Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

KHẢO CỨU LĂNG MỘ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG...

VỀ VIỆC KHẢO CỨU LĂNG MỘ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG,
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ... 
Thứ ba, 30/06/2009 15:54(GMT+7)

 

Muôn người dân Việt rất hãnh diện khi nhắc đến chiến công của Nguyễn Huệ-Quang Trung, nhưng lòng người lại quá băn khoăn, ngậm ngùi, luyến tiếc một thời dĩ vãng hào hùng khí thiêng sông núi đã sinh ra Nguyễn Huệ, nhưng rất tiếc là cái chết của Nguyễn Huệ quá sớm khi tuổi còn trung niên nhiều sức sống, nhiều hoài bão đang dự kiến và điều đáng tiếc nhất là hiện nay lăng mộ có thi hài của vua Quang Trung vẫn còn là ẩn số, với nhiều nghi vấn, nhiều giả thuyết, nhiều trông chờ một điều may mắn nào đó…

 

1-Lăng mộ thật có thi hài của vua Quang Trung có bị vua Gia Long quật phá "đão khí hài cốt vu đầu ngục thất" không?
2-Hiện nay thi hài của vua Quang Trung vẫn còn yên nghỉ sâu dưới lòng đất ở một nơi bí mật, mà thế hệ trước và hiện nay chúng ta chưa làm sáng tỏ, chưa có một lời giải thích thoả đáng qua nhiều lần khảo sát, nghiên cứu thực địa.

 

Huế được vinh dự gắn với cuộc đời của Nguyễn Huệ-Quang Trung, tuy cuộc đời gắn với Huế quá ngắn ngủi, lên ngôi vua từ Mậu Thân (1788) đến Nhâm Tý (1792), nhưng đã để lại nhiều sự kiện, nhiều dấu ấn “vàng son” trong lịch sử là sự kiện đánh tan quân xâm lược Xiêm, Thanh; việc xây dựng Kinh thành Phú Xuân; lễ đăng quang xưng vương ở núi Bàn Sơn ngày 25-11 năm Mậu Thân 1788; sự kiện quan trọng nhất là vua Quang Trung đã băng hà tại Huế ngày 29-9 năm Nhâm Tý 1792 (1). Hoàng đế Quang Trung băng hà đã làm tiêu tan bao kỳ vọng hoài bão mà vị Hoàng đế này mong ước, như Nguyễn Thiếp đã than "Thế là đại cuộc đã hết rồi".

 

Nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà sử học, các đoàn khảo sát qua các thời kỳ như Chi hội Thanh Thương Hội Huế, của khoa Văn Sử trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường ĐH Khoa học) đã đi sâu thực địa nhằm tìm hiểu về cái chết, lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung. Thời gian trước nhiều học giả, văn sĩ, nhà nghiên cứu sử học với trí tưởng tượng quá phong phú, cộng với cảm tình sâu nặng với vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ-Quang Trung, nhiều tác giả đã quá thi vị hoá, tiểu thuyết hoá, tâm linh hoá, nhiều suy luận, giả thuyết về cái chết cũng như lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung. Với lòng thiết tha mong mỏi một ngày nào đó sẽ tìm được chính xác nơi yên nghỉ ngàn thu của Hoàng đế Quang Trung. Nhiều giả thuyết nghi vấn, suy đoán: nào lăng Ba Vành tại làng Cư Chánh, lăng Quang Trung ở Ấp 5, xã Thuỷ Phương, lăng Đan Dương… có tác giả ở Sài Gòn đăng bài viết trên báo chí vào năm 1974 đã nói rằng mộ vua Quang Trung có thể bí mật chôn một nơi nào đó ở đồi Hà Khê? Hoặc một nơi nào đó ở đồi Thiên An? Thuộc địa phận Huế.

 

Qua nhiều đoàn khảo sát nghiên cứu đã kết luận các lăng mộ này không phải là lăng mộ Quang Trung, và những giả thuyết suy đoán vẫn đang tiếp diễn. Vì chủ đề "Đi tìm lăng mộ và định hướng nơi an táng thi hài Hoàng đế Quang Trung" không phải là mới, nhưng cũng không bao giờ là cũ. Đã gần trăm năm nay với nhiều nhà nghiên cứu, đoàn khảo sát điều tra, nhưng chưa có một lời kết, chủ đề "đi tìm lăng mộ vua Quang Trung" là chủ đề mà tất cả người dân Việt rất chú trọng, lại đã rộ lên quá nhiều thời kỳ, mong làm sáng tỏ một vấn đề mà thế hệ trước chúng ta chưa làm sáng tỏ, một sự kiện có quá nhiều nghi vấn, giả thuyết cần xác định và có độ chính xác cao.

 

Các bài phúc khảo, bài viết qua nhiều thời kỳ của những nhà nghiên cứu có tâm huyết về việc tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung xin điểm qua một số tài liệu đã đăng trên tạp chí.

 

1-Dư luận trước 1945: Năm 1939, GS sử địa Nguyễn Thiện Lâu, trường Quốc học Huế sau khi đi Pháp về có dẫn một số học sinh lúc ấy đến lăng Ba Vành, làng Cư Chánh, khi về có viết bài và cho rằng lăng Ba Vành là lăng mộ Quang Trung.

 

2-Dư luận từ 1945 đến 1974
-GS Bửu Kế một nhà văn, GS Viện Đại học Huế cùng học giả Phan Văn Dật, Linh mục Cadiere, GS Hồng Hoài-Lê Văn Hoàng quả quyết lăng Ba Vành không phải là lăng mộ Quang Trung.
-Năm 1964, GS Bùi Hữu Triêm, dạy Sử Địa các trường Trung học công tư thục ở Huế đã phát triển khi một học sinh Đệ Tứ/4 trường Trung học Nguyễn Tri Phương Huế (hiện nay vẫn còn một số học sinh thời ấy như Phan Thế Kháng, Trần Văn Mẫn…) đã hỏi thầy, nhân ở Huế rộ lên những tin đồn về lăng mộ vua Quang Trung, câu hỏi là hiện nay lăng mộ và thi hài của vua Quang Trung có còn hay bị vua Gia Long quật phá. Thầy Triêm nói: "Vua sống hai ba vua, khi chết năm bảy mộ là thường, giả thật, thật giả nào ai biết được. Chính như thời các em đang sống học tập cũng có người hai ba lăng mộ để đời sau chiêm ngưỡng, chưa ai biết lăng mộ nào là thật, là giả".
-Trong năm 1974, báo chí hồi ấy ở Sài Gòn có đăng lời tuyên bố của ông Hồ Hữu Tường, nhà văn, chính trị gia thường cho là hậu duệ của ba anh em nhà Tây Sơn nguyên họ Hồ đổi thành họ Nguyễn. Ông Tường phát biểu "Nguyễn Huệ là người tài trí vẹn toàn, thông minh quyết đoán như thần, tính đa nghi nên có thể cho làm nhiều mộ như Tào Tháo bên Tàu, muốn hư thật, cần đào mã giảo nghiệm…" (2).
-Theo sử ghi lại ngay trong thời Nguyễn Hữu Chỉnh ở Bắc Hà, định tôn vua Lê, chiếm vùng Nghệ An, nhưng ngự sử Vĩnh Trị, Hoằng Hoá, Thanh Hoá cũng đã can ngăn và rằng "Vương Mãng bèn chết nguỵ ai hay, Tào Tháo còn sống gian hùng liền thấy". Ý chỉ Nguyễn Huệ như Tào Tháo. Do đó ta thấy nhân sĩ Bắc Hà hồi bấy giờ vẫn còn khiếp sợ uy danh của Nguyễn Huệ.

-GS Hoàng Xuân Hãn trong bài La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp có trình lời của vua Quang Trung dặn lại lúc nhận thấy mình không thể qua khỏi "Sau khi ta chết nội trong một tháng chôn cất qua loa, làm cho xong mà thôi. Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử để sớm lo liệu việc dời đô…". Ý nói dời đô ra Phượng Hoàng Trung đô ở Nghệ An. Cũng cần nhắc lại là trước khi mất vua Quang Trung còn nhắc đến mối "Quốc thù ở Gia Định" (chỉ Nguyễn Ánh) chứng tỏ vua Quang Trung luôn lo nghĩ đến vận mạng dân tộc khi biết Nguyễn Ánh đang cầu viện nước Pháp và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến "máu và nước mắt" sau này, khi thực dân Pháp chính thức xâm chiếm nước ta, mở ra một thời kỳ kháng chiến chống xâm lược trường kỳ và gian khổ của dân tộc.
-Một điểm đặc biệt đáng chú ý trước khi vua Quang Trung biết rằng Nguyễn Ánh đang tập trung lực lượng chuẩn bị từ Nam tiến quân ra Phú Xuân, nên Nguyễn Huệ không quen căn dặn chuyện giữ tuyệt mật nơi yên nghỉ và thi hài của mình sẽ bị Nguyễn Ánh quật phá. Do lý do trên ta cũng suy luận là thi hài Hoàng đế Quang Trung được chôn một nơi bí mật nào đó, mà những cận thần gần nhất cũng không biết được, có chăng là mấy anh em con của vua Quang Trung là thái tử Quang Toản, Quang Thuỳ, Quang Thiệu biết mà thôi.
+Những bài viết về Hoàng đế Quang Trung trong Bách khoa Toàn thư số 15-2-1961, số 102 ngày 01-04-1961, xuất bản tại Sài Gòn có những đoạn "… có một vấn đề sử học đặt ra ấy là lăng Hoàng đế Quang Trung ở đâu? Sử chỉ ghi rằng "Ngài an táng ở phía Nam kinh thành Huế ở trong miền núi…". GS Bửu Kế cũng có đoạn "… Theo Liệt truyện mà tôi đã dẫn thì lăng Tây Sơn đã bị quật phá và khi đã khai quật phần mộ thì không lẽ gì các thành quách lại được để yên mà không san bằng bình địa. Cũng vì lý do ấy, tôi không tin rằng lăng Ba Vành là lăng của vua Quang Trung và theo tôi thì ở Huế không có lăng Quang Trung". Vì theo GS Bửu Kế ngay như lăng Lê Văn Duyệt một công thần của triều Nguyễn Ánh-Gia Long cũng đã bị Minh Mạng cho san phẳng phần mộ, vì một lý do trước đây Lê Văn Duyệt không tán thành mình kế nghiệp vua cha với lý do Minh Mạng là con thứ.
+Trong buổi đàm thoại học giả Phan Văn Dật có cho hay thời còn nhỏ ở Huế, ông có đến lăng Ba Vành với một số bạn học cùng như Trần Thanh Mai, Trần Thanh Địch, Trần Quang Long... Ông đọc được chữ Hán và gần lăng có ghi "Hạ Mã" nhưng sau này không còn nữa.
+Trong tập san Sử địa xuất bản tại Sài Gòn từ 1966-1974 của một số giáo sư, học giả, nhà văn… chủ trương, trong đó có GS Phan Khoang, Nguyễn Thế Anh, Phạm Văn Sơn, Bửu Kế, Bửu Cầm, Ưng Trình, Phan Đình Tiếu, Nguyễn Phương, Nghiêm Thẩm, Trương Bá Phát, Trần Văn Học, GS Hoàng Xuân Hãn (lúc này ở Paris)… với nhiều bài viết về phong trào Tây Sơn như:
-Về trận đánh giữa Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn-Nguyễn Ánh.
-Di tích và truyền thuyết về nhà Tây Sơn.
-Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính của Tây Sơn (Sử Địa số 9).
-Cuộc khởi dậy và chiến tranh của Tây Sơn (Sử địa số 12).
-Trịnh-Nguyễn phân tranh-phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc (Sử Địa số 23).
-GS Hoàng Xuân Hãn viết nhiều bài về triều Tây Sơn và đặc biệt chú ý về thiên tài quân sự Nguyễn Huệ-Quang Trung qua hai cuộc hành quân thần tốc đánh tan quân Xiêm, Thanh, việc Nguyễn Huệ dấy nghiệp và chiếm Phú Xuân, nhưng rất tiếc về tình tiết cái chết, nơi chôn cất của vị vua này chỉ viết qua loa, trong bài viết về La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp có một đoạn về lời căn dặn của vua Quang Trung và lời than của Nguyễn Thiếp và không quyết rằng Nguyễn Ánh đã quật phá lăng mộ thật có thi hài của Hoàng đế Quang Trung không? Do đó vẫn còn trong giả thuyết, nghi vấn, hư hư, thật thật.
+Ngày 19-3-1974, trong buổi họp của Chi hội Thanh Thương hội ở Huế rất nhiều hội viên, trong đó có số hội viên hiện còn sống ở Huế như Tôn Thất Mạnh Lương, Vĩnh Thái… đã gợi ý với ông Võ Toàn (lúc ấy là hội viên và là người trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn 1 Bộ binh) "trong vùng trách nhiệm của ông Toàn có lăng Ba Vành nhiều người cho là lăng vua Quang Trung, dẫu đúng hay không nên nhờ lính khai thông sạch sẽ để du khách và các đoàn khảo sát đến viếng, khảo cứu… âu cũng là việc lợi cho lịch sử, cho văn hoá nước nhà, cho du lịch Việt Nam, cho nền kinh tế Huế". Trong phái đoàn khảo sát sau đó ít lâu ngoài các thành viên có GS Lê Văn Hoàng, Viện Đại học Huế. Khi khảo sát xong GS Hoàng có viết bài Nói về lăng Ba Vành, đăng trong Tập san Đại chúng số 1, xuất bản ở Huế. Đại ý GS Hoàng cho rằng lăng Ba Vành không phải lăng mộ Quang Trung.

 

3-Từ năm 1975 đến 5-2008
+Đầu năm 1977, khoa văn Sử trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là khoa Văn và khoa Sử thuộc trường ĐH Khoa học) đã nhiều lần đi tìm hiểu thực địa để khảo cứu các lăng mà có nghi là lăng mộ vua Quang Trung, trong đoàn có cả GS Phan Huy Lê từ Hà Nội vào, một số GS của khoa như Dương Đình Khôi, Lê Đình Liễu, Đỗ Bang, Phan Đăng… cuộc điều tra nhằm nghiên cứu lăng Ba Vành ở Cư Chánh, lăng Quang Trung ở Ấp 5, xã Thuỷ Phương, và một vài địa điểm có nghi vấn… để minh định nơi chôn cất Hoàng đế Quang Trung hiện toạ lạc ở đâu? Và hiện trạng của lăng như thế nào?
+Trong Hội thảo Thuận Hoá-Phú Xuân thời Tây Sơn tổ chức tại Huế năm 2001 có một bài viết (hay một lá thư) viết từ Quy Nhơn và suy luận rằng lăng mộ vua Quang Trung có thể ở địa phận Quy Nhơn (vùng ấp Tây Sơn) nhưng luận cứ này không có cơ sở.
+Hiện nay và trước đây nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có trưng cứ liệu dẫn chứng về lăng mộ Hoàng đế Quang Trung với nhiều bài viết, kể cả viết thành sách, tựa là Đi tìm dấu tích lăng mộ Hoàng đế Quang Trung. Nhưng trong bài viết gần đây đăng trên tập san Đại học Huế thì cho rằng có thể những tướng tá được vua Quang Trung sử dụng khi về với Nguyễn Ánh đã tiết lộ nơi chôn cất thi hài là không có cơ sở khoa học chính xác. Như chúng ta đã biết Nguyễn Huệ-Quang Trung là một con người thiên phú khôn ngoan và đa nghi như Tào Tháo, các tướng cũ của chúa Nguyễn tuy được Nguyễn Huệ tin dùng nhưng không phải không có biện pháp đề phòng, trước đó 1783, Nguyễn Huỳnh Đức (hay Hoàng Đức) đã tìm sang Xiêm để theo Nguyễn Ánh.

 

Như thế Nguyễn Huệ-Quang Trung đã có kế hoạch đề phòng các tướng cũ được sử dụng trong đoàn quân và không bao giờ để những bí mật về quân sự cũng như nơi an giấc ngàn thu của mình lọt ra ngoài, ngoại trừ những trung thần và con cháu của vua Quang Trung. Suy cho cùng cũng chỉ là suy đoán mà thôi.

 

Trong lịch sử các dân tộc, kể cả Việt Nam, việc đào mã để báo thù, để tiêu diệt cả một thế hệ, một dòng tộc đối nghịch, việc yểm huý lăng mộ hài cốt phá huỷ là một hiện tượng phổ biến thường gặp ở các nền văn hoá khác nhau từ Đông sang Tây trên thế giới.

 

Ví dụ cái nấm mộ bị khai quật, vì người ta cho rằng đó là lăng mộ vua Quang Trung? Nên cho khai quật để trả thù. Nhưng giả thuyết đó là mộ giả, thi hài giả thì sao? Vì lúc bấy giờ ở Huế có rất nhiều mộ thuộc tầng lớp vương giả, nho gia, quan lại của chúa Nguyễn, thật thật giả giả như lời nhận định của ông Hồ Hữu Tường và một số nhà sử học nghiên cứu về Nguyễn Huệ-Quang Trung. Với lại phía Nam sông Hương đồi núi trùng trùng điệp diệp, ngay một quả đồi chưa hẳn đã tìm ra nơi chôn cất đã hơn chục năm nếu không có định hướng. Còn sử chỉ ghi mờ mờ ảo ảo "Ngài an táng ở phía Nam Kinh thành Huế ở trong miền núi…" thì thật mơ hồ, như hoả mù để đánh lạc hướng kẻ muốn truy tìm sau này.

 

Sự thật vê lăng mộ vua Quang Trung vẫn chưa sáng tỏ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và các cộng sự đã tốn rất nhiều công sức và tâm huyết trong công tác khảo cứu truy tìm tư liệu, thực địa nhưng kết quả chưa được mong muốn, vẫn tiếp tục và tiếp tục cho đến một ngày nào đó sự kiên lịch sử này được sáng tỏ.

 

Thay lời kết
Theo GS Bửu Kế "Lăng Quang Trung không có ở Huế, mà nếu có thì đã bị san phẳng, trải hàng trăm năm nay thì đã mất dấu tích, vì tài liệu lưu lại chỉ ghi với nhiều giả thuyết, nhiều suy luận, không có tài liệu ghi chính xác mộ vua Quang Trung an táng ở đâu? Đó cũng chỉ là câu hỏi mà thôi". Theo suy luận của chúng tôi nếu Nguyễn Ánh-Gia Long đã khai quật biết đâu là lăng mộ giả? Thi hài giả của vua Quang Trung? Có thể cho làm nhiều lăng mộ giả để kẻ thù không tìm ra dấu tích.

 

Qua tài liệu của Triều Nguyễn để lại chỉ ghi có giá trị nhất định nào đó mà thôi. Quyển Hoàng Lê nhất thống chí hiện còn ở Phòng Tư liệu Khoa Lịch sử chỉ có hồi thứ 1 đến hồi thứ 14 còn hồi thứ 15 đến 17 không còn, có thể bị xoá vào thời Nguyễn. Quyển An Nam nhất thống chí của dịch giả Trần Thúy ấn hành 1913, trước khi ông Thúy bị đày đi Côn Đảo vì tội chống Pháp. Bản dịch của Nguyễn Đăng Tấn và Nguyễn Công Liêm với nhan đề Hậu Lê triều chí. Theo Đăng khoa Lục cầu giảng quyển hạ chép năm 1905 cho biết Ngô Thời Nhậm có viết quyển An Nam chí lược và quyển Lê triều Tây Triều ký, nhưng thực tế hiện nay các bản này đã thất lạc chúng tôi chưa tìm đọc được. Do đó càng đi sâu càng thấy khó khăn trong việc khảo cứu về lăng mộ Quang Trung vẫn còn nhiều giả thuyết, suy đoán.

 

Với nhiều cảm tình sâu nặng với vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ-Quang Trung, chúng tôi hy vọng với tài trí hơn người đã đánh lừa được Nguyễn Ánh-Gia Long, để thi hài của mình được an giấc ngàn thu không bị quật phá. Chúng tôi mong sao một nhà ngoại cảm đặc biệt hay một sự kiện may mắn tình cờ đã phát hiện có thể là Nghệ An, Huế, Bình Định hoặc một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam, để nhân dân và du khách đến viếng, chiêm ngưỡng, trùng tu, tôn tạo khu lăng mộ của vua Quang Trung, vị anh hùng dân tộc lừng danh một thời đã nâng cao vị thế của dân tộc Việt trên trường quốc tế, nêu cao tấm gương quyết chống ngoại xâm của dân tộc, mãi mãi lưu danh cho muôn đời.

 

Chú thích:
1-Đặng Quí Địch,Ba anh em Tây Sơn trong Nhân vật Bình Định. Sài Gòn 1972.
2-Đặc khảo về phong trào Tây Sơn, T/c Sử Địa số 9 và 10-1968, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1968.
3-Tập san Thanh Hương Hội-Chi hội Huế số 28 mùa thu 1974, xuất bản tại Huế.
4-Khoa Văn Sử trường ĐH Tổng hợp Huế, Vấn đề lăng mộ Quang Trung ở Huế. Bản phúc trình và một số tài liệu còn lưu lại, Huế 1977.

(Bài viết trích trang vusta. Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Địa chỉ banbientapvusta@gmail.com)

 

Bình luận người thứ bảy
Dám nói. Tất cả những bài viết, những tài liệu của các nhà nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề, câu chuyện lịch sử nói trên xưa và nay hầu hết đều không có chút giá trị cỏn con, trăm gờ ram nào cả. Chúng tôi dám xác định rằng tất cả chỉ ngồi tại chỗ nói và nói. Như nhóm học giả ở Sài Gòn thời trước 75 chẳng hạn. Cũng có một số chịu khó dời chân, tìm ra Huế, hoặc đó là những người đang ở Huế, cất công lặn lội tìm đến các nơi, các vị trí nghi ngờ, nhưng tất cả cũng chỉ nói chung chung, chỉ chỏ trời mây non nước. Trong khi bí mật lịch sử thì lại nằm ngoài óc suy luận, tìm hiểu, phán đoán của họ, tuy dấu tích lịch sử vẫn nằm chình ình, phơi bày ra đó, không xa xôi, biền biệt nơi đâu cả, đúng như ngày xưa Bà Huyện Thanh Quan từng vẩy bút mô tả, xác định trong bài thơ luật Đường Thiên Thai Hoài Cổ, không phải Thăng Long Hoài Cổ: "Đá vẫn phơi gan cùng tuế nguyệt, Nước đành ngoảnh mặt với tang thương", ngay tại đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn, ngày nay là kiệt 15 Minh Mạng, thành phố Huế.

 

Với sự tình hiện bày thế này, tại đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn, thì dám nói rằng đám nghiên cứu sử chuyên, không chuyên của miền Nam, cả Bắc, trước và sau năm 75 toàn là những kẻ ăn nói, suy luận vớ vẩn, tào lao, trưng ra nhiều giả thuyết, biện luận mơ hồ, vô căn cứ, giả thật tráo qua trả lại, thêm thắt không biết đâu mà lần. Trong khi để làm sáng tỏ câu chuyện lịch sử rằng dấu tích, lăng mộ, thi hài người xưa hiện ở đâu? Có thật đã bị Gia Long và quan quân quật phá khi xưa hết rồi hay chăng? Thì tất cả cần phải làm cái việc hết sức đơn giản như chúng tôi đã từng làm, và cũng đã nói, viết, rêu rao đến khan cả cổ họng, muốn rách cả yết hầu từ mấy năm nay, mà cũng chả có con ma nào lên tiếng, ư hử lấy một câu: đọc và hiểu thật kỹ lại các văn bản liên quan đến câu chuyện lịch sử của các danh sĩ/chính khách thuộc người cũ việc xưa, như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, và một vài người nữa trong hai tuyển tập Ngô Gia Văn Phái. Theo đó, do căn cứ, dựa vào sự thật phơi bày, nằm hiển hiện ra đó tại đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn từ hơn 200 năm nay, thì chúng tôi dám lớn tiếng. Đám quan quân, nhất đám quan văn, tụi quan võ thì biết con khỉ gió gì, của triều Nguyễn chẳng những chỉ mỗi triều Gia Long, mà cả các triều đại còn lại, toàn là những kẻ khoác lác, ba hoa, trí tuệ, sự hiểu biết của họ chỉ chút chùn chun, lớn như hạt đậu phộng. Chớ nếu đó là những người khôn ngoan, trí tuệ sáng suốt, có óc suy luận, tìm tòi, tuy không thuộc diện đặc biệt, hơn người, để có thể mang ra so sánh với những nhân cách, tài năng đặc biệt, hãn hữu như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, cho dù thời vua tiền triều Nguyễn đã trôi qua. Thì đến các đời Minh Mạng, Thiệu Trị, nhất thời Tự Đức, là ông vua nghe nói là người hay chữ bậc nhất của dòng họ, cũng đã phát hiện ra sự thật động trời của "ngụy Tây" được che dấu công khai ngay tại tấm văn bia có bốn chữ Hiển Linh Chi Tháp 顯靈之塔 nằm tại Ngôi Tháp mộ trước ngôi chùa lịch sử Thiên Thai Nội kia rồi. Không lâu đâu!

 

Thế mà các loại sách sử, cả tụi con cháu Nguyễn Gia Miêu, xưa và nay đều xúm nhào vô công kênh, tâng bốc, cho ông bà, vua quan của mình, của triều Nguyễn đều là những bậc minh quân, nhà hiền triết, nói chung toàn những hạng có trí tuệ sáng suốt, với tài năng văn chương, thơ phú hơn người là thế nào? (nhướng mắt...)

 
 

 

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang