ĐỂ SO SÁNH CÁC ANH HÙNG TRƯỚC
NGUYỄN HUỆ VỚI NGUYỄN HUỆ
PHẠM VĂN SƠN
Từ nhỏ đến lớn tôi đã bị một ám ảnh nặng nề do ham đọc lịch sử và viết lịch sử. Và đọc lịch sử cũng như viết lịch sử ai mà không say mê sự nghiệp của những anh hùng hào kiệt nước nhà, tỷ dụ: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi... nhất là Nguyễn Huệ?
Nay một mùa xuân nữa lại tới, đó là thêm một dịp cho chúng ta tưởng niệm đến các vĩ nhân dân tộc.
Với Lý Thường Kiệt, tôi chịu ông tướng này về cái gan bởi ông đã dám mang mười vạn quân vượt biên thùy Hoa-Việt, dẫm nát đất Trung Hoa từ Khâm Châu, Liêm Châu tới Ung Châu tung hoành ngang dọc luôn 60 ngày rồi rút về nhẹ nhàng, êm thắm khiến cái mộng mở bờ cõi, lập biên cương của tể tướng Vương An Thạch tan thành mây khói.
Hào hùng thay vị đại tướng nhà Hậu Lý!
Toàn thể các giới đồng bào ta thuở đó phải kinh ngạc về sự táo bạo của triều đình nhà Lý nói chung, của Lý Thường Kiệt nói riêng bởi so sánh lực lượng của ta và Trung Hoa bấy giờ, viên đại tướng Việt Nam đã làm một việc gần như đem trứng chọi đá. Rồi khi ngọn cờ ban sư phất phới bay ngoài thành Thăng Long kèm theo tiếng quân reo ngựa hí dồn dập của đoàn quân viễn chinh người ta mới hết hồi hộp, sau đó có câu ca dao:
Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu đổ, ai dè xe nghiêng.
Hãy khoan thưa các bạn, một việc khác kỳ lạ hơn!
Ấy là việc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ba phen đẩy lùi quân Mông Cổ là một thứ quân Đế quốc hung tợn nhất, hiếu chiến và cũng thiện chiến nhất thuở đó đã nuốt trôi nước Trung Hoa, tràn qua Đông Âu, Bắc Âu, Trung Á, làm chủ ba phần tư thế giới. Quả vậy, con cháu Thành Cát Tư Hãn cho tới bây giờ không hề biết có chiến bại. Và vào thế kỷ thứ 5 (sau C.N), Attila tướng Mông Cổ đã có phen viếng Âu châu, gây những cuộc tàn sát khủng khiếp chưa từng thấy để có thể nói rằng "nơi nào có quân đội Mông Cổ đã qua, nơi đó cỏ cũng không mọc nổi".
Năm Đinh Tỵ (1257), tướng Ngột Lương Hợp Thai mang quân sang đòi vua Thái Tông nhà Trần xưng thần nạp cống. Vua Thái Tông không chịu, quân Mông Cổ từ Vân Nam ầm ầm kéo xuống Thăng Long như nước vỡ bờ.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thống suất ba quân đã dùng kế đoản binh chống tràn trận, khuyên tướng sĩ đừng thấy giặc mạnh như gió như lửa mà hoảng sợ, lại áp dụng chước vườn không nhà trống cùng yếu tố khí hậu độc địa của nước nhà để tiêu diệt đối phương. Vị đại tướng này đã có một đức tính bình tĩnh hết sức và lòng kiên nhẫn hơn người, biết mình biết địch, biết sử dụng triệt để những ưu thế sẵn có. Trong ba phen chống Nguyên, ông đã thi hành hai chiến pháp:
-Mượn trời giết giặc.
-Lấy sức người giết giặc.
Tượng Đức Thánh Trần ở Hải Minh Quy Nhơn. Tượng do Binh chủng Hải quân VNCH dựng trước 1975
Về điểm trên ông đã đọc nhiều sách của Trung Hoa, hiểu rõ những chỗ yếu của giặc khi bàn, chép về các cuộc chiến tranh với Việt Nam. Nếu chúng tôi không lầm, ông đã được coi cả đoạn Mã Viện đời Hán tức Phục Ba tướng quân, khi mang quân sang đất Việt đánh dẹp Hai Bà Trưng luôn ngót 3 năm ròng phải mệt lòng rối trí về vấn đề khí hậu ở đây gây cho binh sĩ của y nhiều cái chết rất vô lý, bởi chết vì ít chiến đấu mà chết nhiều vì bệnh hoạn.
Viết thư cho người em là Sa Duy, ông than đã trót theo đuổi cái ấn phong hầu, chức quyền đại tướng nên chuốc vào thân bao nhiêu sự vất vả nhọc nhằn, thà trung ẩn mà hơn (làm quan nhỏ):
Sự phùng đắc ý nghi hưu tức,
Phú quý tràng trung dị bạch đầu.
Nghĩa là con người vì ham phú quý, bôn tẩu nhiều thì dễ trắng tóc hơn ai. Y nhắc rằng, trên đất Giao Chỉ có cái nóng hun mây cháy đá, chim đang bay trên trời bị khí độc phải sa xuống thì con người đâu có mình đồng da sắt để chịu được nổi nóng lạnh ghê gớm của xứ này.
Biết được nhược điểm của giặc, Hưng Đạo Vương không ham đánh, lấy nhu chế cương, đánh lâu đánh dài (trì cửu chiến), quan niệm một trận thắng chưa thể kết liễu chiến tranh. Rồi quân Mông Cổ muốn đánh không được đánh và ta có đánh thì phải có ăn chắc mới đánh, tránh giặc nhiều hơn đánh giặc, đồng thời mượn thời tiết oi ả làm giặc mệt nhọc, ốm đau sinh ra chán nản.
Nhưng lúc giặc bị thua liên tiếp, bị ốm đau, bị mệt nhọc chán chường, Đại tướng họ Trần mới dốc toàn lực để tiêu diệt. Liên tiếp ba giai đoạn của cuộc chiến tranh tự vệ từ năm 1257 đến năm 1288, chiến pháp này đã được áp dụng trong những cơ hội thích nghi nhất nên giặc Nguyên đã bị trời giết và quân ta giết khiến sau này Nguyên và ta đã giải binh, Thái tử Thoát Hoan và lũ tàn quân chạy về Bắc Kinh vẫn rùng mình sởn gáy như còn đang nằm trong một cơn ác mộng!
Có ai ngờ một nước Nam nhỏ bé người hiếm của kiệm có thể đẩy lùi dược một lực lượng đế quốc lớn nhất thế giới, đông đảo cũng nhất thế giới chăng?
Và nếu đế quốc Mông Cổ thôn tính được Việt Nam, một tiền đồn chống xâm lăng ở Đông Nam Á, liệu Miên, Lào, Tiêm La, Nam Dương quần đảo bấy giờ có thoát khỏi nanh vuốt của con cháu Thành Cát Tư Hãn?
Một chuyện lạ nữa và có thể nói là hết sức phi thường trong lịch sử của ta đối với lịch sử của các dân tộc: cuộc kháng Minh của Bình Định Vương Lê Lợi vào thượng bán thế kỷ XV.
Trên quan điểm sử học của chúng tôi mà công tác phân tích, phối kiểm, đánh giá là cần thiết, chúng tôi cho rằng cuộc thắng trận vĩ đại của quân dân đời Trần tuy vậy còn có nhiều chất thông thường. Đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thì ta khó mà tính ra những yếu tố chiến thắng. Nó vượt sức tưởng tượng của chúng ta quá xa. Nó là một con toán được trông rõ các dữ kiện nhưng ta thấy hầu như bất lực trong việc kiếm lời giải đáp.
Như đời Trần chống nhau với Mông Cổ là lúc nước Việt Nam ta đang lành mạnh: giới lãnh đạo và nhân dân hòa vui như cá với nước, các tầng lớp xã hội có cơm no áo ấm, guồng máy chính quyền ổn định, các tổ chức quân sự của quốc gia được chuẩn bị, lại còn được tăng cường bằng các tổ chức phụ lực của các vương hầu.
Tóm lại, ta có một nước Việt hùng cường.
Nhưng vào năm 1418 nước Việt Nam không còn độc lập nữa. Bốn trăm bảy mươi hai nha môn hành chánh, quân sự của nhà Minh đã trấn đóng từ trên rừng rậm xuống đến biển khơi, bọn quan lại tôi tớ của Trương Phụ, Hoàng Phúc đã nắm vững các quận, các lộ ở đồng bằng Bắc Việt vào tới Thanh Nghệ. Sách vở về chính trị, học thuật, kinh điển của ta bị tước đoạt hết, người trí thức của ta bị bộ hạ của Minh Thành Tổ mua chuộc và trưng dụng đưa hết về Kim Lăng để rèn dũa thành những công cụ sắc bén cho bộ máy thuộc địa. Còn người dân thì xác như vờ (vò?NV), sợ như nhộng, mất hết cả tinh thần, vật vờ như đám ma trơi do sự khủng bố, bóc lột hết sức dã man của nhà Minh.
Sau này, kể đến nỗi thống khổ của nhân dân, bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi còn nhắc rất kỹ càng khiến ta nghĩ đến không khỏi giật mình ghê sợ. Về bóc lột qua chế độ thuế khóa:
Dân đen sống muôn vàn cơ khổ,
Đứa trẻ con còn đỏ không yếu! (yên?NV)
Oán hờn hơn một chục niên,
Còn đâu nhân nghĩa đảo điên đất trời!
Tiền thuế má vét thôi đã hết,
Lại bắt nào tìm vết hươu đen.
Lại nào thả lưới dò chim,
Lại nào xuống biển mà tìm ngọc châu!
Trên rừng rậm không đâu còn mỏ,
Loài côn trùng cũng khổ theo lây.
Điêu tàn muôn thức cỏ cây,
Điêu liên quan cả thảm thay bao người!...
Về nạn nô dịch trong công tác xây đồn đắp ải, dinh thự...
Loài quỷ sống uống tươi máu mỡ,
Bấy nhiêu ngày mà chửa đã no.
Xây nhà đắp lũy đủ trò,
Chân tay nào phục dịch cho vừa lòng?
Phu vừa mới bắt xong lại bắt,
Lệ luật nào khe khắc gớm ghê!
Bắt đi mà chẳng có về,
Bốn phương vắng lặng hết nghề cửi canh...
Dân tình cực khổ đến thế là cùng, nạn diệt chủng coi như sách nát (sát nách?NV) nên mặc dầu nền thống trị của bọn xâm lược đã vững mạnh như Vạn lý trường thành, người anh hùng đất Lam Sơn (Thanh Hóa) không thể lặng thinh, phải vung cờ khởi nghĩa cứu nhà, cứu nước. Nhưng cứu nhà cứu nước bằng gì? Lê Lợi lúc này chỉ có một tấm lòng hăng hái và hai bàn tay trắng. Ngài đã than:
Chính những lúc giặc trời đang mạnh,
Thời nghĩa kỳ vút cánh bay cao.
Phất bay theo tiếng gió gào,
Khơi bao uất hận, gợi bao khích lòng.
Duy ngặt một điều trong buổi mới,
Mấy boăn khoăn là nỗi riêng ta!
Sớm mai mong lúc chiều tà!
Mà nhân tài chỉ như là lá thu!
Tuấn kiệt rõ như sao buổi sớm,
Chẳng ai cùng trên chốn ngược xuôi.
Ở nơi duy ác hiếm người,
Chẳng ai cùng góp đôi lời bàn suy.
Đòi phen mảnh nhung y vùng vẫy,
Chỉ nóng lòng về lấy Đông Đô!
Nhưng qua mấy thuở đợi chờ,
Cỗ xe hư tả vẫn chưa ai ngồi!
Mà trông người thì người vẫn vắng,
Vẫn mịt mờ vẫn chẳng thấy ai.
Vẫn như trông vọng ra khơi,
Ngoài khơi chỉ thấy nước trời mênh mông!
Thế là ta tự lòng lo cả,
Lại càng thêm vội vã như khi.
Trông giờ chững nịch hiểm nguy,
Cứu người mà có thể trì chậm ư!
Ở cảnh ngộ đồng chí vắng người, nhân tài ít ỏi, quân nhu, lương thực hiếm hoi, người anh hùng dân tộc của chúng ta vẫn không nản lòng chiến đấu. Rồi từ năm 1418 đến năm 1420, ngài đem quân về đóng ở Lỗi Giang (tức Mã Giang thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) lực lượng ứng nghĩa mới bắt đầu khởi sắc được ít nhiều thì Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn tìm đến. Đáng lưu ý: trong kháng chiến thuở đó chỉ có hai ông này là thành phần trí thức và quý tộc mà thôi, còn lại bao nhiêu là nông dân cả.
Giai đoạn này trở đi, nghĩa quân có người giỏi thêm sức đánh đâu được đó nhưng vẫn còn trải nhiều bước điêu linh bởi giặc quá đông, có sẵn tổ chức, được huấn luyện đầy đủ lại có những tướng lĩnh nhà nghề chỉ huy. Lê Lợi và các cộng sự viên nhiều phen vào sinh ra tử và có cả khi phải hòa với giặc tạm thời để bổ sung thực lực.
Tượng vua Lê Thái Tổ
Qua năm 1424, là năm Giáp Thìn, kháng chiến uy hiếp được giặc ở mọi chiến trường, chiếm Nghệ An, Tây Đô, Tân Bình, Thuận Hóa rồi tiến ra Đông Đô. Năm 1427, hạ sát rất nhiều binh hùng tướng mạnh của địch, khiến giặc trong nước tan rã mà viện quân của chúng chưa vào sâu nội địa đã phải chạy dài. Bọn Vương Thông, Mộc Thạnh, Hoàng Phúc là những tướng chủ chốt am hiểu rất rộng vấn đề Việt Nam sau nhiều cố gắng vô hiệu phải xin hàng. Nước Việt kể từ năm 1428 lại trở về với người Việt.
Xét sự nghiệp của Lê Lợi thì thật là nước lã gột nên hồ, tay không bắt gió. Nếu không phải là bậc siêu nhân biết tin vào sức mình và sức dân tộc của vua Thái Tổ nhà Hậu Lê và các đồng chí đã làm một cuộc phiêu lưu táo bạo vô cùng và dễ thất bại như chơi.
Nay nếu ta so sánh sự nghiệp của ngài có lẽ ta phải dành cho ngài cùng các đồng chí của ngài tất cả lòng bái phục của chúng ta. Chúng tôi còn muốn nói thêm rằng trong giai đoạn chống quân xâm lăng đời Trần, nước ta về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội đang thịnh đạt, nhân tài dồi dào, tinh thần dân tộc chưa sứt mẻ, nguyên lực quốc gia đang sung túc. Cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam bấy giờ dù sao cũng bớt gay go, còn nắm vững được phần nào tin tưởng của nhân dân, miễn biết sử dụng chiến lược, chiến thuật và các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Nhưng Lê Lợi chống thực dân Minh là lúc Việt Nam toàn bộ lọt vào tay giặc Bắc.
Giặc ở ngay trong nhà, giặc bố trí hết mọi địa thế hiểm yếu, đặt được mọi cơ quan thống trị, kiểm soát. Nguy hiểm hơn nữa giặc lại nắm luôn ở các thành phần trí thức trong nước, còn lại bóng "dân ngu khu đen" (theo ý chúng) thì giở được trò gì?
Thế mà nước nhà đã kịp thời hun đúc ngay một số anh hùng hào kiệt, đứng đầu là Lê Lợi, nhà phú nông đất Lam Sơn. Chỉ cần một vĩ nhân có tài ra lãnh đạo cuộc kháng chiến là đủ đảo lộn được chánh tình thuở đó. Nhưng thưa các bạn, nếu các bạn đọc kỹ bài Đại cáo Bình Ngô mới thương cho con người ưu quốc đã ra gánh vác việc xứ sở quê hương giữa lúc tổ quốc hết cả vốn liếng vật chất, tinh thần kiệt quệ đủ mọi mặt. Có nên nói rằng Lê Thái Tổ đã làm một việc gần như đội đá vá trời, đem sức mỏng manh của một con người lật nhào ngọn Thái Sơn?
Tôi ngừng bút ở nơi đây để xin hỏi các bạn tại sao đất nước này lại có những con người lịch sử, những sự kiện lịch sử kỳ vĩ như vậy? Vì địa linh nhân kiệt hay vì cái dư phúc của ông bà để lại?
Chưa hết!
Về cận đại lịch sử nước nhà còn được sáng ngời thêm vì sự xuất hiện của một vĩ nhân nữa đặc sắc không kém và cũng lạ lùng hết sức, bằng võ công đã đưa đồng bào Hồng Lạc đến chỗ vinh quang không tiền khoáng hậu. Đó là Quang Trung-Nguyễn Huệ, con người không những có tài thao lược không thua những tướng lừng danh cổ kim lại còn có cái óc trùm trời mới là điều đáng lạ đối với một nhược tiểu dân tộc.
Xuất xứ, thân thế và sự nghiệp Nguyễn Huệ?
Cho tới thế kỷ XVIII, công thương nghiệp ở nước ta vẫn không được phát triển theo khả năng và ý muốn của dân chúng do sự hạn chế của triều đình về việc giao dịch với các nước ngoài. Hoạt động căn bản trước sau của quốc gia trước sau vẫn là nông nghiệp. Như vậy để nói rằng đánh đuổi xâm lăng là nhân dân đồng ruộng thì chống chế độ vua quan tham tàn, ích kỷ dĩ nhiên cũng là nông dân.
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt, Xếp bút nghiên vui tiệc đao cung...
Phong trào khởi nghĩa của nhà Tây Sơn được đeo nhãn hiệu nông dân và được nhấn mạnh ở điểm này chỉ là thừa mà thôi. Nước Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, thuở đó trên 90% dân chúng là nông dân thì việc gì xảy ra lại không có nông dân? Tuy nhiên bề ngoài anh em nhà Tây Sơn thuộc tầng lớp tiểu tư sản và phong kiến hạng dưới nếu xét Nguyễn Nhạc làm Biện lại ở Vân Đồn và Huệ, Lữ chuyên bán trầu cau, trao đổi sản vật với dân Thượng (Bình Định), nhưng xét nguồn gốc thì các ông này thuộc dòng dõi nông dân bởi tổ tiên ở Nghệ An đã bị quân chúa Nguyễn buộc phải di cư vào Nam Hà với nhiều tù binh sau một trận phản công qua sông Gianh năm 1655. Ông tổ là Hồ Phi Khanh được đưa đến ấp Tây Sơn (Bình Định) để khai khẩn ruộng đất.
Thuở bé anh em Tây Sơn theo học giáo Hiến ít lâu về văn cũng như võ và thường được thầy khích lệ dấy nghĩa bởi thầy cũng mang nặng nhiều bất bình đối với thời cuộc.
Bấy giờ chế độ Nam Hà rất mục nát. Nơi nào cũng có tham quan nhũng nhiễu. Giữa lúc dân chúng bị đói rách cơ cầu thì phụ chánh đại thần là ngoại tả Trương Phúc Loan trải vàng ra phơi đầy sân trong một vụ lụt. Loan là ông cậu chúa Định Vương (12 tuổi) kết bè đảng chỉ lo bóc lột dân chúng, gây sự kiệt quệ thống khổ khắp mọi nơi, nhờ vậy anh em Nhạc, Huệ vừa phất cờ khởi nghĩa, toàn thể dân chúng địa phương đều hưởng ứng ào ạt như gió bão. Người lãnh đạo phong trào này dĩ nhiên cũng thuộc đám nạn nhân của chính quyền thời bấy giờ chứ không phải chỉ do thông cảm với cảnh ngộ bi thảm của đồng bào mà thôi.
Nói tóm lại. Đám người này có thể nói là những kẻ tiến bộ. Họ không còn chấp thuận chế độ Trương Phúc Loan, vì chế độ này đã phản động đối với quyền lợi của đại chúng tới mức đại chúng không còn cam chịu thêm được nữa.
Đã hai trăm năm kể từ Trịnh-Nguyễn phân tranh, chế độ phong kiến của Lê, Trịnh, Nguyễn mỗi ngày mỗi thêm hủ bại, lỗi thời như cái nhà đã quá hư nát.
Rồi những người anh hùng của phong trào Tây Sơn đã vươn tay giật đổ cái nhà đó, thỏa mãn được yêu cầu hàng thế kỷ của dân tộc mau lẹ như chớp nhoáng, dũng mãnh như làn sóng của đại dương. Nó biểu hiện cho quần chúng thấy rằng, thành trì của phong kiến bền vững hay mong manh là ở dân, dân là sức mạnh duy nhất của một chế độ, thuận với dân thì còn, nghịch với dân thì mất. Với chính quyền nào lực lượng của nhân dân vẫn là trên hết.
Cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn bắt đầu từ năm Tân Mão 1771 đến năm Qúy Mão 1783 đã quét sạch được con cháu chúa Nguyễn ra nội địa miền Nam.
Họ Trịnh ở miền Bắc cũng bị Tây Sơn chấm dứt vào năm Bính Ngọ 1786. Thế là cả hai nhà Trịnh-Nguyễn có thâm căn cố đế dài trên hai thế kỷ chỉ trong khoảnh khắc đã bại vong trước lực lượng nhân dân do anh em Nhạc, Huệ lãnh đạo.
Năm Giáp Thìn 1784, hai vạn đại quân Tiêm La và 300 chiến thuyền lấy danh nghĩa sang giúp chúa Nguyễn do hai Đại tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy đã bị Nguyễn Huệ nhử đến Rạch Gầm và Xoài Mút (phía trên Mỹ Tho) phá tan gần hết chỉ trong một trận.
Nhưng việc đánh đuổi quân ngoại xâm Tiêm La này đâu vĩ đại, nhiều hào hứng bằng cuộc diệt 20 vạn quân Thanh vào năm Kỷ Dậu 1789! Đám quân Trung Hoa này sang nước ta với lý do khôi phục nhà Lê nhưng bên trong vua Càn Long và lũ bề tôi tính lợi dụng nước ta đang rối loạn mà đánh cướp, lập thành quận huyện như ngàn năm trước.
Đại tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị lãnh đạo ba quân trích ở bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu rồi đem vua tôi Lê Chiêu Thống về nước làm chiêu bài cho cuộc xâm lược. Chúng mới sang chiếm đóng thành Thăng Long và các miền phụ cận có ít ngày đã bóc lột, quấy nhiễu nhân dân, tàn hại không sao kể xiết.
Vua Quang Trung được tin biến cố này liền thống lĩnh thủy bộ đại binh ra Bắc. Ngày 30 tháng Chạp, ngài đã có mặt ở Sơn Nam và sang mồng 5 tháng giêng (Kỷ Dậu), quân ta đã chớp nhoáng tấn công vào Thăng Long khiến binh đội của nhà Thanh không kịp trở tay phải tháo chạy qua Nhĩ Hà làm đổ cả cầu, sa cả xuống sông chết đuối vô kể. Riêng Tôn Sĩ Nghị quẳng hết ấn tín cùng một ít tả hữu trốn thoát.
Chiến công của Nguyễn Huệ đã diễn ra vô cùng huy hoàng vào đầu mùa xuân năm Kỷ Dậu và người Việt Nam nào ham đọc lịch sử mỗi khi xuân sang mà không tưởng niệm đến người anh hùng và sự nghiệp diệt ngoại xâm vĩ đại của ngài một cách vô cùng thích thú!
Vua Quang Trung là một nhân vật lịch sử có nhiều điểm khiến ta phải chú ý nếu chúng ta nghiên cứu rộng rải sự nghiệp của ngài:
1- Diệt xâm lăng: Ngài đánh bại hai quân Tàu, Xiêm dễ dàng như xua gà.
2- Đuổi chúa Nguyễn: Ngài đẩy quân Nam Hà ra khỏi xứ Đồng Nai lẹ làng như trở bàn tay.
3- Hạ ba giòng họ Lê, Trịnh, Nguyễn: Những giòng họ này có uy thế trên ba thế kỷ ở nước nhà. Vậy mà ngọn cờ đào của Tây Sơn bay tới đâu các chính quyền Trịnh Nguyễn sụp đổ đến đó, sức chống đối gần như không đáng kể. Tính ra từ năm 1771 đến năm 1802, triều đại Tây Sơn cáo chung, vua Quang Trung chưa hề biết có chiến bại. Quả không có một danh tướng cổ kim nào được hiển hách như vậy.
Ba điểm trên đây chỉ mới nói lên cái đánh Đông dẹp Bắc của người anh hùng đất Tây Sơn, qua các thành quả vô cùng rực rỡ, nhưng các nhà quân sự ngày nay không nhìn vào các thành quả ấy để khen ngợi vua Quang Trung thôi mà còn nhìn kỹ các chiến pháp của ngài để thán phục rất nhiều.
Chiến pháp của vua Quang Trung thế nào? Xin thưa đó là lối tốc chiến để tốc thắng, nhưng trong cái tốc chiến ấy có 3 yếu tố hết sức cần thiết không thể bỏ qua được:
-Tin tức về địch lấy cho thật đúng thật mau (tinh thần của địch, lực lượng của địch, vị trí của địch).
-Nắm vững tinh thần của quân đội bản bộ, tức là sự quyết tâm từ trên xuống dưới muôn người như một cương quyết diệt thù cứu quốc.
-Hành quân vào lúc bất ngờ của địch và đánh rất mạnh rất nhanh cho địch không kịp đối phó.
Nếu chúng tôi không nhầm thì cũng vào hạ bán thế kỷ XVIII, người đồng thời của Nguyễn Huệ là Nã Phá Luân Hoàng Đế cũng từng dùng chiến pháp trên đây nên đã nhiều phen thắng lớn trên khắp chiến trường Âu châu.
Lại có điều đặc biệt thêm nữa là Nguyễn Huệ không phải là người được học nhiều về văn cũng như võ, bởi ông thầy học của Ngài là Giáo Hiến không hề có tiếng tăm lớn về hai môn kể trên.
Như vậy, ta phải liệt kê người áo vải cờ đào đó vào loại "sinh nhi tri", tức là bậc thánh nhân vậy. Nói rộng ra, đất nước Việt Nam qua lịch sử thường cho thấy những vĩ nhân của chúng ta hay có những xuất xứ rất bất ngờ, rất khiêm nhượng mà làm nên những huân nghiệp vô cùng lớn lao dầu so sánh cả với danh nhân nước người. Tỷ dụ Lý Thường Kiệt xuất thân là một hoạn quan, giòng họ nhà Trần làm nghề chài lưới, Lê Lợi là một phú nông, anh em Nguyễn Huệ cũng không thuộc thành phần quý tộc nào.
Bài hịch của Hưng Đạo Vương có ghi lời ngài kêu ba quân mỗi người phải làm một Bàng Mông, Hậu Nghệ thì quả sau này mười vạn quân Việt đã thành Bàng Mông, Hậu Nghệ hết rồi, nhờ đó đã đánh tan 500 ngàn chiến sĩ kiêu hùng bách chiến bách thắng của Mông Cổ mỗi lần chúng ló đầu sang Việt Nam.
Về chính trị, vua Quang Trung cũng có những cái nhìn sâu sắc vào thực tại và thực tại, cho đến bây giờ đáng kể là bi đát vì người bình dân của chúng ta hầu hết phải sống bằng ruộng đất mà đa số lại không có ruộng đất. Nguyên nhân: các quan liêu, cường hào phú nông dưới thời Lê Mạt đã bằng uy quyền, bằng nghề cho vay lãi, bằng sự thay đen đổi trắng ở các sổ bộ lợi dụng tình thế rối ren vì chiến tranh từ hai thế kỷ đã chiếm đoạt nhiều ruộng đất công tư ở khắp nơi.
Lệnh truyền xưng tiến bệ rồng, Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc Tàu...
Người dân cày thuần túy và vô sản phải lĩnh canh rồi nộp tô tức quá nặng nề. Ngay khi ngọn cờ đào phất lên, đường lối của Tây Sơn đã là thâu lại ruộng đất nơi nào đoàn quân "cứu tinh" kéo tới.
Khi hai tập đoàn Trịnh-Nguyễn bị tiêu diệt, chính quyền vào tay người anh hùng đất Quy Nhơn thì một chính sách được áp dụng ngay là trả ruộng cho dân cày và chiêu hồi những đồng bào lưu vong về cố lý gia tăng sản xuất. Chính sách này đã tạo nên điều kiện phát triển của giới tiểu nông là giới đông đảo nhất và cũng có ảnh hưởng tốt cho thương nghiệp. Luôn dịp này, ngài còn cho mở rộng các thương cảng để việc mua bán được tự do với các người ngoại dương, tức là khôi phục nền kinh tế hàng hóa bấy lâu bị vua quan hạn chế triệt để.
Trong việc ngoại giao với các nước láng giềng, ngài chú trọng đến hòa hảo nhưng giữ vững quốc thể, nâng cao địa vị dân tộc, nhất là với Trung Quốc.
Nổi bật nhất là sự dùng chữ Nôm một cách tích cực từ triều đình ra ngoài dân dã. Với ngài, chữ Nôm mới là văn tự chính thức của chúng ta và còn ngụ ý rằng học nhờ viết mướn là thiếu tinh thần độc lập.
Đến việc tôn giáo ngài cũng có những nhận xét rộng rải, tinh tế là không kỳ thị đối với một tín ngưỡng nào, nhưng không dung tha bọn trốn việc quan đi ở chùa. Ngay từ cuối đời Lý, theo Nho thần Đàm Dĩ Mông, đã có hiện tượng kỳ quái này nên họ Đàm phải tâu lên vua: "Tăng đồ nhiều hơn phu dịch toàn quốc...".
Để khử trừ tệ đoan này, nhà vua buộc làm chùa lớn ở các phủ, huyện để bớt chùa nhỏ và các tăng ni phải chịu sự khảo duyệt về giáo lý, hạnh kiểm mới được có mặt nơi cửa thiền.
Xét ra vua Quang Trung chẳng được nổi tiếng là tay văn tự trứ danh như nhiều ông vua của các tiền triều mà ngài tỏ ra lỗi lạc tiến bộ hết sức về văn hóa, chính trị, ngoại giao, kinh tế... không mấy người bì kịp.
Tuy nhiên nhiều ý tốt của Ngài chưa đạt được tới mức mong muốn vì thời cuộc đa đoan phức tạp quá nhiều ngài chưa thể nhất thời thẳng tay thanh toán một số khá đông phần tử thối nát còn lén lút trong chánh quyền ngài nên sự tiến bộ của triều đại bị hạn chế một phần nào.
Nhưng vua Quang Trung còn có một chủ trương mà chưa có một triều đại nào trước đây dám nghĩ tới: Đó là việc mang binh đội Việt Nam vào đất Tàu. Lý Thường Kiệt xưa kia mang 10 vạn quân xâm nhập nội địa Trung Quốc, dù sao cũng chỉ đánh một đòn dằn mặt triều Tống mà thôi.
Vua Quang Trung đi xa hơn Lý Thường Kiệt. Ngài cho sứ sang cầu hôn với công chúa nhà Thanh, xin lại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và ý đồ của ngài đâu có phải chỉ to lớn đến thế. Ngài đã nghĩ rằng các rợ Hung, rợ Hồ, Mông Cổ... là các phiên quốc của Trung Hoa trước kia từng vào làm chủ giống Hán thì Ngài cũng muốn người Lạc Việt ta đem quân reo ngựa hí đến đất Trung Hoa.
Qua một trận giao phong, từ Thường Tín đến Thăng Long không quá mười tiếng đồng hồ cùng quân bốn tỉnh miền Hoa Nam với bọn tướng tá nhà nghề của vua Càn Long, ngài đủ rõ sức người sức mình nên đúng như lời đã tuyên bố trước ba quân rằng, mười năm sau quân đội rèn luyện xong, nước phú cường ngài sẽ hỏi tội bọn Mãn Thanh.
Chuyến đi sứ lần cuối cùng để mở cuộc khiêu khích vua Càn Long, ngài không dùng văn thần mà cử Vũ Văn Dũng là một đại tướng cốt nghiên cứu địa hình, địa vật, phong tục, chế độ của Thanh triều, nhiên hậu sẽ hưng binh. Sự kiện này đã được sử sách ghi chép rõ rệt.
Tiếc thay việc mới diễn hành đến nửa chừng thì nhà vua bị bạo bệnh qua đời, nên cái mộng người Việt qua Tàu lại tan ra mây khói...
Bài này trích nguyên văn trong TẬP SAN SỬ ĐỊA, trang 133-144, do NXB Hồng Bàng liên doanh với tạp chí XƯA VÀ NAY, phát hành quý 4-2012. Tác giả bài viết là Phạm Văn Sơn, nguyên là Trung tá chế độ VNCH. Một con người yêu nước, yêu lịch sử đánh giặc cứu nước, dựng nước của ông bà, tổ tiên dân tộc Việt.
Chú thích:
1- Câu này trích ở Đường thi, ý nói việc đời nếu đạt được ý mình một cách tương đối thì nên cho là đủ, bo thiết với vinh hoa phú quý chóng bạc đầu. (Bài này vịnh hoa mẫu đơn cũng như bài vịnh Trúc để tượng trưng cho người quân tử.)
2- Giặc Minh có chính sách vô cùng tàn ác: chúng giết dân và con nít đem nướng trên lửa đỏ, chúng chặt đầu moi ruột các người kháng chiến treo lên cành cây để diều tha quạ mổ có mục đích làm cho nhân dân ta mất tinh thần đề kháng...
3- Văn vương mời Khương Tử Nha làm tướng ngồi chung một xe để tỏ sự thân hiền đãi sĩ.
4- Trường hợp bọn Liễu Thăng mới tới Lạng Sơn đã chết tướng tan quân.
5- Vũ Văn Dũng khi còn có mặt ở trước sân điện của vua Càn Long được tin đệ nhị sứ đoàn Việt Nam đến báo tin Quang Trung băng (có lẽ vì chứng đứt mạch máu) quá đột ngột đã té xỉu và khi ông tỉnh dậy ông có bài thơ than tiếc người anh hùng dân tộc như sau:
Năm năm dấy nghĩa tự thân nông,
Thời trước thời sau khó sánh cùng.
Trời để vua ta thêm chục tuổi,
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.
Anh Hợp dịch