TIẾNG OAN
ĐÃ MUỐN VẠCH TRỜI KÊU LÊN. . .
Rằng: "Năm gia tĩnh triều vinh,
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.
Có nhà viên ngoại lộc hoàn,
Gia phong chi hiển đường đường bậc trung.
Một trai hôn thứ rốt lòng,
Văn Quan là giữa vốn dòng vương gia.
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân...
***
1-Dấu tích lịch sử gom trong từng câu, chữ, không được hiểu sai, viết sai!
8 câu lục bát ở trên cho chúng ta biết truyện Kiều được thi hào đất nước Nguyễn Du sáng tác, xây dựng trên nền tảng thể loại trực khởi: nhập đề nói ngay vào trọng điểm, cốt lõi câu chuyện nhưng được lồng dưới dạng văn bản chiết tự Hán Nôm mục đích đánh tráo khái niệm, gài bẫy thiên hạ khiến khi đọc qua từng câu, chữ từ đầu đến cuối ai cũng cho truyện vốn của người Tàu, do Thanh Tâm Tài Nhân người bên ấy sáng tác, bằng văn xuôi, chữ Hán, thể chương hồi, tựa là Kim Vân Kiều Truyện. Nguyễn Du nhân lần đi sứ năm 1813 bằng cách nào đó đã săn nhặt, lấy được mang về Phú Xuân, ngồi dựa vào cốt chuyện hư cấu ấy dịch ra 3254 câu lục bát, chữ Nôm, đặt tựa là Đoạn Trường Tân Thanh, sau gọi tắt là Truyện Kiều.
Những giải thích sau đây, làm sáng tỏ, tường minh nghĩa lý ẩn khuất 8 câu lục bát trên, sẽ cho chúng ta biết rõ truyện Kiều là do ai sáng tác, người Việt hay người Tàu? Nguyễn Du ngày ấy chỉ có công dịch từ bản văn xuôi chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân người Tàu sang thơ Nôm lục bát hay chính Nguyễn Du là tác giả của cả hai văn bản?
Hai chữ "gia tĩnh" của câu thứ 9 "Rằng: Năm gia tĩnh triều vinh..." là hai chữ viết thường, không phải viết hoa, bởi chữ Nôm hay chữ Hán không có chuyện hoa hay thường như chữ quốc ngữ abc của người Việt. Do viết thường, nên "gia tĩnh" chỉ có nghĩa là nhà nhà thời ấy đều sống trong cảnh thanh bình, lặng lẽ, ổn yên. Hết.
Hai chữ "triều vinh" cuối câu được tác giả ám chỉ đó là thời điểm cai trị đất nước của vua Lê Hiển Tông. Về sau, không biết là thời nào, "triều vinh" đã bị sửa thành "triều Minh", một triều đại ở tuốt bên Tàu. Từ đó, người ta cho câu chuyện xảy ra vào thời vua Minh Thế Tông, kéo theo hai chữ Gia Tĩnh buộc phải viết hoa. Sách Những cái dại của người xưa của đồng tác giả Lam Giang-Nguyễn Quang Trứ có nói đến chuyện này như sau, bài viết Sự lười biếng độc nhất vô nhị của Minh Thế Tông, trang 208-209...
... Vua Thế Tông nhà Minh đặt niên hiệu là Gia Tĩnh. Vua trị vì 45 năm. Có tánh lười biếng không vua nào trong lịch sử Trung Hoa sánh kịp. Có lần, vua nghỉ việc thiết triều liên tiếp hơn 20 năm!
Thế thì làm sao giải quyết các việc quân quốc? Ở chốn triều đình, vua dùng một số Họa sĩ cố vấn, ở trong cung, vua dùng bọn hoạn quan. Vua không cần đọc các sớ tấu của các quan (đã có có vấn đọc trước rồi), vua cũng không thèm cầm bút viết các lời phê. Bọn hoạn quan phê giúp! Thực sự, hoạn quan và họa sĩ nắm quyền đại lục Trung Hoa.
Đoạn mở đầu truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
Rằng" Năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng!
Hai kinh là Nam Kinh và Bắc Kinh. Có thật là phẳng lặng, vững vàng không?
Những năm 1549, 1550, rợ Yêm Đáp vào cướp phá biên thùy phương Bắc rồi cướp phá Triết Giang.
Mãi đến năm 1561, Minh thế Tông mới hạ ngục Nghiêm Trung (Tung? NV), cố vấn chính trị. Thu của con Nghiêm Trung hơn 10 triệu lượng vàng.
Hối lộ công hành là chuyện bình thường, các quan tỉnh về Bắc Kinh muốn được quan Cố vấn Họa sĩ mời cơm thì phải dâng hối lộ ngàn lượng. Một bữa cơm trị giá ngàn lượng vàng, quả là một giá biểu đắt nhất thế giới vậy!
***
Đoạn trích ở trên cho chúng ta biết khá rõ tình hình chính trị xã hội, đất nước Trung Hoa thời vua Minh Thế Tông cai trị là thế nào rồi. Cho nên nếu dựa theo câu Kiều thứ 9 cho đó là đời vua Gia Tĩnh triều Minh bên Tàu là sai lắm. Hiểu như thế lịch sử sẽ bị đẩy đến muôn trùng non nước. Rơi vào thế giới của tưởng tri. Không còn trong phạm vi hiểu và quản của sáu căn mắt tai mũi miệng thân ý thế nào được nữa. Mà câu này là câu đã bị sửa, từ "triều vinh" sửa thành "triều Minh". Chữ "vinh", "triều vinh", có ý nghĩa như sau. "Vinh" là vinh hiển, hiển là một chữ trong ba chữ Lê Hiển Tông. Lê Hiển Tông là vị vua áp chót nhà Lê Trung hưng, đời thứ 26. Sau khi vua băng vào năm 1786, thời điểm Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đánh Bắc Hà lần thứ nhất, thì người lên ngôi kế vị là Lê Chiêu Thống, tức Lê Mẫn Đế. "Vinh 榮" tiếng Nôm như đã nói là vinh hiển, chỉ cho vua Lê Hiển Tông, "vinh 榮" còn đọc, có âm là vểnh. Vểnh 永 mở ra âm đọc là vĩnh. Vĩnh 永 là lâu dài, vĩnh viễn, ám chỉ thời gian cai trị của vua Lê Hiển Tông, 44 năm, tính từ năm ngài lên ngôi 1742 đến năm 1786. Vĩnh thêm nghĩa ám chỉ cho thụy hiệu của ngài sau khi băng: Vĩnh Hoàng đế.
Bấy nhiêu giải thích ngắn, gọn đủ để chứng minh câu Kiều thứ 9 "Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh" là câu đã bị chỉnh sửa, không phải là câu nguyên gốc của tác giả dùng ám chỉ những bí mật lịch sử có thật, từng xảy ra vào hậu bán kỷ 18 trên nước Việt, thời cai trị đất nước của vua Lê Hiển Tông, vua áp chót nhà Lê Trung hưng, đời thứ 26, đúng thời điểm danh tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ mang quân tấn công Bắc Hà lần thứ nhất được nữa.
Ngày pho thủ tự đêm nồi tâm hương...
Còn để hỏi tại sao chúng tôi dám xác định vua Lê Hiển Tông lên ngôi năm 1742, trong khi các sách sử, tài liệu, cả tài liệu trang mạng hầu hết đều ghi vua Lê lên ngôi năm 1740. Thì đây, câu Kiều thứ 10 tiếp theo sẽ trả lời cho câu hỏi đó vậy. Trước hết, bốn chữ "Bốn phương phẳng lặng..." dùng để ám chỉ cho chữ tuất 恤: thanh tĩnh. Thanh tĩnh là thanh bình và tĩnh lặng. Đây chỉ là chữ giả tá: nghệ thuật mượn chữ, chữ tuất này mới đúng với nghĩa ám chỉ của tác giả 戌. Tuất 戌 là chi thứ 11 trong thập nhị chi. Bốn chữ còn lại câu thứ 10 là "hai kinh vững vàng..." dùng chỉ cho chữ nhâm 任: gánh vác, đảm nhận, chấp nhận tất cả mọi khó khăn, gánh nặng đường dài, xa, mặc cuộc thịnh suy, còn mất, không âu lo, sợ hãi. Mặc kệ. Chấp hết. Chữ nhâm 任 đó cũng chỉ là chữ giả tá, chữ nhâm này mới đúng ý đồ của tác giả 壬. Nhâm 壬 là can thứ 9 trong thập can. Truy ra, 1742 là năm Nhâm Tuất, năm vua Lê Hiển Tông chính thức lên ngôi, dựa vào hai câu 9-10 của người trong cuộc, đương thời Kim Trọng Nguyễn Du bật đèn xanh, nói cho lịch sử biết rõ sự tình. Chớ không phải vua Lê lên ngôi năm Canh Thân 1740 như ghi chép các dạng tài liệu, sách sử xưa nay. Câu "Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng..." ngoài nghĩa giải thích, còn có ẩn ý như sau nữa, hai con số 4/"bốn" và 2/"hai" chính là ngày 4/bốn tháng 2/hai của năm Nhâm Tuất 壬戌 1742, thời điểm vua Lê lên ngôi.
Hai câu 11-12 nguyên bản gốc vốn là "Có nhà viên ngoại lộc hoàn, Gia phong chi hiển đường đường bậc trung..." đã bị chỉnh sửa thành hai câu lạc lỏng, nhạt nhòa, vô nghĩa, trống không, chả nói lên được việc gì cho ra việc gì là "Có nhà viên ngoại họ vương, Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung...". Xin giải nghĩa hai câu nguyên bản, trả lại sự thật cho tác giả, cho lịch sử, như những gì vốn có của thời kỳ ấy như sau. Chữ "lộc 祿", "lộc hoàn", có nghĩa là phúc, là sự tốt đẹp, thiện lành mà con người tích góp, vun bồi trong từng giây phút trong đời sống bon chen, đầy những hệ lụy, vướng mắc nhưng không bị các việc bất thiện lôi cuốn, làm cho lung lay, tản mác, đánh mất đi những phẩm chất đạo đức, nền móng căn bản tốt đẹp ấy. Hay "lộc 祿" là bổng lộc, tài lộc được người mang đến biếu tặng, trao cho ai đó, hay của vua chúa, chính quyền ban cho các cán bộ làm việc hết lòng với tổ chức, đoàn thể trong nhiệm kỳ, thời gian làm việc của mình. "Lộc 祿" còn có nghĩa là quan cao lộc hậu: làm quan lớn về sau được hưởng phúc lộc. Lộc 漉 có thêm nghĩa trái ngược là hết, cạn kiệt, cạn khô, chẳng còn gì. Tóm lại. "Lộc 祿" là điều may mắn, tốt lành được hưởng.
Thời xưa, để chỉ cho sự chết chóc, ra đi của ai đó người ta dùng từ bất lộc 不祿.
"Hoàn 完" là hết, xong, đầy đủ, trọn đủ, không còn gì để làm nữa, như hoàn công: xong công việc; hoàn nhân: người hoàn toàn. Tóm lại. "Hoàn 完" là xong, viên mãn, công việc (được giao) đã làm xong, không thiếu sót điều gì đối với trách nhiệm, bổn phận được giao. Hoàn 还 còn có nghĩa là trở về, quay về, trở lại quê hương, chốn xưa. "Hoàn 完" là chữ đồng âm, được tác giả sử dụng với hai mục đích, thứ nhất, là chỉ cho sự viên mãn của trách nhiệm, bổn phận đối với công việc được giao, thứ hai, vốn là chữ giả tá: mượn giả lấy thật, để lấy ra chữ hoàng này đây 黃. Đây là chữ để chỉ vào gia đình, dòng họ, vào nhân vật lịch sử, nơi xuất phát câu chuyện tình sử chốn quan trường dài thăm thẳm ngút ngàn 3254 câu lục bát chữ Nôm. Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc.
Tra lại chân dung một con người
Theo ghi chép lịch sử,
Hoàng Ngũ Phúc (chữ Hán 黃五福, 1713-1776) là danh tướng, hoạn quan thời Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Hoàng Ngũ Phúc có công lớn trong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài dưới 2 đời chúa Trịnh Doanh và Trịnh Sâm và là tổng chỉ huy cuộc Nam tiến đánh Đàng Trong, mở mang đất đai Bắc Hà tới Quảng Nam.
Bàn hương án thờ Việp Quận công tại Bắc Giang. Trên là bốn chữ Hán Lê Triều Quốc Lão, phải đọc qua.
a-Đánh dẹp khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài
Hoàng Ngũ Phúc quê ở xã Phụng Công, huyện Yên Dũng (hiện nay là thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Hoàng Ngũ Phúc xuất thân là hoạn quan, giữ chức tả thiếu giám, sung giữ chức nội sai trong Hình phiên.
Bấy giờ Trịnh Doanh mới lên ngôi, khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài bùng nổ khắp nơi. Trong lúc triều đình lo việc đánh dẹp, tháng 2 năm 1743 Hoàng Ngũ Phúc dâng 12 điều về binh pháp lên chúa Trịnh. Trịnh Doanh biết ông là người có tài, bằng lòng cho đem thi hành, rồi sai ông thống lĩnh kỳ binh đạo Hải Dương, cùng thống tướng Hoàng Công Kỳ đánh Nguyễn Hữu cầu.
Hoàng Ngũ Phúc mới được nghe mệnh lệnh, rất lấy làm lo, vì từ trước chưa từng đi chiến trận bao giờ. Có người khách khuyên ông: "Nên vay một vạn quan tiền công, để mộ lấy những tay tráng sĩ". Ông lo lắng vì vay tiền công sau này không có tiền trả, người khách khuyên: "Tục ngữ có câu Tướng vô tài, sĩ bất lai", nghĩa là người làm tướng mà không có của, thì không bao giờ dũng sĩ tìm đến. Nếu ông thật lòng theo kế của tôi, thì những tráng sĩ đều hết sức với ông, quyết chiến thắng được địch, từ đấy sẽ được vừa sang vừa giàu, có lo gì cái món tiền vạn quan? Nếu nhỡ ra vấp váp đến chỗ không thể nói được, thì còn ai trách cứ món nợ ấy vào đâu được nữa?". Hoàng Ngũ Phúc cho là phải, bèn theo lời. Từ đấy về sau, ông nhờ vào sức sĩ tốt, lập được chiến công.
Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Ảnh minh họa.
Tháng 6 năm 1743, Nguyễn Hữu Cầu chiếm cứ Đồ Sơn hoành hành ở Hải Dương. Hoàng Ngũ Phúc theo Hoàng Công Kỳ cùng đánh phá được, Hữu Cầu phải chạy trốn ra biển.
Tháng 5 năm 1744, Hoàng Ngũ Phúc đem quân vây Hữu Cầu ở Đồ Sơn. Trước đó, Ngũ Phúc đánh Hữu Cầu ở Đồ Sơn, không thắng nổi, tướng của ông là Trịnh Bá Khâm bị chết tại trận. Nay Ngũ Phúc lại tiến quân bao vây, Hữu Cầu phá vòng vây ra, đi gấp đường đến Kinh Bắc, chiếm cứ sông Thọ Xương. Trấn thủ Trần Đình Cẩm bị Hữu Cầu đánh bại, Hữu Cầu nhân chiếm được trấn thành Kinh Bắc, tung lửa đốt doanh trại, Đình Cẩm cùng đốc đồng Vũ Phương Đề bỏ ấn tín chạy. Nửa đêm tin báo đến kinh, trong kinh thành nhốn nháo kinh sợ. Triều đình sai vệ binh chia nhau đóng phòng bị. Hoàng Ngũ Phúc được tin Kinh Bắc thất thủ, bèn dẫn quân tiến đến đóng ở Võ Giàng.
Tháng 7 năm đó, Hoàng Ngũ Phúc đến Võ Giàng, Trịnh Doanh sai người quở trách. Hoàng Ngũ Phúc dâng tờ khải nói:
"Hữu Cầu sau khi bị thua, phải trốn tránh, quân đã ít mà lại phân tán, thì cái thế đánh phá được chúng tưởng cũng dễ dàng. Nếu được quân sử dụng bằng voi giúp uy thế, tôi sẽ ngầm lùa voi xông ra trận đánh, làm cho chúng mặt trước mặt sau không cứu ứng lẫn được nhau, thì có thể bảo đảm được tất thắng. Vả lại, ý định của chúng chẳng qua chỉ muốn liên kết với bọn giặc cỏ, tiến quân quấy rối sông Nhị mà thôi. Nay tôi đóng ở Võ Giàng, nếu chúng muốn đem hết quân tiến lên mặt trước, lại sợ tôi đánh chặn ở mặt sau, cho nên chẳng qua chỉ liều chết cố thủ, không làm gì được".
Trịnh Doanh nhận được báo cáo của ông, yên lòng, sai Cổn quận công Trương Khuông phối hợp cùng Ngũ Phúc họp quân tiến đánh, Hữu Cầu thua chạy, bèn thu phục được thành Kinh Bắc. Trịnh Doanh bèn điều thêm các tướng cùng đánh Hữu Cầu.
Chúa Trịnh Doạnh nhận tờ khải báo cáo tình hình chiến sự của Quận Việp. Ảnh minh họa.
Tháng 11, Trương Khuông đánh nhau với Nguyễn Hữu Cầu ở Ngọc Lâm, bị bại trận. Đinh Văn Giai lại bị bại trận ở Xương Giang, đều cho triệu về; bổ dụng Hoàng Ngũ Phúc làm thống lãnh Bắc Đạo, trấn thủ Kinh Bắc, kiêm trấn thủ Hải Dương. Hoàng Ngũ Phúc cùng Trương Khuông, Vũ Tá Liễn hẹn nhau cùng đánh khép Hữu Cầu lại. Khuông tự đem quân bản bộ đánh mặt trước. Hữu Cầu giữ nơi hiểm trở, đặt quân mai phục, dử quân Trương Khuông vào trong chỗ hiểm trở, quân của Khuông thua to. Quân Trịnh bốn đạo không đánh tự vỡ, thế quân Hữu Cầu lại mạnh lên.
Sau đó, Hữu Cầu vây doanh trại Thị Cầu. Hoàng Ngũ Phúc chia ra ba cánh để tiến quân: ông tự mình đem quân bản bộ đánh mặt trước, Đàm Xuân Vực đánh mặt tả, Nguyễn Danh Lệ đánh mặt hữu. Hữu Cầu bị thua, qua sông để chạy, bèn giải được vây. Trịnh Doanh bổ dụng Ngũ Phúc làm thống lãnh đạo Kinh Bắc, sau lại kiêm trấn thủ Hải Dương.
Tháng 1 năm 1745, tàn dư họ Mạc từ Trung Quốc về đánh chiếm Thái Nguyên. Hoàng Ngũ Phúc cùng lưu thủ Văn Đình Ức cùng đem quân tiến đánh, phá được giặc, thu phục lại trấn thành.
Tháng 8 năm đó, Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng đánh phá được Nguyễn Hữu Cầu ở Thành Xương Giang. Hữu Cầu lại ra Yên Quảng, chiếm cứ Hạc Động, nhờ vào biển để kiên cố căn cứ, thường dùng hạng thuyền nhanh nhẹ cướp bóc vùng đông nam. Hoàng Ngũ Phúc cùng Đình Trọng đem các tướng đi đánh, chém được thủ hạ của Hữu Cầu, tên là Thông và hơn 10 người, quân nhu và ngựa chiến. Từ khi Thông chết, thế lực Hữu Cầu suy yếu, sau cùng bị bắt. Việc đánh dẹp Hữu Cầu phần nhiều nhờ ở công của Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc.
Tháng 12 năm 1750, Hoàng Ngũ Phúc được lệnh cùng Đỗ Thế Giai định ra 37 điều quân lệnh, chia quân sĩ làm 4 đạo, sau đó chúa Trịnh Doanh bổ dụng ông tạm trông coi việc quân cùng đi đánh. Tháng 2 năm 1751 quân Trịnh đánh bại Nguyễn Danh Phương. Phương bị bắt mang về kinh xử tử cùng Nguyễn Hữu Cầu, cũng đã bị Phạm Đình Trọng bắt sống cùng lúc.
b-Lời gièm pha
Nhờ công lao đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, Hoàng Ngũ Phúc được phong làm Việp Quận công, thường gọi là quận Việp. Năm 1754, Thượng thư bộ Binh Phạm Đình Trọng chết sớm, Hoàng Ngũ Phúc trở thành vị tướng quan trọng nhất của triều đình.
Khu sinh từ Việp Quận công ở Bắc Giang. Từ 祠: nhà thờ. Sinh 生: sống. Nơi thờ người sống cũng như khi đã chết.
Uy tín của ông trong triều rất lớn khiến nhiều người dị nghị rằng ông sẽ lộng hành chiếm quyền chúa Trịnh. Có người đặt ra lời sấm: "Thảo nhất điền bát" (cỏ một ruộng tám), nghĩa là bốn chữ thảo 艹, nhất 一, điền 田, bát 八ghép lại thành chữ Hoàng 黃. Lại có người đặt ra câu sấm khác: "Thổ sất vân gian nguyệt, Hoàng hoa ánh nhật hương" (nghĩa là "Mảnh đất sáng trăng trong mây, hoa cúc ánh hương mặt trời"), trong đó chữ nhật 日 và chữ hoa 華 thành chữ Việp 曄, hoàng là họ Hoàng 黃. Ông lại có một người cháu nuôi là Hoàng Đình Bảo, vốn tên là Đăng Bảo, quê ở Hoan Châu, cũng là một người có tài, được phong làm Huy quận công (quận Huy). Do tên Đăng Bảo có nghĩa là "lên ngôi báu" nên nhiều người dị nghị rằng chú cháu quận Việp sẽ cướp ngôi chúa của họ Trịnh. Còn một câu sấm nữa là: "Nhất thỉ trục quần dương" nghĩa là "một con lợn đuổi đàn dê", ám chỉ quận Huy (tuổi lợn) đuổi hai cha con chúaTrịnh Sâm và Trịnh Tông (cùng tuổi dê).
Lời đồn đại quá nhiều, Hoàng Ngũ Phúc bèn đổi tên cho Đăng Bảo thành Hoàng Tố Lý để an lòng chúa Trịnh. Sau đó ông xin từ chức về hưu, được phong làm quốc lão.
c-Nam tiến chiếm Phú Xuân
Lão tướng lại ra quân
Năm 1774, biến cố ở Nam Hà khiến chúa Trịnh Sâm lại gọi ông ra cầm quân. Lúc đó ông đã 62 tuổi. Ba anh em Tây Sơn nổi dậy khởi nghĩa nhân lúc chính quyền họ Nguyễn lục đục rơi vào tay quyền thần Trương Phúc Loan. Khi thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc làm chủ được Nam Trung Bộ thì chúa Trịnh nhận thấy thời cơ tiêu diệt họ Nguyễn đã đến.
Tháng 9 âm lịch năm 1774, chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm cử Hoàng Ngũ Phúc làm Bình nam thượng tướng quân, Bùi Thế Đạt làm phó tướng, thống lĩnh tướng sĩ 33 doanh cùng quân thủy, quân bộ các đạo Thanh, Nghệ, vùng đông nam, tổng số quân gồm ba vạn. Quân Trịnh lấy danh nghĩa giúp Nguyễn đánh Tây Sơn để tiến quân.
Quân Trịnh tiến tới địa giới Bắc Bố Chính, tướng Nguyễn là Trần Giai chạy sang đầu hàng, làm hướng đạo cho quân Trịnh. Hoàng Ngũ Phúc mang quân vượt sông Gianh.
Hai chiêu bài, một mục tiêu
Chúa Nguyễn biết lý do Trịnh vào giúp đánh Tây Sơn chỉ là chiêu bài, sai Kiêm Long đến nói với quận Việp rằng Đàng Trong tự dẹp được Tây Sơn, không cần quân Trịnh. Quận Việp hỏi nhỏ việc Đàng Trong, Kiêm Long nói khéo rằng: "Đường không đi không đến, chuông không gõ không kêu". Quận Việp hiểu thâm ý của Long bèn quyết định tiến quân. Ông sai Hoàng Đình Thể tiến đánh lũy Trấn Ninh. Các tướng Nguyễn làm nội ứng mở cửa đầu hàng. Quân Trịnh chiếm được Quảng Bình.
Bên trong khu sinh từ Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc.
Tháng 11 năm 1774, Trịnh Sâm thân chinh cầm thủy quân vào Nghệ An làm thanh viện cho Hoàng Ngũ Phúc. Ông điều quân đánh Lưu Đồn, thống suất bên Nguyễn là Tống Hữu Trường bỏ chạy. Quận Việp tiến đến Hồ Xá bèn dùng chiêu bài khác, lấy cớ trừng phạt Trương Phúc Loan chuyên quyền để Nam tiến tiếp.
Quân Nguyễn yếu thế không chống nổi, Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải trói Trương Phúc Loan nộp quân Trịnh. Bắt Loan rồi, Hoàng Ngũ Phúc lại dùng lý do giúp Nguyễn đánh Tây Sơn để tiến vào Phú Xuân hội binh. Chúa Nguyễn sai các tướng trá hàng để quấy rối Quảng Bình, Bố Chính sau lưng quân Trịnh, nhưng các cánh quân đó bị quân Trịnh nhanh chóng phá tan. Chúa Nguyễn điều Tôn Thất Chí, Nguyễn Văn Chính ra đánh đều bị quận Việp đánh bại. Ông sai Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Phác theo đường núi qua thác Trầm Ma đánh tan quân Nguyễn, giết chết Chính.
Đầu năm 1775 quân Trịnh tiến vào Phú Xuân. Chúa Nguyễn không chống nổi phải bỏ chạy vào Quảng Nam. Quân Trịnh chiếm toàn bộ Thuận Hoá. Thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc nhân chúa Nguyễn bỏ chạy vào Quảng Nam bèn mang quân hai đường thủy bộ ra kẹp đánh. Nguyễn Phúc Thuần vội bỏ Quảng Nam theo đường biển trốn vào Gia Định, để lại Nguyễn Phúc Dương với ý định sai Dương chiêu mộ quân Quảng Nam để đánh Tây Sơn từ phía bắc, còn Thuần đánh từ phía nam.
Thu hàng Tây Sơn
Tháng 2 năm 1775, Trịnh Sâm từ Hà Trung trở về kinh, hạ lệnh cho quận Việp đánh Quảng Nam. Quân Tây Sơn cũng tiến ra, lùng bắt được Phúc Dương. Tháng 4, quân Trịnh vượt đèo Hải Vân và đụng độ với quân Tây Sơn. Hoàng Ngũ Phúc đang đà thắng lợi, tiến đánh quân Tây Sơn ở Cẩm Sa. Hai tướng Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ lập công đánh bại quân Tây Sơn, binh sĩ bị giết và bắt sống khá nhiều. Tướng người Hoa của Tây Sơn là Tập Đình vượt biển bỏ chạy về Trung Quốc. Nguyễn Nhạc phải rút quân về Quy Nhơn.
Nhân lúc Nguyễn Nhạc thua trận, tướng Nguyễn là Tống Phúc Hiệp từ Bình Khang đánh ra Phú Yên, quân Tây Sơn lại thua phải co về Quy Nhơn. Tình thế của Nguyễn Nhạc rất nguy ngập, bèn sai người đến chỗ Hoàng Ngũ Phúc xin đầu hàng, chịu làm tiên phong cho chúa Trịnh để đánh chúa Nguyễn. Quân Trịnh đi xa bấy giờ đã mệt mỏi, quân sĩ nhớ nhà, Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn mượn sức Tây Sơn diệt họ Nguyễn, nên ông nhân danh chúa Trịnh cho Nguyễn Nhạc hàng. Ông cử thủ hạ là Nguyễn Hữu Chỉnh đem sắc, ấn, cờ đến phong Nguyễn Nhạc làm "Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân".
Quan nhà Nguyễn trấn giữ Quảng Nam. Ảnh minh họa.
Ngựa ký già về Bắc
Dù thế, là người cầm quân lão luyện, quận Việp vẫn không vội rút lui. Ông muốn nhân khi Tây Sơn và Nguyễn đánh nhau để thủ lợi. Nếu Tây Sơn bại trận, ông sẽ tiến lên diệt gọn một Tây Sơn đã kiệt quệ để lấy nốt Quảng Ngãi và Bình Định. Nếu Tây Sơn thắng, ông có thể tranh thủ họ diệt Nguyễn. Vì thế ông sai quân lấn tới đóng ở Chu (Châu NV) Ổ thuộc Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, ngay lúc tiến đến Chu Ổ, quân Trịnh bắt đầu gặp trở ngại do bị bệnh dịch, 3000 người phát bệnh, 600 người đã chết. Bản thân quận Việp tuổi già sức yếu, tới mức không thể tự đi đứng được, đều phải có người hầu nâng nhấc. Nguyễn Nghiễm cũng lâm bệnh nặng.
Tháng 7 năm 1775, cùng lúc bệnh dịch hoành hành, lại nghe tin Nguyễn Huệ thắng quân Nguyễn, chiếm lại Phú Yên, quận Việp án binh lại. Ông biết Tây Sơn đã đủ thực lực đứng vững, quân Trịnh không thể diệt được, nhất khi quân của ông đi xa nhà đã mệt mỏi, một số nhiễm dịch bệnh khá nhiều. Theo đề nghị của Nguyễn Nhạc, quận Việp phong chức cho Nguyễn Huệ làm "Tây Sơn hiệu tiền tướng quân". Nguyễn Nhạc đã biết tin quận Việp bệnh nặng nhưng không phản lại, tập trung vào chiến trường phía Nam.
Biết mình không thể đương nổi việc quân nữa, tháng 9 năm đó ông bí mật bàn với các tướng rút quân về. Hai tướng văn là Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du) và Nguyễn Lệnh Tân bàn nên rút về Quảng Nam, đặt quan trông giữ phần lãnh thổ vừa chiếm được, nhưng quận Việp chủ trương rút hẳn về Thuận Hóa, còn Quảng Nam sẽ tính sau. Ông sai người cầm thư đi gấp về Thăng Long xin ý kiến Trịnh Sâm. Trịnh Sâm xưa nay rất tin tưởng ông nên tán đồng đề nghị của ông. Quân Trịnh rút khỏi Quảng Ngãi, lui hết về Phú Xuân.
Cổng làng Tân Phượng ngày nay, quê hương, nơi sinh Việp Quận công.
Hoàng Ngũ Phúc xin giao lại thành Phú Xuân này cho phó tướng Bùi Thế Đạt, còn mình dẫn đại quân về kinh để dưỡng bệnh. Trịnh Sâm chưa chuẩn y. Nguyễn Nghiễm ốm nặng, được về quê Nghệ An dưỡng bệnh, nhưng về tới nơi thì ngày 17 tháng 11 qua đời. Năm ngày sau, Thiều quận công cũng mất vì bệnh dịch khi mới về đến quê. Sang tháng 12, Trịnh Sâm mới quyết định cho Hoàng Ngũ Phúc về kinh. Ngày 17 tháng 1 năm 1776, ông mất trên đường về, thọ 64 tuổi.
Sau khi quân Trịnh rút, tàn dư quân Nguyễn nổi dậy ở Quảng Nam nhưng bị Nguyễn Nhạc điều quân ra đánh tan, bèn chiếm luôn vùng đất này.
d-Nhận định
Trong lịch sử Việt Nam, ngoài Lý Thường Kiệt, có lẽ duy Hoàng Ngũ Phúc là tướng xuất thân từ hoạn quan vốn có tài kiêm văn võ và lập nhiều quân công nhất. Tuy nhiên, do thành tích của ông chỉ trong nội chiến, còn Lý Thường Kiệt lập công trong công cuộc chống ngoại xâm nên nổi tiếng hơn ông.
Hoàng Ngũ Phúc làm tướng nghiêm túc, cẩn trọng, có uy tín. Khi lâm trận, ông là người quả đoán, những người trưởng thành dưới tay ông như Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh sau đều là những người nổi tiếng, ngang dọc thiên hạ, dù đều không được trọn vẹn như ông. Sở dĩ quận Việp được trọn vẹn toàn danh, ngoài hoàn cảnh khách quan (khi thế nước Đàng Ngoài còn mạnh) còn do ông là người biết ứng xử, tiến lui đúng lúc không chỉ trong chính trường mà cả ngoài chiến trường, không mang dã tâm như các hoạn quan Triệu Cao đời nhà Tần, Ngụy Trung Hiền đời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc; bản tính vốn khiêm tốn, thành thực, đối đãi với người khác hết lòng trung tín, thưởng phạt quân sĩ nghiêm minh. Là người cầm quân dày dặn hơn 30 năm ngoài chiến trường, có lẽ hơn ai hết ông tự hiểu sức quân Trịnh khi tiến vào tới Quảng Ngãi thì như dây cung đã trương hết cỡ, không thể cố giành giật đất phương nam, vì thế ông chủ động nhường Quảng Nam cho Tây Sơn với hy vọng làm thoả mãn Tây Sơn.
Không chỉ là người có công ổn định tình hình Bắc Hà, Hoàng Ngũ Phúc còn có công mở mang đất đai Bắc Hà xuống phía Nam, lần đầu tiên đánh bật chúa Nguyễn khỏi đất Thuận-Quảng, khôi phục lại cương thổ nhà Hậu Lê như thời Lê Sơ, điều mà bao thế hệ chúa Trịnh trước chưa làm được. Nhưng dường như cũng chỉ có ông là người hiểu mình và hiểu người, biết lui tiến ngoài mặt trận. Sau khi các tướng thế hệ ông và Bùi Thế Đạt mất, cha con chúa Trịnh quá say sưa vì chiến thắng, sinh kiêu ngạo, các tướng kế tục buông lỏng việc quân sự nên không giữ được cương thổ ông đã mở mang, cơ đồ họ Trịnh từ đó tiêu tan nhanh chóng. Nếu không, Bắc Hà sẽ được bảo tồn lâu hơn. Một khi Tây Sơn không đánh chiếm được Bắc Hà, sẽ không phải phân tán lực lượng ra Bắc và khó có thể khẳng định họ Nguyễn còn cơ hội phục hồi ở Nam Bộ hay không.
(Trích bài viết Hoàng Ngũ Phúc, trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
***
Chúng ta vừa đọc qua phần lược trích tiểu sử, cuộc đời hoạt động của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Sau đây là bài viết nói rõ hơn (trích đoạn ngắn) về những đối đáp, ứng xử của triều Lê phủ Trịnh sau ngày ra đi của Việp Quận công. Một công thần của hai nhà nước, hai "triều đình" thời ấy.
Hoàng Ngũ Phúc (黃五福) người xã Phụng Công, huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc (nay là xã Tân Mĩ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), ông sinh năm Quí Tị (1713), mất năm Bính Thân (1776), là người có công lớn trong việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Đàng Ngoài, và là một chỉ huy có tài trong cuộc Nam chinh.
Hoàng Ngũ Phúc sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, sớm bộc lộ tài năng và là người có nhiều mưu kế, lúc trẻ ông được làm Giám quan hầu trong cung. Cuộc đời quan trường của ông bắt đầu từ năm Canh Thân (1740) khi được phong làm Tả Thiếu giám tước Việp Trung hầu, rồi thăng đến Nội sai Hình phiên...
... Sự kiện thứ 6: Tháng 4 (năm 1774), lúc đó Hoàng Ngũ Phúc đã 62 tuổi, đệ đơn xin nghỉ hưu, được đồng ý, triều đình phong cho làm Quốc lão, được gia phong hai chữ Công thần… Nhưng Quận Việp chưa về đến nhà. Chúa Trịnh đặc sai Quận Việp làm Bình Nam Thượng tướng quân, thống xuất tướng sĩ các cơ hiệu đội 23 dinh và thủy binh các đạo Thanh, Nghệ vào Nam, đi trước đến Nghệ An… Tháng 12 (năm 1774), Quận Việp vượt sông Gianh, bèn làm tờ hịch kể tội ác của Trương Phúc Loan… Tháng 2 (năm 1775) Hoàng Ngũ Phúc tiến đến thành Phú Xuân. Bề tôi cận thần của chúa Nguyễn đến cửa quân xin hàng… Tháng 5 (năm 1775) Hoàng Ngũ Phúc tiến đến dinh Quảng Nam, đưa thư về Kinh báo tin thắng trận… Tháng 7 (năm 1775), Hoàng Ngũ Phúc tiến quân đến Châu Ổ, đi đứng phải có người nâng đỡ… Hoàng Ngũ Phúc ở Châu Ổ ngày càng suy yếu nhưng vẫn cố gắng làm việc. Nguyễn Văn Nhạc dẫu biết Hoàng Ngũ Phúc ốm, nhưng không dám làm gì… Tháng 11 (năm 1775), Hoàng Ngũ Phúc dâng khải nói rằng: "Điều tai họa của thiên hạ chẳng gì lớn hơn là không đủ sức mà cố làm. Thuận Hóa đã dẹp yên, thế cũng nguôi giận. Nay quân sĩ mấy năm liền bị sai phái mãi, nào vận lương, nào đánh giặc, người ở nhà, người đi đều mệt mỏi. Xin để Quảng Nam ra ngoài sự suy nghĩ, sau này sẽ tính... Khiến cho binh dịch nhẹ gánh, nhân dân nghỉ vai. Sau một vài năm, lòng người ở Thuận Hóa đã ổn định, tài lực có thể dùng, bấy giờ mưu đánh Quảng Nam mới đủ sức". Chúa Trịnh nghe theo. Sau đó Hoàng Ngũ Phúc phát bệnh nặng. Đại Việt sử kí tục biên ghi: "Ngày 17 [6/3/1776] Hoàng Ngũ Phúc mất ở trên thuyền tại Vĩnh Dinh, trấn Nghệ An. Tin về đến Kinh, chúa Trịnh thương khóc mãi không thôi. Nghỉ chầu 3 ngày. Sai đem 5 thuyền đến hộ tang về Bắc an táng. Cho tên thụy là Trung Chính. Cấp cho tiền thuế của 5 xã, mỗi năm 1 nghìn quan để thờ cúng. Gia phong là Ưu vọng Tài trí Thượng đẳng Phúc thần, lại cho thờ phụ ở miếu đình".
Ngôi mộ Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc tại Bắc Giang. Tác giả Trần Mạnh Cường.
Do có công lao đặc biệt, triều đình cho phép Hoàng Ngũ Phúc xây sinh từ ở làng quê Phụng Công, cử Thượng thư Nguyễn Nghiễm viết bài kí ghi lại, bi kí và sinh từ thờ ông hiện vẫn còn, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993.
Văn bia mộ Quận Việp chụp gần. Tác giả Trần Mạnh Cường, nhà nghiên cứu sử học.
Vua Lê, chúa Trịnh đánh giá rất cao công lao to lớn, đức độ hơn người và uy danh lừng lẫy của tướng quân Hoàng Ngũ Phúc, từng ban cho ông tước phong chỉ một chữ "Công". Vua Lê Hiển Tông từng viết về Hoàng Ngũ Phúc như sau: "Vâng điềm trời mà trị vì, mong mở cõi bờ qui thuận. Ban sắc mệnh để đền báo, nên làm điển lệ vô tư. Nghĩ đến công trạng phi thường, nên ban ơn vinh vượt mức. Ngày lành đã chọn sắc mệnh bèn ban. Ông là lâm lang ngọc quí, dự chương gỗ tốt. Giùi mài văn võ lược thao, hiểu được phép 7 thiên màu nhiệm (7 sách về quân sự của Trung Hoa). Thấm nhuần cổ kim thư sử, xem đủ Tứ khố toàn thư. Từ khi gặp chúa thỏa chí làm quan, quản lĩnh quân thủy bộ, đủ nhân nghiêm trí dũng để cầm quân. Theo hầu chính sự bình phiên, lấy cẩn thận trung thành làm việc. Truyền đạt đều tín, sai bảo được việc. Ở trong làm nội thần giúp sức, ra ngoài làm lương tướng lập công. Vừa rồi góc biển sóng cồn, một buổi 5 lần thư cáo cấp, bèn đem quân đội đi đánh, đến nơi ba quân phải giật mình. Trước sau tùy cơ điều khiển, đông nam lần lượt dẹp yên... Mưu quyết thắng hơn người rất là huyền bí, lòng trung trinh báo nước sáng như mặt trời... Lòng ta vui một buổi, ông được tiếng muôn đời". Chúa Trịnh Sâm coi Hoàng Ngũ Phúc là người tâm phúc và đánh giá rất cao tài năng dẹp loạn của ông, chúa Trịnh Sâm cho rằng tài dùng binh của Hoàng Ngũ Phúc đương thời không ai có thể thay thế được. Chúa Trịnh Sâm tự tay viết trát dụ Hoàng Ngũ Phúc rằng: "Ông là cột đá của nhà nước, ta dựa làm tâm phúc, thân như ruột thịt. Bất đắc dĩ phải sai đi dẹp loạn, cũng bởi không có ai thay được". Trong một bài trát dụ khác, chúa Trịnh Sâm lại viết: "Ông là trọng thần của xã tắc, quan hệ đến sự an nguy của nước nhà. Nhiều lần ta muốn đón ông về điều dưỡng, chỉ vì Thuận Hóa mới yên, nhân dân mới theo, việc đánh giữ và vỗ yên cần phải nhờ vào mưu hay của ông. Nếu không phải là người đức vọng tài trí, chưa dễ trấn phục được. Tìm người thay ông cũng khó"...
(Trích bài viết Thượng tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc của Phó GS.TS Trịnh Khắc Mạnh, tạp chí Hán Nôm, số 2 (99) 2010; tr. 31-37)
***
Đọc qua hai bài viết, chúng ta đã rõ, Hoàng Ngũ Phúc là một danh tướng tài năng lỗi lạc xứ Đàng Ngoài, thời vua Lê chúa Trịnh, từng cầm quân phạt Bắc chinh Nam, bắt đầu từ năm Canh Thân 1740 khi được phong làm Tả Thiếu giám, tước Việp Trung hầu, rồi thăng đến chức Nội sai Hình phiên. Đến năm Bính Thân 1776 thì ngài ra đi, như sách Đại Việt sử kí tục biên ghi: "Ngày 17 [6/3/1776] Hoàng Ngũ Phúc mất trên thuyền tại Vĩnh Dinh, trấn Nghệ An...". Tổng cọng thời gian ngài phục vụ cho chính quyền, quân đội là 36 năm. Tính chẳn là 40 năm. Sự thật ngày ấy đã từng xảy ra như thế, thì khi viết Kiều, bộ sử Tây Sơn, còn gọi là tình sử chốn quan trường (Hoạn trường tâm thanh, không phải Đoạn trường tân thanh), với nhân vật trục là người đẹp nghiêng nước nghiêng thành Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai, một trong hai người con song sinh của Việp Quận công, trước là người trong mộng của chàng thư sinh Kim Trọng Nguyễn Du, sau về làm hầu thiếp (vợ ba) Bắc Bình vương Nguyễn Huệ sau khi Nguyễn Huệ đánh thắng Bắc Hà lần thứ nhất vào năm Bính Ngọ 1786, thế vào vị trí Công chúa Lê Thị Ngọc Ngân, không phải Hân, do ghi chép sai lạc của lịch sử, thì thi hào Nguyễn Du mới có thể viết ra hai chữ "viên ngoại" của câu 11 "Có nhà viên ngoại lộc hoàn" như thế được. "Viên ngoại" ở đây không phải như chú giải của rất nhiều các nhà nghiên cứu Kiều xưa nay: vốn là một chức quan nhỏ đặt ra từ đời Lục triều. Viên ngoại có thực chức, nhưng là ngoại ngạch, về sau có thể bỏ tiền ra mua được. Do đó, viên ngoại dần dần trở thành một hư hàm, thường dùng để gọi tên những nhà giàu có, cũng như tiếng bá hộ, cụ bá của ta thời trước (chú giải Truyện Kiều của cố Giáo sư Nguyễn Thạch Giang, trang 9). Mà "viên ngoại 員外" chỉ có ý nghĩa là, theo đúng tiến trình lịch sử, "viên 員" là người, kẻ, gã, chỉ cho người làm một nghề nghiệp hoặc công việc nào đó, như giáo viên, viên quan, viên tướng, vvv... trong một đoàn thể, tổ chức, cơ quan của chính quyền hay của tư nhân quản lý. Viên 圓 còn là tròn, là chỉ cho sự đầy đủ, trọn vẹn, hoàn chỉnh, viên mãn, hoàn hảo, không còn gì để nói, bàn nữa cả. Viên 猨 còn thêm nghĩa là con vượn, một giống khỉ vượn ở rừng. Với chữ "viên 猨" nghĩa khỉ vượn, Nguyễn Du đã bật đèn xanh, nói cho lịch sử biết rõ "viên ngoại" chính là Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, người đã ra đi trên chuyến quay về Bắc Hà sau cuộc Nam tiến 1774, vào năm Bính Thân 1776 trên một chiến thuyền tại Vĩnh Dinh, trấn Nghệ An như ghi chép của Đại Việt Sử ký tục biên. Thêm nữa, viên 圜 (chữ giả tá,) có âm đọc là hoàn 圜, cũng là chữ giả tá, dùng để chỉ, viết ra chữ hoàng 黃, là họ Hoàng 黃 của Việp Quận công. Chữ "ngoại 外" chỉ có nghĩa là bên ngoài. "Ngoại 外" ở đây mang nghĩa là người đã đứng ngoài cuộc chơi (bàn cờ quân sự, chính trị) vào năm 1776. "Ngoại 外" cũng có nghĩa là địa giới, vùng đất bên ngoài kinh đô của thể chế triều đại (nhà Lê). Nếu như chuyến quay về ngày ấy Việp Quận công còn đủ sức chịu đựng, có nhẽ ngài sẽ ra đi tại kinh đô Thăng Long, hoặc là tại quê nhà Bắc Giang, nhưng do sức đã quá yếu, phần dịch bệnh tấn công, nên ngài đành phải nằm lại giữa đường. Đó chính là ý nghĩa của chữ "lộc 漉: cạn kiệt, cạn khô" vậy. "Ngoại 外" vốn có nghĩa như thế. Tóm lại. "Viên ngoại 員外: chữ lấy trong Truyện Kiều, bản Nôm cổ nhất 1866", trang 85, không phải là một nhà giàu có như giải thích trong các tập Kiều, mà "viên ngoại 員外" là hai chữ nói tắt, được Nguyễn Du sử dụng mục đích ám chỉ cho cái chết vào năm Bính Thân 1776 của lão tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc trên đường quay về kinh đô Thăng Long tại Vĩnh Dinh, trấn Nghệ An đúng như ghi chép lịch sử.
Quận Việp đã ra đi trên một chiến thuyền tại Vĩnh Dinh-Nghệ An năm Bính Thân 1776.
Hai chữ "lộc hoàn", không phải "họ Vương", như hầu hết các bản Kiều có mặt trên thị trường văn học lá đổ muôn chiều ghi chép, tiếp theo của câu 11 được Nguyễn Du sử dụng mục đích ám chỉ cho lão tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, chớ không phải là một người nào ở đây cả. Tóm lại. "Lộc hoàn 祿完: người đã làm xong những việc, những trọng trách cần phải làm của một vị tướng, người thay mặt triều đình đứng ra điều động, sai khiến, chỉ huy quân lính chiến đấu ở chiến trường, nên đã hưởng được mọi điều tốt đẹp từ những người trong vai trò cai trị thể chế, chính sách thời ấy. Người đó là Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc 黃五福".
Cần phải ngắt câu Kiều 11 ra bốn chữ "viên ngoại lộc hoàn", hiểu tóm tắt, cụ thể như sau, theo ẩn ý người viết mật mã. "Sau cuộc Nam tiến năm 1774 thành công, Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc quyết định rút quân (hoàn/hoàng), giao Phú Xuân lại cho tướng Bùi Thế Đạt trông coi. Vào ngày 17 tháng 1 năm Bính Thân 1776 (viên) Quận Việp phần do già yếu phần do dịch bệnh tấn công, sức lực đã cạn kiệt (lộc), ngài đã ra đi trên chiến thuyền tại Vĩnh Dinh, trấn Nghệ An. Nơi cách xa kinh đô Thăng Long tầm 1.864.000 dặm (ngoại), tương đương 300km, đơn vị đo chiều dài ngày nay. Không rõ địa giới Vĩnh Dinh ở đâu trên địa phận Nghệ An, hay đó chính là sông Vinh, xưa gọi bằng nhiều tên khác nhau, như sông Mới, Cồn Mộc, Cửa Tiền. Theo một số tài liệu, tên đúng của sông Vinh là Vĩnh Giang. Tên này gắn liền với đất Kẻ Vĩnh xưa kia.
Tiếp theo câu 11"Có nhà viên ngoại lộc hoàn..." là câu 12 "Gia phong chi hiển đường đường bậc trung...". Hai chữ "Gia phong" có hai nghĩa, thứ nhất, "gia phong 家風" là thói nhà, khuôn phép trong gia đình. Thứ hai, "gia phong 加封" là thăng cấp, nâng cao phẩm hàm, tước vị. Sau hai chữ "gia phong 加封" là chữ "chi". "Chi 枝" ở đây chỉ có nghĩa là chi nhánh, là cành cây, phàm cái gì, việc gì do một thể, một gốc mà phân chia ra thì gọi là chi. "Chi 枝" còn để chỉ cho hai tay, hai chân, đầu mình con người, gọi là tứ chi. Tóm lại. "Chi 枝" là để chỉ cho các trường hợp, các cành nhánh mọc ra ở thân cây, hoặc cái gì, việc gì do một gốc, một thể mà phân chia ra các thể, các nhánh khác thì đều gọi là chi, như dòng họ nhà vua thì gọi là kim chi ngọc diệp: cành vàng lá ngọc. "Chi 枝" cũng là chi nhánh, chi phái của một dòng họ, một tổ chức, đoàn thể của chính quyền, hay của một công ty, cơ sở sản xuất các mặt hàng tiêu dùng xã hội nào đó có sự lệ thuộc, điều động từ công ty lớn, tổng công ty.
Chữ tiếp theo chữ "chi" là chữ "hiển". Chữ "hiển" ở đây có hai nghĩa, thứ nhất, "hiển 顯" có nghĩa là rõ rệt, vẻ vang, là những sự việc hiện bày ra trước mắt cụ thể, rõ ràng, chỉ vào sự thành tựu, có danh vọng, địa vị, tiếng tăm của ai đó, mà khi nhìn vào là thấy ngay liền, rất xứng đáng, được mọi người hết thảy trọng vọng, kính ngưỡng. Nói rõ hơn, "hiển 顯" được dùng chỉ cho người đang lúc còn sống với những hoạt động, sự làm việc, phục vụ đã mang lại những lợi ích thiết thực, rất lớn cho xã hội và con người trên lĩnh vực nào đó. Ngoài ra, "hiển 顯" còn được sử dụng trong trường hợp, khi con cháu xưng, gọi ông bà, tổ tiên, thì xưng là hiển, như hiển khảo: cha đã chết; hiển tỷ: mẹ đã chết. Gom hai trường hợp này lại, đó là chữ dùng để chỉ cho lão tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc với những chiến công oanh liệt, sự thành tựu vẻ vang, hiển hách của ngài trong suốt thời gian ngài phục vụ, làm việc trong quân đội dưới hai thể chế, triều đình thời ấy là phủ Chúa triều Lê. Cho nên ngay lúc ngài còn sống đã được triều đình và nhân dân thời ấy lập nhà thờ để ngợi ca, kính ngưỡng phẩm hạnh, khí tiết trung quân ái quốc, đường đường chính chính sáng ngời của ngài, gọi là sinh từ 生祠, sinh 生: sống, từ 祠: đền thờ. Sinh từ 生祠 là đền thờ (chữ dùng thời phong kiến NV) dựng lên để kỷ niệm một người nào. Kẻ nào có công đức lớn, ngay khi đang còn sống, dân chúng lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn, và sau đó đến lúc người ấy chết sẽ được rước vào thờ trong sinh từ ấy (trích Từ điển Hán Việt từ nguyên, trang 1598, tác giả Bửu Kế).
Đám tang Quận Việp tại kinh thành Thăng Long. Ảnh minh họa.
Như vậy, "hiển 顯", "chi hiển 之顯" là chữ được thi hào đất nước sử dụng ám chỉ vào nhà sinh từ của Việp Quận công đã được triều Lê phủ Chúa (chi 枝) dựng lập ngay khi ngài còn sống, mục đích để người dân tìm về lễ lạy, tôn vinh, ngợi ca phẩm hạnh trung quân ái quốc, người hết lòng vì nhân dân và đất nước của ngài. Rồi sau khi Việp Quận công ra đi vào năm Bính Thân 1776, nhục thân, linh cữu và bài vị của ngài đã được triều đình và người dân đưa vào xây mộ, lập bàn hương án thờ tại khu vực có nhà sinh từ 生祠 này đây.
Trên là trường hợp thứ nhất về chữ "hiển 顯" của hai chữ "chi hiển 之顯", trường hợp thứ hai "hiển 顯" là ám chỉ cho vua Lê Hiển Tông 黎顯宗. Nếu đã chấp nhận "hiển 顯" là ám chỉ cho vua Lê Hiển Tông, thì cũng cần phải hiểu hai chữ "chi hiển 之顯" là gì. Sách Việt Nam sử lược của sử gia Trần Trọng Kim nói về tích sự nhà Lê như sau:
Nước Nam ta từ khi Ngô vương Quyền đánh đuổi được quân Nam Hán, vua Đinh Tiên Hoàng dẹp yên được loạn Thập nhị sứ quân, lập thành một nước tự chủ, đời nọ qua đời kia kế truyền được non 600 năm. Đến đầu thập lục thế kỷ, bởi vì vua nhà Lê hoang dâm vô độ, bỏ việc chính trị đổ nát, cho nên trong nước loạn lạc, nhà Mạc nhân dịp mà làm sự thoán đoạt. Nhà Lê tuy đã mất ngôi, nhưng lòng người còn tưởng nhớ đến công đức vua Thái Tổ và vua Thánh Tông, cho nên lại theo phò con cháu nhà Lê Trung hưng lên ở phía Nam, lập ra một triều đình riêng ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An để chống nhau với nhà Mạc. Ấy là thành ra Nam triều và Bắc triều (chỉ Thăng Long NV); hai bên đánh nhau trong năm sáu mươi năm trời.
Đến khi nhà Lê nhờ có họ Trịnh giúp rập, dứt được nhà Mạc, tưởng là giang sơn lại thống nhất như cũ, ai ngờ họ Trịnh và họ Nguyễn lại sinh ra lòng ghen ghét, gây nên mối thù oán, rồi mỗi họ hùng cứ một phương, chia nước ra làm hai mảnh: họ Nguyễn giữ xứ Nam, họ Trịnh giữ xứ Bắc, mỗi họ chiếm giữ một xứ để làm cơ nghiệp riêng của mình. Từ đó giang sơn chia rẽ, Nam Bắc phân tranh, ấy là một thời đại riêng trong lịch sử nước ta vậy.
Nhà Hậu Lê 候黎 từ khi trung hưng lên, con cháu vẫn giữ ngôi làm vua, nhưng quyền chính trị ở cả họ Trịnh 鄭. Còn ở phía Nam thì từ sông Linh Giang trở vào là cơ nghiệp của họ Nguyễn. Tuy vậy, cả hai họ chỉ xưng chúa, chứ không xưng vua, và bề ngoài vẫn tôn phù nhà Lê.
(Trích Việt Nam sử lược, Nhà Hậu Lê 候黎, trang 241-242, tác giả Trần Trọng Kim)
Đọc lại giai đoạn lịch sử này của Nhà Hậu Lê, chúng ta được biết, vào đời vua Lê Anh Tông (1556-1573) nhà Lê đã được chính nhân vật đầu tiên của tộc Trịnh là Trịnh Kiểm (1503-1570) đặt dưới quyền kiểm soát, giám sát, đúng hơn là thu giữ quyền lực rồi. Đến khi Trịnh Kiểm mất, năm 1570, quyền lực về hết tay Trịnh Tùng, vua Lê Anh Tông phải vắt chân lên cổ chạy trốn về Nghệ An. Trịnh Tùng liền sai quân lính đuổi gắt theo bắt giết đi. Rồi lập Lê Thế Tông là con thứ năm vua Lê Anh Tông lên làm vua khi vừa được vừa 7 tuổi. Kể từ ấy đến nay, đời vua Lê Hiển Tông (1742-1786), Lê Mẫn Đế (1787-1788) quyền lực triều chính vẫn nằm hết ở bên phủ Chúa, các vua Lê vẫn không sở hữu được thứ quyền hạn gì đặc biệt, cho có gọi là, mà chỉ ngồi chơi xơi nước là chính. Thiết triều chỉ còn là hình thức, nói khác đi, đó là một thủ tục không hơn không kém như muôn vàn thủ tục trong đời sống con người và xã hội, dù xưa hay nay. Thủ tục: những việc cụ thể phải làm theo, đúng với quy định, trật tự, để tiến hành một công việc gì đó có tính chất đã đi vào lề lối sinh hoạt chính thức, thường nhật.
Vua Lê Hiển Tông 1717-1786
Đó là tất cả những gì đã xảy ra dưới triều đại Lê Trung hưng, kéo dài đến đời vua Lê Hiển Tông, Lê Chiêu Thống, thời kỳ xuất hiện phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do ba anh em Tây Sơn tam kiệt lãnh đạo, khởi xướng, từ năm Tân Mão 1771. Cho nên Nguyễn Du hồi ấy khi bắt đầu viết Kiều, câu chuyện tình sử chốn quan trường, mới có thể đưa các tích sự ấy vào giới thiệu trong các câu 11-12 như thế được, điển hình là hai chữ đang bàn, giải "chi hiển 之顯: sự liên hệ dai dẳng, dây mơ rễ má, mật thiết, kiểu thiền học ví hỏi vì đâu đoan đích ấy, um tùm cỏ nội với hoa đồng giữa triều Lê và phủ Chúa, vốn từ một thể, một gốc mà chia ra cành, nhánh vậy từ thời vua Lê Anh Tông và người mở đường, núp bóng giựt dây Trịnh Kiểm".
"Đường đường 堂堂" là hai chữ tiếp theo hai chữ "chi hiển 之顯" có nguồn gốc dây mơ rễ má ví hỏi vì đâu đoan đích ấy, um tùm cỏ nội với hoa đồng như đã giải thích. "Đường 堂" là miếu đường 廟堂, triều đường 朝堂, cũng là cung điện, triều đình, nơi vua chúa, quan lại làm việc, thiết triều thời phong kiến trước kia. Hai chữ "đường đường堂堂" (chữ lấy từ Truyện Kiều, bản Nôm cổ nhất 1866, câu 2169, trang 263, của tác giả Nguyễn Quảng Tuân. Đường là chữ chỉnh sửa, phục hồi, trả lại văn bản gốc cho Kiều, cho tác giả (Nguyễn Du) là phần của tác giả bài viết) được Nguyễn Du sử dụng mục đích ám chỉ cho hai triều đình có chung gốc nguồn dây mơ rễ má, thoát thai từ sợi dây quyền lực thời phong kiến xứ Đàng Ngoài như đã nói là triều Lê và phủ Chúa. Đó là nghĩa ẩn, nghĩa mật mã, còn lại "đường đường" là ám chỉ cho con người của lão tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc: đàng hoàng, uy nghiêm, hiên ngang là phẩm chất toát ra từ nhân cách, lối sống đặc biệt của chủ thể khiến khi nhìn vào ai cũng phải sinh lòng kính trọng, nể sợ. Về sau, hai chữ mang tính ám chỉ cho hai triều đình Lê Trịnh và tính cách con người lịch sử có thật ấy đã bị sửa thành hai chữ vô nghĩa, trật đường rầy, khiến hành khách, đầu máy và toa xe đột nhiên chỗng gọng, đổ kềnh, lăn hết ra đường là "thường thường" là thế nào? Thiệt chẳng hiểu nổi cho ba thứ chữ nghĩa tân trang, độ chế, chỉnh sửa theo ý chủ quan. Dẫn đến việc con cua đồng lại xúm đè cứng ngắc cho là con bò cạp núi. Cạn lời.
Hai chữ cuối câu "bậc trung 堛中", nói đủ là "đường đường bậc trung 堂堂堛中" được sử dụng để tán dương, ca ngợi con người, tính cách của lão tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc vốn là hạng người ngay thẳng, trung chính, đường đường, hiên ngang lẫm liệt, cả cuộc đời chỉ biết phục vụ cho dân cho nước, không màng khó khăn, khổ nhọc, cái chết xem nhẹ tựa chiếc lông hồng. Hễ đâu có giặc là ngài kéo quân lên đường chinh phạt. Hai vùng chiến thuật Nam Bắc khi xưa ấy danh tiếng của ngài lồng lộng, vang xa. Tất cả các thế lực đối kháng khi nghe qua đều khiếp sợ, nghiêng mình, chột dạ. Chữ "trung 中", "bậc trung 堛中", là chữ còn có ý nhắc đến việc khi Việp Quận công mất, được hai triều đình ban cho thụy hiệu là Trung chính 中正. (Gia đình) của ngài còn được triều đình "cấp cho tiền thu thuế của 5 xã, mỗi năm 1 nghìn quan để thờ cúng. Gia phong (加封) là Ưu vọng Tài trí Thượng đẳng Phúc thần, lại cho thờ phụ ở miếu đình". Gia đình, con cháu từ đó hưởng được phúc lộc của ngài lâu dài, mãi mãi, nếu xã hội không có những cuộc thay đổi về thể chế, chính trị.
Rất tiếc là về sau, không biết thời nào, những câu, chữ mang tính ám chỉ con người lịch sử có thật ấy đã bị chỉnh sửa theo ý chủ quan, khiến chỉ còn lại những câu, chữ lạc lỏng, vô nghĩa, trống không, chẳng nói lên tích sự gì được nữa:
Có nhà viên ngoại họ vương,
Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung...
Và người ta từ đó đã nương theo câu, chữ sai lạc, vô nghĩa ấy để cùng đi đến nhận định, xác tín, rằng truyện Kiều vốn gốc của Tàu, do Thanh Tâm Tài Nhân người bên ấy sáng tác, hư cấu, Nguyễn Du thật ra chẳng có chút tài cán gì cả, y chỉ nhờ dựa vào phát minh của người Tàu để tân trang, độ chế thành ra 3254 câu lục bát chữ Nôm của người Việt. Y Nguyễn Du từ đó thành người nổi tiếng. Núp sau vầng hào quang chói lọi, rực rỡ của gã Thanh Tâm Tài Nhân kia. Hơn 200 năm nay giới văn học chuyên không chuyên, cả giới bình dân, đều cho sự thật là như vậy. Có gì để nói, để nghiên cứu, tìm hiểu nữa đâu?
Xin bổ túc thêm về hai câu 9-10 "Rằng: Năm gia tĩnh triều vinh, Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng...". Như đã nói, câu Kiều 9 "Rằng: Năm gia tĩnh triều vinh..." được người trong cuộc Nguyễn Du ám chỉ vào thời cai trị đất nước của vua Lê Hiển Tông, tính từ năm Nhâm Tuất 1742, cho đến năm Bính Ngọ 1786. Suốt trong thời gian này, ở đâu có giặc, có biến thì ở đó Việp Quận công có mặt, và ngài đã giải quyết, san bằng tất cả mọi hành vi xưng hùng xưng bá, phản nghịch ấy của các phe nhóm, bè đảng nổi lên chống phá triều đình, cướp bóc nhân dân. Việp Quận công gia nhập triều chính từ năm Canh Thân 1740, lúc này Quận Việp được 27 tuổi (sinh 1713), trước thời điểm Lê Duy Diêu lên ngôi những 2 năm. Đến năm Mậu Ngọ 1774 ngài theo lệnh triều đình Nam tiến, kéo quân chinh phạt Thuận Hóa và Quảng Nam. Qua năm sau ngài quyết định rút quân, do thấy tình hình chiến sự vùng trong này đã tạm yên. Khi về đến Nghệ An, phần do già yếu phần do bệnh tật, ngài đã trút hơi thở tại sông Vĩnh Dinh (Giang) vào năm Bính Thân 1776. Tính ra, trong suốt 36 năm từ khi Quận Việp tham gia triều chính và quân đội, từ năm Canh Thân 1740 đến năm Bính Thân 1776, cả hai xứ Đàng Ngoài, Đàng Trong hồi ấy chiến tranh, loạn lạc đều được ngài cầm quân chinh phạt, bình định ổn thỏa. Trả lại trật tự, an ninh cho con người và xã hội. Sự thật từng xảy ra như thế cho nên Nguyễn Du mới có thể hạ bút viết ra hai câu 9-10 như thế được. Riêng từ năm 1776 đến năm 1786, chẵn 10 năm, tất cả mọi việc cát hung, hòa chiến, thành bại bây giờ là do ở người sau quyết định, chịu trách nhiệm, Quận Việp không còn biết gì nữa. Và đó chính là nội dung của câu 11 "Có nhà viên ngoại lộc hoàn..." như Nguyễn Du cho biết mà chúng tôi đã giải thích cặn kẽ ở đoạn đầu bài viết vậy.
"Hai kinh" là Kinh Bắc và Kinh Nam, xứ Đàng Ngoài, giấy tờ, tài liệu, ghi chép các dạng sử cũng vẫn còn sờ sờ ra đấy, sau đã bị người ta xúm hiểu, cho là Bắc Kinh và Nam Kinh tuốt bên kia màn sương. Sai một ly đi ngàn dặm. Chẳng phải chỉ một dặm.
Tóm lại. Hai câu 11-12 "Có nhà viên ngoại lộc hoàn, Gia phong chi hiển đường đường bậc trung..." cần phải hiểu như thế này, chuyển qua văn xuôi, thì mới đúng với ý đồ của tác giả. Sau ngày ra đi, trên một chiến thuyền tại trấn Vĩnh Dinh, Nghệ An, vùng đất cách xa kinh đô, vào năm Bính Thân 1776 (viên ngoại). Với những gì đã làm được cho hai triều đình, thể chế ngày ấy trong thời kỳ chinh Nam phạt Bắc khi còn sung sức, tráng kiện, xứng đáng là bậc công thần trung với nước hiếu với dân, đâu cần là kéo quân lên đường tiễu phạt, theo sắc lệnh triều đình (lộc hoàn). Triều Lê và phủ Chúa (đường đường) hồi ấy đã vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của lão tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, hai bên (chi hiển) đã gia phong cho ngài tước hiệu là Ưu vọng Tài trí Thượng đẳng Phúc thần, thụy hiệu là Trung Chính (đường đường). Ngoài việc lập bàn thờ thờ ngài ở triều đình, còn cho thờ phụ ở các miếu đình, làng xã. Cả việc ban cho gia đình, con cháu của ngài mỗi năm một nghìn quan để thờ cúng, giỗ chạp, tưởng nhớ ngày ngài ra đi.
Hai tập truyện một tác giả sao mãi cho một của Tàu một của Việt?
Với một câu văn, đoạn văn, dù là văn của người viết văn nghiệp dư hoặc người bình dân, chưa bao giờ biết văn chương, thi phú là gì, khi đọc qua người ta cũng đoán, hiểu được ý của người viết muốn nói gì trong ấy, dù câu văn, đoạn văn còn non nớt, vụng về. Còn với một câu thơ, tuy giới hạn chỉ có 6, 7 chữ, 8 chữ của một nhà thơ chuyên nghiệp, lão luyện sáng tác, thì chính những từ, chữ (cô đọng) ấy sẽ cho người đọc biết tác giả muốn nói gì, nhắn gởi gì trong từng câu, chữ. Nhất các dạng thơ mật mã dùng cài nén, ẩn giấu những bí mật lịch sử. Với điều kiện là câu thơ còn nguyên gốc, chưa bị chỉnh sửa, hay do tam sao thất bổn từ ai đó.
Những chữ in đậm trong thơ là những chỉnh sửa, phục hồi của chúng tôi để trả lại sự thật cho Kiều, cho văn bản gốc của tác giả.
***
2-Hiểu thế nào là "một trai con thứ rốt lòng?"
Câu 13 "Một trai con thứ rốt lòng..." là câu đã bị chỉnh sửa, vì bị chỉnh sửa nên sự thật lịch sử bị đẩy đến chập chùng mây nước sơn khê, bỏ làng bỏ xứ chạy qua tuốt bên kia màn sương. Từ đó không còn ai biết chuyện gì cho ra chuyện gì được nữa. Trước hết, xin chỉ vào những cái sai của câu thơ đã bị chỉnh sửa, từ đó nó sẽ dẫn người ta hiểu theo, chạy theo những từ, chữ ấy để đoán, định, hình thành ra những ý nghĩa mới với những lập luận, diễn giải hết sức mơ hồ, mông lung, nhập nhằng, không còn biết đâu là đầu dây mối nhợ sự việc. Thử hỏi, đã nói là "một trai" cũng tức là một người con trai, đã là một người con trai thì không thể nói thêm, viết thêm chữ "con" nữa để làm gì. Quá thừa. Luật thơ, nghề thơ không cho phép người làm thơ sử dụng những từ, chữ điệp ngữ, điệp nghĩa lung tung, thừa mứa, bừa bãi ra như thế. Đúng không? Mà phải là những từ, chữ vừa cô đọng vừa súc tích, giàu nghĩa lý thì mới được, đọc qua là phải chấp nhận. Bởi giới hạn câu thơ chỉ có 6 hay 8 chữ, nên câu chữ phải rút gọn, tóm lược, nó không phải như văn xuôi viết sao cũng được, hiểu sao cũng được. Để khi qua nhà xuất bản, trước khi in, người ta sẽ cho biên tập, chỉnh sửa, gò tút, xáo lại câu chữ, văn bản rồi mới chuyển qua khâu in ấn. Riêng thơ nếu làm sai, câu chữ vụng về, lòng thòng, thì bài thơ ấy sẽ bị loại, người ta sẽ ném vào sọt rác ngay tức khắc. Dù bài thơ ấy chỉ sai một hay vài chữ.
Câu 13 nguyên bản gốc phải như thế này:
Một trai hôn thứ rốt lòng...
Chữ "hôn" ở đây nên hiểu, kết hợp với chữ "một" đầu câu, sẽ cho người tinh ý đọc hiểu đó là lần hôn nhân thứ nhất của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Nói thế bởi các câu thơ này đang ở trong một đoạn thơ, là lúc Nguyễn Du trần tình, lược thuật, nói về cuộc đời, sự nghiệp và gia đình của Việp Quận công. Lần hôn nhân thứ nhất này thì Việp Quận công đã sinh, đã có được người con trai đầu lòng là... Quận Huy Hoàng Đình Bảo! Chớ không ai vào đây của câu chuyện lịch sử này được!
Các bạn vẫn đang nghe đấy chứ?
Song, nghe được, thấm hay không lại là chuyện khác.
Người phụ nữ của lần hôn nhân thứ nhất này với Việp Quận công có tên là Thứ. Hai người sau đó đã sinh ra được nhân vật lịch sử là Quận Huy Hoàng Đình Bảo như đã nói. Rồi từ đó, sau khi sinh Hoàng Đình Bảo, Việp Quận công đã mất khả năng sinh sản. Nên Nguyễn Du mới có thể viết ra hai chữ "rốt lòng" dùng chỉ vào hiện tượng thay đổi giới tính bất ngờ, mất khả năng sinh lý của Việp Quận công như thế được. Ngang đây, chúng ta cũng nên bỏ chút ít thời gian đọc lại tiểu sử Quận Huy Hoàng Đình Bảo, người con đầu của Việp Quận công này xem sao. Theo lịch sử ghi nhận, Hoàng Đình Bảo (1743-1782) là Huy Quận công (còn gọi là Quận Huy) thời Lê Trịnh trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử
Hoàng Đình Bảo (1743-1782), trước tên ông là Đăng Bảo (登寶), sau đổi là Tố Lý (素履), lại đổi là Đình Bảo. Ông quê ở Hoan Châu (nay thuộc xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) là cháu nuôi danh tướng Hoàng Ngũ Phúc, quê ở xã Phụng Công, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Sự nghiệp
Thời Trịnh Sâm
Ông đậu hương tiến, lại đậu tạo sĩ, lấy con gái chúa Trịnh Sâm. Vì được phong làm Huy quận công nên ông thường được gọi là quận Huy. Năm 1774, ông theo quận Việp Hoàng Ngũ Phúc đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chiếm được kinh thành Phú Xuân.
Quận Huy Hoàng Đình Bảo. Ảnh minh họa.
Quận Huy nguyên có tên là Đăng Bảo (nghĩa là "lên ngôi báu"), được quận Việp nhận làm cháu nuôi. Do uy tín của quận Việp trong triều quá lớn, nhiều người dị nghị hai chú cháu sẽ cướp ngôi chúa của họ Trịnh. Họ đặt ra những câu sấm đồn đại việc này. Quận Việp sợ vạ lây bèn đổi tên ông thành Tố Lý. Về sau, quận Việp qua đời (1776), ông mới đổi tên lần nữa thành Đình Bảo.
Năm 1777, ông làm trấn thủ trấn Nghệ An. Tại đây xảy ra nạn đói, quận Huy ra lệnh cho các nhà giàu trong vùng phải xuất thóc lúa trợ cấp cho người nghèo. Vì vậy người nghèo Nghệ An rất biết ơn ông.
Năm 1778, ông được Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm cho coi việc phủ chúa và lĩnh chức trấn thủ Sơn Nam (địa bàn của Sơn Nam thời Lê gồm: Hà Đông, Hà Nam, Hưng yên, Nam Định, Thái Bình).
Bấy giờ trong họ Trịnh xảy ra tranh chấp ngôi thế tử giữa con trưởng là Trịnh Tông và con thứ là Trịnh Cán, do người mẹ Cán là Tuyên phi Đặng Thị Huệ làm đại diện. Quận Huy từng có ý theo phò Trịnh Tông nhưng không được, bèn ngả theo Đặng Thị Huệ giúp Trịnh Cán còn nhỏ.
Chúa Trịnh Cán thời thơ ấu. Ảnh minh họa.
Nhân vụ án năm Canh tý (1780), Trịnh Tông có ý làm loạn thất bại nên bị truất làm con út, ngôi thế tử thuộc về Trịnh Cán.
Phụ chính cho Trịnh Cán
Sau khi Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán mới 5 tuổi lên thay, tức là Điện Đô vương. Quận Huy được cử giữ chức phụ chính. Vì Tuyên phi còn trẻ tuổi, quận Huy thường ra vào bàn kế với Tuyên phi nên mọi người dị nghị ông tư thông với Tuyên phi. Người đời đồn đại câu:
Trăm quan có mắt như mờ
Để cho Huy quận vào sờ chính cung
Cái chết và hệ quả
Lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Khải cùng nhau mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh Khải. Sách Lê quý dật sử chép vắn tắt chuyện như sau:
Lính trong phủ ước hẹn cùng vào núi bí mật toan định ngày giờ phế lập. Bèn bên trong theo ý quốc mẫu (mẹ Trịnh Sâm), bên ngoài dựa vào sự chi viện của Phan quận công (Nguyễn Phan), và nhờ tiến triều* Nguyễn Nhưng làm bài (hịch) khích lệ quân lính, phù chính nghĩa. Lại có Thư lại đội quân Tiệp Bảo là Nguyễn Bằng (Hoàng Lê nhất thống chí ghi tên Bằng Vũ) tự xin lên gác phủ đánh trống làm hiệu. (*Những người không đỗ Tiến sĩ mà được làm quan ở sáu bộ, gọi là tiến triều. Chú thích trong sách Lê quý dật sử, trang 23. NV)
Ảnh minh họa.
(Nghe có biến) Quận Huy sai đội quản voi chỉnh đốn bành voi. Huy lên voi tuần hành để răn đe quân sĩ. Quân sĩ đập phá gạch ngói ném bừa vào Huy. Huy bị thương ngã gục trên mình voi, quân sĩ lại lấy kiếm dài đâm lên, làm Huy bị thương tiếp. Rồi (họ) lấy câu liêm lôi Huy xuống, băm ra từng khúc, tranh nhau ăn gan Huy... Khi đó, lính trong phủ đã rước Thế tử Khải lên nối nghiệp chúa, và dời Trịnh Cán đến ở một cung khác. Ngày hôm đó, nhà cửa dinh thự của các quan lại trong kinh đô đều bị lính phá hủy gần hết. Đình thần im hơi lặng tiếng, đứng yên một chỗ. Kể từ đó quyền hành lọt hết vào tay lính tam phủ.
Quận Huy bị giết, Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ bị truất, Trịnh Khải lên ngôi, tức là Đoan Nam vương.
Ngô Thì Nhậm làm bài Điếu Huy Quận công để tưởng nhớ ông:
吊暉郡公
生來英雄寄軀殼
死去精神留磅礡
軀殼有壞磅礡存
仰真不愧俯不怍
尋常棺郭也何爲
志士不忘在溝壑
萬里泱泱瀘珥河
九龍矗矗岩軿岳
長洲雖然埋此人
羞剎未埋頑與薄
為憑一筆吊忠魂
天載九泉猶可作
Điếu Huy Quận công
Sinh lai anh hùng ký khu xác,
Tử khứ tinh thần lưu bàng bạc.
Khu xác hữu hoại bàng bạc tồn,
Ngưỡng chân bất quý phủ bất tạc.
Tầm thường quan quách dã hà vi,
Chí sĩ bất vong tại câu hác.
Vạn lý ương ương Lô Nhĩ hà,
Cửu long súc súc Nham Biền nhạc.
Trường châu tuy nhiên mai thử nhân,
Tu sát vị mai ngoan dữ bạc.
Vị bằng nhất bút điếu trung hồn,
Thiên tải cửu tuyền do khả tác.
Viếng Huy Quận công
Sinh ra, khí phách anh hùng tự gửi mình vào thân xác,
Chết đi, tinh thần còn lưu trong [vũ trụ] mênh mông.
Thân xác nát tan, nhưng vũ trụ mênh mông còn đó,
Trông lên thật chẳng thẹn với trời, cúi xuống không hổ với đất.
Quan quách tầm thường có nghĩa lý gì?
Vì kẻ sĩ có chí khí không quên rằng có thể chết ở nơi ngòi lạch.
Sông Nhị dòng Lô mênh mang muôn dặm,
Ngọn Nham Biền sừng sững như chín con rồng.
Tuy người ấy phải chôn trên bãi sông dài,
Nhưng thẹn chết cho bọn chưa bị chôn gian ngoan bạc ác.
Xin mượn ngòi bút viếng hồn người trung nghĩa,
Ngàn năm nơi chín suối người vẫn có thể đứng vùng lên.
(Trích bài viết Hoàng Đình Bảo trang wikipedia)
Bài viết về tiểu sử Hoàng Đình Bảo cho chúng ta biết ông sinh năm Quý Hợi 1743, mất năm Nhâm Tuất 1782, thọ 39 tuổi. Thời điểm Quận Huy bị quân đảo chính phủ Chúa truy sát Bắc Bình vương Nguyễn Huệ chưa kéo quân đánh Bắc Hà lần thứ nhất (1786). Mang năm sinh của Hoàng Đình Bảo 1743 đối chiếu với năm sinh Quý Tỵ 1713 của Việp Quận công, căn cứ vào ghi chép này, thì có thể vào năm 30 hoặc 28-29 tuổi Việp Quận công mới lập gia đình với người vợ đầu có tên là Thứ, sinh người con đầu lòng là Hoàng Đình Bảo, như cho biết của Nguyễn Du qua câu Kiều 13 "Một trai hôn thứ rốt lòng...". Sau khi sinh được người con đầu lòng vào năm 1743, thì giới tính của Việp Quận công đã bị thay đổi, không còn khả năng sinh con được nữa, cho nên Nguyễn Du mới gọi là "rốt lòng" được. "Rốt" là sau hết, sau rốt."Lòng" cũng là tâm, tâm 心 với trung 中 nghĩa tương đương với nhau, đều chỉ vị trí ở giữa. Khi viết ra các từ, chữ mang tính ẩn dụ, bóng gió như thế: tâm 心 và trung 中, ý đồ của Nguyễn Du chính là chỉ vào chi thứ 6 ở giữa của 12 địa chi, chi Tỵ 巳, năm sinh của Việp Quận công. Năm Quý Tỵ 1713: người sinh năm 1713 này vào lúc bấy giờ đã mất khả năng sinh con. Chữ trung 中 cũng đọc là chung, chung 終 là cuối, sau cùng, chỉ năm sinh sau chót của Quận Huy Hoàng Đình Bảo.
Nếu dựa vào chữ trung 中, rồi chung, để chứng minh đó là những ám chỉ của Nguyễn Du đối với năm sinh của Hoàng Đình Bảo thì e quá chủ quan, nặng tính áp đặt, buộc người đọc phải chấp nhận, thỏa hiệp những giải thích của mình là đúng là hay, không còn gì để phải bàn cãi nữa tuy giải thích ấy rất mù mờ, mông lung kiểu thế nào ấy. Nếu thế thì đây, chữ "trai" này mới nói lên sự thật, nhất mới cho người đọc biết ý đồ, nói khác đi là tài năng hiếm có của Nguyễn Du trong cách viết về các vấn đề lịch sử. Đó là khi nói đến nhân vật, sự kiện nào thì cụ cũng đều kèm theo ngày, tháng, năm sinh người đó, cùng thời gian xảy ra các sự việc liên quan. Những ai từng đọc các bài giải thích của chúng tôi chắc không lạ gì cách viết sử hết sức đặc biệt, có thể nói là ngoại lệ của Nguyễn Du rồi. Chữ "trai 佳" tiếng Nôm là con trai. "Trai 佳" cũng đọc là giai 佳. Giai 佳 liên kết, qua chiết tự chuyển chú, bắt qua tiếng Hán, mở ra âm đọc là hợi 亥. Hợi 亥 là chi cuối trong 12 địa chi. Giai 堦 còn là cấp, bậc, là bậc thềm có từng cấp từ thấp lên cao. Ám chỉ cho từng cấp, thứ hạng của 12 địa chi tý, sửu, dần, mẹo. Đem những gì vừa giải thích, nối với chữ tâm 心, chữ trung 中: cùng nghĩa ở giữa, rồi chung 終: cuối cùng, thì rõ ràng Nguyễn Du đã đang đề cập, nói đến 12 địa chi tý, sửu, dần, mẹo, từ thấp đến cao vậy. Thiệt là một phương pháp, một kỹ thuật viết sử hết sức đặc biệt, sự việc được tóm gọn, nén, cài trong một vài chữ, có một không hai trong lịch sử nhân loại. Chớ không riêng của người Việt. Sở dĩ phải buộc miệng nói ra điều mà không khéo sẽ bị người ta cho là mèo khen mèo dài đuôi như thế ấy bởi đây là cách viết ẩn nghĩa theo lối chiết tự Hán Nôm của nền học thuật các nước Á đông, mà Nguyễn Du hầu như là người đại diện duy nhất hoặc là người mở ra trường phái viết sử dạng đặc biệt, hết sức độc đáo này, văn học phương tây gọi đó là kỹ thuật viết tảng băng trôi, chỉ mới có mãi sau này, kỷ 20, do nhà văn Mỹ Ernert Hemingway sáng tạo. Mà lối viết đó của Ernert Hemingway cũng thường thôi, không có gì đặc sắc, hay ho cho lắm. Còn viết sử theo cách thông thường xưa nay là cứ viết, cứ trình bày cụ thể, rõ ràng ra trên giấy trắng mực đen các vấn đề, các sự kiện, cùng những con người liên hệ thì liệu tác giả văn bản có được sự ổn yên, lành lặn trong thời điểm giờ G, nói toạc móng heo là thời kỳ cai trị đất nước của Nguyễn Ánh-Gia Long, ấy hay không?
Các thái giám nội cung triều đình. Ảnh minh họa.
Tóm lại. Căn cứ vào ghi chép lịch sử về năm sinh, (năm mất) của Việp Quận công và người con đầu của ngài là Hoàng Đình Bảo với bà vợ thứ nhất tên Thứ, gọi tắt là "hôn thứ: hôn nhân lần đầu với người vợ tên Thứ" như Nguyễn Du ám chỉ, cho biết qua câu Kiều 13, sau khi đối chiếu với các câu mang tính cài nén, ẩn giấu những bí mật lịch sử của Nguyễn Du trong các câu đoạn khác, chúng ta đã được biết sự thật như thế nào, chớ không phải Việp Quận công là một hoạn quan, tức người đã bị hoạn bộ phận sinh dục, mất khả năng sinh con, rồi mới được tuyển vào làm việc trong triều đình như các thái giám theo ghi chép của các sách lịch sử xưa nay.
Chữ "hôn", "hôn thứ" ngoài nghĩa giải thích, thì "hôn 昏" còn có nghĩa là tối, lúc hoàng hôn mờ tối. Mà hoàng hôn cũng đồng nghĩa với tà huy, là bóng chiều. Từ chữ "hôn", "hôn thứ: lần hôn nhân thứ nhất với người vợ tên Thứ", Nguyễn Du dẫn người đọc văn bản tinh ý sẽ lần ra tên tuổi, mặt mũi con người có thật trong lịch sử. Quận Huy Hoàng Đình Bảo. Người con đầu lòng, cũng là "rốt lòng", của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc.
4-"Văn Quan là giữa vốn dòng nho gia" có ý nghĩa gì?
Câu Kiều 14 hầu hết các bản Kiều xưa nay đều ghi là "Vương Quan là chữ vốn dòng nho gia...". Đây là câu sai lạc trầm trọng, hết sức vô nghĩa, nó không chỉ, không nói ra được điều gì nghe cho có lý có tình được cả do đã bị chỉnh sửa hay do tam sao thất bổn, đã không còn đúng với bản gốc của Kiều, của câu chuyện lịch sử nước Việt, người Việt, mà đã trở thành câu chuyện hư cấu của văn học Trung Hoa. Nói đây là nói theo sự truyền thừa, đồn đãi của bộ môn văn học với những câu, chữ sai bậy, lạc loài, vô nghĩa, trống không của các nhà nghiên cứu, luận bàn Kiều xưa nay kể từ khi truyện Kiều xuất hiện. Rồi với những nhận định hết sức mơ hồ, mông lung, nhập nhằng, nối từ người này đến kẻ kia, từ thời kỳ này sang thời kỳ khác của giới nghiên cứu, luận Kiều, truyện Kiều hữu ý vô tình từ đó đã trở thành đứa con vô thừa nhận, mất gốc, không bổn quán, quê hương, cứ dạt trôi mãi theo dòng đời vô định tuy nó từng bị người ta gồng mình xúm đẩy qua bên kia màn sương cho bằng được. Nhưng rất lạ là ngay chính người Tàu cũng chẳng bao giờ muốn nhìn mặt đứa con không cha không mẹ, trôi sông lạc chợ ấy để làm gì. Họ chỉ nói hú họa, bâng quơ vài ba câu dăm ba chữ để cho có nói, cho có gọi là. Văn chương của họ thiếu gì những tác phẩm hay, để đời, nào Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Tây Du Ký, Phong Thần, Tam Quốc Diễn Nghĩa, vvv... Kiều thì ăn nhập, nhằm nhè gì với các tác phẩm danh bất hư truyền ấy của họ đâu? Riêng người Việt thì chỉ nhận Kiều qua phần thơ lục bát chữ Nôm của Nguyễn Du, mà cũng sai be bét, nháo nhào từ trang đầu đến trang cuối, phần chữ Hán chẳng bao giờ họ chịu để ý, ngó ngàng, đếm xỉa, hỏi han gì tới. Đây là chuyện hết sức lạ lùng của bộ môn văn học Trung Hoa và Việt Nam đối với tác phẩm Kiều vậy.
Kiệt tác văn học Việt Nam sao không ai thừa nhận?
Tám chữ "Vương Quan là giữa vốn dòng vương gia" của câu 14 có những cái sai như sau đây. Trước hết, là hai chữ "nho gia", nho gia là nhà nho, là những người biết hoặc giỏi chữ Hán, nếu nói Vương Quan là nhà nho của thời ấy, thì thiết nghĩ, thời ấy ai không là nhà nho, là những người biết hay rành giỏi chữ Hán, có khi chỉ bình thường, cùng thông thạo nhiều điển tích, các sách văn học, bao gồm cả Tứ Thư, Ngũ Kinh, gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, và Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, xuất thân từ nền đạo học Tam cang Ngũ thường Trung Hoa? Đến ngay như những người chỉ có nghề nghiệp duy nhất là nông dân cày ruộng thời ấy cũng là người giỏi chữ Hán nữa kia mà? Chưa nói, thời ấy để đi ra làm quan thì những người dự phần phải là thí sinh thi đỗ các trường lớp do triều đình đứng ra tổ chức hằng năm, chọn những sĩ tử đỗ thứ hạng cao, học giỏi, rành các môn học nói trên, thì mới được bổ ra làm quan. Cũng chưa nói thời ấy chữ viết người Việt cũng chỉ có duy nhất là chữ Hán, có phụ thêm chữ Nôm, nhưng ít người giỏi về mảng này, mà tất cả tập trung vào Hán ngữ là chính. Chỉ duy nhất vào thời Tây Sơn, trong năm năm ngài ở ngôi, vua Quang Trung quyết định lấy chữ Nôm làm văn bản hành chính, còn cho đưa vào các trường học dạy cho người dân các vùng miền. Sau đó đến đời Cảnh Thịnh, từ năm Quý Sửu 1793, khi vua cha băng hà đột ngột vào năm Nhâm Tý 1792, không biết vua Cảnh Thịnh có còn duy trì chữ Nôm trong sự nghiệp chăn dân trị nước và việc học hành của nhân dân hay không. Chớ đến thời vua Gia Long, năm Nhâm Tuất 1802, 10 năm chẵn sau khi Quang Trung ra đi, cho đến mãi về sau, thời vua Bảo Đại, năm 1945, sự nghiệp gia tộc Nguyễn kéo dài non thế kỷ rưỡi, chữ Nôm đã bị triều đại mới dẹp bỏ ngay từ khi vua tiền triều gia tộc Nguyễn lên ngôi. Tóm lại. Hai chữ "nho gia" là hai chữ lạc loài, vô nghĩa, không nói lên được điều gì nghe cho lọt lỗ tai cả, nói tóm gọn cho mau đó là hai chữ dạng mơ hồ, mông lung đã bị cố ý chỉnh sửa từ ai đó lâu lắm rồi. Nó tăm tăm mù mù kiểu thuở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hông nhiều nỗi truân chuyên. Xanh kia thăm thẳm đường lên, Cùng ai gây tạo cho nên nỗi này? vậy.
Hai chữ đúng theo văn bản gốc của Kiều, của ý đồ bóng gió, ám chỉ vào những nhân vật lịch sử có thật của Nguyễn Du phải là hai chữ này đây, "vương gia". "Gia 家" là nhà, "vương 王" là vua, vua ở đây chính là chỉ vào vua Lê Hiển Tông, hiện ở ngôi trị vì từ năm Nhâm Tuất 1742 đến năm Bính Dần 1786 thì ra đi. Vua Lê Hiển Tông lên ngôi vào ngày 4 tháng 2 năm Nhâm Tuất 1742, đúng như ám chỉ của câu Kiều 10, đoạn đầu truyện "Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng...", như đã giải thích, sau khi chúa Trịnh Doanh ép vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho ngài. Suốt thời gian trị vì ngài chỉ sử dụng duy nhất một niên hiệu là Cảnh Hưng. Ngài là vua áp chót đời Lê Trung hưng. Sau ngài còn đời vua nữa là chấm dứt thời kỳ nhà Hậu Lê: vua Lê Chiêu Thống. Có chỉnh sửa, phục hồi, tìm lại đúng những câu, chữ mà tác giả Kiều đã ghi, viết xưa kia, thì cũng từ đó mới tìm lại được những giá trị đích thật của lịch sử đã được người trong cuộc, đương thời Kim Trọng Nguyễn Du từng khổ công ngồi nghiên cứu, moi óc, sáng tạo ra lối viết vô cùng đặc biệt để ẩn giấu, cài nén những bí mật lịch sử trong từng câu, chữ hòng đánh lừa, qua mặt vua quan thể chế chính trị, nhà nước sở tại ngày ấy.
Chữ "giữa 𡧲" là nghĩa của chữ trung 中, một trong ba chữ Lê Trung hưng 黎中興 (hai chữ trung hưng 中興 có nghĩa: một nhà hay một nước trải qua một hồi suy lại có một hồi thịnh gọi là trung hưng), thời kỳ nhà Hậu Lê cai trị đất nước, bắt đầu từ năm Mậu Thân 1428, năm Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, ngài lấy thánh tự là Lê Thái Tổ, người lập ra nhà Hậu Lê, đặt niên hiệu là Thuận Thiên 順天. Nhà Hậu Lê, còn gọi là Lê Trung hưng 黎中興, tồn tại, kéo dài từ năm Mậu Thân 1428 cho đến năm Mậu Thân 1788, tròn 360 năm, là chấm dứt. Đất nước chuyển giao qua nhà Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ nắm quyền, chia ra ba vùng cai trị, miền trung là của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Miền Bắc thuộc quyền Nguyễn Huệ. Miền Nam của Đông Định vương Nguyễn Lữ.
Hai chữ đầu câu "Văn Quan" có nghĩa như sau. "Văn 文" là nghe. Giải như thế bởi đây là chữ giả tá: mượn giả lấy thật, chữ văn này đây mới đúng là chữ Nguyễn Du sử dụng cho mục đích ám chỉ, bóng gió của mình, văn học ngày nay gọi là tu từ hoán dụ. "Văn 聞" là nghe. Chữ "văn 文" giả tá trên có nghĩa là văn hoa, sự bóng bẩy hoa lá cành, chỉ cốt phô trương bề ngoài cho đẹp, hoặc dùng để đánh tráo khái niệm, mục đích che đậy sự việc gì đó theo chủ ý tác giả câu chuyện, nó không chuộng, màng đến sự khen chê, thắc mắc người đọc, cốt bảo vệ được sự thật cho an toàn, bí mật. Như đã nói, "văn 聞" là nghe, nghe tiếng để mà vào. Chữ "văn 聞" này là thuật ngữ chuyên môn, một trong bốn chữ vọng-văn-vấn-thiết của thầy thuốc đông y sử dụng trong nghề chẩn mạch, kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân, vọng 望 là thấy; văn 聞 là nghe, vấn 問 là hỏi; thiết 設 là sắp đặt, trình bày. Chữ văn 文 giả tá trên còn để chỉ cho quan văn, là những cán bộ làm việc chuyên coi về văn tự, ghi chép sổ sách triều đình.
Tiếp theo chữ "Văn" là chữ "Quan". "Quan" ở đây đọc qua có thể nghĩ đó là tên, song, đó lại mang những ý nghĩa khác nữa. Trước hết, nên đọc ngược lại, "Văn Quan" thành "quan văn", dùng để chỉ vào một người. Vậy người đó là ai? Hiểu độc lập, "quan" là chỉ cho năm giác quan con người, gồm mắt tai mũi miệng và tay chân, gọi chung là ngũ quan. Ngũ quan ở đây chính là nhân vật Hoàng Ngũ Quan mà tác giả Kiều đang đề cập, đang sử dụng cách nói bằng các loại chữ nghĩa mang tính mật mã, cốt bật đèn xanh cho lịch sử biết rõ ràng về con người hết sức bí mật này trong câu chuyện liên quan các triều đại, thể chế chính trị của người Việt nước Việt hậu bán kỷ 18.
Hoàng Ngũ Quan, trong Kiều Nguyễn Du gọi là Văn Quan. Ảnh minh họa.
Như vậy, nhân vật "Văn Quan" được Nguyễn Du đề cập, nói bóng gió, ám chỉ trong câu 14 chính là Hoàng Ngũ Quan, là một quan văn nổi tiếng, thời ấy đã cùng Nguyễn Du ra làm việc cho triều Nguyễn. Trong Kiều Nguyễn Du có nhắc, nói đến sự việc này, là hai câu 2859-2860 "Chế khoa gặp hội trường văn, Vương (Văn NV) Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày...". Tuy mang họ Hoàng, thêm chữ Ngũ làm chữ lót, thực ra chỉ là cái tên hờ, còn trong thực tế, đó là người con của bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền và vua Lê Hiển Tông đó thôi. Cho nên Nguyễn Du mới có thể bóng gió, nhấn nhá, luyến láy bổng trầm sự thật qua mấy chữ "vốn dòng vương gia" và "giữa 𡧲". "Giữa 𡧲" là nghĩa của chữ trung 中, một trong ba chữ Lê Trung hưng 黎中興, mà vua Lê Hiển Tông là người đại diện thể chế, hiện sắp đi vào giai đoạn chung cuộc, bàn giao chế độ, thời kỳ như đã giải thích. Tóm lại. "Văn Quan" là con của vua Lê Hiển Tông. "Vương gia" là chỉ vào vua Lê Hiển Tông, đại diện Nhà Hậu Lê. "Giữa 𡧲" là nghĩa của chữ trung 中, một trong ba chữ Lê Trung hưng 黎中興. Câu Kiều 14 vốn mang nghĩa liễu tri như vậy, về sau, bị sửa thành "Vương Quan là chữ vốn dòng nho gia" đã kéo theo nhiều sức hiểu sai lạc, trật đường rầy khiến sự thật cùng những con người mày tao mi tớ từng phơi bày, qua lại giữa thanh thiên bạch nhật trong cuộc tồn sinh cộng trú với những sinh hoạt đời thường đói no vui buồn bổng chốc rơi vào kỷ băng trôi sông nước mịt mù. Thuở chưa xuất hiện loài người. Thử hỏi, hai chữ "Vương Quan" nếu không được ghép từ những chữ v, n, g, rồi u, a, q, vvv..., chẳng nhẽ lấy cái rựa, cái búa, cây đinh, viên sỏi, khúc cây, thêm mấy cục cứt khô con khỉ gió núi Hoa Quả động Thủy Liêm trèo cây hái trộm ăn ỉa bậy rớt đống đống dưới gốc ghép lại hay sao mà nói là "vương quan là chữ?". Rồi còn mấy chữ "vốn dòng nho gia" cũng là những chữ, những nghĩa hết sức cạn cợt, bông lông, nhẹ hều, khác nào những hạt giống còi cọc đem rắc gieo lên những mảnh đất cằn cỗi, xấu xí, nắng không ưa mưa không chịu, chỉ còn mỗi sức lay lắt, gượng gạo, níu giữ chút tàn hơi dưới mấy giọt sương khuya. Ấy thế xưa nay bộ môn văn học dù chuyên không chuyên cũng không một ai hay biết, còn xúm cho là hay, là đúng nữa đấy? Sự việc còn kéo theo cả unesco nhập cuộc, vốn là một cơ quan, tổ chức đại diện cho nền văn hóa-văn minh của nhân loại. Thiệt lạ lùng hết sức!
5-Đầu lòng hai ả tố nga...
Tiếp theo câu 14 là câu 15 "Đầu lòng hai ả tố nga...". Chữ "tố 愬/訴" là mách, bảo, kêu, nói cho biết, bảo cho biết, là những sự việc gì có liên quan, dây dưa đến việc kiện cáo, tố tụng ra trước ánh sáng, công đường, pháp lý. Nhưng tố ai, việc gì, ở đâu? Hoặc tố 遡 là ngoi, trồi lên, chỉ tình trạng bơi ngược xuôi, như tố hồi 遡回: ngược dòng bơi lên; tố du 遡游: thuận dòng bơi xuống. Hay tố 遡 là sự tìm tòi, suy tìm nguyên nhân của sự việc gì gọi là tố, như thành ngữ hồi tố đương niên 回遡當年: suy tìm lại sự việc năm đó. Với những nghĩa vừa giải thích, gộp chung lại, gọi là "tố nga: mách bảo cho biết người có tên Nga này là ai?". Dưới dây là những giải thích.
Nga 娥 trước hết là đẹp, tốt, xinh, chỉ người con gái đẹp. Nga 娥 còn được dùng để chỉ cho mặt trăng, như nga luân 娥輪: ánh trăng, vầng trăng. Nga 囝 cũng có âm đọc là nguyệt. Nói chung nga 娥 ngoài nghĩa chỉ người con gái xinh đẹp thì nga 囝 còn để chỉ cho mặt trăng. Song, nga 娥/囝 không phải chỉ bấy nhiêu nghĩa, nếu hiểu, bám sát theo ám chỉ, sự áp đặt, buộc bắt của tác giả Kiều Nguyễn Du đối với người đọc, xử lý văn bản qua hai chữ tố nga: mách bảo cho biết người có tên Nga này là ai?
Do đó, nga 娥/囝 cần phải hiểu, phải mượn qua những chữ khác nữa, còn đó chỉ là chữ giả tá: mượn giả lấy thật, mà thôi. Chữ nga này đây 俄. Chữ nga 俄 bên trái là bộ nhân 亻, bên phải là chữ ngã 我. Nhân 亻là người, ngã 我 là tôi, ta, thuộc đại từ nhân xưng dùng chỉ vào mình. Ngã 我 còn được dùng trong trường hợp, chỉ vào người khác, có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết đến chủ thể câu chuyện, như ngã huynh: 我兄 anh của ta; ngã đệ 我: em của ta, ngã tỷ 我姊: chị gái của ta; ngã muội 我妹: em gái của ta, ngã tử 我子: con của ta; ngã tôn 我孫: cháu của ta, và ngã nhân 我: ta và người.
Có moi,
có lôi ra được những chữ, từ cần thiết, quan trọng như vậy thì mới có thể làm cho sáng tỏ những nhân vật, những con người lịch sử mà thi hào đất nước đã mã hóa, cài nén, giấu trong từng câu, chữ mà khi đọc qua người ta chỉ tưởng đó là những câu chữ tả cảnh, tả tình hay những câu tả tổng quát, nói chung chung, đại khái về người này người kia, sự này việc kia. Ngoài ra không còn gì nữa. Hiểu như thế là quá cạn cợt, nông nỗi. Khiến từ đó câu chuyện lịch sử của đất nước với những con người có thật, bằng xương bằng thịt bị đẩy vào chỗ đen tối mịt mù, tuy là lời lẽ, ngôn từ, văn chương rất đậm đà, thi vị, có lý có tình, dễ nghe của hạng người tri thức, rất có giá trị trong xã hội đặt lời châu phê.
Như đã nói,
chữ nga 俄 bên trái là bộ nhân 亻, bên phải là chữ ngã 我, đọc là ngã nhân 我亻: ta và người. Người ở đây là ai? Nếu muốn biết người ở đây là ai, thì phải dựa theo ám chỉ của tác giả để lần ra sự việc. Bởi đây không đơn thuần chỉ mỗi dạng chiết tự giả tá, mà đó là sự liên kết, tổng hợp của các dạng chiết tự, gồm vừa giả tá: mượn giả lấy thật; vừa là chỉ sự: phép dựa, chỉ vào sự vật viết ra chữ, rồi nhìn vào đó xét, đoán ra ý, và cũng là chiết tự chuyển chú: mượn nét, chữ có sẵn, đem thay hình đổi dạng thành chữ, tiếng đọc khác, nhưng vẫn chung nghĩa, trùng ý. Theo đó, nga 娥 ngoài nghĩa tốt đẹp, chỉ người con gái xuân thì xinh đẹp, thì nga 哦 còn được sử dụng như một thán từ dùng biểu thị tư tưởng người đọc khi đã hiểu ra những ám chỉ, ẩn nghĩa mà tác giả câu chuyện từng cài nén, ẩn giấu những bí mật gì đó trong từng câu, chữ của văn bản thì liền trợn mắt, la toáng lên ô, ồ, ơ, ớ, a, à, thế à? Vậy sao? À, tôi hiểu ra rồi, tôi biết rồi. Tôi biết rồi. Chữ nga 哦 này dùng để ngâm vịnh, nâng giọng cao thấp, khoan nhặt theo câu chữ văn bản, và cũng để biểu thị các dạng thán từ như đã nói. Nga 娥 còn để chỉ cho thường nga, người ở cung trăng. Nga 硪 có âm đọc là ngã. Chữ ngã 我 như đã giải thích. Lại nga 蛾 thêm nghĩa là nghĩ. Nghĩ 擬 là mô phỏng, dựa theo, hoặc nghĩ 擬 là phép so sánh, đánh đọ những sự vật, hiện tượng, con người, các trường hợp được nêu trong văn bản, câu chữ, ở đây là dựa vào chữ nga 娥 chỉ người con gái xinh đẹp để liên tưởng, chắp nối, tìm đến ánh trăng, vầng trăng của hai chữ nga luân 娥輪.
Khởi đầu là từ chữ nga 娥 (người con gái đẹp) chỉ sự 指事: chữ dùng để chỉ khái niệm về sự vật (1-khái niệm là hình thức phản ánh hiện thực dưới dạng khái quát, mô phỏng sự vật, hiện tượng và những mối liên hệ hữu cơ giữa chúng với nhau. 2-sự hiểu biết, hình dung đại khái, sơ sài về vấn đề, đối tượng nào đó). Nói cho dễ hiểu dễ nhớ hơn nữa, chiết tự chỉ sự do không phải như chữ tượng hình 像形 (họa theo hình dáng sự vật ra con chữ, chữ viết), nên không thể họa được, cũng không phải là chữ hội ý 會意: gom nhiều chữ -phần- vào một chữ, tạo nghĩa mới, nên không thể hiểu được, mà phải nhìn trực diện mặt chữ để đoán ý nghĩa rồi mới hiểu. Kế bắt qua chữ nga 蛾 giả tá. Nga 蛾 giả tá có âm đọc là nghĩ. Nghĩ 儗 được bắt qua chữ Nôm, bởi đó là dạng chiết tự chuyển chú 轉注: là dạng chữ khác nhau về âm đọc và cách viết (hình dạng) nhưng có cùng một nghĩa, nó còn mở ra hướng có thể dùng chữ này để giải thích chữ kia. Nói rõ hơn nữa, chiết tự chuyển chú là mượn nét, chữ có sẵn, đem thay hình đổi dạng thành chữ khác, tiếng đọc khác, nhưng vẫn chung nghĩa, cùng ý. Nghĩ 儗/擬 tiếng Nôm là suy nghĩ, ngẫm nghĩ, tìm hiểu lại thật kỹ lối chơi chữ, sử dụng ngữ nghĩa đa dạng, hết sức đặc biệt trong văn bản, từng câu chữ của tác giả vậy.
Do đó, theo như ám chỉ, bật đèn xanh của tác giả qua câu 15 "Đầu lòng hai ả tố nga..." với những nghĩa đã giải thích, tập trung, xoáy quanh chữ nga, thì nga 娥 là mặt trăng, trăng cũng là nguyệt, nguyệt hay trăng đâu còn ai xa lạ gì, từ thuở khai thiên lập địa đến nay trăng chường mặt, xuất hiện vào mỗi tháng trên nền trời cao lồng lộng kia, ngày đầu tháng thì gọi là trăng thượng huyền, ngày cuối tháng gọi là trăng hạ huyền. Khi vào giữa tháng thì gọi ngày trăng tròn. Thời điểm trăng tròn được Nguyễn Du tượng trưng cho chữ Nga, bởi đó là tên tuổi, mặt mũi một con người với đầy đủ ngũ quan tay chân tứ chi mắt tai mũi miệng, là một con người trưởng thành, hoàn chỉnh, trường trải, kinh nghiệm sự đời, đã nếm đủ cay đắng, ngọt bùi, chua chát đúng nghĩa một con người trong cuộc tồn sinh cộng trú. Là một vòng tròn của mặt trăng vậy. Tóm lại. Nga 娥 là trăng, trăng thì có thượng huyền, trăng tròn, và hạ huyền. Với lối chơi chữ hết sức đặc biệt này của tác giả Kiều thì qua chữ Nga 娥, tên của một người, Nguyễn Du đã đang sử dụng nhiều phép chiết tự (bao quanh chữ nga) để ám chỉ đến một người, có sự liên hệ mật thiết đến người có tên là Nga. Người đó tên là Huyền, ghi chép lịch sử gọi là bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, phu nhân của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc!
Lục trên trang mạng, được biết các bà vợ của vua Lê Hiển Tông như sau (chỉ lấy tên những nhân vật có vai vế lớn trong nội cung):
1- Trinh Thuận Hoàng hậu: Trần Thị Ngọc Câu. Bà là sinh mẫu của Hoàng tử Lê Duy Lực và An Định Thái tử Lê Duy Vĩ. Bà mất sớm, bị tước đoạt kim sách sau vụ con trai là Thái tử Duy Vĩ bị phế, được phục vị bởi cháu nội là vua Lê Chiêu Thống.
2-Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền. Bà không được coi là chính thất, là người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), là con trưởng của ông Nguyễn Đình Giai. Nhập cung giữ vị trí Chiêu nghi. Bà là thân mẫu của Công chúa Lê Ngọc Hân (Ngân NV). Sau bà được hậu thế phong làm Hoàng mẫu hậu vì là thân mẫu của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân triều Tây Sơn.
3-Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Bà là người cùng làng với Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền, mẹ của Công chúa Lê Ngọc Bình, chính thất vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn, Gia Long đệ tam Cung Đức phi triều Nguyễn.
(Trích bài viết Lê Hiển Tông, trang Bách khoa toàn thư mở wikipedia)
Đoạn trích trên cho chúng ta được biết người được gọi là Chánh cung Hoàng hậu của vua Lê Hiển Tông là Trần Thị Ngọc Câu. Người thứ hai là Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền, không phải Nguyễn Thị Huyền như ghi chép thiếu sót của nhiều dạng sử. Chi tiết này rất đúng nếu so với những cài nén, ẩn giấu trong từng câu chữ về các bà vợ của vua Lê Hiển Tông của Nguyễn Du. Chuyện này hãy để bàn sau. Ghi chép của trang wikipedia, và của nhiều dạng sử sách nữa, đều cho bà Chiêu nghi Ngọc Huyền là mẹ ruột của Công chúa Lê Ngọc Ngân, không phải Hân, đây là nhận định rất sai lầm của các dạng sử sách về câu chuyện lịch sử có liên quan mật thiết đến vua Quang Trung và các người vợ của ngài. Người vợ tiếp theo của vua Lê Hiển Tông là bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Để ý, chúng ta thấy người phụ nữ này hữu ý vô tình lại có quê quán, nơi xuất thân trùng với bà Chiêu nghi Ngọc Huyền. Chúng tôi dám xác định, đây là ghi chép sai hoàn toàn, không đúng về tên tuổi, mặt mũi người vợ thứ ba, xếp theo thứ tự nội cung triều đình, lấy trên trang wikipedia, mà đó phải là người có tên Nga, gọi đủ là Ngọc Nga, còn gọi đúng theo sổ bộ giấy tờ, họ tên trong dòng họ, thì phải là Nguyễn Thị Ngọc Nga, em bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền, bởi cha của hai bà là Nguyễn Đình Giai, đúng như Nguyễn Du đã bóng gió, ám chỉ, cho biết trong câu Kiều 15 "Đầu lòng hai ả tố nga...".
Để xác định, cũng như để làm rõ có phải lịch sử từng có người phụ nữ tên là Nga hay Ngọc Nga, em bà Chiêu nghi Ngọc Huyền hay không, hay do chúng tôi ngồi tại chỗ suy diễn, tưởng tượng ra nói, xin mời các bạn đọc phần giải thích các câu cài nén, ẩn giấu bí ẩn lịch sử hết sức tài tình, điêu luyện sau đây của chính tác giả Kiều, người trong cuộc của câu chuyện ngày ấy, gồm cả hai văn bản văn xuôi chữ Hán và thơ lục bát chữ Nôm. Không lâu đâu.
Những con chữ chở nặng những kiếp người...
Bắt đầu từ câu 865 "Những là đo đắn ngược xuôi..." đến câu 905 "Một xe trong cõi hồng trần như bay..." là đoạn chia tay của Thúy Kiều và gia đình, cùng vương ông, vương bà, tức vợ chồng vua Lê Hiển Tông, là dì và dượng của nàng, cũng là lúc Thúy Kiều đã lên xe đi cùng tướng giặc Từ Hải về trong kia phương trời viễn xứ mà chưa biết tương lai ngày sau sẽ như thế nào. Để rồi mãi về sau, vào năm Kỷ Mùi 1799, người đẹp Thúy Kiều đã nằm lại mãi mãi xứ Đàng Trong, kinh đô Phú Xuân, tính ra từ khi lên đường xa quê hương vào ngày chia tay hôm ấy, nằm ngay ở câu 905 "Một xe trong cõi hồng trần như bay...", cùng gia đình, dòng họ của năm Đinh Vị 1787 cho đến năm 1799 là 12 năm chưa một lần Thúy Kiều về thăm lại quê hương Đàng Ngoài của mình. Một lần đi là đi mãi đến thiên thu bất tận...
Trong đoạn miêu tả sự chia ly ấy của gia đình Thúy Kiều có bốn câu Nguyễn Du nói rõ những ẩn khuất, bí mật của câu chuyện lịch sử về người có tên là Nga như sau. Câu 889 "Thôi con còn nói chi con..." sẽ cho chúng ta tường minh sự việc cụ thể, rõ ràng, không bàn cãi vào đâu được nữa. Để có thể văn học Việt Nam cứ mãi dựng chuyện, bám đuôi xúm nói rằng truyện Kiều vốn gốc là của Thanh Tâm Tài Nhân người Tàu sáng tác, Nguyễn Du chỉ dựa vào đấy để được nổi tiếng. Nói thế nghe mà được sao? Theo diễn biến câu chuyện, câu 889 "Thôi con còn nói chi con..." là câu bày tỏ sự thất vọng, chán chường, nỗi ngao ngán trước tình cảnh nan giải, bất như ý, vô cùng đau khổ, không còn cứu vãn cách nào được nữa của chủ thể câu chuyện và những người trong cuộc. Câu này, 889, là một chiết tự chuyển chú: là mượn nét, mượn chữ có sẵn, đem thay hình đổi dạng ra chữ khác, tiếng khác nhưng vẫn có nghĩa gần gũi, như nhau. Nói cách khác, chuyển chú là dạng chữ khác nhau về âm đọc cả cách viết (hình dạng) nhưng có cùng một nghĩa, có thể dùng chữ này để giải thích chữ kia. Ví dụ, chữ lão 老 và khảo 考 đều có nghĩa là già nua, song có thể dùng lão 老 để giải thích khảo 考 và ngược lại. Như vậy, hiểu theo nghĩa chuyển chú, câu 889 "Thôi con còn nói chi con" dùng để viết ra chữ ngán 喭 (tiếng Nôm) với nghĩa đã giải thích ở trên. Song, đây chỉ là chữ mà bộ môn ngữ pháp tiếng Hán Nôm, cả của tiếng Việt, xác định vốn là dạng chữ vị ngữ, mang tính bổ túc, hỗ trợ cho chủ ngữ dẫn đường, đi trước. Mới nghe qua có vẻ khó hiểu, dễ đưa người đọc vào chỗ ngắc ngứ, lùng bùng, bặt đường suy diễn. Thôi thì nói thế này, câu 889 được Nguyễn Du sử dụng để viết ra chủ ngữ Nguyễn 阮 này đây. Nguyễn 阮 là họ. Nguyễn 阮 có âm đọc, mở ra âm đọc là ngán 阮/喭/𢞆 với nghĩa giải thích ở trên. Nói khác đi, ngược lại, muốn lấy ra chữ (họ) Nguyễn 阮, thì cần phải bắt qua chữ ngán 喭 (chuyển chú) nghĩa ngao ngán, thở dài, buồn bã cho sự tình của tâm tư chủ thể.
Câu nối sau câu 889 là câu 890 "Sống nhờ đất khách thác chôn quê người..." là chiết tự chỉ sự: là phép chỉ vào sự vật rồi viết ra chữ, nhìn vào đó mà xét, đoán ý chủ thể. Nói tóm gọn, chỉ sự là chữ dùng để chỉ khái niệm về sự vật. Như đã nói ở đoạn trên, do không phải là chữ tượng hình, không thể họa (vẽ) được, cũng không phải là chữ hội ý, nên không thể hiểu được, nên chỉ sự là dạng chữ cần phải nhìn mặt chữ để đoán ý, từ đó mới có thể hiểu ra được chủ thể muốn nói, nhắc, bóng gió gần xa gì trong ấy. Với những giải thích cụ thể vừa rồi, nói theo ngữ pháp, thì câu 890 "Sống nhờ đất khách thác chôn quê người..." dùng để viết ra chữ Thị 侍, chớ không gì khác. Việc này đi trước thì chuyện kia đi sau. Đường dây nhân quả theo lý duyên khởi nhà Phật. Bên trái chữ Thị 侍 là bộ nhân 亻. Nhân 亻là khách, hiểu theo câu. Bên phải, ở trên là bộ thổ 土. Thổ 土 là đất. Dưới bộ thổ 土 là chữ thốn 寸. Chữ thốn 寸 ghép từ bộ chủ 丶và chữ thập 十 viết biến thể. Nét ngang 一 dụ cho mặt đất (chữ thổ 土 ở trên), nét đứng〡tượng trưng cây cọc dựng trên dầu huyệt để làm dấu (phân biệt đầu và chân) sau khi chôn người chết. Bộ chủ 丶là dụ người chết chôn trong huyệt mộ đã lấp đất. Với hình thái viết của của chữ thị 侍 gồm các chữ ghép lại với nhau như đã giải thích, Nguyễn Du đã dựa vào đó để viết ra câu chiết tự chỉ sự 890 "Sống nhờ đất khách thác chôn quê người..." tuyệt hay, xưa nay chẳng mấy người mò tới hiểu ra. Mà làm sao hiểu, khi ai cũng xúm cho Kiều là của Tàu? Do Thanh Tâm Tài Nhân người bên ấy sáng tác? Oan không? Song, thật tình mà nói, với cách chơi chữ hết sức "đang giỡn" như thế thiết nghĩ ai cũng nghĩ, cũng viết ra được, chẳng riêng tay văn học có một không hai dưới gầm trời này.
Ví dụ, với chữ thị 侍 thế này, sao không thể viết ra câu thơ: người đi sương khói mù tăm, ta ngồi u uất mười năm chốn này...
Song, chớ có hồ đồ, vội vàng, quá tự tin như thế!
Sau câu 890 "Sống nhờ đất khách thác chôn quê người..." vốn là dạng chiết tự chỉ sự dùng viết ra chữ Thị 氏, chữ lót tên người đàn bà, chữ ở trước chỉ là dạng chữ đồng âm, giả tá, là đến câu 891 "Vương bà nghe bấy nhiêu lời...". Câu 891 này cũng là dạng chiết tự chỉ sự không khác, được dùng để viết ra chữ Ngọc 玉. Ngọc 玉 là chữ được ghép từ chữ vương 王 và bộ chủ 丶. Theo định nghĩa, bộ chủ 丶thường được sử dụng trong các trường hợp, đánh dấu để tạo ra sự khác biệt cho những chữ cùng nghĩa, như chữ vương 王 này đây chẳng hạn. Vương 王 nghĩa là vua, người cai trị thiên hạ thời quân chủ, phong kiến trước kia. Song, vương 王 cũng là tước vương, tước lớn nhất thời phong kiến, coi một vùng đất rộng lớn, trên tất cả các quan, chỉ dưới quyền của vua. Như tước vương của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, Đông Định vương Nguyễn Lữ chẳng hạn, thời ấy cả hai đều dưới quyền điều động, chỉ đạo của vua anh Thái Đức Nguyễn Nhạc ở thành Hoàng đế An Nhơn. Vương 王 còn để chỉ cho người có tài năng siêu quần bạt tụy, hơn người, như ca vương: vua ca hát; quyền vương: vua đấu quyền. Thêm nữa, vương 王 cũng còn để chỉ cho cách gọi đầy trọng vọng, tôn kính hết mực của con cháu đối với tổ tiên, như vương phụ: ông; vương mẫu: bà.
Chữ vương 王 có mấy nghĩa vừa nêu, gồm vua, tước vương, người tài giỏi hơn người, tiếng tôn xưng ông và bà của con cháu. Trở lại với câu chuyện chữ nghĩa trong văn bản, bây giờ, nếu lấy bộ chủ 丶thêm vào chữ vương 王, thì vương 主 sẽ thành chữ chủ 主 mang nhiều nghĩa, chủ 主 là vua, người đứng đầu triều đình, cai quản tất cả các vương dưới quyền, nó rất khác với chữ vương 王 không có bộ chủ kèm theo, khiến người ta dễ lầm, cho rằng vương 王 cũng là vua, trong khi đó chỉ là tước vương không hơn không kém với nghĩa đã giải thích. Chủ 主 ngoài nghĩa là vua, thì chủ 主 còn để chỉ cho người đứng đầu trong một tổ chức, đoàn thể hoặc của một tôn giáo, và gia đình nào đó. Như giáo chủ: người đứng đầu, sáng lập ra hệ phái, tôn giáo tu hành; chủ nhà: người lớn nhất trong một ngôi nhà, chủ tịch: người giữ chức lớn nhất của một đoàn thể, tổ chức. Đây là nói về trường hợp, thêm bộ chủ 丶vào trên đầu chữ vương 王. Nếu bộ chủ 丶cũng thêm vào chữ vương, mà không đặt trên đầu, chỉ đặt vào bên phải, trên nét ngang ở dưới, thì chữ vương 王 sẽ biến thành chữ ngọc 玉. Ngọc 玉 là viên ngọc, mà là loại đá quý, tốt nhất, do có bộ chủ 丶kèm theo. Ngọc 玉 còn để chỉ cho các bậc tôn quý, giàu sang trong xã hội, chốn triều đình, như ngọc thể: mình ngọc; ngọc chỉ: gót ngọc, đó đều là hạng người nếu không xuất phát từ thành phần giàu sang, cao quý trong xã hội, thì cũng là dòng tôn thất của vua chúa, như kim chi ngọc diệp: lá ngọc cành vàng, dòng họ vua chúa. Ngọc 玉 còn để chỉ cho hạng người có tính cách, phẩm hạnh cao quý, đặc biệt hơn người. Bộ chủ 丶khi được sử dụng, thêm vào những chữ có cùng nghĩa sẽ tạo ra chữ mang nhiều ý khác nhau như vừa giải thích. Đó vừa là để xác định, vừa để dánh dấu trong các trường hợp đặc biệt để nhận ra sự phân biệt, cụ thể, rõ ràng giữa chủ và khách, trong và ngoài hòng tránh khỏi sự nhầm lẫn, nhập nhằng, khó hiểu cho người đọc, khi xử lý các văn bản.
Nói cho dễ hiểu hơn nữa, chữ Ngọc 玉 đã được Nguyễn Du viết ra câu 891 "Vương bà nghe bấy nhiêu lời..." , nhìn vào sự vật để trình bày, nói, viết ra chữ, ra câu văn của dạng chữ chỉ sự. Rồi nhìn vào đó, ở đây là câu chữ, để đoán ra ý của tác giả và sự việc. Như thế, khi bộ chủ 丶, tức chủ thể của câu chuyện, được thêm vào chữ vương 王 thì vương 王 sẽ biến thành ngọc 玉, tức vương bà, là người thuộc diện lá ngọc càng vàng, cai quản chốn tam cung lục viện. Cũng như trường hợp hai chữ "vương ông", "vương ông mở tiệc tiễn hành đưa theo...", "vương ông" là vua (chỉ vua Lê Hiển Tông), chủ triều đình, là khi chữ "ông", tức chủ 丶, được thêm vào trên đầu chữ vương 王. Mấy chữ "mở tiệc tiễn hành đưa theo..." là để (vị ngữ) biểu hiện, nhấn mạnh những việc làm của chủ thể câu chuyện vào thời điểm ấy. Tóm lại, câu 891 vừa để xác nhận vai trò, vị trí người phụ nữ (bà) ấy (chốn triều đình), vừa để viết ra chữ ngọc 玉, là chữ đệm trong họ tên người phụ nữ như đã nói.
Tiếp theo câu 891 "Vương bà nghe bấy nhiêu lời..." là câu 892 "Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên...". Câu 892 này cũng vẫn là chiết tự chỉ sự, dùng viết ra chữ nga này đây 哦. Nga 哦 là ngâm nga. Chữ nga 哦, tiếng Hán, bên trái là chữ hu 吁, được ghép từ bộ khẩu 口 và bộ thủ 手 viết giảm nét. Hu 吁 là một thán từ, như chao ôi, làm sao bây giờ, là tiếng kêu biểu lộ sự thảng thốt, đau buồn pha lẫn nỗi kinh sợ, thất vọng trước tình thế bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng nào đó do ai gây ra, hay do hoàn cảnh đưa đẩy chủ thể vào thế bí, chỗ bịt bùng, trước sau không một lối thoát. Hu 吁 có âm đọc là dụ. Dụ 吁 là tiếng kêu, tiếng gọi hoặc là lời thỉnh cầu với ai đó để trình bày chuyện gì đó. Dụ 喻 thêm nghĩa là nói rõ, chỉ rõ những sự việc không tiện nói lớn, hoặc dụ 喻 là những từ, chữ mang tính ẩn dụ, bóng gió để nói lên sự việc gì đó có tính bí mật, dành riêng cho ai đó hiểu. Nó không dành cho nhiều người. Có thể hiểu dụ 喻 là cách nói ví, bóng gió, ám chỉ, vvv...
Tám chữ "Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên..." là nghĩa của chữ hu 吁 như đã giải thích, còn tại sao, vì đâu, hoặc do ai, tại ai để phải có, phải kêu, phải thốt lên tiếng nói (thán từ) mang tính thảng thốt, đau buồn, tuyệt vọng ấy, chính là để ám chỉ vào chữ còn lại bên phải, chữ dặc 弋. Dặc 弋 tiếng Nôm, là dài dặc, dằng dặc, chỉ thời gian cứ kéo dài mãi như không có giới hạn, điểm dừng: mười năm dằng dặc xa quê. Chữ dặc 弋 này bây giờ là lại chữ liên kết giữa chiết tự chuyển chú và chiết tự giả tá, bộ môn văn học ngày nay gọi là tu từ hoán dụ, ẩn dụ, nên dặc 弋 cũng đọc là giặc. Giặc 弋/賊 là quân giặc, quân gây ra sự đau khổ, nỗi thất vọng, niềm oan trái cho câu chuyện để những người trong cuộc phải thốt, phải kêu, biểu lộ lên tiếng kêu thảng thốt (hu 吁/thán từ) như thế. Câu 892 nên hiểu nhanh gọn, kiểu đốn ngộ của một thiền giả thiền tông, hệt như câu chuyện thiền học lúc lục tổ Huệ Năng nghe tụng câu "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" hoát nhiên tỉnh ngộ, liền biết mình vốn cũng có tâm Phật, như sau, hai chữ "tiếng oan" là chỉ vào việc làm gây ra đau khổ, oan trái của chữ giặc (quân giặc) 弋/賊. Chữ "Vạch" dùng chỉ cho bộ thủ 手: bàn tay, cánh tay. Hai chữ "kêu lên" chỉ vào bộ khẩu 口. Khi viết ra câu thơ như thế, qua phần giải thích từng chữ, là Nguyễn Du đã thực hiện đúng chức năng của nghĩa chiết tự chỉ sự (chỉ sự làm chủ ngữ): nhìn vào sự vật, ở đây là chữ viết, để nói lên ý nghĩa, viết ra câu thơ mang tính khái niệm, có khi rất trừu tượng, của sự việc có thật, từng xảy ra trong quá khứ với những con người liên hệ. Ví dụ, như câu 1036 "Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia..." mà khi đọc qua người đọc sẽ thấy nó rất trừu tượng, hay ho thế nào của phong cảnh nên thơ, hữu tình đã được tác giả khắc họa, tả lại sau khi trực diện quan sát vào một thời gian nào đó trong quá khứ, nay ngồi hồi tưởng, nhớ lại. Người đọc sẽ cho như thế khi đọc qua câu tả cảnh tả tình 1036. Còn trên thực tế, đây là câu văn mang tính khái niệm được Nguyễn Du sử dụng dạng chiết tự chỉ sự dùng để viết, chỉ ra chữ hoàng 黃 vốn là họ (họ cha) của người đẹp Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai được ghép từ bốn chữ thảo 艹 nhất 一 điền 田 bát 八. Cát vàng/田, cồn nọ/八, bụi hồng/艹, dặm kia/一.
Có giải ra được như vậy, đúng ý đồ, bóng gió, ám chỉ của tác giả, thì người giải đã làm tròn, làm xong trách nhiệm, bổn phận của người xử lý, đọc văn bản. Chớ không phải như giới văn học cho đọc văn hay thơ chỉ cần cảm thôi là đủ. Nói thế mà nghe được sao?
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia...
Có hiểu ra được như vậy về cách sử dụng ngôn ngữ, chữ viết đa dạng, lắm chiêu thế biến ảo lạ lùng khó hiểu, khó đoán, khó nắm bắt của thi hào đất nước thì từ đó mới có thể có điều kiện để bước vào lĩnh vực mang tính vừa thách đố vừa mời gọi của tác giả 3254 câu lục bát truyện Kiều: "Nhất thi tam bách phi thiên hậu, Thiên hạ hà/tài nhân chấp Tố Như/Tố như chấp hết người trong thiên hạ đọc và hiểu được 3254 câu lục bát để lại muôn đời sau đấy". Rất tiếc về sau hai câu thách thức thiên hạ của tác giả Kiều đã bị sửa thành "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như: Chẳng biết ba trăm năm lẻ nửa, Người đời ai khóc Tố Như chăng? (Trích Thơ chữ Hán Nguyễn Du, trang 149-150, bài Độc vĩ thanh ký: lời cuối một tác phẩm, bị sửa thành Độc Tiểu Thanh ký. Vũ Tam Tập dịch).
Giải thích ở trên cho chúng ta biết câu 892 "Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên..." là dạng chiết tự chỉ sự dùng viết ra chữ nga 哦. Song, đó chỉ là chữ giả tá, và cũng là chữ chuyển chú như đã nói. Chữ nga này mới là chữ ám chỉ, bóng gió của câu 892. Nga 娥 là tốt, đẹp, chỉ người con gái hay người phụ nữ có sắc đẹp hơn người, thường gọi là tố nga.
Như vậy, qua bốn câu 889, 890, 891, 892 với nhiều dạng chiết tự như đã giải thích, được Nguyễn Du dùng để viết ra họ tên người phụ nữ, văn bản Kiều gọi là "vương bà" vốn là hoàng hậu của vua Lê Hiển Tông. Nguyễn Thị Ngọc Nga. Nhưng, sự việc chưa dừng ở đó, khi hai câu 891, 892 lại là những mật mã vốn hết sức đặc biệt, hết sức khó hiểu để chỉ ra năm sinh của bà là năm nào!
Các bạn ngạc nhiên ư?
Thì đây, câu 892 "Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên..." dùng chỉ vào can thứ 9 trong thập can. Can nhâm. Còn câu 891 "Vương bà nghe bấy nhiêu lời..." dùng viết ra chữ tý. Nhập lại là Nhâm Tý. Song, để xác định vương bà Nguyễn Thị Ngọc Nga sinh năm Nhâm Tý nào thì cần phải tìm cho ra năm sinh của người chị hoặc em của bà. Bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền, như tài liệu lấy trên trang mạng mà chúng ta đã đọc ở đoạn trước. Để làm việc này, tìm lai lịch, năm sinh bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền, mẹ đẻ của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, phu nhân của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, cũng là hầu, là thiếp của vua Lê Hiển Tông, mẹ của nhân vật có tên Văn Quan, chúng ta cần đọc lại các câu 887, 889 "Thôi con còn nói chi con, Sống nhờ đất khách thác chôn quê người...". Câu 887 "Thôi con còn nói chi con..." như đã nói, đã giải vốn là câu dùng để ám chỉ, viết ra chữ Nguyễn, là họ của vương bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, đồng thời, đây cũng là câu chiết tự chuyển chú, xin nhắc lại chuyển chú là chiết tự mượn nét, mượn chữ có sẵn, đem thay hình đổi dạng ra chữ khác, tiếng khác nhưng vẫn có nghĩa gần gũi, như nhau. Nói cách khác, chuyển chú là dạng chữ khác nhau về âm đọc cả cách viết (hình dạng) nhưng có cùng một nghĩa, có thể dùng chữ này để giải thích chữ kia. Câu 887 này không phải tay văn học có một không hai trong lịch sử sử dụng dùng để chỉ mỗi nghĩa như đã giải thích, mà nó là dạng liên nghĩa, tức dùng chỉ vào hai mục đích khác nhau. Trước hết, sáu chữ "Thôi con còn nói chi con..." dùng để viết ra chữ ất một nét thế này 乙. Còn tại sao, căn cứ vào đâu để nói sáu chữ "Thôi con còn nói chi con..." được Nguyễn Du dùng để viết ra chữ ất, thì cần phải đọc giải thích sau đây, thì sự việc sẽ hiện bày ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay liền. Các bạn có đồng ý, chữ chi thế này 之 gồm 3 nét phải không? Đó chính là lý do cơ bản để Nguyễn Du sử dụng sáu chữ "thôi con còn nói chi con..." với mục đích chỉ vào cuộc trò chuyện của hai mẹ con Thúy Kiều và huyên bà, tức bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền. Lúc ấy, theo diễn biến, tình tiết câu chuyện được Nguyễn Du tả lại, bắt từ câu 873 đến câu 889, rồi 890, là giờ phút chuẩn bị lên đường, chia tay của Thúy Kiều và gia đình, cả vua Lê, thì huyên bà sau khi nghe xong mấy lời gan ruột, nức nở của con gái liền cất giọng ai oán, não nề qua sáu chữ đã nói là "Thôi con còn nói chi con...", câu 887 này nếu giải thích theo nghĩa đen thì chỉ là câu đơn thuần dùng bày tỏ sự đau buồn, tuyệt vọng của huyên bà, còn giải thích theo nghĩa bóng, ám chỉ thì đó là chiết tự chuyển chú dùng để viết ra chữ ất 乙. Nói rõ hơn nữa, ngôn ngữ, tiếng nói con người được thể hiện qua hai dạng văn bản, một là văn nói, hai là văn viết, khi sử dụng câu văn như thế, ý Nguyễn Du, cũng là ý của huyên bà, có ý trách, mắng Thúy Kiều chữ chi 之 viết đúng là phải 3 nét, sao con lại nói, tức viết chỉ có một nét khiến ra chữ ất 乙 như thế. Đâu được?
Thiệt là lối chơi chữ, sử dụng chữ nghĩa hết sức điệu nghệ, thần thánh, bất khả tư nghị, quỷ khốc thần sầu, có một không hai của thiên tài văn học đất nước vậy.
Chữ ất nói trên là can Ất 乙, can thứ hai trong thập can. Đồng thời, khi sử dụng, viết ra chữ ất 乙 mục đích chỉ vào năm sinh của huyên bà Chiêu nghi, Nguyễn Du cũng còn có ý mưu mẹo, như sau, khi đọc sách hay viết đến chỗ nào cần ngắt câu, nghĩ ngơi để lúc khác đọc tiếp, thì ngoặc dấu ất vào để đấy, lúc khác lấy ra đọc tiếp, nó tương tự như dấu phẩy chữ quốc ngữ abc. Do đó, khi viết xong sáu chữ "thôi con còn nói chi con..." thì phẩy vào chữ "con,", rồi xuống hàng như chúng ta thường hay thấy sử dụng trong thể loại thơ lục bát chữ abc, tức câu chỉ mới tạm dừng, còn câu nối theo sau nữa thì mới hết, mới tròn một ý.
Nói thêm về chiết tự chuyển chú. Chuyển chú ngoài những nghĩa đã giải thích cặn kẽ ở trên, thì chuyển chú còn thêm nghĩa hết sức đặc biệt, độc đáo nữa mà giới Hán Nôm học chuyên, không chuyên chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là kỹ thuật đảo ngữ, trước bỏ ra sau, sau bỏ ra trước. Như hai chữ "chi con..." đọc ngược lại là "con chi,...". Muốn biết đó là con chi trong 12 chi tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, thì cần phải đọc tiếp câu nối theo, bởi như đã nói ất 乙 vốn là chữ dùng để đánh dấu vào chỗ nào khi dừng đọc, đến lúc đọc tiếp thì lật ngay chỗ đánh dấu đó. Nó tương đương dấu phẩy nghĩa ngắt câu tạm dừng của chữ quốc ngữ abc. Chiết tự chuyển chú cũng còn có thêm nghĩa vô cùng dị kỳ, quái đản như sau, đó là kế Du long chuyển phượng trong tam thập lục kế Trung Hoa. Kế Du long chuyển phượng là biến cái này thành cái kia, bên trong tuy là rồng đó, nhưng ngoài làm cho nó trở thành phượng. Mưu kế này rất phổ biến, dân gian ta gọi nôm na là "treo đầu dê bán thịt chó" chớ chẳng gì cả.
Có câu chuyện về kế Du long chuyển phượng rất hay, như sau.
Chuyện xảy vào đời nhà Thanh. Ung Chính vốn là con thứ tư của vua Khang Hy. Lúc nhỏ Ung Chính chơi bời bất tận, rượu chè, cờ bạc ngày đêm, cho nên vua Khang Hy không bằng lòng. Ung Chính phải bỏ đi nơi khác, kết giao với ba mươi kiếm khách tài nghệ tuyệt kỹ.
Vua Khang Hy lúc ấy đã già, nhưng việc chỉ định người nối ngôi chưa thực hiện. Mãi đến lúc sắp mất vua mới cho thảo một tờ chiếu nói rằng:
Hoàng tử thứ mười bốn của trẫm, trẫm cho kế thừa nghiệp tổ.
Đó là Hoàng tử Tức Doãn, là một người hiền minh, lúc ấy đang phụng mệnh đi dẹp loạn ở Tây Bắc.
Ung Chính được tin này vội cùng ba mươi kiếm khách về kinh đô, lọt vào mật thất của vua cha ăn cắp chiếu chỉ, đổi chữ "thập" thành chữ "đệ", thành ra: "Hoàng tử thứ tư của trẫm, trẫm cho kế thừa nghiệp tổ".
Chữa chiếu chỉ xong rồi, để lại vào chỗ cũ. Ung Chính đi thẳng vào cung cấm thăm vua cha, không quên bố trí tay chân canh giữ mặt ngoài để quan quân hai bên trong tình trạng nội bất xuất ngoại bất nhập, không thông báo, qua lại tin tức được với nhau.
Lúc ấy bệnh tình Khang Hy đã nguy hiểm, nên mới tuyên triệu các đại thần vào cung, nhưng chẳng có một ai cả. Trước mặt vua lúc ấy chỉ có một mình Ung Chính. Vua biết đứa con phản nghịch này đã bao vây mình rồi, uất người lên, vua cầm cái tượng nhỏ bằng ngọc thạch mà đập. Vì dùng sức quá mạnh nên vua liền tắt thở. Ung Chính lập tức chiêu tập văn võ bá quan để đọc chiếu chỉ. Các quan không biết chân giả ra sao, vả lại cũng không ai đủ sức kháng cự Ung Chính, bèn lẳng lặng chấp nhận sự việc.
Chiết tự chuyển chú cũng tương đương với kế Du long chuyển phượng trong Tam thập lúc kế Trung Hoa có nội dung là như vậy.
Trở lại với câu chuyện văn thơ. Câu 890 "Sống nhờ đất khách thác chôn quê người..." nối theo câu 889 "thôi con còn nói chi con,..." nếu hiểu theo nghĩa giải thích vừa rồi, dùng để bổ túc ý cho câu tạm dừng, thì đó là chiết tự chỉ sự dùng viết ra chữ tỵ. Tỵ 咇 tiếng Hán là tiếng rên rĩ, buồn bã, bày tỏ tâm sự, nỗi niềm tuyệt vọng, u uất của chủ thể, tức của huyên bà Chiêu nghi khi đứng trước sự việc ngày ấy. Chữ tỵ 咇 đó chỉ là chữ vay mượn, dạng chữ đồng âm/giả tá, chữ này đây mới là chữ tác giả nhắm vào 巳. Chi Tỵ 巳 thứ 6 trong 12 chi tý sửu dần mẹo thìn tỵ. Nhập hai câu 889, 890 lại, chúng ta có năm Ất Tỵ. Để biết được đây là năm Ất Tỵ nào, cũng như năm Nhâm Tý nào, thuộc tuổi vương bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, chúng ta cần phải so sánh, đối chiếu năm sinh hai bà với tuổi của vua Lê Hiển Tông và Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc. Theo tài liệu lấy trang mạng đoạn xa trước, Việp Quận công sinh năm Quý Tỵ 1713, vua Lê Hiển Tông sinh năm Đinh Dậu 1717. Vậy, huyên bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền sinh năm Ất Tỵ 1725, huyên bà nhỏ hơn Việp quận công 12 tuổi, đúng một giáp. Chớ không thể đi xa hơn hay ngược về trước nhiều hơn được. Còn vương bà Nguyễn Thị Ngọc Nga sinh năm Nhâm Tý 1732, nhỏ hơn chị của mình 7 tuổi, nhỏ hơn vua Lê 15 tuổi.
Hai câu 891-892 ngoài nghĩa ám chỉ, bóng gió, viết ra hai chữ Ngọc Nga như đã nói, nghĩa còn lại dùng để ám chỉ hai chữ Nhâm Tý, là năm sinh của vương bà, tức Hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Nga, vợ vua Lê Hiển Tông. Chữ Nhâm 壬, ngôi thứ 9 hàng can, thì nhâm 壬 cũng còn có nghĩa đó là những lời nói chỉ vào các việc làm quỷ quyệt, xảo trá, bất chính của kẻ tiểu nhân, thấp hèn nào đó. "Vương bà nghe bấy nhiêu lời..." chính là câu biểu hiện thái độ, tư tưởng của vương bà khi đứng trước sự việc, tình thế do kẻ xấu gây ra cho mình và những người liên hệ ngày ấy. Nói khác đi, sáu chữ câu lục 891 ấy là nghĩa của chữ nhâm 壬 vậy. Tỵ 咇 là tiếng rên rĩ, buồn bã, hoặc là nỗi niềm ai oán, bi thiết của chủ thể đối trước sự việc. Câu 892 "Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên..." chính là ý nghĩa của chữ tỵ 咇 như đã giải thích. Tỵ 濞 mở ra âm đọc là tý. Tý 子 là ngôi thứ nhất hàng chi. Gộp lại, qua giải thích hai câu 891-892, chúng ta có hai chữ Nhâm Tý 壬子, là năm sinh (1732) của vương bà Nguyễn Thị Ngọc Nga.
Hai chị em bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Ngọc Nga. Ảnh minh họa.
Những gì vừa giải thích đó chính là những lý do thiết yếu để chúng tôi cảnh giác người đọc rằng "Song, chớ có hồ đồ, vội vàng, quá tự tin như thế!" ở trên nếu cho mình cũng có thể viết ra câu thơ mang tính chỉ sự, dựa vào chữ thị 侍. Nó vốn chỉ được mỗi nghĩa duy nhất.
Nhất thi tam bách phi thiên hậu,
Thiên hạ tài nhân chấp Tố Như...
Đọc hết bài viết, chúng ta đã biết, hai câu Kiều 15, 16 "Đầu lòng hai ả tố nga, Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân..." được Nguyễn Du sử dụng có hai ý, hai trường hợp, trước hết, đó là chỉ vào hai chị em bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền vốn là vợ của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, đồng thời cũng là người thiếp của vua Lê Hiển Tông trong cung cấm. Xin cắt ngang nói về năm sinh, tuổi tác của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, cả hai cùng sinh năm Nhâm Thìn 1772, như câu 36 Nguyễn Du đã cho biết "Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê...". "Cập kê: đến tuổi cài trâm, tức là nói đến tuổi gả chồng". Kê: cái trâm. Lễ ký "Nữ tử thập hữu ngũ niên chi kê: con gái mười lăm tuổi thì cài trâm". Chú giải của cố Giáo sư Nguyễn Thạch Giang, Truyện Kiều, trang 13, phần chú thích. Trong thời điểm này, khi chị em Thúy Kiều, Thúy Vân vừa tuổi cập kê 15 như Nguyễn Du cho biết, cũng là lúc Bắc Bình vương Nguyễn Huệ nghe theo lời viện dẫn lý sự viên dung của tướng tha hương cầu thực Nguyễn Hữu Chỉnh đã kéo quân đánh Bắc Hà lần thứ nhất vào năm Bính Ngọ 1786. Nguyễn Huệ sinh năm Bính Dần 1746, vào thời điểm đánh Bắc Hà thì ngài vừa 40 hoặc 41 tuổi. Chính câu 627 "Quá niên trạc ngoại tứ tuần..." đã xác nhận như thế. Không bàn cãi vào đâu được. Tính ra người đẹp Thúy Kiều nhỏ hơn Nguyễn Huệ 25 tuổi, sinh năm Nhâm Thìn 1772. Căn cứ vào những sự thật được Nguyễn Du cài nén, ẩn giấu trong từng câu, chữ mang tính mật mã nói về ngày tháng năm sinh, năm mất của các nhân vật lịch sử của câu chuyện, thì chị em Thúy Kiều, Thúy Vân sinh năm Nhâm Thìn 1772, trong khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc mất vào năm Bính Thân 1776, thời điểm này chị em Thúy Kiều mới vừa được 4 tuổi. Hai chị em đều chưa biết mặt cha mình là ai. Đến khi lớn lên mới nghe mẹ kể lại chuyện cha của mình ngày xưa là người như thế nào.
Theo ghi chép lịch sử đoạn trước, vào tháng 4 năm Giáp Ngọ 1774, thời điểm đó Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc đã 62 tuổi, ngài đệ đơn xin nghỉ hưu, được triều đình đồng ý, phong cho làm Quốc lão, được gia phong hai chữ Công thần. Nhưng bất chợt, khi Quận Việp chưa kịp về đến nhà, chúa Trịnh đã ra chiếu chỉ, đặc sai Quận Việp làm Bình Nam Thượng tướng quân, thống xuất tướng sĩ các cơ hiệu và thủy binh các đạo Thanh, Nghệ chuẩn bị Nam tiến. Và ngài đã ra đi sau hai năm chinh chiến tại các vùng chiến thuật xứ Đàng Trong. Như vậy, xét về các mốc lịch sử, theo ghi chép sách sử, tài liệu trang mạng, ở đây là dựa vào những điểm chỉ của Nguyễn Du trong Kiều, thì có thể xác định Việp Quận công đã quen hoặc đã sống chung trong một gia đình với bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền thời gian chưa bao lâu, vào năm Nhâm Thìn 1772 đã sinh được hai cô con gái, đặt tên là Hoàng Thị Thu Mai, Hoàng Thị Thuy Thủy, trong Kiều Nguyễn Du mã hóa thành Thúy Kiều, Thúy Vân. Còn trường hợp của Quận Huy Hoàng Đình Bảo là sinh vào năm Quý Hợi 1743 (mất năm Nhâm Tuất 1782), trước chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đến 29 năm, một thời gian lâu dài.
Như đã nói, câu Kiều 15 "Đầu lòng hai ả tố nga..." trước Nguyễn Du sử dụng chỉ vào bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, vốn là chị bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, vợ vua Lê Hiển Tông, trong Kiều Nguyễn Du đã xác định, gọi, nói rõ là vương bà, mục đích cho lịch sử ngày sau nắm rõ sự tình câu chuyện bên trong cung cấm triều đình. Nghĩa còn lại của câu 15 là chỉ vào hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Đây là câu thơ mang tính ước lệ, đầy chất trừu tượng, là những quy ước biểu trưng trong văn chương, cả trong nghệ thuật biểu diễn của sân khấu, nói như văn học ngày nay. Chữ "đầu 頭", "đầu lòng 頭𢚸", dùng ám chỉ vào trường hợp hai chị em bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Ngọc Nga. Chữ "lòng 𢚸" là nói chung về gan ruột, bụng dạ con người. "Lòng 𢚸/𢙱" cũng để chỉ cho vị trí chính giữa (sách Đại Tự Điển chữ Nôm, tập I, quyển tra theo abc, trang 1153, tác giả Trương Đình Tín, Lê Qúy Ngưu). Theo đó, "lòng 𢚸/𢙱" dùng để chỉ cho vị trí chính giữa, chữ tương đương với chữ tâm 心, chữ trung 中. Trung 中, 盅 cũng đọc, có âm là chung. Chung 終 là hết, kết thúc, là cuối. Như vậy, chung 終 nghĩa cuối, đối với đầu 頭, là chỉ trực tiếp vào hai nàng tố nga (hạ huyền), là chị em song sinh Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai và Thúy Vân Hoàng Thị Thu Thủy. Còn nghĩa trước, ý trước là bóng gió, ám chỉ vào hai chị em bà Chiêu nghi Ngọc Huyền, Ngọc Nga, mà bà Ngọc Huyền vốn là cái bóng (thượng huyền) của chữ Nga 俄 đứng ở giữa (trung huyền), bên trái chữ Nga 俄 là bộ nhân 亻, chỉ người, bên phải là chữ ngã 我, chỉ vào mình, ngã 我 có nhiều nghĩa, chỉ lấy hai nghĩa: ngã tỷ: chị của ta; ngã tôn: cháu của ta. Quả là lối chơi chữ tuyệt hay, không chê vào đâu được, tay nghề đúng là có một không hai dưới gầm trời của thi hào đất nước. Ô hô!
Ở trên có nói, dựa theo tài liệu trang mạng, người phụ nữ tên Trần Thị Ngọc Câu (Trinh Thuận Hoàng hậu) là hoàng hậu của vua Lê Hiển Tông. Bà là sinh mẫu của Hoàng tử Lê Duy Lực và An Định Thái tử Lê Duy Vĩ. Bà mất sớm, bị tước đoạt kim sách sau vụ con trai là Thái tử Duy Vĩ bị phế, được phục vị bởi cháu nội là vua Lê Chiêu Thống. Ngày ấy có thể do Hoàng hậu Ngọc Câu mất sớm, nên vua Lê Hiển Tông mới quyết định lập hoàng hậu mới để cai quản chốn Tam cung Lục viện. Và người được ngài chọn lên ngôi hoàng hậu tiếp theo chính là bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, em bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền. Để rồi từ đó bà Chiêu nghi Ngọc Huyền mới có điều kiện ra vào chốn cung cấm triều đình để phụ giúp cho chị của mình nhiều việc cần thiết trong đời sống hậu cung vốn đầy dẫy những chộn rộn, nảy sinh nhiều thách thức, tiêu cực, hơn thua, tranh chấp, ngày cũng như đêm chẳng bao giờ có được chút im ả, thanh bình như thiên hạ nhầm tưởng. Và cũng từ đó bà Chiêu nghi Ngọc Huyền hữu ý vô tình đã được vua Lê để ý, trộm nhớ thầm thương chăng? Có trời biết. Thế mà Thanh Tâm Tài Nhân Kim Trọng Nguyễn Du lại biết tỏng tòng tong cả đấy.
Vương bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, tức Hoàng hậu của vua Lê Hiển Tông. Ảnh minh họa.
Nói bổ túc về hai câu 14, 15 "Một trai hôn thứ rốt lòng, Văn Quan là giữa vốn dòng vương gia..." đã có nói ở đoạn nhập đề. "Một trai hôn thứ rốt lòng..." như đã nói là chỉ vào nhân vật Quận Huy Hoàng Đình Bảo, người con đầu lòng của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, sinh năm Quý Hợi 1743, cách chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đến những 29 năm. Còn "Văn Quan là giữa vốn dòng vương gia..." là chỉ Hoàng Ngũ Quan, người từng cùng Nguyễn Du ra làm việc cho triều Nguyễn từ những năm 1820, khi Nguyễn Ánh vừa lên ngôi, xưng đế hiệu là Gia Long, tác giả Hoài Nam khúc. "Giữa" ở đây không phải Hoàng Ngũ Quan, Kiều gọi Văn Quan, là người sinh ở giữa, sau Hoàng Đình Bảo, trước là chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, mà "giữa" là nghĩa của chữ trung 中, một trong ba chữ Lê Trung hưng 黎中興, chỉ vào thời kỳ nhà Hậu Lê cai trị đất nước từ năm Bình Định vương Lê Lợi xưng vương sau 10 năm kháng Minh, năm 1428, cho đến năm 1788 là chấm dứt, chế độ chuyển giao qua cho nhà Tây Sơn do Quang Trung nắm quyền. Còn hai câu 15, 16 "Đầu lòng hai ả tố nga, Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân..." thì nghĩa như đã giải thích, chớ không phải hai chị em song sinh Thúy Kiều, Thúy Vân là con đầu lòng, rồi tới Văn Quan, cũng là người cuối, gọi là "rốt lòng", nếu đọc hiểu theo câu, chữ đã bị tam sao thất bổn, chưa qua chỉnh sửa, giải thích của chúng tôi. Bài viết này hôm nay sự việc mới được giải thích tường minh, cặn kẽ.
Ngày ấy, khi truyện Kiều xuất hiện, thì khi đọc qua (đoạn) 8 câu nói trên, thế nào triều Nguyễn, từ vua đầu đến vua sau, họ cũng sẽ hiểu câu 11 "Có nhà viên ngoại lộc hoàn..." được Nguyễn Du ám chỉ vào Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, nhưng họ sẽ bế tắc, tìm không được đường vào, hòng có thể lột phăng đầu đuôi sự thật câu chuyện xa hơn nữa, do đó họ đành phải bó tay, bế tắc, đầu hàng bởi qua tìm hiểu, tra gạn từ nhiều nguồn, nhiều người, họ chỉ nhận được thông tin hầu hết đều tập trung vào điểm: Việp Quận công vốn là một hoạn quan, một thái giám, thì không thể có khả năng sinh con đẻ cháu gì được nữa. Cũng chưa nói, khi cho người lục tìm, tra xét về lai lịch, tiểu sử nhân vật mà Nguyễn Du viết trong hai câu 13, 14 "Một trai hôn thứ rốt lòng, Văn Quan là giữa vốn dòng vương gia...", thời điểm này truyện vẫn còn bản gốc, chưa bị chỉnh sửa, tam sao thất bổn, thì hoàn toàn họ không phát hiện được người nào trong trường hợp như thế cả. Mà nếu có, theo suy nghĩ của họ, các vua quan triều Nguyễn, thì hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân thực ra là ai? Trong khi lục hết gia phả dòng họ vua Lê, dòng họ Việp Quận công, cũng không thấy có người con gái nào là Thúy Kiều, Thúy Vân. Để từ đó mới có điều kiện xác nhận nhân vật "rốt lòng", tức con cuối, con út này là em của Thúy Kiều, Thúy Vân được. Cũng không loại trừ trường hợp, ngày đó vua quan triều Nguyễn sau khi đọc đến câu 13 "Một trai hôn thứ rốt lòng..." họ liền đặt nghi vấn, đó có phải là Quận Huy Hoàng Đình Bảo hay không? Song, theo dò xét, điều tra bẩm báo lại, họ được biết Hoàng Đình Bảo vốn là con nuôi Việp Quận công. Mà cho dù vua quan triều Nguyễn ngày ấy qua tìm hiểu, đã đi đến xác thực "một trai hôn thứ..." chính là Quận Huy Hoàng Đình Bảo, nhưng tại sao Nguyễn Du lại viết Hoàng Đình Bảo là người con "rốt lòng: sau cùng" là sao? Trong khi Hoàng Đình Bảo sinh năm Quý Hợi 1743 (mất năm Nhâm Tuất 1782) kia mà? Thì làm sao Hoàng Đình Bảo lại là em của Thúy Kiều, Thúy Vân, thời ấy mới đang lứa tuổi "cập kê 15" được? Quá vô lý. Còn sự thật về hai chữ "rốt lòng" chúng tôi đã giải thích ở trên. Đó là chữ chỉ vào năm sinh Quý Hợi của Quận Huy. Tiếp đến là câu 14 "Văn Quan là giữa vốn dòng vương gia..." thì lại càng làm cho họ điên đầu nhức óc hơn nữa trong công tác đi dò hỏi, tìm hiểu các nhân vật, những con người liên hệ trong câu chuyện của triều đại, thời gian trước. Tính ra đã gần 20 năm. Tính từ vua đầu triều Nguyễn Gia Long. Tới thời Tự Đức, người có điển tích với truyện Kiều sâu nặng nhất, từng ước ao nếu Nguyễn Du còn sống bắt đem ra biểu nằm xuống đánh vài chục hèo cho bõ ghét, thì đã non 50 năm. Nửa thế kỷ. Cuối cùng, sau khi xử lý, đọc qua đọc lại, tra tới gạn lui rất nhiều lần văn bản, kết hợp với đối chiếu, so sánh các mảng thông tin, tài liệu góp nhặt, sưu tầm được từ nhiều nguồn, vua quan triều Nguyễn cũng đành phải chấp nhận đi đến giải pháp, chốt, hạ câu chuyện lại như sau. Truyện Kiều vốn gốc của Tàu, do Thanh Tâm Tài Nhân người bên ấy sáng tác bằng văn xuôi, chữ Hán, thể chương hồi, Nguyễn Du đã dựa vào cốt chuyện này với gia đình vương viên ngoại và các chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Văn hay Vương Quan làm nòng cốt, rồi thêm thắt vào những nhân vật, con người có thật của nước Việt, như người con "rốt lòng" Hoàng Đình Bảo, tướng giặc Từ Hải tượng trưng cho vua Quang Trung, hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc, thêm một vài người nữa, cùng các địa danh này nọ, để diễn, hư cấu ra 3254 câu lục bát chữ Nôm đầy tính huyễn hoặc cốt để bàn tán, mua vui cho giới yêu thích văn chương thi phú những khi trà dư tửu hậu, chè chén say sưa. Hết. Đó chính là chỗ độc đáo, là khả năng viết truyện tuyệt hay, xây dựng văn bản bằng thể loại mà ngày nay văn học phương Tây gọi là "tảng băng trôi" có một không hai, đầu tiên trong lịch sử của Nguyễn Du khi viết ra những câu chiết tự hóc hiểm mang tính gài bẫy, tạo ra những nghi vấn, đưa người đọc, ở đây là các thế lực chính trị đứng phía bên kia, khi đọc qua sẽ lọt, rơi vào vùng hỗn độn, nhập nhằng, chồng chéo của những câu, chữ khó hiểu khó đoán, và của chính tư tưởng, óc não của họ, từ đó tất cả đành phải bế tắc, tìm chẳng có lối ra đường vào hòng có thể bắt bẽ, đánh sập, chụp trói tác giả Kiều mang ra trị tội được. Mà Nguyễn Du lúc đó cũng làm gì còn đâu? Thậm chí, nếu triều Nguyễn ngày ấy sau khi đọc qua bản Kiều gọi là bản kinh, tại Phú Xuân, liền cho mang đi thủ tiêu, triệt đường, như họ từng thực hiện những gì liên quan đến triều đại Tây Sơn, Nguyễn Huệ, thì ngoài Bắc cũng còn bản gọi là bản phường nữa do Tiến sĩ năm Kỷ Hợi 1779 Phạm Quý Thích được Nguyễn Du biếu tặng lưu giữ. Có thể ngoài bản của Phạm Quý Thích, Hà Nội cũng có thêm vài bản nữa do Nguyễn Du biếu tặng cho ai đó vốn là bạn văn thơ thâm giao, tình tri kỷ chăng? Cũng chưa nói, vợ Nguyễn Du là Thúy Vân Hoàng Thị Thu Thủy biết đâu cũng có giữ một vài bản, do trong lần bà từ Bắc Ninh vào Phú Xuân thăm cụ sau lần chia tay cụ ở Hà Tĩnh, được cụ nhờ mang về quê hương, đến biếu cho những người quen của cụ vài bản, còn thì cất giữ đó để làm tài liệu sau này. Lại cũng còn có bản của nhân vật Văn Quan, tức Hoàng Ngũ Quan, người đang cùng Nguyễn Du làm việc tại Phú Xuân, là em cùng mẹ khác cha với chị em Thúy Kiều, con của Lê Hiển Tông và bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Ngọc Huyền. Theo đó, truyện Kiều với nhiều bản gốc được nhiều người sở hữu, cất giữ với nhiều lý do như thế, cho nên từ đó nó đã được cho khắc in lại từ những người chủ ấy, trong đó có bản của triều Nguyễn, và cũng từ đó, truyện đã bị người ta chỉnh sửa, thay đổi khá nhiều do họ không hiểu được thâm ý cùng những cách chiết tự hiểm hóc mục đích để cài nén, ẩn giấu những bí mật lịch sử của tác giả. Đó chính là những lý do cơ bản, thiết yếu để ngày nay chúng ta thấy các bản Kiều hiện có mặt trên thị trường văn học, từ trong nước, ngoài nước không bản nào không bị chỉnh sửa, nát bét câu, chữ từ đầu đến cuối truyện. Khiến khi đọc qua chả ai hiểu chuyện gì cho ra chuyện gì. Truyện Kiều vì thế phần nhiều mất đi giá trị đích thực, vốn có chính là ở những chỗ, những đoạn bị cố ý chỉnh sửa hoặc do tam sao thất bổn đó vậy.
Vĩ thanh...
Viết thêm đoạn. Với những gì vừa được giải thích từ 8 câu Kiều đoạn nhập đề, từ câu 9 đến câu 16, thêm vài câu đoạn sau, chúng ta đã biết truyện Kiều được Nguyễn Du xây dựng, sáng tác trên nền tảng, thể loại trực khởi: nhập đề nói ngay vào nội dung, cốt lõi câu chuyện. Đọc qua những giải thích, cũng còn nhiều những giải thích trên các bài viết khác từ trước đây, rõ ràng truyện Kiều là bộ sử Tây Sơn, được Nguyễn Du viết cho câu chuyện tình sử chốn quan trường, nói đúng hơn là cho mối tình lỡ làng, bẽ bàng của mình với người trong mộng đầu đời Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai, sau về làm hầu thiếp (vợ thứ ba) cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ Quang Trung, chuyện khởi đầu tại Điện Kính Thiên, Bắc Hà, thời điểm vua Lê Hiển Tông còn tại vị, năm Bính Ngọ 1786, phần sau là tại Phú Xuân, triều đình Vô Tích, nói theo Kiều, do Quang Trung dựng lập, mà khi đánh chiếm Phú Xuân từ năm Tân Dậu 1801, Nguyễn Ánh đã cho san bằng, mất dấu tích, rồi dựa trên nền móng, căn cơ đó để phác thảo, dựng lên triều đình mới như chúng ta thấy ngày nay, nằm cách bờ sông Tiền Đường 前堂, tức sông Hương, tầm 2km. Giở lại sự lưu chuyển, cấu kết, hình thành, loan truyền, thẩm thấu của Kiều trong nền văn học, trong tư tưởng dân tộc từ khi truyện xuất hiện, thì truyện Kiều trước đây, thời hai miền Nam Bắc chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm điểm mốc quân sự hai vùng miền, từng được chính quyền, nhà nước Việt Nam Cộng Hòa công nhận là kiệt tác của văn học đất nước, do Nguyễn Du chuyển dịch, dựa theo câu chuyện hư cấu của Thanh Tâm Tài Nhân người gốc Tàu, từng được họ đưa vào giảng dạy trong bộ môn văn học nhà trường. Ngoài Bắc truyện Kiều cũng được chính quyền miền Bắc áp dụng, đưa vào giảng dạy trong các trường trung học phổ thông. Thậm chí, Kiều còn được người Miền Bắc ngợi ca, truyền tụng, đi sâu vào trong tầng lớp quần chúng, từ giới trí thức đến giới bình dân hơn người miền Nam rất nhiều. Ngày nay thì nền chính trị Đệ nhất, Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ, cáo chung sau chiến cuộc 75 lịch sử. Người miền Bắc hiện cai trị toàn cõi đất nước từ nửa thế kỷ nay. Với những phát hiện có thể nói từng gây một chấn động rất lớn trong giới văn sử học, cả chính quyền của chúng tôi về truyện Kiều, trong thời kỳ cách mạng này, khoảng 10 năm trở lại đây, tuy họ vẫn lặng im, hiện chưa có một động tịnh, có một người nào lên tiếng cho biết đúng sai, thực hư thế nào, rằng truyện Kiều là bộ sử Tây Sơn, do Thanh Tâm Tài Nhân Kim Trọng Nguyễn Du sáng tác cả hai phần văn xuôi và thơ lục bát, thì liệu chính quyền, nhà nước cách mạng có hướng giải quyết nào để làm sáng tỏ, tường minh câu chuyện hay không? Khi sự thật được chúng tôi giải thích đã quá rõ ràng, cụ thể, chi tiết đến mười mươi những gì thi hào đất nước từng ẩn giấu, cài nén trong từng câu, chữ, như giải thích trong bài viết này đây. Trước đây chúng tôi cũng có nói hiện hai văn bản truyện Kiều chữ Hán và chữ Nôm từng được Nguyễn Du chôn giấu trên kinh đô Huế trước khi ra đi, nhảy sông Tiền Đường 前堂 với cú nhảy "tái vị trường" như Tiến sĩ năm Kỷ Hợi 1779 Phạm Quý Thích cho biết trong hai câu mở đầu bài luật Đường Thi vân, là lời giới thiệu truyện Kiều. Song, nếu chính quyền, nhà nước cách mạng hôm nay vẫn cứ dựa vào truyền thuyết văn học, cũng như vẫn rập theo lập trường của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước kia, cho truyện Kiều gốc là của Thanh Tâm Tài Nhân người Tàu sáng tác. Thì chắc chắn những bài viết rất có giá trị của chúng tôi bao lâu nay không bao giờ tác động, xâm nhập được vào trong tư tưởng, trí óc của chính quyền các cấp cùng giới văn thơ sử chút nào cả. Sự việc xảy ra đó là do phần của họ, những người tiếp xúc, xử lý văn bản, còn sự thật có sao chúng tôi nói vậy, dựa theo câu chữ, ẩn ý, những cài nén, chôn giấu bí mật lịch sử của tác giả suốt từ đầu đến cuối truyện giải trạch ra mà thôi. Chớ không phải chúng tôi bịa, dựng chuyện, giải thích theo suy diễn, tưởng tượng của mình. Phần này hãy để những người chuyên môn, như các cán bộ làm việc ở Viện Hán Nôm Hà Nội, cùng những người giỏi, rành Hán Nôm đọc và xác định, thẩm thấu vậy.
Bài viết xin dừng ở đây. Cảm ơn các bạn đã vào đọc.