2- VĂN HỌC VÀ SỰ SO SÁNH NHỮNG ĐÚNG SAI
Đây là bốn câu khổ đầu của bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, một nhà thơ lỗi lạc sống vào thời Trung Đường, bên Tàu sáng tác. Bài thơ này đã được văn học hai miền Nam Bắc thống nhất, đưa vào giảng dạy trong văn học nhà trường qua bản dịch theo thể Song thất lục bát nhịp 3/4 tuyệt hay của cao thủ Phan Huy Vịnh. Cũng có tài liệu nói rằng người chuyển dịch là Phan Huy Thực, không phải Phan Huy Vịnh như tương truyền. Điều này cũng khó xác quyết ai là tác giả bản dịch nổi tiếng này đối với tác phẩm bất hủ của Bạch Cư Dị.
Với chúng tôi thì không quan tâm lắm chuyện ai là tác giả bản dịch. Mà chúng tôi chỉ quan tâm những đúng sai trong bản dịch, kể cả bản gốc bằng chữ Hán. Vậy sau đây xin mời các bạn đọc qua những phát hiện chồng chéo, nhập nhằng, mơ hồ của chúng tôi đối với tác phẩm kinh điển này của Trung Hoa và Việt Nam. Khổ đầu bài thơ nguyên bản bằng chữ Hán viết như sau:
Dịch âm:
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền...
Dịch nghĩa:
Ban đêm đưa tiễn khách ở đầu sông Tầm Dương,
Gió thu thổi vào lá phong, hoa lau hiu hắt.
Chủ nhân xuống ngựa, khách trong thuyền,
Nâng chén rượu muốn uống (mà) không có đàn sáo...
Dịch thơ:
Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti...
Phần dịch âm, dịch nghĩa và dịch thơ này chúng tôi lấy trên mạng xuống. Khi chúng tôi đem cách dịch trên mạng này đối chiếu với bản dịch của Phan Huy Vịnh do Nguyễn Quốc Siêu giới thiệu, trang 160 trên tập sách BẠCH CƯ DỊ-TỲ BÀ HÀNH của Tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp biên soạn thì phát hiện có những sai lệch, không đồng nhất như sau. Mời các bạn đọc lại những đối lập của hai văn bản, một trên mạng và một trong văn học nhà trường do Tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp biên soạn. Sách này do NXB Tổng hợp Đồng Nai ấn hành 10/2003.
Câu dịch nghĩa thứ ba, lấy trên mạng là:
1/ Chủ nhân xuống ngựa, khách trong thuyền...
Câu dịch nghĩa thứ ba, trong sách Ts Hồ Sĩ Hiệp là:
2/ Ta xuống ngựa đưa khách lên thuyền...
Với hai câu văn thế này tất sẽ làm cho người đọc khởi lên hai luồng suy luận, tư tưởng khác nhau. Một. Là khi chủ nhân, tức Bạch Cư Dị lúc nhảy xuống khỏi lưng ngựa, hay bước xuống khỏi xe ngựa thì đã thấy người bạn mà mình đến tiễn đưa đã ngồi sẵn trong thuyền rồi. Nhưng khi đọc qua câu thứ hai trong sách của Ts Hồ Sĩ Hiệp thì sự việc lại khác đi, tức người bạn hay người khách được Bạch Cư Dị đưa từ dưới đất bước lên trên thuyền. Vậy có thể người bạn này ngồi chung xe ngựa cùng Bạch Cư Dị trên đường ra bến Tầm Dương. Khi đến nơi, Bạch Cư Dị đưa bạn lên thuyền trước, rồi mình bước lên sau. Còn xe ngựa có thể Bạch Cư Dị thuê bao để đi ra bến. Cũng có thể đó là xe ngựa riêng, dành cho Bạch Cư Dị để mỗi khi đi đâu sẽ có phương tiện thuận tiện di chuyển dễ dàng. Vì Bạch Cư Dị dù là quan bị biếm trích nhưng vẫn được hưởng những ưu đãi nào đó của triều đình trong thời gian còn làm việc.
Phần chi tiết này cũng không có gì quan trọng lắm.
Như vậy, qua suy luận, câu dịch nghĩa thứ ba trong sách của Ts Hồ Sĩ Hiệp theo chúng tôi là chính xác nhất, không phải như câu dịch sai lệch trên mạng là người bạn đã ngồi sẵn trong thuyền. Nhưng nếu nói câu dịch nghĩa thứ ba trong sách của Ts Hồ Sĩ Hiệp là chuẩn xác thì lại nảy ra mâu thuẫn rất khó chấp nhận cho nổi cách nào. Bởi dựa vào đâu mà Phan Huy Vịnh dịch nghĩa câu thứ ba ra là: "Ta xuống ngựa đưa khách lên thuyền?". Trong khi câu dịch âm từ nguyên bản chữ Hán là: "Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền: Chủ nhân xuống ngựa, khách trong thuyền?".
Các bạn có thấy sự mơ hồ, nhập nhằng, tào lao thiên tướng của câu thứ ba về âm, về nghĩa của các nhà dịch giả hay không? Đó là chưa nói câu nhập nhằng, mơ hồ thứ ba này khi được dịch qua thơ thì lại ra như sau: "Người xuống ngựa, khách dừng chèo...". Khách tại thuyền, tức khách đã ngồi sẵn trong thuyền mà dịch thành khách dừng chèo nghe được sao? (nhướng mắt...)
Riêng câu dịch nghĩa, dịch thơ thứ tư cũng là một cái sai rất lớn nữa. Câu này như sau: "Nâng chén rượu muốn uống mà không có đàn sáo". Câu dịch thơ là: "Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti". Trong khi câu dịch âm nguyên bản chữ Hán là: "Cử tửu dục ẩm vô quản huyền". Cử 擧 là giơ lên, nâng lên, như văn học Trung Hoa có điển tích vợ chồng Lương Hồng-Mạnh Quang qua câu Cử bát ngang mi: Nâng bát ngang mày. Tửu 酒 là rượu. Dục 欲 là tham muốn, ý muốn. Nhưng dục ở đây, trong văn bản cần phải được hiểu sát nghĩa đối với tình cảnh hiện tại. Dục là tình cảm đối đãi giữa hai bên lúc đang thù tạc chén vơi chén đầy. Vì vậy, dục có nghĩa là tình. Tình cũng có nghĩa là chén rượu lễ, rượu tình của Bạch Cư Dị và bạn trước lúc đi xa.
Ẩm 飲 là uống, cũng như thực là ăn. Ghép chung là ẩm thực, tức ăn uống. Vô 無 nghĩa là không, nhưng với văn bản, với hiện trạng lúc này của hai người bạn trước lúc chia tay nếu dịch Vô 無 ra không là sai, không đúng. Mà phải dịch Vô 無 là thiếu thì mới sát nghĩa. Quản 管 tiếng Hán là cây sáo nhỏ. Huyền 弦 là cây đàn.
Như thế, câu nguyên âm chữ Hán thứ tư của khổ thứ nhất "Cử tửu dục ẩm vô quản huyền" này cần phải dịch ra thơ như sau: "Chén tình nâng cạn thiếu đàn hát ca..." thì mới sát nghĩa, nhất mới đúng với tình cảnh, tâm tư của hai người bạn vào lúc ấy trên bến Tầm Dương trước lúc chia tay. Đúng ra, câu này cũng có thể dịch ra thơ như cách sau nữa: "Chén tình nâng cạn thiếu đàn sáo ca...". Bởi từ quản 管 tiếng Hán là sáo. Nhưng nếu cứ dịch theo ngữ nghĩa của từng chữ như vậy thì nhiều khi lại không hay vì quá rườm rà, luộm thuộm, khiến câu dịch thơ không còn súc tích, gãy gọn, nhất không gợi mở chiều hướng động não, tư duy đối với người đọc và khả năng cảm thụ riêng biệt. Mà chỉ cần dịch đơn giản, ngắn gọn là: "Chén tình nâng cạn thiếu đàn hát ca..." là đủ lắm rồi. Hãy để câu dịch nghĩa nói rõ chi tiết, cụ thể là hơn.
Đến đây, chúng tôi xin chỉnh, định nghĩa và hệ thống lại các câu của khổ thứ nhất của bài thơ TỲ BÀ HÀNH đã bị dịch sai lệch hoặc do tam sao thất bổn của tất cả các dạng văn bản hiện có mặt trên thị trường văn học trong nước, ngoài nước này như sau:
潯 陽 江 頭 夜 送 客
枫 荻 葉 花 秋 瑟 瑟
主 人 下 馬 客 上 船
舉 酒 欲 飲 無 管 弦
Dịch âm:
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong địch diệp hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân hạ mã khách thượng thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền.
Dịch nghĩa:
Trên bờ sông Tầm Dương, vào ban đêm, ta tiễn đưa người bạn đi xa,
Gió thổi mạnh từng cơn khiến cỏ cây hoa lá mùa thu kêu lên xào xạc nghe thật thê lương.
Ta liền xuống ngựa đưa khách lên thuyền,
Cùng nhau nâng rượu biệt ly uống cạn, chỉ tiếc không có đàn sáo để hát ca.
Dịch thơ:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Nhập phong ba lau lách sầu thương.
Người xuống ngựa, khách lên thuyền,
Chén tình nâng cạn thiếu đàn hát ca...
Trong bốn câu này, chúng tôi chỉ chỉnh sửa lại những câu sai lệch, còn vẫn giữ nguyên những câu chuyển nhịp Song thất lục bát của tác giả Phan Huy Vịnh hay Thực gì đó. Bởi đây là bản chuyển nhịp 3/4 tuyệt hay của tác giả Phan Huy Vịnh. Chỉ đáng tiếc là trong nguyên bản chữ Hán của Bạch Cư Dị do có những chữ bị chép sai nên mới dẫn tới tình trạng dịch sai của Phan Huy Vịnh. Như câu nguyên âm thứ hai chẳng hạn. Câu này đúng ra phải là: "Phong địch diệp hoa thu sắt sắt". Phong địch 枫 荻 là gió thổi mạnh, đánh mạnh vào cỏ cây, hoa lá mùa thu. Diệp hoa 葉 花 là lá và hoa. Thu 秋 là mùa thu. Sắt 瑟 nếu đứng riêng một chữ thì chỉ là cây đàn sắt có 25 dây. Nhưng nếu nhập hai chữ sắt sắt 瑟 瑟 lại thì đó là tiếng kêu xào xạc, san sát. Chứ không phải "Phong diệp địch hoa thu sắt sắt". Do chủ quan và y cứ vào bản chữ Hán nguyên bản nhưng đã bị sai có thể do tam sao thất bổn này nên tác giả Phan Huy Vịnh mới dịch ra câu nghĩa và thơ như bạn đã thấy ở trên tất cả các văn bản là: "Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu...".
Chỉ có viết hay đặt sai, đúng nội một chữ, từ thôi thì toàn bộ câu thơ, ý văn sẽ bị đảo lộn, không còn đúng với nguyên bản, với hiện trường và tâm tư của tác giả.
Tiếp nữa là câu ba. Câu này không phải là: "Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền". Bởi câu trong văn bản của Phan Huy Vịnh dịch nghĩa ra rõ ràng là: "Ta xuống ngựa đưa khách lên thuyền...". Qua câu dịch nghĩa thế này của Phan Huy Vịnh chúng tôi dám xác định. Câu này vẫn còn đúng nguyên âm chữ Hán của Bạch Cư Dị là: "Chủ nhân hạ mã khách thượng thuyền". Bởi vì vẫn còn đúng với nguyên bản gốc Hán cho nên khi xưa Phan Huy Vịnh mới có thể hạ bút, dịch ra câu văn: "Ta xuống ngựa đưa khách lên thuyền" được chứ?
Phải không các bạn?
Thêm nữa là câu dịch nghĩa thứ tư như sau: "Nâng chén rượu muốn uống (mà) không có đàn sáo...". Nếu câu dịch nghĩa thứ tư đã như thế này thì tại sao câu dịch thơ thứ tư cũng của Phan Huy Vịnh lại có thể là: "Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti?". Bạn có thấy đây là một cái sai trầm trọng hay không? Bởi ba chữ cuối của câu nguyên bản là vô quản huyền 無 管 弦 mà Phan Huy Vịnh dịch cách nào để ra được bốn chữ trên trời dưới đất là nhớ chiều trúc ti?
Lạ quá! Lạ quá! (vò đầu bứt tai...)
Do đó, có thể nói. Câu thứ ba nguyên âm chữ Hán: "Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền" và câu dịch thơ thứ tư "Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti" là hai câu sai quá sai! Nghĩa là hai câu này một là đã bị sai từ trong văn bản gốc bên Trung Hoa. Hai là cách dịch của Phan Huy Vịnh. Ba là cái sai diễn ra sau thời Phan Huy Vịnh tồn tại rất xa. Và bởi vì đây là những câu sai nên chúng tôi cần phải chỉnh lại cho đúng với nguyên bản gốc của Bạch Cư Dị. Chỉ xin bạn đừng hỏi ngớ ngẩn là căn cứ vào đâu để xác định đây là những câu sai, còn câu chỉnh lại mới là câu đúng. Đây thuộc về khả năng của mỗi người. Hỏi như vậy là còn ngây thơ lắm đấy nhé!
Đó là xin chưa nói cái sai nghiêm trọng trong câu nguyên âm chữ Hán thứ hai: "Phong địch diệp hoa thu sắt sắt" thành "Phong diệp địch hoa thu sắt sắt...".
Tóm lại. Với những cách dịch sai lệch, tào lao thiên tướng do không có khả năng đọc và phân tích những đúng sai các dạng văn bản của các nhà dịch thuật văn học Việt Nam xưa nay nên có thể nói. Văn học Việt Nam mãi mãi ngụp lặn trong vũng lầy tăm tối, ngầy ngụa. Chỉ giỏi đánh trống la làng, mèo khen mèo dài đuôi mà thôi. Điển hình là tập sách TÂM HỒN CAO THƯỢNG của tác giả người Ý Edmondo De Amicis do First News dịch. Và bài thơ TỲ BÀ HÀNH bất hủ thể hành của nhà thơ lỗi lạc Bạch Cư Dị do dịch giả Phan Huy Vịnh chuyển nhịp Song thất lục bát 3/4 đồng ý tuyệt hay. Nhưng xét ra không thể mang ra sử dụng rộng rãi, nhất đưa vào văn học nhà trường bởi những hạt sạn cộm tròng mắt vô cùng đau đớn mà chúng tôi đã vạch lá tìm sâu và các bạn đã đọc.
Trong hai tác phẩm này nổi tiếng này còn vô vàn những cái sai nữa chứ không phải chỉ bấy nhiêu. Chưa nói hiện cũng còn quá rất nhiều các tác phẩm nữa thuộc dạng đầu gà đít vịt do các nhà dịch thuật chụp giựt xưa nay khảo dịch. Cụ thể là Truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân Nguyễn Du và các bài văn thơ nghiệt ngã hiện nằm trong các tuyển tập của giòng họ NGÔ GIA VĂN PHÁI, vân vân và vân vân...
Thế thì học văn với sử để làm gì?
Chào các bạn.
Tuy Phước, lúc 16h35 ngày 1 tháng 04 năm 2018.
Bốn niệm xứ