Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

NGÔ GIA VĂN PHÁI: NGÔ THÌ NHẬM

NGÔ THÌ NHẬM 吳時任 (1746-1803)
Ông tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, là con trưởng của Ngô Thì Sĩ, anh vợ của Phan Huy Ích, sinh ngày 11 tháng Chín năm Bính Dần (tức ngày 25-10-1746). Ngô Thì Nhậm là người thông minh, đọc rộng, thích nghiên cứu và trước tác. Ngay từ năm 16 tuổi, dưới sự hướng dẫn của cha, ông đã viết công trình sử học đầu tiên, cuốn Nhị thập tứ sử toát yếu. Năm 1769, đỗ Giải nguyên, được bổ chức Hiến sát Phó sứ Hải Dương. Năm 1771, Ngô Thì Sĩ bị cách chức, cuối năm đó ông cũng xin cáo quan về nghỉ ở quê nhà, viết sách và học ôn. Năm 1772, ông hoàn thành sách Hải Đông chí lược chép về nhân vật, núi sông, sĩ dân, thuế lệ của Hải Dương. Năm 1775, cha được phục chức, ông cũng thi đỗ Tiến sĩ và ra làm quan, trải các chức Hộ khoa cấp sự trung ở Bộ Hộ, Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, rồi Đốc Đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1778, ông lại được giao Kiêm Đốc đồng Thái Nguyên, Ngô Thì Sĩ cũng được cử đi Đốc trấn Lạng Sơn. Sau đó xảy ra vụ mật án năm Canh Tý (1780), Trịnh Tông định "đảo chính" giành ngôi chúa; việc bại lộ, nhiều đại thần bị giết hại. Ngô Thì Nhậm được giao xét xử vụ án, và bị nghi ngờ có dính líu đến việc phát giác vụ việc trên. Nhưng tháng Chín cùng năm, Ngô Thì Sĩ mất tại nhiệm sở Lạng Sơn, ông xin về quê chịu tang cha, không tham dự vào việc phân xử này nữa. Tuy vậy sau đó không lâu ông vẫn được thăng chức Hữu Thị lang Bộ Công, vì thế chịu nhiều điều tiếng. Năm 1782, Trịnh Tông lên ngôi chúa, sợ bị trả thù, Ngô Thì Nhậm phải bỏ trốn về quê vợ ở Sơn Nam, lần lữa đến sáu năm! Sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, lập Chiêu Thống, Ngô Thì Nhậm được gọi về triều. Có điều, khác với em là Ngô Thì Chí, ông cũng không gắn bó nhiều với vị vua cuối cùng của triều Lê, và năm 1788, sau khi Chiêu Thống bỏ chạy, Ngô Thì Nhậm ra cộng tác với Tây Sơn, được Trần Văn Kỷ giới thiệu, ông được trao chức Thị Lang Bộ Lại, tước Tình phái hầu. Từ đó ông đã giúp cho vua Quang Trung nhanh chóng xây dựng được một triều đình bề thế, có năng lực vãn hồi tình trạng suy thoái của đất nước và không lâu sau đã là một trong những nhân vật chủ chốt của vương triều Tây Sơn dưới thời Quang Trung, có nhiều đóng góp trong công cuộc dựng nước giữ nước, đặc biệt là trên trận địa đấu tranh ngoại giao với nhà Thanh.
chân dung
Chân dung Ngô Thì Nhậm
 
Rất tiếc những năm tháng Ngô Thì Nhậm có thể thỏa sức "tung vó ký trên đường dài", trổ tài "kinh bang tế thế" không được bao lâu, ngày 29 tháng Bảy năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà. Ngô Thì Nhậm được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong cho Quang Toản. Nhiệm vụ hoàn thành và đó là đóng góp lớn cuối cùng của ông cho vương triều Tây Sơn. Dưới thời Quang Toản, Ngô Thì Nhậm không còn dược trọng dụng như trước, ông trở ra Bắc Hà, dành nhiều thời gian nghiên cứu đạo Phật, chiêm nghiệm về cuộc đời, lập Thiền viện ở phường Bích Câu, lấy đạo hiệu là Hải Lượng, và được suy tôn là Trúc Lâm đệ tứ tổ. Cũng thời gian này, ông hoàn thành tác phẩm nghiên cứu về đạo Phật, đó là cuốn Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Quang Toản, lập nên nhà Nguyễn, Ngô Thì Nhậm cùng Phan Huy Ích từng bị gọi đến "hành tại" của Gia Long để hỏi xem có nên lên Nam Quan để tiếp sứ và nhận tuyên phong hay không. Ngô Thì Nhậm đã trả lời "xưa nay chưa nghe nói bao giờ". Sau đó không lâu hai ông bị đem kể tội, đánh đòn tại Văn Miếu. Ông về nhà được ít lâu thì mất, đó là ngày 16 tháng Hai năm Quý Hợi (tức là ngày 7-4-1803).
 
Ngô Thì Nhậm là một nhân cách lịch sử. Ông yêu nước, yêu đời, tích cực hành động, luôn mong muốn đem tài năng sức lực phò vua, giúp nước, noi gương bậc hiền thần Y Doãn nhà Thương, như tên hiệu mà ông tự đặt cho mình (Hy Doãn). Do vậy, dù làm quan dưới triều Lê-Trịnh hay Tây Sơn, ông đều thành thực, hết lòng làm tròn trách nhiệm của một bề tôi tận tụy, nhiệt tình gánh vác việc đời, không phụ niềm tin mà người cha đã gởi gắm. Đối với tình hình thời sự chính trị đương thời, ông có một cách nhìn sâu sắc, không bảo thủ, nhờ vậy có nhiều đề xuất đúng đắn, thiết thực, táo bạo. Có lẽ vì hết lòng lo dân, lo nước nên ông đã quan niệm về chữ trung một cách cởi mở, tỉnh táo, đó chính là tiền đề để ông đến với Quang Trung và trở thành một trong những nhân vật trụ cột trong giai đoạn mới mẻ của vương triều Tây Sơn.
mộ
Mộ Ngô Thì Nhậm ở Tả Thanh Oai
 
Ngô Thì Nhậm là một tác gia lớn của dòng văn Ngô Thì, và cũng là của văn học trung đại Việt Nam. Sự nghiệp trước tác của ông để lại đồ sộ về số lượng, phong phú về thể loại và sâu sắc về tư tưởng, có phong cách một đại gia. Những tác phẩm ấy nay được giữ lại một cách tương đối đầy đủ trong bộ Ngô Gia văn phái: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Hoàng hoa đồ phả (còn có tên là Hoa trình gia ấn thi tập), Cẩm đường nhàn thoại (thơ), phú và các tập văn: Kim mã hành dư, Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Thơ, văn Ngô Thì Nhậm đều đạt đến trình độ nghệ thuật, có đặc sắc riêng, đặc biệt là văn nghị luận và phú.
 
Dưới đây chúng tôi tuyển chọn một số bài với mục đích giới thiệu được những giá trị tiêu biểu của văn thơ và con người ông. Ngô thì Nhậm đã được giới thiệu rất sớm, không những chỉ có tuyển tập mà còn có cả toàn tập, cho nên chúng tôi xin được sử dụng các bản dịch đã xuất bản và tôn trọng cách dịch, cách hiểu cũng như tên tuổi các học giả trước, trong một số trường hợp rất cần thiết mới chỉnh sửa chút ít.
 
Phần tuyển chọn và chỉnh lý tác phẩm Ngô Thì Nhậm do Lại Văn Hùng thực hiện.
(Trích Ngô Gia Văn Phái, tập I, trang 512-513-514).
 
Chú thích: Ảnh chụp lại của bài viết.

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang