Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

CUỐN GIA PHẢ BÍ TRUYỀN VỀ NGÔI MỘ TRÊN ĐỒI CÁT...


CUỐN GIA PHẢ BÍ TRUYỀN
VỀ NGÔI MỘ TRÊN ĐỒI CÁT HÉ LỘ GIẢ THIẾT MỚI
VỀ CHÁNH CUNG HOÀNG HẬU 
CỦA VUA QUANG TRUNG 
(Báo Pháp luật số, ra lúc 13h25 ngày 07 thàng 01 năm 2015) 
Quang Trung-Nguyễn Huệ là vị Hoàng đế hiển hách của vương triều Tây Sơn, người đánh bại 20 vạn quân Thanh, thu giang sơn về một mối sau nhiều năm nội chiến. Lâu nay, sử liệu ghi nhận Chánh cung hoàng hậu của vua Quang Trung quê gốc ở Quy Nhơn, nhưng tư liệu vừa tìm thấy ở Quảng Nam đã đặt giả thuyết mới về thân phận và quê quán vị hoàng hậu này.

 

Hành trình tìm mộ của một nhà sư
Đầu tháng 8/2014, một độc giả điện thoại đến Tòa soạn báo Câu chuyện Pháp luật tiết lộ rằng, chính ông đã tìm ra phần mộ vua Quang Trung. Ngoài số điện thoại và địa chỉ nơi ở, độc giả này không tiết lộ danh tính của mình. Lần theo địa chỉ, chúng tôi đã tìm đến một ngôi nhà trên đường Phạm Văn Đồng, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam).

 

Thật bất ngờ, người báo tin là một nhà sư, ngoài 50 tuổi, sống một mình trong một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ. Tại phòng làm việc của nhà sư, chúng tôi thấy có rất nhiều sách lịch sử. Cần nói thêm, từ trước đến nay, việc mộ vua Quang Trung được chôn cất ở đâu vẫn là điểu bí mật với rất nhiều giả thuyết khác nhau. Trong đó có cả việc, triều Nguyễn vì hận thù đã sai quật mộ ông. Về việc này, nhà sư “ẩn danh” lý luận: “Nếu ngay sau khi vua Quang Trung mất, Gia Long tấn công vào Phú Xuân thì có thể triều đình Tây Sơn không kịp di chuyển hài cốt đến địa điểm chôn giấu. Đằng này, thời gian kéo dài tới 10 năm, đủ để các quan trong triều và người thân di chuyển hài cốt vua đến một nơi an toàn trước khi Nguyễn Ánh chiếm thành Phú Xuân”.

 

Vị sư này cũng cho rằng, người chủ trương bí mật di dời hài cốt vua Quang Trung không ai khác chính là Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Sau khi nhà vua qua đời, vì quá đau buồn nên Hoàng hậu Ngọc Hân đã xuất gia vào chùa tu hành. Ngôi chùa đầu tiên mà hoàng hậu quy ẩn là chùa Kim Tiên (Thừa Thiên-Huế). Về sau do nhiều biến cố chính trị và vì sự an nguy, bà đã di chuyển qua nhiều ngôi chùa khác nữa.

mộ

Ngôi mộ này các nhà nghiên cứu văn hóa ở Tam Kỳ-Quảng Nam cho là mộ của bà Chánh cung Hoàng hậu vua QT? 

Theo quan điểm của vị sư, một trong những ngôi chùa chính là nơi Hoàng hậu cất giấu hài cốt vị anh hùng áo vải để bà tiện bề sớm hôm nhang khói. Sau đó, do sự bất ổn trong triều đình, Hoàng hậu Lê Ngọc Hân phải rời ngôi chùa có mộ Quang Trung lánh sang một ngôi chùa khác để bảo toàn tính mạng. Tại đây bà đã trút hơi thở cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1799). Thi thể Hoàng hậu đã được an táng tại ngôi chùa này. Vị sư còn khẳng định, trong quá trình đi tìm mộ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, ông đã tình cờ phát hiện ra ngôi chùa có ngôi mộ của vị Hoàng đế.

 

Theo lời sư thầy kể, khoảng tháng 5/ 2013, tại một tịnh thất ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), ông đã phát hiện ra một số tài liệu liên quan đến Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Lần theo tư liệu của các bậc tiền nhân để lại, nhà sư đã đi khắp nơi có dấu chân của vua Quang Trung và vợ ngài như Bình Định, Quảng Nam, Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… Và cuối cùng, đến tháng 8/2013, ông đã tìm ra được mộ vua Quang Trung.

 

Bức ảnh mờ ảo
Tuy nhiên, ngoài việc nói vanh vách các giai đoạn lịch sử mà các sách báo ghi chép, vị sư này không đưa ra cho chúng tôi xem bất cứ một tài liệu nào với lý do “sợ lộ bí mật”. Sau nhiều lần thuyết phục, nhà sư mới chịu cho chúng tôi xem ảnh một bia mộ. Vì bức ảnh quá mờ nên chúng tôi chỉ đọc được chữ “Hiển linh”, “Chi tháp”, “Đại nhân khai tạo”, còn những chữ khác thì không đọc được.

 

Dù không thuyết phục được vị sư cung cấp tài liệu hoặc chỉ địa danh nơi có ngôi mộ nhưng chúng tôi vẫn không bỏ cuộc. Lần theo nhiều nguồn thông tin, dẫn dắt bằng những câu chuyện lịch sử cũng như những câu hỏi trong lúc sôi nổi tranh luận, bàn cãi, chúng tôi tình cờ phát hiện tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lưu truyền một câu chuyện liên quan đến vua Quang Trung rất lý thú.

 

Tương truyền rằng, cách đây hơn 200 năm, một lần trên đường từ Bình Định hành quân ra Phú Xuân (Huế) theo đường thủy, do mưa to gió lớn nên Nguyễn Huệ đã dừng chân lại xã Bình Đào. Tại đây, Nguyễn Huệ đến ở tư gia của một viên quan họ Phạm có 2 người con gái. Một chiều nọ, Nguyễn Huệ gặp cô chị chèo thuyền hái sen trên hồ và đem lòng yêu thương. Sau thời gian lưu lại đây, Nguyễn Huệ đã đưa người chị ra Phú Xuân sinh sống.

 

Do tình cảm hai chị em khăng khít nên người em cũng được Nguyễn Huệ và chị cho đi theo để hầu hạ. Sau một thời gian, người chị mất, người em được triều đình cho về quê và xây dựng một ngôi chùa để thờ chị. Ngôi chùa này chính là chùa Tân Bình, hiện nay vẫn còn ở địa phương. Sau khi mất, người em được chôn gần ngôi chùa. Do mộ người em được xây dựng khá đẹp và được thắp đèn dầu suốt đêm nên dân làng ai cũng biết và gọi đó là mộ bà Phạm Đức Bá.

 

Lần theo câu chuyện, chúng tôi tìm được ngôi chùa kể trên. Đại đức Thích Viên Chánh, trụ trì chùa xác nhận, trong lịch sử ngôi chùa có ghi rõ, bà Phạm Đức Bá là người sáng lập nên ngôi chùa này. Trước đây, chùa có giữ sắc phong thời Quang Trung ban việc xây dựng chùa và trong chùa có bài vị “Tiền nhân Phạm Đức Bá chi linh vị”, nhưng do chiến tranh tài liệu đã bị thất lạc.

 

Chúng tôi tìm các vị bô lão ở xã Bình Đào và được nhiều người xác nhận câu chuyện truyền thuyết này là có thật. Nhiều người còn khẳng định, người phụ nữ vợ vua thuộc tộc Phạm ở thôn Tân An. Chúng tôi tiếp tục tìm đến họ tộc này và được các bác Phạm Văn Ngọc (SN 1950), Phạm Văn Lộc (SN 1952) thay mặt họ tộc cho xem những cuốn gia phả quý báu của tộc Phạm.

 

Sau khi thắp hương khấn vái tổ tiên, hai vị lão niên lấy cuốn gia phả đã tồn tại gần 100 năm cho chúng tôi xem. Qua thời gian, những tờ giấy đã úa màu nhưng những nét chữ vẫn còn nguyên vẹn, rõ ràng. Bác Lộc cho biết, có thời kỳ do bão lụt, những cuốn gia phả bị ướt hết, bác mang ra phơi và đã bị thất lạc một ít.

