1- CẢO THƠM LẦN GIỞ TRƯỚC ĐÈN...
Câu 79, đoạn chị em Thúy Kiều thăm mã nàng Đạm Tiên nhân dịp đầu xuân Nguyễn Du viết như sau:
"Trải bao thỏ lặn ác tà..."
Đây là một câu mật mã. Nhân dịp đầu xuân chúng tôi xin giải thích mật mã này như sau. Nói là mật mã bởi trong Kiều có rất nhiều câu, chữ Nguyễn Du vì để bảo vệ tuyệt đối bí mật lịch sử nên phải dùng lối văn tự, chữ nghĩa chỉ mang tính thuần túy tả cảnh tả tình hay, đẹp này để làm hoặc để chặn đứng toàn bộ những tâm niệm hiểm độc và săn tìm, sục sạo của đám vua quan hăng tiết Gia Long đối với những gì có liên quan đến gia đình, người thân, các dấu tích lịch sử. Ở đây là ngôi mộ bí mật của Bắc cung Hoàng hậu Thu Mai tại kiệt 51 Minh Mạng thành phố Huế. Ngôi mộ này cách chùa Thiên Thai Nội ở kiệt 15 Minh Mạng tầm 200m trở lại.
Hai chữ "thỏ lặn" là để chỉ cho chữ Toản 纘. Toản 纘 tiếng Hán là nối, nối theo, kế thừa. Hay Toản là cầm, là nắm. Chúng ta đã quá biết. Sau khi Hoàng đế Quang Trung ra đi vào tháng 9 năm Nhâm Tý 1792, lúc này là tháng Bảy âm lịch. Năm Nhâm Tý 1792 này là năm nhuận. Thì Thái tử Quang Toản là người lên kế vị vua cha, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Bấy giờ Quang Toản mới có 13 tuổi.
Lại Toản 趲 tiếng Hán cũng có nghĩa là chạy, bỏ chạy. Chạy như thế cũng tức là... lặn mất tăm dạng. Như khi mặt trời lặn mất khỏi núi đồi, bỏ lại ngàn cây nội cỏ bơ vơ với tiếng côn trùng rả rích ai oán, thê lương cùng những bóng chim về tổ muộn, đơn côi trên nền trời hoang vu, tịch tịnh. Không gian dần chìm vào bóng tối âm u...
Lịch sử đã cho chúng ta biết khá rõ. Khi Nguyễn Ánh tấn công vào Phú Xuân, có thể vào tháng 5 năm 1801 thì vua Quang Toản đã bỏ kinh đô chạy thoát thân. Sau đó tập trung quân lính về án ngự tại Nghệ An. Nhưng rồi Quang Toản có thể vì hãy còn quá trẻ, non nớt kinh nghiệm chiến đấu, không phải tay lì lợm, dạn dày, coi trời bằng nắp vung như vua cha khi xưa nên cũng đã bỏ Nghệ An chạy tiếp tục ra đất Bắc, cố thủ tại điện Kính Thiên. Nghe nói Quang Toản chẳng hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường như thế nào, sau đã phủi bỏ hai chữ Cảnh Thịnh, lấy hai chữ Bảo Hưng!
Vua Bảo Hưng tồn tại tại điện Kính Thiên không được bao lâu thì lại phải bỏ chạy tiếp tục trước sức công phá có thể nói chả có gì là ghê gớm lắm của quan quân Gia Long. Lúc này Nguyễn Ánh đã lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long. Và khi ấy Gia Long đang trên đường tiến công ra Bắc Hà để diệt và lấy nốt những gì còn lại của Nhà Tây Sơn. Vua Bảo Hưng sau đó đã bị Gia Long và quan quân bắt giải về Phú Xuân để chịu án hành hình thảm khốc cùng với nhiều quan tướng, binh lính khác của Nhà Tây Sơn. Trong đó có vợ chồng nữ tướng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Tướng Võ Văn Dũng thì đã tháo củi nhanh chân trốn thoát trước đó.
Chúng ta trở lại trọng tâm câu chuyện văn thơ, chữ nghĩa.
Như vậy, hai chữ "thỏ lặn" là chỉ cho chữ Toản 趲, là sự tháo chạy không kèn không trống của vua Cảnh Thịnh, tức Quang Toản trước sức tấn công bụp xẹt của Nguyễn Ánh cùng đám quan quân thập cẩm, lôi thôi mà nếu gặp phải bậc anh hùng mã thượng có một không hai trong lịch sử thì các y đã bị đánh tan tác chim muông, không còn mảnh giáp rồi. Và chẳng những đám tàn quân chỉ lo vứt bỏ đao kiếm, mũ nón không thôi mà còn cởi bỏ cả áo quần, giày dép xúm ù té chạy xì khói trắng khói đen hòng thoát thân, bảo toàn mạng sống khiến thành một trò buồn cười mà cười sao cho nổi!
Riêng hai chữ "ác tà" có nghĩa là mặt trời 日-nhật- và lệch, cong, nghiêng 邪 -tà-. Như thế, "tà" 邪 ở đây cũng có nghĩa là gian tà, bất chính, tức chỉ thẳng vào Gia Long, nhà vua độc ác, hèn hạ nhất trong lịch sử thời phong kiến của nước Việt. Bởi tà 斜 tiếng Hán có một âm là gia. Gia ở đây chính là Gia Long. Đồng thời gia cũng là Gia Miêu. Nhưng nói Gia Miêu là không đúng với diễn biến đã xảy ra trong lịch sử. Bởi Nguyễn Du ra đầu thú, làm quan, phục vụ đắc lực cho Gia Long chính thức vào năm Nhâm Tuất 1802 khi Gia Long kéo quân ra tấn công Bắc Hà để diệt Cảnh Thịnh, tức vua Bảo Hưng như đã nói ở trên.
Cuộc đời vinh nhục, chấp nhận cúi lòn để kiếm miếng cơm manh áo, chén rượu, vật chất nuôi bản thân và gia đình có thể nói rất nhu nhược, bế tắc của Nguyễn Du kéo dài dưới đời Gia Long được 18 năm thì chấm hết. Gia Long thì ra đi, về chầu tiên tổ, ông bà trước Nguyễn Du gần một năm, ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão 1819, dương lịch là ngày 03 tháng 02 năm (Canh Thìn) 1820. Chúng tôi khỏi bàn sâu về chữ "tà" 邪 chi cho tốn thời gian, bút mực. Các bạn chỉ cần biết "tà" 斜 là Nguyễn Du chỉ thẳng, đúng hơn là chửi khéo, mắng mỏ xiên xỏ vào nhà vua độc tài, hiểm độc nhất trong lịch sử phong kiến Gia Long. Bởi nếu Nguyễn Du dám trực ngôn, ăn to nói lớn, coi đất trời như cỏ rác thì chẳng những chỉ mỗi Nguyễn Du mà cả dòng họ, con cháu cùng mồ mã ông bà, tổ tiên cũng đã bị đám vua chúa phản dân hại nước Nguyễn Gia Miêu giết hại, phá sạch sành sanh hết rồi còn đâu nữa!
Phải không các bạn?
Tóm lại. "Ác tà" là chỉ sự ra đi của nhà vua hiểm độc, gian tà Gia Long vào năm Kỷ Mão 1819. Thời điểm này Nguyễn Du vẫn còn. Còn chỉ để tiếp tục chứng kiến sự chuẩn bị nối ngôi cùng những việc làm bất chính, gian xảo của đám quỷ sứ hút máu người không biết hôi tanh miệng lưỡi là gì đúng một năm nữa mà thôi. Riêng hai chữ "thỏ lặn" là ám chỉ sự tháo chạy không kèn không trống của vua Cảnh Thịnh-Quang Toản vào tháng 5 năm 1801 ra khỏi kinh thành Phú Xuân.
"Trải bao thỏ lặn ác tà,
Ấy mồ vô chủ ai mà ghé thăm..."
Như vậy, hai câu 79, 80 có ý nghĩa. Tính từ khi Bắc cung Hoàng hậu Thu Mai ra đi vào tháng 9 năm Kỷ Mùi 1799. Tiếp đó là sự tháo chạy, sụp đổ của vua Cảnh Thịnh năm Tân Dậu 1801 khỏi Phú Xuân cho đến 18 năm sau, năm Kỷ Mão 1819 thì ngôi mộ cô đơn, hiu quạnh nằm phơi mình, cô đơn giữa trời mưa nắng tại chân dốc dưới chùa Thiên Thai, gần bên con suối mà ngày nay có cây cầu Lim vắt ngang vẫn hoàn toàn nằm trong vòng bí mật tuyệt đối.
Nói như vậy cũng có nghĩa là sự hiểu biết và niềm bâng khuâng, lưu luyến của Nguyễn Du đối với người xưa và câu chuyện buồn tình sử chốn quan trường chỉ tồn tại trong vòng 18-19 năm này mà thôi. Rồi mãi cho đến 196 năm về sau chả biết thế nào lại có một quái kiệt giang hồ võ lâm từ trong bụi nhảy ra âm thầm tìm đến đúng ngôi mộ bí mật tại kiệt 51 Minh Mạng ngày nay đưa tay gõ vào tấm bia đắp bằng vôi có chín chữ Hán Thiên Thai Ngự Tích Diệu Hoa Lão Chi Tháp, miệng lẩm nhẩm câu thần chú: "Vừng ơi, mở cửa ra!"
Và cánh cửa bí mật, đóng chặt ngàn năm thương hoài một bóng hình ai đã bắt đầu rùng rùng chuyển động...
Nhưng "Trải bao thỏ lặn ác tà..." không phải chỉ mỗi nghĩa đơn giản như vậy. Mà đây là những chữ đa nghĩa nằm trong câu đa nghĩa. Có thể những bài viết khác chúng tôi sẽ phải giải thích tiếp tục về câu thơ đa văn đa nghĩa này. Xin các bạn vui lòng chờ đợi vậy.
Quy Nhơn, lúc 8h37 ngày 26 tháng 02 năm 2018
Bốn niệm xứ.