SƯƠNG MÙ TRÊN SÔNG...
"... Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường*..."
*Hai câu Kiều này ý Nguyễn Du muốn cho chúng ta hiểu ra rằng. Hai chữ "hỏi ra" tức là phải giải trạch hai chữ Tiền Đường nghĩa của nó là như thế nào?
Tiền 前 tiếng Hán có nghĩa là trước. Đường 堂 nghĩa là miếu đường hay triều đường, tức triều đình. Như vậy, về địa lý thì dòng Hương giang chảy ngang qua trước triều đình Phú Xuân như ngày xưa hay ngày nay các bạn đã thấy và vẫn thấy...
Vậy sông Tiền Đường 前堂 là con sông Hương đang ngày đêm lững lờ êm trôi trước triều đình Phú Xuân. Chứ sông Tiền Đường không phải ở tuốt bên kia màn sương. Xin các bạn tỉnh thức giùm cho chút. Tội lắm. Thấy chi mà xa xôi dữ rứa hỉ?
Sông Tiền Đường là con sông này đây!
Hai chữ "hỏi ra" cũng còn có ý này nữa. Triều là con nước lên hay nước xuống. Mà con nước sông Hương đâu có phải như dòng thác hay con đập từ trên cao đỗ xuống phát ra tiếng kêu ầm ầm như Nguyễn Du đã nói đâu? Vậy chẳng lẽ Nguyễn Du viết sai?
Thật ra, hai chữ đùng đùng là chỉ cho sự tức giận của triều đình nhà Nguyễn mà Nguyễn Du đã từng chứng kiến biết bao lần trong thời gian làm việc, phục vụ. Mỗi khi cơn giận lên đến cao trào thì từ vua đến quan nhà Nguyễn miệng la hét, mắng nhiếc ầm ỉ, rồi liền sai quân lính lấy gông cùm ra tra tấn, đánh đập tội nhân không một chút thương tiếc. Nhất khi cùm, đánh, chém giết các quan binh và con cháu Tây Sơn không chừa một ai. Để nói bóng gió, ám chỉ cho sự việc tra tấn, hành hạ dã man này của triều Nguyễn thì Nguyễn Du phải sử dụng đến phép chơi chữ thuần thục, điêu luyện của mình.
Bạn có biết. Chữ Gia 枷 -tức cái cùm bằng gỗ- gồm bộ Mộc 木 4 nét bên trái, ở giữa là bộ Lực 力 -sức mạnh tra tấn- 2 nét, và bên phải là bộ Khẩu 口 -cái miệng phát ra tiếng la hét ầm ầm- 3 nét. Nhưng Nguyễn Du còn thâm hậu, chơi độc hơn nữa khi sử dụng đến hai chữ đùng đùng. Đó là ám chỉ hai chữ Gia Gia 枷枷, tức là hai ba cái miệng la hét ầm ầm của ông bà, con cháu giòng họ Nguyễn Gia Miêu! Và để tăng thêm hiệu lực, sức mạnh cho hai ba cái miệng ưa la hét, chửi rủa thì tất nhiên. Nhà Nguyễn phải dùng đến các loại gông cùm hết sức đặc biệt, hết sức kinh khủng thì các tội nhân mới kinh hoàng, hãi sợ, hồn vía thăng thiên ngay tức thì!
Vậy bạn đã biết cách chơi chữ tuyệt hay của thi hào Khiêm Trọng rồi chứ gì?
"... Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường..."
Tuy Phước, lúc 13h1 ngày 06 tháng 03 năm 2018
Bốn niệm xứ