CHỨNG CỨ LỊCH SỬ
Bài thơ Đường luật trong tấm ảnh này chúng tôi trích trong Ngô Gia văn Phái, tập II, trang 93-94 của tác giả Ngô Thì Chí.
Bài thơ này được dịch nghĩa và thơ ra như sau:
Gió mát nhè nhẹ phất vào ống tay áo khách,
Một mình đứng trên đỉnh cao nhất của núi Thiên Thai.
Dấu vết xưa chỉ còn lại ngọn tháp Thiền nơi đây,
Nhà sư trần thế đi rồi, rừng Thiền trống không.
Lau chùi chữ triện khắp bia đá tìm xem việc cũ,
Xa ngắm bóng tùng, lặng nhìn cung xưa.
Hứng nhàn dật vời vợi, chén trà chưa uống cạn,
Khói lam chiều buông, từ nơi nào vẳng lại tiếng chuông chùa lạnh lẽo.
Dịch thơ:
Tay áo êm đưa phất gió thanh,
Thiên Thai đỉnh nhất đứng riêng mình.
Tháp chùa dấu tích xưa còn đó,
Rừng Phạn sư về bỏ vắng tanh.
Chữ đá chà xoa tìm việc cũ,
Cố cung hận ngóng dưới thông xanh.
Hứng nhàn dằng dặc trà không ngớt,
Lam khói chày đâu thoảng tiếng kình.
(Phạm Tú Châu dịch)
Thật ra, đây không phải là bài thơ của Ngô Thì Chí, mà đây là bài thơ của Ngô Thì Nhậm làm trong lần vào lại Phú Xuân, nơi ông từng ở làm việc trước kia, dưới thời Quang Trung Nguyễn Huệ cai trị, chăn dắt nhân dân sau chiến thắng mùa xuân lịch sử năm Kỷ Dậu 1789. Lần đó ông đã lên thăm ngôi chùa cũ, nơi ông đã chôn giấu thi hài, linh cữu cố nhân của mình dưới Cung điện ngầm dưới chánh điện ngôi chùa. Bởi từ Cung điện Đan Dương-chùa Thiền Lâm lên đến ngay chùa Thiên Thai đi bộ chỉ khoảng 28 phút, vào tầm 2km.
Chúng tôi dám nói bài thơ này không phải của Ngô Thì Chí là bởi Ngô Thì Chí chưa bao giờ đi vào Đàng Trong cả, thì làm sao Ngô Thì Chí có thể lên thăm chùa Thiên Thai hoặc biết gì về những bí mật động trời của nhà Tây Sơn tại ngôi chùa lịch sử này mà có thể hạ bút làm ra bài thơ mật mã như thế để ám chỉ dấu tích Cung điện ngầm, nơi chôn giấu linh cữu, thi hài Hoàng đế Quang Trung hiện nằm dưới chánh điện chùa?
Đoạn trích ngắn trong NGVP, trang 91, tập II này sẽ cho chúng ta biết tiểu sử vắn tắt cuộc đời hoạt động chính trị của Ngô Thì Chí là như thế nào:
"Ngô Thì Chí (吳時志) sinh năm 1753 mất 1788, tên chữ là Học Tốn, hiệu là Uyên Mật, con trai thứ hai Ngô Thì Sĩ, em cùng mẹ với Ngô Thì Nhậm, đỗ Á nguyên Hương tiến, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương tỉnh sự. Năm 1782, Trịnh Tông lên ngôi, Ngô Thì Nhậm vì liên quan đến vụ án năm Canh Tý phải đi trốn, Ngô Thì Chí đã thay anh trông nom cả đại gia đình.
Tháng Bảy năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ ra Bắc "phù Lê diệt Trịnh", không thấy Thì Chí có hoạt động gì cụ thể. Nhưng tháng Chạp năm sau, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai giết Vũ Văn Nhậm, Lê Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy ra Hải Dương tập hợp lực lượng chống Tây Sơn, ông đã theo lời khuyên của Trần Danh Án đến Chí Linh dâng bản Trung hưng sách, khuyên vua chọn nơi hiểm trở làm căn cứ địa, kêu gọi hào kiệt các nơi đem quân ứng cứu, đồng thời xin nhà Thanh ủng hộ bằng kế "thanh viện" (đóng quân ở biên giới để gây sức ép).
Chiêu Thống bèn phái Thì Chí lên Lạng Sơn, nơi thân phụ ông từng làm Đốc trấn chiêu mộ nghĩa quân, nhưng mới đi đến huyện Phượng Nhãn thì ông ốm nặng rồi mất ở huyện Gia Bình vào năm 1788. Trong Ngô Gia, Ngô Thì Chí là người trung thành với nhà Lê, không chấp nhận Tây Sơn, nhưng vì ông mất sớm nên cũng chưa có hoạt động gì và cũng chưa kịp chứng kiến sự bại vong của Lê Chiêu Thống...".
Như vậy, căn cứ vào tiểu sử ghi chép trong giòng họ Ngô Thì, thì Ngô Thì Chí mất khi vừa 35 tuổi, và ông cũng chưa bao giờ đi vào Đàng Trong, mà vào làm gì, hoặc vào làm sao được khi ông có tư tưởng theo nhà Lê, chống đối với nhà Tây Sơn như thế? Trong khi nội dung bài thơ này cho biết tác giả muốn ám chỉ, tức muốn cho lịch sử biết rõ Cung điện ngầm, nơi cất giấu linh cữu, thi hài cố nhân của mình là Hoàng đế Quang Trung hiện nằm dưới chánh điện chùa Thiên Thai?
Trong phần chú thích bài thơ này cho biết núi Thiên Thai, tức núi Đông Cứu thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Khi chú thích như vậy thì những người nằm trong ban biên tập, phân loại tác phẩm Ngô Gia Văn Phái đã ghi rằng núi Thiên Thai, tức núi Đông Cứu ở tỉnh Bắc Ninh thì cũng không có gì là sai cả. Vì sự thật là như vậy. Đây là nói theo sự hiểu biết khoanh vùng, bị đóng kín cửa, tập trung ngồi tại chỗ suy diễn của những người ở cánh Bắc. Còn sự thật thì lại nằm ở cánh Nam trong này, như ngôi chùa Thiên Thai và Ngôi Tháp mộ nằm trước chùa mà trong bài thơ đã đang đề cập thì những người ở ngoài đó làm sao có thể biết được?
Tấm bia mật mã Hiển Linh Chi Tháp. Bài thơ Khâm Vãn Đan Dương Lăng, Đề Thiên Thai Sơn đều chỉ vào văn bia này
Bài thơ Đường luật tám câu 56 chữ này có nhiều chữ đã bị sai, không còn đúng với nguyên bản, chớ đừng nói khi nó là của người trong cuộc Ngô Thì Nhậm nhưng lại bị gán, cho là của Ngô Thì Chí, người ngoài cuộc ở tận đâu đâu! Những chuyện tréo cẳng ngỗng trật cù chìa thế này từng xảy ra trong bộ môn văn học thiết nghĩ xưa nay cũng đã quá nhiều, những ai từng nghiên cứu về mảng văn học ắt cũng không còn lạ gì chuyện lấy râu ông Tư Cò đem ịn cằm bà Chín xôi bắp thế này rồi.
Như đã nói, trong bài thơ mật mã này có nhiều chữ sai so với nguyên bản, ví dụ, câu thứ năm "Hiển ma thạch biện cầu di tự" đã bị biến, hóa, sửa thành "Biến ma thạch triện cầu di sự".
Chúng tôi xin giải câu chỉnh lại -nguyên bản- như sau. "Ma 磨" ngoài nghĩa là mài, xát, tức chỉ cho sự nghiên cứu, tìm hiểu về đường học vấn, văn chương, sau "ma 魔" là chỉ cho người đã khuất, hoặc "ma 魔" là ma quỷ, là những vị thần linh thiêng ứng nghiệm mà mắt thường không nhìn thấy được. Đồng thời, "ma 媽" cũng là mẹ, là người phụ nữ nào đó mà tác giả muốn nói đến. Ở đây, trong câu thơ này, "ma" là chữ mà Ngô Thì Nhậm sử dụng để ám chỉ cho Bắc cung Hoàng hậu Hoàng Thị Thu Mai, nói thế vì có nhiều bài văn, bài thơ trong hai tập Ngô Gia Văn Phái Ngô Thì Nhậm từng ám chỉ Hoàng đế Quang Trung là cha, Bắc cung Hoàng hậu là mẹ. Còn "Hiển 顯" thì nên nhập chung với "ma 魔", gọi là "hiển ma 顯魔". "Hiển ma 顯魔" là sự báo ứng, cho biết trước của các đấng thần linh khuất mặt về sự việc gì đó. Ở đây là sự báo trước của những đấng thần linh khuất mặt cho Bắc cung Hoàng hậu biết là trong hiện tại Bà cần phải gấp rút, tiến hành di dời Linh cữu, thi hài Hoàng đế Quang Trung đi một nơi khác, không được đặt tại Cung điện Đan Dương, khu vực chùa Thiền Lâm nữa.
"Hiển 顯" tiếng Hán thì có nhiều nghĩa, nghĩa ở đây chính là chữ được dùng để chỉ vào chữ Hiển 顯 của một trong bốn chữ Hiển Linh Chi Tháp 顯靈之塔 nằm ở giữa hai hàng chữ đứng tại tấm văn bia Ngôi Tháp mộ trước chùa Thiên Thai. Khi Ngô Thì Nhậm sử dụng hai chữ "Hiển ma 顯磨 -魔-" trong câu thơ thật ra cũng chính là để ám chỉ cho hai chữ Hiển Linh 顯靈 trong văn bia. Vì nói đến "ma 魔", đến những người khuất mày mặt cũng tức là nói đến sự linh hiển nhiệm màu khó nghĩ bàn của thế giới không hình tướng đó thôi. Phải vậy không?
Như vậy, "Hiển ma 顯磨 -魔-" chúng ta nên hiểu là Hiển Linh 顯靈, là hai chữ trong bốn chữ Hiển Linh Chi Tháp 顯靈之塔 nằm ở giữa tấm văn bia tại Ngôi Tháp mộ trước chùa Thiên Thai kiệt 15 Minh Mạng vậy.
Tiếp theo "Hiển ma" là "thạch biện". "Thạch 石" là đá, tức loại đá hay loại ngọc rất tốt dùng để tạc, khắc văn bia tại Ngôi Tháp mộ trước chùa Thiên Thai. "Biện 辯" là cãi lý, cãi lẽ, hay biện là hùng biện, và biện luận, lý luận, bàn luận về sự việc gì đó cho ra lẽ, ra chuyện. "Biện 辯" chúng tôi chỉ lấy nghĩa duy nhất, "biện 辯" là nói, nói thì gồm có văn nói và văn viết. Như vậy "biện 辯" ở đây là chỉ cho loại văn viết, tức loại văn, thứ văn ngụy biện, ngụy trang, ma mỵ tài tình, điêu luyện được bài trí, đặt nằm trên tấm văn bia Ngôi Tháp mộ trước chùa Thiên Thai do chính danh sĩ/chính khách Ngô Thì Nhậm đạo diễn, sáng tạo hòng che đậy sự thật bên dưới Tháp -đường dẫn vào Cung Điện Ngầm dưới chùa Thiên Thai- chứ không ai hòng vào đây làm được việc này cả!
"Biện 辯" còn có âm là biến. Biến là biến hóa, tức chỉ cho ma trận chữ nghĩa của loại văn tự quyền biến thực hư hư thực chả biết đâu mà lần do nhà văn học danh bất hư truyền Ngô Thì Nhậm thuộc giòng họ Ngô Thì sáng tạo, đạo diễn, bày ra trên tấm văn bia nằm trước chùa Thiên Thai kiệt 15 Minh Mạng kia vậy.
Nhưng chữ "biện 辯" mật mã tuyệt hay về sau đã bị chỉnh sửa hay do tam sao thất bổn nên đã trở thành chữ vô nghĩa là "triện 篆".
Ba chữ còn lại là "cầu di tự", không phải "cầu di sự". "Cầu" là mong cầu, nguyện cầu, là sự mong mỏi, mong muốn tha thiết cho sự việc gì đó sẽ được hoàn thành. "Di 迻" nên hiểu là di chuyển, di dời. "Tự 字" trước hết là chữ nghĩa, văn tự, sau "tự 寺" là chùa. Hai chữ "di 迻" và "tự 寺" là hai chữ mật mã thuộc dạng "nhất tự-đồng âm-đa nghĩa" nằm trong hai hàng chữ đứng trong tấm văn bia. Đây là hai hàng chữ đứng, một phải, một trái, ở giữa là bốn chữ Hiển Linh Chi Tháp 顯靈之塔 như đã nói:
-Y phu công tộc chưởng cơ duệ toán phu nhân khai tạo
-Hiển Linh Chi Tháp
-Thiên Thai Tự ứng pháp Sa Di Ni hiệu Như Đức húy Pháp Thành
Theo như cách xếp đặt, bố trí, trình bày văn tự trên tấm văn bia thì bên phải gồm 12 chữ. Bên trái 14 chữ. Hai chữ "tự" và "di" nằm ở hàng chữ bên trái. Còn hai chữ "Hiển ma 顯磨 -魔-", tức Hiển Linh 顯靈 nằm ở giữa, hai trên, hai dưới gọi là Hiển Linh Chi Tháp 顯靈之塔.
Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan dùng chỉ vào văn bia này đây!
Tất cả những chữ này thuộc về pháp số, tức một bài toán với những từ, chữ thay cho những con số. Bởi trong hàng chữ đứng, bên phải có chữ "Toán". "Toán" là số, là tính toán, là bài toán, phép tính.
Tóm lại. Qua giải thích, chúng ta đã biết. Bài thơ Đường luật Đề Thiên Thai Sơn là của Ngô Thì Nhậm làm ra dùng để ám chỉ vào tấm văn bia tại Ngôi Tháp mộ nằm trước chùa Thiên Thai mà các bạn thấy trong ảnh. Hoặc là ám chỉ những bí mật nằm dưới chùa Thiên Thai kiệt 15 Minh Mạng thành phố Huế. Đây được xem là sự ráp nối của hai mảnh răng một lưỡi cưa vừa vặn, khít rịt, không sai đến một zem, một ly hào nào. Chứ bài thơ này không phải của Ngô Thì Chí, em Ngô Thì Nhậm sáng tác như lịch sử văn học, cả giòng họ Ngô Thì đã nhầm lẫn tội nghiệp như thế. Bởi những trang ghi chép lịch sử còn lại đã cho biết rõ Ngô Thì Chí chết khi còn rất trẻ ở Đàng Ngoài, thì làm sao ông đi vào Đàng Trong lúc nào đâu để có thể hạ bút làm bài thơ dạng mật mã cao thủ, siêu đẳng để chỉ vào những bí mật động trời của Nhà Tây Sơn tại ngôi chùa lịch sử Thiên Thai như thế được?
Trong hai tập Ngô Gia Văn Phái cũng còn những bài thơ dạng mât mã chỉ nơi chôn giấu Linh cữu, thi hài Hoàng đế Quang Trung cũng của chính Ngô Thì Nhậm làm ra nhưng đã bị chỉnh sửa hay do tam sao thất bổn nên sai bét nhè, tan nát, lung tung hết rồi. Lại những người kết tập tác phẩm Ngô Gia Văn Phái ngoài Bắc làm sao có khả năng để hiểu và chỉnh lại những sai lệch dạng này hòng có thể từ đó sẽ làm sáng tỏ lại những ẩn khuất lịch sử của Tây Sơn và Quang Trung Nguyễn Huệ?
Bài viết ngắn này chúng tôi chỉ chỉnh lại vài chữ sai lệch trong câu thứ năm là câu luận thứ nhất của bài thơ, nếu có thời gian rảnh rỗi chúng sẽ chỉnh lại cả tám câu hầu cung cấp cho xã hội, nhất những người có trách nhiệm của bộ môn văn học, của câu chuyện lịch sử đã đang bị khuất chìm bao lâu trong các bài thơ mật mã của những người trong cuộc làm ra cũng chỉ với mục đích duy nhất. Báo cho lịch sử biết rõ Lăng mộ, dấu tích Hoàng đế Quang Trung hiện nằm ở đâu? Nói thêm là toàn bộ đều nhắm vào hai mốc thời gian, tính từ năm 1803 ngược trở về năm 1792 là năm Hoàng đế Quang Trung ra đi. Nói như vậy bởi ngay vào năm 1803 thì Ngô Thì Nhậm đã không còn nữa do ông dính trận đòn thù quá nặng của cố nhân Đặng Trần Thường tại sân Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 1802.
Khi nói thế này ắt sẽ có những luận điệu phản biện, phản pháo rằng biết đâu sau năm 1803 thì vua Gia Long cũng đã tìm ra nơi chôn giấu Linh cữu, thi hài Quang Trung Nguyễn Huệ, và đã cho quan quân tiến hành quật phá tan hoang hết rồi thì sao?
Điều này là không bao giờ có thể xảy ra! Tại sao? Trước hết, ngôi chùa lịch sử Thiên Đài, tức Thiên Thai cũng vẫn còn nguyên vẹn, nằm sờ sờ ra kia! Sau, vào năm 1841 trở đi, bắt đầu từ đời vua Thiệu Trị đến vua Tự Đức, tức gần nửa thế kỷ về sau thì Bà Huyện Thanh Quan, kẻ sĩ xuất thân xứ Đàng Ngoài, lúc này cũng đã thu xếp hành trang, vắt túi quả mướp chéo qua vai gạt lệ âu sầu, buồn bã quay lưng rời cố đô Thăng Long độc hành độc bộ đi vào Đàng Trong, cắm dùi tại kinh đô Phú Xuân, làm việc cho hai triều đình nối tiếp cũng đã từng dọ dẫm tìm lên thăm ngôi chùa lịch sử lá vàng rơi phủ kín hiện nằm cô độc, bơ vơ, nhang tàn khói lạnh trên đồi núi Dương Xuân Sơn. Và Bà Huyện với tài ăn học, chữ nghĩa nức tiếng, lỗi lạc vốn có đã không khó khăn lắm khi đứng trước những di tích lịch sử đã đang được trá hình, ngụy trang nào là chùa chiền, nào là cốt tượng, nào là Tháp Mộ, nào là văn bia, vvv... Nên Bà liền hạ bút làm ra bài thơ mật mã báo cho lịch sử biết rõ Lăng mộ, dấu tích Hoàng đế Quang Trung hiện nằm ở đâu trên đất thần kinh cố cựu mộng mơ? Đó chính là bài Đường luật mật mã Thăng Long Hoài Cổ!
Thăng Long tất nhiên là Thăng Long Hà Nội. Còn Hoài Cổ nên hiểu sâu, xa hơn, đó là câu chuyện xa xưa đã từng xảy ra tại cố đô Thăng Long. Đó là câu chuyện ân oán giang hồ giữa danh sĩ/chính khách Ngô Thì Nhậm và cố nhân Đặng Trần Thường tại sân Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 1802 với điển tích văn học có một không hai từng làm dậy sóng xã hội đương thời mà người Tràng An thanh lịch, nhất khi Bà Huyện lại là con người văn học trứ danh, lỗi lạc đất kinh kỳ chộn rộn băm sáu phố phường làm sao lại không tập trung bàn luận và để mắt, lưu tâm đến nhỉ?
-Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai?
-Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, bởi thời thế thế thời phải thế!
Bài viết xin dừng tại đây.
Bốn niệm xứ