 

Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, 4 cuốn gia phả của tộc Phạm đã được dịch ra bằng chữ quốc ngữ.Theo đó, cuốn gia phả thứ nhất và thứ hai được viết vào năm Minh Mạng thứ năm (1824). Cuốn gia phả thứ ba được viết vào ngày 18 tháng 2 năm Bảo Đại thứ ba (1927). Cuốn gia phả thứ tư được chép lại ở một cuốn khác, viết vào ngày 21 tháng 10 năm Quang Trung thứ tư (1791), ngày chép là ngày 18 tháng 2 năm Bảo Đại thứ ba (1927), do ông Phạm Văn Huấn và cháu là Phạm Văn Trị chép, người sao lục ấn chỉ là cựu dịch mục Lê Toại Chi.

văn nôm

Ảnh chụp gia phả giòng họ Phạm Tam Kỳ-Quảng nam đăng trên báo CCPL số 269 ra ngày 06/01/2015 của pv P.Trường

Ngoài nội dung chia đất đai cho con cái và danh sách những người trong họ tộc để xướng tên trong lễ cúng tế, trong cuốn gia phả có đề cập đến một người tên là Phạm Văn Phước, ông Phạm Văn Phước là đời thứ 4 của tộc Phạm này và là Xá sai ty ở trấn Quảng Nam dưới triều Tây Sơn. Ông Phước là quan võ, thuộc võ giáp vệ, chức cung phụng thị nội. Năm Kỷ Dậu (1789), ông được phong chức Đại tư không. Năm Quang Trung thứ tư (1791), ông được phong thêm tước Quận công. Trong cuốn gia phả ghi rõ, hai người con gái của ông Phạm Văn Phước là Hoàng Chánh hậu Phạm Thị Ngọc Dẫy và Tả cung Đức bá Phạm Thị Doanh.

 

Bà Phạm Thị Ngọc Lành (chuyên viên Hán-Nôm của Bảo tàng Quảng Nam) cho biết, những nội dung ghi trong gia phả hoàn toàn phù hợp với tổ chức bộ máy của triều đại Tây Sơn. Lịch sử ghi nhận, Đại tư đồ là Vũ Văn Dũng, Đại tư mã là Ngô Văn Sở, riêng chức Đại tư không chựa có tài liệu nào nói đến. Trong khi đó, gia phả của họ Phạm nêu, Phạm Văn Phước là quan Xá sai ty ở trấn Quảng Nam dưới triều Tây Sơn.

 

Theo đó, ông Phước là quan võ thuộc Võ giáp vệ, được vua Quang Trung phong chức Đại tư không vào năm 1789, tức là năm Quang Trung đại thắng quân Thanh. Năm 1791, vì có người con gái là Phạm Thị Ngọc Dẫy là vợ vua nên ông Phạm Văn Phước được phong thêm tước Quận công, điều này rất hợp lý vì dưới triều vua Tây Sơn, những vị quan có công lớn hoặc có con gả cho vua đều được phong thêm tước công như Thái úy quốc công Phạm Văn Hưng.

 

Còn theo ông Tôn Thất Hướng (Phó phòng nghiệp vụ-Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam), nội dung trong gia phả và bài cúng tế của một tộc họ là nội dung chính xác, đáng tin cậy, bởi mục đích duy nhất của người viết gia phả là giúp con cháu biết gốc gác của mình. Cũng theo ông Hướng, tên của vua chúa thường không được viết đúng tên, vì để tránh kỵ húy. Do đó, hoàng hậu họ Phạm được gọi là hoàng hậu Phạm Thị Liên cũng là điều có thể xảy ra.

 

Liên hệ thân thế của bà Phạm Thị Ngọc Dẫy, Phạm Thị Doanh với câu chuyện dân gian và ngôi mộ mang tên Phạm Đức Bá, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm trùng khớp với nhau. Trong gia phả ghi, người chị là Hoàng chánh hậu Phạm Thị Ngọc Dẫy, còn người em là Tả cung Đức bá Phạm Thị Doanh. Trong câu chuyện dân gian, người chị được vua lấy làm vợ, người em cũng được đi theo vào cung để hầu ha.

 

Theo sử sách, dưới triều vua Quang Trung, ngoài một số cung khác còn có Tả cung và Hữu cung. Như vậy, khả năng người em trong câu chuyện dân gian chính là Tả cung Đức bá Phạm Thị Doanh trong gia phả họ Phạm. Vì có chị là vợ vua nên người em được đặt thêm mỹ tự là “Đức bá” theo điều lệ triều đình là giả thuyết rất thuyết phục.

 

Kỳ bí ngôi mộ cổ
Theo sự chỉ dẫn của sư trụ trì chùa Tân Bình, chúng tôi tìm đến mộ bà Phạm Đức Bá. Do nhiều lần bị phá, ngôi mộ chỉ còn một phần thành mộ lộ thiên, có hoa văn thuộc triều Tây Sơn, nhìn bên ngoài có màu xám nhạt, có lẫn vôi sống, vỏ sò. Sau khi quan sát, ông Tôn Thất Hướng cho biết, đây là mộ bằng hợp chất.

 

Ở Việt Nam, mộ hợp chất thường có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Hợp chất này là tổng hòa các chất như cát, mật đường, nhựa thực vật, vôi sò giã nhuyễn… Nó cứng hơn đá và “bất khả phân ly”, không thể phá vỡ. Chính vì sự bền vững ấy nên chỉ có tầng lớp quý tộc mới được mộ táng bằng hợp chất. Và cũng vì được xây bằng hợp chất mà các đối tượng xấu không đào được phần dưới của ngôi mộ.

 

Chúng tôi gặp một vị cao niên trong làng là cụ Lê Lai (SN 1948). ông Lai kể, ngôi mộ đã bị phá 2 lần. Năm ông 7 tuổi, cứ đến khoảng xẩm tối, rất nhiều người trong làng ra nghĩa địa này lén lút đào mộ. Họ cho rằng, dưới ngôi mộ của bà Phạm Đức Bá có nhiều vàng bạc châu báu nên đào phá để lấy. Tuy nhiên, ngôi mộ quá cứng nên họ không đào được. Đến năm 1978, một số người lại tiếp tục đào ngôi mộ này, họ dùng thuốc nổ để công phá ngôi mộ nhưng họ chỉ phá được lớp mu rùa trên mộ, còn phần đáy mộ thì không khai quật được.

 

Gần khu vực mộ bà Phạm Đức Bá, chúng tôi còn được biết có hai ngôi mộ hợp chất khác rất kỳ bí. Những ngôi mộ này đều nằm ở địa thế phong thủy rất đẹp. Gắn với những ngôi mộ này, người dân nơi đây còn kể vể khu rừng cấm, quản trại, quan lộ và ruộng đất liên quan đến các nhân vật lịch sử dưới triều Tây Sơn.

 

Trong những ngày tìm hiểu vụ việc, chúng tôi đã gặp anh Trần Công Chi (SN 1967, người địa phương). Anh Chi cho biết, mộ bà Phạm Đức Bá có địa thế rất đẹp, táng theo “Huyện oa”, xây theo “Tọa càn hướng Tốn”; xung quanh có rừng, có bàu sen, người nằm dưới những ngôi mộ có địa thế như thế này là một người rất tôn quý. Ngoài ngôi mộ của bà Phạm Đức Bá, anh Chi kể, còn có một ngôi mô cổ gần đó mà khi nhỏ anh vẫn nghe ông bà bảo đó là mộ vua.

 

Ngôi mộ cổ ở địa thế “Nga mi tác án”, một địa thế mà chỉ có bậc đế vương mới được an táng. Xung quanh mộ, “Mình đường dung dạng mã (tức là “Ngàn con ngựa chạy trên cánh đồng”), bên trái và bên phải là thế “Long vồ hổ”, chung quanh huyệt nhiều mạch nước ngầm chảy ra, đầm nước chính là tâm thủy tụ, lỗ nước ra của đầm này rất nhỏ “Thủy khấu bất dung châu” (nghĩa là “lỗ nước nhỏ không lọt chiếc ghe”). Theo anh Chi, đây là địa thế có một không hai.

 

Anh Chi cho biết thêm, năm 2008, anh đã phát hiện tại gần ngôi mộ bà Phạm Đức Bá một số cổ vật, gồm một tượng đầu người bằng đất nung, đội mũ võ quan, bị gãy một nửa và 4 bình gốm kích cỡ khác nhau, trong đó một bình có vòi giống bình trà. Theo ông Tôn Thất Hướng cho biết, đây là những chiếc bình cổ gia dụng tráng men rạn xanh lá cây được sản xuất ở làng gốm cổ truyền Bát Tràng vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII và chỉ có những gia đình quyền quý hoặc giàu có mới sử dụng.

 

Với những tài liệu chúng tôi tiếp cận và hiện trạng ngôi mộ cổ hiện nay, cộng thêm câu chuyện trong dân gian, có cơ sở để nhận định rằng, Hoàng chánh hậu của vua Quang Trung là người Quảng Nam, như trong gia phả họ Phạm ghi rất rõ “Hoàng chánh hậu Phạm Thị Ngọc Dẫy”. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, rất cần sự thẩm định của các cơ quan chức năng. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của người dân và dòng tộc Phạm ở địa phương mà còn có thể là đầu mối để tìm ra ngôi mộ thực của Hoàng đế Quang Trung.

 

Các nguồn sử liệu chỉ nhắc đến vị Chánh cung Hoàng hậu của vua Ọuang Trung là bà Phạm Thị Liên, quê ở Bình Định, mộ được táng dưới chân núi Kim Phụng phía tây TP. Huế. Trong cuốn “Các triều đại Việt Nam” (NXB Văn hóa-Thông tin, 2009), các tác giả Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng chép rằng, theo tài liệu để lại, dù không rõ Quang Trung có bao nhiêu bà vợ nhưng có 2 Hoàng hậu gồm Chánh cung Hoàng hậu và Bắc cung Hoàng hậu. Bắc cung Hoàng hậu chính là công chúa Lê Ngọc Hân. Còn Chánh cung được cho là người họ Phạm, ở phủ Quy Nhơn, chị cùng mẹ khác cha với Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhất và Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Bà được lập Chánh cung năm 1789, sinh 3 người con trong đó có Nguyễn Quang Toản, tức vua Cảnh Thịnh sau này.
(Nguồn: Câu chuyện Pháp luật)

 

Bình luận bốn niệm xứ
Bài viết này đăng trên báo Câu Chuyện Pháp Luật, số ra lúc 13h25 ngày 07 tháng 01 tháng 01 năm 2015. Nhưng tại sao báo CCPL lại biết chuyện chúng tôi tìm ra lăng mộ vua Quang Trung mà tìm đến phỏng vấn rồi viết bài đăng báo như thế? Sau đây là đầu đuôi câu chuyện.

 

Thời điểm đó, chúng tôi đang ở tạm tại căn nhà vườn bỏ trống số 41 Phạm Văn Đồng thuộc thành phố Hội An của ông bà Phùng Nguyên, chủ lò bánh mỳ 304 đường Hoàng Diệu. Vào khoảng tháng 8 năm 2014, tầm 17h hơn của ngày 6-7 gì đó, chúng tôi gọi cho tòa soạn báo CCPL ở Hà Nội nói sơ qua câu chuyện đi tìm lăng mộ Quang Trung của mình bấy lâu. Tòa soạn báo CCPL liền cho số điện thoại tổ phóng viên thường trú bổn báo ở Tam Kỳ sau khi nắm được tình hình, lý do là chúng tôi đã tìm ra được lăng mộ vua Quang Trung nay muốn cung cấp thông tin để đăng lên báo.

 

Sau gần 30 phút nói chuyện với một giọng nữ bên kia đầu dây ở Tam Kỳ. Cô phóng viên báo CCPL chăm chú lắng nghe trước thông tin quá bất ngờ, đầy tính hấp dẫn mà chúng tôi đang trình bày vắn tắt. Cô cho biết sáng hôm sau sẽ ra chỗ chúng tôi ở để nói chuyện cụ thể, chi tiết hơn.

nhà

Nhà vườn 41 Phạm Văn Đồng-Hội An. Chúng tôi ở đây đúng 1 năm để dễ dàng ra vô Huế lấy thông tin cho công việc

Sáng hôm sau, lúc 9h hơn có người nhá qua đt, chúng tôi ra mở cửa -cổng cánh cửa treo tấm biển 41 PVĐ- Bước vào là hai người, một nam một nữ. Chúng tôi mời cả hai vào căn phòng mình đang ở, bởi giấy tờ, tài liệu, sách vở văn sử học đều để phòng này. Sau khi nói chuyện, trao đổi vắn tắt về câu chuyện và hành trình đi tìm mộ của mình bao lâu cho hai phóng viên báo CCPL nghe. Chúng tôi đưa cho họ lá thư viết tay gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhờ họ về chuyển ra tòa soạn đăng lá thư này lên số báo nào đó, nếu thấy thuận tiện.

 

Sau khi hỏi thăm để nắm sơ bộ tình hình về công việc tìm mộ bao lâu của chúng tôi, hai phóng viên đứng dậy ra về, và cho biết hôm sau họ sẽ trở ra lại để hỏi thêm vài chi tiết cần thiết nữa thì mới có thể viết bài được.

 

Sáng hôm sau, lúc 8h30 cô phóng viên Tam Kỳ nhá qua đt cho biết hiện đang đứng trước cổng nhà vườn. Chúng tôi ra mở cổng, mời họ vào nhà. Đi cùng cô phóng viên hôm nay là một người nữ, trẻ tuổi hơn, không phải là nam phóng viên hôm trước. Khi hai bên đã vào phòng, ngồi xuống vị trí đã bày sẵn, cô phóng viên lớn tuổi cho biết người nam phóng viên hôm qua nay bận chuyện không ra được, còn cô này là người mới vào nghề, đi ra đây với tính cách thực tập. Cô phóng viên lớn tuổi liền đi vào trọng tâm câu chuyện dang dở từ hôm qua. Vậy ngoài những gì đã nói hôm qua, hiện sư có những hình ảnh nào để chứng minh rằng đây là lăng mộ vua Quang Trung thì cho chúng tôi xem qua với? Cô phóng viên lớn tuổi nói. Vì muốn viết bài thì phải có hình ảnh kèm theo thì bài viết mới có giá trị thuyết phục người đọc, nhưng trước hết, chính là yêu cầu của tòa soạn giao cho phóng viên khi gởi bài về thì phải có hình ảnh kèm theo.

 

Tuy đắn đo nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận yêu cầu của đối tượng đang tiếp xúc là rất đúng. Chúng tôi lục lấy ra tấm ảnh chụp văn bia Ngôi Tháp trước chùa Thiên Thai cho họ xem. Trong lúc hai người đang xem ảnh Ngôi Tháp, chúng tôi đứng dậy đi xuống phòng dưới lấy nước lọc lên mời họ uống. Sau đó, khi đã hỏi và ghi chép vắn tắt lại những điểm cơ bản, quan trọng của câu chuyện. Hai nữ phóng viên đứng dậy cáo từ ra về. Lúc này cũng đã được 10h30 rồi.

 

Khi hai phóng viên đi ra khỏi cổng rồi, khoảng 15-20 phút sau chúng tôi mới giật mình, ngớ người, và tự hỏi. Có thể trong thời gian mình xuống nhà dưới lấy nước thì trên này biết đâu họ đã lén chụp ảnh Ngôi Tháp để về đưa lên bài viết thì sao? Chúng tôi liền gọi qua số máy cô phóng viên lớn tuổi nói cô phải xóa hình ảnh vừa chụp lén đi, không được làm ăn kiểu lén lút, cẩu thả như vậy. Cố ấy liền đáp trả con không có chụp chiếc hình ảnh gì hết, sư yên tâm, yên tâm.

 

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn biết những hình ảnh lịch sử của mình đã bị các cô phóng viên này chụp lén để chuẩn bị đưa lên bài viết sắp tới. Đây là kinh nghiệm nhớ đời khi tiếp xúc với cánh phóng viên nhà báo vậy. Chúng tôi tự dặn lòng.

 

Sau đó, vào gần cuối năm 2014, vào lúc 12h20 của ngày 29 tháng 11 năm 2014 chúng tôi phải rời khỏi Hội An, về lại Quy Nhơn do có sự cố xảy ra bất ngờ. Thế là từ đó cho mãi đến hôm nay, chúng tôi không tìm đâu ra một địa điểm nào tốt và thuận tiện hơn như ở căn nhà vườn bỏ trống số 41 Phạm Văn Đồng thuộc thành phố Hội An -ảnh 3- để có điều kiện dễ dàng ra vô Huế thường xuyên để lấy thông tin như thời gian còn ở đây được nữa. Từ Hội An nếu đi Huế vào lúc 6h sáng thì chiều tối đã về lại rồi. Đây quả là một bất lợi rất lớn cho công việc độc hành độc bộ đội đá vá trời hòng làm sáng tỏ lại câu chuyện lịch sử của chúng tôi vậy.

 

Bài viết này chúng tôi lấy trên báo Pháp luật số, ra lúc 13h27 ngày 07 tháng 01 năm 2015. Đúng ra bài viết này nằm trên báo Câu Chuyện Pháp Luật, số 269 ra ngày 06 tháng 01 năm 2015 của nữ phóng viên Phạm Trường. Chúng tôi trước cũng có số báo này, nhưng sau thiếu tá Nguyễn Xuân Thìn ở Tam Kỳ hỏi mượn xem, lâu quá chưa thấy trả. Chắc thiếu tá giữ làm tài liệu. Hồi đó, thiếu tá Nguyễn Xuân Thìn đã từng ra Hội An, vào nơi chúng tôi ở, yêu cầu chúng tôi cho thiếu tá biết lăng mộ vua Quang Trung hiện ở đâu? Nếu sư cho chúng tôi biết, ở đây sẽ tạo điều kiện cho sư tiếp tục ở Hội An để dễ dàng làm việc. Còn không, sư sẽ rất khó ở lại nơi đây đấy. Đây chính là lý do để chúng tôi phải rời khỏi Hội An trong niềm luyến tiếc vô bờ. Thiểt nghĩ, khi nói với chúng tôi như vậy có thể trong thâm tâm của thiếu tá Thìn nghĩ rằng chắc lăng mộ vua Quang Trung được người xưa chôn giấu ở đâu đó trên đất Quảng Nam, cho nên vị sư người Bình Định này mới lặn lội ra Hội An tìm cách lót ổ, ở lại lâu dài để có điều kiện ra vô Tam Kỳ hoặc những nơi nào đó trên đất Quảng Nam để dễ dàng thực hiện công việc tìm kiếm di tích người xưa chăng?

 

Trong bài viết này lúc nói chuyện với phóng viên Phạm Trường chúng tôi tất nhiên chỉ trình bày qua loa, đại khái, không thể nói rõ những gì cần phải nói bởi hai bên chỉ mới qua sơ giao. Chúng tôi chờ đợi họ đăng lá thư gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi sau đó mới đi tiếp bước thứ hai, thứ ba là cung cấp những thông tin cần thiết, kèm theo là các hình ảnh cụ thể tại hiện trường nhưng vẫn không thấy họ đá động gì. Sau đó, khi đã rời khỏi Hội An, về ở tạm tại một ngôi chùa nhỏ ở vùng sông nước Đông Định-Quy Nhơn thì chúng tôi mới đọc được bài viết trích ở trên trên báo CCPL.

 

Bài viết của phóng viên Phạm Trường có đoạn nói về các chữ "Hiển linh", "Chi tháp" và "Đại nhân khai tạo". Riêng các chữ khác thì không đọc được. Cô ta cho biết thêm. 

 

Tại sao phóng viên Phạm Trường lại không đọc được các chữ Hán trên ảnh chụp cũng không có gì khó hiểu. Thứ nhất, cô ta không rành về Hán Nôm, các chữ cô ta nói ở trên có thể là nhờ người khác đọc hộ. Hoặc cô ta tra phần Hán Nôm trên trang mạng để đối chiếu với những chữ đọc được trên văn bia. Thứ hai. Do là hành động chụp lén nên lúc đó cô ta rất vội vã, và vì vội vã nên ảnh chụp bị nhòe, không rõ. Trên số báo số 269 CCPL cô ta có đưa ảnh chụp lén tấm bia này lên nhưng chữ nghĩa văn bia thì rất mờ, rất khó đọc. Chỉ đọc được vài chữ như cô ta nói là rất đúng. Nhưng không phải là "Đại nhân khai tạo" mà là "Phu nhân khai tạo". "Hiển linh" và "Chi tháp" là đúng rồi. Bốn chữ này nằm giữa tấm văn bia của tấm bia tại Ngôi Tháp trước chùa Thiên Thai.

 

Thật ra, văn bia của tấm bia này sau đó chúng tôi đã đưa lên fb và trang w liên kết bonniemxu.com hết rồi, đâu có giấu giếm làm gì. Nhưng do lúc đó như đã nói là giữa chúng tôi và các phóng viên này chỉ đang là buổi sơ giao, thì làm sao có thể chúng tôi cung cấp những gì mà phải qua nhiều giai đoạn về sau mới được công bố tự do, rộng rãi hơn? Đây là nguyên tắc làm việc chẳng những riêng chúng tôi, trên lĩnh vực quá đặc biệt, quan trọng này mà cũng còn của rất nhiều người, nhiều lĩnh vực nữa.

 

Không thể đốt cháy giai đoạn. Tất cả phải đi theo nguyên nguyên tắc bất di dịch.

 

Phải không các bạn?

 

Ảnh ngôi nhà vườn là tư liệu của chúng tôi. Hai ảnh còn lại là của tác giả bài viết trên báo CCPL.

 

Miền trung thương nhớ,
lúc 16h17 ngày 09 tháng 07 năn 2019
Bốn niệm xứ

 

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang