13/04/2020 08:AM
TRƯỚC CỜ AI DÁM TRANH CƯỜNG,
NĂM NĂM HÙNG CỨ MỘT PHƯƠNG HẢI TẦN...
(QUANG TRUNG VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐẢO)
2.6 /TỜ BẨM
Tiểu mục nước An Nam là Nguyễn [Quang Bình]* kính cẩn [84] bẩm lên trước đài của thiên triều ngự tiền đại thần, kinh diên giảng quan nội đại thần, nghị chính đại thần Lại bộ thượng thư kiêm Binh bộ thượng thư, Đô sát viện, hữu đô ngự sử, tổng đốc Quảng Đông-Quảng Tây địa phương quân vụ kiêm lý lương hướng diêm khóa, nhất đẳng Gia Dũng Công xem xét.
Nay nhận được tin tôi được đặc ban ân mệnh sắc thư cùng thi chương ngự bút, lại được biết chế hiến tôn đại nhân đặc biệt gửi hai viên chức lớn đem sang An Nam để tuyên thị mệnh của thiên tử cho tiểu phiên giữ một góc biển xa xôi.
Nguyên là đầu mùa thu tôi đích thân đến xây dựng thành ấp ở đất Nghệ An thì nhận được [85] thư gửi về của gia tướng Phan Văn Lân và Nguyễn Văn Danh nên đã định ngày hai mươi tám (28) tháng Tám sẽ từ Nghệ An khởi hành đi Thăng Long bái nghinh sắc thư và ngự thư cho thỏa lòng chiêm ngưỡng.
Thế nhưng ngày hai mươi sáu (26) tháng đó* tôi lại được tướng lãnh tuần dương ở Nghệ An bảo rằng ngoài biển có một đoàn thuyền ước chừng hơn một trăm chiếc, từ phía đông vùng Biện Sơn (卞山) của Nghệ An men theo bờ biển tiến xuống các cửa biển vùng Nhật Lệ (日麗), Tư Dung (思容) thuộc Thuận Hóa, cờ quạt khí giới giống như mô dạng của nội địa, cướp bóc dân chúng khổ không kể xiết.
Tiểu phiên đang sắp sửa hành trang để lên đường nghe được tin này, không biết những tàu biển đó ở đâu ra, hay là đám giặc biển tề nguy* vẫn thường hoành hành ở biển đông nước tôi, qua lại vùng Bạch Long Vĩ (白龍尾), núi Thanh Long (青龍), núi Quan Lan (觀澜), Ô Nang (烏囊) [86] núi đại, tiểu Lão Thử (老鼠), núi Hoa Cẩu Đầu (華狗頭)... bị Lâm phó tướng tạm quyền coi trấn Tả Dực vây bắt nên kéo nhau chạy sang đến đây hay là quan binh đường bể nhân đuổi theo hải phỉ mà theo đến đây cũng không biết được.
Cứ theo như những lần trước tiễu trừ giặc bể thì sẽ nhận được công văn của thiên triều từ Cao đề đốc* quân vụ toàn tỉnh Quảng Đông, Lưu tổng trấn phủ Cao Lệ (高麗) tỉnh Quảng Đông dụ cho trấn mục Yên Quảng bản quốc đuổi bắt cho rốt ráo. Nơi này bỗng dưng lại có quan binh đi qua mà không có một đạo công văn nào, việc ngoài biển thật khó mà đo lường cho được.
Trộm nghĩ từ khi tiểu phiên thành thực quy thuận đến nay, được hưởng thánh độ nhu hoài của đại hoàng đế lại được [87] liệt vị chế hiến tôn đại nhân hết lòng vỗ về nên mới có được như ngày hôm nay.
Nay bản quốc đã nội thuộc rồi, đã thành phên giậu của thiên triều, vậy quân đó là quân nào không lẽ mặc kệ không hỏi đến? Còn như sau gia tướng ra biển đánh dẹp, nếu như là quan binh đi tuần ngoài biển ngang qua đây mà giao phong thì có can hệ đến hiến lệnh của thiên triều rất là nghiêm trọng.
Còn như bọn hoành hành ngoài biển cả kia không ai biết đấy là đâu thì đất Thuận Hóa, Quảng Nam hai trấn là đấy (đất?NV) khởi sự cơ nghiệp của tiểu phiên, là đất gốc rễ, việc phòng bị chốn cửa ngõ không thể sơ sót được.
Nhân vì ngày hai mươi bảy (27) tháng này, tiểu phiên từ tân ấp* ở Nghệ An vội vã lên đường quay về thành Phú Xuân đất Thuận Hóa chuẩn bị phòng ngự [88] nên kính cẩn sai con là Nguyễn Quang Thùy, bầy tôi thân tín hàng võ là Ngô Văn Sở, loan hồi đại thân tín là Ngô Thì Nhậm đến Thăng Long đợi để nghinh đón tham kiến sắc sứ tạm dừng ở công quán Gia Quất (嘉橘) bờ sông Phú Lương.
Hiện nay tiểu phiên trở về Phú Xuân, xin chế hiến tôn đại nhân minh dụ những thuyền bè cướp bóc ngoài khơi có phải là trấn binh đang truy nã bọn giặc tề nguy hay không để chúng tôi cùng ra phối hợp bắt giữ.
Kính cẩn đợi và tuân theo hiến trát tùy nghi xử trí. Cơ mưu điều binh để vỗ yên mặt bể là chuyện lớn, tôi chỉ suy nghĩ nông cạn bề ngoài, không biết điều động thế nào, mong được chế hiến tôn đại nhân thể tất cho.
Tiểu phiên cung thuận trung thành cúi mong được [89] chỉ giáo, may được nhờ sủng linh thiên triều khu xử việc nước để sớm hoàn thành công việc, tuyên phong đại điển hưởng ơn thiên triều thì thật đội ơn lắm vậy.
Xin kính cẩn bẩm lên.
Càn Long năm thứ 54, ngày hai mươi (20) tháng Tám.
Chú thích:
Chú thích:
1- Ở đây mỗi khi nói đến tên vua Quang Trung thì bỏ trống hay phụ chú "ngự danh", người dịch theo các mẫu thư khác của Thanh triều lưu giữ mà điền vào. Nguyễn Quang Bình là tên chính thức của vua Quang Trung khi xưng hô với nhà Thanh, Nguyễn Huệ là tên tục gọi với ý khinh miệt, tên này chỉ xuất hiện khi nhà Thanh chưa công nhận hay trong sử nhà Nguyễn.
2- Tức tháng Tám.
3- Nguyên văn: 齊桅 (tề nguy hay tề ngôi), là thuyền lớn của hải phỉ có ba cột buồm bằng nhau (nguy là cột buồm).
4- Tức Cao Thư.
5- Tức là kinh đô mới ở Nghệ An.
(Trích Đại Việt Quốc Thư, trang 56-57-58. Tác giả Nguyễn Duy Chính)
Bình luận bốn niệm xứ
Bài viết ở trên cho chúng ta biết được rằng trong vấn đề cai trị đất nước thì Hoàng đế Quang Trung chẳng những chỉ chú trọng, chăm lo mọi việc trên đất liền, vùng núi non, nơi tập trung mọi vấn đề sinh tử, một mất một còn của đời sống nhân dân, và của cả thể chế, chính sách là thôi, là xong việc, mà ngài còn hết sức chú tâm cảnh giác mọi việc có thể xảy ra trên các mặt biển bất cứ lúc nào, nhất các đảo ngoài khơi xa nữa.
Hãy đặt chúng ta vào vị trí của Hoàng đế Quang Trung vào ngay trong tình cảnh lúc đó, liệu chúng ta có thể từ bỏ công việc đón tiếp, bái nghinh sắc thư, ngự thư của vua Càn Long hiện được các sứ thần phương Bắc mang qua để thực hiện xong vai trò ngoại giao, làm lễ ấn chứng, bàn giao tận tay cho ngài ngay tại kinh đô Thăng Long vào tháng Tám năm Kỷ Dậu 1789 hay không?
Điều này chắc chắn là không thể đối với chúng ta. Nhưng với Hoàng đế Quang Trung thì ngài lại làm khác đi. Tức là ngài sẵn sàng từ chối cuộc đón tiếp sứ giả phương Bắc ngay tại kinh thành Thăng Long để đón nhận sắc thư, ngự thư nói về chuyện gì đó của vua Càn Long ban tặng, ấn chứng cho ngài để từ Nghệ An quay gấp về Thuận Hóa, đích thân dong thuyền ra biển xem coi thử các chiếc thuyền lạ nói trên từ đâu mà dám dong buồm kéo đến gần cả trăm chiếc như thế trên vùng biển thuộc quyền cai trị của ngài.
Thực chất, ngày nay đọc lại các sử sự, chúng ta vẫn biết Quang Trung Nguyễn Huệ ngày đó không bao giờ muốn ra Bắc Hà đón nhận sắc thư, ngự thư của vua Càn Long do các sứ giả phương Bắc mang qua sắc phong cho ngài tại đây vào tháng Tám năm Kỷ Dậu 1789, sau trận đánh lịch sử diễn ra nội trong 5 ngày đầu xuân như đã nói. Mà ngài yêu cầu đoàn sứ giả Càn Long phải cơm đùm cơm dở mang tất cả vào kinh đô Phú Xuân thì ngài mới chịu ra làm lễ nghênh tiếp. Sự việc này trước hết có thể hiểu là vì sĩ diện, bởi một ông vua đường đường chính chính, oai phong lẫm liệt như Quang Trung Nguyễn Huệ thì không thể nào ngài rời bỏ chiếc ngai vàng, vứt lại sau lưng kinh đô, địa giới tùng địa dũng xuất xuống tấn, múa côn, đi quyền chinh nam phạt bắc, đánh đông dẹp tây hiên ngang, lừng lẫy của mình như thế để đi đến một nơi khác, không phải nơi mình đứng ngồi tự chủ, xuất nhập thực thi quyền nhiếp chính, cai trị nhân dân để đón nhận sắc phong, chiếu chỉ gì đó của một ông vua nước khác ngay trên đất nước mà mình cai trị xem ra quá là vô lý, chả ra thể thống gì cả. Như đã nói, đây thuộc về sĩ diện, danh dự con người, nhất sĩ diện, danh dự của một ông vua, là người vừa đánh cho thất điên bát đảo, tan nát không còn manh giáp kẻ từng đặt bút ký giấy, cấp phát bao nhiêu là quan binh, ngựa xe, khí giới, lương thực rầm rầm rộ rộ, nườm nượp, hùng hổ lận dao găm, giắt mã tấu nghênh ngang kéo qua đánh chiếm, đô hộ đất nước của mình mới vừa rặt ròng mấy tháng đây thôi.
Sau nữa, chính là vì sự an nguy của quê hương, đất nước và nhân dân các vùng ven biển mà đoàn tàu thuyền lạ đã đang kéo đến hoành hoành, cướp bóc như đã nói ở trên của các vùng biển, trải dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thuận Hóa, có thể cả Đà Nẵng, Quảng Ngãi, vvv... Bởi sự di chuyển trên mặt biển, nhất vùng biển hình cong chữ S của nước Việt chỉ có một đường thẳng ngang, không phải quanh co, vòng vo, lên đèo xuống dốc tạp phức, um tùm như thiên la địa võng trên đất liền. Lại một khi các tập đoàn quân sự nào đó đã chiếm được các đảo ngoài khơi xa, nếu thỉnh thoảng họ dùng thuyền ghe chở quân lính, khí giới tấp vào bờ đánh chiếm các vùng ven, cướp bóc, đánh đập, tra khảo dân lành các nơi đó rồi xuống thuyền ghe rút ra các đảo ẩn náu thì chính quyền, nhà nước sở tại, nhất nhà nước thời phong kiến cũng rất khó mà kiểm soát và trừ diệt tận gốc bọn cướp biển hung hăng này cho được.
Nếu chúng ta làm một bài toán, loại sòng phẳng hai điều kiện, hai hướng suy luận đã nói ở trên ra, thì cái còn lại ở đây là gì?
Ngay ở đây, chúng ta sẽ tuần tự cho ra những ví dụ cụ thể, rõ ràng như sau về cái gọi là để thực thi, bảo vệ an ninh tuyệt đối các vùng biển, các đảo ngoài khơi thuộc chủ quyền cai trị của nhà nước sở tại nào đó. Ví dụ như bây giờ các đảo ngoài khơi hiện đang có những người lính thuộc binh chủng Hải quân Việt Nam canh giữ ngày đêm chẳng hạn. Nếu chẳng may vào lúc bấy giờ có một nước nào đó, như nước Tàu kia kéo quân vào đánh chiếm toàn bộ các trọng điểm quân sự trên đất liền của Việt Nam, suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Như thế, người Tàu trong hiện tại đã làm chủ toàn diện nước Việt, từ Nam đến Bắc. Đến lúc ấy thì những người lính hiện đang trấn thủ các đảo ngoài khơi xa sẽ làm gì vào lúc này? Họ sẽ kéo hết vào để đánh, phản công lại quân đội Tàu hòng chiếm, giành lại các trọng điểm quân sự trên đất liền ư? Hay là họ sẽ phải tự động đầu hàng vô điều kiện khi người Tàu cho người ra phủ dụ, chiêu hàng?
Khỏi cần nói dài dòng, luộm thuộm thì chúng ta cũng đã biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu chẳng may một khi chủ quyền trên đất liền đã rơi vào tay giặc. Còn khi chủ quyền trên đất liền, từ Nam đến Bắc vẫn thuộc về quyền cai trị của nhà nước, chính quyền sở tại nào đó thì tất nhiên. Việc bảo vệ chủ quyền hay sự xác định chủ quyền của mình, của người đứng đầu nhà nước, chính quyền sở tại đối với các vùng biển, đảo khơi xa cũng chỉ là lẽ quá thường tình, bình thường thôi, có gì để nói, để ca ngợi ở đây đâu? Chứ không lẽ tôi là người đứng đầu một nhà nước, chính quyền sở tại mà lại để cho bọn thổ phỉ, hải tặc lung tung, đủ mọi thành phần tạp phức, lộn xộn kia lại có quyền tự do, hiên ngang đi lại, cả thực hiện những vụ cướp bóc, chém giết dân lành vô tội trên vùng sông nước do tôi cai trị, quản lý kia hay sao?
Thưa các bạn chúng tôi tin rằng xưa nay sẽ không bao giờ có một ông vua nào mà lại vô tư, thản nhiên trước những sự việc trái ngang như thế, cho dù đó là bạo chúa, kẻ có dã tâm hiểm độc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam là Gia Long lại có thể bình tâm ngồi yên, để cho mọi việc ra sao thì ra, chả cần biết gì cả. Chứ đừng nói đó là Quang Trung Nguyễn Huệ, người từng được thi hào Nguyễn Du cho dù có ghét, hận đến cỡ nào cũng đành phải hạ bút, nói như sau về con người đó như thế này. Mời các bạn đọc lại hai câu tự sự này xem sao:
Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường gặp chuyện bất bằng mà tha...
Với những gì về phẩm chất, đặc tướng-đặc tính của Quang Trung Nguyễn Huệ từng được thi hào Nguyễn Du ca ngợi, tán dương như thế thì chứng tỏ cái việc ngài dẹp, ném hết tất cả -việc đón nhận sắc phong nhà Thanh tại Thăng Long- ra sau lưng để từ Nghệ An quay về lại Thuận Hóa-Phú Xuân, đích thân dong thuyền, dẫn quan binh ra ngoài khơi kiểm tra, để thử xem đoàn thuyền ghe kia ở đâu mà dám ngang nhiên, tự do dong buồm kéo vào vùng sông nước thuộc chủ quyền cai trị của ngài như thế là chuyện quá đúng, không có gì để phải nói với tư chất của bậc anh hùng, hảo hán, xem coi cái chết nhẹ tựa chiếc lông hồng kia vậy.
Đọc hết nội dung lá thư gởi cho nhà Thanh, chúng ta ít nhiều cũng đã thấy tâm tư, tình cảm của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn huyền thoại đối với sự an nguy, sống còn của nhân dân, của từng tấc đất, ngọn cây, mạch ao hồ sông biển dắt díu, sánh vai quanh co, đẹp như tranh vẽ của dải đất hình chữ S trong thời kỳ ngài ngồi ghế nhiếp chính, chăn dắt nhân dân. Lại tâm tư, tình cảm của Quang Trung Nguyễn Huệ cũng còn rất đúng với những câu Kiều sau đây nữa mà thi hào dân tộc như đã nói ngày đó dù có ghét cay ghét đắng, căm hận đến thế nào cũng đành phải gật đầu chấp nhận, vì không thể nào nói khác, viết khác đi được. Chúng ta tiếp tục đọc lại các đoạn trần thuật này thử xem:
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những loài giá áo túi cơm sá gì.
Nghênh ngang một cõi biên thùy,
Thiếu gì hữu tả tuế nghì bá vương.
Trước cờ ai dám tranh cường,
Năm năm hùng cứ một phương hải tần...
Thưa các bạn,
với bao nhiêu đó chứng cứ, trước là một lá thư do Quang Trung Nguyễn Huệ gởi cho nhà Thanh được chúng tôi trích trong Đại Việt Quốc Thư của tác giả Nguyễn Duy Chính nói về sự an nguy của các vùng sông nước, biển đảo ngoài khơi xa của đất nước. Và thứ nữa là những gì được thi hào Nguyễn Du ký gởi vào trong truyện Kiều với các câu mang tính ám chỉ mà các bạn vừa đọc qua. Thì có thể nói thời đó người anh hùng áo vải dân tộc là nhà vô địch, từng chiến thắng tuyệt đối chẳng những chỉ trên đất liền, mà còn trên cả các vùng sông nước, từ Đàng Trong cho đến Đàng Ngoài nữa. Liệu các bạn có cần chúng tôi trích dẫn lại trận đánh trên sông Rạch Gầm Xoài Mút năm 1785 tiêu diệt bọn phản dân hại nước, cõng rắn cắn nhà gà gồm tổ đầu sỏ bán nước Nguyễn Ánh và tụi Xiêm La đầu trâu mặt ngựa kia hay chăng?
Bài viết này chúng tôi thấy khỏi phải cần trích dẫn lại những tài liệu, thông tin của giới sử gia trật cù chìa Bắc Nam cùng đám con cháu Nguyễn Gia Miêu khi luôn luôn xúm hô hào cho rằng chỉ có cha ông, tổ tiên của mình mới là những người tích cực, năng nổ nhất trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, tổ tiên trong suốt thời kỳ cai trị, ngồi ghế nhiếp chính tại Phú Xuân. Thử hỏi, như đã nói. Nếu một khi chủ quyền trên đất liền đã được bàn giao sạch sẽ cho giặc xâm lăng từ đám vua chúa bán nước, nối truyền từ đời cha đến đời con, từ đời cháu đến đời chắt. Thì cái việc nai lưng, cắm đầu cắm cổ ra bảo vệ chủ quyền các đảo ngoài khơi xa mà theo giới sử gia trật cù chìa từng hô hào, đặt điều, thêu dệt, chuyện không nói có, chuyện có nói không suốt từ đời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Hàm Nghi, Bảo Đại kia phỏng có ích gì nhỉ?
Tóm lại.
Bài viết này chúng tôi muốn các bạn hiểu như thật ra rằng trong vấn đề cai trị, bảo vệ chủ quyền đất nước thì tiên quyết, trước hết là sự xác lập, khẳng định chủ quyền trên đất liền, trên địa giới cái đã, còn các hòn đảo ngoài khơi xa chỉ là việc phụ, thứ yếu, nếu đất nước đó có vùng biển đảo phụ thuộc. Trong vấn đề này thì có thể nói Quang Trung Nguyễn Huệ là người từng thực thi, đặt ra những mục tiêu làm việc, xử lý rất nghiêm minh, xác đáng, không chê vào đâu được. Với bằng chứng rất hùng hồn, rất thuyết phục là lá thư chúng tôi trích dẫn mà các đã đọc qua ở trên. Sau nữa là những gì được Nguyễn Du trần thuật lại trong truyện Kiều với các câu khẳng định, xác định Quang Trung Nguyễn Huệ là hạng anh hùng hảo hán, từng chiến thắng tuyệt đối trên các vùng sông biển, từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong chỉ nội với hai câu 2449-2450 "Trước cờ ai dám tranh cường, Năm năm hùng cứ một phương hải tần..." thiết nghĩ là quá đủ rồi, nói chi cho nhiều. Đó là chúng tôi chưa muốn nói đến việc khi quyết định chọn Phượng Hoàng Trung Đô ở núi Dũng Quyết-Nghệ An để xây dựng kinh đô thì ngài cũng đã nhắm đến địa thế thuận tiện, dễ dàng để dễ bề xuất quân xuôi ngược chiến đấu nếu đất nước mỗi khi lâm nguy là ở vị trí đắc địa của con sông Lam kia vậy.
Còn nếu nói chỉ có vua chúa triều Nguyễn mới là những người đi tiên phong hay đi đầu trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo mà đám sử gia trật cù chìa Bắc Nam kiêm đám con cháu Nguyễn Gia Miêu vẫn thường hay xúm rêu rao, ca hát, nổ tận mây xanh lâu nay về ông bà, tổ tiên, về địa phương tính tướng vùng miền, về diễn biến chính trị ngấm ngầm như thế là không có cơ sở, tuy cũng có chút ít gì đấy. Bởi như đã nói là một khi chủ quyền trên đất liền, là địa giới tùng địa dũng xuất xuống tấn, múa côn, đi quyền chinh nam phạt bắc, tả xung hữu đột, dẹp loạn cát cứ, đánh đuổi ngoại xâm đã không có, đã vô cùng bất ổn thì cái việc cắm đầu cắm cổ ra bo bo, ngày đêm canh giữ các vùng biển đảo khơi xa thiết nghĩ còn có ích lợi, thiết thực gì nữa đâu?
Nói thêm đoạn. Có thể ngày xưa trên các đảo ngoài khơi xa Quang Trung Nguyễn Huệ cũng đã từng cho người ra cắm cột mốc, dựng bia xác lập chủ quyền lãnh thổ, chứ không phải chỉ có cho người ra ở lại canh giữ hoặc đích thân ngài dong thuyền ra kiểm tra, đôn đốc những khi hữu sự như thế. Nhưng sau khi nhà Tây Sơn thất bại, suy sụp bởi cái chết bất ngờ, đột ngột của ngài vào năm 1792. Tiếp đó là sự lên ngôi, cai trị của Gia Long từ năm 1802. Thì có thể những gì từng được nhà Tây Sơn và Quang Trung Nguyễn Huệ ra công thực hiện trên các đảo ngoài khơi xa sau đã bị đám quan binh dưới trướng nghe theo lời Gia Long bơi thuyền ra đập phá sạch bách, không còn gì. Cũng như họ đã từng tàn phá, đốt sạch, diệt sạch, giết sạch những gì liên quan đến Tây Sơn Nguyễn Huệ trên đất liền, từ Đàng Trong đến Đàng Ngoài kia vậy.
Riêng việc vua chúa triều Nguyễn, cả triều Tây Sơn ngày đó vẫn thường hay cho người ra trấn giữ các đảo xa cũng còn là để khai thác đặc sản của loài chim yến mục đích mang về chế biến thực phẩm ăn uống, tẩm bổ cho vua quan, cả dùng làm dược liệu chữa trị bá bệnh của các thầy thuốc đông y triều đình nữa. Chứ không phải họ ra ở ngoài đó chỉ để bảo vệ chủ quyền biển đảo là thôi đâu.
Phải không các bạn?