Tấn-Quách Giao như sau:

 

...Chợt Trần Quang Diệu được tin quân Tây Sơn bị thua ở Nhật Lệ, Trấn Ninh, Nguyễn Phúc Ánh đã hoàn toàn làm chủ đất Thuận Hóa thì thất kinh, bàn cùng các tướng:

 

"Binh mã đã bị hao ở Trấn Ninh và Nhật Lệ quá nhiều, lực lượng ở Bắc Thành không còn mấy. Nếu Nguyễn Phúc Ánh kéo quân đến đánh thì Bắc Thành không thể trì thủ được lâu. Ta phải đem quân về cứu, kẻo Bắc Thành thất thủ nữa thì Quy Nhơn có giữ vững cũng không ích gì. Vậy nên bỏ thành Quy Nhơn. Võ tướng quân (Võ Văn Dũng NV) cùng tôi đem đại binh ra Bắc. Nguyễn Quang tướng quân đem binh đóng ở Dương An, Nguyễn Văn tướng quân về đóng ở Kỳ Sơn, để chia bớt lực lượng của quân Nguyễn. Không nên đóng quân trong thành mà địch bao vây".

 

Sắp đặt xong, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các bộ tướng đem 3.000 quân, 80 thớt voi, theo đường thượng đạo sang Lào để ra Nghệ An, vào thượng tuần tháng Ba năm Nhâm Tuất (1802).

 

Sau khi quân Tây Sơn bị đại bại ở Nhật Lệ và Trấn Ninh, thì đất Thuận Hóa từ Hải Vân Sơn đến Linh Giang hoàn toàn thuộc về nhà Nguyễn.

 

Ngày 2 tháng Bảy năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh xưng đế, đặt niên hiệu là Gia Long.

 

Lên ngôi vua rồi, Gia Long sai Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh đem phẩm vật và những ấn sách của nhà Thanh đã phong cho Tây Sơn, sang nạp cho thiên triều và xin cho mình làm An Nam Quốc Vương thay thế Tây Sơn.

 

Liền đó Nguyễn Phúc Ánh kéo đại binh đi đánh Bắc Hà, sai Nguyễn Văn Trương lãnh thủy binh, Lê Văn Duyệt và Lê Chất lãnh bộ binh, đi trước.

 

Tháng Sáu, quân bộ qua sông Linh Giang, tiến lên đóng ở Hà Trung, quân thủy vào cửa Hội Thống, rồi cùng đánh phá các đồn lũy của Tây Sơn. Viên trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thuận bỏ thành chạy ra giữ đồn Tiền Lý ở Diễn Châu.

 

Lúc bấy giờ Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã đến Quỳ Hợp. Đường đi khó khăn, hết đèo lại dốc, phần lam sơn chướng khí, phần rắn độc thú dữ, phần bị bọn thổ ty theo nhà Nguyễn như Hà Công Thái, Nguyễn Đình Ba... đột kích, đoàn tùy tùng Trần Quang Diệu bị hao hụt dần dần. Khi đến Nghệ An thì mười phần chỉ còn ba bốn. Đoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt! Tướng sĩ hầu hết đều bị sốt rét rừng. Trần Quang Diệu bị phù thủng, đi đứng khó khăn.

 

Trần Quang Diệu kéo quân xuống Hương Sơn. Tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Đức Định dẫn Man binh đến đánh bất thình lình. Trở tay không kịp, quân sĩ bị giết sạch! Trần Quang Diệu cùng các bộ tướng Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Điềm, Nguyễn Văn Miên, Võ Văn Dũng đều bị bắt.

 

Ở Diễn Châu, Bùi nữ tướng hay tin, liền đem nữ binh đi giải cứu. Đến Giáp Sơn thì giải cứu được. Chạy đến sông Thành Chương thì bị quân nhà Nguyễn chặn đánh. Quân Tây Sơn liều chết lăn xả vào chém giết quân Nguyễn. Bùi nữ tướng và đoàn nữ binh xông vào đâu thì binh Nguyễn rã đến đó. Nhưng quân Nguyễn quá đông, quân Tây Sơn dần dần bị yếu thế. Các tùy tướng lớp bị chết, lớp bị bắt trở lại. Chỉ có Bùi nữ tướng, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng thoát khỏi. Nữ tướng phải lo bảo vệ chồng, không rảnh tay chống cự cùng binh tướng nhà Nguyễn, nên cả hai vợ chồng đều bị sa cơ. Một mình Võ Văn Dũng thoát được. Nhưng chạy ra đến Nông Cống (Thanh Hóa), bị bọn Lê Văn Pháp, Phạm Ngọc Thụy kéo dân địa phương ra bao vây. Một mình không chống nổi đám đông. Võ bị bắt trở lại.

 

Trần Quang Diệu, Bùi nữ tướng, Võ Văn Dũng đều bị đóng cũi giải về Nghệ An nạp cho Nguyễn Phúc Ánh. Dọc đường, Võ Văn Dũng phá cũi thoát thân, Bùi nữ tướng không nỡ bỏ chồng, đành ở lại để cùng chết... 
(Trích trang 279-282 Nhà Tây Sơn, Quách Tấn-Quách Giao)

 

Như vậy, với những gì được thầy Thông Lạc cho biết trong tập sách Lịch Sử Chùa Am về cuộc tháo chạy của ông sơ thầy, tức tướng Lê Văn Tâm so với sự ghi chép trong các dạng sử liệu, ở đây là tập Nhà Tây Sơn của đồng tác giả Quách Tân-Quách Giao là rất đúng, trùng khớp, không sai một ly hào. Nếu có sai là ở điểm, đó là những thông tin về tướng Võ Văn Dũng sau khi chạy thoát từ mặt trận Nghệ An về tìm lên ở trên núi Hòn Dũng ở xã Bình Tường Tây Sơn rồi chết trên đó. Chúng tôi mời các bạn đọc tiếp phần trích này cũng trong tập NHÀ TÂY SƠN để biết Võ tướng quân sau đã sống và chết như thế nào trên núi Hòn Dũng theo như sự ghi chép của tất cả các dạng tài liệu sử học xưa nay:

 

...Các danh tướng giúp nhà Tây Sơn dựng nghiệp, phần lớn đã qua đời, như:
-Nguyễn Văn Tuyết đã cùng vợ con tuẫn nghĩa sau khi thất thủ Bắc Thành.
-Võ Văn Nhậm bị Nguyễn Huệ giết chết.
-Đặng Xuân Bảo hy sinh trong trận Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy Thanh Hóa.
-Ngô Văn Sở bị dìm xuống sông (sông Hương NV) vì nạn Bùi Đắc Tuyên.
-Lê Văn Hưng bị Cảnh Thịnh nghe lời Bùi Đắc Tuyên giết chết.
-Võ Đình Tú bị trúng tên chết lúc Nguyễn Phúc Ánh đem đại binh đánh Quy Nhơn.
-Lê Văn Trung bị Cảnh Thịnh giết.

 

Còn sống ngoài tầm nanh vuốt của Gia Long chỉ được rất ít người: Võ Văn Dũng, Đặng Văn Long, Đặng Xuân Phong, Phan Văn Lân, Phạm Công Chánh, Lê Sĩ Hoàng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Lộc.

 

Sau khi thoát nạn, Võ trở về Phú Phong, rồi lên An Khê, chiêu mộ được một số người Thượng, chuẩn bị việc phục thù. Lấy hòn Hợi Sơn ở Trinh Tường (Bình Khê) làm căn cứ quân sự. Do đó mà Hợi Sơn còn có tên là hòn Ông Dũng.

 

Nghe tin Đặng Văn Long ẩn náu ở Vân Hội (Tuy Viễn) (Võ?NV) bèn tìm đến bàn đại sự.

 

Đặng Văn Long, sau trận Đống Đa thì đã có ý lui gót. Nhưng vì mấy kẻ bề tôi của Lê Chiêu Thống không nghĩ đến tội cõng rắn của mình, cứ nổi lên chống lại nhà Tây Sơn, nên Đặng phải nán lại để đánh dẹp. Đến khi thấy Cảnh Thịnh để cho quần thần lộng hành, mối nước sanh rối, Đặng bèn từ chức, trở về An Nhơn mở trường dạy võ. Nhưng rồi thấy kẻ học võ lúc này không có chí lớn, ai nấy cũng chỉ nghĩ đến lợi riêng, Đặng liền đóng cửa trường, lên núi làm rẫy.

 

Võ Văn Dũng đến, Đặng mừng gặp lại cố tri. Nhưng khi nghe Võ bàn đến chuyện phục hưng thì lắc đầu, đáp:
-Tôi ra giúp nhà Tây Sơn đâu phải vì nhà Tây Sơn mà chính vì Tổ quốc. Nếu giặc Thanh không mang quân sang xâm lấn nước ta, thì tôi mãi làm con hạc nội, máu đâu dính đến tay. Còn về nhà Tây Sơn, chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu Vũ Hoàng không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi nước này? Nay đất đã mất mà lòng người cũng mất, hỏi còn mong làm được việc gì nữa? Mà dù có làm được nữa thì làm để làm gì, nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu? Tranh cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình? Thôi, trên ba mươi năm trời đánh nhau, nhân dân đã điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc.

 

Võ ra về, Đặng ở luôn trên núi. Trong nơi mây khói, không ai biết Đặng ở ngọn núi nào trong dãy Nam Sơn.

 

Ý kiến của Đặng Văn Long không lay chuyển ý chí của Võ Văn Dũng nổi.

 

Về Bình Khê, Võ Văn Dũng tiếp tục xây dựng lực lượng chiến đấu. Toàn vùng An Khê và những vùng ở hai bên bờ sông Côn, như Tiên Thuận, Vĩnh Thạnh, Đồng Phó, Hà Nhung, Trinh Tường, Phú Lạc, Phú Phong, Kiên Mỹ... đều nằm trong phạm vi hoạt động của Võ công. Nhưng được ít lâu, người Thượng Xà Đàng bị nhà Nguyễn mua chuộc, rục rịch làm phản. Công phải bỏ hết cơ sở, đem ba chú cháu Văn Đức, Văn Lương, Văn Đẩu lên ẩn tận trên Núi Xanh.

 

Ca dao địa phương có câu:

 

Củ lang Đồng Phó, đỗ phộng Hà Nhung,
Chàng bòn thiếp mót đẻ chung một gùi.
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi,
Chàng giận chàng đá cái gùi chàng đi...
Chim kêu dưới suối Từ Bi,
Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi.

 

Đó là mượn thể tỷ để nói về việc bất hòa giữa Võ công và người Thượng.

 

Võ công lên Núi Xanh ở cùng ba chú cháu Văn Đức cho đến khi ba chú cháu bị sa vào lưới vua Minh Mạng năm 1832. Còn trơ trọi một mình, công vẫn sống một cách tự tại ngót mười năm nữa. Công mất dưới triều Thiệu Trị, không rõ năm nào, sống trên chín mươi tuổi. Mãi đến khoảng Đồng Khánh, Thành Thái (1885-1907), con cháu mới lấy cốt đem về chôn ở Phú Phong.
(Trích trang 290-293, Nhà Tây Sơn, Quách Tấn-Quách Giao) 

 

Ngày nay, Từ đường thờ danh tướng Võ Văn Dũng nằm ở thôn Phú Mỹ, Xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Từ thị trấn Phú Phong rẽ trái đi khoảng 3km là tới thôn Phú Mỹ sẽ gặp đền thờ họ Võ. Thôn Phú Mỹ xưa là thôn Phú Lộc, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. 

 

Đây là phần tài liệu chúng tôi lấy trên trang mạng và trong các sách sử học nói về giai đoạn cuối của danh tướng Võ Văn Dũng sau khi bẻ cũi chạy thoát về nằm hoạt động tại địa phương. Rồi sau đó do buồn phiền vì bị người Thượng lật lọng, phản phé nên đã cùng với ba chú cháu Văn Đức bỏ lên Núi Xanh ở luôn trên ấy.

 

Đến khi ba chú cháu Văn Đức sa bẫy, bị vua Minh Mạng bắt giết vào năm 1832 thì Võ Văn Dũng chỉ còn một mình trên Núi Xanh. Sau chết ở trên ấy. Rồi vào những năm 1885-1907 con cháu mới tìm lên lấy hài cốt mang về chôn táng tại địa phương, lập đền thờ cho tới ngày nay.

 

Thật ra, theo chúng tôi người chết trên Núi Xanh không phải là tướng Võ Văn Dũng, mà là của một ai đó. Bởi thời điểm này nhà Nguyễn đã cai trị, kiểm soát tất cả các vùng miền của đất nước, từ Đàng Trong, Đàng Ngoài, cả các vùng rừng núi. Thì làm sao họ có thể để cho Võ Văn Dũng sống bình yên, thảnh thơi như thế trên núi Hòn Dũng hay Núi Xanh gì đó? Đây là một sự ngộ nhận, nhầm lẫn rất tai hại của người sau, nhất con cháu dòng họ Võ khi lên Núi Xanh đào lấy bộ hài cốt hữu danh vô vị hữu vị vô danh nào đó mang về chôn táng rồi cho đây là hài cốt của ông bà, tổ tiên mình!

 

Có thể lúc đầu Võ Văn Dũng vẫn ẩn trú trên núi Hòn Dũng hay Núi Xanh gì đó. Nhưng sau do thấy quá nguy hiểm nếu cứ tiếp tục sinh sống tạm bợ, lây lất và cũng hết sức nguy hiểm như thế tại khu vực không có gì để gọi là sơn lam chướng khí, núi cao rừng thẳm này như cái nhìn diệu vợi, xa xăm của người thiếu phụ ôm con chờ chồng hóa đá trong truyền thuyết mơ hồ xa xưa. Hơn nữa, trong tập sách trích từ NHÀ TÂY SƠN cũng có cho biết Võ Văn Dũng vẫn còn nuôi mộng phục thù, luôn tìm mọi cách vận động, kêu gọi nhân tài cũ mới khắp các nơi tụ tập chờ ngày đánh trả lại nhà Nguyễn. Thiết nghĩ, một người mà tâm tư đang trĩu nặng bởi sự thịnh suy, còn mất của đất nước như thế thì không thể nào họ sẽ chịu khoanh thay ngồi yên nhìn quê hương, dân tộc đã đang bị giặc thù đè đầu cưỡi cổ cai trị như vậy được. Bằng bất cứ giá nào họ cũng sẽ tìm mọi cách phản công, đánh lại quân thù, cho dù sự việc có tới đâu thì tới. Hơn nữa, Võ Văn Dũng thuộc tạng người gan góc, can đảm, xem coi cái chết nhẹ tựa chiếc lông hồng, như trường hợp ông đã cùng Trần Quang Diệu kéo quân ra đánh giải vây cho Nghệ An để cứu vua và đồng đội chứ không phải như dạng tham sinh húy tử sau ngày Tây Sơn thất bại đã tìm cách trốn chui trốn nhủi đầu này, đầu kia. Như dạng lý luận luồn lách, tránh né của Đặng Văn Long là một chứng minh hùng hồn nhất vậy.

 

Vì thế, Theo chúng tôi danh tướng Võ Văn Dũng ngày ấy phải tức tốc rời khỏi núi Hòn Dũng hay Núi Xanh gì đó băng rừng vượt núi đi cùng người em gái qua bao nhiêu chông gai hiểm trở vào miền Nam ẩn núp lệnh truy nã của triều Nguyễn. Sau dạt về vùng ấp Bàu Trâm-Gia Lộc thuộc Trảng Bàng-Tây Ninh, đổi tên thành Lê Văn Tâm, dựng chùa Am, cạo bỏ râu tóc, ăn mặc nâu sòng, làm một tu sĩ chán chê sự đời, ngày ngày tìm vui trong câu kinh tiếng kệ để đánh lừa dư luận hòng dễ bề hoạt động, tụ tập nghĩa quân, tích trữ lương thực hòng chống lại ách thống trị triều Nguyễn để rửa hận tan nhà mất nước như các nghĩa sĩ thời trước kia đã từng làm vậy. Đây là chúng tôi nói theo thông tin của thầy Thông Lạc đã cung cấp, cho biết trong tập sách Lịch sử chùa Am. Riêng người em gái của ông thì rớt lại vùng Phú Thọ Hòa-Gia Định sau không biết thế nào.

 

Lời cuối 
Bây giờ, để làm sáng tỏ tồn nghi lịch sử này thiết nghĩ không có gì là quá khó. Bởi Tu viện Chơn Như hiện vẫn còn kia, cho dù thầy Thông Lạc đã ra đi, nhưng con cháu của thầy cũng vẫn còn đó, như thầy Thích Mật Hạnh hiện nay là trụ trì chùa Am đời thứ sáu, sau thầy của mình là thầy Thông Lạc, thế danh là Lê Ngọc An, trụ trì đời thứ năm. Chỉ cần các cán bộ nhà nước, nhất những người làm việc trong bộ môn sử học ở Viện sử học Hà Nội và các cán bộ trung ương đặt niềm tin trọn vẹn vào tập sách LSCA của thầy Thông Lạc và bài viết này của chúng tôi. Sau đó sẽ tìm cách kết hợp với chính quyền địa phương Trảng Bàng-Tây Ninh, cả chính quyền Quy Nhơn-Bình Định đến gặp trực tiếp thầy Mật Hạnh, nhờ thầy lục tìm trong đống hồ sơ gia phả giòng họ để tìm, lấy ra bộ tư liệu mà ông sơ họ Lê, tức tướng Lê Văn Tâm đã ghi chép để lại cho con cháu ngày sau.

 

Ở trên chúng tôi cũng đã có nói, hồ sơ sử liệu gia phả của giòng họ Lê này tất nhiên được ông sơ thầy Thông Lạc viết bằng chữ Hán. Hiện giờ tài liệu gia phả giòng họ này chúng tôi dám nói rằng nó cũng vẫn còn nằm ở đó trong mớ giấy tờ, sách vở, tài liệu của chùa Am, chưa thể bị thất thoát, hư rách do các đời con cháu họ Lê gìn giữ rất cấn thận và bí mật. Bởi nếu bộ gia phả giòng họ này đã bị thất thoát, hư rách, mục nát từ các đời trước đó thì thầy Thông Lạc ngày nay không thể dựa vào đâu để viết ra tập sách LSCA như thế được.

 

Nếu các cán bộ chính quyền nhà nước từ địa phương đến trung ương bắt tay vào làm công việc này, thì tất nhiên mọi việc liên hệ đến lịch sử thời Tây Sơn cũng sẽ bắt đầu được làm sáng tỏ có thể nói hầu như là toàn diện. Ví dụ. Nguyên nhân việc đi sứ của phái đoàn Đệ nhị ngoại giao An Nam do tướng Võ Văn Dũng dẫn đầu vào năm Nhâm Tý 1792 tất nhiên cũng sẽ được ông ghi chép lại cẩn thận, chi tiết trong bộ tài liệu gia phả này. Tiếp đó là cái chết của Hoàng Đế Quang Trung là do nguyên nhân vì đâu? Đau bịnh chết hay do Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc và đám loạn tướng phục kích ám hại tại cửa biên, bên bờ sông Tiền Đường như chúng tôi đã từng viết bài phân tích, công bố lâu nay? Và trận đánh giặc Thanh tại năm cứ điểm hùng hiểm Thăng Long-Hà Nội năm Kỷ Dậu 1789 đã được Quang Trung và ban tham mưu Tây Sơn tiến hành tổ chức và hành quân như thế nào mà chỉ trong vòng năm ngày đã đánh đuổi được giặc ngoại xâm dễ dàng như thế? Thêm quân số chính thức của giặc và của ta trong trận đánh lịch sử này là bao nhiêu? Lại cuộc hành quân xuất phát vào giờ, ngày, tháng mấy của năm Mậu Thân 1788? Chưa nói những trận đánh lịch sử vang dội, lẫy lừng khác của Tây Sơn từ Đàng Trong, Đàng Ngoài chắc chắn sẽ được ông sơ của thầy Thông Lạc, tức tướng Võ Văn Dũng sẽ ghi chép rất lại cẩn thận, chi tiết và tất tần tật trong bộ hồ sơ sử liệu của gia phả giòng họ để cho con cháu ngày sau biết rõ về sự nghiệp đánh giặc cứu nước, giữ nước vẻ vang của cha ông là như thế nào.

 

Nói chung là tất cả những gì từng liên hệ đến cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn bắt đầu từ năm Tân Mão 1771 cho đến khi Nhà Tây Sơn sụp đỗ, cáo chung vào năm Nhâm Tuất 1802 sẽ được ngòi bút trần thuật hết sức tỉ mỉ, chi tiết của ông sơ thầy Thông Lạc, tức tướng Lê Văn Tâm hay Võ Văn Dũng là không thiếu sót  một điều gì cả. Bởi qua cách chơi chữ điệu nghệ, điêu luyện thế này của ba chữ mật mã Lê Văn Tâm đã cho chúng tôi biết quá rõ ngoài tài năng đặc biệt về võ thuật, về lòng can đảm thì Võ Văn Dũng cũng rất giỏi về nghiệp văn thơ, chữ nghĩa nữa. Trong đó chúng tôi chưa nói đến, nhắc đến tồn nghi lịch sử từng dày vò, cấu xé tâm tư biết bao nhà nghiên cứu sử chuyên, không chuyên về lần đi sứ đầu tiên của phái đoàn Đệ nhất An Nam là do ai dẫn đoàn? Quang Trung hay Phạm Công Trị? Và tại sao Quang Trung không đi mà lại giao trách nhiệm này cho Phạm Công Trị thay mặt mình cho lần đi sứ vô cùng quan trọng này sau mùa chinh chiến, khói lửa ngập trời tại Thăng Long-Hà Nội giữa hai nhà nước Việt-Thanh?

 

Trong công việc làm sáng tỏ tồn nghi lịch sử này tất nhiên là phải có việc sẽ cho tiến hành làm rõ lại việc thờ cúng của con cháu Võ Văn Dũng tại nhà thờ từ đường ở quê hương Phú Mỹ-Tây Sơn, cả bộ hài cốt mà dòng họ Võ cho đó là hài cốt của ông bà mà mình đã lên khai quật mồ mã, đào lấy trên núi Hòn Dũng hay Núi Xanh gì đó mang về chôn táng trở lại ở Phú Mỹ. Vụ việc lấy râu ông Tư Cò đem ịn vô cằm bà Chín xôi bắp này thiết nghĩ xưa nay từng đã xảy ra rất nhiều rồi. Điển hình như việc nhầm lẫn tai hại khi cho rằng Công chúa Lê Ngọc Hân là Bắc Cung Hoàng Hậu, là vợ thứ ba của Hoàng Đế Quang Trung! Cả việc tào lao thiên tướng khi cho lập bàn thờ, bài vị, nhà từ đường để thờ Công chúa Lê Ngọc Hân ở ngoài Bắc Ninh nữa ấy chứ!

 

Khi viết bài viết này xin các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng chúng tôi dựa vào sự mách bảo, cho biết trước của thầy Thông Lạc. Điều này là hoàn toàn không có! Bởi từ khi chúng tôi vào tu tập tại Tu viện Chơn Như cuối năm 1999 cho đến lúc rời khỏi tu viện vào năm 2006 chúng tôi chưa bao giờ lên thưa hỏi thầy Thông Lạc bất cứ sự việc gì liên quan đến sử học, nhất lịch sử Tây Sơn và ba anh em Tây Sơn tam kiệt. Chúng tôi vẫn còn nhớ, vào năm 2009 có đọc được tập sách mỏng, chỉ có 24 trang -giấy A4 gập đôi- tựa đề cũng vẫn là Lịch Sử Chùa Am với nội dung như đã nói nhưng rất sơ sài do thầy Thông Lạc viết lưu hành nội bộ. Nhưng thời gian này chúng tôi đã không còn ở tu viện. Nói chung đây là bài viết ngẫu hứng, được chúng tôi sử dụng hiểu biết của mình mục đích làm sáng tỏ nhân vật lịch sử Lê Văn Tâm để thử xem hư thực thế nào về tên tuổi, mặt mũi lạ hoắc của vị tướng không hề có trong chính sử và sử Tây Sơn nhưng thầy Thông Lạc lại cho là có qua căn cứ, dựa vào gia phả giòng họ Lê có thể do ông sơ của thầy, tức tướng Lê Văn Tâm ghi chép để lại cho con cháu ngày sau.

 

Bài viết xin dừng tại đây.

 

Miền trung thương nhớ, 
lúc 17h51 ngày 31 tháng 08 năm 2019 
Bốn niệm xứ

 

 

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang