Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

NÀO AI BIẾT ĐƯỢC NIỀM U ẨN

NÀO AI BIẾT ĐƯỢC NIỀM U ẨN...*
Di ảnh nhà nghiên cứu văn hóa dân gian kiêm sử học, Hán học, tôn giáo và cũng là nhà thơ Đường luật nổi tiếng đất Bồng Sơn-Hoài Nhơn-Bình Định Lộc Xuyên Đặng Quý Địch. Ảnh chụp lúc 7h37 ngày 08 tháng 01 năm 2018 tại tư gia cụ Lộc Xuyên, số 125 Quang Trung-Bồng Sơn.

 

Chúng tôi quen cụ Lộc Xuyên vào năm 2011 qua sự giới thiệu của nhà nghiên cứu tuồng kiêm Hán học Vũ Ngọc Liễn. Chúng tôi đến tư gia cụ Lộc Xuyên liền sau đó vài ngày. Và từ hôm đầu tiên gặp gỡ đó thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thường hay ghé lại thăm cụ để học hỏi vài câu chuyện về văn học, sử học. Cụ Lộc Xuyên dẫn chúng tôi lên lầu, nơi có ba tủ sách thuộc diện cũ xưa mà cụ vẫn còn lưu giữ cẩn thận. Cụ bảo sách này không cho mượn mang đi, ai có nhu cầu thì đến đọc tại chỗ rồi để lại trên kệ. Kể cả con cháu. Nguyên tắc của cụ là như vậy. Không thay đổi.

 

Nói xong cụ lấy quyển Hứng phấn nâng hương của nhà thơ Quách Tấn đưa chúng tôi bảo đọc đi. Quyển này Quách Tấn viết khá lắm.

Di ảnh cụ Lộc Xuyên Đặng Quý Địch

Trong những lần ngồi nói chuyện với cụ tại bàn khách tầng trệt, cụ Lộc Xuyên cho biết thời còn là học sinh trường Sư Phạm Quy Nhơn thì cụ là người giỏi văn, còn Trịnh Công Sơn là người giỏi về âm nhạc. Hai người là trung tâm chú ý của mọi người.

 

Sau đó, có lần đến chúng tôi ngỏ ý muốn ngụ lại nhà vài ngày để đọc sách cho thuận tiện. Cụ đưa chúng tôi lên tầng trên, dẫn ra phòng sau, nơi có một cái giường sắt 1m2x2m2 bỏ trống, bảo sư nghỉ đây cho tiện. Phòng này ít có người ở, thỉnh thoảng khách ở xa đến sẽ nghỉ đây. Muốn đọc sách thì lên phòng trước.

 

Những khi nghỉ lại nhà cụ Lộc Xuyên như vậy thì vấn đề cơm nước tất nhiên chúng tôi tự túc bằng cách buổi sáng đi khất thực trên các đường phố gần nhà, nhất khu vực chợ Bồng Sơn, nơi tập trung mua bán tất cả các loại hàng đặc sản của người Bồng Sơn. Nhưng không riêng chợ Bồng Sơn, ở Việt Nam chợ nào cũng vậy, nhất chợ miệt thôn quê thường có nhiều loại thức ăn ăn liền như bún tươi, bánh hỏi, bánh chưng, bánh in, bánh ít lá gai, khoai lang, khoai mỳ luộc, bánh mỳ, chè cùng các loại trái cây, rau, dưa... Đây là những dạng thức ăn thích hợp, tiện lợi nhất để cho những người sống đời du tăng khất sĩ như chúng tôi có điều kiện sử dụng, ăn uống ngay liền, khỏi qua nấu nướng mỗi khi đi đến bất cứ trú xứ nào ở trong nước.

 

Nhưng hiện nay ở Việt Nam các loại thức ăn ở trên từ thành thị, thôn quê đã và đang nhiễm độc nặng do sự thíếu hiểu biết, cũng có thể cố ý của nhiều người và của các cơ sở sản xuất. Do đó chúng tôi cũng không còn dám mang bát đi khất thực như trước nữa. Đây là do tại đâu?

 

Vợ con cụ Lộc Xuyên thì suốt ngày cặm cụi bán ở chợ Bồng Sơn...

Dừng viết do có em sinh viên sử học Nguyễn Đức Thọ trước học ở Đại học Quy Nhơn, nay là giáo viên dạy sử ở khu vực Hoài Nhơn ghé thăm lúc 9h hơn. Nói chuyện với Thọ xong là ăn cơm trưa. Có người chị vợ của cụ Lộc Xuyên ở gần bên mua cơm quán chay mang đến. Còn bà vợ của cụ Lộc Xuyên đã đi Sài Gòn từ lúc sáng sớm. Cô con gái thì ra dọn hàng, bán ngoài chợ. Ăn cơm xong chúng tôi nhờ Thọ chở lên đường quốc lộ cách đó 3km đón xe đi Quảng Nam.

 

Đến một trú xứ ở xã Điện Hồng, Quảng Nam lúc 17h hơn. Bắt đầu viết lại bài dang dở tại nhà cụ Lộc Xuyên lúc sáng vào lúc 18h5 của ngày 08 tháng 01 năm 2018.

 

Như đã nói. Vợ con cụ Lộc Xuyên thì suốt ngày cặm cụi, mua bán ở chợ. Sáng trưa chiều hai mẹ con đều ăn uống, ngủ nghỉ tại sạp vải ngoài chợ. Tối mịt, 20h hơn hai mẹ con mới lục tục về nhà. Phần cơm nước của cụ Lộc Xuyên thì ở nhà cụ tự giải quyết. Có khi cụ tự nấu hay gọi quán cơm gần đó mang đến. Những lần chúng tôi ghé nhà thì thấy tới giờ cụ tự xuống bếp nấu nướng. Ăn uống, ngủ nghỉ xong là ngồi vào bàn viết làm việc miệt mài.

  

Những tập sách của thi sĩ Quách Tấn. Ảnh chụp tại nhà cụ Lộc Xuyên

Cách nay hơn tháng rưỡi, khi chúng tôi ghé Sở Văn hóa Bình Định ở đường Lê Hồng Phong-Quy Nhơn thì có nghe ông Nguyễn Thanh Quang, trước là cán bộ làm ở Nhà Bảo tàng đường Nguyễn Huệ cho biết cụ Lộc Xuyên đã đi rồi. Như vậy, trước là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, nay là cụ Lộc Xuyên, thì đất Bình Định hiện nay đã không còn người nào giỏi về Hán Nôm. Ông Nguyễn Thanh Quang đôi mắt đượm buồn, giọng chùng xuống cho biết như vậy. Nhưng hiện nay ở Quy Nhơn cũng vẫn còn một người giỏi Hán Nôm, nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, gần nhà Kim Ngọc cũ. Người này hiện đang dạy Hán Nôm ở Đại học Quy Nhơn. Ông Nguyễn Thanh Quang cho biết thêm.

 

Một trong những lần ghé thăm cụ Lộc Xuyên, chúng tôi cũng nói cho cụ biết tin rằng chúng tôi đã tìm ra được Lăng mộ vua Quang hiện vẫn còn trên đất Huế, chưa bị vua Gia Long và quan binh tàn phá. Nghe thế, đôi mắt cụ sáng lên. Cụ nói, nếu được, có điều kiện khi ra Huế sư dẫn tôi đến nơi có Lăng mộ vua Quang Trung được không? Nhưng xét thấy cụ đi đứng khó khăn, nhất nhĩ căn không còn nghe bình thường nên chúng tôi không thể thực hiện ước mong của cụ. Ngay cả chuyện ngồi trình bày cụ thể, chi tiết sự việc tại bàn nhà cụ cũng không thể thực hiện bởi giữa hai người có khoảng cách quá lớn do nhĩ căn của cụ đã hư hoại.

 

Thế nên từ giữa năm 2015 mãi cho đến khi nghe tin ông Nguyễn Thanh Quang thông báo chúng tôi chưa ghé thăm cụ lần nào bởi các lý do như đã nói. Chỉ đến khi chuyến xe đi Hội An lúc 12h -ngày 07 tháng 01 năm 2017- bị trở ngại. Chúng tôi xuống xe gần cầu Ông Đô, ngoài cầu Diêu Trì để đón xe khác. Mãi đến 14h hơn mới đón được xe con 7 chỗ nhưng chỉ đến Bình Dương-Phù Mỹ. Tại Bình Dương từ 15h hơn đón đến 17h cũng chẳng có xe nào dừng. Sau có chiếc Ford Transit chạy Tam Quan dừng lại. Chúng tôi lên xe và xuống Bồng Sơn, vào nhà cụ Lộc Xuyên nghỉ lại qua đêm rồi sáng hôm sau đi tiếp.

Ảnh chụp tại nhà cụ Lộc Xuyên

Nhưng để nghỉ lại nhà cụ Lộc Xuyên cho thoải mái, thong thả cũng không phải là chuyện dễ. Bởi nhà cụ ở sát đường lộ, cửa nẻo không có kính chắn bụi nên bụi bay tấp vào phủ dày đặc trên bàn ghế, giường chiếu, nền nhà và sách vở, tài liệu. Do đó, cứ mỗi lần ghé nhà cụ chúng tôi phải ra công quét dọn, lau sàn nhà, bàn ghế -tầng trên- cho thật sạch bụi thì mới có thể có chỗ để ngồi đọc sách hay ăn uống và ngủ nghỉ.

 

Khi xe khách Tam Quan bỏ trước nhà 125 Quang Trung lúc đã hơn 18h, chúng tôi liền quá giang xe honda ra chợ, đến sạp vải gặp vợ cụ Lộc Xuyên thông báo sự việc nghỉ lại đêm nay. Hai mẹ con nghe xong liền dọn hàng, đóng cửa sạp về nhà. Về đến nhà hai mẹ con và cô bé phụ bán hàng liền xắn tay nhào vô quét dọn, lau chùi giường chiếu, sàn nhà.

 

Bà vợ cụ Lộc Xuyên sau đó cho biết. Có thể những số sách vở này phải cho bớt đi, chứ ông đi rồi thì ở nhà đâu có ai quản lý? Lại ở nhà cũng đâu có ai nối nghiệp viết lách và nghiên cứu văn hóa, sử học như ông thì để đó làm gì? Nhưng phải qua 24 tháng cái đã rồi hãy tính. Có thể đưa một số vào chùa. Vì trước khi ra đi mấy tháng ông cũng đã chuyển bớt một số vào chùa. Hình như ông biết trước mình không còn sống được bao lâu...

 

Ở đời, đôi khi chữ nghĩa và văn hóa, trí thức không thể mang ra so sánh với bạc vàng, danh lợi, nhà lầu xe hơi. Nhất trong thời buổi hôm nay:

 

"Này nhà lớn, lầu vàng son, này lợi danh, chức quyền cao sang. 
Có nghĩa gì đâu, sao chắc bền lâu như nước trôi qua cầu..."
(TRỞ VỀ CÁT BỤI)

 

Sáng sớm, lúc 5h hơn bà Lộc Xuyên vào Phù Cát để bay vào Sài Gòn gặp con trai có chuyện cần. Cô con gái cũng ra chợ sau khi chở con gái gởi trường mẫu giáo. Bà chị vợ cụ Lộc Xuyên và con gái lớn sau đó qua nhà, mang theo cơm và thức ăn mua ở quán chay như đã nói để chúng tôi ăn trưa rồi lên đường.

 

Đây là sự việc ghi lại tại nhà cụ Lộc Xuyên. Vậy ai là người ham thích kinh sách, tài liệu văn thơ, chữ nghĩa, sử học thì ráng chờ 24 tháng sau đến nhà gặp những người có trách nhiệm nói chuyện cụ thể nhé!

 

Những tập sách văn học chụp tại nhà cụ Lộc Xuyên, tầng trên lúc 7h53/08/01/2018.

 

*Tựa đề mượn một câu trong bài thơ Trắc ẩn của nhà thơ Quang Dũng.

Quảng Nam, lúc 19h48 ngày 08 tháng 01 năm 2018
Bốn niệm xứ

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang