Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

LỊCH SỬ. ÔI...

LỊCH SỬ. ÔI...

Từ giải phóng 75 đến nay là đã non nửa thế kỷ. Hiện tại, trên hai vùng miền Bắc Nam, lớp người còn lại của thế kỷ trước cũng khá nhiều, tuy họ đã ở ngưỡng 50 trở lên. Dưới ngưỡng 55, là lớp mới sinh sau này, là sự chắp nối của quá khứ và của kỷ hiện tại. Rồi, tiếp theo, thời hiện tại qua đi, thêm 30 năm, 50 năm nữa trôi qua. Thì lúc bấy giờ, những con người từng liên quan đến quá khứ xưa xa, của kỷ cũ, thời trước giải phóng 75 đã không còn lại một ai nữa trên cuộc đời, trên nước Việt. Và cũng vào lúc bấy giờ, người ta cũng chỉ còn biết giây phút hiện hữu, quá khứ xa xưa của đất nước, dân tộc với những cuộc dâu bể thăng trầm với bao nhiêu biến động dập dồn của lịch sử thì người ta biết để làm gì nữa đâu?

 

Chúng tôi đang muốn nói về quá khứ. Ngày nay, những ai là những nhà chuyên môn hoặc nghiệp dư, từng nghiên cứu về bộ môn sử học của đất nước qua các thời đại, thời kỳ. Chắc đều biết rằng, để tìm ra được những văn bản, tài liệu nào đó nói về những cuộc chiến tranh mà dân tộc chúng ta đã từng kinh qua, như cuộc kháng chiến triền miên, kéo dài dằng dặc giữa quân đội nhà Lê và quân Minh, rồi nhà Trần và quân Nguyên Mông, nhà Tây Sơn với quân Thanh, vvv... là điều khó vô cùng khó. Bởi trong các cuộc chiến của từng thời đại, thời kỳ xa xưa ấy, thì tất cả những tài liệu ghi chép liên quan đến chiến cuộc hầu hết đã bị lửa khói chiến tranh thiêu rụi trong lúc quân đội hai bên giao chiến. Hoặc sau chiến cuộc cũng đã bị thất lạc, không còn lại gì bởi nhiều lý do, vấn đề. Nếu còn, thì có thể những tài liệu, văn bản ấy hiện đã đang bị vùi chôn một nơi nào đó tại các địa giới từng xảy ra chiến cuộc. Chúng ta, ngày nay, nhân đây, có quyền nêu lên giả dụ, bây giờ qua công cuộc khảo sát, khai quật nào đó, tình cờ chúng ta phát hiện, đào, moi, lấy lên được một số hiện vật lịch sử, trong đó có lá thư của người lính triều Thanh bị vùi lấp tại một vị trí nào đó thuộc các căn cứ địa hùng hiểm trong thời kỳ họ chiếm đóng Thăng Long viết cho bạn mình ở quê hương nhưng gởi đi chưa kịp vì chiến cuộc đã bất ngờ nổi lên vào đêm 30 trừ tịch năm 1788 chẳng hạn. Nội dung lá thư viết thế này:

 

Tôi nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà thương mến.
Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về.
Ngày tôi gặp nó nét đăm chiêu đêm nhập ngũ,
thấy thương nhau nhiều quá.

 

Nhập đề lá thư người lính Thanh cho biết, mình và người bạn chỉ mới quen, gặp nhau trong cuộc chiến Thanh Việt do nhà nước Thanh phát động, chuẩn bị kéo quân qua đánh nước Việt. Chính quyền Trung Hoa thời đó đang ra thông báo chiêu mộ trai tráng lên đường đi nghĩa vụ, tham gia chiến dịch trận đánh chinh phạt, thu phục nước An Nam. Trong đợt tuyển quân rầm rộ đó, hai người lính tân binh lần đầu gặp nhau trong quân ngũ, họ đã cảm thấy mến thương nhau. Trong những đêm khuya, nằm thao thức bên chao đèn hắt hiu, giá lạnh, người này kể cho người kia nghe về bổn quán, quê hương, nơi mình sinh ra. Người kia cũng vậy, khẽ lay động, chuyền nhau điếu thuốc, rít vài hơi, họ thầm thì, kể cho nhau nghe nhiều chuyện nữa, về nỗi niềm tâm sự thầm kín riêng tư, chưa bao giờ thố lộ cùng ai. Người lính trấn đóng ở địa giới Thăng Long viết tiếp:

 

Ba tháng trong quân trường cam go đã chai tâm hồn lính mới.
Nó luôn bảo tôi đừng than oán chi cuộc đời.
Vì khi nhịp súng vẫn đêm vang vọng mãi, tao mầy nào được vui...

 

Với đoạn tiếp theo, chúng ta được biết, hai người lính trẻ này sau ngày gia nhập quân đội, còn đang thời gian huấn luyện tại quân trường, họ đã nếm phải đủ thứ mùi vị lao khổ từ tinh thần đến thể xác đến mệt nhoài, rã rời từ những bài học, nghiệp vụ tác chiến, đó là thứ hành trang cần phải có của đời quân nhân, chinh chiến rày đây mai đó, gia tài duy nhất của những trai hùng thời loạn, để chuẩn bị cho ngày mai bước ra chiến trận, mặt giáp mặt với quân thù. Người này nói, dặn người kia, mày ạ, cuộc đời là vậy, đã vào chốn này, tao với mày hãy chấp nhận, chết sống để mặc cho dòng đời, định mệnh đưa đẩy, quyết định. Oán trách, than van làm gì, ích gì. Mầy sao không lắng lòng, đó, từng đêm, từng đêm tiếng súng quân thù vẫn vọng vang về, dày xéo, cày nát từng tấc đất, ngọn cỏ quê hương, đất nước. Có nhiều đêm thức trắng, nhìn ánh hỏa châu bừng lên sáng rực rồi lịm tắt giữa khung trời tối đen của tuổi hai mươi hoa mộng, tao mãi man miên, biết đến bao giờ tao và mầy rời quân ngũ, về quê hương, rồi có người yêu, in thiệp hồng, xây dựng cuộc sống. Ngày ấy chắc còn xa lắm. Phải không?

 

Người lính lại viết tiếp:

 

Hôm chia tay hai đứa cùng bùi ngùi,
Ngày mai nó tôi trên ngưỡng cửa cuộc đời.
Dặn nhau gắng vui, dù cho vành môi se khô mấy cũng mỉm cười...

 

Đoạn viết tiếp theo, chúng ta được biết, vào sáng mai hôm đó, một buổi sáng đầy sương giăng, giá lạnh, tê cóng bờ môi, sẽ là ngày hai người lính trẻ ấy chia tay, một số người, trong đó có người bạn, được điều chuyển, đến đơn vị bộ binh, tạt về miền bắc, trấn nhậm, bảo vệ vùng sông nước Hán Dương. Người còn lại, nhập vào đội quân do Tổng đốc Lưỡng Quãng họ Tôn chỉ huy, sầm sập kéo quân qua nước Việt, vượt ải Nam Quan, tiến vào chiếm đóng Thăng Long. Hằng ngày, đọc thông báo dán tại doanh trại, tướng chỉ huy mặt trận cho biết, ăn tết xong, toàn bộ quân đội chủ lực sẽ kéo vào đánh chiếm, giải phóng nốt Thuận Hóa-Phú Xuân, dẹp sạch đám giặc đỏ Tây Sơn, bắt thủ lĩnh Nguyễn Huệ làm dê tế thần đúng theo chuẩn tấu, phê duyệt của triều đình. Nhưng bất ngờ trong đêm 30 trừ tịch, quân đội Tây Sơn bỗng từ đâu nổi trống phất cờ, đốt lửa cháy sáng dậy trời, đồng loạt thọc năm mũi tiến công vào năm cứ điểm mà quân đội Thanh triều đã đang chiếm đóng, khiến quân đội Thanh triều lúc này đang thẳng cẳng ngáy khò khò, phản ứng không kịp, đành phải bị quân Tây Sơn xông vào chém giết vô số kể, chết nằm la liệt, ngổn ngang. Cầm cự đến ngày Mồng Năm tết thì quân đội Tây Sơn đã toàn thắng, xác chết quân Thanh nằm phơi đầy ra, như nông dân phơi rơm rạ trên năm căn cứ chiến địa hùng hiểm. Khoảng hơn 8h sáng, chiến tướng Nguyễn Huệ ngồi trên mình ngựa, oai phong lẫm liệt, chiếc chiến bào đỏ thắm ngày nào giờ đen sạm khói súng, từ từ tiến vào Thăng Long, theo sau là đội kỵ binh Tây Sơn giữa tiếng hoan hô vang dậy đất trời đến lạc cả giọng của người dân kinh thành Thăng Long.

 

Rất tiếc lá thư viết đến đoạn này đã mất một nửa, có thể cuộc chiến xảy ra quá bất ngờ, nên đã không còn nguyên vẹn do sự xô đạp, xung đột giữa những lính trong lúc giao tranh quyết liệt, giành giật sự sống, lẻ thắng bại. Nửa mảnh giấy còn lại sau đó bị vùi lấp, giữa hai kẹt đá tảng, cùng với một số hiện vật khác, là mấy thanh chủy thủ ngắn, một cái đèn thủy tinh thắp dầu phộng, còn có cả nghiên mực bằng sứ, loại tốt, mang từ bên kia qua. Chỉ đến khi qua cuộc khảo sát, khai quật của những người phục dựng lịch sử chính quyền sở tại mãi về sau thì các hiện vật lịch sử mới được phát hiện. Lá thư và nghiên mực, mấy ngọn chủy thủ, cái đèn thủy tinh còn lại của cuộc chiến năm xưa sau đó đã được đưa vào lưu trữ, cất giữ tại viện bảo tàng quốc gia để làm chứng tích cho cuộc chiến giữa hai nhà nước Thanh Việt của hậu bán kỷ 18 vắt qua đầu kỷ 19.

 

Nội dung lá thư nói trên thật ra là lời ca của nhạc phẩm Nó và Tôi, xuất bản trước giải phóng 75 của người miền Nam. Chúng tôi chỉ lấy nó ra để ví dụ cho trường hợp như đã nói về các hiện vật, tài liệu liên quan đến lịch sử đất nước qua các thời đại, thời kỳ được phát hiện, tìm ra mãi về sau. Nhưng đó cũng chỉ là suy luận, nói, viết ra đọc nghe cho vui tai vui miệng chút đỉnh. Còn sự thật thì lại khác, thế này. Với những gì mà sau cuộc chiến 75 còn để lại đến hôm nay, hậu chiến tranh, ở đây thuộc lĩnh vực âm nhạc, là các bản nhạc được người miền Nam sáng tác từ trước đó, dùng nói về đề tài, thể loại chiến tranh hiện vẫn còn rất nhiều, cũng đủ cả, gồm mọi thể loại, từ chiến tranh, hòa bình, quê hương, tình yêu, tình đời, tình người, vvv... Thì tại sao nhà nước, chính quyền sở tại, tức những người chiến thắng không cho lưu hành, in ấn, xuất bản trở lại, và cho các ca sĩ tự do biểu diễn, đồng thời cũng để làm đề tài thuyết giảng, bàn luận, cả cho bộ môn giáo dục nhà trường mang ra giảng dạy cho học sinh các cấp hòng làm chứng tích, chứng minh cho chiến cuộc của hai vùng miền? Nói như vậy cũng có nghĩa là nội dung những nhạc phẩm đó, thể loại chiến tranh, có phải là tư tưởng, tâm tình của những người lính, người trai trẻ trong thời loạn ly đã cất lên tiếng nói cho xã hội, cho lịch sử biết rõ rằng sau những cuộc giao tranh ác liệt, đẫm máu, thây người phơi như rơm rạ, khi chiến trường bặt tiếng súng, nằm im thở khói, thì họ, chúng tôi, những người lính trẻ, đã từng nghĩ gì, nói gì vào lúc này? Có phải đó là ước mơ về một tháng ngày thanh bình, con người được sống trong hạnh phúc, yêu thương, ấm êm dưới một mái nhà, có cha mẹ, ông bà, anh chị em, và bên người vợ hiền cùng mấy đứa con thơ bé bỏng hay không?

 

Nếu nhà nước, chính quyền hiện tại vì lý do gì đó, như do sự chống đối giữa tư tưởng chính trị, ý thức hệ vùng miền, của người thắng kẻ bại, vvv... Thôi thì, như đã nói, chúng ta hôm nay đành phải chấp nhận giải pháp. Chờ cho giây phút hiện tại này trôi vào quên lãng, hư vô, khi những con người, nhân chứng còn lại của lịch sử một thời kỳ đã tuần tự, kẻ trước người sau thay nhau ra đi, không còn một ai nữa. Thì lúc đó những gì còn lại của quá khứ xa xưa mới có quyền được người ta, con người của hiện tại, mang ta mổ xẻ, bàn luận, làm đề tài thuyết giảng, giáo dục cho thế hệ hôm nay để biết thế nào là giá trị bất tử của chiến tranh và hòa bình.

 

Đôi đứa đôi nơi ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối,
Chát cay đầu môi chiều khu chiến mưa sụt sùi.
Nhìn trong lòng giấy nét quen xưa nghiêng đổ gãy,
nó đi nhưng còn đấy...

 

Có phải như vậy hay không?

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang