QUA ĐÈO HẢI VÂN
Bát ngát mây trời Hải Vân,
Những cây thông biếc mấy lần hoàng hôn,
Ngàn năm vẫn đứng đầu non,
Với bao sương gió thông còn thanh thanh.
Xin thông trang điểm lá cành,
Như là trang điểm màu xanh quê nhà.
Thơ Thân Thị Ngọc Quế
Bình thơ:
Theo như nguyên tắc và nguyên lý của các loại động cơ hoặc của võ học. Hễ mỗi khi được chập nguồn hay bị tấn công thì tức tốc chủ thể, người đương cuộc liền hiển thị, khai triển ra mọi hoạt động, động tác từ chậm đến mau, từ nông đến sâu, từ chống đỡ đến tấn công để đáp trả hoặc đáp ứng lại lực dắt dẫn, tác động từ bên ngoài.
Bài thơ này ở đây cũng tuân thủ theo thông lệ và nguyên lý ấy. Nhập đề thì tác giả đã liền vội xác định cụ thể, rõ ràng. Đây là đâu trong không gian, thời gian của phút giây hiện hữu. Và mây, chùm nhân quả duyên sinh, duyên hợp với cố hữu, bất biến trên nguyên tắc:
Do cái này có nên cái kia có-Do cái này sinh nên cái kia sinh... ôi sao là mênh mông, bàng bạc đến cả một không gian bao la, lồng lộng... Nào mây ở xa, mây ở gần, mây xoắn, mây cuộn, mây chập chùng như núi đồi, mây lơ lững, lang thang, vô định như... mây. Rồi mây định hình, mây tan loãng, mây trắng, mây đen, mây xanh, mây vàng, mây tím... Ôi mây với mây và mây... Từng qua Hải Vân dù chỉ một lần trong đời chắc có nhẽ ai đó cũng khó mà quên những cảm xúc trào dâng khi ngự tót trên cao đỉnh, kỳ quan tuyệt mỹ của đất nước. Và rồi chợt thấy mình mới bé nhỏ, cô độc làm sao giữa trùng điệp núi đồi với trời cao biển rộng, với mù sương nhạt nhòa, giá lạnh...
Câu kế tiếp, chỉ ngay vào những gì đang ở gần nhất, dễ quan sát, nắm bắt nhất. Những cây thông chứ không phải là mây. Dù mây với đặc tính cố hữu dễ tan loãng, dễ tượng hình, dễ gợi liên tưởng và dù đôi khi, người với mây cùng hòa quyện, cùng chìm khuất trong nhau. Với riêng thông thì khác. Tuy hai thực thể không dễ tan loãng vì nhịp sinh học và sự cảm thụ không đồng nhất nhưng tác giả lại muốn thân cận, muốn tâm sự, muốn bóng gió và muốn khẳng định, giả định... Những cây thông ấy đã bao lâu rồi nhỉ đứng trầm mặc, cô đơn với co ro, run rẩy hay với hiên ngang, hùng vĩ trong mù sương giá lạnh, trong nắng ấm thênh thang?
Bao lâu?
Đã nói là không biết cớ sao lại hỏi? Kỳ quá! Chỉ biết hoàng hôn của hôm nay nó đã có đấy. Rồi bình minh của hôm sau nó cũng vẫn có đấy với biêng biếc, thâm u và muôn thủa những tầng tầng, chùm chùm xanh và xanh... Bao lần hoàng hôn, bao lần bình minh của vòng tuần hoàn sinh diệt mà riêng thông thì vẫn thản nhiên đứng đấy và đứng đấy.
Trăm năm? Năm trăm năm? Hoặc ngàn năm? Có nhẽ cả...
Thực ra, đấy chỉ là một cách hỏi. Hỏi mây, hỏi gió, hỏi núi, hỏi sông, hỏi hoa, hỏi người, hỏi chim, hỏi cảnh... Hỏi cho có hỏi, hỏi cho có cớ hỏi. Vậy thôi. Hỏi ra những câu hỏi rồi lại tự mình đáp giải những câu hỏi vớ vẩn, ngớ ngẩn của chính mình. Danh từ chuyên biệt, đặc thù gọi là độc thoại, độc ngữ. Nó đã vốn có và mặc nhiên song hành cùng loài người từ thủa khai thiên lập địa mà chỉ đến khi chữ viết xuất hiện thì con người mới biến nó thành một loại vũ khí độc đáo, lợi hại để đối phó, lập phương với đối thủ, với kẻ thù và kẻ lạ mặt, người trong mộng...
Độc thoại, độc ngữ do đó nó còn được xem như là một công cụ, một phương tiện hỗ trợ đắc lực, năng nổ nhất để cho con người có dịp biểu hiện tâm tư, ước muốn hoặc niềm trắc ẩn với tha nhân thế sự, với thiên nhiên tạo vật và với than thân trách phận...
Nhưng độc thoại, độc ngữ nên biết. Nó lại chính là vật cản, là một hệ thống đặc biệt, quá đặc biệt để dừng lại, để chặt đứt dòng chảy miên man của những tiến trình, những bộc lưu (bộc lưu là dòng thác từ trên cao đỗ xuống. Mạnh vô song!). Lại độc thoại, độc ngữ chính cũng là để làm bùng nổ, khai mở ra một hệ thống, một hành trình, một đường lối, một triết lý của một chính khách, một nhà phục dựng và cả của một hành giả đang khi thai nghén, ôm cứng một công án, một sở học, một tuyệt học, vân vân và vân vân...
Câu bốn là câu tiếp nối mang tính chất khẳng hoặc giả định cho câu ba sau khi đã vẹt ra một nghi vấn từ câu hai: "Với bao sương gió thông còn thanh thanh". Nói cái kiểu gì lạ thế mà lại nói đến trăm năm, ngàn năm? Có thăm thẳm, mịt mù quá không đây?
Do đó, vô hình trung nó như đã tiễn đưa, ly biệt con người, tôi anh chị rời khỏi thế giới hiện thực sáu căn để dẫm bước thật xa vào trong thế giới ảo tưởng cùng với lắm nỗi hoang mang, quờ quạng của chắp nối, liên tưởng và khập khiễng mất rồi. Vì có ai đâu, không phải sao. Có thể sống đến trăm năm, ngàn năm để đứng ra làm nhân chứng, thầy kiện cho một cây thông, một đời thông?
Quá vô lý, vô lý thậm chí có phải không?
Nhưng khi nói: "Với bao sương gió thông còn thanh thanh" thì lạ thay! Sự việc, vấn đề bất chợt đổi thay đến không ngờ rồi đấy!
Tại sao vậy?
Ấy không phải khi nói đến sương gió lại chẳng muốn nói đến từng trải? Nói từng trải sao không khéo nhắc đến cách thức tiếp xúc, va chạm? Nhắc tiếp xúc, va chạm hình như muốn điểm rõ vào các loại cảm thụ? Và nói cảm thụ có nhẽ như muốn hô lớn rằng đây. Các pháp đến đi phải được đặt trên đường đi, đường dây trực diện hay gián tiếp? Trực diện và gián tiếp là gì nếu không từ lĩnh vực, phạm trù của tồn tại và hủy diệt? Và tồn tại hoặc hủy diệt để làm chi nếu không muốn nhấn mạnh, hô hào tới khía cạnh "ý nghĩa kiêm giá trị?" Đã chấp nhận, bằng lòng nói đến "ý nghĩa và giá trị" thì sao lại dễ dàng lãng quên... hiện tại? Mà cuộc sống, cuộc đời này thiết nghĩ. Sẽ còn có một ý nghĩa gì nếu xa lánh, tách rời hai chữ: "hiện tại?"
"Xin thông trang điểm lá cành..." Nói gần nói xa, nói kín nói hở, nói quanh nói quẩn, nói gì thì nói rồi tác giả, người đương cuộc cũng phải thú nhận lên điều muốn nói, muốn che giấu bao lâu mà chưa có dịp cởi mở, trần tình. Đó là xin một ân huệ. Thông hãy tự trang điểm, tự làm đẹp lấy cho mình đi nhé! Chi vậy cà? Để làm nơi cho chim sóc nhảy nhót vui đùa hay làm một khu rừng nguyên sinh tỏa bóng mát rượi mời mọc các đôi nhân tình tìm đến thêu dệt mộng mơ, cạn dòng dư lệ? Hay là làm một kiếp trả vay, chấp nhận bị đốn hạ, xẻ dọc cưa ngang chế tác vật dụng mà phục vụ thỏa đáng cho mọi nhu cầu lắm kiểu nhiều cách của con người?
Có thể là đúng với điều này, điều kia hay với tất cả nhưng sao nghe vẫn cứ hời hợt, vẫn cứ mông lung, mơ hồ thế quái nào ấy?
Hay là còn những gì xa xôi, uẩn khúc nữa mà chưa muốn thố lộ, chưa muốn cạn nguồn?
"Như là trang điểm màu xanh quê nhà..." Và thật ra, chỉ đến câu kết luận thì người đọc mới hiểu, mới thấy rõ ý đồ của tác giả cũng như nắm bắt được nghệ thật và phương pháp lý luận của văn thơ. Bởi nó đã được dẫn dắt khéo léo, mạch lạc từ đầu đến cuối, từ cạn đến sâu, từ dàn trải đến cô đọng, nhất qua câu năm. Một câu quá rõ ràng mang một tính chất nài nỉ, van xin hoặc cầu khẩn, quỳ lụy thì mới đúng với ý nghĩa và giá trị đích thực của nó vậy.
Nhưng tại sao và nguyên nhân nào mà phải hạ mình để cầu khẩn, quỳ lụy như thế kia chứ? Và quê nhà từ hôm qua, hôm kia, hôm nay đã từng như thế nào để lại phải cần đến nét trang điểm, son phấn của thông?
Nói đến quê nhà, phải chăng là muốn khéo léo nhắc nhở đến quyền sở hữu, tư hữu... chung riêng? Nói chung riêng chẳng nhẽ lại muốn úp mở đến... môi trường sống? Và nói đến môi trường sống, hình như đã muốn dứt khoát, một hai khẳng định. Gam màu diệp lục tố đích thị là gam màu của yêu thương, của tình tự, là nơi đã phát sinh ra nguồn sống vi diệu, vô tận, là nơi để lắng đọng suy tư và cũng chính là mái nhà xưa để ai đó tìm về sau những tháng năm lang thang, phiêu bạt?
Phải vậy không?
Im lặng...
Nếu không có gì để bàn cãi và một khi thông đã chấp nhận tự làm đẹp, điểm tô cho mình những nét đoan thanh ngà ngọc lẫn kiêu sa hùng vĩ thì cũng chính là thông đang làm đẹp, đang trang hoàng cho quê nhà, cho tôi anh chị đấy thôi. Vì dù sao, lòng người rồi có đa mang tráo trở, có phụ phàng, lật lọng thì xin thông đừng buồn, đừng oán trách chi nghe! Bởi đấy cũng chỉ là lẽ thường của kiếp hữu hạn nhân sinh. Vui lên, thông hãy vui lên, hãy hát ca lên và điểm tô cho mình lộng lẫy, thật lộng lẫy, kiêu sa hơn nữa đi! Để chi? Để mai này, bất chợt có ai đấy một hôm trên bước lãng du cảm thấy mình như đã quá ê chề, rã rời, bất lực với bao nỗi cô đơn, buồn tủi bởi chốn trần ai sao chỉ biết mỗi hơn thua danh lợi, mỗi nhục vinh thù hận sẽ còn có một nơi chốn để hướng về, để tìm về và khẽ khàng ngồi xuống bên thông. Và nhẹ thốt lên lời trần tình tưởng tắt lịm tự đã hôm nao:
Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó,
Bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi.
Mẹ quê đun bếp nghèo thơm mùi rơm qua khói mờ.
Vui tình quê trìu mến.
Xin trả tôi về miền quê hương nhỏ bé,
Có lũy tre vàng bờ lúa sát ven đê.
Dòng sông trôi lững lờ run vầng trăng soi bóng mờ,
Chuỗi ngày đẹp và mơ...
(XIN TRẢ TÔI VỀ)
Trắc ẩn ấy, hoài niệm ấy của hôm nay phải chăng đã lâu rồi trong vạn cổ? Của một ngày khi mà một tri thức như thật sự đã hãi sợ, đã hoang mang lắm rồi trước lẽ biến suy, hơn thua của thời cuộc, của lòng người nên vội vã tìm đến bên thông gởi trao lời ước vọng:
...Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.
(VỊNH CÂY THÔNG)
Chậc, làm cây thông thôi thì khỏe lắm, bình an lắm cho dù có bao cuộc xung đột, bể dâu, binh biến sao thì sao mặc kệ chứ riêng thông thì vô tư, nhàn hạ, bất động. Nhưng ngặt sao một nỗi. Muốn được thế, vô tư, nhàn hạ, bất động, trơ trơ như thông kia thì lại cần phải tỏ ra dũng cảm, chấp nhận tất cả mọi tiếp xúc, va đập thì mới có thể trèo lên chót vót và ngất ngưỡng được như thông chứ?
Eo ơi, sợ quá, cao quá! (ngước nhìn...)
Và chính thế, chính vì không thể bất động, nhàn hạ, vô tư được như thông cho nên mãi mãi thông vẫn cứ là thông, người vẫn cứ là người trong dòng biến dịch triền miên, bất tận và bất tận, bất tận mà thôi...
Và có nhẽ cũng vì nguyên do ấy, hạn cuộc ấy nên hôm nay mới có lời cảm thán, chia sẻ sao mà nghe vô vọng, sao mà nghe bi thiết đến quá đỗi:
... Xin thông trang điểm lá cành,
Như là trang điểm màu xanh quê nhà.
Ôi! Buồn thay cho một kiếp lang thang, vô định...
Lại cũng chính vì hạn cuộc ấy, nguyên do ấy nên mới có gã cùng tử quái dị cảm ứng sâu xa tình hoài vọng bèn lật đật quăng hết bao bì cào cào châu chấu trâu bò chó dê lôi thôi luộm thuộm tiến đến bên cung kính chắp hai tay nắc nỏm:
"Bài thơ có sáu câu. Đơn sơ dung dị mà thăm thẳm lạ lùng. Thật dễ sợ là chị Ngọc Quế. Tôi tưởng chừng như xưa nay chưa có ai vịnh Hải Vân, hoặc vịnh bất cứ phong cảnh nào, mà lời thơ có thể đạt tới độ "lô hỏa thuần thanh" như thế. Hãy đọc xem:
Bát ngát mây trời Hải Vân..."
Chậc...
Tuy Phước, lúc 16h47 ngày 27 tháng 04 năm 2018
Bốn niệm xứ