Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

TIẾC THAY CHÚT NGHĨA CŨ CÀNG...

TIẾC THAY CHÚT  NGHĨA CŨ CÀNG...
Bộ môn văn học Việt Nam chắc có nhẽ sẽ không bao giờ biết được rằng thơ Lục Bát chính là đường đi của nhân quả, nói cho đầy đủ, cụ thể như hệ thống giáo lý nhà Phật từng định nghĩa là nhân quả nghiệp báo. Bài viết này hôm nay chúng tôi muốn trình bày với mọi người về cái gọi là hệ thống nhân quả nghiệp báo trong nền tảng giáo lý cơ bản, vững chắc của Phật giáo.

 

Để làm sáng tỏ vụ việc, câu chuyện này, chúng tôi xin mượn câu Kiều 2241 làm điểm khởi phát, y cứ vững chắc cho chứng minh này về hệ thống giáo lý Phật giáo qua sự liên hệ của thể thơ Lục Bát tuyệt hay chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Câu Kiều 2241 viết như sau:

 

"Tiếc thay chút nghĩa cũ càng..."

 

thưa các bạn chính là câu dùng để chỉ cho chữ Nhân của hệ thống nhân quả tạp phức, rắc rối và vô cùng khó hiểu trong Phật giáo. Nhưng để hiểu như thật rằng tại sao câu Kiều 2241 này được Nguyễn Du, nói đúng hơn là của thể loại thơ Lục Bát dùng để xác định câu này chính là để chỉ cho chữ Nhân , một trong bốn chữ của hệ thống nhân quả. Thì trước hết các bạn cần phải cùng chúng tôi lội ngược dòng lịch sử rất xa, trở về đúng ngay thời điểm lúc thi hào Khiêm Trọng Nguyễn Du và người đẹp Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai gặp nhau rồi trao cho nhau lời ước hẹn ban sơ trong vườn thúy vào một đêm trăng thơ mộng, huyền ảo của hôm nào...

 

Đoạn ấy chúng tôi trích trong tập văn xuôi Kim Vân Kiều Truyện, gốc chữ Hán, do hai dịch giả Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân dịch qua Việt ngữ, in ronéo năm 1962, sau NXB Hải Phòng in lại vào năm 1994. Bản hiện tại các bạn đang đọc do NXB Đại Học Sư Phạm Hà Nội phát hành tháng 04 năm 2008. Đoạn văn ấy như sau:

 

HỒI THỨ BA
HAI BÊN Ý HỢP TÂM ĐẦU, CẦU LAM NỐI MỞ
MỘT TỐI CHÉN THỀ QUẠT ƯỚC, NGỌC TRẮNG GIÁ TRONG
Xưa nay trai gái yêu nhau, chẳng qua đôi bên tham tài hám sắc, rồi mơ tưởng đến chuyện dâm ô mà thôi, chớ gọi là câu chuyện thực sự vì tài tình, thì thật ít thấy. Dù có ái mộ tài tình chăng nữa, cũng chẳng qua mượn tiếng tài tình, đề cao thanh giá, rồi chung quy vẫn không tránh khỏi thói quen dâm ô. Thành ra tài tình mà sở dĩ xứng đáng tên gọi tài tình, cũng thật ít thấy, khiến cho mối tài tình của những bậc chân chính tài tử giai nhân phải nghìn thu mai một, mà không rõ được trạng thái như thế nào.

 

Duy sách này, trước hết miêu tả qua chuyện cầu (cẩu?NV) hợp để giữ gìn danh giáo, rồi sau qua qua lại lại, nghìn lời muôn tiếng, bày tỏ mối tình thâm quyến luyến. Chết chết sống sống, một ngày tựa ba thu, căn dặn lời mật ước khi biến khi thường trong trọn đời. Ba sao thề thốt, chân chính nhường bao; một khúc hồ cầm, phong lưu biết mấy. Đến như: Mắt liếc lờ đờ, không giấu vẻ yêu kiều lộng lẫy, ngắm nhìn lẳng lặng, khó che lòng trộm ngọc thèm hương. Đã một lần bị cự tuyệt lại lăn vào lòng, chót mê man lại lo giải thoát, quanh co chập chờn, thầm thầm khẽ khẽ, khiến cho người ta tưởng tượng ân tình mỹ mãn của bậc tài tử giai nhân là như thế. Cho nên ở đây không cần nói thẳng ra, để khúc đàn đến đoạn cuối càng hay hơn...

 

Thế mới biết trai gái dâm ô, chỉ như loại cầm thú, bị trụy lạc mà thành cầm thú, thực không có liên quan gì đến những bậc giai nhân tài tử.

 

Độc giả biết cho cái ý ấy, tôi nhân danh là tác giả xin vái một vái...

 

Lại nói, Thúy Kiều đề xong bài thơ tình, định gởi cho Kim Trọng, song gấp rút chưa tiện dịp, nghĩ đi nghĩ lại, nấn ná mấy ngày nữa. Một hôm Viên ngoại định đưa vợ con đi mừng tiệc thọ ở nhà bên ngoại. Thúy Kiều liền cáo bệnh xin ở nhà. Chờ cho cha mẹ và hai em đi rồi, vội vàng sửa soạn mấy món ăn và một đồ rượu ngon, đi vào vườn sau, định tìm gặp Kim Trọng để cảm tạ về chuyện trả thoa bữa trước. Vùa đến đầu tường trông sang, thấy Kim Trọng đã thẩn thơ ngồi đó.

Kim Trọng thoạt thấy Thúy Kiều, liền dẫm chân nói:
-Con người sao mà nhẫn tâm thế! Không đoái tưởng gì đến nhau cả, khiến tiểu sinh trông chết đi được!
Thúy Kiều nói:
-Thiếp há không biết tình chàng tha thiết sao, nhưng cha mẹ và các em luôn ở bên cạnh, làm sao mà rời ra được?
Kim Trọng nói:
-Nàng đã thấu nỗi khổ, tôi dù thác cũng cam tâm. Thế sao bữa nay lại cả gan đến đây?
Thúy Kiều nói:
-May rằng bữa nay cả nhà đều đi dự tiệc thọ, thiếp cáo bệnh không đi, mới có thể lại gặp nhau để tạ ơn bữa trước...
Kim Trọng cảm tạ và nói:
-Cảm ơn nàng chịu khó.

Rồi tựa thang lên hẳn tường. Hai người giáp mặt, tưởng như gặp tiên, vui không thể tả. Thúy Kiều lấy bài thơ trước ra, trao cho Kim Trọng, và nói:
-Tình hiện ra lời, chàng cứ coi đây, đủ thấy tình thiếp trong ấy.
Kim Trọng xem xong, vừa kinh ngạc, vừa vui mừng, tấm tắc khen:
-Nàng tài tình như vậy, khiến lòng này xiết bao hân hoan! Thơ này có thể nói rằng, lặng lẽ hoa rơi, phẩm người như cúc, thật đã nên tài tuyệt đỉnh, khiến cho tiểu sinh đành ngậm miệng, không thể thêm bớt một lời.
Thúy Kiều mỉm cười, nói:
-Thơ vị tất đã đã hay lắm, chỉn e vì chàng quá yêu, nên mới yêu cả đến thơ mà thôi. Nhưng thôi, chuyện thơ hãy tạm gác, thiếp còn một việc muốn bàn!
Kim Trọng vội hỏi:
-Việc gì?
Thúy Kiều nói:
-Thiếp dự bị một hồ rượu, muốn cùng chàng đàm luận suốt ngày, hiềm nỗi tường cao ngăn cách, biết tính sao đây?
Kim Trọng mừng quá nói:
-Nàng đã có ý tốt như thế, sao không vượt qua tường để gặp nhau?
Thúy Kiều nói:
-Không nên! Cách nhau chỉ một bức tường, mạo hiểm trèo leo, vạn nhất sẩy ngã, thì làm thế nào? Thiếp nghe nói vườn này trước kia vốn của một nhà, sau chia đôi, lấy giả sơn làm chỗ ngăn cách. Như vậy thì ở chỗ hẻo lánh, thưa thớt, thế nào cũng có lối thông với nhau. Thiếp với chàng, ta vào hang núi tìm kỹ một lượt, hoặc có chỗ nào có thể chui qua được, ắt hơn là mạo hiểm trèo leo rất nhiều.
Kim Trọng nói:
-Phải đấy! Chúng ta xuống tìm xem.
Tìm đến một chỗ, chợt thấy một lỗ nhỏ, hơi có ánh sáng lọt qua, chỉ có mấy hòn đá vụn chồng lên, ngăn cách phía dưới. Hai người mừng quá và nói:
-Cầu Lam có lối rồi!
Kim Trọng vội lấy thiết như ý, nhằm nơi có lỗ sáng ngoặc luôn mấy cái, làm cho vôi vữa rơi vãi tả tơi, ngay cả đất đá cũng tụt xuống, lộ ra một lỗ hổng to, có thể cúi mình chui qua được. Kim Trọng lập tức chui qua, rồi bước ngay lại ôm chầm lấy Thúy Kiều. Thúy Kiều vội chống chế và nói:
-Sáu lễ chưa thành, sao lại giở lối càn rỡ như thế?
Kim Trọng nói:
-Đội ơn nàng đã hứa làm vợ chồng. Việc này vợ chồng không sao tránh khỏi, có gì càn rỡ. Nay nàng cự tôi, phải chăng là đã đổi lòng?
Thúy Kiều nói:
-Không phải là đổi lòng! Thiếp xin có lời thưa: "Thiếp nghĩ trai gái yêu nhau là nguyền ước gia thất, vị tất đã hại đến danh giáo. Chỉ giận ban đầu vì quá nặng vì tình, lỡ làng chìu theo ý chồng, kịp đến thành lễ kết hôn, đã không còn là người xử nữ*, ngỡ là tình sâu vô hạn, mà hóa ra là việc xấu to. Chẳng qua, tại người con gái không biết tự yêu mình, mở đường cho người con trai si mê khinh bạc, dù ăn năn thì sự việc đã rồi. Xưa kia, như Thôi, Trương thật là tốt đôi vừa lứa.

 

Giả sử ban đầu Oanh Oanh quả quyết gieo thoi*, thì sau này tất tránh khỏi cái đau thương bị Trương Sinh ruồng bỏ. Trước có chính thì sau mới chính được, tiếc cho Oanh Oanh đã coi nhẹ thân mình để chìu ý Trương Sinh. Trương Sinh ngoài tuy âu yếm, nhưng trong lòng thực đã khinh rẻ. Người ta thấy Trương Sinh bỏ Oanh Oanh trong buổi trẩy kinh mà không biết rằng đã bắt đầu từ lúc ôm chăn. Tới khi lại đến tìm nhau, muốn tránh khỏi cái đau đớn của chàng Tiêu, làm sao mà được nữa! Cho nên, thiếp xin chàng tính cuộc trọn đời, còn thiếp thì giữ mình theo đạo chính, cùng nhau thưởng nguyệt ngâm thơ, thổi tiêu hát khúc, cực hưởng cái nhã thú tài tử giai nhân, mà đừng rơi vào cái nếp xấu gian phu dâm phụ. Như thế thì đôi ta có thể làm gương cho khách phong lưu danh giá muôn đời! Há không phải là việc tốt đáng lưu truyền, đáng bắt chước ư?".

 

Kim Trọng nói:
-Sơ tâm ngưỡng mộ, há không muốn trộm ngọc thèm hương? Nay đã được nghe lời ngay thẳng, tự thấy dâu bộc hóa thành hà châu, vụng trộm đều là tà tịch, làm cho người ta không dám sinh tình yêu, mà sinh lòng kính nễ; tuy đa tình, nhưng không chút xấu thẹn. Tiểu sinh này không dám còn nẩy lòng tà như trước nữa, vậy xin mời qua tệ ngụ, để được trò chuyện thỏa thê một chốc.
Thúy Kiều nói:
-Đã định đi, thì đợi thiếp đưa hồ rượu đến, để cùng chàng vui hội "phốc điệp*".
Nói đoạn quay vào. Giây lát đem ra một hồ rượu và một hộp món ăn. Kim Trọng vội đón lấy, cùng Thúy Kiều chui qua lỗ hổng. Thúy Kiều nói:
-Có thư đồng ở nhà không?
Kim Trọng nói:
-Từ bữa gặp nàng, đều cho về hết!

 

Hai người cùng bước vào thư phòng. Thúy KIều thấy phía trên có treo biển đề ba chữ "Lai Phượng hiên", lại thấy hai bên chứa đầy thi thư kinh sử, rất là thanh nhã, nhân nức nở khen:
-Một thư phòng u nhã tiêu sái thật!
Kim Trọng nói:
-Thế mà không thương kẻ đọc sách này âm thầm buồn chết đi sao?
Thúy Kiều nói:
-Bây giờ thì không còn âm thầm buồn bã gì nữa chứ?
Kim Trọng nói:
-Nếu muốn cho khuây khỏa lòng buồn, trừ phi được gần gũi chị Hằng bên cành đan quế.
Thúy Kiều nói:
-Thường Nga ở trên trời kia, dễ gì mà được!
Kim Trọng nói:
-Nói đây là trỏ vào vào Thường Nga sống kia, chớ đâu dám mơ tưởng hão huyền đến người trên trời.
Thúy Kiều nói:
-Thiếp đâu dám so sánh với Thường Nga, song ngọc trắng giá trong thì tựa như không kém!
Kim Trọng nói:
-Thôi tôi xin mượn hoa cúng Phật, dám hỏi Thường Nga đã may xong áo lụa xanh chưa?
Rồi rót rượu đưa mời Thúy Kiều. Thúy Kiều đỡ chén, nói:
-Áo xanh, đã may xong rồi, chỉ đợi dịp dâng chàng thôi!
Uống xong, cũng rót một chén mời Kim Trọng và nói:
-Xin lấy chén rượu này làm đồ khăn lược của thiếp!...
Kim Trọng đỡ chén nói:
-Đội ơn cho chén quỳnh tương. Xin chúc cho đôi ta cùng lên cõi thọ!
Kim Trọng uống xong, liền lấy những thơ từ thường ngày ngâm vịnh đưa cho Thúy Kiều xem và xin chỉ giáo. Thúy Kiều xem xong, nói:
-Lòng như gấm, miệng như thêu, thật là danh nho nổi tiếng một thời. Không biết thiếp có đủ phúc phận để hưởng thụ được chăng?
Kim Trọng nói:
-Sao nàng lại nói câu lạnh lùng như vậy? Hay còn có điều gì ngờ vực tôi chăng?
Thúy Kiều nói:
-Không phải thiếp ngờ chàng, nhưng nhớ lại lúc thiếp còn nhỏ, từng gặp một thầy tướng. Thầy ta bảo rằng: "Thiếp một đời tài tình, nghìn thu bạc mệnh, dù có công bình Ngô, không tránh được mối hận Tây giang". Lại bữa trước, sau khi đi dự hội Đạp thanh về, thiếp nằm mơ thấy Lưu Đạm Tiên bảo thiếp đề mười khúc Đoạn trường. Mộng triệu như thế, e rằng không thể xứng đôi được với một người chồng như chàng...
Nói xong ứa nước mắt. Kim Trọng tưới chén rượu xuống đất, thề rằng:
-Kim Trọng tôi nếu không lấy được Vương Thúy Kiều làm vợ, thì xin như chén rượu này!
Thúy Kiều vội gạt nước mắt, nói:
-Thiếp chót dại rồi! Buổi đầu hội họp, sao dám kể chuyện đoạn trường!
Bèn ngữa chén, rót rượu, đối ẩm rất vui. Chợt Thúy Kiều trông lên vách, thấy treo một bức tranh tùng bách mà chưa có tiêu đề, liền hỏi Kim Trọng:
-Bức vẽ này xanh nhạt vàng phai, nét bút rất khéo, mà sao không đề vịnh?
Kim Trọng nói:
-Bức này do tôi vẽ, chưa kịp vịnh đề. Nếu nàng có hứng, xin giúp tôi tăng thêm vẻ đẹp, có được không?
Lúc này Thúy Kiều rượu đã ngà say, trong lòng khoan khoái, bất giác nguồn thơ lai láng khôn cầm, bèn nói:
-Chàng đã có lòng ủy thác, thiếp xin vâng lời, đâu dám giấu dốt!
Liền cầm bút đề ngay một bài tứ tuyệt:
Tháng mười chớm rét, lá chưa rơi,
Vàng nhạt xanh thưa, nhánh ngắn dài.
Đầu trời cuối đất mưa như xối,
Vô tình hữu ý xót thương ai!

 

Thúy Kiều đề xong, Kim Trọng thấy nàng tài thơ mẫn tiệp, ý tứ tân kỳ, thì nức nở ngợi khen:
-Thật là lời châu ý ngọc, dù mười lăm tòa liên thành cũng không đổi được.
Thúy Kiều nói:
-Tán dương thái quá, ý chàng rất sâu!
Kim Trọng nói:
-Mấy lời khen qua loa, ý tôi chưa bày tỏ được muôn một!
Thúy Kiều nói:
-Nếu theo ý chàng thì như thế nào?
Kim Trọng nói:
-Như ý tôi, trừ phi nhà vàng đợi khách thuyền quyên, mới đáng!
Thúy Kiều nói:
-Kẻ bạc mệnh như thiếp, thì hưởng thụ sao nổi một người như chàng?
Kim Trọng nói:
-Cứ ý tôi xem ra thì nàng là tiên nữ trên giời tạm thời trích giáng cõi trần. Kẻ thư sinh nhỏ mọn phàm tục này được gặp bóng ngọc, dù đốt hương thờ phụng còn e phạm lỗi bất kính, há riêng chỉ ở nhà vàng mà thôi!
Thúy Kiều nói:
-Đội ơn chàng quá yêu, thiếp xin ghi tạc. Không biết kiếp này thiếp có thể báo đáp được tình sâu của chàng không?
Vừa nói, vừa vật mình lăn vào lòng Kim Trọng, nức nở khóc ròng.
Kim Trọng nói:
-Thường nghe có câu: "Lòng bền dù đá cũng mòn". Chí nguyện đôi ta như vậy, tất trời xanh cũng rũ lòng thương, mà cho việc được vuông tròn!
Thúy Kiều nói:
-Tạo hóa ghét doanh mãn*, rồi đến tài sắc lại càng ghét ghen quá lắm, chàng há không biết chuyện Hồng Kiều hay sao?
Nói xong, đưa vạt áo lên che mặt mà khóc. Kim Trọng nói:
-Nàng cứ yên tâm, nếu muôn một xảy ra sự biến không ngờ, thì tôi sẽ vào sinh ra tử, cho vẹn lời thề, chứ không phải như tuồng bạc hạnh, để phụ tấm tình chí thiết của nàng đâu!
Vừa nói, vừa đỡ Thúy Kiều ngồi dậy, rồi lại uống rượu. Thúy Kiều nói:
-Thôi! Ngày đã muộn rồi, e rằng cha mẹ thiếp về, vỡ chuyện không tiện!
Kim Trọng nghe Thúy Kiều đòi về thì buồn rầu ứa lệ, nói chẳng ra lời. Thúy Kiều nói:
-Thiếp cũng không nỡ rời chàng, nhưng nghĩa không thể được. Thôi xin chàng vững tâm, đợi ngày hợp cẩn*. Nếu nhờ giời mà cha mẹ thiếp chưa về thì chúng ta sẽ rong đuốc sang đây thâu đêm, cùng tiêu khiển.

 

Kim Trọng chỉ gật đầu lẳng lặng mà thôi. Thúy Kiều thu nhặt hồ, hộp ra về. Kim Trọng theo tiễn đến bên giả sơn, bỗng nghe tiếng gõ cửa, liền trốn chạy về.
Thúy Kiều vội cất giấu hồ, hộp, rồi ra mở cửa. Thì ra không phải cha mẹ, mà là bên nhà bà con sai người đến báo với Thúy Kiều:
-Ông viên ngoại đêm nay không về, bảo cô sớm đóng cửa ngoài mà ngủ thôi!
Thúy Kiều nói: "Biết rồi đấy". Rồi ra cài cửa và mừng thầm: "Chàng Kim kể ra cũng có duyên, cái ước 'rong đuốc' có thể thực hiện được đây". Bèn vội vả sửa soạn rượu và đồ nhắm, rồi lại theo lối giả sơn đi thẳng sang thư phòng Kim Trọng. Lúc bấy giờ Kim Trọng đang ngồi tựa ghế, thiu thiu, Thúy Kiều bước vào, gọi:
-Tương vương còn mơ mộng chưa tỉnh à? Thần nữ đã xuống dương đài đây.
Kim Trọng giật mình, tỉnh giấc, hỏi:
-Là mộng chăng? Hay là thực đó?
Thúy Kiều nói:
-Dẫu là tỉnh, nhưng không hẳn không phải mộng, chàng nên nhận rõ như thế!
Kim Trọng nói:
-Nếu như vậy, thì hóa ra mở mắt mà thấy chiêm bao. Xin hỏi nàng vì cớ gì lại có dịp qua đây?
Thúy Kiều nói:
-Nay cha mẹ không về, thiếp lại mang rượu và cá sang chơi vườn Kim Cốc*.
Kim Trọng mừng quá, nói:
-Hãy khoan uống rượu! Thời gian quý hóa khó gặp, huống chi ba sao giữa trời. Nên đính kết thề ước xong đã, rồi cùng uống rượu cho vui cũng không muộn!
Thúy Kiều nói:
-Thề phải có văn, xin chàng thảo cho!
Kim Trọng liền viết lá thư thề. Lời rằng:
"Hai người đồng tâm là Kim Trọng và Vương Thúy Kiều, sinh giờ... ngày... tháng... năm cẩn dâng một nén tâm hương, một chung rượu lễ, xin thề ở trước anh linh trời cao đất dày: trộm nghe vợ chồng chuộng nghĩa, nghĩa còn, trọn kiếp khôn lay; nhi nữ đa (chung?NV) tình, tình còn, sống thác không phụ. Trước đây, Kiều muốn nghi gia, Trọng mong thành thất, thương tài mến sắc, đã sâu kết mối đồng tâm. Giờ đây, Trọng lo lúc đầu, Kiều ngại đến sau, trải mật phơi tim, dám thề nguyện đến ngày khác. Trai thề chín thác không thay, Gái nguyện trọn đời một tiết, dầu tai biến khôn lường, giữ lời nguyện ước, nếu trái lời thề này, xin trời thần soi xét".

 

Hai người cùng lạy trời đất, đọc minh thư xong, mới cùng nhau chén tạc chén thù, rất là vui vẻ. Rượu chừng ngà ngà say, Kim Trọng nói:
-Đêm nay gặp nhau chuốc chén, vui vẻ rất mực, song tôi còn mong mỏi một điều quá phận sự, không hiểu nàng có chịu cho chăng?
Thúy Kiều nói:
-Ngoài việc cẩu hợp ra, chàng sai bảo việc gì, thiếp cũng xin vâng.
Kim Trọng nói:
-Điều răng cẩu hợp, tôi đã nghe dạy rồi, còn đâu dám nhắc tới nữa. Việc tôi thỉnh cầu là, nghe nói ngón hồ cầm của nàng rất cao diệu. Không biết có thể gẩy một khúc, để cho tôi được nghe cái điệu chưa được nghe chăng?
Thúy Kiều nói:
-Hồ cầm là ngón thiếp thích, tiếc gì lại chẳng đàn hầu chàng nghe. Song, thời gian có hạn, chuyện tình lo nói chưa hết, còn rỗi đâu tính chuyện hồ cầm? Huống chi hồ cầm để bên nhà thiếp, cần lấy phải đi lại lôi thôi mất công. Vậy xin đợi khi khác thiếp sẽ đàn hầu chàng nghe, chàng nghĩ thế nào?
Kim Trọng nói:
-Không phải tôi không biết tình dài đêm ngắn, nhưng hâm mộ đã lâu, được nghe chốc lát cũng thỏa bình sinh. Còn như hồ cầm thì tôi cũng có.
Nói đoạn, vào lấy cây đàn ra, quỳ xuống, hai tay nâng đưa cho Thúy Kiều. Thúy Kiều vội vàng đỡ dậy và nói:
-Chàng vì ngón đàn nhỏ mọn của thiếp mà quỵ lụy với thiếp như thế, chẳng là không xứng đáng lắm sao?
Kim Trọng nói:
-Qụy lụy, chẳng qua là muốn tỏ chút tình nóng vội đó thôi! Xin thương lấy chút tình nóng vội đó mà vui lòng cho nghe, xiết bao vinh hạnh, có gì là không xứng đáng?
Thúy Kiều nói:
-Chàng chung tình như thế, thiếp chết cũng đáng đời, tiếc gì không gẩy!
Liền đưa mấy ngón tay thon nhỏ, khua động dây tơ, ban đầu nghe như hạc kêu, kế đến như vượn hót, lúc khoan như gió thoảng, lúc gấp như mưa rào; âm điệu du dương, thanh vận ai oán, như hờn như tủi, như khóc như than.

 

Kim Trọng để tai lắng nghe, vui mừng khôn xiết, lúc thì sửa áo ngồi yên, lúc thì gật đầu khen ngợi, cũng có lúc im lặng thở than. Gẩy mãi cho đến lúc đẩu chuyển sao dời, đồng hồ đã điểm canh ba Thúy Kiều mới dừng tay, thưa rằng đã trọn khúc. Kim Trọng nói:
-Chữ chữ thê lương, tiếng tiếng ảo não, dù tượng gỗ nghe cũng không khỏi thở than buồn bã, huống chi những khách tài tình! Nhưng nghe tiếng thê thảm nhiều giọng u uất, bất bình, mong rằng từ nay nàng đừng gẩy những khúc bi ai ấy nữa, sợ đứt ruột người ta, mà cũng tổn thương đến lòng mình.
Thúy Kiều nói:
-Trước thiếp đọc Ly tao, cảm thương thân thế chàng họ Khuất rồi tập quán thành tự nhiên, nuôi thành tật này mà không biết. Nay được nghe lời chàng chỉ giáo, thiếp sẽ không gẩy lại khúc đàn ấy nữa!

 

Đoạn này chúng tôi chép từ trang 31, hồi thứ ba, đến trang 43. Đoạn văn xuôi tự sự này đã được thi hào Nguyễn Du chuyển qua thơ lục bát, từ câu 369 đến câu 496 như sau. Mời các bạn bỏ chút thì giờ vàng ngọc đọc lại:

 

"Lần lần ngày gió đêm trăng,
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.
Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,
Trên huyên đường dưới nữa là hai em.
Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,
Biện dâng một lễ, xa đem tấc thành.
Nhà lan thanh vắng một mình,
Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay.
Thời trân thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.
Cách hoa sẽ hắng tiếng vàng,
Dưới hoa đã thấy một chàng đứng trông:
"Trách lòng hờ hững với lòng,
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu.
Những là đắp nhớ đổi sầu,
Tuyết sương nhuốm lửa mái đầu hoa râm".
Nàng rằng: "Gió bắt mưa cầm,
Đã cam tệ với tri âm bấy chầy.
Vắng nhà được buổi hôm nay,
Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng".
Lần theo núi giả đi vòng,
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.
Xắn tay mở khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai.
Mặt nhìn mặt, càng thêm tươi,
Bên lời vạn phúc, bên lời hàn huyên.
Sánh vai về chốn thư hiên,
Góp lời phong nguyệt, nặng nguyền non sông.
Trên nghiên bút, giá thi đồng,
Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên.
Phong sương được vẻ thiên nhiên,
Mặt khen nét bút càng nhìn càng tươi.
Sinh rằng: "Phác họa vừa rồi,
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa".
Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo vào bốn câu.
Khen: "Tài nhả ngọc phun châu,
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này.
Kiếp tu xưa ví chưa dày,
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang".
Nàng rằng: "Trộm liếc dung quang,
Chẳng sân Ngọc Bội cũng phường Kim Môn.
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?
Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời:
"Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
Trông người lại ngẫm đến ta,
Một dày một mỏng biết là có nên?"
Sinh rằng: "Giải cấu là duyên,
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
Ví dù giải kết đến điều,
Thì đem vàng đá mà liều với thân".
Đủ điều trung khúc ân cần,
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang,
Trông ra ác đã ngậm sương non đoài.
Vắng nhà chẳng kịp ngồi dai,
Giã chàng nàng mới kíp dời song sa.
Đến nhà vừa thấy tin nhà,
Huyên em còn dở tiệc hoa chưa về.
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa gương giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.
Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê.
Tiếng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần,
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: "Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ tỏ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?"
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, song đào thêm hương.
Tiên thề cùng thảo một chương,
Tóc mây một món, dao vàng chia hai.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng.
Sinh rằng: "Gió mát trăng trong,
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
Chày sương chưa nện cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sở chăng?"
Nàng rằng: "Hồng diệp xích thằng,
Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri.
Đừng điều nguyệt nọ hoa kia,
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai?"
Rằng: "Nghe nổi tiếng cầm tài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".
Thưa rằng: "Tuyệt kỹ mấy khi,
Đã lòng dạy đến vậy thì phải vâng".
Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.
Nàng rằng: "Nghề mọn riêng tay,
Làm chi cho bận lòng này lắm thay!"
So dần dây vũ dây văn,
Bốn dây to nhỏ theo vần nhung cương.
Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng?
Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần mến chúa, nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cuối đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
Rằng: "Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
Lựa chi những khúc tiêu tao,
Dột lòng mình cũng nao nao hồn người".
Rằng: "Quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!
Lời vàng vâng lĩnh ý cao,
Họa dần dần bớt chút nào được không..."

 

Đọc qua hai đoạn văn, thơ trích dẫn ở trên xin các bạn lưu ý cho mấy điểm sau đây:

 

1/ Nếu có những chữ nào in đậm -thơ- thì đó là những chỉnh sửa của chúng tôi cho phù hợp với văn bản văn xuôi, văn bản gốc của Kiều, nhất đúng với tình cảnh lúc bấy giờ của gia đình Thúy Kiều. Bởi cha của Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai đã ra đi từ trước đó lâu rồi, ba chị em hiện sống với mẹ là bà Nguyễn Thị Huyền ở tại nhà. Nhân ngày sinh nhật, các mẹ con vào thăm chị, dì -vợ vua Lê Hiển Tông- đang ở kinh thành Thăng Long. Như vậy, câu 372 là "huyên đường", không phải "song đường", vì cha các chị em đã mất trước đó như đã nói nên không thể gọi là "song đường".
2/ Câu 465 là ... Thưa rằng: "Tuyệt kỹ mấy khi...", không phải "Tiện kỹ sá chi..." như các bản kiều xưa nay hiện thủ giữ. Chúng tôi khẳng định như vậy mà không một ai có thể phủ nhận cho nỗi là bởi căn cứ vào những chi tiết cụ thể, rõ ràng trên văn bản văn xuôi. Đoạn văn xuôi ấy như sau: "Thúy Kiều nói: Hồ cầm là ngón thiếp thích, tiếc gì lại chẳng đàn hầu chàng nghe. Song, thời gian có hạn..." . Xin hỏi, "thích" là gì? Với đoạn dịch thế này chúng tôi dám nói các dịch giả đã dịch sai so với bản chữ Hán. Hoặc cái sai đã nằm sẵn trong bản chữ Hán từ lâu nên mới dẫn đến cách dịch sai của các dịch giả. Trường hợp này cũng giống như bản chữ Hán của Tàu và bản dịch bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị qua ngòi bút dịch thuật Phan Huy Vịnh vậy.

 

Đoạn văn xuôi do Thúy Kiều nói ở trên theo chúng tôi nên chỉnh lại thế này: "Thúy Kiều nói: Hồ cầm là ngón thiếp rất giỏi, tiếc gì lại chẳng đàn hầu chàng nghe...". Chúng tôi dám khẳng định như thế ấy là bởi căn cứ vào câu vị ngữ bổ túc đi sau: "...Tiếc gì lại chẳng đàn hầu chàng nghe...". Nếu ngón hồ cầm Thúy Kiều đàn nghe cũng tàm tạm, mặc dù nàng rất thích, nhưng thích chưa chắc đã giỏi thì không thể nào lại có câu vị ngữ bổ túc đi sau như vậy bao giờ cả.

 

Các bạn có đồng ý sự nhập nhằng, mơ hồ của câu văn mà chúng tôi phát hiện hay không?

 

3/ Chúng tôi cũng không muốn dẫn giải nhiều về những chữ chỉnh lại, bởi nó đã quá dễ hiểu khi đã được chỉnh lại so với các chữ sai nằm trong các bản Kiều. Chúng tôi chỉ muốn các bạn lưu ý, thấy ra chỗ quan trọng của bài viết. Đó là lời ước nguyện, thề thốt trăm năm chung thủy giữa Khiêm Trọng Nguyễn Du và Thúy Kiều Thu Mai. Sau là đoạn không kém phần quan trọng này nữa. Bởi từ những điểm mà đối với người khác thì rất bình thường, thậm chí tầm thường nhưng với chúng tôi lại rất quan trọng. Đó là tài năng ngoài văn thơ của Nguyễn Du: Vẽ!

 

Đoạn ấy trích ở trang 37-38 như sau: "... Bèn ngữa chén, rót rượu, đối ẩm rất vui. Chợt Thúy Kiều trông lên vách, thấy treo một bức tranh tùng bách mà chưa có tiêu đề, liền hỏi Kim Trọng: 'Bức vẽ này xanh nhạt vàng phai, nét bút rất khéo, mà sao không đề vịnh?'. Kim Trọng nói: 'Bức này do tay tôi vẽ, chưa kịp vịnh đề. Nếu nàng có hứng, xin giúp tôi tăng thêm vẻ đẹp, có được không?".

 

Xin bảo đảm với các bạn một điều rằng. Văn học Việt Nam sẽ không bao giờ lưu ý, quan tâm đến đoạn đối đáp tưởng đâu vô thưởng vô phạt này. Nhưng với với chúng tôi thì đoạn đối đáp này lại rất vô giá ở điểm. Ngoài tài sáng tác văn thơ thì Nguyễn Du còn biết vẽ, mà vẽ cũng rất đẹp nữa! Không biết... nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngoài khả năng sáng tác nhạc thì ông còn có nghề tay trái nào nữa không? Như nghề vẽ chẳng hạn...

 

Điều này nếu có ai đó cảm thấy bị lôi cuốn bởi những phát hiện cùng những chắp nối của chúng tôi đối với truyện Kiều bằng thơ lục bát và thể văn xuôi thì nên liên hệ qua những người gần gũi nhất với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là sẽ biết ngay liền. Bạn bè thân thiết với Trịnh Công Sơn thì vẫn còn ở khắp đây kia. Các bạn liên hệ thử xem sao.

 

Chúng ta nên trở lại đề tài chính là hơn.

 

Các bạn có biết, hành động cùng đứng chắp tay, đốt nhang thề thốt, lấy đất trời ra chứng giám cho sự thủy chung, son sắt giữa Thúy Kiều và Kim trọng được tập tục, nền văn hóa Á đông xưa nay gọi là gì hay không?

 

Hành động đó gọi là Lễ. Chữ Lễ viết thế này . Lễ tức là lễ giáo, là phép tắc, sự chào hỏi lẫn nhau giữa những người quen biết trong một tổ chức, cơ quan, đoàn thể hay trong một môi trường giáo dục cộng đồng nào đó. Hoặc đó là phép lịch sự, chào hỏi nhã nhặn, khiêm nhường của những người có văn hóa, được giáo dục cẩn thận, đàng hoàng qua mỗi tiếp xúc, va chạm rất đời thường trong cuộc tồn sinh cộng trú giữa người với người. Hay Lễ là những quy định cần phải có, cần phải biết thường được thực hiện trong một không khí trang nghiêm, thành kính của mọi con người, hay của các tín đồ đối với phong tục, tập quán xã hội, đất nước đã có tự ngàn xưa trong các tổ chức tôn giáo mang nặng tính tâm linh, tín ngưỡng huyền bí, khó hiểu thuộc khu vực Á đông. Cả các nước Trung đông.

 

Nếu lưu ý, bạn sẽ thấy các hình thức lễ nghi vẫn thường được các tổ chức, đoàn thể trong xã hội, trong các tín ngưỡng tâm linh xưa nay thực hiện đầy đủ, cẩn thận mỗi khi gặp dịp thuận tiện. Như lễ khánh thành, lễ quốc khánh, lễ mừng công, lễ tốt nghiệp, lễ hợp long, lễ Bà Chúa xứ, lễ tất niên, lễ đón giao thừa ở mỗi quốc gia, lễ hạ điền, tức lễ cày ruộng, lễ nhậm chức, lễ Vu Lan bồn, lễ Phật đản, lễ Giáng sing, lễ thành hôn, lễ tân hôn, vvv...

 

Nói chung có quá nhiều, rất nhiều những lễ nghi, tập tục cúng kính vẫn thường được tổ chức ở khắp đây kia, trong nước và ngoài nước, không cứ đó là các quốc gia riêng biệt ở vùng Đông á hay Châu á. Và mỗi khi các lễ nghi, tập tục như vậy được tổ chức, phô trương thì lễ nào, tập tục nào cũng được bày dọn, trình ra những nét văn hóa đặc sắc và độc đáo riêng biệt của mỗi vùng miền, mỗi đất nước, không nơi nào giống một nơi nào.

 

Lại thường thường, sau khi tổ chức các hình thức lễ nghi, cúng tế xong, thì những người tham gia lễ hội sẽ được nhà tổ chức thết đãi tiệc tùng ăn uống thỏa thích. Quan thì ngồi riêng bàn của quan, dân ngồi riêng bàn của dân. Các nhà đại diện tâm linh, tín ngưỡng có khi cũng ngồi chung bàn với các tín đồ, con chiên ngoan đạo để thể hiện tính bình đẳng, bác ái của tôn giáo đang theo. Nói chung ăn uống là việc không thể thiếu sẽ nối theo sau mỗi dịp tổ chức lễ nghi, tập tục cúng kính dù đó là các tổ chức của xã hội hay của tôn giáo, tín ngưỡng. Nhất khi lễ nghi được tổ chức trong một gia đình.

 

Riêng ở đây, của câu chuyện này là lễ đính ước, thề thốt trăm năm chung thủy của Kim Trọng và Thúy Kiều. Mặc dù hai con người này vào thời điểm đó -Bính Ngọ 1786- hãy còn quá trẻ, mới quen nhau chưa được bao lâu nhưng tâm hồn của họ không hề trẻ, non dại một chút nào. Bởi chính cái việc một hai khước từ hoặc chấp hành nghiêm túc lời cảnh giác, mang tính giáo huấn của Thúy Kiều khi Kim Trọng khởi tà tâm với người trong mộng cũng đã cho chúng ta biết quá rõ về tính nết, về sự trưởng thành của hai con người đặc biệt này rồi mà!

 

Chúng tôi khỏi bàn sâu về lễ đính ước buổi ban sơ này của Kim Trọng và Thúy Kiều. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở điểm cốt lõi. Hành động lấy bút nghiên thảo văn chương thề ước, mang đất trời ra chứng giám cho sự thành tâm, chung thủy của hai người trẻ tuổi vào thời điểm ấy như đã nói văn hóa Á đông gọi là Lễ .

 

Chữ Lễ này gồm 17 nét. Bên trái chữ Lễ là bộ Kỳ 4 nét. Bên phải, ở trên là bộ Khúc 6 nét, dưới là bộ Đậu 7 nét. Kỳ là thần đất, tức địa giới nơi chủ thể đang ở, hay đang đứng thực hành lễ nghi cúng kính gì đó. Khúc  là khúc lòng, tức những ẩn tình, nỗi lòng được chủ thể chôn giấu cẩn thận, kín đáo trong tâm tư nay được dịp mang ra thổ lộ, phơi bày. Khúc  cũng là ca nhạc, hay một khúc nhạc hay nào đó. Và Khúc  còn là tên một thể văn xưa, rất thịnh hành vào đời nhà Nguyên bên Tàu. Khúc  còn có nghĩa là uyển chuyển, như câu khúc vi chi thuyết: uyển chuyển nói hộ. Đoạn này chúng ta đã rõ. Khi Thúy Kiều yêu cầu thề thốt phải có văn chương, thì Kim Trọng liền lấy giấy bút ra trịnh trọng thảo thành văn bản. Sau đó đứng ra thay mặt đôi bên đọc lời tuyên thệ.

 

Tiếp theo là chữ Đậu . Đậu trước hết có nghĩa là đọc, đọc cho ra tiếng từng câu, từng chữ, từng đoạn, như tụng đọc, ngâm đọc và tuyên đọc. Đậu vì thế còn có nghĩa trong một bài văn đến chỗ đứt mạch gọi là cú, được nửa câu gọi là đậu. Nghĩa là khi đọc đến chỗ ấy thì dừng lại một tí, nó chưa phải là dứt mạch hẳn, nó được xem như dấu phẩy trong chữ quốc ngữ vậy. Tóm lại. Đậu là dấu ngắt giọng ở đoạn văn nào đó đã được quy định thành văn bản buộc bắt, thường gọi là cú. Đó là chỗ dừng lại trong một câu văn, là chỗ hết một ý văn để chuẩn bị chuyển sang một ý khác. Bài văn thề hẹn đừng nói xa nhau cho tâm hồn đau khổ, đừng nói xa nhau cho mắt lệ hoen mờ của Kim Trọng Nguyễn Du thảo khi xưa cũng phải tuân thủ, chấp hành đúng quy định nghiêm ngặt này của thể văn.

 

Đậu cũng còn có nghĩa. Là cái bát hay cái tô tiện bằng gỗ dùng đựng các phẩm vật dâng lên cúng kính hoặc để đựng các thức dưa, giấm, vvv... Văn xưa có câu Tự thiên dụng ngõa đậu: tế trời đựng bát bằng đất nung. Hay Đậu là các loại đỗ, đậu, là loại thực phẩm dùng để ăn, như đậu tương, đậu nành, đậu xanh, đậu đen... Nói chung Đậu là để chỉ cho ngũ cốc các loại. Đậu còn có ý là mâm ngũ quả được trình bày dâng lên bàn thờ mỗi khi cúng kính, giỗ chạp. Thêm nữa. Đậu cũng đọc là Dậu . Dậu là chi thứ mười trong Thập nhị chi. Hay Dậu là giờ Dậu , từ 5h đến 7h chiều là giờ Dậu .

 

Như vậy. Cuộc gặp gỡ và thề ước giữa Kim Trọng và Thúy Kiều tại vườn thúy vào một thời xa xưa được diễn ra đúng vào giờ Dậu , là khoảng thời gian từ 5h đến 7h chiều. Bởi các câu Kiều 425, 426 đã cho chúng tôi biết rõ như thật rằng thời điểm lúc Thúy Kiều quay về nhà là lúc mấy giờ. Câu 426 này là một câu mật mã để ám chỉ cho chữ Dậu . Mời các bạn nghe luận giải của chúng tôi về chữ Dậu dưới đây xem sao.

 

Đúng ra, câu Kiều 426 phải viết, tức phải chỉnh lại như thế này thì mới ra đúng mật mã của chữ Dậu 7 nét:

 

"Trông ra ác đã ngậm sương non đoài...".

 

Chữ Dậu gồm chữ Ngột 3 nét ở trên, dưới là bộ Nhật 4 nét nhập lại ra chữ Dậu 7 nét như đã nói. Nhật khỏi nói các bạn cũng đã quá biết là mặt trời. Trong Kiều đôi khi Nguyễn Du nói trại đi là ác, như câu: "Trải bao thỏ lặn ác tà...". Riêng Ngột thì có nhiều nghĩa, nhiều cách viết, trong đó có cách viết mang nghĩa Ngột là cây trơ trụi, không có cành nhánh, tức cây chỉ còn lại phần dưới đất. Ngột cũng còn nghĩa là núi trọc, không có cây cối gì cả. Thêm nữa, Ngột là cao mà bằng đầu, đây nói về thế đất, và tư thế ngồi nhìn, quan sát của chủ thể câu chuyện trong thời điểm đó, như đỉnh đồi, đỉnh núi mà do ngồi trong nhà, trong phòng nhìn ra thấy nên nó cao chỉ bằng đầu của mình, còn thực chất ở bên ngoài thì nó rất cao và xa.

 

Bạn hiểu rồi chứ? Nhìn qua chữ Dậu 7 nét tượng hình và hội ý như đã nói thì chúng tôi dám xác định rằng. Câu Kiều 426 phải được viết như chúng tôi đã chỉnh lại thì mới đúng với ký tự mật mã đã được thi hào Nguyễn Du Khiêm Trọng dùng để ám chỉ cho Chữ Dậu , là thời gian hai người hẹn hò, nói chuyện và sau đó Thúy Kiều phải quay về nhà vì không thể ngồi lâu được nữa khi màn đêm đã dần trùm phủ xuống không gian. Tình yêu, tình iếc, sự quyến luyến, sâu đậm gì gì đi nữa cũng không thể đi ra ngoài quy định nghiêm ngặt của nề nếp gia phong, lễ giáo của gia đình. Nhất tập tục và nề nếp sinh hoạt con người trong thời phong kiến xa xưa.

 

Nhật là mặt trời. Ngột là núi cao. Lúc này mặt trời đã lặn qua bên kia núi cao. Chữ Dậu mang nghĩa thâm trầm, ẩn khuất, kín đáo như thế. Nhưng chữ Dậu  khi được thi hào văn học Nguyễn Du nói, viết bằng thơ thì hay hơn, trữ tình hơn, và đúng lý, chết lý hơn chứ không nói đơn giản, thẳng băng, cứng ngắc là mặt trời -nhật - đã lặn qua bên kia núi cao -ngột - :

 

Ngày vui ngắn chẳng tày gang,
Trông ra ác đã ngậm sương non đoài...

 

Lại nếu lưu ý thêm hơn, bạn sẽ thấy câu 425: "Ngày vui ngắn chẳng tày gang..." là câu chủ ngữ, và câu 426: "Trông ra ác đã ngậm sương non đoài..." chỉ là câu bổ túc, nối sau để làm sáng cho câu chủ ngữ mà thôi. "Sương" hay ương cũng là một vần rất hiệp với vần "gang" hay ang đấy các bạn.

 

Còn nói: "Trông ra ác đã ngậm gương non đoài..." là không bao giờ đúng với ký tự mật mã của chữ Dậu thưa bạn. "Gương" ở đây xin chưa nói lại là một từ rất vô nghĩa, rỗng tuếch, hoàn toàn không có một chút giá trị gì để nói lên một điều gì nghe cho lọt tai được cả.

 

Như các bạn đã biết. Chữ Lễ phải gồm ba chữ là Kỳ , Khúc và Đậu hợp lại thì mới ra chữ Lễ 17 nét. Tức những điều kiện, yếu tố cần phải có thì mới có thể hình thành lên một hình thức cúng kính, lễ nghi gì đó của chủ thể hay của những người trong cuộc đứng ra tổ chức sự kiện. Ba chữ phối hợp này của chữ Lễ thì chúng tôi đã giải rồi. Ở đây khỏi nói lại cho thêm dài dòng, luộm thuộm.

 

Như thế, Lễ trong bài viết này giữa Kim Trọng và Thúy Kiều chính là những lời thề nguyện có văn chương, có phẩm chất và lòng thành kính, sự tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau của hai người đối với quyền lực siêu nhiên, vô hình của đất trời. Nhưng nếu lưu ý, chúng ta sẽ thấy trước khi đi đến một hình thức lễ nghi, thề hẹn trang nghiêm, kính cẩn, lấy đất trời, quyền lực vô hình ra làm nhân chứng cho tình yêu của hai bên. Thì giữa hai người cũng đã có đi qua một hình thức thân mật, chân tình khác, là đã cùng mời chào ăn uống, chén tạc chén thù vui vẻ, đằm thắm. Thiết nghĩ, nếu giữa hai người chưa hay không từng có đi qua hình thức ăn uống, chén tạc chén thù tuy rất là đơn sơ, đạm bạc thế này thì tất nhiên. Không bao giờ sau đó sẽ diễn ra một hình thức lễ nghi, cúng kính thề hẹn trang nghiêm, lấy thần thánh, đất trời ra để chứng giám cho lòng thành như vậy của mình cho được.

 

Vậy hình thức ăn uống, chén tạc chén thù này giữa Kim Trọng và Thúy Kiều được gọi là gì?

 

Trong văn hóa Á đông gọi trường hợp này là Nghĩa thưa các bạn. Các bạn đã từng nghe chưa? Có những người tuy rất nghèo, có thể nghèo mạt rệp, hay nghèo ho ra tro, khạc ra máu. Nhưng mỗi khi đi đâu về, hoặc khi trong túi chỉ rủng rỉnh được vài đồng thôi là họ liền nghĩ ngay tới người thân yêu, hay liền tìm tới thăm hỏi bạn bè thân thiết bằng bất cứ giá nào. Có khi với số tiền đang có, chỉ đủ vừa mua một món quà nào đó, rất nhỏ bé, rất tầm thường. Hay nó cũng chỉ vừa đủ kêu, bao cho đứa bạn thân một ly cà phê, ly nước, vài điếu thuốc thôi là họ cũng sẽ sẵn sàng, vui vẻ, móc túi chi trả mà không một chút đắn đo, suy nghĩ gì. Bởi với họ vật chất, tiền bạc không đáng giá. Cái đáng quý là tình, là nghĩa. Còn lại ném bỏ hết.

 

Do những trường hợp này đã từng xảy ra quá nhiều rồi cho nên đôi khi chúng ta vẫn thường nghe những câu nói tuy rất bình dân, rất đơn giản nhưng cũng rất thâm thúy, kiểu như. Thằng A, con H tuy thuộc dạng khố rách áo ôm, nghèo mạt rệp nhưng lại được cái. Sống rất có tình, có nghĩa. Biết phải chẳng anh chị em, bà con, cô bác. Nó hơn rất nhiều những đứa giàu sang, có của ăn của để, ăn uống thừa mứa, đổ thốc đổ tháo kia rất nhiều mà. Tao quý nó, thương nó là ở chỗ đó đó!

 

Đây là những trường hợp, những câu nói rất bình dân nhưng cũng rất thâm thúy, chan chứa tình người mà ít nhất chúng ta, tôi anh chị cũng đã từng nghe một vài lần trong đời rồi. Phải không tôi anh chị?

 

Để nói cho dễ hiểu, dễ nhớ hơn nữa. Nghĩa vì vậy là những hành động, những việc làm, cách đối xử giữa con người với con người là cần phải đi đến gần. Không phải ở xa như chữ tình. Tức nói đến tình cảm là phải đi qua vật chất, như ăn uống, hoặc phải biếu tặng món quà cáp gì đó đối với người bên kia. Nói khác đi, những hành động, việc làm này được xem là rất tốt đẹp, hoàn mỹ, mang nặng tính trọng nghĩa khinh tài mà khó có người nào thực hiện cho được. Bởi phần đông con người chỉ chú trọng đến vật chất, tiền tài mà luôn xem nhẹ, coi thường tình và nghĩa. Họ sẵn sàng đạp đỗ tình và nghĩa để bảo vệ vật chất, tiền tài bằng mọi giá, mọi cách.

 

Do đó, chữ Nghĩa này trong tiếng Hán được viết với chữ Ngã 7 nét ở dưới, trên là chữ Dương , tức chữ Tường viết giảm nét nhập lại ra chữ Nghĩa 13 nét. Ngã chính là ta, là cái ta vĩ đại, to lớn của tha nhân, của tôi anh chị. Nhưng nếu nói ngã là cái ta to lớn, vĩ đại của tôi anh chị thì cũng chả ai hiểu chuyện gì cho ra chuyện gì cả. Nói như thế nhiều khi tôi anh chị lại rơi vào chỗ mù mịt, ngơ ngác. Rồi đâm ra nghi nghi ngờ ngờ đủ thứ chuyện thì khổ lắm!

 

Chúng tôi đã có nói ở các bài viết trên FB. Là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì năm dục và thất tình tăng thịnh. Thất tình là Dục (tham), Nộ (sân), Ái (si), Đố (tỵ hiềm), Mạn (tự cao), Hận (thù), Hại (mưu kế). Năm dục là Sắc (sắc dục), Lợi (vàng bạc, vật chất), Danh (địa vị, tên tuổi), Thực (ăn uống), Thùy (ngủ nghỉ). Các bạn cần phải biết. Để chiếm hữu được năm dục sắc, lợi, danh, thực, thùy thì tôi anh chị phải vận sử dụng cho bằng được, cho phải được cái gọi là thất tình dục, nộ, ái, đố, mạn, hận, hại. Nếu các năng lực này quá yếu kém, quá bạc nhược thì tôi anh chị không thể nào có thể chiếm sở hữu, làm chủ nhân ông, chủ nhân bà đối với năm dục sắc, lợi, danh, thực, thùy vô cùng hấp dẫn, thích thú kia cho nổi cách nào.

 

Cũng như thế, để bảo vệ năm dục sắc, lợi, danh, thực, thùy cho được toàn vẹn, kiên cố thì nhóm thất tình dục, nộ, ái, đố, mạn, hận, hại cần phải được tôi anh chị huy động, tập trung, phát triển hết công suất, tối đa. Do đó, năm dục sắc, lợi, danh, thực, thùy cần được xem như là bản ngã to lớn, vĩ đại của tôi anh chị vậy. Và ai muốn chiếm sở hữu bản ngã to lớn này của tôi anh chị thì họ phải đi qua, tức phải đánh dẹp bảy thứ gọi là thất tình dục, nộ, ái, đố, mạn, hận, hại văng qua một bên, một xó thì ước mơ, lòng tham của họ từ đó mới có thể thành tựu viên mãn.

 

Tóm lại. Chữ Ngã 7 nét trong chữ Nghĩa 13 nét chính là để chỉ cho năm dục sắc, lợi, danh, thực, thùy này đây. Còn chữ Tường có nghĩa là tốt, là đẹp, là vạn điều phúc lành. Bởi các hành động đi đến gần để thực hiện những nghĩa cử, việc làm phúc lành, tốt đẹp, xem thường vật chất, tiền tài, chỉ coi trọng tình nghĩa là hơn như đã nói chính là những hành động diệt trừ bản ngã, cái ta của tha nhân, của tôi anh chị đó thôi.

 

Tóm tiếp. Do ở trước đã có những hành động, việc làm tốt đẹp, chan chứa tình người của Thúy Kiều đối với Kim Trọng qua chữ Nghĩa này nên từ đó mới nảy sinh ra chữ Lễ ở phía sau. Lời thề ước thủy chung, son sắt cho dù vật đổi sao dời, dâu bể trái ngang giữa Kim Trọng và Thúy Kiều. Vì vậy, chữ Nghĩa  của câu 2241 này chúng tôi gọi là Nhân . Nhân là người, nhưng nhân cũng là nguyên nhân, điều kiện và là yếu tố tốt đẹp, thuận duyên nào đó để từ đây sẽ mở ra một hướng đi, hướng tiếp cận mới, khác lạ cho vấn đề, cho câu chuyện.

 

Như đã nói, Nhân là người. Trên con người thì gồm có sáu căn là mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Vậy tất cả mọi điều kiện, yếu tố nào dù trừu tượng hay rõ ràng, cụ thể cũng phải đi qua hay xuất hiện trên sáu căn. Ngoài sáu căn này thì không thể xuất hiện ra những yếu tố, điều kiện nào để có thể làm hay để tạo nên một hướng đi, một câu chuyện nào đó nối tiếp theo. Câu chuyện thề ước giữa Kim Trọng và Thúy Kiều cũng không thể ra ngoài cách tiếp xúc căn trần thế này đã được Đức Phật xác định tự ngàn xưa.

 

Các bạn tạm thời đã nắm được phần cơ bản, cốt lõi chúng tôi muốn nói gì rồi chứ?

 

Chúng tôi xin nhắc lại. Câu Kiều 2241 là dùng để chỉ cho chữ Nhân . Đồng ý chúng tôi đã nói việc làm của Thúy Kiều đối với Kim Trọng chính là chữ Nghĩa , tiếp theo là chữ Lễ trong nét văn hóa đặc thù của người Á đông là sự thề thốt, cúng kính, lấy đất trời ra chứng giám cho sự chung thủy, chân thành giữa hai người. Đến đây, các bạn chắc cũng đã thầm biết, đã tự suy diễn ra ý chúng tôi muốn nói gì rồi. Trong kinh sách Phật giáo ghi chép sau chữ Nhân là chữ Quả . Nói rộng hơn là Nhân Quả Nghiệp Báo. Các bạn nghĩ vậy. Các dạng kinh sách của Phật giáo cũng từng nói vậy.

 

Nhưng nếu nói sau chữ Nhân là chữ Quả thì tại sao, thưa các bạn, lúc đó, thời đó Nguyễn Du không nói, viết là: "Quý thay chút nghĩa cũ càng..." mà lại nói, viết là: "Tiếc thay chút nghĩa cũ càng?".

 

Có điều gì lạ, khó hiểu ở câu 2241 này hay không?

 

Thưa các bạn có đấy!

 

Sau chữ Nhân chúng tôi dám khẳng định 100/100 là chữ Nghiệp chứ không phải là chữ Quả như các bạn đã từng hiểu và các dạng kinh sách của các hệ phái Phật giáo đã từng ghi ghi chép chép là như thế, là như vậy!

 

Tại sao chúng tôi dám nói ngược lại hệ thống giáo lý của Phật giáo đã từng được mặc định cứng ngắc từ bao lâu như thế?

 

Đúng. Các bạn có quyền của các bạn. Riêng chúng tôi cũng có quyền của chúng tôi. Quyền của các bạn là dựa vào kinh sách và những lời thuyết giảng của các tăng ni trong các hệ phái Phật giáo từ hơn 2500 năm nay. Với chúng tôi thì dựa vào thể loại thơ Lục Bát tuyệt hay chỉ có duy nhất ở Việt Nam để xác định, đồng thời để chỉ ra những cái sai trong Phật giáo!

 

Cái sai của Phật giáo chính là chỗ này đây!
***

 

Thưa các bạn câu Kiều kế tiếp câu 2241 không phải là câu: "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng..." hiện đang được thủ giữ, mặc định trong tất cả các bản Kiều hiện có mặt trên thị trường văn học lá đổ muôn chiều của Việt Nam và thế giới. Mà câu 2242 phải được viết như sau:

 

"Dẫu lìa chữ tín còn vương vấn tình..."

 

 

Như chúng tôi đã tìm mọi cách triển khai, vạch ra cho các bạn thấy và hiểu những sự thật đã bày ra quá rõ ràng, cụ thể và chi tiết, rằng câu Kiều 2241 là lúc Nguyễn Du đang xác định và nói về đạo đức làm người của dân tộc Việt qua năm chữ Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, là đạo lý Tam cương Ngũ thường. Mà đại diện cho nền đạo đức, văn hóa ấy chính là những hành động, việc làm thiết thực của Thúy Kiều đối với Kim Trọng. Bởi chị em Thúy Kiều thuộc vào hàng trâm anh thế phiệt, con nhà gia giáo, được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng, tới nơi tới chốn. Không phải là loại ca kỹ, gái lầu xanh như giới văn sử học Bắc Nam từng tập trung nói luận lung tung, bậy bạ xưa nay.

 

Như đã nói. Hai câu 2241-2242 là Nguyễn Du đang nói về Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín. Chữ Nghĩa , chữ Lễ , chữ Nhân chúng tôi đã giải rồi. Riêng chữ Trí các bạn cần phải đọc lại đoạn văn xuôi này thì mới có thể hiểu chuyện gì cho ra chuyện gì. Đoạn này như sau:

 

"Kim Trọng lập tức chui qua, rồi bước ngay lại ôm chầm lấy Thúy Kiều. Thúy Kiều vội chống chế và nói:
-Sáu lễ chưa thành, sao lại giở lối càn rỡ thế?
Kim Trọng nói:
-Đội ơn nàng đã hứa làm vợ chồng. Việc này vợ chồng không sao tránh khỏi, có gì càn rỡ. Nay nàng cự tôi, phải chăng là đã đổi lòng?
Thúy Kiều nói:
-Không phải là đổi lòng! Thiếp xin có lời thưa: Thiếp nghĩ trai gái yêu nhau là nguyền ước gia thất, vị tất đã hại đến danh giáo. Chỉ giận ban đầu vì quá nặng vì tình, lỡ làng chìu theo ý chồng, kịp đến thành lễ kết hôn, đã không còn là người xử nữ , ngỡ là tình sâu vô hạn, mà hóa ra là việc xấu to. Chẳng qua, tại người con gái không biết tự yêu mình, mở đường cho người con trai si mê khinh bạc, dù ăn năn thì sự việc đã rồi. Xưa kia, như Thôi, Trương thật tốt đôi vừa lứa.

 

Giả sử ban đầu Oanh Oanh quả quyết gieo thoi, thì sau này tất tránh khỏi cái đau thương bị Trương Sinh ruồng bỏ. Trước có chính thì sau mới chính được, tiếc cho Oanh Oanh đã coi nhẹ thân mình để chìu ý Trương Sinh. Trương Sinh ngoài tuy âu yếm, nhưng trong lòng thực đã khinh rẻ. Người ta thấy Trương Sinh bỏ Oanh Oanh trong buổi trẩy kinh mà không biết rằng đã bắt đầu từ lúc ôm chăn. Tới khi lại đến tìm nhau, muốn tránh khỏi cái đau đớn của chàng Tiêu, làm sao mà được nữa! Cho nên, thiếp xin chàng tính cuộc trọn đời, còn thiếp thì giữ mình theo đạo chính, cùng nhau thưởng nguyệt ngâm thơ, thổi tiêu hát khúc, cực hưởng cái nhã thú tài tử giai nhân, mà đừng rơi vào cái nếp xấu gian phu dâm phụ. Như thế thì đôi ta có thể làm gương cho khách phong lưu danh giá muôn đời! Há không phải là việc tốt đáng lưu truyền, đáng bắt chước ư?

 

Kim Trọng nói:
-Sơ tâm ngưỡng mộ, há không muốn trộm ngọc thèm hương? Nay đã được nghe lời ngay thẳng, tự thấy dâu bộc hóa thành hà châu, vụng trộm đều là tà tịch, làm cho người ta không dám sinh tình yêu, mà sinh lòng kính nễ; tuy đa tình, nhưng không chút xấu thẹn. Tiểu sinh này không dám còn nẩy lòng tà như trước nữa, vậy xin mời qua tệ ngụ, để được trò chuyện thỏa thê một chốc..."

 

Hành động của Kim Trọng nói trên là hành động vượt vòng lễ giáo, tự đánh mất cốt cách đạo đức, văn hóa chuẩn mực của mình. Lời nói của Thúy Kiều là lời nói của người đang đứng trong vòng đạo đức, nói khác đi, đó là lời nói của lý trí, nó biện biệt ra được đâu là đúng sai, phải trái, việc gì nên làm, không nên làm. Và nhờ có lời nói đạo đức, lý trí, khôn ngoan, trong sáng này của Thúy Kiều mà Kim Trọng đã thức tỉnh kịp lúc, chấm dứt ngay việc làm sai bậy của lý trí bợn nhơ do đã bị con ma dục vọng thúc đẩy, xúi bày làm chuyện trái với luân thường đạo lý. Việc làm, lời nói này của Thúy Kiều được xác định, ám chỉ cho chữ Trí .

 

Chữ Trí được viết với bộ Thỉ 5 nét và bộ Khẩu 3 nét nhập lại ra chữ Tri , Tri là biết. Còn ở dưới là bộ Nhật , nhập hai chữ Tri và Nhật lại ra chữ Trí . Khỏi nói chúng ta cũng biết mặt trời có công năng quét sạch bóng tối. Hoặc mặt trời là dụ cho ánh sáng của trí tuệ sẽ mang đến sự hiểu biết -tri - cho con người và xã hội. Nhờ thế con người từ đó không còn nói bậy, nghĩ bậy, làm những việc sai trái, mù mờ, hắc ám như trước kia nữa.

 

Trong xã hội, nếu lưu ý chúng ta sẽ thấy có rất nhiều kẻ tuy mang lốt người đẹp đẻ, sang trọng nhưng tâm địa của họ là loài thú rừng hoang dã. Và những hạng người này do vì thiếu hay không có trí tuệ, sự hiểu biết cần thiết, tối thiểu nên họ vẫn thường hay có những việc làm, đi đôi với những lời nói được xem là ngang bằng với loài cầm thú hạ đẳng, thấp kém. Nhưng nếu những hạng người thấp kém, nông nỗi này bất ngờ vào một ngày tiếp nhận được ánh sáng mặt trời, tức sự hiểu biết từ bên ngoài chiếu rọi vào thì từ đó họ sẽ có sự thay đổi rất lớn. Đó là lúc họ chợt nhận thức ra được cái gì đúng, cái gì sai, cái gì không nên làm, cái gì nên làm. Và cũng từ đó, họ sẽ có cơ hội vượt thoát ra khỏi cảnh tăm tối, ngầy ngụa mà bao lâu rồi họ ngụp lặn, bơi lội mài miệt ở trong ấy.

 

Nhà thơ Tố Hữu có bốn câu thơ rất hay, nói về lúc khi ông bất chợt nhận thức ra được rằng chỉ có con đường cách mạng thì từ đó mới có thể giải thoát bản thân mình và xã hội, dân tộc thoát khỏi cảnh tù đày, nô lệ lầm than, đói khổ. Bốn câu ấy như sau:

 

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lý chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá,
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."

 

Chúng tôi thì cho rằng bốn câu thơ này là bài thơ giác ngộ chân lý, sự thật tuyệt hay. Rất khó có nhà thơ nào, dù là những nhà thơ Phật giáo, làm được bài thơ đơn giản nhưng tuyệt hay như thế khi nhận chân được sự thật hay lúc chứng đạt chân lý qua sự khổ luyện tu tập. Phần nhiều các tu sĩ Phật giáo sau khi chứng đạt thiền định lại nói những điều quá cao siêu, ngoài sự hiểu biết của con người và nhân loại. Họ đâu biết chân lý chỉ là sự đơn giản, rất bình thường mà thôi. Như bốn câu mà nhà thơ Tố Hữu đã làm ở trên kia là một chứng minh cho những điều hết sức đơn giản, bình thường của chân lý vậy.

 

Đọc đến đây, có thể các bạn đã nhận thức, hiểu ra được rằng. Câu Kiều 2241 được Nguyễn Du sử dụng để nói chung cho Ngũ thường Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín 亻禮義智. Trong đó, chữ Trí là để ám chỉ cho việc làm mờ ám, vẩn đục của Kim Trọng nhưng đã bị Thúy Kiều dùng lý trí trong sáng và lời nói khôn ngoan chặn đứng, đánh thức lương tri kịp thời, kịp lúc khiến Kim Trọng chợt thấy xấu hổ, bèn cúi đầu xác nhận và xin lỗi việc làm không đúng, không hay của mình vừa rồi với người thương. Tiếp theo, câu Kiều 2242 chỉ là đường đi của hệ thống nhân quả nghiệp báo khi việc này đi trước thì chuyện kia sẽ nối theo sau mà thôi.

 

Nhưng tại sao câu Kiều 2242: "Dẫu lìa chữ tín còn vương vấn tình..." lại được chúng tôi xác định chính là để chỉ cho chữ Nghiệp trong hệ thống giáo lý Phật giáo thì các bạn cần đọc tiếp phần giải thích sau đây.

 

Ngang đây, chúng ta có quyền đặt ra một câu hỏi đối với sự mâu thuẫn, rắc rối do câu Kiều 2242 bất ngờ mang đến. Tại sao mối liên hệ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong buổi đầu đã có chiều hướng phát triển tốt đẹp, sáng sủa như vậy mà họ lại không thể đi đến cái chung cuộc, có hậu như bao mối tình bình thường khác trong xã hội, là tiến đến hôn nhân, rồi về sống chung dưới một mái nhà hưởng hạnh phúc cho đến ngày đầu bạc răng long như lời thề hẹn?

 

Trong Phật giáo, để chỉ cho những trường hợp đặc biệt này là có chữ Nghiệp. Nghiệp nói cho nhiều chỉ thêm rắc rối, tạp phức, dễ dẫn tới lối hý luận, giảng giải trùng trùng như sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, dứt thôi lại nối thấp đà lại cao... Ôi, thôi, nói nhiều mệt lắm. Nghiệp nói vắn tắt cho dễ nghe, dễ nhớ, dễ ghi vào tự điển bỏ túi của tôi anh chị là chỉ có thiện nghiệp và ác nghiệp. Vậy loại nghiệp đã làm cho cuộc tình duyên giữa Kim Trọng và Thúy Kiều không thể đi đến cái chung cuộc, mãn phần có hậu chính là... nghiệp dị thục!

 

Nghiệp dị thục là loại nghiệp đi ngược với cái nhân tốt đẹp đã gieo trồng từ trước đó, ngay cả trong hiện tại. Và nghiệp dị thục sẽ xuất hiện vào bất cứ lúc nào, chả cần biết. Hễ khi mà các điều kiện, nhân duyên đã tập hợp đầy đủ hết rồi thì nó sẽ xuất hiện, bày biện ra ngay liền những trường hợp, tình cảnh mà người đời hay trong văn học gọi là hoàn cảnh éo le, trái ngang, đoạn đành, như kiếp hồng nhan lắm mong manh, nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương... Hoặc trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi! Cái nợ ba sinh đã trả rồi...

 

Ở đây, trong câu chuyện tình sử chốn quan trường đậm đặc chất thơ ca văn học trữ tình, diễm lệ, lãng mạn này có phải chúng ta muốn biết rõ ràng, cụ thể, chi tiết rằng nghiệp dị thục đã xuất hiện, đã cản đường tình duyên của Kim Trọng, Thúy Kiều như thế nào? Đúng không? (nhướng mắt...)

 

"CƯỠI GIÓ ĐÔNG NAM
Ngô Cầu đã rụng đầu!
Bản đồ Thuận Quảng đã bôi lại màu sắc.
Keo thứ nhất vật Trịnh đã hái được những tiếng hò reo đắc thắng lẫy lừng!
Nguyễn Huệ, từ đây, tự do nhẩy múa quát thét trên vũ đài quân sự và chính trị...

 

Đứng bên Huệ, Cống Chỉnh "lên giây cót" cho "đồng hồ thời cục" một phen xoay chuyển...
Chỉnh nói với Nguyễn Huệ:
-Việc binh, cốt quý thần tốc. Tướng quân mới đánh một trận đã lấy được Thuận Hóa: cái oai thần võ ấy đã làm cho mảnh đất Bắc Hà đã phải rúng động! Tình thế dễ dàng như dương thẳng dao chẻ tre! Tướng quân nên thừa thắng, cứ đánh dấn đi, thì lấy thiên hạ chắc dễ như trở bàn tay. Vả, hành binh có ba điều: "thời", "thế", và "cơ". Nếu gặp dịp có đủ ba điều ấy thì đâu chẳng nắm được phần thắng? Ngoài Bắc bây giờ, tướng biếng nhác, quân kiêu rông, triều đình không có kỷ cương gì cả! Ta nhân dịp đại thắng này mà kéo quân ra diệt kẻ loạn vong, có khó gì? Xin tướng quân đừng bỏ qua "cơ", "thời", "thế" này!
Huệ trầm ngâm:
-Bắc Hà nhân tài còn nhiều: coi khinh thế nào đặng?
-Nhân tài ngoài Bắc chỉ có một mình Chỉnh này thôi. Chỉnh đã đi rồi, thì nước trống không! Xin tướng quân đừng ngờ.
Huệ cười:
-Chẳng đáng ngờ người nào khác, có chăng chỉ đáng ngờ ông.
Chỉnh thất sắc, xin lỗi:
-Ý tôi muốn nói quá đi như thế: Chỉnh đã là một tên ngu đần hèn mọn, vậy mà ngoài Bắc không ai hơn Chỉnh, đủ biết trong nước vô tài đến thế là cùng!
Huệ lại ngọt ngào yên ủi:
-Chốc lát đi giựt lấy cái nước đã vài trăm năm kia, người ta sẽ cho quân mình là vin vào cái danh nghĩa chi mà làm vậy?
-Nay, Bắc Hà đã có vua, lại có chúa: thật là việc đại biến xưa nay chưa từng có. Họ Trịnh tiếng rằng phụ chính, nhưng kỳ thực hiếp đáp nhà vua! Người trong nước, từ lâu vẫn cho làm thế là quấy! Sở dĩ họ không dám cựa lên chẳng qua vì sức không nổi. Tướng quân quả hay vin lấy cái danh "phò Lê, diệt Trịnh" mà hiệu triệu thiên hạ thì ai người chẳng hưởng ứng? Nghìn năm mới có một dịp này.
-Ông nói phải lắm! Song le mang tiếng là kiểu (kiêu?NV) mạng thì sao? (Ý nói chưa được Nguyễn Nhạc sai đi, mình đã tự tiện đem quân ra Bắc: bị cho là mạng phép làm liều thì sao?).
-Trong Xuân Thu, truyện có nói: Kiểu là chuyện nhỏ, nhưng lập được công lại là việc lớn. Thế là có công, sao lại gọi là "kiểu" được? Huống chi ngài không nghe nói ư: "Ông tướng cầm quân ở ngoài dù có mạng lệnh nhà vua truyền ra cũng mặc?".

 

Cuộc trao đổi ý kiến này là một chương trình, một phương lược xoay lại thời cuộc hồi cuối Lê Trung Hưng, là những nhát thuổng, nhát cuốc sắp bổ trên nền tảng mà chúa Trịnh Kiểm đã xây bằng những viên đá "tái tạo nhà Lê" rất kiên cố, cũng lại là cái thang để Nguyễn Huệ từ nấc Long Nhương Tướng quân trèo lên bực Bắc Bình vương, rồi leo lên cái nấc Quang Trung Hoàng đế.

 

Bốn chữ "phò Lê diệt Trịnh" thật là cái lá nhãn "chính trị" để Tây Sơn lợi dụng mà diễn tấn hài kịch "thay họ đổi ngôi!".

 

Cái động cơ Chỉnh khuyên Huệ kéo quân ra lấy Bắc Hà, có người bảo, là do Chỉnh muốn báo thù cho Hoàng Đình Bảo và muốn tiện bề quay về cố hương nên mượn thế lực Tây Sơn để đạp đổ Trịnh Tông, diệt phăng họ Trịnh.

 

Nói vậy không phải là người biết Chỉnh. Chỉnh là một tay gian hùng. Cái gì có lợi cho Chỉnh thì Chỉnh mới làm, chứ có nghĩ gì đến tình với nghĩa. Cái khẩu hiệu "phò Lê" của Chỉnh chỉ là chuyện nhân nghĩa hão để phỉnh gạt dân chúng Bắc Hà bấy giờ đấy thôi. Chứng cớ: sau được vua Lê Chiêu Thống vời Chỉnh vào kinh hộ vệ, Chỉnh lại theo gót chúa Trịnh, hết sức hiếp đáp vua Lê. Chỉnh, đối với vua Lê còn thế, huống chi Đình Bảo? Vậy có thể nói: Việc Chỉnh vạch đường "Bắc tiến" cho Tây Sơn quyết không phải vì lòng muốn đền bồi Đình Bảo, cố đánh Trịnh Tông để trả thù cho chủ nhân xưa nay vậy!

 

Nguyễn Huệ, sau khi bị Chỉnh uốn lưỡi thuyết xiêu, không ngần ngại gì mà không gươm, cờ thẳng chỉ ra Bắc.

 

Công việc Bắc tiến tức thì sắp đặt: Chỉnh làm thủy quân tiên phong, sửa soạn chiến thuyền, đem thủy quân vượt biển đi trước. Huệ hẹn với Chỉnh: khi đến Vị Hoàng (nay là Nam Định) thì cướp lấy kho lương ở đó, rồi đốt lửa làm hiệu để báo tin cho Huệ biết.

 

Để Nguyễn Lữ đóng giữ Thuận Hóa, Huệ viết thư về Quy Nhơn báo cáo cho Nhạc biết, rồi gươm sai, cờ vía, Huệ đốc suất hai mặt thủy lục ầm ầm rần rộ kéo ra...".

 

Đoạn này trích trong tập QUANG TRUNG, từ trang 96 đến trang 100 của tác giả Hoa Bằng Hoàng Trúc Trâm. Sách do NXB Dân Trí ấn hành Quý IV/2014.

 

Từ đoạn này trở về sau, là khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ung dung tay vịn đốc kiếm, đảo mắt quan sát hai bên, thả từng bước chậm rãi tiến thẳng vào điện Kính Thiên ngồi bộc bạch, nói chuyện thân tình cùng vua Lê Hiển Tông. Đứng bên ngoài là đội quân cận vệ thiện chiến sẵn sàng trong tư thế lâm trận nếu bất chợt chủ soái phất tay làm hiệu. Nhưng nội các triều Lê lúc bấy giờ với hai hàng văn võ hoàn toàn đứng chôn chân im lìm, bất động như tượng gỗ đá!

 

Chuyện gì xảy ra vậy? (nhướng mắt...)

 

Theo đó. Cuộc nói chuyện giữa vua Lê với danh tướng cầm tinh con hổ tại điện Kính Thiên, thì liền sau đó, theo như sự ghi chép của các dạng tài liệu sử mà chúng tôi đem ra so sánh, đối chiếu. Khoảng mười ngày sau thì vua Lê băng hà. Nghe nói thời điểm này đất trời Thăng Long Hà Nội ngập chìm trong những cơn gào thét, mưa gió bão bùng, nước ngập mênh mông...

 

Nhưng, có điều đáng nói, là trước khi vua Lê băng hà thì chủ nhân điện Kính Thiên và toàn thể triều thần đã kịp đi đến một quyết định táo bạo, bất ngờ. Đó là cùng đưa tay, nhất trí gã Công chúa Lê Ngọc Hân cho danh tướng Tây Sơn, người duy nhất trong lịch sử Việt Nam có khả năng đè bẹp tất cả mọi thế lực chính trị từ Đàng Trong, Đàng ngoài, cả đám chư hầu chồn cáo, cọp beo đang ngồi chầu rìa bao quanh chực chờ thời cơ nhào vô ăn có cũng đành hậm hực cụp đuôi chạy mất tăm dạng để kết tình hòa hảo, bang giao giữa hai nước Đàng Trong, Đàng Ngoài.

 

Và chúng ta đã biết. Sau cuộc nói chuyện với vua Lê tại điện Kính Thiên như đã nói thì kể từ đây, giây phút này Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã chính thức trở thành con rễ vua Lê Hiển Tông, và tất nhiên ngài là người ở trong dòng dõi hoàng tộc triều Lê. Chúng tôi khỏi nhắc lại chuyện này. Mà chúng tôi chỉ muốn các bạn chú ý cho điểm duy nhất muốn nói. Khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã chính thức trở thành con rễ vua Lê Hiển Tông, là chồng Công chúa Lê Ngọc Hân của ngày, tháng -chưa rõ- năm Bính Ngọ 1786 thì cũng chính là giây phút quyết định. Mối tình đẹp tựa bài thơ của Thúy Kiều Thu Mai và Kim Trọng Nguyễn Du cũng đã bị cản trở, chia cách kể từ giây phút ấy!

 

Tại sao lại như vậy?

 

Chuyện không khó hiểu. Bởi đồng ý Công chúa Lê Ngọc Hân lúc đầu đã được vua cha và triều thần quyết định gã cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ để kết tình giao hảo giữa hai đất nước. Nhưng sau đó, chả hiểu thế nào, Công chúa Lê Ngọc Hân đã được đánh tráo bởi một người con gái bí mật khác. Mà người con gái này, sao ông tơ bà nguyệt lại nghiệt ngã, éo le chi như thế! Lại chính là Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai, người đã cùng Kim Trọng Nguyễn Du trao cho nhau lời ước hẹn ban sơ tại vườn thúy vào một đêm trăng thơ mộng hôm nào. Đoạn này các bạn đã đọc phần chúng tôi trích lại từ văn bản bằng văn xuôi, chữ Hán ở trên. Hữu ý vô tình, như thế, lịch sử đã sắp xếp câu chuyện tình duyên này hệt như một cuốn tiểu thuyết hay một cuộn phim vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn, đầy tính chất mộng mơ, diễm lệ, lãng mạn nhưng không thiếu phần đắng cay, bi đát, trái ngang đến làm sao.

 

Sự ngăn cách, chia lìa đột xuất, tự nhiên bất ngờ bị giáng thẳng tay vào mặt, vào câu chuyện, vụ việc này như đã nói trong Phật giáo gọi là nghiệp, tức nghiệp dị thục.

 

Nghiệp dị thục là loại nghiệp đi ngược lại với những gì mà những người trong cuộc, ở đây là Kim Trọng và Thúy Kiều đã từng gieo trồng, chăm bón, tưới tẩm từ những tháng ngày thơ mộng, trong sáng trước đó. Và họ đã cùng nhau đặt một niềm tin bất diệt vào một tương lai xán lạn, đợi chờ ngày đơm hoa, kết trái. Nhưng sự tha thiết, mòn mỏi đợi chờ, trông mong, kỳ vọng vào tương lai đó của đôi tài tử giai nhân gia giáo từng lấy trăng gối mộng, dệt nên muôn tiếng yêu thương than ôi đã không bao giờ xảy ra bởi có một loại nghiệp chướng bỗng đâu xuất hiện quá ư kỳ lạ! Đó là trận tiến công, đánh Bắc Hà bất ngờ, táo bạo lần thứ nhất của danh tướng Nguyễn Huệ vào tháng 6 năm Bính Ngọ 1786 dưới chiêu bài "Phù Lê Diệt Trịnh" mà nghe nói đầu cua tai nheo là do tướng tha hương Nguyễn Hữu Chỉnh kia khơi mào, vạch đường dắt dẫn. Chả biết câu chuyện này giới sử gia lắm chuyện mày mò ghi ghi chép chép có đúng hay không. Tạm thời cứ tin là như vậy.

 

Để nói chỗ này cho rõ, cho dễ nghe, dễ nhớ hơn nữa. Trong năm chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín thì Nhân là người, nhưng nhân cũng là những điều kiện, yếu tố, chi tiết vvv... Những điều kiện, yếu tố, chi tiết vvv... này nó được xuất phát từ sáu căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của con người. Vì vậy, nhân cũng là để chỉ cho sáu căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của một cá thể, chủ thể câu chuyện, vụ việc nào đó. Và khi cá thể, chủ thể nào đó làm một việc gì đó mà nếu nó cứ được lập đi, lập lại nhiều lần, nhiều ngày tháng thì những hành động, việc làm đó nó sẽ trở thành thói quen, cố tật khó bỏ, khó dứt. Mà thói quen chính là nghiệp. Nói đơn giản, ngắn gọn là như thế.

 

Như vậy, theo logic, theo đường đi của cái gọi là nhân quả thì nhân trước phải sinh ra nghiệp, tức thói quen, chứ không phải ra quả như các loại kinh sách và các nhà học giả Phật giáo đã kỳ công, mài miệt, ra sức soạn soạn biên biên, thuyết thuyết giảng giảng xưa nay như thế. Do đó, một lần nữa, chúng tôi xin xác định, câu Kiều 2241 là để chỉ cho chữ Nhân . Và câu 2242 tiếp theo chính là để chỉ cho chữ Nghiệp. Nghiệp nói cho nhiều nhưng thực chất chỉ có hai loại. Đó là nghiệp ác và nghiệp thiện như đã nói. Nghiệp ác chính là loại nghiệp dị thục đi ngược lại sự gieo trồng và mong chờ tha thiết, mòn mỏi của Thúy Kiều Thu Mai và Kim Trọng Nguyễn Du trong câu chuyện thâm cung bí mật tình sử chốn quan trường.

 

Vì thế, tiếp theo câu Kiều 2241: "Tiếc thay chút nghĩa cũ càng..." thì phải là câu mà Nguyễn Du dùng để chỉ ra loại nghiệp dị thục xuất hiện chỉ với mục đích duy nhất. Ngăn chặn mối tình thơ mộng, tha thiết, chốc mòng đợi chờ của đôi trai tài gái sắc vào lúc này. Câu 2242: "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng..." vì thế là một câu sai, bậy, hoàn toàn vô nghĩa, nó đã không còn đúng với văn bản gốc của thi hào Nguyễn Du dùng để chỉ cho nghiệp dị thục xuất hiện bất ngờ cản đường câu chuyện. Câu 2242 ấy viết như sau:

 

"Dẫu lìa chữ tín còn vương vấn tình..."

 

Như chúng tôi đã có nói ở trên. Câu Kiều 2241 này là lúc Nguyễn Du đang nói về đạo đức, văn hóa của dân tộc các nước Á đông, cả người Việt là Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, tức Ngũ thường. Bốn chữ Nhân Lễ Nghĩa Trí 亻禮義智 thì các bạn tạm thời cũng đã hiểu rồi. Riêng chữ Tín thì chưa. Muốn hiểu chữ Tín, yêu cầu các bạn phải đọc lại đoạn thơ sau đây thì họa may từ đó mới bắt đầu lờ mờ hiểu ra được câu chuyện từng được Nguyễn Du cài, nén, giấu cẩn thận, bí mật trong 3254 câu lục bát truyện Kiều.

 

Đoạn thơ ấy thế này, từ câu 713 đến câu 756:

 

"Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han.
Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình.
Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh,
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?".
Rằng: "Lòng đương thổn thức đầy,
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.
Hở môi ra cũng thẹn thùng,
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai!
Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót lời máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Chiếc thoa với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông theo ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phận sao phận bạc như vôi,
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi, thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!..."

 

Trong đoạn thơ này, hai câu 725-726 là lúc Thúy Kiều khởi ý bàn giao, phó thác tâm tình, tức muốn em Thúy Vân sẽ thay mình, kết nối tình duyên cùng tình quân Kim Trọng. Câu 729: "Sự đâu sóng gió bất kỳ..." là chỉ cho nghiệp dị thục xuất hiện. Và câu cuối 756 của đoạn thơ này Thúy Kiều cho biết mình đã phụ phàng, tức không thể giữ tròn chữ Tín với Kim Trọng được nữa rồi do nghiệp dị thục xuất hiện quá bất ngờ, không làm sao tượng tưởng ra cho nổi.

 

Như thế, căn cứ vào những chứng cứ đã nêu, giải thích cụ thể, chi tiết vừa rồi, thì có thể nói. Câu 2242: "Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng..." là câu đã bị chỉnh sửa, hay do tam sao thất bổn nên không còn đúng với nguyên bản gốc truyện Kiều của Nguyễn Du viết khi xưa.

 

Tại đây, chúng tôi sẽ chỉ ra những cái sai của câu 2242 này như sau.

 

1- Ngó ý là cái ngó gì?
2- Còn vương tơ lòng.

 

1- Các nhà bình luận, giảng luận văn học như Mai Văn Phấn, Xuân Diệu, Vũ Hạnh, vv... đều nhất loạt cho rằng "ngó ý" là ngó sen. Sau đây là trích đoạn những phân tích của các nhà văn học ở trên. Tài liệu lấy trên mạng, của tác giả Mai Văn Hoan:

 

Hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình, những người quan tâm đến Truyện Kiều xưa nay, khi đề cập đến hai câu này đều cho rằng Kiều đang nhớ và nghĩ về chàng Kim. Nhà thơ Xuân Diệu và nhà văn Vũ Hạnh cũng cho như vậy nhưng mỗi người lại có những cách lý giải, phân tích, khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

 

Nhà thơ Xuân Diệu bình một cách say sưa: "Đôi ta (Kim-Kiều) như cái ngó sen, cái cuống sen, chúng ta bị chia ra như cái ngó sen bị bẻ làm hai đoạn, nhưng khi ngó sen bị bẻ đôi và khẽ nứt ra thì ở giữa hai đoạn vẫn còn có những sợi tơ lòng của ngó sen níu lấy hai đoạn mãi thôi. Đây là một hình ảnh rất Á Đông, tôi cho là tác giả chọn hình tượng rất giỏi, đứt mà vẫn nối, xa nhau chúng ta vẫn yêu nhau, càng bị đời chia rẽ trái tim chúng ta càng níu lấy nhau (Nhà thơ thiên tài dân tộc Nguyễn Du)".

 

Trong khi đó nhà văn Vũ Hạnh lại cho rằng: "Gặp được Từ Hải, thấy đời mình đã có phần ổn định, thì nói về người tình cũ, Kiều đành chua xót bảo với lòng mình: 'Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng'. Như thế sau gần 10 năm lưu lạc mối tình đối với Kim Trọng đã biến thành nghĩa và là chút nghĩa nhỏ nhoi giờ đã xa xôi cũ kỹ lắm rồi, như vài sợi tơ mong manh vương vấn nơi lòng, thứ hoài niệm về một dĩ vãng tươi đẹp đã vỡ tan tành (Những khuôn mặt tình yêu trong Truyện Kiều)".

 

Xuân Diệu thì cho rằng Kim-Kiều vẫn yêu nhau, càng bị đời chia rẽ trái tim càng níu lấy nhau. Còn nhà văn Vũ Hạnh lại khẳng định mối tình của Kiều đối với Kim Trọng trong khi sống hạnh phúc với Từ Hải đã biến thành "nghĩa" và chỉ là "chút nghĩa nhỏ nhoi như vài sợi tơ mong manh vương vấn nơi lòng" mà thôi. Tôi cứ băn khoăn: Tại sao lại có cách hiểu, cách cảm, cách phân tích trái ngược nhau như thế? Xét trên phương diện logic tình cảm, tôi nghiêng về lời bình của nhà thơ Xuân Diệu. Nhưng xét trên phương diện hình thức diễn đạt thì tôi lại nghiêng về lời phân tích của nhà văn Vũ Hạnh.

 

Như vậy, đến đây, chúng ta có thể hiểu ý của tác giả Mai Văn Hoan như sau. Nếu đứng về nội tâm bên trong, thì lời bình của Xuân Diệu là đúng nhất. Còn về mặt hình thức, thì lời phân tích của nhà văn Vũ Hạnh trội hơn Xuân Diệu. Riêng tác giả Mai Văn Hoan lại cho rằng hai câu 2241-2242: "Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng..." là nói về chàng Thúc. Kiều nhớ và nghĩ về Kim Trọng ở hai câu tiếp theo: "Duyên em dù nối chỉ hồng, May ra khi đã con bồng con mang...".

 

Thưa các bạn, tóm lại. Chẳng những chỉ có ba nhà bình luận, giảng luận văn học ở trên xác định như vậy đối với các câu Kiều, nhất hai câu 2241-2242 mà còn rất nhiều những nhà thơ, nhà văn khác nữa cũng đều nhất trí như vậy khi bình, giảng về các câu Kiều đã nói. Nghĩa là họ đều nhất trí, cho rằng cái "ngó ý" chính là cái ngó sen!

 

Bạn vẫn đang còn nghe tiếp tục đấy chứ? (nhướng mắt...)

 

Không biết bạn nghĩ sao khi các nhà bình luận văn học Bắc Nam lại xúm cho cái "ngó ý" là cái ngó sen. Riêng chúng tôi thì chưa bao giờ có được cái diễm phúc, hân hạnh là từng được nghe ai đó nói cái "ngó ý" là cái ngó sen bao giờ cả! Mà chỉ từng nghe nói có cái ngó sen thôi. Các nhà bình, luận văn học chả hiểu thần kinh đã bị chập dây hay mất ổn định thế nào lại xúm đè cứng ngắc, cho cái ngó sen là cái "ngó ý" hay ngược lại. Chúng tôi xin giơ hai tay đầu hàng, bật ngữa nằm thẳng cẳng, miệng sùi bọt mép đống đống cho mớ lý luận quàng xiên, khùng khùng điên điên của đám nhà văn, nhà thơ này vậy. Ô hô! Thơ với chả văn. Lý với chả luận!

 

2- "Còn vương tơ lòng" là những từ sai biệt muôn trùng, mà phải nói là "còn vương vấn tình" thì mới đúng với nguyên bản của truyện Kiều, nhất tâm trạng của Nguyễn Du vào thời điểm cô đơn, chong đèn thâu đêm ngồi viết lại kỷ niệm, câu chuyện xa xưa, tức tình sử của mình với người trong mộng đầu đời. Trong thơ lục bát hay thơ Đường luật xin các bạn khắc ghi cho nguyên tắc bất di dịch này. Nếu từ, chữ đó thuộc thanh trắc, hay thanh bằng thì bạn không thể cải đổi từ dấu hỏi qua dấu sắc, hay dấu huyền qua không dấu. Điều này là không được và không bao giờ được!

 

Bạn cứ thử đọc thầm -phép thẩm âm- bốn chữ "còn vương tơ lòng" với "còn vương vấn tình" là biết ngay những chỉnh sửa của chúng tôi đúng hay sai liền thôi. Không chờ lâu đâu!

 

Bạn đọc, ngâm xong rồi chứ gì?

 

Như thế. Bạn đã hiểu. Câu Kiều 2242: "Dẫu lìa chữ tín còn vương vấn tình..." như đã nói là Nguyễn Du, nhưng nói Nguyễn Du là nói không đúng mà phải nói là của thể loại thơ Lục Bát dùng để chỉ cho chữ Nghiệp tiếp theo chữ Nhân là câu lục mở đường dẫn lối đi trước.

 

Nghiệp ở đây như đã nói chính là nghiệp dị thục, một loại nghiệp mang tính chất đi ngược lại với những gì mà chủ thể, người trong cuộc đang trông chờ, mong đợi đến thiết tha, mòn mỏi. Đó chính là cuộc cách mạng nông dân Tây Sơn khởi lên vào năm Tân Mão 1771 của ba anh em Tây Sơn mà điểm cao trào, cốt lõi của câu chuyện tình sử lâm li, bi đát chính là cuộc tấn công Bắc Hà lần thứ nhất năm Bính Ngọ 1786 của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ mà khởi đầu nghe nói là do tướng tha hương Nguyễn Hữu Chỉnh khơi mào, dắt dẫn.

 

Chúng ta khỏi cần phải đọc lại câu chuyện thâm nhập, chinh chiến Bắc Hà của tướng quân Nguyễn Huệ làm chi. Chúng tôi chỉ nhắc lại điểm quan trọng này. Khi cuộc tác hợp hôn nhân chính trị, cầu hòa của triều đình nhà Lê với danh tướng Tây Sơn bị bất ngờ thay đổi thì đó cũng là giây phút chia ly, gián đoạn mối tình thơ mộng, thanh cao giữa thi hào Khiêm Trọng Nguyễn Du và người đẹp nghiêng nước nghiêng thành Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai. Danh từ chuyên môn, đặc biệt trong Phật giáo gọi là Nghiệp dị thục.

 

Tiếp theo. Khi Nhân là điều kiện, yếu tố tốt đẹp, sẵn sàng đã mở đường cho Nghiệp nối bước, dặm dài trên con đường thiên lý, ngút ngàn thăm thẳm. Thì sau đó Báo là chữ sẽ kế tiếp, là những viên sỏi lót đường để cho Nghiệp thong thả, chậm rãi, cứ thế mà bước đi, tiến tới. Dù đó là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Vậy Báo là gì?

 

Báo trong tiếng Hán nghĩa là báo đáp, báo đền, báo ân hay là báo... oán, tức trả oán, trả hận. Báo nếu được hiểu sâu, rộng, xa thì báo gồm có chánh báo, tiền báo, hậu báo, y báo. Báo cũng còn là báo cô, báo đời, báo hại nữa đấy nhé!

 

Khi một con người xuất hiện trong cuộc đời, dù đó là người nghèo hay giàu, xấu hay tốt, thông minh hay tăm tối thì nên hiểu đó là chánh báo. Tức những gì chủ thể đó đã tạo ra trong quá khứ mà khi tái sanh trở lại thì những gì đã tạo ra từ trước đó nó sẽ đeo theo họ như bóng theo hình. Nói cho dễ hiểu, dễ nhớ đây là nhân vật, chủ thể chính của câu chuyện, vụ việc. Còn y báo là những điều kiện, yếu tố như xấu tốt, giàu nghèo, thiện ác hiện đang bao quanh giăng mắc, chập chùng để cho chánh báo nương tựa, hoặc chờ thời điểm thích hợp nào đó thì nó sẽ tuần tự tác động, vỗ, đập, đánh vào chánh báo, tức lên trên chủ thể.

 

Vì vậy, y báo cũng phải được phân chia, xếp đặt ra thứ tự trước sau, ngay trong hiện tại. Trước thì gọi là tiền báo, sau là hậu báo. Giữa hai đoạn này là chánh báo. Vì chánh tiếng Hán nghĩa là giữa. Y báo nói cho đầy đủ là sanh y báo. Sanh y báo nói thêm là những điều kiện đã đang bao quanh hay chờ chực sẵn để đáp trả, tác động lên trên chánh báo, tức chủ thể ngay tức thì khi điều kiện, nhân duyên, thời tiết đã chín mùi.

 

Vì thế, thưa các bạn, khi hai câu Kiều 2241-2242 đã được Nguyễn Du, ủa, nói lộn, cái miệng ưa ăn mắm ăn muối nên cũng hay ưa nói bậy, hỏi bậy. Đã được thể thơ Lục Bát tuyệt hay chỉ duy nhất có ở Việt Nam xác định như đinh đóng cột chính là đường đi của nhân quả thì câu Kiều 2243 tiếp theo là dùng để chỉ cho chữ Báo vậy. Ý nghĩa chữ Báo thì các bạn tạm thời cũng đã nắm được phần cơ bản, then chốt rồi. Chúng tôi ở đây chỉ muốn nói thẳng vào trọng tâm câu chuyện, tức ý nghĩa thật sự của câu Kiều 2243 nối theo.

 

Câu Kiều 2243 này trong tất cả các văn bản hiện có mặt trên thị trường văn học lá đổ muôn chiều đều ghi rằng:

 

"Duyên em dù nối chỉ hồng..."

 

Đây là một câu sai trầm trọng. Nhưng để biết được cái sai trầm trọng của câu 2243 này như thế nào thì chúng ta cũng cần phải hiểu qua nội dung đang là của nó cái đã.

 

Các bạn có đồng ý. "Duyên em" là nhân duyên của Thúy Vân. "Nối" là sự chắp nối, hay "nối" là những hành động, việc làm cụ thể, chi tiết nào đó của Thúy Vân trong câu chuyện, vụ việc. "Chỉ hồng" là tơ duyên, hay "chỉ hồng" dùng để chỉ cho hạnh phúc hoặc sự tác hợp từ bên ngoài để cho đôi lứa nên nghĩa vợ chồng. Sau hết, "dù" là một liên từ, liên từ này thường được sử dụng để nối ý trước, ý sau thành một câu hoàn chỉnh, liền mạch, không bị ngắt nghĩa, tức câu vô nghĩa.

 

Các bạn có chấp nhận giải thích chúng tôi vừa nêu ra hay không?

 

Thế thì, nhân duyên của Thúy Vân đã như thế nào mặc dù đã được, hay từ khi được chắp nối mối chỉ hồng, tức đi đến cuộc hôn nhân, tình duyên với ai đó?

 

Để dẫn, nói ra chỗ này, xin cho câu ví dụ có liên từ "dù" cái đã. "Tôi vẫn đứng mãi đó dù anh bỏ đi rất lâu rồi". Câu này có hai ý, ý trước và ý sau trái ngược với nhau. "Dù" là từ ở giữa để chỉ ra lập trường của chủ thể, hoặc dùng để nối ý trước, ý sau thành câu thống nhất. Nhưng đây chỉ là một câu duy nhất, nên ai cũng hiểu dễ dàng ý nghĩa trần trụi, phơi bày của nó. Thêm nữa, câu văn này vẫn còn nguyên bản, chưa bị chỉnh sửa. Chứ nếu câu này đã bị chỉnh sửa thì sẽ là câu khó hiểu, khó phân tích.

 

Ví dụ, câu sẽ bị sửa: "Tôi vẫn đứng mãi đó dù anh cũng còn đứng đó". Đây là câu vô nghĩa. Tại sao? Bởi ý trước, ý sau cùng một nghĩa. Cái sai của câu này chính là do từ, chữ "dù". Đúng ra, từ "dù" này nên thế vào bằng từ "vì" hay "do" thì mới đúng, và nó mới nêu lên được ý nghĩa mà chủ thể muốn nói, muốn nhấn mạnh. Như: "Tôi vẫn đứng mãi đó vì anh cũng còn đứng đó", tức tôi không thể bỏ đi vì anh cũng còn đứng ở đó.

 

Đây cũng là câu văn duy nhất nên cũng dễ hiểu, và cũng rất dễ để biết những cái sai, cái đúng của nó. Riêng câu Kiều 2243 thì lại rất khó để nhận ra cái sai, cái vô nghĩa của nó. Muốn biết, muốn nhận ra cái sai, cái đúng của câu 2243 này như thế nào thì có một cách, đó là cần phải đọc câu bát tiếp theo ở dưới vậy. Câu bát 2244 tiếp theo như sau:

 

"May ra khi đã tay bồng tay mang..."

 

"May ra" cũng có thể hiểu là "xem ra". Hoặc "may" là sự may mắn. "Ra" chỉ là từ trợ ngữ. "Khi đã tay bồng tay mang" tức là vào thời điểm Thúy Vân đã có con bồng con bế trên tay. Kèm theo là những trách nhiệm đa mang -tay mang- của một người vợ, người mẹ đối với chồng, con và gia đình, họ hàng hai bên. Nói tóm gọn là trách nhiệm của Thúy Vân đối với chồng con khi đã về làm vợ cho người nào đó. Đem nối, nhập câu bát này với câu lục ở trên "Duyên em dù nối chỉ hồng" lại thì chúng ta mới thấy ra cái sai của hai câu ghép vì nó tạo ra sự xung đột, chống đối lẫn nhau. Mà thay vì đó phải là hai câu tạo ra được sự gắn kết, liền mạch để nói lên sự việc gì đó của người trong cuộc, nhưng hai câu này khi đọc qua chúng ta thấy nó đã không làm tròn được phận sự, là dùng để chỉ, nói ra được sự liên kết của hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, là từ lúc Thúy Vân nhờ qua mai mối của ai đó đã nối được mối chỉ hồng -kết nghĩa vợ chồng- với người nào đó. Trường hợp thứ hai, là Thúy Vân cũng đã rất may mắn từ khi lập gia đình, chắp mối chỉ hồng với ai đó, và trên tay hiện đã có con bồng con bế, cùng với những trách nhiệm, thiên chức đa mang của người mẹ, người phụ nữ mà bất cứ ở thời đại, thời kỳ nào người phụ nữ cũng phải luôn luôn làm tròn phận sự, hết chức năng của mình.

 

Chỉ có nêu, nói lên được các ý nghĩa, trách nhiệm cụ thể, chi tiết như thế của hai câu 2243-2244 thì từ đó chúng ta mới có điều kiện để thấy ra cái sai, bậy của hai câu hiện nằm trong tất cả các bản Kiều hiện có mặt trên thị trường văn học lá đổ muôn chiều Bắc Nam xưa nay. Theo chúng tôi, câu 2243 cần phải chỉnh sửa, phục hồi chữ nghĩa lại như sau thì mới đúng với văn bản gốc của Kiều, nhất mới đúng với câu bát 2244 nếu đem hai câu này sát nhập lại để lấy ra nghĩa liên kết của sự việc, vấn đề. Đây là câu 2243 chỉnh lại của chúng tôi:

 

"Duyên em từ nối chỉ hồng..."

 

Câu lục 2243 này muốn nói rằng từ khi Thúy Vân được chị của mình là Thúy Kiều chắp mối duyên lỡ làng, bẽ bàng của chị cho mình với chàng Khiêm Trọng vào một đêm tối trời xa xưa trước khi chị lên đường, ra đi biền biệt với một người nào đó về phương trời viễn xứ xa xôi nào đó. Đồng thời, qua câu lục 2243 đã chỉnh sửa, phục hồi chữ nghĩa, trả lại văn bản gốc của Kiều như trên thì chúng ta cũng phải chỉnh sửa nốt câu bát 2244 ở dưới để ý nghĩa câu chuyện sẽ được phơi bày cụ thể qua sự trần tình, tâm sự nhỏ to, vắn dài của người trong cuộc. Câu 2244 phải được chỉnh lại như sau:

 

" khi cũng đã tay bồng tay mang..."

 

Hoặc:

 

"Đến nay cũng đã tay bồng tay mang..."

 

Hoặc là:

 

"Nay ra cũng đã tay bồng tay mang..."

 

Chỉ có dám chấp nhận hành động đọc và hiểu văn bản là quy định, thông báo đúng đắn, hợp lý của bộ môn văn học cùng với việc chỉnh sửa các từ, chữ sai lệch do bị cố ý chỉnh sửa hay do tam sao thất bổn của rất nhiều hạng người và nhiều tổ chức có thế lực trong xã hội xưa nay thì những sự thật, ý nghĩa đúng đắn, chính xác của từ, chữ, của câu chuyện từ đó mới có thể phơi bày ra cụ thể, rõ ràng qua sự giải thích, phân tích của chúng tôi. Còn nếu các câu sai lệch nói trên do đã bị chỉnh sửa be bét này mà cứ để y nguyên như thế rồi mang ra phân tích, bình giảng trên các phương tiện thông tin nghe nhìn thì chúng tôi e rằng đó chỉ là những việc làm nông nỗi, vô nghĩa, công cốc, thiếu trách nhiệm đối với con người và xã hội của các nhà làm công tác văn học hai miền Bắc Nam xưa nay vậy.

 

Câu 2243 khi đã qua chỉnh sửa, sự thật đã được phục hồi thì chúng ta sẽ thấy câu này mang nội dung chính là sự đền trả, báo đáp của Thúy Kiều đối với tình quân Kim Trọng khi Thúy Kiều thiết tha mong muốn người em song sinh Thúy Vân của mình sẽ nghe theo lời mình mà tiến đến hôn nhân, chắp mối duyên lỡ làng, bẽ bàng của chị với chàng Kim Trọng. Và sự thật câu chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Ai đọc Kiều đến đoạn cuối cũng quá biết sự việc đã từng diễn ra như thế. Riêng chúng tôi chỉ muốn các bạn lưu ý cho chỗ quan trọng này. Các bạn hẳn còn nhớ, hai câu 2241-2242 như đã nói chính là nội dung của hai chữ Nhân và Nghiệp . Còn câu 2243 thuộc về chữ Báo , là sự đền đáp, báo đáp của Thúy Kiều đối với tình quân Kim Trọng trước giờ lên đường, ra đi biền biệt về phương trời viễn xứ ở trong kia với người đã tạo ra trận cuồng phong lịch sử vào tháng 6 năm Bính Ngọ 1786 trên đất Bắc Hà với chiêu bài Phù Lê Diệt Trịnh qua sự mào đầu, viện dẫn lý sự viên dung của tướng tha hương Nguyễn Hữu Chỉnh. Và sự việc đã diễn ra đúng như những gì hai con người lịch sử này đã từng bàn bạc, thảo luận trước giờ phất cờ lệnh, trẩy quân chinh phạt Bắc Hà.

 

Còn câu bát 2244 khỏi nói các bạn cũng biết đó là kết quả, nói rút gọn là Quả , ở đây là chung cuộc của mối tình chắp nối lỡ làng, bẽ bàng từ chị sang em của câu chuyện tình sử chốn quan trường xảy ra vào thời điểm Bắc Bình vương Nguyễn Huệ kéo quân đánh Bắc Hà lần thứ nhất. Nhân Nghiệp Báo Quả 因業報果 là hệ thống, là đường đi từ khởi thủy đến chung cuộc của bất cứ câu chuyện, vấn đề, vụ việc nào đó trong nền tảng giáo lý cơ bản của Phật giáo. Nói đúng hơn là phát hiện sự thật của Đức Phật. Chứ Đức Phật không phải là người sáng tạo ra hệ thống giáo lý cơ bản này. Những ai nói ngược ngạo, đảo lộn là Nhân Quả Nghiệp Báo 因果業報 thì đó là người vô minh, thiếu nhận thức đúng đắn, đã mất tỉnh giác hoàn toàn rồi vậy. Đây được xem là kẻ ăn theo nói leo, là kẻ tà kiến, đã tự mình rớt ra khỏi con đường giải thoát chân chính của Phật giáo. Suốt cuộc đời chỉ còn biết bu bám vào mớ giáo lý thập cẩm, tả bí lù, mù mờ, thui chột, cả đám sống lay lắt, đeo bám, ký sinh trên sự nhẹ dạ cả tin của đám người u mê, cuồng tín ngày đêm rậm rật nhảy múa chập cheng cheng chập xung quanh. Tội nghiệp.

 

Riêng Nhân Nghiệp Báo Quả 因業報果 được chúng tôi vận dụng, triển khai nói, giải thích cụ thể, chi tiết ở đây không phải là của Phật giáo, mà là của thể thơ Lục Bát tuyệt hay chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Thể thơ này đã được thi hào Nguyễn Du sử dụng để viết lên câu chuyện tình sử chốn quan trường dài ngút ngàn, thăm thẳm 3254 câu tuyệt hay, không chê vào đâu được, nội dung là kể lại những sự việc có thật, phần khởi đầu tại điện Kính Thiên thuộc Thăng Long Hà Nội, phần kết thúc tại kinh đô Phú Xuân, là nơi câu chuyện xảy ra.

 

Như vậy, bốn câu 2241-2242-2243-2244:
"Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa chữ tín còn vương vấn tình.
Duyên em từ nối chỉ hồng,
Nay ra cũng đã tay bồng tay mang..."

 

chính là nỗi lòng, tâm sự của Bắc Cung Hoàng Hậu Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai trong thời điểm chồng của mình là tướng giặc Từ Hải, tức Hoàng Đế Quang Trung trên đường kéo đội hùng binh cứu viện Tây Sơn Bắc tiến chuẩn bị cho trận đánh giặc Thanh từ giữa tháng 09 năm Mậu Thân 1788. Bốn câu này là đoạn giữa, còn đoạn khởi đầu là từ câu 2213 "Nửa năm hương lửa đương nồng..." cho đến câu 2288 "Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày..." là lúc tướng giặc Từ Hải, tức Hoàng Đế Quang Trung chỉ nội trong năm ngày đã dẹp sạch đám giặc cọp beo Thanh triều tại năm cứ điểm hùng hiểm Thăng Long thành kéo quân về lại Phú Xuân, chuẩn bị duyệt binh hát khúc khải hoàn, làm lễ ăn mừng thắng lợi trước ba quân tướng sĩ và nhân dân kinh đô.

 

Tóm lại. Câu 2241"Tiếc thay chút nghĩa cũ càng..." và câu 2242 "Dẫu lìa chữ tín còn vương vấn tình..." là tâm sự, nỗi lòng ủ ê của Bắc Cung Hoàng Hậu Thúy Kiều Thu Mai khi nhớ lại câu chuyện ngày xưa, ngày mà bà hãy còn là cô con gái thơ ngây đã cùng với người thầm thương trộm nhớ Khiêm Trọng trao cho nhau lời ước hẹn ban sơ trong vườn thúy vào một đêm trăng thơ mộng nào đó. Những tưởng mối tình trong sáng, thanh cao, đẹp tựa bài thơ của hai người rồi sẽ đi đến cái chung cuộc, có hậu như bao câu chuyện, mối tình nam thanh nữ tú khác, trong xã hội. Nhưng lòng người muốn một đàng, ý trời lại khiến một nẻo. Khi vào đúng ngay thời điểm đó thì nghiệp dị thục từ đâu xuất hiện, bỗng dưng chiến cuộc nổi lên, là lúc Bắc Bình vương Nguyễn Huệ bất ngờ kéo đoàn quân thiện chiến từ Thuận Hóa ra đánh chiếm Bắc Hà lần thứ nhất vào năm Bính Ngọ 1786. Theo đó, Thúy Kiều Thu Mai hữu ý vô tình lại được đánh tráo, thế vào vị trí của Công chúa Lê Ngọc Hân, người đã được vua Lê và triều thần quyết định gã cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ trước đó.

 

Khi sự việc bất chợt xảy ra như thế, thì cũng là lúc tất cả mọi giao ước, hẹn thề giữa Khiêm Trọng Nguyễn Du và Thúy Kiều Thu Mai trước đó đành phải tan vỡ, lỡ làng, năm chữ Ngũ thường Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín 亻禮義智信 của những con người tri thức, gia giáo, một lòng tôn sư trọng đạo, son sắt thủy chung, đức hạnh vẹn toàn của nề nếp văn hóa chuẩn mực xã hội, gia đình thời xa xưa ấy vì thế bấy giờ cũng chỉ còn là dư âm, kỷ niệm réo rắc nhớ tiếc, ngẩn ngơ của hai kẻ đứng ở hai phương trời cách biệt. Nhưng, dầu sao, tuy Thúy Kiều Thu Mai đã không còn giữ lời ước hẹn với người xưa, tuy thế, trước khi ra đi nàng cũng có gởi lại cho tình quân Khiêm Trọng người em song sinh của mình để thay mình làm tròn trách nhiệm với chàng. Đây được xem là chút tình cảm duy nhất còn vấn vương, sót lại giữa Thúy Kiều và Khiêm Trọng Nguyễn Du. Để rồi từ chút tình cảm nhỏ nhoi, cách xa vời vợi này mà hai người mới có cơ hội gặp lại về sau, là lúc kẻ thù không đội trời chung Quang Trung Nguyễn Huệ đã bất chợt ra đi vào tháng 09 năm Nhâm Tý 1792.

 

Hai câu 2241-2242 ở trên là dụ, là nội dung của hai chữ Nhân  và Nghiệp . Riêng câu 2243 "Duyên em từ nối chỉ hồng..." được xem là thì quá khứ, là câu khơi lại dĩ vãng, là chút tình nhỏ nhoi của Thúy Kiều đối với người xưa. Câu này dụ cho nội dung chữ Báo . Báo như đã nói gồm chánh báo, y báo, tiền báo, hậu báo, sanh báo, tiểu báo, đại báo. Còn câu 2244 "Nay ra cũng đã tay bồng tay mang..." là câu của thì hiện tại, hiện tại là lúc Thúy Kiều Thu Mai đang ngồi một mình ở kinh đô Phú Xuân trong lúc chồng đang trên đường đánh giặc ở phương xa. Câu 2244 này là nội dung của chữ Quả . Quả là kết quả, thành quả, là sự kết thúc, chung cuộc của bất cứ vụ việc, vấn đề, câu chuyện nào đó. Chứ nó không riêng của câu chuyện, của bốn câu Kiều này.

 

Viết thêm đoạn. Thiết nghĩ, thơ Lục Bát ngoài những gì mà những người làm thơ xưa nay đều đã biết, thì chỗ tuyệt hay, có một không hai còn lại như chúng tôi đã nói đó chính là hệ thống, là đường đi của Nhân Nghiệp Báo Quả 因業報果 trong hệ thống giáo lý cơ bản, vững chắc của nhà Phật đã được Đức Phật triển khai, phát hiện từ rất xa xưa. Nhưng hiện nay thể thơ trữ tình tuyệt hay này đã bị các nhà thơ tục gọi là thơ mới mang ném vào sọt rác kể từ năm 1930. Từ đó nhóm thơ lộn xộn, mất trật tự, trước thẳng sau quẹo giữa nhấp nhô này chỉ còn biết ba thứ thơ con cóc sặc máu, lung tung chữ nghĩa lượm mót của đám Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nga, Hung, Tiệp, vvv... ăn uống xong ỉa đái, quăng ném đầy đường, đầy ngõ hốt về xào nấu, thêm chút bột ngọt, muối, tiêu, ớt tỏi rồi múc ra bát đĩa, bưng lên bàn xúm lại lua húp rột rẹt cho là ngon quá, ngon quá! Thiệt là dị hợm, hết biết cho nhóm thơ con cóc sặc máu, lung tung chữ nghĩa kia!

 

Bài viết này chúng tôi khởi viết từ khoảng tháng 7-8 năm 2017 tại Tịnh xá Ngọc Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định. Sau do có nhiều duyên sự cản trở nên đành phải gác lại cho đến hôm nay mới viết thêm khoảng 3 trang A4. Viết vừa mới xong.

 

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.

 

Chú thích:
*1- Xử nữ là gái đồng trinh.
*2- Xưa có Tạ Côn đời nhà Hán, ghẹo cô gái hàng xóm, bị cô ta ném con thoi vào mặt, gãy mấy cái răng.
*3- Ngày xưa ở Trung Quốc cứ đến tháng Hai thì trai gái mở hội "phốc điệp" (bắt bướm) để vui với nhau.
*4- Doanh mãn, nghĩa là đầy đủ. Ý nói, bất cứ việc gì mà con người được hưởng quá ư đầy đủ thì trời ghét.
*5- Lúc vợ chồng mới về với nhau, đêm tân hôn uống chung chén rượu, gọi là hợp cẩn.

 

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang