1- VỌNG THIÊN THAI TỰ
Trước mặt các bạn là tập đặc san Liễu Quán, số 1, ra tháng 1 năm 2014, Phật lịch 2557. Hữu ý vô tình chúng tôi được Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm ở Huế biếu tặng tập đặc san này vào lúc 14h30 ngày 8 tháng 03 năm 2014 ngay tại phòng khách chùa Từ Đàm khi từ Hội An ra Huế tìm đến chùa Thiền Tôn ở núi Thiên Thai để xác định lại lịch sử ngôi chùa này đối với bài thơ Vọng Thiên Thai Tự của thi hào Nguyễn Du.
Những đặc san, những tờ báo và những cây bút đăng bậy, nói bậy quá nhiều. Ai chịu trách nhiệm?
Bốn ảnh còn lại một là chùa Thiên Thai ở kiệt 15 Minh Mạng. Chùa do thầy Chánh Phụng trụ trì. Ngôi chùa ở dưới là Thiền Tôn, ở núi Thiên Thai, tục gọi Thiên Thai sơn Thiền Tôn tự. Chùa trước do Hòa thượng Thích Thiện Siêu trụ trì. Nay đã thay đổi do Hòa thượng Thiện Siêu đã viên tịch. Ảnh kế là địa chỉ khu vực, số nhà chùa Thiền Tôn. Sau cùng là tấm bia tại Tháp mộ Hoàng hậu với chín chữ Hán: "天台御錫玅華老之塔 Thiên Thai Ngự Tích Diệu Hoa Lão Chi Tháp".
Nguyên nhân chuyến đi Huế này của chúng tôi là do khi đọc tập sách Thơ Chữ Hán Nguyễn Du (ảnh thứ hai) do NXB Văn học ấn hành Quý I năm 2012. Trong tập sách này, trang 181-182 có bài thơ Vọng Thiên Thai Tự. Theo chú thích trong bài thơ Vọng Thiên Thai Tự của tập thơ này, trang 181 thì núi Thiên Thai nằm ở phía đông kinh thành Huế. Và đây chính là điều luôn luôn thôi thúc chúng tôi phải ra Huế với bất cứ giá nào, tìm đến địa danh núi Thiên Thai này để thử xem nơi đây có còn lại chút dấu tích gì xa xưa của những người muôn năm cũ hay không?
Thế là vào ngày 7 tháng 03 năm 2014 chúng tôi quyết định đi Huế sau khi đã tìm được chỗ an trú có thể nói rất ư là an ổn tại căn nhà vườn bỏ trống, số 41 Phạm Văn Đồng-Hội An của ông bà Phùng Nguyên, chủ lò bánh mỳ 304 ở 06 Hoàng Diệu, thành phố Hội An.
Tập đặc san Liễu Quán, số 1, trang 68 có bài viết Đại Hồng Chung, Đời Cảnh Hưng Tại Chùa Thiền Tôn của tác giả Thích Trí Năng cho rằng bài thơ Vọng Thiên Thai Tự là của Nguyễn Du đã làm nhân đi chơi, viếng cảnh chùa trong thời gian làm quan dưới triều vua Gia Long.
Đoạn ấy như sau, chúng tôi trích lại nguyên văn, trang 71:
"... Trong thời gian Nguyễn Du vào kinh đô Phú Xuân làm quan dưới triều Gia Long, với hàm Đông các Đại học sĩ, ông thường du sơn ngoạn thủy và từng có dịp đến chiêm bái chùa Thiền Tôn dưới chân núi Thiên Thai. Cảnh sắc thiên nhiên, không gian thoát tục và tiếng chuông linh diệu của chùa Thiền Tôn năm ấy đã làm tâm ông lắng đọng và ngộ ra nhiều điều của kiếp nhân sinh, được ông gửi gắm qua bài thơ "Vọng Thiên Thai Tự"...
Bài thơ ấy như sau:
望 天 台 寺
天 台 山 在 帝 城 東
嗝 一 條 江似 不 通
古 寺 秋 埋 黄 葉 裏
先 朝 僧 老 白 雲 中
可 憐 白 髮 供 驅 驛
不 與 青 山 相 始 終
記 得 年 前 曾 一 到
景 興 猶 掛 舊 時 鐘
VỌNG THIÊN THAI TỰ
Thiên Thai sơn tại đế thành đông,
Cách nhất điều giang tự bất thông.
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý,
Tiên triều tăng lão bạch vân trung.
Khả liên bạch phát cung khu dịch,
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo,
Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.
Dịch nghĩa:
NHÌN LÊN CHÙA THIÊN THAI
Núi Thiên Thai nằm phía đông kinh thành,
Cách một nhánh sông nhỏ, tưởng chừng chẳng có lối sang.
Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng,
Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng.
Thương thay tóc bạc mà còn phải làm lụng vất vả,
Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung.
Nhớ năm trước đã từng đến đấy,
Còn trông thấy chiếc chuông cổ đúc từ thời Cảnh Hưng.
Dịch thơ:
Thành đông chót vót núi Thiên Thai,
Cách một dòng sông lối rẽ hai.
Chùa cổ lá vàng nghiêng mái phủ,
Triều xưa sư lão trắng mây bay.
Gian nan đầu bạc hoài thương tiếc,
Chung thủy non xanh chẳng đoái hoài.
Năm trước đến đây còn nhớ lại,
Cảnh Hưng chuông cổ vẫn treo đài.
Chánh điện chùa Thiên Thai Nội ở kiệt 15 Minh Mạng thành phố Huế
Không biết ai là người dịch bài thơ này, có thể đó là tác giả bài viết Đại Hồng Chung, Đời Cảnh Hưng Tại Chùa Thiền Tôn Thích Trí Năng chăng? Riêng trong tập thơ Thơ Chữ Hán Nguyễn Du thì cách dịch của Phạm Khắc Khoan và Lê Thước lại khác. Chúng tôi cũng xin trích nguyên văn phần nguyên bản cùng cách dịch âm nghĩa và thơ của hai tác giả này để cho các bạn tham khảo, nghiên cứu kỹ hơn nữa bài thơ mà theo chúng tôi chứa đựng cả một trời bí mật lịch sử này.
望 天 台 寺
天 臺 山 在 帝 城 東
嗝 一 條 江似 不 通
古 寺 秋 埋 黄 葉 裏
先 朝 僧 老 白 雲 中
可 憐 白 髮 供 驅 驛
不 與 青 山 相 始 終
記 得 年 前 曾 一 到
景 興 猶 掛 舊 時 鐘
VỌNG THIÊN THAI TỰ
Thiên Thai sơn tại đế thành đông,
Cách nhất điều giang tự bất thông.
Cổ tự thu mai hoàng diệp lý,
Tiên triều tăng lão bạch vân trung.
Khả liên bạch phát cung khu dịch,
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo,
Cảnh Hưng do quải cựu thời chung.
Trong phần nguyên bản tiếng Hán của tập Thơ Chữ Hán Nguyễn Du có khác một chữ so với bản trong tập đặc san Liễu Quán. Đó là chữ thứ hai của câu thứ nhất, chữ "Đài 臺", tức Thiên đài sơn tại đế thành đông. Trong khi bên tập đặc san Liễu Quán chữ thứ hai câu thứ nhất này là chữ "Thai 台", Thiên thai sơn tại đế thành đông. Đúng ra trong tập Thơ Chữ Hán Nguyễn Du các dịch giả phải dịch là "Thiên Đài 天臺" thì mới đúng với chữ Hán nguyên bản. Nhưng các dịch giả lại dịch là "Thiên thai 天台". Như vậy, hai bản chỉ khác biệt duy nhất có chữ thứ hai này, còn lại đều như nhau. Sau đây là phần dịch nghĩa và thơ của Phạm Khắc Khoan và Lê Thước:
Dịch nghĩa:
TRÔNG CHÙA THIÊN THAI
Núi Thiên Thai ở phía đông kinh thành,
Cách một dòng sông tựa hồ không có lối qua.
Mùa thu, ngôi chùa cổ lấp dưới lá vàng,
Vị sư triều trước già trong mây trắng.
Thương mình đầu bạc còn phải lận đận,
Không được cùng núi xanh trọn nghĩa thủy chung,
Nhớ lại năm trước từng đến thăm đây,
Còn thấy treo quả chuông thời Cảnh Hưng.
Dịch thơ:
Thành vua, đông có núi Thiên Thai,
Cách dải sông như khó tới nơi.
Chùa cổ lá vàng thu phủ kín,
Triều xưa mây trắng sãi già rồi.
Thương cho đầu bạc còn vương lụy,
Cùng với non xanh trót phụ lời.
Chuông cũ Cảnh Hưng treo vẫn đó,
Nhớ hồi năm trước đã lên chơi.
(Phạm Khắc Khoan và Lê Thước)
Các bạn đã đọc xong bài thơ đường luật Vọng Thiên Thai Tự trộm nghe là của thi hào Nguyễn Du ở trong tập đặc san Liễu Quán và tập Thơ Chữ Hán Nguyễn Du qua cách dịch nghĩa và thơ của Phạm Khắc Khoan và Lê Thước. Phần còn lại không biết là của tác giả nào. Có thể đó chính là tác giả Thích Trí Năng. Chúng tôi sẽ không nói trong hai cách dịch này thì tác giả nào dịch thoát ý và hay hơn. Mà chúng tôi chỉ muốn nói một sự thật rằng. Bài thơ này đã không còn đúng với nguyên bản gốc! Lại bài thơ này cũng không phải của thi hào Nguyễn Du sáng tác! Khi sự thật đã như vậy thì dù có là Lý trích tiên hay Đỗ Phủ đội mồ sống dậy thì cũng không bao giờ có thể dịch bài thơ này cho nổi cách nào!
Chánh điện Thiên Thai Sơn Thiền Tôn Tự.
Tại đây, chúng tôi sẽ chỉ ra những cái sai trong bài thơ nghiệt ngã này. Các bạn có đồng ý. Nếu một người từng đã chuyên về loại thơ Đường luật hay bất cứ một loại thơ nào khác thì họ sẽ tìm mọi cách hạn chế, không bao giờ để cho bị điệp từ, điệp ngữ quá nhiều như bài thơ đã bị chỉnh sửa này. Đó là các từ, chữ bị lập đi, lập lại nhiều lần, như có đến hai chữ "Tự", hai chữ "Bạch", hai chữ "Sơn" và hai chữ "Chung". Đây là điều tối đại kỵ đối với một bài thơ Đường luật vậy.
Chúng tôi chỉ mới nói đến sự điệp ngữ của chữ nghĩa, chứ chưa nói đến những câu, những chữ hoàn toàn vô lý nhưng các tác giả vẫn tìm mọi cách dịch mà chúng tôi cho là dịch tráo trở, đánh lận con đen. Như chữ "điều 條" là một ví dụ. Chữ "điều 條" này có nghĩa vật gì hẹp mà dài thì gọi là điều. Hay "điều 條" có nghĩa là có thứ tự, mạch lạc, đâu ra đó, không bị lộn xộn. Lại "điều 條" cũng có nghĩa đời thái bình thì gọi là Phong Bất Minh Điều: bình yên như gió lặng chẳng rung cành.
Đó là ý nghĩa của chữ "điều 條". Nhưng các chữ cuối câu thừa đề này lại ghi là "tự bất thông". "Tự 似" là hình như, tựa như. "Bất thông 不通" là không thông suốt. Hình như bị bế tắc, không thông suốt. Vậy cái đó là cái gì mà lại bị bế tắc, không thông suốt? Nếu gọi cái bị bất thông, bị bế tắc đó là một con sông thì con sông đó là con sông nào? Sông Hương chăng? Nhưng "điều 條" có nghĩa là con sông nhỏ, hẹp và dài đang rất ư là hình như mạch lạc, thứ tự, trật tự thì tại sao lại bị bất thông, bị bế tắc như thế? Quá mâu thuẩn, quá nhập nhằng, mù mờ khó hiểu vô cùng cho những loại chữ nghĩa trời ơi đất hỡi thế này phải không các bạn?
Chúng tôi đã từng có nói, trong một câu thơ, câu văn chỉ cần đặt sai hoặc viết sai một chữ thôi thì ý nghĩa cả câu sẽ bị đảo lộn, thay đổi hoàn toàn, không còn đúng với nguyên bản hay của sự việc và tâm ý niệm của tác giả. Câu thừa đề này đã bị sửa, do đó các dịch giả dù có đè cổ dịch kiểu nào chăng nữa thì cũng không thể thoát được ý của tác giả và sự việc. Đây là câu chỉnh lại của chúng tôi, các bạn đọc xem sao:
...Cách nhất triều giang ngự bất thông...
"Cách nhất triều giang" là cách một triều đình và con sông Hương. Vì khi làm bài thơ này thì người sáng tác ở phía bên kia sông Hương, tức phía kinh thành Phú Xuân, là hướng mặt trời mọc. Hoặc có thể người này khi muốn qua chùa Thiên Thai -kiệt 15 Minh Mạng- thì phải đi qua sông Hương nên cảm thấy rất bất tiện. "Ngự bất thông" là ở chỗ rất khó qua lại. Riêng chữ "ngự" các bạn cũng đã hiểu rồi. Đó là chữ chỉ dành cho bậc vua chúa sử dụng hoặc những người có liên hệ mật thiết đến giới quyền lực như các bà hoàng hậu, thứ phi, là vợ của vua.
Địa chỉ Thiên Thai sơn Thiền Thôn Tự
Chỗ này xin các bạn liên hệ, nhớ lại các bài viết của chúng tôi ở đoạn trước khi mới vừa lập Fb. Đó là các bài viết và các hình ảnh lúc chúng tôi chụp tại Tháp mộ Bắc cung Hoàng hậu ở kiệt 51 Minh Mạng. Kiệt này cách kiệt 15, nơi có chùa Thiên Thai chỉ vào tầm 200m trở lại. Tấm bia tại Tháp mộ Hoàng hậu có chín chữ như sau:
"天台御錫玅華老之塔 Thiên Thai Ngự Tích Diệu Hoa Lão Chi Tháp"
Như vậy, sự việc đã quá rõ. Chùa Thiên Thai ở kiệt 15 Minh Mạng chính là chùa do Hoàng hậu Hoàng Thị Thu Mai lập ra và ở trụ trì hương khói đèn nhang, đồng thời để bảo vệ bí mật của Nhà Tây Sơn. Sau khi Bà ra đi thì triều Tây Sơn đáng lẽ phải chôn, táng Bà trong vườn chùa do Bà lập. Nhưng có thể do sự đố kỵ từ bà Chánh cung họ Bùi, người mà trong Kiều Nguyễn Du cà tửng, đặt chết một biệt danh là bà... Hoạn Thư nên linh cữu của Bà mới bị mang ra táng chôn tại nơi khỉ ho cò gáy, gần con đàng thiên lý và dòng suối với cây cầu ngày xưa gọi là cầu gì chả biết, ngày nay là cầu Lim. Trong Kiều, Nguyễn Du đã bật đèn xanh về vị trí Tháp mộ của Hoàng Hậu qua bốn câu lục bát 55-56-57-58 là:
...Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ giữa ghềnh bắc ngang.
Sè sè bát đất bên đàng,
Một vài ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh...
Hai câu 55-56 là chỉ cho chữ Thần 臣, tức Thìn, tháng Ba Canh Thìn. Lúc chị em Thúy Kiều đi thăm mã vào dịp tiết Thanh Minh là tháng Ba Canh Thìn. Các bạn xem chữ Thần 臣 có giống như cách mà Nguyễn Du tả, nói quá hay, quá thơ mộng hữu tình, đậm đặc chất thơ ca trữ tình của loại thơ lục bát tuyệt hay chỉ duy nhất có ở Việt Nam hay không?
Thế mà đám thơ trơ trẻn tục gọi là thơ mới lại dám mang lục bát ném vào sọt rác, rồi rinh ba cái thứ thơ độ chế, tân trang của Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý khi thì một hai chữ, lúc ba bốn chữ, bảy tám chữ lung tung, quá kỳ dị như thế về tôn lên thờ cúng kính cẩn, nghiêm trang hết mực ngoan đạo trên đầu cổ ấy mới là chuyện lạ chứ? (nhướng mắt...)
Có lẽ cũng cần phải đâm đơn kiện đám thơ độ chế, tân trang chả giống con giáp nào cả trong 12 con giáp này ra trước vành móng ngựa tại tòa án đại hình chăng? Chứ hễ mỗi khi thấy mặt mũi đám thơ lai căng, mất gốc này là thấy cả một trời chán ghét rồi còn nói gì đến đọc với nghiên cứu nữa. Khổ thật. Thơ với chả thẩn.
Riêng hai câu 57-58 là chỉ cho chữ Hoàng với bốn chữ (bộ) Thảo 丱 Nhất 一 Điền 田 Bát 八 ghép lại ra chữ Hoàng 黄. Hoàng 黄 là họ cha của Hoàng hậu. "Bát đất 八田" là nấm mộ của Hoàng hậu ngày xưa triều Tây Sơn làm có tám cạnh. Bởi Bà là người tu hành nên dù muốn hay không triều Tây Sơn cũng phải làm ngôi mộ của có Bà tám cạnh cho đúng với sự việc, nhất đúng với nguyên tắc đã có tự ngàn xưa trong chốn thiền môn.
Chín chữ mật mã Thiên Thai Ngự Tích Diệu Hoa Lão Chi Tháp tại Tháp mộ Hoàng Hậu Thu Mai ở kiệt 51 Minh Mạng
Như vậy, câu thừa đề "Cách nhất triều giang ngự bất thông" là chỉ cho nơi ở của Bắc cung Hoàng hậu tại chùa Thiên Thai ở kiệt 15 Minh Mạng ngày nay vốn rất khó đi lại đối với ngày xưa so với kinh đô Phú Xuân nhưng rất dễ đối với hôm nay do ngăn cách bởi dòng Hương Giang. Chứ nếu với câu đã bị chỉnh sửa là "Cách nhất điều giang tự bất thông" thì toàn bộ ý nghĩa và sự thật sẽ bị đảo lộn, thay đổi hoàn toàn, không còn gì. Và cho dù có dịch cách nào đi chăng nữa thì cũng không thể nào câu văn, ý nghĩa sẽ trôi chảy, mạch lạc do các từ ngữ chống đối, trái ngược với nhau bởi một mớ chữ nghĩa tầm bậy, tào lao thế này.
Nhưng trước đó, câu khai đề đã là một câu sai chứ không đợi đến câu thừa đề hoặc cả sáu câu còn lại. Chúng tôi đưa ra một chứng minh cụ thể nhưng cũng rất vô lý của câu thơ. Nếu chùa hay núi Thiên Thai nhỉ? mà nằm lọt trong Hoàng thành Phú Xuân thì câu văn viết "Thiên Thai sơn tại đế thành đông" là rất đúng đối với vị trí, nơi tọa lạc, tức nơi ở của nó. Đằng này, chùa hay núi Thiên Thai nhỉ? lại nằm cách kinh đô Phú Xuân đến gần 10km thì sao có thể gọi là "...tại đế thành đông?".
Bạn đã thấy cái vô lý không tưởng của câu văn này hay chưa?
Chưa nói đến cái rất vô lý, mù mờ nữa khi ba chữ đầu câu đã xác định như thật rằng "Thiên Thai sơn... ", tức là núi Thiên Thai chứ không phải là chùa Thiên Thai! "Thiên Thai sơn" mà lại gọi, lại dịch ra thành chùa Thiên Thai thì chúng tôi lịch sự cúi đầu xin phép. Độn thổ biến mất tăm dạng ngay liền chứ còn đứng xớ rớ, quanh quẩn làm con khỉ gió chi ở đây nữa cho luống trôi ngày tháng, lãng phí tuổi thanh xuân vàng ngọc thế này?
Câu khai đề theo chúng tôi phải viết như thế này thì mới đúng với văn bản gốc của thi hào Nguyễn Du, ủa, nói lộn, nói lại mấy hồi nhỉ? Của ai đó nhỉ "天 臺 山 內 對 城 東 Thiên đài sơn nội đối thành đông".
Đây là bài thơ thuộc diện mật mã, cho nên tất cả các câu, các chữ cũng đều phải hiểu theo đúng nghĩa mật mã của nó thì sự việc, vấn đề tàng ẩn mới được hiển bày cụ thể, rõ ràng ra trước con mắt đám phàm phu chuyên ăn tục nói phét. "Thiên đài" tức là chùa Thiên Thai, vì Thai 台 tiếng Hán có một âm đọc là đài. Lại Thai 台 tiếng Hán cũng được dùng như chữ Đài 臺. Bạn phải biết. Chùa Thiên Thai 天台 này nằm ở trên một đồi núi mà có thể ngày nay thấy không cao lắm vì bị nhà cửa bao quanh san sát. Chứ ngày xưa nơi đây khi xung quanh hãy còn trống vắng, thông thoáng, chưa bị khuất lấp vì nhà cửa, cây cối chen lấn, xô đẩy thì có thể đứng tại vị trí đồi núi Dương Xuân này, nơi có chùa Thiên Thai, bạn sẽ nhìn thấy kinh đô Phú Xuân thấp thoáng đèn mờ bên kia dòng Hương Giang đang lững lờ êm trôi trước mặt...
Từ chùa Thiên Thai 天台 này đến kinh đô một thời lừng lẫy của Nhà Tây Sơn bên kia dòng Hương Giang thơ mộng chỉ vào tầm 5-6km trở lại.
Chữ "Đài 臺" có nghĩa xây nhà, làm nhà ở nơi cao ráo, nếu ngắm xem được cả bốn bên chung quanh thì gọi là đài. Đài cũng là đền đài, nơi thờ cúng thần thánh. Vì vậy, hai chữ "Thiên Đài 天 臺" là chỉ cho nơi thờ cúng thần thánh tâm linh đặc biệt do Bắc cung Hoàng hậu Thu Mai cùng các cận thần, bề tôi trung thành đất Bắc Hà lập ra vậy.
Hai chữ "sơn nội 山內" là hai chữ rất ư đặc biệt mà chỉ duy nhất người trong cuộc như chúng tôi mới có thể hiểu thấu đầu đuôi ngọn ngành mà thôi. Còn tất cả chỉ đứng trơ mắt nhìn và chạy loanh quanh bên ngoài cùng làm những chuyện tào lao thiên địa chả có giống con giáp nào cả trong 12 con giáp tý ngọ mẹo dậu quá buồn cười mà cười sao cho nổi.
Tóm lại. Bài thơ Vọng Thiên Thai Tự không phải của Nguyễn Du sáng tác, mà nó là của một người khác, và người này có liên hệ mật thiết đến Hoàng hậu Thu Mai. Lại bài thơ này được làm mãi về sau, tức đã mấy mươi năm sau năm Kỷ Mùi 1799 lịch sử. Thời gian này Nguyễn Du đã không còn nữa. Chúng tôi dám khẳng định như vậy là do căn cứ vào những chứng tích lịch sử hiện còn tại hiện trường mà bài thơ này đã cho biết qua những câu mang tính mật mã, ám chỉ. Chứ bài thơ này tuyệt đối chả có liên quan gì đến chùa Thiền Tôn ở núi Thiên Thai cả. Đây có thể là sự ngộ nhận hữu ý vô tình của Phật giáo xứ Huế. Hoặc cũng có thể có ai đó ở chùa Thiền Tôn đã lấy bài thơ chỉnh sửa rồi dựng lên chuyện thi hào Nguyễn Du đã làm bài thơ này với mục đích lôi kéo khách thập phương về chùa cho ngày mỗi đông vui hơn.
Chúng tôi từng đến chùa Thiền Tôn ở núi Thiên Thai hai lần để xác định lại mối liên hệ chùa và bài thơ Vọng Thiên Thai Tự bởi đường dây dắt dẫn của niệm đột phá, mở tung tất cả mọi chướng ngại để chứng đạt cái gọi là chân lý, sự thật rằng đây của thi hào Nguyễn Du. Nhưng qua hai lần đến cùng với anh ách những chắp nối, liên tưởng sẵn sàng tuyệt đối chúng tôi không thấy ngôi chùa này có một sự liên hệ nào dù nhỏ như hạt bụi đối với những mật mã mà Nguyễn Du đã bật ám hiệu trong Truyện Kiều và của ai đó trong bài thơ Vọng Thiên Thai Tự cả.
Nghĩa là. Khi Nguyễn Du đã công bố sự thật lịch sử trong tập thơ tình sử bi ai của chính mình với người ngàn năm thương hoài một bóng hình ai rồi thì lẽ nào. Nguyễn Du lại không nói, dù là chỉ rất ít -sợ động- qua các bài thơ khác, ngoài tập Truyện Kiều dài hơi hay sao? Như Long Thành Cầm Giả là một ví dụ chẳng hạn.
Hoàn toàn vô lý và vô lý!
Có bao giờ những tâm ý niệm vu vơ này thoáng qua tư tưởng đám văn sử học mê man bất tỉnh nhân sự Bắc Nam hay không dù chỉ như sương như khói mong manh...
...Cuộc thương hải tang điền thấm thoát,
Cõi nhân gian thành quách đổi dời.
Tây Sơn cơ nghiệp đâu rồi,
Mà làng ca vũ một (mộ?NV) người còn trơ...
(Hoàng Tạo dịch thơ)
Tuy Phước, lúc 7h55 ngày 2 tháng 10 năm 2017
Bốn niệm xứ