Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

NGÀY XUÂN, BÀN CHUYỆN LỊCH SỬ: LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG...

NGÀY XUÂN, BÀN CHUYỆN LỊCH SỬ: LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG
NGÀY ẤY CÓ BỊ NGUYỄN ÁNH QUẬT PHÁ HAY KHÔNG?

Trong bài thơ khóc chồng Ai tư vãn Bắc cung Hoàng hậu sáng tác tại chùa Kim Tiên sau ngày vua Quang Trung ra đi, khổ 36 có câu:

 

Hang sâu nghe tiếng thương bi...

 

"Hang sâu" là cái hang nằm sâu dưới lòng đất, nói rõ hơn, "hang sâu" nên hiểu là Cung điện ngầm, là nơi đặt linh cữu, thi hài Hoàng đế Quang Trung, thuộc khu vực chùa Thiền Lâm 150 Điện Biên Phủ thành phố Huế ngày nay, nơi có Cung điện Đan Dương, như phát hiện của nhà nghiên cứu sử Huế Nguyễn Đắc Xuân. Trong những lần ra Huế, ngồi nói chuyện với ôn Chơn Trí, trụ trì chùa, ôn cho cho biết hiện trong khu vực chùa có mấy cái hang lớn, sâu lắm, hồi đó, khi ban đất làm chùa, tôi cho đổ đá lấp hết xuống để có chỗ xây dựng. Còn trong tập sách Đi tìm Cung điện Đan Dương-Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tác giả Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu sử Huế, trang 43, Chương Ba ghi:

 

1.Lăng Đan Dương ở bờ Nam sông Hương
Lăng mộ vua Quang Trung-Đan Lăng-Đan Dương Lăng-Cung điện Đan Dương đã bị quan quân nhà Nguyễn quật phá ngay khi họ vừa về đến Phú Xuân vào tháng 11 năm Tân Dậu (1801). Vụ trả thù này đã được ghi rõ trong Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, Q.XV, tr.26a: "Tháng 11 Tân Dậu, Nguyễn Vương cho phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ". (Xem lại A006).

 

Chứng tỏ lăng mộ vua Quang Trung sau khi bị vua Gia Long "tận pháp trừng trị" may ra chỉ còn dấu tích nơi bị quật phá chứ không còn hòm, không còn đầu lâu-xương cốt.

 

Nhưng sách Thực lục không cho biết địa điểm bị quật phá ấy ở đâu. Đối với chúng ta thì đó là một bí ẩn nên tôi tạm mã hóa là X. Phải đợi đến hơn 50 năm sau (1801-1852), Nguyễn Trọng Hợp và các sử thần ngồi ở Quốc sử quán trong Kinh thành viết lại bộ Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập), trong quyển XXX "Ngụy Tây" mới hé cho biết lăng mộ vua Quang Trung (mã hóa là X) đã được "táng vu Hương Giang chi nam" (葬于香江之南 táng ở bờ nam sông Hương). (Xem A011).

bìa sách

Đoạn trên là phần trích trong sách Đi tìm Cung điện Đan Dương-Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của ông Nguyễn Đắc Xuân, trang 43, chương Ba, được ông chép trong sách Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, trang 26a nói về việc Nguyễn Ánh vào tháng 11 năm Tân Dậu 1801 sau khi vào được Phú Xuân thì việc đầu tiên Nguyễn Ánh làm là cho tiến hành đào xới, quật phá nơi chôn cất Nguyễn Huệ. Riêng trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển thứ 30, trang 224-225 của Phủ Quốc vụ khanh, cơ quan đặc trách văn hóa Sài Gòn, xuất bản năm 1970 thì câu chuyện này được ghi như sau:

 

...tam nhật xa giá nhập Thăng Long thành. Chư trấn văn vũ quan lại tranh nghệ quân tiền đầu thú.

 

Thị đông xa giá hoàn Kinh, cáo miếu hiến phù, tận pháp trừng trị, quật phá Nhạc Huệ mộ đào khí hài cốt, u kỳ đầu vu ngục thất, cải Tây Sơn ấp viết An Tây ấp.

 

Minh Mệnh thập nhị niên, tục hoạch Nhạc tử Văn Đức Văn Lương, tôn Văn Đâu (Văn Đức chi tử) các tọa yêu trảm.

 

Ư thị Tây Sơn tộc loại vô phục kiết di hĩ.

 

Dịch nghĩa:
...ba xa giá của Thế tổ vào thành Thăng Long, quan chức văn võ các trấn tranh nhau đến cửa quân đầu thú.

 

Mùa đông ấy xa giá của Thế tổ trở về Kinh đô Phú Xuân báo cáo ở tông miếu và dâng hiến tù binh, tội phạm Tây Sơn đều bị giết để trừng trị, đào phá mộ của Nguyễn Nhạc Nguyễn Huệ, giã nát và đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào nhà ngục, đổi tên ấp Tây Sơn gọi là ấp An Tây[1].

 

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) bắt thêm được con của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Văn Đức Nguyễn Văn Lương, cháu nội của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Văn Đâu (con của Nguyễn Văn Đức) đều xử chém ngang lưng[2].

 

Do đó dòng dõi của Tây Sơn không còn sót người nào cả.

bìa sách

Như vậy, đọc qua các sử sự của triều Nguyễn, chúng ta cũng chỉ biết được được rằng sau khi vào được Phú Xuân vào năm Tân Dậu 1801 thì Nguyễn Ánh đã liền cho quan quân tìm đến nơi chôn cất Nguyễn Huệ, cho quật phá lăng mộ lấy hài cốt làm những việc như họ ghi chép. Trong đó, chúng ta phải hiểu, chẻ riêng ra sự việc, tất nhiên là Nguyễn Ánh khi ấy cho người vào Tây Sơn quật phá mộ Nguyễn Nhạc, lấy hài cốt mang về Phú Xuân để xử lý cùng với hài cốt của Quang Trung Nguyễn Huệ. Chớ không phải ngày ấy quan quân triều Nguyễn tiến hành quật phá mồ mã, hài cốt của Nguyễn Nhạc tại Phú Xuân. Trong việc ghi chép của phân đoạn sử nói về việc quật phá, xử lý hài cốt hai anh em Tây Sơn này, chúng ta thấy rõ bộ môn chép sử triều Nguyễn ngày đó ghi rất sơ sài, đại khái, ngọn bút lông của họ chỉ chấm phá, hý hoáy, thoáng lướt qua là xong, tuyệt đối họ không dừng lại lâu, ghi rõ ra từng chi tiết, cụ thể của việc tiến hành quật phá như thế nào, ví dụ, mộ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc hồi đó chôn, táng ở tại đâu trên địa giới Phú Xuân và Tây Sơn. Rồi khi đào, quật mồ mã, thì hài cốt hai anh em Tây Sơn hồi đó vẫn còn nguyên vẹn hay đã mục rữa, tan ra tro bụi hết rồi. Bởi một người chết, sau khi chôn, táng xuống đất, thì trong vòng một năm sau phần da thịt và nội tạng đã bị phân hủy, tan rã ra nước hoàn toàn, chỉ còn trơ lại bộ khung xương. Tóc và răng thì vẫn còn đó, lâu tiêu hủy hơn. Đây là nói hai quãng thời gian từ khi chôn tới khi bị quật phá, đúng một năm, hoặc ngắn hơn. Còn trong thực tế, từ khi triều Tây Sơn tiến hành thủ tục chôn, táng Quang Trung Nguyễn Huệ vào năm 1792 cho đến khi Nguyễn Ánh vào Phú Xuân, tiến hành quật phá mồ mã, lăng tẩm là đã 10 năm. Cả hài cốt của Nguyễn Nhạc trong thành Hoàng đế An Nhơn kia. Ấy thế mà Quốc sử quán triều Nguyễn lại ghi rằng "Tháng 11 Tân Dậu, Nguyễn Vương cho phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ" là sao? Vô lý quá!

 

Với cách ghi chép thế này ngày nay đọc qua chúng ta biết đó là chủ trương, dụng ý của triều Nguyễn trong phân đoạn sử nói về việc xử lý hài cốt hai anh em Tây Sơn sau khi họ vào được Phú Xuân từ năm Tân Dậu 1801. Có thể nói, theo chúng tôi, triều Nguyễn ngày ấy không dại gì ghi rõ từng chi tiết trong công việc quật phá, đào xới mồ mã kẻ thù không đội trời chung lên trên sách sử để làm gì. Với họ, cũng theo chúng tôi, việc ân oán, xử lý những gì liên quan đến kẻ thù không đội trời chung như vậy là quá đủ, với vài dòng tóm tắt sự việc như thế là được, quá tốt rồi. Mắc gì phải ngồi mài đủng quần ghi ghi chép chép dài dòng văn tự chữ nghĩa ra đến vài trang giấy, cả đoạn dài mà làm chi hệt như bài phóng sự của một nhà báo viết bài kiếm tiền nhuận bút ngày nay. Nhưng cũng có thể, ai biết đâu, thời đó, người chép sử triều Nguyễn khi ghi chép sự việc quật phá lăng mộ kẻ thù cũng rất đầy đủ, chi tiết, nhưng sau, qua phần kiểm duyệt, hoặc qua tấu trình của những kẻ lắm mồm mép, nhiều chuyện hiện bám bu sau lưng cơ chế, chính quyền lâm thời mới thành lập nên Gia Long đã ra lệnh hủy bỏ, không được ghi chép quá tỉ mỉ như thế về bọn giặc ngụy, mà phải ghi tóm tắt, sơ sài thế này, thế này. Nghe rõ chưa? Vì thế, các sử sự ghi chép về phân đoạn sử việc quật phá, đào xới mồ mã hai anh em Tây Sơn, một trong một ngoài, là kẻ thù không đội trời chung này của vua quan triều Nguyễn ngày ấy ngày nay chúng ta chỉ đọc được vài dòng tóm tắt được lấy từ trong các sách, như trích ở trên.

 

Chúng ta trở lại với đoạn nhập đề, câu "Hang sâu nghe tiếng thương bi" ở trên, của khổ 36, gồm 4 câu: "Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ, Cất chân tay thương khó xiết chi. Hang sâu nghe tiếng thương bi, Kẻ sơ còn thế huống gì người thân...". Như chúng tôi có nói trên bài viết Ngàn năm Kiều vẫn đẹp hôm 23 tháng 01 năm 2022 vừa rồi rằng trong bất cứ bài thơ nào mà nếu đó là bài thơ thuộc diện mật mã dùng để thông báo những sự việc gì đó có tính cách bí mật của sự việc, câu chuyện gì đó xảy ra của hôm qua, hôm kia đến với người đọc của tác giả, là người hiểu rõ câu chuyện, đôi khi là người trong cuộc. Như tác giả của bài thơ khóc chồng Ai tư vãn này đây. Thì bài thơ, câu thơ đó thuộc diện không bình thường. Thứ nhất, thì như đã nói, là bài thơ mật mã, thứ hai, bài thơ, câu thơ đã bị chỉnh sửa hay do tam sao thất bổn, không còn đúng với nguyên bản gốc của tác giả, của câu chuyện.

 

Vì thế, chúng ta cần phải biết, theo chúng tôi, bài thơ khóc chồng Ai tư vãn này của tác giả Bắc cung Hoàng hậu là bài thơ đã được Bà cài, nén, ẩn, giấu những mật mã chết người ở trong ấy mục đích để thông báo những sự việc mang tính bí mật của câu chuyện lịch sử từng xảy ra trước kia tại kinh đô Phú Xuân với cái chết vô cùng bất ngờ, đột ngột, không thể tin nổi của Hoàng đế Quang Trung xảy ra vào tháng 09 năm Nhâm Tý 1792.

 

Cho mãi đến ngày nay, hai trăm năm hơn đã trôi qua, hầu hết người ta vẫn cho rằng Quang Trung Nguyễn Huệ ngày ấy sở dĩ chết bất ngờ, đột ngột như thế là do Ngài bị chứng bệnh gọi là "huyễn vận" quật ngã. Sách Quang Trung của Hoa Bằng Hoàng Trúc Trâm, trang 419-420-421, NXB Dân Trí ấn hành năm 2014 cũng có ghi chuyện này, như sau:

 

Mà "huyễn vận" là một thứ bịnh do thiếu máu, bộ tiểu não bị tổn thương và thần kinh suy yếu mà sinh ra. Khi phát thì, trong một lúc, mắt hoa, tri giác mờ tối không biết gì cả.

 

Rồi từ đó bịnh ngày một tăng thêm, khó có hy vọng qua khỏi!

 

Khi bịnh xoay nặng, ngài triệu Trần Quang Diệu, trấn thủ Nghệ An, về triều, bàn việc thiên đô về Nghệ An, nhưng việc chưa quyết định xong thì bịnh tình nhà vua ngày một nguy kịch.

 

Ngài có trối trăng cùng bọn Diệu: "Sau khi ta mất, việc tang chế chỉ nên sơ sài thôi, phải trong một tháng phải liệu mà chôn cất. Các ngươi phải nên hiệp sức giúp Thái tử (Quang Toản), sớm thiên đô về Nghệ An để khống chế thiên hạ...".

 

Qua ngày Hai mươi Chín, tháng Chín, năm Nhâm Tý niên hiệu Quang Trung thứ Năm (1792), Thái Tổ Võ Hoàng đế thăng hà bỏ dở công cuộc định đánh Mãn Thanh, khôi phục lấy Lưỡng Quảng!"

 

Chuyện Quang Trung Nguyễn Huệ bịnh rồi chết nói trên được tác giả Hoa Bằng Hoàng Trúc Trâm trích trong Đại Nam chính biên liệt truyện. Chuyện này, theo ghi chép các sử gia triều Nguyễn trong Đại Nam chính biên liệt truyện, như sau, chúng tôi trích lại nguyên văn:

 

Một hôm về chiều vua Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm tối tăm thấy một ông già đầu bạc từ trên không trung đến, mặc áo trắng cầm gậy sắt mắng rằng: "Ông cha ngươi sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân của Chúa. Ngươi sao dám phạm đến lăng tẩm?".

 

Rồi lấy gậy đánh vào trán. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ mê man ngã xuống hồi lâu mới tỉnh, đem việc ấy nói với quan Trung thư Trần Văn Kỷ.

 

Từ đó bịnh chuyển nặng, mới triệu quan Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Quang Diệu về thương nghị việc dời đô Nghệ An. Thương nghị chưa xong thì lúc ấy Thế tổ triều ta đã khắc phục Gia Định, lấy Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, thanh thế chấn động.

 

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ nghe được lo buồn, bịnh thế ngày càng kịch liệt, vời bọn Diệu dặn rằng: "Ta mở mang cương giới, khai thác đất đai có trùm cõi Nam phục, nay bịnh ắt không dậy được. Thái tử tư chất khá cao nhưng tuổi còn bé, ngoài thì có mối thù với nước Gia Định, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) tuổi già ham dật lạc tạm yên không lo hậu hoạn. Sau khi ta mất rồi phải trong một tháng phải lo chôn cất sơ sài cho xong việc mà thôi. Bọn ngươi phải phò Thái tử sớm dời về Vĩnh đô để khống chế thiên hạ. Không như thế khi binh Gia Định ra đến, bọn ngươi không có chỗ chôn đấy".

 

Bọn Diệu cùng khóc nhận lịnh, giết ngựa bạch cùng thề.

 

Ngày 29 tháng 9 vua Quang Trung Nguyễn Huệ băng, ở ngôi được năm năm, tuổi mới bốn mươi. Thái tử Quang Toản nối ngôi, tháng mười an táng vua Quang Trung ở phía Nam sông Hương, đặt tên thụy là Thái tổ Võ Hoàng đế, sai quan Thị trung Đại học sĩ Ngô Nhậm, Hổ bộ Tả đồng nghị Nguyễn Viết Trực, Hộ bộ Tả thị lang Nguyễn Văn Thẩm sang nhà Thanh báo tang, nói dối rằng vua Quang Trung Nguyễn Huệ có dặn lại sau khi mất thì chôn ở Tây hồ thuộc Bắc thành ngõ hầu được gần gũi nương tựa thiên triều.

 

Vua Thanh tin theo, ban cho tên thụy là Trung Thuần và đích thân làm một bài thơ điếu (dịch nghĩa):
1-Lệ nước ngoài thì sai bề tôi đi.
2-Việc chầu thăm từ trước đến nay không hề bận đến bản thân của Quốc vương.
3-Nộp cống thì đáng khen nhất việc Quốc vương thân đến triều thuyết.
4-Trẫm hoài nghi và đáng cười việc triều trước đòi người bằng vàng để thay thế.
5-Trong mùa thu trước Trẫm còn nhớ Quốc vương đã áo mão nghiêm trang.
6-Dưới đầu gối khi làm lễ bão tất thì hoàn toàn như tình thân thiết giữa cha con.
7-Bảy chữ không thể dứt được niềm xót xa của Trẫm.
8-Trẫm thương nỗi trung thành của ngươi phát xuất từ lòng chân thật.

 

Ban thêm đại xa quỳ một món (tượng Phật), bạc ba ngàn lượng để làm việc tang, phái quan Án sát Quảng Tây Thành Lâm đến mộ giả ở Linh đường (thuộc huyện Thanh Trì) đọc văn tế. Bài văn có câu (dịch nghĩa):
Cầu phúc cho Vương ở cuối phương Nam, đã tận trung nên đặc biệt khen thưởng việc Vương sang chầu.
Vương yên xác ở Tây hồ, lúc lìa đời chẳng quên lòng quyến luyến Thiên triều.
Bài văn điếu được khắc vào bia đá dựng ở bên tả ngôi mộ giả...
(Trích Ngụy tây, Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển thứ 30, trang 171-177)

 

Hai đoạn trích ở trên của hai tập sách, một trước một sau, đều như nhau vì cùng một nguồn mà ra, đều là những thông tin sai bậy do ngọn bút các sử gia triều Nguyễn bịa chuyện, thêm mắm dặm muối, viết ra không ngoài mục đích đánh lừa dư luận và nói xấu, hạ nhục kẻ đã từng đánh chúa của mình đến thất điên bát đảo, ôm mạng trành chạy cùng khắp, thất tha thất thểu, chết lên chết xuống. Cuối cùng, chúa của mình (Nguyễn Ánh) chỉ có con đường duy nhất, hay nhất vào lúc ngàn cân cắc cớ treo sợi tóc. Ra nước ngoài phủ phục, quỳ lạy sát đất van xin các quan thầy mở lòng từ bi thương xót, tế độ, giúp cho viện binh, rồi tớ thầy mới hùng hổ hò hét, văng tục, chửi rủa lung tung, xúm kéo đám đầu trâu mặt ngựa giắt dao găm, vác mã tấu về lập mưu, dàn kế đánh lại kẻ thù không đội trời chung kia. Nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Cả đám quan binh tớ thầy bị gài bẫy đánh cho tan tác, bầm giập, mặt méo đầu u đầu trán sứt, thây ma chết nhăn răng, há miệng trôi nổi lềnh bềnh, chật kín sông Rạch Gầm Xoài Mút, ai thấy cũng hãi kinh, lè lưỡi, ớn óc. Thiệt đáng đời bọn bán nước, phản quốc. Đám tớ thầy xúi bậy, ăn theo may mắn còn sống sót hồn vía thăng thiên, ôm đầu máu lũi chạy mất dạng.

 

Theo chúng tôi, thông tin, tài liệu mà đám sử gia triều Nguyễn viết, chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện về cái chết của Quang Trung Nguyễn Huệ là hoàn toàn sai bậy, tào lao, không đáng để mắt chút nào, nói gì mang đặt liền vào đó niềm tin của câu chuyện lịch sử từng xảy ra tại kinh đô Phú Xuân vào tháng 09 năm 1792, thời mà Nguyễn Ánh và quan binh bộ hạ còn ở tận đâu đâu, nói gì đám sử gia chuyên nghiệp nghề xuyên tạc, dựng chuyện, viết bậy như thế của Quốc sử quán triều Nguyễn chỉ mãi về sau, rất lâu, mới được hình thành, nhóm họp, khi triều đình nhà Nguyễn đã được thành lập và cũng chỉ đến khi cung điện, nơi làm việc của các ban bệ triều chính của họ được chính thức xây dựng, kiến thiết, định hình cho một đường lối, chủ trương, chính sách bắt đầu từ năm Nhâm Tuất 1802, là năm Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ngồi nhiếp chính, điều khiển các ban bệ, quan tướng dưới trướng tại vị trí như chúng ta thấy ngày nay. Phía trước là dòng nước ngầu đục Tiền Đường 前堂 vẫn mãi lặng trôi, là nhân chứng trung thành, duy nhất từng chứng kiến bao sự thăng trầm, đến đi của các tập đoàn, cơ chế nổi lên với mộng bá vương, bành trướng, cai quản thiên hạ qua bao cuộc dâu bể trên địa giới lắm quỷ nhiều ma, lắm vua nhiều chúa, phật tiên hiền thánh thôi thì cũng hằng hà sa số. Chả biết đâu mà lần.

 

Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm.
Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông,
Thuyền ai thấp thoáng trên sông.
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
(Ưng Bình Thúc Gịa Thị)

 

Trong câu chuyện này, về phân đoạn sử của cái chết Quang Trung Nguyễn Huệ chúng tôi từng nói quá nhiều rồi, rằng không phải Quang Trung Nguyễn Huệ ngày ấy chết vì bất cứ chứng bệnh nào cả, như các dạng thông tin, tài liệu sử ghi chép còn lưu lại đến hôm nay, mà Quang Trung Nguyễn Huệ chết là do âm mưu của Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc móc ngoặc cùng đám loạn tướng dưới trướng Quang Trung hiện đang ở tại Phú Xuân thì từ đó mưu kế dàn binh phục kích, ám hại Ngài mới có thể mang lại thành công trọn vẹn. Và, câu chuyện lịch sử bi hùng có một không hai ngày đó về sau không lâu được thi hào Nguyễn Du chấp bút trần thuật, viết lại trong Kiều, bắt đầu từ câu 2451 "Có quan tổng đốc trọng thần" là lúc nhân vật Hồ Tôn Hiến, tức Nguyễn Nhạc xuất hiện tại Phú Xuân đến câu 2564 "Truyền cho cảo táng di hình trên sông" là lúc chiến cuộc đã tàn, thây người chết nằm ngổn ngang và khi Quang Trung Nguyễn Huệ đã nhắm mắt xuôi tay do tương quan cuộc chiến giữa hai bên hiện trong tình thế mãnh hổ nan địch quần hồ, một mình tướng giặc Từ Hải, nói theo Kiều, chống cự không lại Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc và đám loạn tướng gồm Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, vvv... Cuối cùng, Từ Hải, tức Quang Trung đành phải chết, mà là chết đứng, vì những mũi tên tẩm thuốc độc của bọn cung thủ mai phục núp chung quanh bắn tới tấp vào con người uy dũng, bất khuất từng xem coi cái chết nhẹ tựa chiếc lông hồng trong suốt thời gian Ngài còn xông pha, rong ruổi, thắng nhung y mang gươm cưỡi ngựa đi chinh phạt khắp các nơi của hai vùng chiến thuật Bắc Nam, từ trên cạn xuống dưới nước.

 

Bài viết này chúng tôi chỉ nói đến những gì được Bắc cung Hoàng hậu nói trong bài thơ khóc chồng Ai tư vãn ở trên, với khổ 36. Còn câu chuyện Quang Trung Nguyễn Huệ ngày ấy chết như thế nào thì thi hào Nguyễn Du cũng đã miêu tả, nói rõ trong Kiều từ câu 2451 đến câu 2564 là lúc thi hài của người anh hùng áo vải đã được con đò đưa xác chuyển từ bên kia sông Tiền Đường 前堂, nơi làm việc của triều Tây Sơn tại Phú Xuân, Nguyễn Du gọi là Vô Tích: đập phá không còn dấu tích để xây dựng lên triều đình mới của triều Nguyễn như chúng ta thấy ngày nay, để qua phía bên này sông, về tại Cung điện Đan Dương, gần chùa Thiền Lâm, nơi ở của Ngài và gia đình vợ con. Trong khổ thơ 36 này có hai câu thuộc diện không bình thường, là hai câu được tác giả cài, nén những bí ẩn lịch sử, nói ngắn gọn là hai câu chứa đựng mật mã: "Hang sâu nghe tiếng thương bi, Kẻ sơ còn thế huống gì người thân".

 

Trong câu có chữ "thương", "thương bi", "thương " ngoài nghĩa là thương cảm, thương xót, thì "thương " còn thêm nghĩa là ma chết đột ngột, nói rõ hơn, là đám ma của người chết đột ngột, bất ngờ. "Thương " như vậy là chữ được dùng để ám chỉ cái chết vô cùng bất ngờ, đột ngột của vua Quang Trung đã được chính người trong cuộc, tác giả bài thơ, nói, viết ra. Mà hơn hai trăm năm trôi qua lịch sử chưa bao giờ thấu hiểu tại vì sao như thế. Chỉ duy nhất truyện Kiều là có ghi rõ chi tiết, cụ thể câu chuyện xảy ra ngày ấy. Nhưng rắc rối sao xưa nay người ta hết cũ lại mới ai cũng xúm thò thọc, chõ mồm, bàn ra tán vô, cho Kiều là câu chuyện của văn học Trung Hoa do Thanh Tâm Tài Nhân người bên ấy cao hứng sáng tác là sao. Vì thế, những sự thật của lịch sử từng được Nguyễn Du ghi chép, trần thuật khá đầy đủ, xoáy vào nhân vật trục Thúy Kiều, xoay quanh câu chuyện nước non ngàn dặm ra đi của nàng sau chiến thắng Bắc Hà lần thứ nhất của nhân vật Mã quản binh, tức Nguyễn Huệ dưới chiêu bài "Phù Lê diệt Trịnh: phải tên xưng truất thằng bán tơ" vào năm Bính Ngọ 1786 bỗng chốc đã bị ngăn chặn, bít mất hoàn toàn là bởi những hiểu biết rất mù mờ, nhập nhằng, ngờ nghệch của giới văn thơ, trí thức ba miền Bắc Trung Nam từ ấy đến nay. Chỉ đến khi chúng tôi xuất hiện, có mặt trên cố đô Huế từ tháng 8 năm 2013 hòng mong đi tìm lại được chút tàn dư cáu cặn gì của quá khứ hay không thì từ đó những bí ẩn của câu chuyện lịch sử xa xưa mới bắt đầu được hé mở dần dần và dần dần...

 

Gợi buồn chi này cố đô ơi,
Hoàng thành kia giờ không thấy lối.
Từng nét xưa đã phai rồi,
và dáng em cũng mất rồi.
Còn nữa đâu lời trăn trối...
(CỐ ĐÔ YÊU DẤU-Châu Kỳ)

 

Lại "thương " còn có nghĩa, còn đọc là dương. Dương là ám chỉ cho Cung điện Đan Dương 宮殿丹陽, nơi ở của Quang Trung Nguyễn Huệ và gia đình vợ con như đã nói. Tiếp theo là chữ "sơ ", "kẻ sơ", "sơ " trước hết, theo nghĩa đen là thông suốt, sau là họ xa, không thân thiết, gần gũi, có bà con, dòng họ gì. "Sơ " cũng còn đọc, còn có nghĩa là sư. Sư , là sư sãi, những người ở chùa, tu hành theo Phật giáo. Sư  cũng còn đọc là tư. Tư mở ra nghĩa cần thiết, nhắm đến, là vạch ra chữ sở. Sở là Ngô Văn Sở, một danh tướng hiện dưới trướng vua Quang Trung, thời đó ở vùng ngoài này. Theo những gì cho biết trong các sách, tài liệu lịch sử cũ mới, như tập Đại Việt quốc thư do dịch giả Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch và xuất bản trước 75, một tập nữa của tác giả Nguyễn Duy Chính hiện ở Mỹ dịch và xuất bản năm 2016, của NXB VH-VNTPHCM, vào năm Canh Tuất 1790 Ngô Văn Sở từng có mặt trong đoàn phái bộ ngoại giao Phú Xuân lên đường qua Yên Kinh dự lễ chúc thọ vua Càn Long năm ngài tròn 80, gọi là Bát tuần thượng thọ. Đó là chuyện quá khứ, chuyện đã qua, còn trong câu chuyện này, về cái chết của vua Quang Trung, của giờ phút hiện tại, thì tướng Ngô Văn Sở là một trong những loạn tướng từng phối hợp cùng với các tướng khác ở Phú Xuân núp phía sau tấm màn nhung thò tay móc ngoặc, xầm xì to nhỏ và bật đèn xanh cho Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc ở thành Hoàng đế An Nhơn giương cao lá cờ thêu bốn chữ Đại quan chinh phủ, không phải Đại quan chiêu phủ, nói theo Kiều, bản văn xuôi, chữ Hán, của Thanh Tâm Tài Nhân Khiêm Trọng Nguyễn Du, âm thầm kéo quân ra tổ chức, dàn binh bố trận, mai phục, đánh úp và ám hại vua Quang Trung ngay tại cửa biên, bên bờ sông Tiền Đường 前堂, trước triều đình cũ của Tây Sơn, Nguyễn Du gọi là Vô Tích, vào tháng 09 năm Nhâm Tý 1792 như đã nói.

 

Bấy lâu bể Sở sông Ngô ngó rình...

 

chớ không phải:

 

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành...

 

Tiếp theo chữ "sơ", "kẻ sơ", "sơ" là đúng với vị trí, sự liên hệ của tướng Ngô Văn Sở với Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ là kẻ xa, không phải người gần, tức giữa hai bên không có liên quan bà con, dòng họ, mật thiết gì cả, dùng ám chỉ cho tướng Ngô Văn Sở như đã nói là chữ "thân". "Thân " là thân cận, gần gũi, có bà con, dòng họ, hoặc "thân " là cha mẹ, ông bà, gọi là lục thân. Lại "thân " là nói, trình bày, tâm sự, kể rõ đầu đuôi câu chuyện, sự việc gì đó cho ai đó nghe hiểu sự việc, ngọn ngành từng xảy ra như thế nào, tại sao. "Thân " còn là đông đúc, đông đảo, nhiều người. "Thân " cũng đọc là sân. Sân còn đọc là trấn. Trấn  còn có âm đọc là trần. Trần là bụi bặm, dơ bẩn, là trần tục, chỉ cõi trần là nơi cấu uế, bợn nhơ, bụi bặm. Vậy, trần cũng tương đương với sở, đều dùng chỉ cho sáu trần cảnh bên ngoài, gồm sắc, thanh, hương, vị, pháp, tưởng. Còn năng là bên trong con người, năng sở 能所 là nói theo danh từ chuyên môn trong đạo Phật. Trần ở đây là họ trần, họ của danh tướng Trần Quang Diệu, chồng của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Xét về mặt gia tộc, gần gũi, có liên hệ bà con, thì Trần Quang Diệu, chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân, là người rất gần gũi, thân cận với Quang Trung Nguyễn Huệ. Bởi nữ tướng Bùi Thị Xuân, vợ của Trần Quang Diệu, là con của ông Bùi Đắc Chí, gọi bà Bùi thị Nhạn bằng cô. Nguyên ông Bùi Đắc Lương, một cự phú ở thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (Tây Sơn) sanh năm người con, gồm Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung, Bùi Đắc Tuyên và hai gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn. Với gốc tích thế này về sự liên hệ bà con, dòng họ của các nhân vật lịch sử từng nhúng tay vào đại án Nhâm Tý 1792 tại cửa biên, bên bờ sông Tiền Đường 前堂 gây ra cái chết cho người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ bởi những người cùng trong tộc họ, gia đình, trong Kiều Nguyễn Du gọi danh từ mã hóa là Từ Hải, cho nên tác giả Ai tư vãn từ đó mới có điều kiện, cơ sở để viết ra câu "Kẻ sơ còn thế huống gì người thân" là để chỉ cho trường hợp vô cùng đặc biệt này của vụ án.

 

Như thế, đọc đến đây, chúng ta đã biết, trong tuyệt tác văn học khóc chồng Ai tư vãn dùng để kể lễ những tâm tình, nỗi trắc ẩn bi thương của một góa phụ sau ngày chồng ra đi bất ngờ, đột ngột thì Ai tư vãn cũng còn là văn bản dùng cài nén, chứa đựng những mật mã để thông báo cho lịch sử ngày sau biết rõ cái chết của chồng tác giả là bởi vì lý do nào, ai gây ra, chớ không phải như theo ghi chép tào lao thiên địa của các dạng tài liệu, sách vở đã trích ở trên của sử triều Nguyễn và sử mồm mép dân gian là do Ngài bị chứng bệnh "huyễn vận" quật ngã, ngày nay gọi là tai biến mạch máu não quá tào lao như thế. Đây là thông tin dạng xưa bày nay làm: trước nói sao sau nói theo vậy, ngày nay gọi là tục ăn theo nói leo. Trong khi sự thật của câu chuyện lịch sử lại hoàn toàn khác hẳn, như đã nói. Thiết nghĩ, câu chuyện này đã từng làm hao tốn biết bao nhiêu công sức, thời gian, giấy mực của các nhà nghiên cứu sử chuyên, không chuyên về cái chết đầy bí ẩn, khó giải thích của Quang Trung Nguyễn Huệ ngày ấy là do nguyên nhân nào, vì sao. Nhưng có mấy ai xưa nay biết được rằng những bí ẩn lịch sử đã được người trong cuộc, tác giả bài thơ, ngày ấy nói, ghi quá rõ trong văn bản với những câu, chữ dùng cài nén, ẩn chứa những mật mã quan trọng để cho người sau khi đọc qua nếu tinh ý sẽ phát hiện và nắm bắt rõ ràng sự việc ngày ấy từng xảy ra như thế nào, ở đây là phần giải thích các câu, chữ trong khổ 36.

 

Khổ 36 còn có chữ "bi ", nói đầy đủ là "thương bi 愴悲" chưa giải thích. "Bi " ngoài nghĩa buồn bã, âu sầu, thương cảm, tiếc nhớ khôn nguôi, khóc không ra nước mắt, thì "bi " còn là tấm bia đá, hoặc "bi " cũng còn có thêm nghĩa là triền núi, dốc núi, sườn núi. Theo địa lý, thì Cung điện Đan Dương 宮殿丹陽, tiền thân là Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn mà sau khi đánh chiếm Thuận Hóa vào năm 1786 Nguyễn Huệ đã tiến hành cho sửa chữa thành Cung điện Đan Dương 宮殿丹陽, làm nơi ở của gia đình vợ con, được nhà nghiên cứu sử Huế Nguyễn Đắc Xuân xác nhận là nằm trên vùng đồi núi cao ráo để tránh ngập lụt hằng năm do thời tiết mưa gió vùng miền gây ra của các chúa Nguyễn. Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, Phủ Dương Xuân còn được gọi là Cung điện mùa đông: nơi tránh mưa bão mùa đông.

 

Tóm lại. Với những gì được giải thích ở trên, thì chúng ta được biết rõ hơn, chi tiết hơn, cái chết của vua Quang Trung vào năm 1792 không phải là do bệnh tật gây ra như nhiều dạng ghi chép lịch sử, mà đó là do Ngài bị đám loạn tướng dưới trướng gồm Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, vvv... đã thò tay móc ngoặc với Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc từ thành Hoàng đế An Nhơn trong kia âm thầm kéo đội quân cảm tử ra mai phục, gài bẫy và bất ngờ đánh úp khiến Quang Trung Nguyễn Huệ dù là một danh tướng võ nghệ cao cường, sức khỏe vô địch thiên hạ, cuộc đời binh nghiệp ruổi rong đây đó chưa bao giờ biết nếm mùi chiến bại là gì cũng đành phải thúc thủ, bó tay, chịu chết bởi mãnh hổ nan địch quần hồ, một mình không thể chống cự trước một rừng đao kiếm và những mũi tên oan nghiệt bắn ra tới tấp như thế từ đám cung thủ mai phục chung quanh. Có thể đám cung thủ đó là người dân tộc Bana, vùng Tây Sơn thượng đạo, tuyệt đối trung thành với chúa Nguyễn Nhạc, người nhà trời sai xuống, theo những gì Nguyễn Nhạc từng dựng lên thời kỳ Tây Sơn mới bắt đầu phất cờ tụ nghĩa, chiêu tập binh mã từ năm Tân Mão 1771. Trong Kiều Nguyễn Du có ghi rõ giây phút đơn độc tử chiến, tay không dũng mãnh tả xung hữu đột cuối cùng của tướng giặc cầm tinh con cọp Từ Hải, tức người anh hùng áo vải Tây Sơn, bằng những câu, chữ tinh tế mang tính thời sự chắc lọc, sắc lẻm, dứt khoát, cô đọng, đầy chất thơ, lắm bi kịch và cũng lạnh lùng, vô cảm hết sức một cách, lạ làm sao:

 

Hồ Tôn ám hiệu trận tiền,
Ba bề phát súng bốn bên kéo cờ.
Đang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng đành.
Tử sinh liều giữa trận tiền,
Dạn dày cho biết gan tiền tướng quân.
Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng rời.
Quan quân truy sát đuổi dài,
Ầm ầm sát khí ngất trời ai đang.
Trong hào ngoài lũy tan hoang,
Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi.
Trong vòng tên đá (lửa?NV) bời bời,
Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.
Khóc rằng: "Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp ra cơ hội này!
Mặt nào trông thấy nhau đây?
Thà liều sống chết một ngày với nhau".
Dòng thu như xối cơn sầu,
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.
Lạ thay oan khí tương triền,
Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra.
Quan quân kẻ lại người qua...

 

Bạn biết gì chưa? Người anh hùng áo vải đất Tây Sơn huyền thoại đã chết anh dũng, bất khuất, đầu đội trời chân đạp đất hiên ngang như thế dưới ngòi bút hý lộng quỷ thần của tay văn học lừng danh, hãn hữu đương thời Nguyễn Du, câu 2520: chết đứng. Chỉ đến khi người đẹp Thúy Kiều được đám loạn quân đưa tới, thấy chồng đã chết, liền khóc ngất quỳ phục xuống một bên thì lúc đó người anh hùng áo vải với cái chết đứng có một không hai dưới gầm trời mới chảy hai hàng nước mắt, và ngã theo nàng, theo ghi chép trong bản văn xuôi, chữ Hán.

 

Đó là những bật mí lịch sử trong Kiều của riêng phần thi hào Khiêm Trọng Nguyễn Du. Riêng trong văn bản khóc chồng Ai tư vãn được chính Bắc cung Hoàng hậu Hoàng Thị Thu Mai, không phải Công chúa Lê Ngọc Hân như ghi chép nhầm lẫn của lịch sử, ghi lại và cho biết những kẻ nào ngày ấy đã gây ra cái chết cho chồng của Bà. Và sau đó, sau cái chết mà nói theo ghi chép lịch sử chính thống là Ngài bị chứng "huyễn vận" quật ngã hoặc cái chết bất ngờ, đột ngột không biết vì lý do gì, tại sao, còn nói theo trần thuật của người trong cuộc, đương thời là cái chết mãnh hổ nan địch quần hồ, chết đứng, bên bờ sông Tiền Đường 前堂 của tướng giặc Từ Hải hay của tiền tướng quân, nói đầy đủ là Tiền phong tướng quân: sắc phong của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc. Thì bấy giờ thi hài của vua Quang Trung đã được ban tham mưu Tây Sơn cho tiến hành ướp xác, mang đặt dưới Cung điện ngầm tại khu vực sườn đồi núi Dương Xuân Sơn, nơi có Cung điện Đan Dương 宮殿丹陽 đúng như những ám chỉ của tác giả Ai tư vãn trong các câu, chữ khổ 36 mà chúng tôi đã giải thích cặn kẽ ở trên với hai chữ mật mã "thương bi 禓悲".

 

Tiếp theo câu có hai chữ "thương bi 禓悲" là câu "Kẻ sơ còn thế huống gì người thân". Câu này có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất, là nói về việc hằng ngày dưới Cung điện ngầm tại sườn núi Dương Xuân Sơn, nơi có Cung điện Đan Dương 宮殿丹陽, thì những người hay lên xuống thắp đèn nhang, cúng kính, thăm nom linh cữu vua Quang Trung vẫn thường hay khóc lóc, sụt sùi, than vãn cho cái chết rất khó chấp nhận của bậc minh chủ, thần tượng cuộc đời mà mình hằng tôn thờ, kính ngưỡng, gồm hai hàng văn võ, cung phi mỹ nữ, kẻ xa người gần. Nghĩa thứ hai là dùng để ám chỉ những kẻ gây ra đại án năm Nhâm Tý 1792, là Nguyễn Nhạc, Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, vvv... như đã giải thích. Những tiếng khóc than, nỗi sụt sùi, thương cảm, bi ai ấy đã đến tai Bắc cung Hoàng hậu, và Bà đã đưa nó vào trong văn bản Ai tư vãn, khổ 36 hòng mong mỏi sau này có ai khi đọc qua sẽ hiểu rõ những sự tình uẩn khúc về cái chết của chồng Bà khi xưa. Trong bài thơ khóc chồng này còn có nhiều câu, chữ nói về những ẩn khuất, bí mật của đại án năm Nhâm Tý 1792 nữa, không phải chỉ nội khổ 36 là thôi đâu. Như câu "Lòng trời giáo giở vận người biệt ly". Chữ "trời", "lòng trời", là để ám chỉ tâm địa hiểm độc, gian xảo, hèn hạ, nhỏ mọn của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, anh Nguyễn Huệ, đã âm mưu kéo quân từ thành Hoàng đế An Nhơn ra phối hợp cùng với những loạn tướng tại Phú Xuân dàn kế mai phục, bất ngờ đánh úp, gây ra cái chết cho chồng tác giả vào tháng 09 năm 1792 tại cửa biên, bên bờ sông Tiền Đường 前堂. Nói theo ghi chép, bật đèn xanh của Nguyễn Du trong Kiều, câu 2512 "Đại quan lễ phục ra hầu cửa biên".

 

Để xác định sau cái chết đầy bất ngờ, đột ngột của vua Quang Trung như thế, nói như ngày nay là do cuộc đảo chính của các loạn tướng dưới trướng tại Phú Xuân đã phối hợp, nói đúng hơn, đã được điều khiển bởi bàn tay lông lá của Hồ Tôn Hiến từ thành Hoàng đế An Nhơn vào tháng 09 năm 1792 thì mộng làm chủ nước Nam của Trung ương Hoàng đế Thái đức Nguyễn Nhạc từ đó mới có thể thành công, trở thành hiện thực. Và thi hài vua Quang Trung sau đó đã được ban tham mưu Tây Sơn quyết định ướp xác, bảo vệ lâu dài, không địa táng theo cách thông thường, là chúng tôi phải dựa vào các văn bản thơ khác nữa, cũng của những người trong cuộc, đương thời, trước hết là bài Đường luật Khâm vãn Đan Dương Lăng của danh sĩ Ngô Thì Nhậm, người từng được Quang Trung ân sủng, dành cho nhiều đặc ân trọng hậu nhất trong các quan văn võ thời ấy. Văn bản thứ hai là của Nguyễn Du, bài luật Đường Vọng Thiên Thai Tự, đây được xem là bài thơ tuyệt mệnh của tác giả, bởi sau khi làm bài thơ này xong, thì tay văn học trứ danh, hãn hữu, có một không hai của đất nước, dân tộc liền nhảy sông Tiền Đường 前堂 quyên sinh, tự vẫn, mang theo xuống dòng nước ngầu đục Tiền Đường 前堂 ngàn năm mối tình duyên ngang trái, lỡ làng, bẽ bàng của mình với người đẹp nghiêng nước nghiêng thành Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai do kẻ thù không đội trời chung là tướng giặc Từ Hải gây ra, cướp mất, mở màn từ chiến thắng Bắc Hà lần thứ nhất năm Bính Ngọ 1786 với nhân vật mã hóa Mã quản binh. Văn bản thứ ba là của danh sĩ xứ Đàng Ngoài, Bà Huyện Thanh Quan, với bài luật Đường Thăng Long Hoài Cổ sáng tác vào các năm 1841-1847, thời bà từ Đàng Ngoài vào Phú Xuân làm việc cho vua Thiệu Trị, rồi Tự Đức.

 

Trong ba bài thơ ám chỉ bí mật lịch sử trọng đại này của các nhà văn học lừng danh, hãn hữu của đất nước như đã nói thì chỉ có bài Khâm vãn Đan Dương Lăng của danh sĩ họ Ngô là cho biết rõ thi hài minh chủ, thần tượng của mình ngày ấy đã được ướp xác, không chôn táng theo cách thông thường xưa nay. Lần đầu thi hài, linh cữu vua Quang Trung được đặt để tại Cung điện Đan Dương 宮殿丹陽, dưới Cung điện ngầm, là cái hang sâu hút tại sườn núi Dương Xuân Sơn, nơi có ngôi chùa Thiền Lâm lịch sử đúng như Bắc cung Hoàng hậu cho biết trong các câu khổ 36 bài thơ Ai tư vãn. Nói như thế bởi Ngô Thì Nhậm là người trong cuộc, trong ban tham mưu Phú Xuân, cùng với hai người nữa, là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và Bắc cung Hoàng hậu Thu Mai, tất cả đã cùng thảo luận và quyết định việc chọn địa điểm để di chuyển thi hài, linh cữu vua Quang Trung đến một nơi khác cất giấu. Rồi sau đó, khi linh cữu, thi hài người chết đã được an trí dưới Cung điện ngầm tại quần thể đồi núi Dương Xuân Sơn kéo dài khác, gần đàn Nam Giao triều Nguyễn ngày nay, thì ngay tại phía bên trên, mà bên dưới là Cung điện ngầm, ngôi chùa Thiên Thai đã được dựng lên. Bắc cung Hoàng hậu Thu Mai đã ở tu hành, trụ trì ngôi chùa này ngày đêm tụng kinh cầu nguyện cho chồng và cũng để bảo vệ dấu tích, thi hài của chồng bên dưới chánh điện cho đến lúc ra đi vào năm Kỷ Mùi 1799. Từ đó, ngôi chùa chứa đựng một trời bí ẩn lịch sử này qua bao cuộc dâu bể thăng trầm, chuyển giao lịch sử, từ quân chủ phong kiến sang thời kỳ cai trị của hai thể chế chính trị đối lập vùng miền: Việt Nam cộng hòa và Việt Nam dân chủ cộng hòa đã không còn ai biết gì nữa cho mãi đến hôm nay. Nhưng trước đó, như đã nói, trước khi ra đi, ôm khối tình tuyệt vọng, ngàn năm thương hoài một bóng hình ai nhảy sông Tiền Đường 前堂 quyên sinh, tự vẫn vào năm 1820, thì Nguyễn Du có làm bài thơ luật Đường tuyệt mệnh, tựa là Vọng Thiên Thai Tự, ám chỉ ngôi chùa với những bí mật lịch sử trọng đại. Nói chung hai bài luật Đường còn lại của Nguyễn Du và Bà Huyện Thanh Quan chỉ cho biết dấu tích lăng mộ vua Quang Trung hiện vẫn còn chôn giấu bất động, nguyên vẹn dưới Cung điện ngầm dưới chánh điện chùa Thiên Thai kiệt 15 Minh Mạng ngày nay.

 

Nếu không dựa vào các văn bản ám chỉ bí mật lịch sử của các tác giả nói trên, thì chúng tôi không thể nào, hoặc không thể lấy mấy chữ "thương bi" của khổ 36 Ai tư vãn để giải thích, lấy ra những chữ liên hệ, tròng tréo, rồi kéo, lôi ra các nhân vật và các địa danh lịch sử như thế được. Đây là nguyên tắc và là nghề nghiệp chuyên môn để xử lý, làm việc của bộ môn điều tra phá án trước khi đi đến kết luận, ký vào văn bản rằng các đối tượng này có phải là thủ phạm gây án hay không. Chớ nguyên tắc làm việc của các nhà điều tra phá án chuyên nghiệp, kinh nghiệm, lão luyện là không thể chỉ dựa vào mỗi một chứng cứ, dữ kiện quá mơ hồ, mông lung nào đó rồi vội vã đưa ra kết luận, ký vào văn bản, kết tội đây là thủ phạm vụ án. Hoàn toàn nghiệp vụ chuyên môn ngành phá án không bao giờ chấp nhận những kết luận nào mang tính chỉ dựa trên những dữ kiện mơ hồ và cách làm việc bộp chộp, chụp giựt, non tay nghề như thế của các nhà điều tra phá án được. Phải không các bạn?

 

Chúng ta cũng nên đọc lại ghi chép của các sử gia triều Nguyễn lần nữa xem sao: "Tháng 11 Tân Dậu, Nguyễn Vương cho phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ". Chúng tôi cho rằng có gì đó hơi bất ổn của đoạn văn ngắn này. Thử đặt giả thuyết, nếu ngày đó, ngay từ đầu, năm 1792, triều Tây Sơn Phú Xuân cho tiến hành địa táng thi hài Quang Trung Nguyễn Huệ theo cách thông thường, thì làm gì khi triều Nguyễn cho tiến hành đào xới, quật phá lăng mộ của Ngài vào năm 1801-1802, đã 10 năm trôi qua, mà thi hài người chết lại còn nguyên vẹn để có thể hạ bút viết, nói là "bêu thây", "bổ săng" quá vô lý như thế?

 

Văn bản trên nếu đúng là chỉ đúng ở điểm, ở mấy chữ "bêu đầu", "phơi thây", nói thế là bởi khi Nguyễn Ánh đã vào được Phú Xuân, thì việc trước tiên của Nguyễn Ánh là cho bổ cái săng (hòm) chứa thi hài, xác ướp giả, ngụy trang của Quang Trung Nguyễn Huệ hiện đã đang đặt để dưới Cung điện ngầm thuộc Cung điện Đan Dương 宮殿丹陽, gần chùa Thiền Lâm như cho biết của tác giả Ai tư vãn qua mấy câu khổ 36 đã giải thích. Văn bản ghi chép này của triều Nguyễn theo chúng tôi chỉ sai ở chỗ, ở mấy chữ "cho phá hủy mộ giặc...". Ghi như thế là họ ghi theo kiểu như đã nói ở trước là ghi đại khái, sơ sài, cho qua chuyện, cho có ghi mà thôi. Theo chúng tôi, triều Nguyễn hay Nguyễn Ánh và bộ môn chép sử ngày ấy chỉ nhắm vào chỗ quan trọng này đây, là họ đã đập nát, phá nát được thi hài, linh cữu của giặc ngụy hiện vẫn còn đặt để dưới Cung điện ngầm tại Cung điện Đan Dương 宮殿丹陽. Sau đó lấy sọ đầu giam nhốt vào chiếc bình sành sứ gì đó, có cả sọ đầu của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc mang về từ thành Hoàng đế An Nhơn trong kia, để cho Gia Long đi tiểu tiện vào đó hằng ngày hòng rửa sạch nợ oán cừu cao hơn núi, sâu hơn biển. Với họ tới đây, ngang đây thì việc trả thù rửa hận đối với kẻ thù không đội trời chung đã xong, không còn gì để phải bận tâm, lưu luyến nữa. Còn việc cho quan binh săn lùng, truy sát dòng họ, con cháu Quang Trung, Nguyễn Nhạc và quan quân Tây Sơn để mang ra chém sạch, giết nốt chỉ là việc phụ, là thủ tục về sau khi quyền sinh sát, cai trị đất nước đã nắm trong tay họ.

 

Khổ 36 cũng còn câu có chữ sai bậy, chữ "khó", "thương khó", đó phải là "khóc", "thương khóc" thì mới đúng với văn bản gốc, của tác giả được. Để kết thúc bài viết, ngang đây, cũng xin giải thích ngắn gọn bốn câu khổ 36 như sau:

 

Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ,
Cất chân tay thương khóc xiết chi.
Hang sâu nghe tiếng thương bi,
Kẻ sơ còn thế huống gì người thân...

 

"Dưới bệ ngọc" là bên cạnh chiếc ngai vàng hiện đã trống vắng, lạnh tanh, còn lại người góa phụ đơn côi với hai hàng nước mắt tuôn rơi lã chã, ngày đêm vò võ, một bóng một hình. Từ đó, cứ mỗi động dụng đến đi, nhấc tay, đưa chân là người góa phụ lại nhớ đến người xưa với những tháng ngày mặn nồng, bên nhau đầu ấp tay gối, chia ngọt sẻ bùi. Mà càng nhớ thì lại càng khóc càng thương và người góa phụ lại càng đưa chân huơ tay quờ quạng, lần mò đi tới đi lui trong bóng đêm thùi thũi chỉ một mình hòng mong tìm lại chút dư âm kỷ niệm nay chỉ còn trong dòng hồi tưởng nhạt nhòa nhớ nhớ quên quên: xe rồng thăm thẳm bóng loan dàu dàu. Nỗi bi ai, thương nhớ người xưa không chỉ riêng người góa phụ, vẫn ngồi thẫn thờ, hiu quạnh bên chiếc ngai vàng vắng chủ, trống không, mà còn có cả tiếng khóc than, sùi sụt, những kể lể, nỉ non tâm sự vắn dài, trắc ẩn nỗi niềm của những kẻ mỗi lần lên xuống Cung điện ngầm dưới lòng đất đen để thăm viếng, tưởng nhớ và cúi đầu lễ bái, lẩm nhẩm đọc kinh cầu nguyện nơi đặt bài vị, linh cữu, thi hài người đã khuất. Những kẻ ở xa, không bà con dòng họ, huyết thống mà còn bày tỏ tấm lòng của mình ra như thế, huống gì những người thân cận, gần gũi, như người góa phụ ngồi trong bóng đêm vò võ, đơn côi kia?

 

Trằn trọc luống đêm thâu ngày tối,
Biết cậy ai dập nỗi bi thương?
Trông mong luống những mơ màng,
Mơ hồ bằng mộng bàng hoàng như say.
Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu (đây?NV).
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.
Khi bóng trăng, lá in lấp lánh,
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi.
Vội vàng dạo bước tới nơi,
Thương ơi vắng vẻ giữa trời tuyết sa...
(AI TƯ VÃN)

 

Bài viết này là để trả lời cho câu hỏi dùng làm tựa đề rằng lăng mộ vua Quang Trung ngày ấy có bị Nguyễn Ánh đào xới, quật phá hay không? Đồng thời, cũng để xác định việc làm của Nguyễn Ánh và đám quan binh hăng tiết ngày ấy là đã sập bẫy kế nghi binh, ngụy trang quá tài tình, lão luyện, trường trãi của ban tham mưu Tây Sơn Phú Xuân nhưng lại hoàn toàn ngơ ngác, không biết gì. Vì thế mới có kiểu ghi chép vắn tắt và cũng rất hồn nhiên của các sử gia triều Nguyễn về vụ việc mà họ cho là đơn giản những chẳng hề đơn giản chút nào, như thế này: "Tháng 11 Tân Dậu, Nguyễn Vương cho phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ".

 

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.     

 

Chú thích:
[1] Nhà Tây Sơn được thì nhờ, thua thì chịu, chưa từng cõng rước quân Tàu vào, cho nên có câu ca dao: Nên ra tay kiếm tay cờ, Nên chăng thì chớ, chẳng nhờ tay ai.[2] Một nắm xương tàn, một đứa nhỏ cũng không được rộng dung. Sự tàn bạo này còn lưu mãi đến đời vua Tự Đức với sự tận diệt dòng dõi của Hồng Bảo (anh vua Tự Đức).
(Tạ Quang Phát, tác giả Ngụy Tây, ĐNCBLT: dịch nghĩa và chú thích)

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang