Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

1-DẤU TAY TRÊN CHỮ

 
 1- DU  TATRÊN CH...

CHƯƠNG MỘT
Khởi đầu câu chuyện
Nói là khởi đầu chứ làm gì có khởi đầu,
và cũng làm gì có chung cuộc? Sở dĩ có
chuyện này chuyện kia ấy là do tâm con
người động. Nếu tâm đã bất động thì thế giới
và vũ trụ này chỉ còn là sự tịch tịnh vĩnh hằng.

 

Vào một chiều, lúc 13h30 của thứ Sáu ngày 9 tháng 09 năm 2016, nhằm ngày Chín tháng Tám năm Bính Thân. Từ biệt thất ở vùng núi sông Lô, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang-Khánh Hòa chúng tôi xuống núi, quá giang dòng xe con thoi xuôi ngược dập dìu xuất nhập từ sân bay Cam Ranh. Và liền sau đó, lúc 14h chúng tôi đã có mặt tại bến xe bus đường Quang Trung. Tiếp đó, lên xe bus Quyết Thắng ra tịnh xá Ngọc Cát ở Cát Lợi, thuộc Thành phố Nha Trang gặp sư cô Ân Liên nhận ít tiền để tìm mua vài cuốn sách và một cái ghế xếp, loại ngồi đọc sách báo.

 

Trước đó, vào lúc 7h sáng cùng ngày chúng tôi gọi cho sư cô, sư cô trả lời hiện đang bị cảm. Chúng tôi đón xe vào Đồng Bò Thượng gặp thầy Quảng Lạc -đệ tử Thường Chiếu- có chuyện cần. Đồng Bò Thượng và sông Lô cách nhau khoảng 5km. Về thấy có cuộc gọi nhỡ của sư cô lúc 9h56. Chúng tôi gọi lại, sư cô cho biết sẽ giúp tiền cho, nhưng làm sao gởi tiền? Chậc, tưởng gì, chứ chuyện ấy thì có khó gì nhỉ?

 

Cầm 1.000.000đ từ sự giúp đỡ sốt sắng, chan chứa ân tình của sư cô gốc người Quảng Nam, một địa giới mà nếu nói khó có vùng đất nào ở Việt Nam có thể sánh nổi qua cách tiếp xúc, trao đổi để tạo ra sự lưu luyến, vấn vương mãi giữa người với người thì e có bị cho là quá đáng chăng?

 

Nhưng đó lại là sự thật mà chúng tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều người dân nơi đây trong suốt thời gian lưu trú hơn một năm tại Hội An, trong căn nhà vườn bỏ trống số 41 đường Phạm Văn Đồng của ông bà Phùng Nguyên, chủ lò bánh mỳ 304 đường Hoàng Diệu. Sở dĩ chúng tôi phải ra ở tại Hội An với một thời gian dài lâu như thế là để có điều kiện dễ dàng ra vô Huế, một xứ sở không phải thơ mộng, hữu tình như lời đồn loang hoặc với những gì mà bạn thấy nhìn qua tiếp xúc trực diện hay trên hình ảnh, báo chí. Đó chỉ là những thấy nghe, sờ chạm thuộc phần cạn, mỏng bên ngoài. Xin bạn lưu ý lại điều này giùm cho. Ngược dòng thời gian, Huế xưa từng là kinh đô lừng lẫy một thời của Nhà Tây Sơn, của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn huyền thoại. Nhưng than ôi, chính nơi đây cũng lại là nơi đặt một dấu chấm hết cho triều đại từng một thời oanh liệt với cái chết... bất ngờ, đột ngột của Hoàng đế Quang Trung. Và đến mãi bây giờ, người ta cũng không thể nào biết đúng đắn, chính xác Hoàng đế Quang Trung chết vì lý do gì. Và linh cữu, thi hài của ngài hiện vẫn còn đang được cất giấu, tồn tại ở đâu đó hay đã bị Gia Long và đám binh tướng tay sai quật phá tan tành hết rồi như lịch sử và mồm mép nhân gian đã ghi chép, bàn tán, loan truyền. Trong sự việc này, tất cả mọi thăm dò, tìm kiếm xưa nay theo chúng tôi vẫn chỉ là những đồn đoán, suy diễn của một vài nhóm người và một vài cá nhân mà vẫn theo chúng tôi. Trong đó, tất có những kẻ thuộc diện đối lập, chống báng Tây Sơn đến tận cùng đã vận dụng mọi cơ hội tung tin rằng lăng mộ, hài cốt của ngài đã bị thế này, thế khác. Hoặc đã bị chính Gia Long và quan quân dưới trướng quật phá ngay từ những ngày đầu khi đã tự do ra vào Phú Xuân. Cố đô yêu dấu của Nhà Tây Sơn.

 

Với thời đại tin học như hiện nay thiết nghĩ việc muốn tung tin hòng đánh lạc hướng, nhấn chìm vụ việc, thậm chí bôi nhọ, hãm hại ai đó tưởng không có gì là quá khó. Hữu ý vô tình, chúng tôi đã đọc và tiếp xúc được với khá nhiều bài viết cùng nhiều các nhân sự đặc biệt trên lĩnh vực này. Có thể rồi đây chúng tôi cũng nên đưa tất cả những tên tuổi, mặt mũi này ra trước ánh sáng để cho dư luận quần chúng nhận diện và đánh giá lại những việc làm của họ trong bao lâu chăng?

 

Việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung hiện còn hay không là một câu hỏi được giới sử học và dư luận Bắc Nam trịnh trọng đặt lên bàn hội nghị từ rất lâu. Nhưng đáng tiếc là mãi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng. Trong đó, tất nhiên là việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung có liên quan mật thiết đến tên tuổi và sự ra đi của Bắc cung Hoàng hậu... Lê Ngọc Hân vào một mùa đông buồn bã, mưa gió đầy trời của năm Kỷ Mùi 1799 lịch sử. Chúng ta cũng đã biết vua Quang Trung ra đi trước đó, vào năm Nhâm Tý 1792. Và chỉ bảy năm sau thì Bắc cung Hoàng hậu cũng đã nối gót người xưa...

 

...Những ao ước trập trùng tuổi hạc,
Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.
Nào hay sông cạn bể vùi,
Lòng trời giáo giở vận người biệt ly...
(Ai tư vãn)

 

Và theo như những gì được nhà nghiên cứu lịch sử Huế Nguyễn Đắc Xuân công bố lâu nay. Bắc cung Hoàng hậu... Lê Ngọc Hân ra đi tại chùa Kim Tiên. Thi hài của Bà sau đó đã được di dời về quê hương quan họ Bắc Ninh ngoài kia vào năm Giáp Tý 1804. Nhưng về sau đã bị đám quan quân hăng tiết của vua Thiệu Trị quật phá, hốt hài cốt đem đổ xuống sông biển hết rồi còn đâu!

 

Trong câu chuyện lịch sử bi ai cùng sự trả thù man rợ lại thêm quá nhiều những dệt thêu, đan móc lớp chồng lớp đã khiến bao con người từ hai miền Bắc Nam sau ngày giải phóng 1975 đến nay từng xôn xao nhập cuộc tìm kiếm, moi móc, đào xới, lục tung chỗ này, lật xấp chỗ nọ nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Bí mật vẫn bao trùm bí mật. Duy có ông Nguyễn Đắc Xuân với những khám phá về Cung điện Đan Dương và những hiện vật khai quật được tại chùa Thiền Lâm 150 Điện Biên Phủ là đáng chú ý, đáng trân trọng hơn cả.

 

Nhưng ông Nguyễn Đắc Xuân cũng chỉ cung cấp được bấy nhiêu thông tin cùng một mớ đá kê chân cột, gạch, bia đá, chén đĩa vụn, bể moi lên từ sự vùi lấp nhiệt tình, hăng say của vua quan triều Nguyễn tại ngôi chùa lịch sử Thiền Lâm. Ngoài ra chả còn gì hơn. Đó là phần công việc và những thông tin mà nhà nghiên cứu lịch sử Huế Nguyễn Đắc Xuân nhiệt tình cung cấp từ bao lâu nay cho giới sử học nói riêng và dư luận quần chúng nói chung. Trong câu chuyện này, chúng tôi chỉ là người đến sau sau khi đọc được một vài tài liệu nói về Tây Sơn-Nguyễn Huệ và Bắc cung Hoàng hậu... Hoàng Thị Thu Mai chứ không phải Công Chúa Lê Ngọc Hân như giới văn sử chuyên, không chuyên đã nhầm tưởng và mặc định xưa nay.

 

...Dần dà mãi rồi chúng tôi cũng quyết định lên đường, tham gia công việc tìm kiếm mà bước đầu chỉ nắm vỏn vẹn trong tay một vài chi tiết nhỏ nhoi, nhập nhằng, mơ hồ từ các văn bản văn sử học. Điểm đến quyết định đầu tiên của chúng tôi là Nghệ An, tạm thời cư ngụ tại nhà quen số 85 phố Nguyễn Trãi. Rồi từ đây mới dễ dàng có điều kiện xe cộ và người chở vào địa phận Hà Tĩnh với nhà lưu niệm thi hào Nguyễn Du. Tác giả truyện Kiều. 

 

Tiếp nữa là Huế với ngôi chùa lịch sử Kim Tiên xa xưa, ngày nay thuộc phường Trường An, là nơi ở của Bà Chúa Tiên kể khi Bà từ Thăng Long-Hà Nội vào cùng chồng đầu năm Đinh Mùi 1787. Sau là chùa Thiền Tôn ở núi Thiên Thai. Tiếp đó, là một quyết định đột phá khi ra ở tại Hội An do tình cờ chúng tôi đọc được một bài viết trên một tờ báo cũ nhặt được nói về môi trường ở đây hiện nay rất tốt. Không nơi nào bằng.

 

Một con đường khởi đầu chỉ từ những dấy niệm vu vơ. Việc chúng tôi cắm dùi trên đất Hội An hơn một năm chỉ với mục đích duy nhất. Ra vô Huế cho tiện đường hòng dễ dàng đi sục sạo các nơi tìm hiểu, và có điều kiện để lật lại nghi án lịch sử. Cái chết bất ngờ, đột ngột của Hoàng đế Quang Trung vào năm Nhâm Tý 1792 là vì lý do gì? Và hiện nay thi hài, linh cữu của Ngài vẫn còn chôn giấu ở đâu đó hay đã bị vua quan triều Nguyễn quật phá tan hoang hết rồi như các sách vở, tài liệu xưa nay từng miệt mài, cần mẫn ghi ghi chép chép như thế?

 

Khi chuyện lưu trú tại căn nhà vườn bỏ trống số 41, đường Phạm Văn Đồng-Hội An đã tạm thời ổn định. Chúng tôi bắt đầu ra vô thường xuyên giữa Hội An-Huế. Và chúng tôi đã có mặt tại tất cả những trọng điểm cần thiết trên đất cố đô. Và cũng tất nhiên những địa giới quan trọng này nằm ngoài tầm lưu ý của giới văn sử học Việt Nam. Nhất nhóm văn sử tại Huế. Thưa các bạn, như đã nói, chúng tôi chỉ là người đến sau, nhưng những phát hiện của chúng tôi lại nằm ngoài phạm vi quan sát, hiểu biết của giới văn sử chuyên, không chuyên. Tại sao lại như thế? Rất dễ hiểu. Chúng tôi không phải là nhà sử học chuyên nghiệp hay nghiên cứu sử học gì cả. Chúng tôi làm việc rất vô tư, ngang nhiên, hễ muốn là làm vì không hề bị khống chế, điều khiển bởi các tổ chức, đoàn thể với những buộc ràng, quy chế này nọ, lung tung cùng những tài liệu, sách vở nào cả. Nghĩa là. Chúng tôi làm việc hoàn toàn ngẫu hứng, tự do. Có thể nói đây mới chính là điều kiện tiên quyết để chúng tôi có những bước đột phá, khám phá vô cùng táo bạo mà giới văn sử học không bao giờ tượng tưởng ra cho nổi cách nào. Như chúng tôi dám nghiêm túc mặc định. Bắc cung Hoàng hậu là Hoàng Thị Thu Mai, không phải Công chúa Lê Ngọc Hân như lịch sử từng mãi bám đuôi truyền thuyết, truyền thống và truyền... lại rùm beng inh ỏi điếc đầu điếc óc như thế trong bao lâu.

 

Cầm 1.000.000đ trên tay, chúng tôi vội vã cáo từ sư cô Ân Liên ra về vì thời gian còn lại không nhiều mà đoạn đường sẽ phải đi qua thì quá xa. Chuyến vô chúng tôi đón xe bus Quyết Thắng khởi hành từ Vạn Giã. Giá vé suốt chuyến là 7.000đ. Xuống xe tại trạm trên đường Quang Trung, gần nhà số 69. Chúng tôi liền quá giang xe honda đến tại nhà sách Thống Nhất, đường Thống Nhất.

 

Bước đến kệ trương các loại sách chuyên về mảng văn học, thò tay chúng tôi chọn quyển THUẬT VIẾT LÁCH TỪ A ĐẾN Z của nhà báo Ngọc Trân, do nhà xuất bản Văn Hóa-Văn Nghệ ấn hành ngày 29/05/2015. Giá 70.000đ.

 

Dạo qua kệ lịch sử kế bên, nhướng mắt tìm kiếm, bất chợt chúng tôi phát hiện quyển GIỞ LẠI MỘT NGHI ÁN LỊCH SỬ "GIẢ VƯƠNG NHẬP CẬN" CÓ THỰC NGƯỜI SANG TRUNG HOA LÀ VUA QUANG TRUNG GIẢ HAY KHÔNG? Tựa đề đọc qua đã thấy hấp dẫn. Sách này cũng do nhà xuất bản Văn Hóa-Văn Nghệ ấn hành ngày 17/6/2016. Bìa đẹp. Sách trình bày trên khổ 16x24cm. Giá 98.000đ. Tác giả sách là Nguyễn Duy Chính.

 

Phiếu tính tiền cho biết thời gian giao dịch mua bán là 16h/17'/44".

sách

Ra khỏi quày sách, đi ngược lại, vội vã chúng tôi tìm đến các tiệm chuyên bán các loại ghế nằm ngồi nhập từ Đài Loan cách đó vài trăm mét. Giá các loại ghế này khá cao, từ 1.500.000đ đến 2.000.000đ một cái. Loại ghế chuyên dụng này nhập từ Đài Loan bảo đảm ăn đứt về kiểu dáng, độ bền cũng như cách gập mở, chuyển từ ngồi sang nằm do Việt Nam sản xuất. Các cơ sở sản xuất ghế của Việt Nam cần phải nghiên cứu lại quy trình, cung cách làm việc cũng như mẫu mã, độ bền và cách sử dụng làm sao cho thật hợp lý, đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật. Chứ không phải đã tốn tiền thêm tốn công khệ nệ rinh từ tiệm về nhà mà mỗi khi sử dụng lại điên tiết, muốn ném quách ra ngoài đường cho xong cục nợ. Ách ngoài đường lại mang vào cổ. Nhiều người đã phải chửi thầm khi sử dụng các loại ghế nằm ngồi sản xuất tại Việt Nam.

 

Nhưng thói đời xưa nay vẫn thế. Để trong nhà thì thấy chướng tai gai mắt. Ném ra đường thì tiếc đứt ruột. Thôi thì chấp nhận bị tổ trác, rút kinh nghiệm cho lần sau, đồng thời kêu đám con cháu hoặc nói cho bạn bè biết từ nay cạch ba cái thứ ghế madeinsaigon này đi thôi.

 

Hiện nay, chúng tôi không thấy một chiếc ghế nằm ngồi nào của Việt Nam sản xuất xem ra tạm dùng được. Mua về sử dụng một thời gian là tất cả mọi sơ hở, yếu điểm cứ tuần tự xuất hiện dày đặc cho đến khi bị vứt vào một xó, hoặc kêu mấy người mua bán nhôm nhựa mang đi mau cho khuất mắt. Không phải chúng tôi chuộng, chạy theo hàng ngoại rồi chê hàng trong nước. Chúng tôi là dân kỹ thuật cơ khí, xe cộ nên khi nhìn qua một món hàng nào trên lĩnh vực này chúng tôi sẽ biết rất rõ về khả năng xử lý công việc hoặc của tay nghề và lương tâm, cũng như trách nhiệm của người sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm đó. Có rất nhiều các mặt hàng Việt Nam sản xuất rất kém, chưa xứng đáng đưa vào thị trường tiêu thụ. Ngoài các sản phẩm trên lĩnh vực cơ khí, sắt thép.

 

Làm ăn như thế là tội lỗi lắm.

 

Mãi đến thời gian gần đây, chúng ta mới thấy có các mặt hàng chất liệu bằng nhựa có thể đã đạt yêu cầu chất lượng của các cơ sở như Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Sao Sáng, Công Sơn, Hiệp Thành, Hiệp Sanh, vvv... Nói chung các mặt hàng đồ nhựa này chỉ tạm được một phần nào, còn đi sâu vào chuyên môn, kỹ thuật, mỹ thuật và sự an toàn không bị nhiễm độc cho người tiêu dùng, sử dụng thì hãy còn kém xa hàng ở các nước nhập về. Đơn giản như bàn chải giặt đồ và đánh răng của Việt Nam sản xuất tuyệt đối không thể hơn hàng của Trung Quốc, Thái Lan, Triều Tiên chứ đừng nói đến của Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Nhật, vvv...

 

Chúng ta đừng đổ lỗi do máy móc hoặc do công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, mà cái chính là theo chúng tôi. Do óc tư duy của chúng ta quá non nớt, yếu kém, vận dụng không nổi, tức là sức tưởng tượng để dựng rõ ràng lên một hình ảnh, mẫu mã, màu sắc, bố cục nào đó cho một sản phẩm đã không thể hiện ra đầy đủ các chi tiết, yếu tố hoàn chỉnh cần phải có và, cần phải xuất nhập của nó. Chưa nói đến chuyện lời lỗ sản phẩm. Nhà sản xuất nào cũng tính đến chuyện bỏ ra ít thu về nhiều. Còn chất lượng sản phẩm? Quên đi. Chính vì lý do này mà hàng gia dụng của Việt Nam mãi mãi lẹt đẹt, ì ạch, ngụp lặn trong vũng sa lầy. Theo đó, tiếp đó, đành phải nhốn nháo chấp nhận đứng khoanh tay đội sổ bảng xếp hạng so với người anh em, người chị em các nước.

 

Ngày nay, trong thời hội nhập, hàng chất lượng, kỹ thuật cao, đa dạng từ các nước nhập về ào ạt hữu ý vô tình đã tác động, khơi gợi mạnh mẽ nhu cầu sử dụng hàng tốt, hàng đẹp, xứng đáng đồng tiền bát gạo của khách hàng khiến cho các nhà sản xuất trong nước cảm thấy hổ thẹn, ê chề.

 

Thế là từ đó ôi thôi các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước liền xúm nhau thi đua sản xuất, cải tiến nhiều mặt hàng gia dụng để giành giựt khách hàng. Và nó đã tạo ra một phong trào, một cơn lốc hoặc một cuộc cách mạng đổi mới sản xuất và tiêu dùng mang tầm vóc to lớn, vĩ đại hơn bao giờ. Bởi nó thuộc lĩnh vực rất khó nói. Lòng tự tôn, mặc cảm của dân tộc, giống nòi. Thiết nghĩ, nếu chúng ta chốt kín cánh cửa xuất nhập thì dễ gì hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng của nhân dân đã được cải tiến, sáng tạo đa dạng, bắt mắt và gợi khêu óc tò mò, chiếm hữu của mọi tầng lớp trong xã hội như hôm nay? Người xưa có nói. Dụ tướng không bằng khích tướng. Nghĩa là. Nếu chúng ta không mang một món hàng khác, tốt bền hơn đặt bên một món hàng dỏm, xấu, kém chất lượng mà cứ lớn tiếng kêu gọi, hô hào phải làm thế này, thế kia thì mấy ai đã nghe, cũng như sẽ dễ dàng chấp nhận sai khuyết? Vì đầu óc, tư tưởng của con người vốn có một sức ì vĩ đại, khó vực dậy. Nói thì ngồi im nghe đấy chứ? Xong rồi, đâu lại vào đấy đấy vào lại đâu. Bổn cũ soạn lại lại soạn cũ bổn. Thế thôi. Chúng tôi thỉnh thoảng cũng vẫn thường dạo các nhà sách. Lòng rất vui khi thấy các mặt hàng văn phòng phẩm, đồ dùng của học sinh đã được cải tiến, thay đổi rất nhiều, nhìn rất đẹp mắt. Như các loại bút viết, thước gạch đủ kiểu, đủ cở. Rồi các loại vở dày, mỏng, khổ lớn, khổ nhỏ, hoặc các tập vở kẻ ngang dùng để lập giáo án cho thầy cô và học sinh các cấp. Đến các quyển sổ ô carô hoặc kẻ ngang được bọc bìa giả da rất sang, đẹp, dày từ 50-300 trang. Thêm nữa là các loại bao bì nhựa dùng để kẹp, đựng hồ sơ, giấy tờ trong suốt hay tuyền một màu nước xanh thẩm. Nói chung là tất cả các mặt hàng văn phòng phẩm, đồ dùng học tập của học sinh đều được gia công cẩn thận và đẹp, bền, sắc sảo.

 

Cứ mỗi khi đến nhà sách nào đó, sau khi tìm được các quyển sách đang cần, thế nào chúng tôi cũng để mắt dòm ngó, và mua một vài món hàng. Có khi vài tập vở dày 100-200 trang, lúc lựa vài cây viết và thước gạch ngang, dài 30-50cm, bằng nhựa của hãng Thiên Long và nhôm của Trung Quốc. Về chỉ để đó. Thỉnh thoảng cầm lên ngắm nhìn. Ấy chính bởi nét sắc sảo, đầy tính mỹ thuật, kỹ thuật của sản phẩm mà nhà sản xuất đã khổ công nặn óc tạo ra và nó đã kích vào tâm chiếm hữu người mua khiến chúng tôi phải tò mò để mắt đến. Không tin, bạn cứ thử dạo các nhà sách, đến quầy sách vở, bút viết, thước gạch, compa, đồ dùng của học sinh và nhà trường, công sở để thử xem nội tâm mình xao xuyến, động đậy như thế nào. 

 

Với số tiền ít ỏi cầm trong tay, chúng tôi không thể nào thỏa mãn óc chiếm hữu một cái ghế xếp Đài Loan về ngồi đọc sách báo cho đã ghiền mà đã có dịp săm soi, bật ra thử lưng vào hôm giữa tháng 4 vừa rồi tại cửa hàng nội thất Trung Thành, số 46 đường Trần Phú, thành phố Pleiku-Gia Lai. Giá loại ghế này là 850.000đ. Chậc, ai chứ thầy, chỗ quen lớn tôi sẽ xét giảm 100.000đ ngay liền. Chủ cửa hàng Trung Thành che miệng kề tai nói nhỏ...

 

Đó là chuyện tại phố núi mù sương...

 

Chúng tôi ra khỏi tiệm, đi lui lại đoạn ngắn, đoạn số 70 Thống Nhất. Vào một tiệm, bỏ, hai tiệm, thấy có một cái loại vừa, ngã ra được, hai khủy tay đặt được trên hai thanh gác tay kiêm chức năng tăng giảm hai bên. Tăng giảm có ba nấc. Khung sắt sơn tĩnh điện màu đen, dây chằng dọc ngang bản 6cm, màu đen, hai biên màu vàng. Ngồi thử thấy được. Ghế do Công Ty TNHH Quy Phúc-TPHCM sản xuất. Hỏi chủ tiệm cho biết giá cứng 250.000đ. Thanh toán tiền xong, chúng tôi kêu một chiếc xe ôm, giá tiền về đến núi là 50.000đ.

 

Xe về đến sông Lô, lúc vào thất, chúng tôi xem đồng hồ là 19h hơn.

 

Chỉ đến khi sở hữu được chiếc ghế xếp như đã nói thì việc đọc sách báo mới bắt đầu cảm thấy thú vị, hấp dẫn. Nếu không tin, bạn cứ thử cầm quyển sách hay tờ báo nằm trên giường hoặc ngồi trên một cái ghế không phải loại xếp ngã, tăng giảm được đọc rồi xem sao. Rất khó đọc đấy các bạn. Nếu nằm đọc, đôi tay của bạn rất mau mỏi, hai mắt cũng khó tập trung vào con chữ vì đôi tay không thể ở yên tại vị trí cố định được lâu. Nếu bạn ngồi trên chiếc ghế dựa bằng gỗ, hoặc trên ghế salon bằng mous thì bạn sẽ thấy việc đọc sách báo của bạn cũng không thoải mái chút nào cả.

ghế xếp

 

Đọc ở các vị trí này tất nhiên cột sống của bạn sẽ bị dồn nén, ức chế, và bạn sẽ phải xoay qua trở lại liên tục. Do đó, sự thú vị của việc đọc sách báo cũng giảm đi rất nhiều. Đây chỉ nói cho vui tai vui miệng về tư thế ngồi đọc thế nào, tại đâu thì sự tiếp thu của mắt và tâm trí mới dần đi vào ổn định để có thể hiểu trọn vẹn các vấn đề, sự kiện trên sách báo cung cấp. Khi có được chiếc ghế xếp do Sài gòn sản xuất tuy rằng nó không bằng loại ghế của Đài Loan như đã nói. Chúng tôi bằng lòng loại ghế đã có dù biết nó không phải loại tốt, bền, nhưng vẫn còn hơn là ngồi trên các loại ghế nhựa hoặc là nằm đọc.

 

Thế là tại núi rừng sông Lô, nơi được xem là một trong những khu vực có môi trường khí hậu tốt đẹp, trong lành nhất của miền Trung chúng tôi có điều kiện ngồi đọc tha hồ, miệt mài các loại sách báo. Để có được thuận tiện này, chúng tôi phải cất công lặn lội ra tận Cát Lợi gặp sư cô Ân Liên để cậy nhờ sự giúp đỡ, cưu mang của sư cô. Nếu không có đường dây móc nối nhân quả này thì dễ gì thú đọc sách báo của chúng tôi được thỏa mãn với thời gian sáu mươi hai ngày nửa buổi tại vùng rừng núi nguyên sinh sông Lô? Bắt đầu từ chiều ngày 27/8/2016, nhằm ngày Hai mươi lăm tháng Bảy năm Bính Thân.

thất

Biệt thất sông Lô, xã Phước Đồng-Nha Trang

Bởi vào ngày 28 tháng 10 năm 2016, vào lúc 9h sáng chúng tôi đã xuống núi ra về, rời khỏi môi trường tốt đẹp, trong lành sông Lô. Dưới đường được chiếc xe bốn chỗ chở ra bỏ tại trạm xe bus đường Quang Trung, gần số nhà 69. Đứng đợi khoảng hơn 10 phút, có xe 15 chỗ chạy tuyến con thoi Vạn Giã-Nha Trang dừng bắt khách. Chúng tôi xin lái xe cho đi nhờ ra tịnh xá Ngọc Hải ở Cát Lợi. Chủ xe đồng ý. Chúng tôi là người lên xe đầu tiên. Hai mươi phút sau xe mới lăn bánh khi đã có năm bảy người khách tuần tự lên xe.

 

Trên đường xe tiếp tục bắt thêm nhiều khách nữa. Để ý thấy gương mặt chủ xe rất vui. Có thể đây là một thông lệ, một định kiến bất thành văn hay đã thành văn? Nếu sau khi người lên đầu tiên mà xe bắt thêm được nhiều khách, chủ xe tất nhiên không nói gì nhưng đã ngầm mặc định, may mắn đó chính do người khách đầu tiên mang đến. Còn ngược lại, nếu xui xẻo có điều gì không may xảy ra hay không có người khách nào lên tất cũng do người đầu tiên ấy mà ra. May cho chúng tôi là sáng hôm ấy khách lên xe khá nhiều. Vì thế, mỗi khi mở cửa cho khách lên xuống chủ xe làm việc với gương mặt rất tươi tỉnh, rạng rỡ.

 

Xe đến khu vực Cát Lợi, ngay tại điểm vào tịnh xá Ngọc Hải, chủ xe đạp phanh, mở cửa nhảy xuống vòng qua đầu xe bấm kéo cửa lùa cái rẹt, miệng cười mãn nguyện mời chúng tôi xuống xe. Chúng tôi cảm ơn người chủ xe tốt bụng với hạnh bố thí, xả bỏ tuyệt vời. Thật tình mà nói, nếu buổi sáng hôm ấy bắt khách quá ít thì chắc gì chủ xe đã dành cho chúng tôi mối thiện cảm nồng nhiệt ấy? Họ, những người lái xe đâu biết. Mình chạy xe bắt khách có hay không, hoặc rủi khi gặp nạn thì tất cả đều do nhân quả của hai bên. Đạo Phật gọi là cộng nghiệp. Bởi nhân quả là một chùm, một đường dây lôgic chứ nhân quả không đơn phương, đơn điệu, đơn giản và đơn tuyến bao giờ. Nếu tôi anh chị nói cái này do tôi, do người kia làm thì người đó đã hiểu sai về nhân quả, về tất cả mọi hiện tượng đã và đang xảy ra ở khắp đây kia trong cuộc sống vốn đã rất căng thẳng nhiều chộn rộn rồi đấy.

 

Chúng tôi ghé vào tịnh thất Kim Châu, sau lưng tịnh thất Vân Sơn thuộc Ni giới giáo đoàn 3 Khất Sĩ xin trụ trì ăn bữa trưa. Khi ra trước đường quốc lộ, đúng 12h40 chúng tôi đón được xe Toyota 7 chỗ mang biển 77H, chạy hướng Bồng Sơn. Trên xe có 4 thanh niên, tuổi từ 35-45. Xe đến Quy Nhơn lúc 18h. Chúng tôi xin nghĩ nhờ nhà người quen trên đường Nguyễn Thái Học, số nhà 555.

 

Trước đó không lâu, vào ngày 6 tháng 11 năm 2016 chúng tôi đang nghĩ tại tịnh xá Ngọc Nhơn, số 999, đường Trần Hưng Đạo, trên ngã ba Đống Đa đoạn ngắn, sau khi thông qua đại đức trụ trì. Đến ngày 20 tháng 11, chúng tôi rời Tịnh xá, đi xe Sơn Tùng vào Nha Trang. Xe đến vòng xoay Lê Hồng Phong, bên này cầu Bình Tân lúc 11h10 phút. Tại đây quá giang được xe 4 chỗ chạy Cam Ranh. Chúng tôi vào biệt thất sông Lô chỉ sau 20 phút.

 

Vào sông Lô lần này chúng tôi lấy số sách lịch sử -thời gian ở tại sông Lô đã phải chịu nhiều tai tiếng mới sưu tầm được từ các nhà sách- hiện đang gởi tại đây với chiếc ghế xếp nằm ngồi đọc sách đã nói mang về Quy Nhơn. Sáng sớm, lúc 4h30 ngày 21 tháng 11 năm 2016 một phật tử pháp danh Thiện Ân chạy xe đến tịnh xá Ngọc Trang chở chúng tôi ra bến xe phía Bắc thành phố Nha Trang để về lại Quy Nhơn. Bởi vào chiều của ngày hôm trước, lúc 14h chúng tôi đã rời biệt thất sông Lô về tịnh xá Ngọc Trang ở xóm Hộ Nha Trang để xem Hòa thượng trụ trì Giác Dũng cần gặp nói chuyện gì. Xe Kiều Oanh xuất bến lúc 5h. Đến bến Quy Nhơn lúc 9h hơn.

 

Chúng tôi ở Quy Nhơn từ đó đến nay để viết bài viết này. DẤU TAY TRÊN CHỮ. Vào thời điểm khi còn ở sông Lô, lúc đã sở hữu được ghế và sách như đã nói lập tức chúng tôi bật ghế, mở ra ngồi đọc ngay liền vào sáng hôm sau tập GIỞ LẠI MỘT NGHI ÁN LỊCH SỬ "GIẢ VƯƠNG NHẬP CẬN" CÓ THỰC NGƯỜI SANG TRUNG HOA LÀ VUA QUANG TRUNG GIẢ HAY KHÔNG? để xem trong này nói những gì.

 

Trong tập sách này, tác giả Nguyễn Duy Chính cho biết. Người sang Trung Hoa chúc thọ vua Càn Long năm ông tròn 80 tuổi vào năm Canh Tuất 1790 chính là vua Quang Trung, không phải Phạm Công Trị như lịch sử Bắc Nam đã ghi ghi chép chép, bình luận chộn rộn xưa nay. Nguyễn Duy Chính lớn tiếng khẳng định như thế là bởi ông bằng cách nào đó đã lấy được bộ tài liệu của Thanh triều cách nay hơn 200 năm còn lưu lại trong các văn khố ở Đài Bắc và Bắc Kinh-Trung Quốc.

 

Có thể xem đây là tài liệu đáng tin cậy, không phải chỉ 100/100 mà còn hơn như thế nữa. Bởi tất cả mọi liên hệ trong chuyện này giữa Tây Sơn-Phú Xuân và Thanh triều-Yên Kinh vào thời ấy phải được người ghi sử nhà Thanh chép thuật lại cẩn thận, chi tiết.

 

Sau khi đọc tập sách này, giới sử học chuyên, không chuyên của Việt Nam có thể đã vô cùng sửng ngạc vì không ngờ sự việc lại như vậy xảy ra, vì không ngờ câu chuyện ngỡ chỉ còn ẩn hiện trong dòng hồi tưởng chập chờn và cả trong mảng lịch sử nhập nhằng, mơ hồ của dân tộc Việt mà thôi. Ai ngờ bên kia sự việc lại được ghi chép cẩn trọng, chi tiết, cụ thể hơn rất nhiều. Câu chuyện đi sứ lịch sử xa xưa này hôm nay chỉ còn truyền miệng là chính. Riêng tài liệu còn lại của các nhân vật liên quan trong chuyến đi như Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn chúng ta thấy không hề có một ai đá động, đề cập, cho biết thật hư như thế nào. Phần Ngô Văn Sở tất nhiên không thể ghi chép, vì Ngô là võ tướng. Mà nếu có, thì cũng không còn gì bởi không lâu sau chuyến đi lịch sử Ngô đã bị bức tử, nhấn chết chìm dưới sông Hương do các võ tướng đã y giáo phụng hành dưới mệnh lệnh của thứ quyền lực hiện đang rất căng thẳng, giằng co giữa các thế lực tại kinh đô Phú Xuân. Cái chết vô cùng đặc biệt của Ngô Văn Sở tại sao giới sử học Việt Nam chả thấy ai đề cập, cho biết thế nào? Và tại sao một người lập được nhiều công trạng hiển hách như Ngô Văn Sở cuối cùng lại phải nhận một cái chết quá thương tâm, khổ đau như vậy?

 

Những câu hỏi này, nếu không có ai trả lời thôi thì chúng tôi ít ra cũng phải nói lên chút gì đó chứ? Vậy xin hẹn các bạn trên một bài viết vào một dịp khác về vấn đề bí ẩn và vô cùng khó hiểu này vậy.

 

Chuyện vua Quang Trung giả hay thật, phải không bạn, đúng ra những người trong cuộc, liên quan đến chuyến đi nói ra thì mới thật, mới hấp dẫn và mới đầy đủ, thú vị và chi tiết, như Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn... là những nhân sự chủ chốt của chuyến đi lịch sử có một không hai này. Đằng này, những nhân sự nói trên không hề thấy ai đá động, luận bàn gì đến hết cả. Thế thì tại sao lúc đó, lạ nhỉ, nhà Nguyễn đang còn là phận thuyền không bến đổ, mười năm không gặp tưởng tình đã cũ. Mây bay bao năm tưởng mình đã quên... bằng cách nào lại biết ngay chong chóc trúng phong phóc đó chính là Phạm Công Trị đội lốt giả vương, không phải vua Quang Trung. Không lẽ sử nhà Thanh ghi bậy?

 

Đây là điều mà giới sử học chuyên, không chuyên cần phải xét xem lại cho thật nghiêm túc, chi tiết. Chúng tôi xin trích những đoạn trong tập sách dày công phu mằn mò nghiên cứu của Nguyễn Duy Chính để các bạn tham khảo và bình luận. Đoạn này trích từ chương Phi lộ, trang 5. Xin mời các bạn:

 

"Khi đọc quốc sử về triều đại Tây Sơn, sách vở ghi chép rằng trong dịp lễ khánh thọ mừng vua Càn Long 80 tuổi, vua quang Trung đã gửi sang Bắc Kinh một người tên là Phạm Công Trị, cháu gọi ông bằng cậu ''giả làm quốc vương''. Chi tiết đó được trích từ Đại Nam chính biên liệt truyệnĐại Nam thực lục".

 

Đoạn này Nguyễn Duy Chính trích từ sử triều Nguyễn, không phải kết luận của ông. Nhưng như đã nói, trong giai đoạn này Nguyễn Ánh đang còn trôi dạt tận đâu đâu, vậy ai là người ngồi ghi chép những sự việc xảy ra thời gian Quang Trung-Nguyễn Huệ đang ngồi ghế nhiếp chính, nắm quyền cai trị tại Phú Xuân? Xin bạn đừng đơn giản hóa sự việc và cà tửng cho rằng. Ngồi ở đâu và lúc nào, thời gian nào ghi chép sử liệu cũng xong, cũng được. Đây là lối suy nghĩ nông cạn, dễ dãi, rất khó chấp nhận. Người ghi sử theo chúng tôi nếu không có mặt ngay tại thời điểm xảy ra sự việc thì ít ra phải cũng nắm bắt được mọi thông tin từ các đầu mối cung cấp do sự phân bổ, chỉ định công việc từ cấp lãnh đạo nhà nước báo về kịp thời, đúng lúc. Chưa nói đến chuyện khó chấp nhận hơn nữa. Sự việc xảy ra hôm nay mà để đến ngày mai, ngày mốt hay một ngày nào đó mới chịu, mới bắt đầu ngồi xuống ghi chép thì những ghi chép đó thật không đáng tin cậy chút nào. Nếu khả dĩ được, thì độ chính xác chỉ còn lại 10, 20, 40% mà thôi.

 

Lại cũng chưa nói đến cụ thể, chi tiết của phương pháp ghi chép. Tức ghi chép như thế nào để được gọi là nhà chép sử chuyên nghiệp, có trách nhiệm, có lương tâm đối với công việc, sự việc đã đang xảy ra ở khắp đây kia. Thêm nữa cũng xin chưa nói đến thái độ, cung cách chính trị, quân sự, đường lối, chủ trương, chế độ và tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh hoặc địa phương tính tướng, tập quán vùng miền của người chép sử.

 

Như vậy, liệu bạn có thể đặt trọn niềm tin vào sử triều Nguyễn khi viết về thời Tây Sơn-Nguyễn Huệ là hoàn toàn đúng đắn, chính xác? Và họ viết để làm gì chứ? Người chép sử nhà Nguyễn lúc đó bạn nghĩ đã viết sử với phong cách và trách nhiệm của một nhà báo như khi viết phóng sự, ký sự, thời sự rồi khắc in, phát hành, bán tự do cho mọi người mua đọc. Đọc xong rồi ném vào sọt rác hoặc đem cân ký để tái sinh như báo giấy bạn đọc ngày nay chứ gì?

 

Yêu cầu rất nghiêm túc là bạn phải hiểu ý chúng tôi muốn nói gì.

 

Nguyễn Ánh, tức Gia Long hay triều Nguyễn chỉ ban hành lệnh chép sử mãi về sau này. Có thể là 10 năm, 15 năm về sau khi triều Tây Sơn đã không còn nữa. Chứ trước đó, khi Tây Sơn-Nguyễn Huệ đang làm chủ, cai quản đất nước suốt từ trong ra ngoài thì Nguyễn Ánh cho chép sử, và ghi chép như thế để làm gì khi chưa biết sẽ chết lúc nào, khi chỉ vừa nghe Quang Trung-Nguyễn Huệ tằng hắng, nhảy mũi là đã quăng trọi đao kiếm, giày dép, mũ nón, quần áo vắt giò chạy thục mạng, trối chết để giữ cái mạng mộc ăn nhờ ở đậu hệt như Tôn tướng tặc khi xưa vậy. Nếu không thế thì cũng phải thắt thòng lọng treo cổ tự sát như tướng Sầm Nghi Đống vào ngày mồng Bốn đầu xuân Kỷ Dậu 1789 tại đồn Khương Thượng-Đống Đa kia chứ không còn một cách nào khác hơn được.

 

Nói như vậy để bạn thấy ra được vấn đề cốt lõi mà ít có nhà sử học nào chịu hạ bút bình luận. Nguyễn Ánh đã có bao giờ ôm mộng bình sơn đánh Nam dẹp Bắc, quét sạch xâm lăng, dẹp loạn cát cứ để thống nhất đất nước, gom giang sơn về một mối như người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ hay không? Hay chỉ mãi đến khi Quang Trung-Nguyễn Huệ... bất ngờ, đột ngột ra đi, nhưng lúc này Tây Sơn Bắc, Tây Sơn Nam hiện cũng vẫn đang còn trấn giữ ở hai đầu của hai kinh đô. Thì Nguyễn Ánh lúc này mới có cơ hội, mới bắt đầu ôm mộng bình sơn? Hay do đám quan quân, tướng tá góp nhặt từ nhiều nguồn Lê có, Trịnh có, Nguyễn có, trộm cướp có, Tây Sơn có đã xúm nhau xầm xì nhân đó anh em ta hãy mau mau tiến lên lật ngược thế cờ ngàn năm có một hòng chiếm thế thượng phong bởi y đã đi rồi! Mau lên anh em ơi! Thời cơ đã đến rồi! Mau lên! Mau lên!

 

Bởi lịch sử đã cho biết quá rõ mặc dù sử mồm mép và đám sử tặc triều Nguyễn nếu có cố gắng, dụng ý xuyên tạc, bóp méo, che đậy đến cách nào đi nữa thì sự thật cũng vẫn là sự thật. Đoạn này chúng tôi yêu cầu bạn phải vận dụng đầu óc suy diễn. Chỉ có bộ sử của Nhà Tây Sơn-Phú Xuân lúc đó là có sự tiếp nối liền mạch, bắt nguồn từ dấu chấm hết của Nhà Lê sau khi Quang Trung-Nguyễn Huệ lên cai trị đất nước. Và cũng chỉ đến khi lên cai trị đất nước thì Quang Trung-Nguyễn Huệ mới cho ban hành lệnh chép sử. Tất nhiên như đã nói, trong bộ sử này không phải đã hoàn toàn đúng hết bởi nó đã bị gián đoạn một thời gian quá dài, nếu tính từ khi phong trào Tây Sơn khởi nghiệp vào năm Tân Mão 1771 cho đến năm sụp đổ Nhâm Tuất 1802. Năm Gia Long chính thức lên ngôi nhiếp chính.

 

Trong bộ sử của triều Tây Sơn, người chép sử tất nhiên phải tìm cách kết nối với bộ sử Nhà Lê sao cho liền mạch, không gián đoạn tính từ khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chính thức thâm nhập Bắc Hà với sự... miễn cưỡng chấp thuận của vua Lê Hiển Tông, và sau đó được tác hợp, gã cho con gái là Công Chúa... Lê Ngọc Hân. Tiếp đó là cái chết... bất ngờ, đột ngột của Quang Trung-Nguyễn Huệ vào năm Nhâm Tý 1792. Rồi Nguyễn Quang Toản lên ngôi vào năm Quý Sửu 1793, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh. Cảnh Thịnh nắm quyền cai trị, ngồi ghế nhiếp chính được tám năm, năm Tân Dậu 1801 đã tháo chạy khỏi Phú Xuân.

 

Chúng ta không biết ban chép sử Nhà Tây Sơn khi chép đến giai đoạn, nghĩa là năm nào, thời điểm nào thì phải chấm dứt bởi họ đã không còn có một không gian yên tĩnh, biệt lập, bất khả xâm phạm để ngồi toàn tâm toàn ý cho việc ghi chép. Vì ghi chép, nhất hết chép sử cho cả một triều đại, thời đại của một đất nước, dân tộc không phải bạ đâu ngồi đấy chép cũng được, cũng xong.

 

Vậy, bạn hiểu rồi đấy. Bạn không thể đồng hóa việc chép sử như khi viết một bài văn đưa lên sách báo để kiếm tiền nhuận bút. Mà người chép sử cần phải có một không gian riêng biệt, nhất họ phải nắm được tất cả mọi đầu mối thông tin từ các ban ngành đã đang hoạt động, phục vụ cho cơ chế, chủ trương, đường lối ở khắp đây kia cung cấp, gởi về cho họ. Hoặc có khi những người trong ban chép sử phải thân chinh đến tận nơi, tận chốn để mục sở thị, mắt thấy tai nghe tay rờ đụng những sự việc đã đang xảy ra và diễn biến như thế nào thì mới có thể ghi chép đầy đủ, chi tiết, cụ thể cho vấn đề, câu chuyện.

 

Bộ sử của Nhà Tây Sơn ghi chép những tiến trình xây dựng, cải cách đất nước và những gì xảy ra suốt từ Đàng Trong, Đàng Ngoài kể từ khi ba anh em Tây Sơn xuất hiện cho đến khi không thể ghi được nữa với lý do như đã nói hiện còn hay đã mất? Nếu bộ sử này còn, và đang nằm ở đâu đó thì sau khi tìm lại được, chúng ta mới có cơ hội mang ra đối chiếu với các bộ sử của Nhà Lê và nhà Nguyễn để xem thế nào. Trong đó bộ nào ghi chép chính xác, đúng đắn nhất tất cả mọi diễn biến thời cuộc và của các thế lực quân sự, chính trị trong, ngoài nước đã đang nổi lên hùng cứ đó đây trong giai đoạn chuyển giao nghiệt ngã, khốc liệt nhất của hậu bán kỷ 18 này trên đất nước chúng ta.

 

Có thể sử Tây Sơn sẽ ghi đầy đủ, chi tiết tình hình thời cuộc lúc ấy, vì nói gì đi nữa thì họ mới chính là người đang nắm vận mạng thời thế, làm chủ đất nước. Nhưng đây chỉ là giả thuyết, vì bộ sử này chúng ta không biết hiện nằm ở đâu, hay nó đã bị nhà Nguyễn thủ tiêu mất rồi. Hiện nay chúng ta chỉ còn bộ sử triều Nguyễn và những ghi chép của các tác giả đủ mọi thành phần xã hội chống có, ủng hộ có đối với phong trào cách mạng Tây Sơn.

 

Tóm lại. Một khi chưa tìm ra được bộ sử Tây Sơn như đã nói thì chúng ta không thể nói sử Tây Sơn viết sai, viết với khuynh hướng bảo thủ, che đậy, cho sử mình đúng, sử kia, tức việc làm kia sai. Mà chúng ta hiện chỉ có những đoạn sử, những trang sử viết về Tây Sơn sau này mà khi đọc qua chả biết đúng sai, thực hư thế nào. Ông nói gà, bà nói vịt, hoặc con cua đồng lại xúm đè cứng ngắc cho là con bò cạp núi khiến thành một trò buồn cười mà hễ nhe răng cười thì liền bị ghè, bị cho là phạm húy, phạm thượng khiến độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng mất tiêu ngay liền. Giả dụ, nếu bộ sử ấy còn, ngày nay đem ra so sánh để biết những đúng sai, hư thực của sự tình xảy ra các thời điểm ấy thì chúng ta cũng chỉ biết được khoảng thời gian Tây Sơn nắm chủ quyền trở về trước. Đọc ngang đây, bạn hiểu ý chúng tôi muốn nói gì chưa? Chưa à? Với những gì còn lại viết về Tây Sơn và Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chỉ đến hôm nay chúng ta mới có quyền tự do, tự chủ và mới có điều kiện cùng nhau đem ra mổ xẻ, phân tích để biết thế nào là hay dở, đúng sai, được và chưa do các sử gia viết về họ, về phong trào cách mạng hậu bán kỷ 18 đã từng phất cờ đứng lên lật đổ giành chính quyền hòng đem lại nền độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đất nước.

 

Nói như vậy bởi nhà Nguyễn đã cai trị đất nước ngót 150 năm. Trong 150 năm này đố bạn dám mang những vấn đề của Tây Sơn-Nguyễn Huệ ra đàm luận tự do, công khai. Và cũng trong 150 năm nghiệt ngã này những gì của Tây Sơn hầu như đã bị triệt phá, tiêu diệt hoàn toàn do vua quan, binh lính hiếu sát, ôm lòng thù hận nhất trong lịch sử nhà Nguyễn Gia Miêu thực hiện.

 

Đoạn sau đây trích trong tập sách GVNC của Nguyễn Duy Chính, trang 47. Và ít ra chúng ta cũng phải nghe được tiếng nói chân thật dù bị hạn chế rất nhiều nói về những sự thật đã bị tiêu diệt do những người đương thời phát biểu khi viết về thời đại Tây Sơn. Một nhà nước và những con người hầu như chỉ biết đánh giặc, dẹp loạn, đưa nhân dân thoát vòng binh lửa, lập lại hòa bình, thống nhất chung cho dân tộc, giống nòi.

 

"...Thiện Đình Đặng Xuân Bảng khi biên soạn Việt sử cương mục tiết yếu đã viết trong bài tựa: Đến như sự tích thời Tây Sơn, thì hồi đầu Gia Long đã có chiếu thiêu hủy hết. Vào năm Tự Đức, quan ngự sử Bùi Đình Trí (người An Lý, Hải Dương) dâng sớ xin sai quan biên soạn, sau vì có việc lại thôi. Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, họ Mạc cướp ngôi nhà Lê. Khi nhà Hán, nhà Lê trung hưng thì sự tích của Vương Mãng và họ Mạc cũng không vứt bỏ, vì sử là để khuyến khích và răn đe. Sao lại có chuyện sự tích 15 năm để cho mai một trong một lúc, không ai biết nữa? (Hai chúa Tây Sơn gồm Quang Trung 5 năm, Cảnh Thịnh 8 năm, Bảo Hưng 2 năm, gồm 15 năm). Thế thì lẽ khuyến khích và răn đe ở đâu? Hơn nữa, khi ấy nhà Lê đã mất, triều ta chưa lên, sự kế nối các triều Đinh, Lý, Trần, Lê trong 15 năm ấy, không thuộc Tây Sơn thì còn ai nữa?".

 

Đọc qua đoạn ghi chép này của Thiện Đình Đặng Xuân Bảng có thể bạn sẽ rất ưng cái bụng, cho đây là ngôn hành, văn bản của một con người trung trực, liêm khiết, chí công vô tư lắm lắm. Nhưng chúng tôi lại không cho là như vậy. Bạn hãy thử nghĩ lại mà xem. Giả dụ, bắt đầu từ thời Gia Long đến mãi sau này, nếu triều Nguyễn cho tự do viết lại sử thời Tây Sơn thì các sử gia triều Nguyễn sẽ viết như thế nào? Các ông có dám ghi rằng Thế tổ Nguyễn Ánh sao quá ngu dốt, ai đời lại đi quỳ mọp đầu sát đất lạy hết Xiêm rồi Pháp để đám ngưu đầu mã diện thương tình chu cấp vũ khí, tiền bạc, nhân lực hòng hùng hổ lận dao găm, dắt mã tấu đằng đằng sát khí kéo về quyết làm thịt Nguyễn Huệ nhưng hỡi ôi! Tất cả đã bị y rùng mình xuống tấn lật côn đập cho bầm giập, tả tơi, tan tác, cả đám xúm ôm đầu ngu vắt giò chạy xì khói trắng khói đen khiến thành một trò buồn cười quá chớ!

 

Thưa các bạn,
nếu các ông sử gia ban chép sử triều Nguyễn từng cần mẫn, miệt mài, hì hục ghi ghi chép chép y bon không sai li hào nào như thế về Nhà Tây Sơn, về anh hùng áo vải Nguyễn Huệ thì chẳng những chỉ riêng chúng tôi mà cả một dân tộc, đất nước này nhất loạt công kênh, đưa các ông lên đầu lên cổ tôn thờ kính cẩn, trang nghiêm ngay liền liền. Không chậm trễ đến phút giây. Lại còn bắt cả đám cháu chắt còn sót, dư thừa rồng rắn nối đuôi từ nay phải kính cẩn thờ phụng, lễ bái các ông đến đời đời kiếp kiếp nữa. Ấy bởi các ông là nhà chép sử mình đồng da sắt, xem coi cái chết nhẹ tựa chiếc lông, chả có trăm gram nào. Các ông chỉ một mực tôn trọng, coi sự thật là trên hết. Các ông là những anh hùng, người có một tâm hồn cao thượng, vĩ đại. Hoan hô các ông. Vạn tuế các ông. Các sử gia chân chính triều Nguyễn. Hoan hô! Hoan hô! Nhiệt liệt hoan hô! Nhưng nếu các ông sử gia triều Nguyễn chưa ló đã thụt, không dám ra công hì hục, ghi chép đúng sự thật như trên để bảo toàn mạng sống cho các ông và gia đình, giòng họ thì thế nào các ông cũng sẽ ghi, phải ghi đúng như sau đây: "Nguyễn Huệ là một tay chọc trời khuấy nước, tung hoành dọc ngang suốt trong Nam ngoài Bắc mà chả có một thế lực quân sự hay một nhân sự nào đương đầu nổi với y vài chiêu. Sàn qua sàn lại là y đã hất ngã nhào chỗng vó cả đám. Thương tình thì y thộp cổ mắng cho một trận rồi đuổi đi. Hễ thấy dễ ghét thì y đập cho một côn thẳng cẳng rồi đời. 29 vạn hùng binh cọp beo tết tóc đuôi sam chạy lúc lắc như đuôi ngựa quá ư buồn cười Thanh triều kia dõng mãnh biết nhường nào mà y quần vỏn vẹn chỉ năm ngày, đúng y bon năm ngày là không còn một ngóe. Khiếp thật! (rụt cổ...)

 

Nghĩ cũng lạ, chả biết lão Tôn tặc xưa kia làm cách nào mà ù chạy thoát về tận bển mới lạ à nghen. Chắc qua trận này lão đã tởn tới già, hết dám thụt ló qua xứ An Nam kỳ quái, chết tiệt kia rồi. Thực tình mà nói, chậc, Thế tổ ta làm nên sự nghiệp vẻ vang cũng nhờ y ra đi đột ngột, nếu không giờ này cả đám tướng sĩ tượng tạp nham chúng ta đây chắc đang ngồi húp cháo rùa ở xó xỉnh khỉ ho cò gáy nào đó rồi. Bởi chỉ cần nghe mùi nông dân gốc rạ Tây Sơn của y thoảng qua hơi gió là Thế tổ nhà ta đã hồn xiêu phách lạc, run bần bật, còn đánh đấm, la hét nổi gì. Tội cho Thế tổ nhà ta đã bao phen vào sinh ra tử, lên bờ xuống ruộng, từ chết tới bị thương để gầy dựng cơ nghiệp. Thế mà có kẻ lẻo mép, dám chê Thế tổ nhà ta là kẻ ăn có mới dễ ghét ấy chứ?"

 

Thưa bạn, các ông sử gia triều Nguyễn nếu là loại thỏ đế, an phận thủ thường, không dám ghi lại sự thật như chúng tôi đã đưa ra qua hai cách vừa rồi. Thôi thì tốt hơn các ông đừng nên ghi ghi chép chép cái gì cả, mà các ông hãy mặc tình tẩy xóa, bỏ trống khoảng thời gian Tây Sơn làm chủ chính trường suốt trong Nam ngoài Bắc là tốt nhất. Chứ các ông không thể ghi Tây Sơn là đám giặc cướp, Nguyễn Huệ là đồ này thứ nọ như trong bộ sử hô khẩu hiệu, láo khoét của các ông. Các ông còn lắm tài tình khi thêu dệt, bịa ra câu chuyện. Vào một chiều thu lá vàng rơi lác đác khi đang ngồi thì Nguyễn Huệ bị một ông già hiện ra cầm gậy đánh vào đầu trọng thương do dám cả gan xâm phạm mồ mã đám chúa tặc phản dân hại nước của các ông.

 

Các ông viết sử kiểu gì lạ thế? (nhướng mắt...)

 

Trong những đoạn sử viết về Tây Sơn khó có thể tin một điều gì. Bởi các ông dư biết đám vua quan mà các ông đang phục vụ toàn là thứ ngưu đầu mã diện, hút máu người không biết tanh hôi. Nếu các ông không ghi chép theo sự buộc bắt mà ghi theo sự thật. Thì trước hết các ông sẽ rơi đầu, và gia đình, con cháu, giòng họ các ông theo đó sẽ bị đám quỷ sứ bắt giết sạch không còn một ngóe. Do đó, các ông phải tập trung viết bậy. Đọc qua văn bản, ngôn ngữ các ông để lại không ai mà không thấy sự thêm bớt, bôi nhọ, bóp méo sự thật của các ông và của đám vua quan bán nước hại dân các ông.

 

Với văn bản, phát biểu của Thiện Đình Đặng Xuân Bảng ở trên có thể đó chỉ là một cái bẫy dùng để sập kẻ nào đó cao hứng nhảy ra vào việc thì thế nào cũng bị thộp cổ chém đầu hoặc tru di tam tộc. Bởi triều Nguyễn đã từng dán yết thị, bắt loa kêu gọi hàng binh và con cháu Tây Sơn ra khai báo để được hưởng lượng khoan hồng, tạo điều kiện cho về chí thú, tu tỉnh làm ăn. Khi mọi người lục tục kéo ra xếp hàng thì tất cả đã bị đám chó săn hùng hổ lôi ra pháp trường chém sạch. Chuyện này không phải chúng tôi bịa ra để nói xấu triều Nguyễn. Các bạn lục tìm thế nào cũng đọc được những ghi chép về sự tàn bạo có một không hai của đám vua quan con cháu, giòng họ Nguyễn Gia Miêu thời cai trị đất nước. Như chuyện tru di tam tộc giòng họ danh sĩ Cao Bá Quát do Tự Đức ban hành chẳng hạn. Cho nên, xin các bạn khắc xương ghi cốt cho điều này. Chớ vội tin những gì đã và đang ghi chép trong bộ môn sử. Bởi nó thuộc lĩnh vực có thể nói rất nguy hiểm nếu được phép ghi chép tất cả mọi diễn biến thời cuộc, chính trường, nơi thâm cung bí sử ra trên giấy trắng mực đen. Không, không bao giờ có chuyện dại dột đem tất cả mọi đúng sai, mọi bí mật quốc gia, triều đại công bố rộng rãi cho mọi người biết như thế bao giờ. Nếu có, thì những tài liệu mật này chỉ có những người và những bộ môn có trách nhiệm, có lương tâm mới được quyền biết đến mà thôi. Và họ tất nhiên là những người đã được tổ chức tuyển lựa rất kỹ. Lại một khi đã được, đã bị ghép vào quy ước của tổ chức thì họ phải biết mình không được tiết lộ những gì là bí mật quốc gia đại sự ra ngoài, kể cả cho gia đình, con cháu biết. Thế thôi.

 

Ở đây, trong câu chuyện GIẢ VƯƠNG NHẬP CẬN thuộc phạm vi bí mật quốc gia, vậy chỉ có những người trong cuộc mới biết sự thật như thế nào. Tất nhiên nó đã được nhà chép sử ghi chép cẩn thận, chi tiết, cụ thể vào bộ sử mà chúng tôi đã nói vì nó thuộc tiến trình xây dựng, cải cách cho sự phát triển đất nước, dân tộc cùng với sự liên quan mật thiết, chặt chẽ trong quá trình ngoại giao, đàm phán song phương, đa phương với các nước lân cận trong thời điểm ấy. Bộ sử ấy hiện còn không thì không biết. Đây là điều đã nói ở trên rồi. Còn hiện nay, rất bất ngờ chúng ta được nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Duy Chính cho biết. Đích thân vua Quang Trung sang chúc thọ Vua Càn Long, không phải Phạm Công Trị giả vương thế vai. Trong khi sử triều Nguyễn thì cho đó là Phạm Công Trị. Trong hai nguồn thông tin đối chọi này chúng ta sẽ tin vào đâu? Nếu chọn Nguyễn Duy Chính vì thông tin này được lấy từ chính tài liệu của nhà Thanh -người trong cuộc- còn lưu lại đến hôm nay. Nhưng nếu thông tin của sử triều Nguyễn ghi đúng thì những gì Nguyễn Duy Chính đưa ra, tức tài liệu của nhà Thanh lại ghi chép sai sự thật hay sao?

 

Vậy đứng trước sự đối chọi giữa hai dạng thông tin thực hư hư thực này, chúng ta có quyền đặt ra những câu hỏi ngang đây:
-Nguyễn Duy Chính xác định đó là vua Quang Trung thật, không phải Phạm Công Trị hay ai đó thế vai là với một mục đích gì?
-Tài liệu này đã nằm bao lâu tại khu vực quản lý của các ban ngành liên quan đến bộ môn sử học Trung Quốc? Vậy làm sao họ, bộ môn sử học Trung Quốc không biết đến bộ tài liệu giá trị này của Thanh triều với câu chuyện GIẢ VƯƠNG NHẬP CẬN?
-Và tại sao lâu nay giới sử học Trung Quốc không công bố vụ việc vô cùng quan trọng này ra cho dư luận trong và ngoài nước biết rõ?
-Lại Nguyễn Duy Chính có một trách nhiệm gì đối với Nhà Tây Sơn, đối với sự vinh nhục của đất nước, dân tộc khi lịch sử từng có một ông vua sau trận đánh chấn động càn khôn đại địa lại bất ngờ quay lưng 180 độ và sụp đầu lạy lục, van xin Thanh triều, đối thủ mà mình vừa tiễn đưa hồi dương cố quận không kèn không trống đến hèn hạ, nhục nhã như vậy?

 

Để trả lời những câu hỏi nêu trên, tốt hết các bạn hãy tiếp tục đọc thêm những trích đoạn được chúng tôi lựa chọn trong tập sách đặc biệt của Nguyễn Duy Chính đưa lên trên bài viết DẤU TAY TRÊN CHỮ dài 200 trang khổ A4 này vậy.
***

 

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang