Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

GÓP NHẶT CÁT ĐÁ

GÓP NHT CÁT ĐÁ
Bài viết này có 8 ảnh. Ảnh thứ nhất là một căn nhà trống, bỏ không, cửa khóa, không ai ở, của một Phật tử ở Vinh, mua rồi để đó, ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Chúng tôi ra đây cuối năm 2018, lúc đầu ở khu bên kia, nơi có mấy cái thất (ảnh dưới), cùng một kiểu xây, hai nơi cách 50m. Sau chuyển qua căn nhà bỏ trống này ở để sử dụng nguồn nước giếng đào, rất sạch, sâu 10m, xách nước bằng gàu, của căn nhà này. Khu có mấy cái thất sử dụng nước giếng đóng, nhưng nước bị phèn, bơm lên màu vàng đục, sợ y áo giặt lâu ngày bị ố vàng. Ráng ở được gần 2 tháng, về sau phải chuyển qua căn nhà bỏ trống này cho tiện việc nước non. Tất nhiên khi dọn từ bên kia qua bên này phải có sự đồng ý của chủ nhà. Đó là một cô giáo dạy văn cấp 2, nhà ở Vinh. Đã đang ăn chay trường được vài năm, trước khi chúng tôi di chuyển, ra vùng ngoài này.

nhà

Khi chuyển hết đồ đạc qua căn nhà bỏ trống, thì việc trước tiên, là cần phải có cái giường nằm cá nhân. Nếu mua cái giường mới, bán sẵn ở mấy cơ sở sản xuất đồ mộc tủ, bàn, bàn thờ ở các vùng phụ cận thì không ưng ý gì cho lắm, vì vạc giường làm toàn bằng các thanh gỗ (nẹp) dày 1cm, bản 2-3cm, đóng thành tấm, tốn thêm chiếc chiếu. Lại cũng phải có tiền. Suy đi nghĩ lại nhiều lần, chỉ có mình tự làm ra cái giường theo ý mình là tốt và hay nhất. Muốn làm cái giường theo ý mình, thì cần phải có các vật dụng đồ nghề làm mộc, như cưa gỗ, các kiểu mũi đục để đục mộng, từ 1cm, 2-3cm, rồi bào tay, bào máy và thước đo, thước eke, vít sắt các kiểu, giấy nhám, máy mài cầm tay, lưỡi cưa đĩa (ráp vào máy mài cưa cho mau, cưa mộng mới dùng cưa tay), vvv...

thất
Một trong những cái thất bên khu có giếng nước phèn. Khi mới ra Nghi Văn chúng tôi ở thất này đầu tiên

Ngoài các loại đồ nghề làm mộc cần thiết nói trên để làm ra một cái giường theo ý mình, thì cần phải có gỗ. Tìm gỗ ở đâu bây giờ? Khi đã dọn đồ qua căn nhà bỏ trống, chúng tôi dạo ra khu đất trống trồng chè xanh bên hông nhà, được biết khu đất này có diện tích là 4 sào, 1 sào 500m2, được bán với giá 160 triệu. Tính ra 1 sào 40 triệu. Quá rẻ. Của như cho. Nay nghe nói 4 sào đã lên vài tỷ. Dạo quanh thấy trong chuồng bò cũng còn vài miếng gỗ xẻ, gác sát mái ngói, dài khoảng 2-3m, dày 3cm. Bên ngoài chuồng dê, nằm cách chuồng bò 5-7m, đã dở mái, chỉ còn nền xi măng, cũng còn đó mấy cây trụ chống mái che, ghim trên nền đất lạnh, cỗi cằn, đứng chơ vơ, lạc lõng giữa trời sương gió. Kiểm tra mấy cây trụ, thấy đây là loại gỗ tốt, còn chắc, chưa bị mối mọt ăn, đục. Không biết là gỗ gì. Sau được biết là gỗ trâm se. Gỗ trâm se này tốt cực kỳ. Hèn gì mối mọt chẳng làm gì được, dù nửa chôn dưới đất nửa phơi ngoài trời. Quyết định lấy mấy cây trụ này cưa ra làm chân giường. Mấy cây giăng làm đà ngang thì lấy mấy miếng ván còn tốt, gác trong chuồng bò, cưa ngắn lại, bào láng hai mặt, dựng đứng cạnh. Riêng hai thành giường (còn gọi là be giường) hai bên là lượm đồ bỏ của khu có mấy cái thất bên kia. Hai miếng ván dài 2m20, dày 3cm này lúc trước cũng là thành của cái giường, bị phá bỏ, lấy ván gác ngang giàn giáo làm chỗ đứng xây vách tường của mấy cái thất, trên mặt ván còn bám đầy hồ xây lúc thợ lên tường rớt xuống. Hai miếng ván hai đầu trên dưới là loại gỗ tốt, xin ở nhà dân phía trước, đối diện hồ nước tưới ruộng của dân làng, tục gọi là hồ tre.

giường
Sườn cái phản được ráp, đóng từ những mảnh, miếng gỗ, khúc gỗ vứt bỏ giữa trời sương gió

Với những gì tận dụng được, gồm các loại gỗ, ván, bị người ta vứt bỏ, phế thải, nằm phơi mình giữa trời sương gió, chúng tôi làm thành cái giường, như ảnh thứ hai. Chưa có mặt. Ảnh thứ nhất là ngôi nhà bỏ trống như đã nói. Riêng các loại đồ nghề, từ máy mài, máy bào, bào tay, đục, cưa, thước đo, thước eke, vít, giấy nhám, đinh, vvv... thì mua ở chợ Vinh...

vé xe bus

Cũng rất may là từ Nghi Văn lên chợ Vinh có xe bus hãng Phương Thảo chạy liên tục từ sáng đến chiều, giá vé là 30.000đ cho đoạn đường 40km. Cách một tiếng có một chuyến. Có thể nói, chợ Vinh là khu chợ bán đồ cơ khí tổng hợp đầy đủ nhất, từ máy khoan bàn, máy khoan cầm tay, máy mài, máy bào, eto, búa, kềm, tua vít, bơm nước, moteur, keo, sơn, sơn mài, dầu bóng, dây điện, bay thợ xây lớn nhỏ, bàn chà, nhất các đồ rèn bễ sử dụng cho ngành nông nghiệp, làm vườn như dao, rựa, cuốc, phản, chĩa ba, cào cỏ, kéo cắt tỉa cành, xà beng ngắn dài, và các vật dụng dùng cho nghề mộc, xây dựng như búa, có đủ các cỡ, mũi đục tường ngắn dài, báy, bào, các loại mũi đục tròn và dẹp, vvv... không thiếu một món nào. Đủ cả. Nhớ hồi những năm 90 chúng tôi từng ra Vinh làm nghề (cơ khí xe cộ) sinh sống. Từng biết chợ Vinh là nơi bán đồ cơ khí đủ dạng. Chỗ làm và ở đối diện công an phường Hồng Sơn. Hồi đó vẫn thường hay đi bộ lên chợ Vinh, hai nơi cách nhau tầm hơn 200m, mua các loại vật dụng về làm, thì thấy ở đây có đủ các loại vật dụng mà mình đang cần, từ bulon các loại, đến búa, kềm, ve, mũi đục, thước đo, thước eke, dây điện kéo sáng, dây điện sử dụng cho máy hàn điện. Các loại vật dụng này là đồ của người trong nước, trong tỉnh sản xuất, chế biến, hoặc nhập của các nước xã hội chủ nghĩa, chớ vật dụng, thiết bị, hàng của các nước tư bản như Nhật, Mỹ, Đức, Pháp thời ấy ở đây làm gì có. Chỉ đến khi đất nước bắt đầu tháo dở lệnh cấm vận, thông thương với Mỹ và các nước, thì từ đó đồ cơ khí, máy móc, thiết bị của các nước tư bản mới tràn, đổ, nhập vào khắp các tỉnh thành trong nước. Vinh-Nghệ An là một trong các tỉnh thành đi tiên phong, nhập về rất nhiều các loại vật dụng, thiết bị như thế của ngành nghề cơ khí, máy móc. Chưa nói đến xe ôtô, từ 4 chỗ, 15 chỗ và các loại xe tải. Hiện nay Vinh-Nghệ An là tỉnh thành có số lượng xe dày đặc, đậu neo sắp lớp như nấm mọc sau mưa, không thua gì hai thành phố lớn Sài Gòn và Hà Nội.

giường
Cái phản sau khi hoàn thành. Mặt phản là tấm ván bằng gỗ ghép từng thanh nhỏ, khổ 1m20x2m44

Ngày nay ở Nghệ An, nhất chợ Vinh, dưới tầng hầm, không thiếu bất cứ những vật dụng gì của các ngành nghề trong xã hội, không riêng mặt hàng cơ khí. Khi đứng trước các vật dụng ngành nghề như thế, từ máy khoan bàn, máy khoan cầm tay, máy mài cầm tay, máy mài định vị, máy hàn điện các kiểu, đèn hàn oxy của Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc, rồi nào là các loại moteur bơm nước, trong nước có, ngoài nước có, rồi tua vít, bộ cle, lục giác, cò điếu lớn nhỏ, mũi đục, ve chặt tole, chặt sắt, eto, sơn thơm, sơn dầu, sơn mài, giấy nhám, vvv... Không thiếu một thứ gì. Thành thật mà nói, khi đối diện các mặt hàng, vật dụng nghề nghiệp như thế ở chợ Vinh, dưới khu tầng hầm, chúng tôi không nỡ rời bước chân. Cứ đi qua rồi đi lại, xem hết sạp hàng này đến sạp hàng khác. Xảy ra tình trạng như thế bởi chúng tôi là dân cơ khí, con nhà nghề, máu nghề nghiệp làm sao không nổi lên, sống lại khi đứng trước các vật dụng, đồ nghề mà mình từng sử dụng, nâng niu thuở nào. Nay là người tu hành, buông bỏ gần hết, từ trong ra ngoài, nên bản năng nghề nghiệp tuy sống lại rất mãnh liệt khi đối diện với những điều kiện, các loại vật dụng làm nghề sinh sống ngày nào nhưng nó cũng không thể tồn tại, kéo dài được lâu. Nói thế, chớ chúng tôi thỉnh thoảng cũng vẫn lên Vinh, tìm đến chợ Vinh, xuống tầng hầm xem ngắm các mặt hàng cơ khí, nghề nghiệp. Bấy nhiêu đủ biết để dứt được quá khứ, tuy là nghề nghiệp sinh sống lương thiện cũng không hề dễ dàng chút nào. Nói gì những việc, những nghề nghiệp ác mà mình (ai đó) từng thực hiện trong quá khứ với thời gian lâu ngày chầy tháng. Đã thành nghiệp cố định. 

giường
Mặt phản đánh verni, phủ dầu bóng (sơn tay), bốn chân trụ và thành giăng chung quanh là sơn mài

Cái giường như ảnh chụp cũng còn gọi là cái phản, dạng cá nhân, chỉ dùng cho một người. Chiều cao chúng tôi lấy chỉ 35cm, ngang 90cm, dài 190cm. Mặt phản như ảnh chụp là mới làm lại, trước tết Quý Mão 2023 khoảng tháng rưỡi, khi đã di chuyển về ở vùng Quảng Nam. Còn hồi ở Nghi Văn, sau khi đóng, ráp thành cái giường chưa có mặt như ảnh 3 từ các loại gỗ săn nhặt, mót lượm như đã nói. Chúng tôi lần đi các vùng phụ cận, từ Nghi Văn, Nghi Lâm, chợ Yên Thành (chợ Yên Thành cách xóm 1 Nghi Văn 12km) tìm mua tấm ván ghép bằng loại gỗ thanh nhỏ, khổ 120cmx244cm về làm nhưng chưa tìm ra cửa hàng, tiệm nào bán cả.

 

Một hôm, cũng trên đường đi tìm mua tấm ván ghép, đã qua khỏi chợ Nghi Văn, khoảng 2km, thấy bên tay trái có cơ sở làm mộc, mặt bằng khá lớn. Bèn vào hỏi thăm chủ cơ sở chỉ đường. Hoàng là tên chủ trại mộc, tuổi trạc 30. Qua nói chuyện, Hoàng cho biết, nếu thầy làm mặt giường bằng loại ván ghép như thế thì không bền lâu. Chi bằng, thầy để con lấy ván xẻ từ cây keo tràm bông vàng làm mặt sẽ bền hơn. Nghĩ thầm chắc chú này là dân nghề nghiệp, nhiều kinh nghiệm, nói không sai. Mới quyết định thôi không đi tìm mua ván ghép nữa. Mà để phần mặt giường cho Hoàn làm bằng ván xẻ từ cây keo tràm bông vàng. Lúc ấy chúng tôi và Hoàng cùng thống nhất ý kiến, mặt 90cm chiều ngang sẽ được chia ra, ghép từ 5 tấm ván nhỏ, sau khi bào láng mặt, dày đúng 2cm, có chỉ dày 1cm viền cạnh chung quanh. Cạnh và chỉ viền khi hoàn thành sẽ dư (ló) ra khỏi thành bao chung quanh là 2cm. Có thế mặt phản nhìn mới đẹp và cân đối. Cũng có cách làm khác, là mặt phản sẽ cho bằng với cạnh thành (dựng đứng) bao chung quanh. Trường hợp này là phải ván nguyên tấm, không phải ván ghép. Với cách này, ván nguyên tấm, chỉ sẽ được lót dưới mặt ván, danh từ chuyên môn gọi là (mặt ván) chỉ bợ (lót). Còn chỉ bao là chỉ bao chung quanh cạnh mặt ván hoặc thành. Chúng tôi chỉ Hoàng địa chỉ nơi ở. Hoàng lấy xe chuyên kéo đồ giao hàng cho khách đến chở giường về trại mình làm. Xong gọi điện cho biết. Gía tiền Hoàn lấy là 600.000đ. Đây là lấy giá hữu nghị, bởi Hoàng thấy người tu hành nên sinh lòng kính mến. Lấy giá thấp hơn những mối hàng khác.

 

Đến nơi, Hoàng buộc miệng, sau khi thấy cái giường đã xong phần cơ bản, còn thiếu ván mặt, thầy không phải tay thợ, đồ nghề cũng không có gì nhiều, mà làm được như thế này là quá giỏi, tay nghề như con làm cũng chỉ như thầy là cùng.

 

Vài ngày sau chúng tôi lên chỗ Hoàng xem làm xong chưa. Hoàng lúng túng, nói con làm xong rồi, nhưng thấy không được như ý, nên bán cho người gần nhà để họ làm gì thì làm. Đây Hoàng nói mới ghép xong mặt, chưa đóng, ráp lên hàng nhận của khách. Hoàng hứa sẽ làm tấm khác. Vài ngày sau chúng tôi quá giang xe lên trại mộc của Hoàng lần nữa xem sao. Từ chỗ ở lên trại mộc của Hoàng tầm hơn 5km. Qua khỏi chợ Nghi Văn. Như đã nói lúc giao kèo giữa hai bên, mặt giường sẽ làm ván dày 2cm, sau khi bào láng, ghép bằng 5 tấm. Trên thực tế của công việc, cái khó nhất là lúc ghép 5 tấm (miếng) lại với nhau sẽ dùng loại keo nào để ghép? Chúng tôi thấy Hoàng dùng loại keo có màu trắng sữa, trong bì nhựa mua ở các cửa hàng, bôi vào hai mép cạnh bào âm dương, xong, lấy mấy thanh gỗ vuông, cạnh 10cm đặt trên dưới mặt ván, lấy cùm chữ C xiết cùm trên dưới lại. Chờ khô. Sau khi keo khô, mặt ván cũng không được phẳng phiu như một tấm ván liền, nguyên khối dù Hoàng bào nhiều lần bằng máy bào cuộn chuyên bào các mặt ván lớn. Nói gì bào bằng máy cầm tay của Trung Quốc hay của Thái Lan.

 

Đây là nói cách ghép ván với cạnh bào âm dương. Nếu không ghép bằng cách này, mà bằng cách cho hai cạnh đụng vào nhau, sau khi bôi keo. Tất nhiên hai cạnh đã xử lý thật phẳng. Với cách này, hoặc với cách ghép cạnh bào âm dương, thì sau một thời gian, chỗ các mối nối cũng sẽ bị hở, không còn khít như lúc mới làm. Xảy ra trường hợp như thế, trước hết, là do keo dán không phải là loại đặc dụng, chuyên dùng cho việc ghép ván. Sau, là do ván bị co rút. Thứ nữa, do ván chỉ dày 2cm, nên dễ bị vênh, chưa nói, ván keo tràm rất dễ vênh, cong sau một thời gian sử dụng, nó không phải như ván thuộc loại gỗ danh mộc, như hương, sao, lim, chò chỉ, trâm se...  

 

Tuy đã sửa đi sửa lại nhiều lần, mà mặt ván cũng không được như ý, Hoàng có vẻ nản chí. Thấy tình thế khó khăn, chúng tôi mới đề nghị giải pháp, mang tính chữa cháy, rút lui. Bởi đằng nào cũng lỡ bộ rồi. Ý niệm này không nói ra cho Hoàng biết. Nên lấy ván rọc thành bản 10cm, dày 1cm5, khi đóng lên để cho có kẻ hở 5ly giữa các thanh là được, để có giường nằm cái đã, sau rồi hãy tính. Đây là giải pháp hay nhất. Nghe có lý, Hoàng liền làm theo. Bởi nó rất đỡ công sức, thời gian cho mình. Sau đó Hoàng chở giường đến chỗ ở giao cho chúng tôi. Tiền bạc thanh toán như giá thỏa thuận trước đó. Dù mối hàng này Hoàng làm như không công, làm giùm.

ván mỏng
Những thanh gỗ keo tràm làm từ Nghi Văn Nghệ An. Bản 10cm, dày 1cm5, độ hở giữa các thanh là 5 ly.

Về sau, mặt ván ghép có chừa kẽ hở giữa các thanh không giữ được độ phẳng, cả ngay lúc đầu cũng không được phẳng mặt, mà càng ngày càng vênh, cong nhiều thanh. Có thể do độ dày từng thanh (1cm5) nên nó không đủ (dày) lực để giữ độ phẳng, nhất khe hở ban đầu giữa các thanh là 5ly về sau lại càng hở rộng hơn, ra cả 1cm, do sự co rút của ván một phần, còn lại là do gỗ càng ngày khô hơn lúc còn nguyên khối, hoặc lúc mới xẻ mỏng thành phẩm.

 

Với những lý do nói trên, nên trước tết Quý Mão 2023 khoảng tháng rưỡi chúng tôi quyết định, thay mặt ván bằng gỗ thanh ghép thành tấm mua ở các cửa hàng đại lý của các công ty chuyên sản xuất, bán loại gỗ ghép từng thanh nhỏ, có loại bằng gỗ cao su, có loại bằng gỗ thông, bằng máy móc hiện đại, nhập từ nước ngoài về, danh từ chuyên môn gọi là gỗ PDF. Dù gì thì mặt ván cũng sử dụng được 15-20 năm. Làm sao đừng cho thấm, dính nước là được. Riêng phần bốn trụ chân và thành bao giăng chung quanh thì khỏi nói, bởi đó là loại gỗ tốt, rất khó mục, hư.

 

Để sửa, làm lại mặt phản mới như ý, như ảnh chụp, bỏ công trình, phần làm của chú thợ ở Nghi Văn, chúng tôi cũng phải mất thời gian hơn 2 năm. Trường hợp này cũng không khác nào những trường hợp một khi đã tính sai, làm sai việc gì rồi, thì cũng phải mất thời gian rất lâu con người mới có thể có điều kiện để sửa đổi, thay đổi, làm lại từ đầu vậy. Không phải hễ muốn sửa, thay đổi, làm mới là được liền. Không dễ như thế đâu!

 

Với cái phản làm kiểu cách thế này, kích thước vừa đủ cho một người sử dụng, nếu những ai chuyên tu thiền, nhìn qua thì họ sẽ rất thích thú cho việc ngồi thiền, tu hành của một hành giả. Không như những cái giường với tấm vạc ghép từng thanh nhỏ, thêm chiếc chiếu. Hoặc như những cái đơn có nắp đậy để bỏ mùng mền, gối chăn vẫn thường được các thiền sinh, tăng ni sử dụng trong các thiền thất, tu viện nhưng lại quá nặng nề, cồng kềnh thế nào.

 

Cái phản kích thước vừa đủ như hình ảnh, nếu được đặt bên trong một cái thất cũng không lớn lắm, sườn, vách làm bằng gỗ, ván, mái lợp tranh thì càng tốt, bên khung cửa sổ đừng lớn quá, hoặc cao quá so với mặt nền thất. Bấy nhiêu là đủ để cho một hành giả thỏa sức, mài miệt tung vó câu trên dặm đường thiên lý đi tìm bản lai diện mục đời mình. Kẻ cùng tử lang thang tự ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau. Thật không còn gì lý tưởng hơn được nữa vậy.

 

Xa gần mây núi hợp,
Rợp bóng nẻo hoa trồng.
Vạn sự nước xuôi nước,
Trăm năm lòng ngõ lòng.
(Thơ thiền Trần Nhân Tông)

người 

Viết thêm đoạn. Hồi lên chợ Vinh lục tìm đồ nghề làm mộc, tình cờ chúng tôi gặp một Phật tử, gốc Nghệ An ngay tại khu vực gần chợ. Sau khi hỏi chuyện, nghe chuyện, người phụ nữ này phát tâm, cúng dường tiền để mua một cái giường mới, bán ở các phố Vinh. Chúng tôi lại chọn phương án như dự định, là mua đồ nghề về để tự mình làm với những gì đã tìm được. Làm xong, cũng còn dư lại đồ nghề, để đó làm những việc khác nữa. Còn mua cái giường mới thì không ưng ý, cũng không dư ra được những gì. Cô Phật tử này còn cúng dường cho áo lạnh, đến 2 cái. Những ai từng ở Nghệ An rồi thì mới biết cái lạnh, cái nóng ở đây là thế nào, nhất vùng rừng núi Nghi Văn, Nghi Lâm chẳng hạn. Hai cái áo lạnh, một của hàng trong nước, còn lại xuất xứ của Hàn Quốc. Áo này rất tốt, dày. Màu lại rất hợp với người tu. Đáng tiếc khổ lại rộng, lớn quá. Chúng tôi biếu cái này cho một người ở Nghi Lâm, tên Định, là công nhân làm ở các khu rừng thông bạt ngàn, xa tít tắp xã Nghi Lâm. Hồi đó khi đã ở yên tại vùng Nghi Văn với thời gian hơn 1 năm, tình cờ chúng tôi quen chú Định, nhà ở xã kế bên. Nên những khi đi đâu, như đi dạo, lặn sâu vào các khu rừng thông yên tĩnh tìm chỗ có suối nước chảy quanh năm làm thất an trú, dự định ở lâu dài, chúng tôi gọi chú Định chạy honda tới chở đi. Dự định này về sau không thành. Tuy là dân quê gốc, sống ở nông thôn từ nhỏ đến lớn, chưa đi đâu xa, cũng chưa biết gì về Phật pháp, nhưng chú Định là người rất thành thật, ngay thẳng. Sống ở đời thật khó tìm những người ngay thẳng, chân thật, chung thủy, trọn nghĩa trọn tình lắm.

 

Ảnh cuối là chú Định, chụp trước căn nhà ở nhờ của một cô giáo dạy văn, một buổi chiều năm 2019.  

 

 

 

 

 

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang