2-LỊCH SỬ TỪNG CÓ MỘT CUNG ĐIỆN ĐAN DƯƠNG HAY KHÔNG?
Bài viết năm 2020, ngày 15 tháng 11, cùng tựa đề, chúng tôi có giải thích câu 52, đoạn chị em Thúy Kiều đi chơi tiết Thanh minh, rằng câu 52 này Nguyễn Du dùng để ám chỉ hai chữ Đan Dương, như sau:
Chị em thơ thẩn đan tay ra về...
đã bị sửa thành "dan tay ra về...". Khi đọc bài viết này, thế nào có người vì tò mò, cũng sẽ tra Hán ngữ mạng, nếu là người biết, giỏi Hán ngữ, thì khỏi phải tra, tự họ sẽ hiểu, để xem các câu trên câu 52 thì câu nào là chiết tự, ẩn nghĩa hai chữ "cung điện". Nếu có người nào đã thực hiện, ra công tìm kiếm, sau khi đọc bài viết, mục đích kiểm tra giải thích của chúng tôi là đúng hay sai, có lý hay không, hay do chúng tôi suy diễn, bịa ra để bảo vệ lập luận về xuất xứ truyện Kiều của mình. Chuyện này thôi hãy để đó, hạ hồi phân giải. Bởi cái gì đúng thì tự nó đã đúng, sai tự nó đã sai, còn sai đúng bây giờ là ở người xử lý văn bản, câu chuyện, nó thuộc não bộ, tư tưởng người đó, chớ sự thật đã sai thì không thể cho là đúng, đúng cho là sai thế nào được.
Như đã nói, tạm thời nếu chúng ta chấp nhận câu 52 "Chị em thơ thẩn đan tay ra về..." là câu Nguyễn Du dùng ám chỉ hai chữ Đan Dương. Vậy, theo đó, hai câu 49-50 ở trên chính là ẩn nghĩa, nơi núp bóng hai chữ "cung điện". Sau đây là phần giải thích hai câu mang tính mật mã này như sau.
Giải nghĩa của chữ dương đã chứng minh câu 52 là một mật mã ám chỉ những bí mật lịch sử.
Câu 49 "Ngổn ngang gò đống bước lên..." là chiết tự chỉ sự dùng viết ra chữ "cung 供". "Cung 供" nghĩa là cung cấp, chu cấp. Bên trái chữ "cung 供" là chữ nhân 亻, bên phải, ở trên là chữ nhập 廿. Nhập 廿 là hai mươi, tượng trưng số nhiều, gồm hai chữ thập 十十 nhập lại. Dưới chữ nhập 廿 là bộ bát 八. Bộ bát 八 (chữ tượng hình) dụ cho cái gò, cái mã. Đây chỉ là hình thức vay mượn chữ, chữ giả tá: mượn chữ này lấy ra chữ kia. Còn chữ "cung" đúng nghĩa, đúng với mưu mẹo, nghệ thuật chơi chữ tài tình, điêu luyện, cũng lắm cắc cớ, nhiều khi nhập nhằng, chồng chéo khó hiểu, khó đoán của tác giả phải là chữ cung này đây 宮: cung điện, nơi vua chúa ở hoặc nơi ngồi làm việc của triều đình, thể chế thời phong kiến.
Câu 50 tiếp theo "Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay" là một câu vô nghĩa, tào lao thiên tướng, câu đã bị bốc hơi, bay màu, không còn là câu nguyên gốc, do đã bị chỉnh sửa cố ý từ ai đó lâu lắm rồi, chớ không phải do tam sao thất bổn, sai cả câu (tám chữ) thì không thể là tam sao thất bổn, thủ phạm là triều Nguyễn chăng? Câu 50 này, nguyên bản gốc phải như sau thì mới đúng với chiết tự của chữ "điện", của tác giả:
Rõ ràng trước mắt hiện tiền bấy nay...
Tám chữ này là chiết tự chỉ sự của chữ "điện 靛". Chỉ sự: dựa vào sự vật để trình bày, viết ra chữ. Bên trái là chữ thanh 青. Thanh 青 là màu xanh. Hoặc thanh 青 là thanh thiên bạch nhật: trời xanh mặt trời rạng, hoặc (sự việc) bày ra giữa ban ngày ban mặt. Chữ còn lại bên phải là chữ định 定. Định 定 có nghĩa khi mọi vật ở trong trạng thái yên lặng, tịch tĩnh, thì mọi việc sẽ hiển hiện ra rõ ràng, minh bạch, cụ thể từng chi tiết một. Đây là nghĩa của chữ định 定, được Nguyễn Du giải thích qua chữ "hiện", nói đủ là "hiện tiền bấy nay...". Vậy "hiện tiền trước mắt, rõ ràng bấy nay..." là có ý gì? Cái gì hiện tiền bấy nay? Cái gì rõ ràng trước mắt? Để hiểu sự việc cho thấu đáo, cạn nguồn, chúng ta cần ngược dòng thời gian, lùi về quá khứ xa, trước năm Bính Ngọ 1786, thời điểm Nguyễn Huệ chưa đánh chiếm Thuận Hóa Phú Xuân. Thì đất Phú Xuân hồi ấy do ai, thế lực nào đang cai trị?
Theo sách Vua chúa triều Nguyễn, chín đời chúa mười ba đời vua, của tác giả Lưỡng Kim Thành, trang 61-62, nói vắn tắt về sự nghiệp, tiểu sử Chúa Nguyễn Phúc Thuần như sau:
Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777)
Khi còn sống chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát vốn định truyền ngôi cho con trai thứ chín là Nguyễn Phúc Hiệu. Nhưng Thế tử Hiệu mất trước chúa 5 năm (1760), Võ Vương quyết định chọn con cả là Nguyễn Phúc Chương. Phúc Chương cũng mất sớm, chúa đành lập con thứ hai là Phúc Luân làm thế tử.
Soán ngôi
Trương Văn Hạnh và Lê Cao Kỷ, hai đại thần có uy tín được chúa Võ chọn làm thầy dạy cho Phúc Luân. Nhưng khi chúa băng, nghịch thần Trương Phúc Loan trái mệnh di chiếu, tống giam Phúc Luân vào ngục, đưa công tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi chúa. Sau khi được thả ra, Nguyễn Phúc Luân lâm bệnh nặng một cách khó hiểu rồi chết; hai thầy Trương Văn Hạnh và Lê Cao Kỷ cũng bị giết.
Nguyễn Phúc Thuần sinh ngày 13.12.1753, là con của chúa Võ và bà Nguyễn Thị Ngọc Cầu, chính thức nối ngôi vào tháng 12 năm 1765, hiệu là Định Vương (chúa Định). Chúa còn nhỏ tuổi, nghịch thần Trương Phúc Loan thâu tóm toàn bộ quyền hành. Đám quan lại vốn là tay chân của Phúc Loan cũng theo đó mà tha hồ vơ vét. Trương Phúc Loan tự xưng là Quốc phó, thay chúa hành sự, nắm hết tài vụ của triều đình. Mọi nguồn lợi của xứ Đàng Trong đều tuôn về tay Trương Phúc Loan. Trương Phúc Loan đã "ẵm" về nhà vô số vàng bạc, châu ngọc, gấm vóc, nô bộc, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể. Một số ít quan lại có tâm huyết với cơ nghiệp họ Nguyễn đều bị Trương Phúc Loan khống chế hoặc hãm hại. Để tăng thêm vây cánh, Trương Phúc Loan tâu với chúa gả hai con gái của chúa Võ là Ngọc Nguyệt, Ngọc Thọ cho hai con trai mình là Trương Phúc Nghiễm, (sau được làm Chưởng dinh) và Trương Phúc Nhạc (sau được làm Cai cơ).
Quyền thần lũng đoạn
Để tận lực vơ vét của cải về mình, Trương Phúc Loan đã thay chúa đặt ra một chế độ thuế khóa hết sức nặng nề và phức tạp, buộc người dân phải è cổ ra gánh chịu. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn đã ghi về thời chúa Định: "Thuế khóa ở Thuận Hóa, pháp lệnh rất phiền, nhân viên trưng thu đốc thúc rất nhiều nên dân nghèo thường khổ nỗi phải đóng góp gấp bội. Hàng năm có hàng trăm thứ thuế, quan quân lại sách nhiễu, cưỡng ép, nhân dân thống khổ về nỗi một cổ hai tròng". Năm 1774, 1 hợp gạo giá tăng lên một tiền. Gia Định là vựa lúa của Đàng Trong, giá thóc cũng tăng vọt, dân tình bị chiếm hết ruộng đất, lại nảy sinh một trận đói khủng khiếp, người chết vô số. Trăm họ cơ cầu, trộm cướp nổi lên bốn phương. Ai ai cũng căm giận nghịch thần Trương Phúc Loan, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771.
Khởi nghĩa Tây Sơn
Khởi nghĩa Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Khẩu hiệu Tây Sơn đưa ra là: "Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan". Điều này thể hiện rõ trong Hịch Tây Sơn: "Giận Quốc phó ra lòng bội bạc, nên Tây Sơn xướng nghĩa Cần Vương. Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấm nghé; sau là tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân ra chốn lầm than". Một khẩu hiệu nữa của Tây Sơn cũng rất "hợp thời thế" là: "Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo". Quân Tây Sơn đã chiếm lại được phần lớn ruộng đất cho nông dân cày cấy, triệt bỏ các chính sách thuế khóa kìm cặp ở các làng xã; giải phóng tù nhân, tịch thu lương thảo chia cho người nghèo... Uất ức với bọn quan lại tham tàn đã lâu, dân chúng từ miền ngược đến miền xuôi nô nức một lòng theo đoàn quân khởi nghĩa. Năm 1771, quân Tây Sơn đã chiếm được các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bồng Sơn.
Kết cục bi thương
Lợi dụng thời cơ Đàng Trong biến loạn, chúa Trịnh ở Bắc Hà sai hai tướng Bùi Thế Đạt và Hoàng Đình Bảo đem quân vào tấn công Thuận Hóa. Cuối năm 1774, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân, bắt được Trương Phúc Loan. Tình thế nguy kịch, chúa Định phải bỏ đô thành chạy qua đèo Hải Vân thoát thân. Vì Quảng Nam, Quảng Ngãi đang nằm trong tay quân khởi nghĩa Tây Sơn, nên chúa Định và đoàn quan quân chạy theo phải đi thuyền vượt biển vào Nam tìm nơi nương náu.
Năm 1777, chúa Định chạy về đến Định Tường thì bị quân Tây Sơn truy bắt. Chúa bị đưa về Gia Định xử tử. Năm ấy chúa đang ở tuổi 24, ở ngôi được 12 năm...
***
Đoạn này thì chuyển qua thời điểm khác, là thời kỳ quân Trịnh cai quản Phú Xuân, bắt đầu từ cuối năm 1774. Mãi đến năm Bính Ngọ 1786, 11 năm sau, quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm chịch kéo ra đánh chiếm Thuận Hóa. Sách Nhà Tây Sơn nói việc này như sau:
Tây Sơn phò Lê diệt Trịnh
... Bình định xong mặt phía nam, nhà Tây Sơn lo đến mặt phía bắc.
Thành Thuận Hóa, sau Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt vào trấn thủ, nhưng không bao lâu chúa Trịnh lại sai Phạm Ngô Cầu vào thay thế. Phạm Ngô Cầu là người vô mưu lại tham lam, chỉ lo việc làm giàu, còn việc dân việc quan phó mặc cho kẻ thuộc hạ.
Vua Thái Đức biết Thuận Hóa không phòng bị, bèn sai Nguyễn Huệ làm Tiết chế, Võ Văn Nhậm làm Tả quân Đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu quân Đô đốc đem bộ binh đi trước. Nguyễn Văn Lộc làm Thủy quân Đô đốc cùng Nguyễn Lữ đem thủy binh theo sau.
Võ Văn Nhậm, Nguyễn Văn Lộc là người cũ Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh vừa mới quy thuận.
Nguyễn Hữu Chỉnh là người huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An, đỗ hương cống từ lúc 16 tuổi. Có tài ngôn luận lại lắm cơ trí và thông binh pháp. Trước theo Hoàng Ngũ Phúc thường đi đánh giặc bể, giặc sợ gọi là Chim Bằng. Hoàng Ngũ Phúc mất rồi, Chỉnh theo Hoàng Đình Bảo. Hoàng Đình Bảo bị kiêu binh nổi dậy ở Thăng Long giết chết. Chỉnh chạy vào Quy Nhơn phò Tây Sơn.
Nguyễn Hữu Chỉnh, năm trên vâng lệnh hoàng Ngũ Phúc, mang ấn kiếm vào Quy Nhơn, nên đối với vua Thái Đức không phải chỗ xa lạ, do đó mà được nhà vua tin dùng, sai cùng Nguyễn Huệ đem binh ra đánh Thuận Hóa.
Đại binh xuất phát ngày 18 tháng Năm năm Bính Ngọ (1786)...
(Trích Nhà Tây Sơn, Quách Tấn-Quách Giao, trang 145-146)
Đọc lại các ghi chép lịch sử, chúng ta được biết Nguyễn Huệ chiếm Thuận Hóa Phú Xuân là từ tay quân Trịnh, năm 1786, do tướng biệt phái Phạm Ngô Cầu cai quản. Còn trước đó, đất Thuận Hóa Phú Xuân của chúa Định Nguyễn Phúc Thuần bị mất vào tay quân Trịnh từ cuối năm 1774. Chúa Định cai quản Phú Xuân Thuận Hóa từ năm 1765. Được 9 năm thì mất.
Với xác định như trên của thông tin, ghi chép lịch sử. Thì thời ấy, chúa Định Nguyễn Phúc Thuần, chúa thứ 9, được truyền thừa của dòng họ, nói đúng hơn là dưới sự an bài, xếp đặt, chỉ định của Quốc phó, quyền thần Trương Phúc Loan, lên nắm quyền cai quản Phú Xuân Thuận Hóa. Chỉ đến khi Nguyễn Huệ đánh chiếm được Phú Xuân Thuận Hóa, vào năm 1786, thì lúc bấy giờ danh từ Đan Dương, nói đủ là Cung điện Đan Dương, mới xuất hiện. Như vậy, Cung điện Đan Dương là do chính Nguyễn Huệ bỏ tiền của, công sức ra xây dựng, hoặc nói khác đi, ngày ấy Nguyễn Huệ đã lấy công trình xây dựng nào đó trên Phú Xuân của các chúa Nguyễn sửa chữa, biến thành Cung điện Đan Dương?
Để làm sáng tỏ sự việc này, hiện chúng ta chỉ có duy nhất giải pháp, dựa vào phát hiện, tìm tòi của nhà nghiên cứu lịch sử Huế Nguyễn Đắc Xuân, qua tập sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung mà thôi. Ngoài ra cuộc đời không còn có giải pháp nào khác khả dĩ hay hơn, tốt hơn được nữa.
Xin trích tóm tắt đoạn nói về nguồn gốc Cung điện Đan Dương trong sách nói trên, như sau:
... Lịch sử từ Phủ Dương Xuân đến Cung điện-Lăng Đan Dương có thể tóm tắt như sau:
Tháng 8 năm Canh Thân (1680), Dinh Phủ của Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần ở Kim Long bị: "gió bão, nước lụt ngập, mặt đất sâu hơn trượng, người và súc vật bị thương và chết nhiều". Vì vậy Hiền Vương phải dựng thêm phủ mới ở nơi đất cao để tránh lũ lụt về mùa đông. Chúa bèn chọn một cơ sở cũ của Trấn Lỗ Tướng Quân trên gò Dương Xuân để xây dựng Phủ Dương Xuân. Địa điểm này trên gò cao, kín gió, gần nguồn suối trong róc rách quanh năm. Ở đấy lại có đủ yếu tố "tả long", "hữu hổ" rất tốt (cát địa). Ở mạn Nam sông Hương khó tìm được một nơi nào lý tưởng hơn nữa. Vì thế mà sau này nhà buôn Pháp Pierre Poivre đặt tên cho Phủ Dương Xuân là Phủ Trên (Palais Suppérieur) hay Cung điện Mùa Đông (Résidence d'Hiver hay Palais d'Hiver).
Sử dụng Phủ Dương Xuân khoảng 6 năm, Hiền Vương băng (1686). Con ông là Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (cũng có sách viết là Trăn) lên thay. Ngãi Vương chuyển Cung phủ Kim Long về làng Phú Xuân (1687) và tiếp tục sử dụng Phủ Dương Xuân. Bốn năm sau Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (Trăn) qua đời, con ông là Nguyễn Phúc Chu lên thay (1691). Chín năm sau đó, Phủ Dương Xuân xuống cấp trầm trọng, vào năm Canh Thìn (1700), chúa Nguyễn Phúc Chu cho đại trùng tu Phủ Dương Xuân. Đơn vị thi công trùng tu là Cơ Tả Thủy khi đào đất trùng tu thì bắt gặp được một chiếc ấn đồng 銅印 có khắc tên "Trấn Lỗ Tướng Quân 鎮虜將軍". Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đây là điềm lành nên cho đổi tên Phủ Dương Xuân thành Phủ Ấn 印府, và có lẽ cái thảo am của Hòa thượng Tử Dung dựng trên đồi Long Sơn 龍山 gần đó được mang tên là chùa Ấn Tôn 印尊. (Năm Thiệu Trị nguyên niên 1841 đổi thành chùa Từ Đàm, và tồn tại cho đến ngày nay).
Tập sách rất giá trị của ông Nguyễn Đắc Xuân. Hiếm có nhà sử học nào của VN viết được tập sách thế này.
Tuy được đổi tên là Phủ Ấn (Ấn Phủ) nhưng ít khi thấy dùng tên mới này mà vẫn cứ tiếp tục gọi là Phủ Dương Xuân 楊 (暘?NV) 春 (vì phủ làm trên gò Dương Xuân), hay Phủ Trên, Phủ Thượng 上府 (vì phủ làm trên gò cao hơn so với Phủ Chính ở Kim Long hay trên Vương Đảo-khu vực Thành nội Huế ngày nay).
Các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc Chu rất sùng đạo Phật, chúa xem đạo Phật như một công cụ để giáo hóa dân chúng của chính quyền, nên trong Phủ Dương Xuân có dựng một cái thảo am (tiền thân của chùa Thiền Lâm sau này) để hằng ngày tụng niệm. Năm 1695, Nguyễn Phúc Chu mời Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán (người Quảng Đông Trung Quốc) qua Thuận Hóa truyền giới, ở tại thảo am Thiền Lâm. Do yêu cầu của Hòa thượng Thạch Liêm, cái thảo am được sửa chữa cấp tốc trở thành một ngôi chùa lớn. Lúc đầu thảo am Thiền Lâm thuộc Phủ Dương Xuân nhưng khi nó được phát triển lớn thì trở thành một cơ sở bên cạnh Phủ Dương Xuân.
Sau năm 1738, Nguyễn Phúc Hoạt (hay Khoát) lên ngôi vương (Võ Vương), ông ra lệnh sửa sang đô ấp, tất cả các cung phủ đều được ông cho đại trùng tu, hoặc phá đi làm lại to lớn hơn. Phủ Dương Xuân -theo Phan Huy Ích- được chúa Võ Vương xây dựng lại rất to lớn. Võ Vương đã tiếp nhà buôn Pháp Pierre Poivre ở đây.
Khi Phú Xuân lọt vào tay quân Trịnh (1775) được một thời gian, Hiệp trấn Lê Quý Đôn đã đến Phủ Dương Xuân và hết lời ca ngợi sự to lớn, đẹp đẽ của kiến trúc ở đây. Phủ Dương Xuân lại được sử dụng làm dinh thất cho bộ tướng của chúa Trịnh từ Thăng Long vào.
Mùa hè năm 1786, Nguyễn Huệ thống xuất quân đội Tây Sơn từ Quy Nhơn ra bất thần vượt sông Hương và sông Kim Long từ hai mặt nam và bắc, lợi dụng lúc nước lũ nâng thuyền lên cao, kê súng lớn trên thuyền bắn thẳng vào bên trong thành Phú Xuân, quân Trịnh bị giết, xác chết nằm kín cả mặt đất. Quân Tây Sơn toàn thắng.
Ông Nguyễn Đắc Xuân, pháp danh Tâm Hằng, tác giả sách Đi tìm Cung điện Đan Dương.
Thủy quân Nguyễn Huệ dàn ra dọc bờ sông Hương và sông Kim Long (chảy bọc sau Đô thành Phú Xuân), bộ binh (đặc biệt là bộ phận người sơn cước) đóng ở bờ Nam sông Hương, lấy Phủ Dương Xuân làm trung tâm. Từ đó tất cả các chùa chung quanh Phủ Dương Xuân như Ấn Tôn (Từ Đàm), Thiền Lâm, Huệ Lâm, Viên Giác, Kim Tiên, và kể cả chùa Báo Quốc đều bị trưng dụng vào việc công. Thành Phú Xuân là niềm tự hào của chúa Nguyễn Phúc Hoạt (hay Khoát), được thầy thuốc Koffler chú ý, được Lê Quý Đôn ca ngợi... nhưng có lẽ dưới con mắt thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ-thành Phú Xuân có nhiều nhược điểm, ngoài nhược điểm bị lũ lụt đe dọa hàng năm còn có nhược điểm là nó bị cô lập giữa hai con sông (sông Hương phía trước, sông Kim Long phía sau), rất khó phòng ngự trước đối phương có ưu thế về thủy quân. Ngược lại, Phủ Dương Xuân ở trên gò Dương Xuân, đối với một quân đội có nhiều người sơn cước của Tây Sơn, thì nó có nhiều ưu điểm hơn. Cảnh trí núi rừng thích hợp với người sơn cước, thích hợp với đội tượng binh có hàng trăm con voi chiến, lại là nơi đầu mối tiếp giáp với những thượng đạo ra Bắc vào Nam, ưu thế về độ cao trong việc phòng ngự, đặc biệt các chùa chung quanh phủ có đủ sức thu nhận bộ tướng đông đảo của quan quân nhà Tây Sơn.
Sử sách đã ghi Nguyễn Huệ-Quang Trung đã có chủ trương xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An; tại Huế lúc ấy, đối với ông cũng phải thực hiện những xây dựng tối thiểu đủ để bảo vệ tính mạng và tài sản của ông trong lúc chờ hoàn tất việc xây dựng Đô ở Nghệ An. Đô thành Phú Xuân ở bờ bắc đã có thành cao rồi, không cần phải xây cao hơn nữa. Nhưng Phủ Dương Xuân ở bờ nam chưa có gì bảo đảm. Trong một lá thư viết ngày 23-7-1788, tại Phú Xuân, giáo sĩ La Bartette cho biết:
"Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pied chung quanh Dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng Ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất vô số vàng bạc ông đã kiếm được ở Bắc Kỳ".
Chung quanh nơi ở của Nguyễn Huệ-Quang Trung-Phủ Dương Xuân, ông cho xây dựng thành bao bọc. Bên trong, các kiến trúc của Phủ được sửa chữa khang trang. Sau ngày ông lên ngôi hoàng đế, phủ cũ Dương Xuân được đổi tên là Cung diện Đan Dương...
(Trích sách Đi tìm Cung điện Đan Dương-Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, trang 112-113-114-115-116, tác giả Nguyễn Đắc Xuân)
Chùa Thiền Lâm ngày nay, nơi tọa lạc Cung điện Mùa Đông, rồi Cung điện Đan Dương ngày xưa. Ảnh chụp 2015.
Đọc qua đoạn trích trên, chúng ta được biết, Cung điện Đan Dương là có thật, tiền thân của nó là Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn, nó còn có tên là Phủ trên, Phủ Thượng, và Cung điện Mùa Đông, đúng như nghiên cứu, tìm tòi và phát hiện của ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu lịch sử Huế. Kể từ khi quân Trịnh chiếm được Thuận Hóa-Phú Xuân, thì tất nhiên tất cả những lầu đài, thành quách, dinh thự, phủ đường lớn nhỏ, là nơi ăn ở, sinh hoạt cũng như để làm việc của thể chế, chính quyền các chúa Nguyễn trên địa giới Phú Xuân đều dưới quyền cai trị, sở hữu của quân Trịnh, đại diện là tướng vùng Phạm Ngô Cầu. Xét ra, Nguyễn Huệ đánh chiếm Thuận Hóa-Phú Xuân là từ tay quân Trịnh. Như vậy, sự chuyển giao lịch sử vùng miền, địa giới đã không đi theo con đường thẳng, mà đi theo đường vòng. Đến khi Nguyễn Ánh lấy lại được Phú Xuân, cũng đi theo con đường vòng, từ tay Quang Toản-Cảnh Thịnh. Người xưa, nhân vật chính thời đại, người tạo ra cuộc bể dâu, tan tác, rùng trời vào hậu bán kỷ 18, mà chậc lưỡi kể khổ, than vãn như Nguyễn Du là "Một phen thay đổi sơn hà, Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu..." lúc này đã mồ yên mã đẹp. Trách nhiệm, vinh quang dòng tộc, sự tồn vong triều đại tất cả được đùn đẩy hết qua cho con cháu mà ngày sau chưa biết sẽ ra sao?
... Từ nắng hạ mưu thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
Xiết bao kinh sợ lo phiền,
Miếu thần đã đảo thuốc tiên lại cầu.
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương pháp nào đổi được hay chăng?
Ngán thay máy tạo bất bằng,
Lòng trời giáo giở vận người biệt ly...
(Ai Tư vãn-Bắc cung Hoàng hậu)
***
Với các đoạn trích, và với phát hiện của ông Nguyễn Đắc Xuân đã cho chúng ta biết khá rõ về lai lịch, xuất xứ của Cung điện Đan Dương là từ đâu ra. Thật quá rõ. Song, nói gì thì nói, đây cũng chỉ là phát hiện của người thời nay, nên cũng chưa có gì chắc chắn lắm nếu chúng ta lấy đó đặt vào niềm tin. Củng cố tư tưởng. Người làm việc dù là bộ môn nào của xã hội với tinh thần khoa học, tìm đường vào chân lý, sẽ không bao giờ chấp nhận tính chủ quan, chụp giựt, quơ quào như thế. Do đó, ngang đây, chúng ta cần trở lại câu chuyện nói dang dở ở đầu bài. Các câu Kiều của Nguyễn Du mà câu 52 chúng tôi đã nói đó là câu ẩn nghĩa, bóng gió của hai chữ Đan Dương. Riêng hai câu 49-50 ở trên là chiết tự, nơi ẩn núp của hai chữ "Cung điện". Nói như thế, nếu cho hai câu 49-50 là chiết tự của hai chữ "Cung điện" thì bây giờ lại bày, lòi ra chỗ khó hiểu, vô lý hết sức. Đó là câu chen ngang kế tiếp 51 "Tà tà bóng ngả về tây...". Rõ ràng câu này là câu dạng vô thưởng vô phạt, rỗng tuếch, xét ra nó chẳng hề ăn nhập, liên quan gì đến hai câu 49-50 ở trên, nhất câu 52 ở dưới, nếu cho đây là nơi ẩn núp của hai chữ Đan Dương?
Đúng. Câu hỏi quá hay. Nó đã nêu ra được những gì mà tác giả Kiều từng gởi gắm, ký thác, đúng hơn là đánh động, trong từng câu chữ, từng đoạn, từ đầu đến cuối truyện, không riêng các câu nói trên, nhất câu 51, bởi nó liên quan đến những bí mật lịch sử có thật, từng xảy ra trên địa giới Phú Xuân mà hơn 200 năm vèo qua như giấc mộng chưa bao giờ có ai, có lời giải nào xem ra nghe được, cho có lý có tình được cả. Bởi chẳng phải tất cả đã không hẹn mà cùng gặp nhau ở điểm: cho truyện Kiều là của Tàu, do Thanh Tâm Tài Nhân người bên ấy hư cấu, sáng tác. Nguyễn Du chỉ dựa vào đó dịch giải ra 3254 câu lục bát chữ Nôm. Hết.
Để trả lời cho câu hỏi trên, câu 51 "Tà tà bóng ngả về tây..." cần được hiểu như sau đây, thì sự thật sẽ bày ra ngay tức khắc. Không lâu đâu! Chúng ta có đồng ý, bắt đầu từ 12 giờ trưa trở đi, cứ mỗi khắc thời gian trôi qua sẽ được ám chỉ, nói mấy chữ gợi tình gợi cảnh đầy chất văn chương lưu luyến, bâng khuâng là "bóng ngả", hoặc bóng ngả đường chiều, cho đến khi mặt trời khuất bóng sau rặng núi xa. Đúng không? Chớ không ai nói "bóng ngả" là để chỉ cho quãng thời gian xê dịch trước 12 trưa bao giờ. Đây là chỗ hay, chỗ độc đáo vô cùng của mấy chữ "bóng ngả" của câu 51 đấy!
Chữ "tà" đứng trước câu nếu hiểu riêng từng chữ thì "tà" là cong, lệch, xiên, vẹo, không ngay thẳng, như kẻ bất chính gọi là gian tà 姦邪, lời nói bất chính gọi là tà thuyết 邪說. Phàm cái gì bất chính đều gọi là tà cả. Còn khi hai chữ "tà tà" được đặt song đôi, đi cặp kè với nhau, thì bây giờ nó sẽ làm cái công việc của người chỉ đường, một hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cho khách tham quan các nơi chốn đặt chân, các con đường đi qua, cùng với thời gian di chuyển trên mỗi chặng, mỗi đoạn: chỉ vào hiện tượng di chuyển, xê dịch của thời gian đi từ điểm này đến điểm khác rất đều đặn, từ từ, đỉnh đạc, không gấp gáp, vội vàng, cứ thế chậm rãi khoác ba lô lên mà đi... Khoan, khoan, xin cắt ngang chỗ này, chúng ta có quyền ngắt và hỏi, bước thời gian khi di chuyển, đi và đi như vậy là bắt đầu từ đâu, và đến đâu thì dừng lại? Câu hỏi này không khó trả lời, và ai trả lời cũng được. Xin thưa, thời gian đi như vậy, "tà tà", là phải bắt đầu từ lúc hừng đông, sáng sớm. Đúng không? Cho đến vào lúc giữa trưa, có vẻ như lúc ấy nó ngừng, đứng lại một chỗ vậy. Đó cũng là lúc kim đồng hồ chỉ vào con số 12. Sau đó như đã nói là bắt đầu lúc người ta sử dụng hai chữ "bóng ngả" gợi tình gợi cảnh như đã giải thích cho đến khi nó khuất bóng sau đồi. Văn học gọi quãng thời gian này là hoàng hôn, đúng với chất trữ tình độc đáo của nó: "Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn, Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn. Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc, Tôi chờ người đến với yêu thương...(Hai sắc hoa tigôn)". Quãng "bóng ngả" này vẫn còn chút nắng vọt vàng, soi bóng tha nhân ngã dài trên địa giới. Cho đến lúc chỉ còn ta với mình, mình với ta... Màn đêm dần buông xuống...
Song, với sự thật hiển bày trong câu mang tính tả cảnh tả tình 51 thì lúc này trời chưa tối, quỷ vô thường chưa đưa bàn tay gớm ghiếc, khô khốc, móng vuốt tua tủa thắt miệng túi càn khôn. Một màu đen chết chóc hiện ra. Nó vẫn còn kịp cho chị em Thúy Kiều trở gót quay về trên quãng đường khá xa. Như đã nói, bước chân thời gian di chuyển từ lúc hừng đông cho đến lúc giữa trưa là cứ tà tà, từ từ, chậm rãi theo nhịp đi, dáng đi muôn thuở của nó. Lúc này nó đứng ở đỉnh điểm, cao trào của quỹ đạo xê dịch. Dân gian gọi là lúc đứng bóng, hoặc lúc chính ngọ. Chúng ta khoan nói lúc nó di chuyển, bước ra khỏi điểm chính ngọ, đứng bóng này cái đã, qua tình trạng, đúng hơn là của ma thuật chữ nghĩa mà Nguyễn Du nói hết sức đơn giản là "bóng ngả". Điểm chính ngọ, đứng bóng này của bước chân thời gian theo ẩn ý Nguyễn Du là để ám chỉ cho năm 1786. Năm Bính Ngọ. Năm Nguyễn Huệ kéo quân từ phủ Quy Nhơn ra đánh chiếm Thuận Hóa Phú Xuân từ tay quân Trịnh, đại diện là thủ lĩnh Phạm Ngô Cầu trong vai trò tướng vùng cai quản địa giới như đã nói đoạn trước. Chớ không gì cả!
Đây là nói những sự việc đi theo trước và sau mà hai chữ "bóng ngả" chỉ mang tính khái niệm, đầy chất trừu tượng, đóng vai trò là chiếc cầu nối đưa con người từ hiện tại thả bước qua hai bờ quá khứ và tương lai. Hai chữ "về tây" cuối câu, nói cho đầy đủ, cụ thể là "bóng ngả về tây" lại bắt qua một nghĩa khác, đặc biệt, lạ lùng, quái hơn nữa về cách chơi chữ điêu luyện khó lường, khó đoán của bậc thầy có một không hai trong thiên hạ, dưới gầm trời này. Nói thế có quá lắm không? Đó là chiết tự chỉ sự dùng viết ra chữ dậu. Chữ này đây 酉. Nếu lưu ý, chúng ta sẽ thấy chữ dậu 酉 này đâu khác gì chữ tây 西 là mấy. Chỉ có thêm (dưới chữ ngột 兀) nét ngang 一 là chữ tây 西 6 nét sẽ ra chữ dậu 酉 7 nét. Nói khác đi, cụ thể hơn, bốn chữ "bóng ngả về tây" chính là lúc tay văn học đáo để, lừng danh chữ nghĩa Nguyễn Du đã đang biểu diễn, trình bày cách viết chữ dậu, bắt đầu bằng chữ tây 西, xong, thay vì nói tôi sẽ viết bộ nhất 一 dưới chữ ngột 兀 để ra chữ dậu 酉, thì cụ lại diễn hành động, câu nói đó bằng hai chữ "bóng ngả về tây". Bộ nhất có hai cách viết, là nét ngang 一 và nét đứng〡. Nét đứng〡là lúc thời gian nằm ở đỉnh điểm, cao trào, 12 giờ trưa. "Bóng ngả" là khi chữ nhất nét đứng〡chuyển qua nằm ngang 一 , lúc trời đã chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai. trâu bò về giục mỏ xa xôi, ơi chiều... (Trích Nương chiều, nhạc Phạm Duy).
Như vậy, nếu chúng ta chấp nhận bốn chữ "bóng ngả về tây" chính là chiết tự của chữ dậu 酉. Thì dậu ở đây chỉ có nghĩa là giờ dậu 酉. Giờ dậu 酉 từ 5 đến 7 giờ chiều. Với ý (ẩn) nghĩa được giải thích qua bốn chữ "bóng ngả về tây", Nguyễn Du cho lịch sử biết rõ thời gian lúc này là 5 giờ chiều. Đó mới là nghĩa thứ nhất của chữ dậu 酉. Nghĩa thứ hai, quan trọng hơn, dậu 酉 được hiểu là năm Đinh Dậu 丁酉. Đinh 丁 ngoài nghĩa can đinh, can thứ tư trong thập can, thì đinh 丁 còn chỉ cho người đã trưởng thành, là con trai, đàn ông, gọi là người đã đến tuổi thành nhân. Đinh 仃 cũng đọc là đính. Đính 嵿 là đỉnh đầu, chỗ vị trí cao nhất. Chỗ vị trí cao nhất chính là lúc 12 giờ trưa, như đã giải thích cặn kẽ.
Bổ túc thêm nghĩa cho hai chữ "tà tà". "Tà 邪/斜" cũng đọc là da, gia. Gia là Gia Miêu, dòng họ của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Thuần, Gia Long. Dòng họ này trước cai trị đất Thuận Hóa Phú Xuân, khởi đầu từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, đến đời chúa thứ 9 cuối cùng là chúa Định Nguyễn Phúc Thuần, bị quân Trịnh từ Đàng Ngoài vào đánh đuổi và chiếm đóng, đại diện là tướng vùng Phạm Ngô Cầu, bắt đầu từ cuối năm 1774 cho đến tháng 5 năm 1786, thì Phú Xuân Thuận Hóa đã được chuyển giao qua cho Tây Sơn Nguyễn Huệ. Để chỉ cho thời gian chiếm đóng Phú Xuân Thuận Hóa của quân Trịnh, Phạm Ngô Cầu, đúng như lịch trình, ghi chép của lịch sử, thì Nguyễn Du phải viết hai chữ "tà tà", chữ "tà 斜" thứ nhất như đã giải thích, chữ "tà 邪" thứ hai dùng ám chỉ vào những hành động phạm pháp, bất chánh của Phạm (Ngô Cầu) thời gian đóng đô trên đất Phú Xuân Thuận Hóa. Phạm 犯 có nghĩa là phạm pháp, kẻ có tội, như những việc, những cái, những nơi không nên đụng chạm đến mà cứ tự do xâm phạm vào thì gọi là phạm. Kẻ phạm pháp như thế là kẻ có tội, kẻ bất chính, mà kẻ bất chính, phạm tội là kẻ tà vạy, gian tà, kẻ có tư tưởng, hành động cong, lệch, xiên vẹo (𝘵𝘢̀ 邪).
Hai chữ "tà tà" cũng còn có ý chỉ cho bước chân di chuyển thời gian từ lúc hừng đông đến đỉnh điểm, cao trào đứng bóng giữa trưa, sau đó là từng vị trí của bóng ngả ngắn đến bóng ngả dài, là phút giây hiện tại 5 giờ chiều/"bóng ngả về tây", như đã giải thích. Hiểu khác đi, hừng đông cũng là "tà tà", bởi con người chỉ thấy "bóng" mặt trời khi nó xuất hiện, còn trước đó có ai thấy gì đâu. Vì thế, nói ngắn gọn, "bóng ngả" cũng là "tà tà", là hừng đông, là đứng bóng. Chữ đông của hừng đông là phương đông, mùa đông, một trong bốn mùa xuân hạ thu đông.
Với những gì giải thích ở trên, thì câu 51 "Tà tà bóng ngả về tây..." là câu Nguyễn Du dùng thông báo (giải thích) hiện tượng chuyển giao lịch sử vùng miền, địa giới từ thể chế này qua thể chế khác, bắt đầu từ chúa Định Nguyễn Phúc Thuần đến tướng vùng Phạm Ngô Cầu, rồi quân đội Tây Sơn Nguyễn Huệ. Sau Nguyễn Huệ là đến thời kỳ của vua Cảnh Thịnh-Quang Toản, người cầm tinh tuổi Đinh Dậu 1777. Sự chuyển giao vùng miền, thể chế cũ và mới trên địa giới Phú Xuân được Nguyễn Du ám chỉ ngay vào thời điểm chị em Thúy Kiều đi chơi tiết Thanh Minh, bước đến khu vực, vị trí Cung điện Đan Dương, mà tiền thân của nó là Cung điện Mùa Đông hoặc Phủ Trên, Phủ Thượng, tức Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn theo như trích đoạn lấy từ sách Đi tìm Cung điện Đan Dương-Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của ông Nguyễn Đắc Xuân.
Sở dĩ chúng tôi xác định vua Cảnh Thịnh-Quang Toản lên thế ngôi sau khi vua cha ra đi, tuổi Đinh Dậu 1777, chính là căn cứ vào tấm văn bia Cố Nam 故南 (xem ảnh kèm theo) do Văn Quan (không phải Vương Quan, sáu chữ Thân Đệ Văn Danh Phụng Lập 親弟文名奉立 bên trái đã xác định như thế. Khi viết ra câu 61 "Văn Quan mới dẫn gần xa..." là Nguyễn Du dựa vào tấm văn bia tại hiện trường lịch sử, tại kiệt 51 Minh Mạng tp Huế ngày nay này đây) dựng lập cho chị Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai của mình tại kiệt 51 Minh Mạng thành phố Huế ngày nay (xem ảnh kèm theo). Hàng tám chữ đứng giữa tấm văn bia Cố Nam 故南 đọc là Thị Nội Chưởng Cơ Đinh Hầu Chi Mộ 侍内掌奇丁侯之墓: ngôi mộ này của bà thị nội (người hầu trong) do vua chư hầu (Cảnh Thịnh) tuổi Đinh Dậu (1777), người nắm trong tay nhiều việc cơ mật triều đình, dựng lập cho bà. Bà (thị nội) vào Phú Xuân cùng chồng năm Đinh Vị 1787. Đây là nghĩa mật mã. Còn nghĩa công khai là: đây là ngôi mộ bà thị nội (người hầu trong), vợ ông quan chưởng cơ tuổi Đinh, tước hầu, coi về việc binh bị triều đình, lập cho bà. Chuyện này chúng tôi giải thích khá nhiều, nay viết bấy nhiêu, khỏi nói dài dòng ra nữa. Bảy chữ bên phải Kỷ Dậu Bát Nguyệt Cát Nhật Táng 己酉八月吉日塟. Kỷ Dậu 己酉 là hai chữ ghép: tháng Tám Quý Dậu (âl) năm Kỷ Mùi 1799. Chớ không phải là năm Kỷ Dậu nào cả. Kỷ 18 chỉ có năm Kỷ Dậu 1789, là năm mà bất cứ người Việt yêu thích lịch sử nào cũng đều biết cả. Năm Hoàng đế Quang Trung đánh dẹp 29 vạn quân Thanh chỉ trong vòng năm ngày, tính từ đêm trừ tịch năm trước (1788) đến ngày Mồng Năm năm mới 1789. Cũng còn có năm Kỷ Dậu khác, năm 1749, lúc này thời gian đã "tà tà", cứ thế băng qua những 60 năm, hết ngày dài lại đêm thâu, thuộc kỷ 19 mất rồi. Bát Nguyệt 八月 là tháng Tám âm lịch. Cát Nhật Táng 吉日塟 là ám chỉ việc cải táng (thay đổi) người chết từ nơi này qua nơi khác, chôn táng lại lần hai, lần đầu là của triều Tây Sơn, đại diện là vua (nhật 日/mặt trời/vua) Cảnh Thịnh đứng ra lo mọi việc cho Hoàng hậu Thúy Kiều Thu Mai. Với sự việc (diễn ra) được trình bày trên văn bia, chứng tỏ gia đình Hoàng hậu, tất nhiên có cả Nguyễn Du, cho rằng triều Tây Sơn ngày ấy đã chôn táng Hoàng hậu chỗ đất không được tốt, bao gồm việc xây ngôi mộ cho Bà cũng rất sơ sài, đơn giản, không đúng với vị thế của Bà trong triều đình. Nên gia đình Hoàng hậu mới quyết định di dời hài cốt của Bà qua chôn táng lần hai, gọi là cát táng, cách đó 6m. Sự việc được tiến hành ngay trong năm Kỷ Mùi 1799. Qua năm Canh Thân 1800 là lúc chị em Thúy Kiều đi thăm mã, gọi là tảo mộ, với các câu đang giải thích.
Kiệt 51 Minh Mạng, đường vào Ngôi Tháp mộ Bắc cung Hoàng hậu, nơi có tấm văn bia Cố Nam.
Ngôi Tháp mộ chôn táng hài cốt Hoàng hậu Thúy Kiều Thu Mai lần hai của Nguyễn Du và gia đình.
Ngôi mộ vua Cảnh Thịnh dựng lập (cả tấm bia) cho Hoàng hậu Thu Mai được Nguyễn Du miêu tả qua hai câu 57-58: "Sè sè bát đất bên đường, Một vài ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh...". Đây là hai câu chiết tự chữ Hoàng 黃 thảo 艹 nhất 一 điền 田 bát 八, được Nguyễn Du sử dụng dùng ám chỉ ngôi mộ của người họ Hoàng, là Bắc cung Hoàng hậu Hoàng Thị Thu Mai, vợ thứ ba vua Quang Trung, chết năm Kỷ Mùi 1799. Hai chữ "bát đất" Nguyễn Du cho biết hồi ấy ngôi mộ của Hoàng hậu Thu Mai được triều Tây Sơn làm tám cạnh, bởi Bà là người tu theo Phật giáo, nên mồ mã xây dựng cũng phải theo khuôn khổ nhà đạo, không như người đời, nhưng lại quá đơn giản, thấp bé. Đó là lý do để gia đình Hoàng hậu phải di dời hài cốt của Bà qua chôn táng lần hai, với hình thức to lớn, trang nghiêm, bề thế hơn, cách đó 6m. Để ghi nhớ nơi chôn táng Hoàng hậu lần đầu của triều Tây Sơn, em của Bà là Văn Quan đã dựng lên ngay vị trí đấy tấm bia Cố Nam 故南. Đến khi nhà Tây Sơn sụp đổ, cáo chung, Văn Quan đã chôn hài cốt cháu kêu mình bằng cậu, con thứ hai của Hoàng hậu Thúy Kiều Thu Mai và vua Quang Trung, là Hoàng tử Ngọc Tâm (không phải Ngọc Đức), xuống ngay tại vị trí tấm bia Cố Nam 故南. Làm như thế chắc với mục đích tránh sự theo dõi của tay chân vua quan triều Nguyễn hiện đã đang ngày đêm giăng bẫy, lùng sục khắp mọi nơi cố tìm, moi ra cho bằng được những tàn tích, dấu vết của kẻ thù không đội trời chung hòng đập phá, giết sạch, dẹp sạch cho thỏa lòng uất hận sâu cao hơn đại dương, núi thẳm nghìn trùng muôn trượng, cũng để khỏi phải nhầm lẫn mồ mã người khác, cũng là để bảo vệ những bí mật động trời của gia đình, dòng họ trên địa giới đã thay ngôi đổi chủ. Những việc làm tưởng đâu vô ích vô sự ấy của Văn Quan, Nguyễn Du ai ngờ lại tồn tại, kéo dài mãi tới ngày nay. 200 năm hơn. Thật trời cao có mắt. Không phụ công ơn khó khổ lòng người.
Tấm văn bia Cố Nam, vị trí chôn táng hài cốt Bắc cung Hoàng hậu năm 1799 của triều Tây Sơn.
Hai câu ám chỉ bí mật lịch sử trọng đại nói trên, của con người bằng xương bằng thịt, của câu chuyện tình sử chốn quan trường có thật, từng xảy ra trên nước Việt, địa giới Phú Xuân Thuận Hóa, do Thanh Tâm Tài Nhân Nguyễn Du Kim Trọng viết cho mối tình lỡ làng, bẽ bàng của mình với người trong mộng đầu đời Thúy Kiều Thu Mai, mà do hoàn cảnh chiến cuộc đẩy đưa, đã ngăn chặn họ đến với nhau: cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm chịch kéo quân đánh chiếm Bắc Hà năm 1786. Trong Ai tư vãn Hoàng hậu Thu Mai có nhắc lại giai đoạn lịch sử ấy: "Từ cờ thắm đỏ vời cõi bắc, Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương. Dưới trên vâng mệnh phụ hoàng, Thuyền nan chèo quế thuận buồm vu quy...: chữ "dưới" ý nói gia đình Thúy Kiều nghe theo lời dạy của mẹ là bà Chiêu nghi Nguyễn thị Huyền. Còn "trên" ám chỉ việc quan quân triều Lê hồi ấy phải tuân theo mệnh lệnh của vua Lê Hiển Tông, gã người đẹp Thúy Kiều cho Nguyễn Huệ để kết tình hòa hảo hai nước Đàng Ngoài Đàng Trong, chính là để làm lắng dịu tình hình chính trị căng thẳng thời điểm hiện tại. Cho nên cuộc tình duyên của Công chúa Ngọc Ngân, trá hình là người đẹp Thúy Kiều Thu Mai, được sử sách xác định, gọi là cuộc tình duyên chính trị. Nó chẳng khác nào mối duyên tình đầy sóng gió, trắc trở, câu chuyện nước non ngàn dặm ra đi của Huyền Trân công chúa đời Trần thuở xưa cả". Chớ nó (truyện Kiều) chả liên quan gì đến người Tàu, nền văn học, văn hóa của Tàu, về sau đã bị sửa thành hai câu trật đường rầy, chỉ đông nói tây là "Sè sè nắm đất bên đường, Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh...".
Câu "Thuyền nan chèo quế thuận buồm vu quy" là chiết tự chỉ sự, dùng viết ra chữ đinh 丁 (nét nhất 一 tượng trưng chiếc thuyền nan nhỏ bé, mỏng manh, bộ quyết亅 dụ mái chèo) và chữ vị 未 (dụ cột buồm), vị 未 cũng là mùi, chi thứ tám trong 12 chi tý sửu dần mẹo... Câu "Thuyền nan chèo quế thuận buồm vu quy..." dùng để chỉ cho năm Đinh Vị 1787, là năm người đẹp Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai theo sự sắp xếp của gia đình và vua Lê Hiển Tông cùng triều thần đã chính thức lên đường vào xứ Đàng Trong cùng chồng là Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Về sau, câu ám chỉ bí mật lịch sử được chính người trong cuộc, là tác giả bài thơ khóc chồng, viết ra để giải tỏa những ẩn khuất nỗi lòng, cũng như để xác định cho lịch sử biết rõ ngày tháng năm mình rời quê hương, vào Đàng Trong cùng chồng theo diễn biến thời cuộc đã bị sửa thành "Thuyền lan chèo quế thuận buồm vu quy...". Chỉ sai nội một chữ, "nan" thành "lan" thôi, thì sự thật đã bị xô ngã, mất dấu hoàn toàn. Và từ đó người ta chỉ còn biết tin vào những ghi chép sai lạc của lịch sử, cho rằng Công chúa Lê Ngọc Hân, thật ra là Ngân, theo cùng chồng vào Phú Xuân năm Bính Ngọ 1786. Chớ làm gì ai biết được người đẹp nghiêng nước nghiêng thành Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai, con Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, trong Kiều Nguyễn Du gọi là "Có nhà viên ngoại lộc hoàn...", ngày ấy đã được vua Lê và triều thần quyết định chơi ván bài sinh tử, tráo vào vị trí, vai trò Công chúa Lê Ngọc Ngân, về làm vợ danh tướng Tây Sơn đâu!
Ảnh chụp gần tấm văn bia Cố Nam do Văn Quan dựng lập. Toàn những chữ mật mã, gãi bẫy.
Đến đây chúng ta đã biết thời gian chị em Thúy Kiều đi chơi tiết Thanh Minh, đến khu vực Cung điện Đan Dương, cùng với những dẫn giải vòng vo tam quốc, tây du diễn nghĩa, chia nhau đi xem xét các nơi, rồi chuẩn bị ra về, lúc này là giờ dậu 酉. 5 giờ chiều. Chúng ta cũng có quyền đặt ra nghi vấn, ngang đoạn này, nếu Nguyễn Du đã cố ý cho lịch sử biết rõ cặn kẽ thời gian cụ thể như thế của câu chuyện, chắc cụ cũng có cho biết đó là ngày tháng năm nào chớ?
Muốn biết đó là ngày tháng năm nào của câu chuyện, sự việc, chúng ta cần đi ngược lại về trước, thì sẽ rõ thôi.
Câu 48 "Ngựa xe như thác, áo quần như hoa..." là những chiết tự dùng để viết, cũng như để nói cho lịch sử biết chính xác đó là năm nào. Về sau, câu ám chỉ bí mật lịch sử vô cùng quan trọng này đã bị sửa thành câu vô nghĩa, trật đường rầy, toa khoang ngã đổ chỗng kềnh, lăn cù cù mỗi nơi mỗi cái là: "Ngựa xe như nước, áo quần như nêm". Xin giải thích câu nguyên gốc như sau. Câu sai lạc bàn, giải để làm gì. Bốn chữ "Ngựa xe như thác" là chiết tự chỉ sự, dùng viết ra chữ canh 更, 賡 nghĩa luân phiên, tiếp tục, nối theo nhau, không dứt, không gán đoạn. Đây là chữ giả tá (mượn chữ này lấy ra chữ khác), còn chữ canh (can thứ bảy trong thập can) nghĩa ẩn là đây 庚. Bốn chữ còn lại "áo quần như hoa" là chiết tự chỉ sự của chữ thân 侁 nghĩa đông đúc, đông đảo. Để hiểu cho trọn vẹn thế nào là đông đúc, đông đảo, thì thân 侁 còn mở ra âm đọc là tân. Tân 繽 đọc là tân phân: sự rực rỡ, sặc sỡ của sắc màu đủ loại. Ghép nghĩa hai chữ thân 侁 và tân 繽, thì đó là nghĩa bóng của bốn chữ "áo quần như hoa: áo quần sặc sỡ, rực rỡ như hoa cỏ mùa xuân" vậy.
Qua giải thích, chúng ta đã biết, câu 48 "Ngựa xe như thác, áo quần như hoa..." được Nguyễn Du dùng ám chỉ cho năm Canh Thân 庚申 1800.
Ngựa xe lễ tế đàn Nam Giao triều Nguyễn. Ảnh minh họa, lấy trang mạng.
Còn để biết đây là ngày mấy, tháng mấy của năm Canh Thân 庚申 1800. Thì các câu sau trước 54, 43 sẽ cho chúng ta hiểu rõ sự tình, câu chuyện hơn nữa. Câu 43 "Thanh minh trong tiết tháng Ba..." khỏi nói ai cũng biết đây là thời điểm tháng Ba âm lịch, là tháng có lễ tảo mộ và lễ Thanh minh ở các làng xóm xưa và nay của người Việt. Câu 54 "Nhìn xem phong cảnh bốn bề thanh thanh" dùng ám chỉ cho ngày các chị em Thúy Kiều đi chơi tiết Thanh Minh. Ngày Mồng Bốn âm lịch. Về sau đã bị sửa thành "Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh" nghe lạc loài, vô nghĩa thế nào. Tiếp theo câu 43 "Thanh minh trong tiết tháng Ba..." là câu 44 "Lễ là tảo mộ, hội Bà dạo quanh..." có ý nghĩa như sau. "Tảo mộ" là lễ thăm mã người chết vào dịp tiết trời mát mẻ, trong thanh vào đầu tháng Ba âm lịch, sẵn quét tước, sửa sang lại phần mộ của người quá vãng. Cũng trong tháng Ba âm lịch này ngoài lễ tảo mộ đã thành phong tục lâu đời của người Việt, còn có lễ hội cúng Bà Chúa xứ ở các địa phương nữa. Ở Huế, lễ cúng này xuất phát tại điện Hòn Chén, muốn đến điện Hòn Chén, thì chèo thuyền ngược sông Tiền Đường 前堂 (sông Hương), về hướng đầu nguồn, thuộc làng Ngọc Hồ, phương Hương Hồ. Dưới đây là trích đoạn nói về lễ cúng Bà Chúa xứ tại Điện Hòn Chén.
Đ𝗶𝗲̣̂𝗻 𝗛𝗼̀𝗻 𝗖𝗵𝗲́𝗻
Điện Hòn Chén hay Huệ Nam Điện tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó có liên quan đến giai thoại về vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc.
Lễ Hội Điện Hòn Chén nhìn từ sông Hương.
Giai thoại
Trong quần thể di tích cố đô Huế, có lẽ điện Hòn Chén gắn với nhiều giai thoại nhất. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa "trả lại chén ngọc", vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Song, trong các văn bằng sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức "Ngọc Trản Sơn Từ" (đền thờ ở núi Ngọc Trản). Đến thời Đồng Khánh (1886-1888), ngôi điện mới được đổi tên là Huệ Nam Điện (ý là mang lại ân huệ cho vua nước Nam) và cũng gắn với nhiều giai thoại khác nữa. Qua bao nhiêu năm tháng gắn với bao truyền thuyết, dân gian vẫn gọi điện là Điện Hòn Chén hay Điện Hoàn Chén đều đúng.
Đặc điểm
Điện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chàm thờ nữ thần PoNagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Điện Hòn Chén nhìn từ trên cao. Ảnh lấy trang mạng.
Điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần PoNagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Theo truyền thuyết dân gian Chăm, nữ thần PoNagar là con của Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Hương mộc và kỳ nam là thứ gỗ tượng trưng cho sự linh hiển của Nữ thần. Bà còn làm tỏa hương gạo ngọt ngào, cổ vũ dân trồng cây bồ đề.
Tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo như điện Hòn Chén, người Việt dễ dàng dung hợp được cả một tín ngưỡng thần linh mang sắc thái riêng của người Chăm. Có lẽ vị Nữ thần của dân tộc Chăm xét trên bình diện tâm linh có nét tương đồng với các Nữ thần của người Việt. Đây được xem là sự hòa nhập về tôn giáo hay còn gọi là bản địa hóa. Để ký âm cho danh từ PoNagar bằng Hán văn, các Nho sĩ ngày xưa đã phải tạo ra một âm hưởng hao hao và mang một ý nghĩa tương đương nhất định bằng bốn chữ Hán: Thiên Y A Na. Tên gọi Thiên Y A Na là tên gọi của người Việt hay còn gọi là Mẹ Xứ Sở theo tín ngưỡng của các vùng khác, như Nha Trang-Khánh Hòa, v..v..
Các bậc cấp dẫn lên Điện Hòn Chén. Ảnh chụp năm 2015.
Từ năm 1954, Liễu Hạnh Công Chúa, tức là Vân Hương Thánh Mẫu cũng được đưa vào thờ ở đây. Ngoài ra, tại điện Hòn Chén, người ta còn thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Vua Đồng Khánh cũng là một trong những đồ đệ ấy. Điện Hòn Chén được vua Minh Mạng cho tu sửa và mở rộng vào tháng 3/1832. Sau đó hai năm, đền lại được trùng tu. Như vậy, xét về mặt tín ngưỡng, điện Hòn Chén bối cục thờ không theo nguyên tắc, mà phối thờ nhiều tín ngưỡng khác nhau.
Lịch sử
Từ năm 1883 đến năm 1885, vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử triều Nguyễn, vua Đồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi cha nuôi là vua Tự Đức. Ông nhờ mẹ là bà Kiên Thái Vương lên đền Ngọc Trản cầu đảo và hỏi Thánh Mẫu Thiên Y A Na xem mình có làm vua được không. Mẫu cho biết ông sẽ toại nguyện.
Bởi vậy, sau khi tức vị, năm 1886, vua Đồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ, và đổi tên ngôi đền là Huệ Nam Điện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Có một điều kỳ lạ, chính vua Đồng Khánh đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ và tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu, mặc dù nhà vua chỉ gọi thánh mẫu bằng "Chị". Theo nguyên tắc xưa, ông vua nào cũng đứng trên các thánh thần trong cả nước, nhưng ở đây vua Đồng Khánh lại hạ mình xuống làm "em" của Mẫu. Hiện nay trong đền vẫn còn thờ vài bức tranh ảnh của chính nhà vua được treo ở đây.
Lễ hội Bà Chúa xứ được tổ chức trọng thể hằng năm. Chờ rước lễ tại bậc cấp lên Điện.
Toàn cảnh lễ hội
Điện Hòn Chén thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, từ thế kỷ 16, hàng năm cử hành lễ hội vào hai kỳ: tháng ba và tháng bảy.
Tại Huế, Thánh Mẫu được thờ tại điện Hòn Chén, làng Hải Cát, huyện Hương Trà. Nghi lễ tại Điện Hòn Chén rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Đám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ Huệ Nam đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả.
Lễ hội giống như một festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc "bằng" (thuyền kết đôi) với cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu. Tại khu vực điện sẽ diễn ra Thánh Mẫu tuần du làng Hải Cát, lễ tế làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, lễ phóng sanh, phóng đăng...
Đám rước cử hành trên những chiếc "bằng". Trên mỗi "bằng" có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, liền kế đó là một bằng khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị Thượng Ngàn và Thủy Cung Thánh Mẫu. Sau đó là những chiếc bằng chở các tự khí, tàn tán cờ quạt.
Đoàn thuyền tấp nập trên sông Hương chở người về dự lễ Bà Chúa xứ vào dịp tháng Ba, tháng Bảy âm lịch hằng năm.
Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt... Các thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác. Đám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm. Khi đoàn ghé bến, đám rước chuyển từ sông lên bộ, đi cho đến đình làng Hải Cát, có phường bát âm đi sau kiệu.
Lễ hội tháng 7 âm lịch năm 2012
Trong lúc đoàn bằng khởi hành từ bến trước Huệ Nam điện, các bà đồng đã cùng nhau lên đồng ngay ở chiếc bằng có bàn thờ Thượng Thiên Thánh Mẫu. Những cuộc lên đồng hầu bóng tiếp tục cho đến khi đoàn bằng đi tới bờ, nơi đám rước chuyển từ sông lên bộ. Những cuộc lên đồng có bàn thờ Thượng Thiên Thánh Mẫu. Những cuộc lên đồng hầu bóng tiếp tục cho đến khi đoàn bằng đi tới bờ, nơi đám rước chuyển từ sông lên bộ.
Dân làng đi theo đám rước cùng với các thiện nam tín nữ. Nghinh thần xong, dân làng làm lễ Túc Yết (tức yết kiến kính trọng) theo nghi thức cổ truyền.
Lễ rước Thánh mẫu Thiên Y A Na trên bộ.
Suốt đêm, trên mặt sông Hương và có khi ở trước đình làng là các cuộc hát thờ, hầu đồng, hầu bóng. Sáng ngày hôm sau là lễ chánh tế, tổ chức từ 02g- 05g00 sáng. Sau đó là lễ Tống thấn. Mặt sông Hương lại bùng lên với âm nhạc, pháo nổ tưng bừng, hàng trăm chiếc thuyền, bằng chen chúc, những bộ lễ phục rực rỡ.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống.
Ngựa xe như thác, áo quần như hoa... là cảnh này đây. Chỉ còn thiếu ngựa xe nữa thôi.
Lễ hội không chỉ dừng lại là một lễ hội văn hóa dân gian mà nó còn thu hút một lớn số lượng du khách trong nước lẫn nước ngoài. Lễ hội pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng và không phân biệt tín ngưỡng, lễ hội đưa mọi người đến gần nhau hơn.
Đến thăm thành phố Huế đúng dịp diễn ra lễ hội, xuôi thuyền ngược dòng Hương Giang đến núi Hòn Chén, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế điện Hòn Chén. Vậy mới biết, sức hút của Huế không chỉ ở những công trình đền đài lăng tẩm, mà còn có cả những lễ hội linh thiêng như lễ điện Hòn Chén hằng năm.
***
Đoạn trích trên cho chúng ta biết rõ Điện Hòn Chén vốn là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na từ thế kỷ 16, còn gọi là nữ thần PoNagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Mãi về sau, thời các vua Nguyễn, vào tháng 3 năm 1832 vua Minh Mạng cấp kinh phí cho trùng tu, sửa chữa Điện. Đến năm 1886, vua Đồng Khánh cho đập phá Điện cũ, xây Điện mới khang trang, quy mô và lớn hơn. Tại Huế, ngoài Điện Hòn Chén, thì đình làng Cát Hải huyện Hương Trà cũng là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Hằng năm lễ hội cúng Thánh Mẫu diễn ra vào tháng Ba và tháng Bảy âm lịch tại hai nơi này. Trong Kiều, Nguyễn Du gọi Thiên Y Thánh Mẫu là "Bà Chúa xứ" qua câu 44.
Như vậy, đọc qua đoạn trích về Điện Hòn Chén, mang ra so với câu 44 "Lễ là tảo mộ, hội Bà dạo quanh..." trong Kiều chúng ta thấy Nguyễn Du nói không sai, qua cụm từ "hội Bà dạo quanh", bởi Thánh Mẫu Thiên Y A Na tại Huế được thờ cúng kính cẩn ở hai nơi là Điện Hòn Chén và đình làng Cát Hải. "Dạo quanh" là nói lúc các chị em Thúy Kiều theo đám cử hành lễ hội đến xem lễ ở hai nơi. Về sau, câu nói về sự kiện văn hóa đặc sắc, có tuồng tích hẳn hoi, cụ thể từng diễn ra trên xứ Huế của thi hào đất nước đã bị chỉnh sửa thành câu vô nghĩa, trống không là "Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh". Người ta xúm giải nghĩa hai chữ "đạp thanh" là lễ tập trung đám người dẫm đạp lên cỏ non vào dịp tháng Ba âm lịch hằng năm, vốn xuất phát từ bên Tàu. Thế là thế nào?
Hai câu 55-56 "Nao nao dòn nước uốn quanh, Nhịp cầu nho nhỏ giữa ghềnh bắc ngang..., là chiết tự dùng viết ra chữ thần 臣 giả tá, để lấy ra chữ thìn 辰 này đây. Thìn 辰 ở đây chỉ có nghĩa là tháng Ba Canh Thìn. Lịch vạn niên âm dương trang mạng (ảnh kèm theo) đã cho chúng ta biết rõ, đúng như thế. Bởi những gì được người trong cuộc, đương thời Nguyễn Du nói, viết ra thì sai vào đâu, thế nào được?...
Lịch vạn niên tháng Ba âm lịch, ô vàng là ngày đi tảo mộ của chị em Thúy Kiều. Lúc này là tháng 4 dl.
Tóm lại. Các câu 49-50 là ẩn nghĩa, nơi núp bóng của hai chữ Cung điện 宮殿: nơi ở của vua chúa và gia đình, vợ con hoặc là nơi làm việc của triều đình, nhà nước, thể chế thời phong kiến. Chữ điện 靛 nói, giải ở đầu bài chỉ là chữ giả tá, với nhóm từ ngữ chiết sự "Rõ ràng trước mắt hiện tiền bấy nay...". Câu 51 "Tà tà bóng ngả về tây..." như đã giải thích chỉ là câu mang tính chuyển giao lịch sử vùng miền, từ thế chế chính trị này qua thể chế chính trị khác trên địa giới Phú Xuân Thuận Hóa, khởi đầu từ chúa Định Nguyễn Phúc Thuần, qua quân Trịnh, Phạm Ngô Cầu, rồi đến nhà Tây Sơn. Câu 52 "Chị em thơ thẩn đan tay ra về..." là nơi núp bóng của hai chữ Đan Dương, cũng là câu dùng bổ ngữ, xác định thời gian cai trị của nhà Tây Sơn, đời vua Cảnh Thịnh, năm Canh Thân 1800. Lúc này thì Bắc cung Hoàng hậu Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai đã ra đi từ tháng 8 (âl) năm trước. Năm Kỷ Mùi 1799. Đến thời điểm hiện tại, tháng Ba Canh Thìn 1800, thì đám tang của Bà đã được hơn 2 tháng, 60 ngày, đúng như câu 40 Nguyễn Du ám chỉ, nói quá rõ "Hoàn tang chín chục đã ngoài sáu mươi...".
Chứng minh dưới đây sẽ cho chúng ta biết "Hoàn tang chín chục đã ngoài sáu mươi..." là có lý hay vô lý so với câu đã bị chỉnh sửa nhưng nghe cũng rất có lý, rất khó phân biệt chỗ đúng sai, thật hư của nó "Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi...".
Trong năm loại tang phục, thời phong kiến, gồm 1-Đại tang: trảm thôi và tề thôi, thời gian để tang 3 năm. 2- Cơ niên: thời gian để tang 1 năm. 3-Đại công: thời gian để tang 9 tháng. 4-Tiểu công: thời gian để tang 5 tháng. 5- Ty ma phục: thời gian để tang 3 tháng, gồm các chi tiết như sau.
*Chít để tang can (Kị) nội (ngũ đại: Hồng tang-chít khăn đỏ).
*Chắt để tang cụ nhà bác, nhà chú (tằng tổ bá thúc phụ mẫu và tằng tổ cô, tức là anh em ruột với cụ nội).
*Cháu để tang bà cô đã lấy chồng (chị em ruột với ông nội).
*Cháu để tang cô bá (chị em con chú bác ruột với bố).
*Con để tang bố dượng (nếu trước có ở cùng, sau mới về bên nội).
*Con để tang nàng hầu của cha.
*Con để tang bà vú (cho bú mớm).
*Cháu để tang tộc bá thúc phụ mẫu (anh em cháu chú, cháu bác với cha).
*Chồng để tang vợ lẽ nàng hầu.
*Anh chị em họ nội năm đời để tang cho nhau.
*Bố mẹ vợ để tang con rể.
*Ông bà ngoại để tang cháu ngoại và cháu dâu ngoại.
*Ông của chồng để tang cháu dâu.
*Cụ để tang chắt nội.
*Cháu để tang vợ cậu, chồng cô, chồng dì có cùng ở một nhà.
*Anh chị em con cô ruột, con dì ruột để tang cho nhau.
*Cậu ruột để tang vợ của cháu trai.
*Cháu dâu để tang các ông bà anh chị em ruột với ông nội chồng.
*Chắt dâu để tang cụ nội của chồng.
*Cụ để tang chắt nội trai gái.
*Ông bà để tang các cháu gái của con nhà chú, nhà bác.
***
Trong các chi tiết của loại tang Ty ma phục này, như câu 40 cho biết "Hoàn tang chín chục đã ngoài sáu mươi..." thì chi tiết thứ 6, Con để tang nàng hầu của cha chính là để chỉ cho việc tang chế của triều đình Tây Sơn, đại diện là vua Cảnh Thịnh, để tang cho Bắc cung Hoàng hậu Hoàng Thị Thu Mai vậy. Đồng thời, cũng là tang của các người em Hoàng hậu để tang cho chị của mình, tang cơ niên, thời gian 1 năm. Từ tháng 8 (âl) năm trước đến tháng Ba năm sau vẫn được tính là một năm. Bởi chữ cơ 奇 lấy (mượn) trong tang cơ niên có nghĩa là số lẻ, gồm 1, 3, 5, 7, 9. Số 9 cũng chính là chữ "chín", "chín chục" trong câu 40, được Nguyễn Du sử dụng mục đích ám chỉ cho tang cơ niên mà các người em của Thúy Kiều đang chịu cho chị của mình. Về sau, câu ám chỉ bí mật lịch sử nói về việc tang phục của triều Tây Sơn, của tộc Hoàng đã chỉnh sửa thành câu sai biệt muôn trùng "Thiều quang chín chục đã ngoài sau mươi..." nhưng khi đọc qua thấy cũng rất có lý, không làm sao tìm ra kẽ hở của nó để bắt bẻ, cật vấn, đặt niệm phản tỉnh, soi xét cho nổi cách nào như những câu khác. Chẳng hạn câu 48 "Ngựa xe như nước, áo quần như nêm...". Tại sao lại đánh đồng "ngựa xe" như nước, một thể lỏng, và áo quần gì lại như nêm? Nêm là gì? Đúng không?
Xin trở lại với câu 51 "Tà tà bóng ngả về tây...". Như đã nói, câu 51 này được Nguyễn Du sử dụng với mục đích ám chỉ sự chuyển giao địa giới vùng miền từ thể chế chính trị này sang thể chế chính trị khác, với các nhân vật lịch sử khác, người trước kẻ sau đều đã nối bước ra đi, mà Cung điện Mùa Đông của chúa Định Nguyễn Phúc Thuần là điểm khởi phát sự việc của câu thơ với hai chữ "tà tà". Trong thời điểm hiện tại, lúc chị em Thúy Kiều dạo chơi, thả bước tới Cung điện Đan Dương, thì Phú Xuân Thuận Hóa hiện dưới sự quản lý của vua Cảnh Thịnh, người cầm tinh tuổi Đinh Dậu 1777. Tháng Ba Canh Thìn Năm Canh Thân 1800. Sau giai đoạn cai trị Phú Xuân của vua Cảnh Thịnh, người cầm tinh tuổi Đinh Dậu 1777, thì hai chữ "bóng ngả" sẽ "tà tà" di chuyển đến năm Nhâm Tuất 1802, thời điểm lên ngôi, xưng vương của Nguyễn Ánh Gia Long sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, lấy lại đất Thuận Hóa cho gia tộc vào năm 1801. Cũng năm (Tân) Dậu 1801.
Cung điện Đan Dương, mà tiền thân là Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn. Ảnh minh họa.
Song, đây là chúng ta nói theo suy diễn ngày nay, người đứng ngoài các sự kiện lịch sử xa xưa. Còn trong văn bản ghi chép lịch sử bằng thơ của người đương thời, trong cuộc Nguyễn Du ngày ấy chỉ có nói đến thời điểm cai trị địa giới của người tuổi Đinh Dậu 1777 qua câu lục 51 "Tà tà bóng ngả về tây...". Chúng ta đâu thể suy diễn tự do ngoài ẩn ý tác giả qua các câu chữ mang tính ám chỉ (lịch sử) như thế được. Như diễn, cho hết năm Dậu là đến năm Tuất. Thời điểm lên ngôi, cai trị địa giới của Nguyễn Ánh. Đồng ý bước thời gian là phải di chuyển như thế. Lịch sử cũng diễn ra như thế. Làm gì có chuyện chen ngang vào nói tự do, tùy hứng theo chủ quan, định kiến cá nhân. Đúng không?
Đường vào ngọn đồi thiêng ngày nay, nơi có "ngọn tiểu khê" của câu 53 như ám chỉ của Nguyễn Du.
Đoạn trên là thử đặt ra vấn đề, để nói cho hết lý sự. Còn sự thật, những diễn biến của lịch sử cũng như bước di chuyển thời gian theo ẩn ý, sự ám chỉ của người trong cuộc Nguyễn Du đối với sự việc, đối với người viết sử (bằng thơ) là ở các câu này đây. Sau câu 52 "Chị em thơ thẩn đan tay ra về..." là đến hai câu 53-54 "Bước dần theo ngọn tiểu khê, Nhìn xem phong cảnh bốn bề thanh thanh...". Hai câu 53-54 này có những chữ sai với nguyên bản gốc, mà những chữ ấy lại là những chữ dùng ám chỉ bí mật lịch sử của tác giả, xin chỉnh lại, chữ in đậm.
Trước hết, nói về ba chữ "ngọn tiểu khê", "tiểu khê" hầu hết các bản Kiều hiện có mặt thị trường không có giải thích nào cả, vậy "tiểu khê" ở đây nên hiểu là khe nước hay lạch nước (nhỏ/tiểu) chảy ra từ một ngọn núi. "Ngọn" ở đây vừa là ngọn núi, vừa là "ngọn tiểu khê: thác nước nhỏ đổ từ cao xuống". Nếu "ngọn" là chỉ cho ngọn núi, nơi có lạch nước, khe nước chảy ra, vậy đó là ngọn núi nào? Muốn biết đó là ngọn núi nào, xin đọc giải thích sau sẽ rõ thôi.
Thác nước đổ từ trên cao xuống, phân thành nhiều cấp nước, tầng nước.
"Khê 溪" tiếng Nôm đọc là khe, nói đủ là sơn khê. Khê 鞵 (chữ đa nghĩa) cũng đọc là hài. "Khê 溪" tiếng Hán là dòng suối, lạch nước trong núi (chảy ra). Khê 徯 có âm đọc là hề. Hề 奚 là đứa ở nhờ, ở đợ. Chữ hề trên là bộ trảo 爪,爫 4 nét. Trảo 笊 cũng đọc là tráo. Tráo 罩 là đậy che, là vật (giả) dùng che, trùm, phủ bên ngoài sự việc gì đó. Dưới bộ trảo 爪,爫 là bộ yêu 幺 3 nét. Yêu 幺 là nhỏ bé, người nhỏ bé, thấp kém. Yêu 麽 (chữ đa nghĩa) cũng đọc, có âm là ma. Ma 魔 là ma quỷ, là những trò ma quỷ, bí hiểm, bày ra lừa gạt con người. Dưới bộ yêu 幺 3 nét là bộ đại 大 3 nét. Đại 大 là to lớn, vĩ đại. Đại 代 (chữ đa nghĩa) còn là triều đại, như Hán đại: đời nhà Hán, Lê đại: đời nhà Lê; Nguyễn đại: đời nhà Nguyễn. Đại 代 như thế ý chỉ về những giai đoạn lịch sử, là thời kỳ cai trị nhân dân của triều đại, thể chế nào trong lịch sử. Đại 代 còn để chỉ cho người kế nhiệm, đi sau, như cha con nối tiếp nhau cai trị gọi là một đời hay đại. Đại 儓 cũng đọc là đài. Đài 台 là cái đài, cái lầu, phàm vật gì hai lần chập chồng lên nhau thì gọi là lầu, là tằng. Đài 台 cũng đọc là thai. Thai 台 hay đài 台 ở đây, câu chuyện này, chính là ngôi chùa lịch sử Thiên Thai 天台, nằm cô độc một bóng một hình trên đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn, là nơi chôn giấu linh cữu, thi hài vua Quang Trung, là đối tượng "bị" điềm ám chỉ của thi hào Nguyễn Du, là lúc chị em Thúy Kiều đi chơi tiết Thanh minh tháng Ba âm lịch ghé vào thăm. Bên trái chữ "khê 溪" là bộ thủy 氵3 nét, thủy 氵là nước (chữ giả tá), thủy 始 (chữ thật) cũng là trước, là đầu, mở đầu, nơi khởi phát của câu chuyện nào đó. Thủy 始 hay dùng đối với chung 終, là cuối, hết. "Tiểu 小" là nhỏ, bé. Hai chữ "tiểu khê 小溪" ý nói dòng, khe, lạch suối nhỏ (chảy ra từ ngọn núi nhỏ).
Chữ "khê 溪", "tiểu khê 小溪", nói đủ là "ngọn tiểu khê" của câu 53 "Bước dần theo ngọn tiểu khê..." là chữ chiết tự hình thanh, hài thanh hay tượng thanh, là loại chữ lấy sự (việc) làm tên, tức đặt cho nó một cái tên để dẫn chuyện, như hai chữ "tiểu khê" chẳng hạn, nói khác đi, là viết ra câu văn, câu thơ nào đó mà trong đó có tên sự việc muốn nói. Tiếp theo là phần mượn thanh (tiếng nói, âm thanh, cũng là chữ viết) để hợp thành, tức dùng nhiều cách giải thích sự việc qua những chữ vay mượn, gom góp ấy. Chữ hình thanh chia ra hai phần, một phần chỉ nghĩa, cũng là ý (ẩn ý), một phần chỉ thanh (tiếng nói, âm đọc, chữ viết đại diện), có 8 cách để trình bày, biểu diễn chữ hình thanh, như sau: 1-Nghĩa bên trái, thanh bên phải. 2-Nghĩa bên phải, thanh bên trái. 3-Nghĩa ở trên, thanh ở dưới. 4-Nghĩa ở dưới, thanh ở trên. 5-Nghĩa ở ngoài, thanh ở trong. 6-Nghĩa ở trong, thanh ở ngoài. 7-Nghĩa ở giữa, thanh ở hai bên. 8-Nghĩa ở hai bên (hoặc ở trên, hoặc ở dưới), thanh ở giữa.
Chữ "khê 溪" ở đây, trong câu 53 là dạng chữ hình thanh số 2 với nghĩa (ý, phần giải thích) tập trung bên phải, thanh (chữ đại diện) bên trái. Bên trái là bộ thủy 氵. Thủy 始/氵là đầu, nơi bắt đầu, chỗ tập trung, khởi nguồn của sự việc. Bên phải là chữ hề 奚 bao gồm các chữ vay mượn (góp lại) mục đích nói lên những ẩn ý, bí mật gì đó mà chủ thể, tác giả nhắm đến, như đã giải nghĩa cặn kẽ ở trên. Với chữ "khê 溪", "tiểu khê 小溪", dạng chữ hình thanh chúng ta đã đọc phần giải thích, ngày ấy được Nguyễn Du sử dụng mục đích chỉ cho ngôi chùa Thiên Thai (đại 大, đài 台) do vua Cảnh Thịnh (yêu 幺) ký sắc lệnh dựng lập dùng làm nơi chôn giấu thi hài, linh cữu vua cha (大) Hoàng đế Quang Trung trên đỉnh (ngọn) đồi núi Dương Xuân Sơn.
Ngôi chùa Thiên Đài nằm trên ngọn đồi thiêng, đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn của câu 53 là đây.
Câu 54 tiếp theo "Nhìn xem phong cảnh bốn bề thanh thanh..." có các ý mật mã như sau. Trong câu có hai chữ "thanh thanh", chữ thứ nhất nói cho đủ là thanh tĩnh, là nghĩa của chữ tuất 侐: thanh tĩnh. Đây chỉ là dạng chữ giả tá: mượn chữ để gởi sự, nói khác đi cho dễ hiểu, giả tá là mượn chữ này lấy ra chữ khác, chữ tuất 戌 này mới là chữ đúng với ẩn ý của tác giả hiện đang sử dụng mật mã để thông báo những thông tin lịch sử đáng giá ngàn vàng. Chi tuất 戌 11 trong 12 địa chi tý sửu dần mẹo thìn. Hai chữ "Nhìn xem" dùng chỉ vào nhãn căn, một căn trong sáu căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý con người, trong sáu căn, thì nhãn căn là giác quan chính, thiết yếu dùng để quan sát sáu trần sắc, thanh, hương, vị, pháp, tưởng bên ngoài, không phải sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp như ghi chép sai lạc, trật đường rầy của các dạng kinh sách Phật giáo. "Nhìn xem" ở đây như vậy là chỉ cho nhãn căn, cũng là đại diện cho sáu căn của chủ thể, hai chữ "phong cảnh" chỉ cho sáu trần sắc, thanh, hương, vị, pháp, tưởng. Câu 54 ngoài phần giải thích, còn lại để lấy ra hai chữ căn trần. Khi viết ra câu thơ với ẩn ý như thế Nguyễn Du còn muốn người đọc hiểu xa hơn, tới bờ bến sự việc: căn là kỷ, chỉ vào mình, trần là bỉ, chỉ vào bên kia. Kỷ chỉ có nghĩa là ám chỉ cho người lãnh đạo đội hùng binh cứu viện Tây Sơn Bắc tiến, lên đường ra đánh tan tác 29 vạn quân Thanh trong năm ngày tại năm cứ điểm Thăng Long thành, bắt đầu từ đêm trừ tịch năm 1788 cho đến ngày Mồng Năm năm Kỷ Dậu 1789 là ca khúc khải hoàn. Chữ bỉ dùng để chỉ cho quân đội Thanh triều, là chữ thanh trong sáu trần, cũng là chữ "thanh" còn lại trong câu thơ.
Câu 54 "Nhìn xem phong cảnh bốn bề thanh thanh..." với những ẩn nghĩa đã đọc, đã hiểu. Còn câu 53 "Bước dần theo ngọn tiểu khê..." ngoài những gì đã giải thích của dạng chữ chiết tự hình thanh 2, thì phần còn lại đó là ý nghĩa của chữ nhâm 任 dạng chiết tự chỉ sự: nhìn vào sự vật viết ra chữ, rồi nhìn vào đó mà xét ra ý chủ thể, tác giả câu chuyện. Chữ nhâm 任 bên trái là bộ nhân 亻(người/bước dần), bên phải là thác nước (ngọn tiểu khê) đổ từ trên cao xuống, có vài thớt đá nằm ngang hứng nước, tạo thành những bậc (cấp) nước (xem ảnh thác nước ở trên). Đó là ý nghĩa của chữ chỉ sự. Chữ nhâm 任 chỉ sự đó cũng chỉ là chữ giả tá: mượn chữ, chữ nhâm này mới là chữ tác giả nhắm đến. Can Nhâm 壬 thứ chín trong thập can.
Cầu Lim 1 dốc Minh Mạng đổ xuống.
Tiếp theo câu 54 là hai câu chiết tự chỉ sự 55-56 "Nao nao dòng nước uốn quanh, Nhịp cầu nho nhỏ giữa ghềnh bắc ngang..." dùng viết ra chữ thần 臣, cũng là thìn 辰. Thần 臣 hay thìn 辰 được Nguyễn Du chỉ cho tháng Ba Canh Thìn 庚辰, là tháng có lễ tảo mộ trong tiết Thanh minh và lễ hội Bà Chúa xứ tổ chức hằng năm tại Phú Xuân thời ấy, cả nay, như đã nói ở trước, đoạn lễ hội Điện Hòn Chén. Khi viết ra hai câu 55-56 "Nao nao dòng nước uốn quanh, Nhịp cầu nho nhỏ giữa ghềnh bắc ngang..." là Nguyễn Du đang vẽ ra trên giấy đường đi của dòng nước tiểu khê như sau. Chữ thần 臣 bên ngoài là bộ phương 匚 2 nét. Bộ phương 匚 là chữ nhị 二 2 nét (nét trên dụ khí dương, nét dưới dụ khí âm) viết biến thể mà ra. Âm dương là trời và đất, xưa người ta quan niệm vua là con trời, lại vua là người cai quản đất đai, địa giới trong thiên hạ. Khi chữ nhị 二: âm và dương, được viết biến thể thành bộ phương 匚: vật đựng, chứa tất thảy mọi dạng đồ vật, cả con người. Xong, người ta viết chữ trung 中 vào bên trong để ra chữ thần 臣: bề tôi trung thành của vua chúa, người cai trị đất nước. Đây là giải nghĩa rốt ráo về chữ thần 臣 nghĩa bề tôi hay thần thiếp, những người trung thành, khép mình vào dưới trướng với chủ của mình. Còn để hiểu thế nào chữ thần 臣 được Nguyễn Du dùng để vẽ ra địa thế, đường đi của khe nước tiểu khê, thì như sau. Chữ phương 匚 nên viết xoay ngược lại, nét ngang 一 đầu trên dụ cho khe nước bắt nguồn từ bên hông phải đồi núi Dương Xuân Sơn và ngôi chùa Thiên Thai, nét đứng〡là dòng chảy xuống, nét ngang 一 dưới là khi khe nước con Trèn nhập vào với dòng suối Hồng Khê. Có hiểu cũng như có giải ra được như thế thì mới nắm được cách chơi chữ thiện nghệ của bậc thầy chữ nghĩa Nguyễn Du. Còn nói tại sao chữ phương 匚 lại viết ngược như thế là xem như chưa hiểu gì về cách viết và phần giải thích, liễu nghĩa chữ Hán. Chữ phương 匚 tuy là chữ tượng hình: là phép vẽ, viết ẩn dụ hình tượng các vật để tạo nên nét chữ cần thiết, nó có thể thêm hoặc bớt các nét để tạo ra loại chữ mới, phù hợp với điều kiện, nhu cầu hiện tại. Như chữ trung 中: giữa, không lệch trái, lệch phải, trên dưới, dụ cho con người trung trực, ngay thẳng, son sắt, một lòng một dạ, dù trong bất cứ tình huống, sự việc nào thì con người này cũng không bao giờ thay đổi tính cách, lập trường sống và làm việc của mình. Như lòng yêu nước thương dân vô hạn của Bác Hồ vậy, ngay trước lúc sắp đi vào cõi vĩnh hằng, Bác cũng tỏ rõ tấm lòng yêu nước vô bờ của mình: muốn nghe giọng hát ví giặm quê hương xứ Nghệ muôn thuở. Người mà như thế thì dù ở đâu, làm việc gì, lúc đói no sướng khổ, họ cũng không bao giờ phản lại quê hương, dân tộc của mình. Cho nên lòng yêu nước thương dân vô hạn của Hồ Chí Minh đã được sự kính ngưỡng, tôn thờ đến muôn đời của dân tộc Việt vậy.
Chữ thần 臣 viết ngược theo ý Nguyễn Du. Đầu trên là nơi xuất phát khe nước chảy ra bên hông chùa TT.
Tuy phương 匚 là loại chữ tượng hình như đã nói, song, khi nhập vào với chữ trung 中 viết giảm nét để ra chữ thần 臣 nghĩa bề tôi, thần thiếp, những người trung thành với chủ (trong một đất nước), thì nó đã biến thành loại chữ vừa tượng hình vừa hình thanh: loại chữ lấy sự làm tên, mượn thanh (âm) để hợp thành chữ mới, nghĩa mới. Loại thứ 6: nghĩa ở trong, thanh (âm, chữ đại diện) ở ngoài. Do gói ghém, tổng hợp được những ngữ nghĩa đặc thù từ sự biến dạng, thay đổi đó, nên phương 方/匚 cũng mang nghĩa là người có đức hạnh, phẩm chất tốt đẹp, vẹn toàn, gọi là phương chánh. Mà đã là người đoan chánh, có những phẩm chất, đức hạnh tốt đẹp hơn người rồi, thì người ấy dù được đặt ở đâu, đứng ở đâu, vị trí nào, trên dưới, trái phải cũng được cả. Không sao hết. Đây là nói theo nghĩa, giải thích rốt ráo của chữ. Còn khi viết ra trên giấy, thì phải viết theo đúng quy định, sự hình thành con chữ, mặt chữ, bộ vị, qua những cách lắp ghép của nó. Tóm lại. Hai câu 55-56 được Nguyễn Du sử dụng mang mục đích kép, thứ nhất, chỉ vị trí xuất phát, cũng như đường đi của khe nước con Trèn chảy ra từ "ngọn đồi thiêng", thứ hai, chỉ cho năm và tháng (Ba) Canh Thìn 1820.
Chùa Thiên Thai, liên đới đàn Nam Giao, bên phải là nơi chảy ra khe nước Nguyễn Du gọi là "ngọn tiểu khê".
Cầu Lim 1, dốc Minh Mạng đi lên.
Hai câu chỉ sự 55-56 nói trên còn được Nguyễn Du sử dụng dùng để chỉ cho cây cầu ngày xưa không biết là cầu gì, ngày nay gọi là cầu Lim này đây (ảnh trên). Trên dốc Minh Mạng đổ xuống hết dốc sẽ bắt gặp cây cầu Lim 1. Từ cầu Lim 1 này đi tới vài chục mét, gặp con đường rẽ trái gọi là Tam Thai, nối với đường Võ Văn Kiệt, dẫn tới cầu Nam sông Hương, khoảng 1km. Dòng suối chảy dưới cầu Lim 1 bắt nguồn từ cầu Nam sông Hương, chảy ngang qua trước chùa Trúc Lâm, bên kia đường, chảy đến cầu Lim 1. Từ cầu Lim 1 đến chùa Trúc Lâm (nằm bên kia đường) tầm 1km trở lại. Cũng không được rõ dòng suối cầu Lim 1 này chảy về đâu. "Ngọn tiểu khê" Nguyễn Du nói trong câu 53 theo chúng tôi khi đi thực tế được biết xuất phát, chảy ra từ "ngọn đồi thiêng", tức đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn, nơi tọa lạc ngôi chùa lịch sử Thiên Thai như đã nói. Hồi đi thực tế vùng chung quanh chùa Thiên Thai, năm 2015, vào kiệt 47 Minh Mạng, chúng tôi gặp Thầy Nguyên Minh, trụ trì chùa Tây Thiên, cách chùa Thiên Thai chừng 300m, nằm về phía bên trái, hướng chùa Thiên Thai nhìn ra, có cho biết: "Có một khe nước tục gọi là con Trèn, chảy từ mạch ngầm đồi núi Thiên Thai (liên đới với đàn Nam Giao) ra bên hông chùa tôi (chùa Tây Thiên ở vị trí hướng tây, nhìn ra hướng Bắc, hướng như chùa Thiên Thai), qua trước điện Linh Sơn, phía bên kia. Ngày trước nước chảy rất mạnh, mùa nào cũng có, nay đã giảm, chỉ còn chảy vào mùa mưa". Thầy Nguyễn Minh hạ giọng, nhắp một ngụm trà rồi tiếp nối câu chuyện, sang một đề tài khác.
Chùa Tây Thiên, 21/9 Nam Giao. Ảnh chụp năm 2015.
Chúng tôi bèn ra ngoài, thả bước dài theo khe nước con Trèn từ trên cao xuống dưới, thấy tuy đang là mùa khô mà sao cây cỏ trong lòng khe vẫn xanh tốt, nhất đoạn bằng phẳng trước điện Linh Sơn. Khe nước tục gọi con Trèn này chảy đổ xuống hết chân dốc thì gặp, nhập vào một con suối như đã nói không biết tên gì, chảy trước chùa Trúc Lâm, bên này đường, cắt ngang dốc Minh Mạng, qua cầu Lim 1. Rồi từ năm xa ấy đến nay, năm 2023, lúc ngồi viết bài viết này, chúng tôi chưa có dịp trở lại thăm chùa Tây Thiên lần nào, dù năm 2016 vẫn thường xuyên có mặt tại chùa Thiên Thai để nói chuyện, làm việc với thầy trụ trì Chánh Phụng, và cũng để thực hiện việc khoan thăm dò các điểm nghi ngờ có đường hầm ngầm, tất nhiên có sự đồng ý của thầy, có cả giấy chứng nhận, viết tay của thầy. Trong lúc lục tìm hình ảnh, tài liệu ghi chép cũ khi đi thực tế năm ấy để chèn vào bài viết, và thật bất ngờ, hình như có một sự sắp xếp, giúp sức của nhân quả vô hình để làm sáng tỏ những ẩn khuất lịch sử, qua điện thoại hỏi thăm một vị thầy ở một ngôi chùa quê về sự việc, từng tu học ở chùa Từ Quang, bên hông chùa Kim Tiên, hẽm Thích Tịnh Khiết đi vào, khi viết đến đoạn này, vào lúc 8h20 ngày 20 tháng 10 năm 2023, được thầy cho biết con suối chảy cắt ngang chân dốc Minh Mạng tên là Hồng Khê. Thầy T.T cũng không rõ con suối Hồng Khê chảy qua cầu Lim 1 rồi về đâu. Chỉ biết tên Hồng Khê có từ rất lâu rồi.
Để kiểm tra, xác định lại thông tin vô cùng quý giá vừa được cung cấp về tên con suối Hồng Khê của vị thầy nói trên, vào lúc 9h18 phút sáng ngày 24 tháng 10 năm 2023, chúng tôi gọi hỏi thầy Nguyên Minh có phải con suối chảy dưới cầu Lim 1 có tên là Hồng Khê hay không? Thầy Nguyên Minh trả lời đúng rồi. Thầy còn cho biết, tên gọi Hồng Khê có từ lâu, gọi như thế là do nó chảy ngang qua, trong phạm vi chùa Hồng Khê, tuy nó xuất phát từ cầu bờ Nam sông Hương, xuất phát từ việc thời ấy người ta quyết định đào mương dẫn nước từ sông Hương chảy về để tưới hoa màu của các hộ dân hai bên con mương, nơi nó đi qua. Chùa Hồng Khê có từ rất lâu rồi, cùng với Tây Thiên chung một tông môn, dòng phái. Thầy Nguyên Minh nói thêm.
Mạch nước con Trèn chảy ra từ ngọn tiểu khê nhập vào suối Hồng Khê cắt ngang đường MM này đây.
Ngang đây, để làm sáng tỏ hơn nữa những ám chỉ bí mật lịch sử trong các câu cài nén mật mã của quái kiệt Nguyễn Du, tay văn học có một không hai trong lịch sử, xin trở lại với câu 53 "Bước dần theo ngọn tiểu khê...", như đã nói, "tiểu khê" là một khe nước nhỏ. Tiếp đến là hai câu 55-56 "Nao nao dòng nước uốn quanh, Nhịp cầu nho nhỏ giữa ghềnh bắc ngang..." còn có những ẩn ý như sau. Chúng ta đã biết đây là các câu chiết tự viết ra chữ thần 臣, 辰, cũng đọc là thìn 辰, là chi thứ năm trong 12 chi tý sửu dần mẹo. Chữ "ghềnh 溸" tiếng Nôm là gập ghềnh, ý nói (con nước) lên thác xuống ghềnh, không bằng phẳng, êm xuôi. "Ghềnh 埂" có âm đọc là canh. Canh 埂 mở âm, chuyển cách đọc sang tiếng Hán, thì canh 庚 là can thứ 7 trong thập can. Với ý vừa giải, chúng ta đã có hai chữ canh thìn 庚辰, chỉ tháng Ba Canh Thìn 庚辰 âm lịch, thời điểm chị em Thúy Kiều đi thăm mộ nhân tiết Thanh minh và dự lễ hội Bà Chúa xứ hằng năm tại điện Hòn Chén, đình làng Cát Hải. Câu 55 được Nguyễn Du tả dòng nước chảy ra từ "ngọn tiểu khê", tức "ngọn đồi thiêng", là đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn, nơi tọa lạc ngôi chùa chứa đựng một trời bí mật lịch sử, khi nhập vào con suối chảy cắt ngang chân dốc Minh Mạng, dưới cầu Lim 1 ngày nay, như ảnh chụp, thì nó "uốn quanh", tức uốn cong theo con suối có tên là Hồng Khê như thầy Nguyên Minh trụ trì chùa Tây Thiên xác nhận, và vị thầy ở ngôi chùa quê cho biết. Chữ Hồng 缸 tiếng Nôm có nghĩa là cong. Cong 缸, 工, là cong queo, đường cong. Hai chữ "uốn quanh" của câu 55 được Nguyễn Du sử dụng mục đích chỉ cho chữ Hồng, là tên con suối Hồng Khê ngày ấy chớ không gì cả. Chữ "khê", "ngọn tiểu khê", tiếng Nôm cũng đọc là khe, là khe nước chảy ra từ đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn khi nhập vào dòng suối Hồng Khê thì nó với con suối Hồng Khê là một. Đây là chỗ sử dụng chữ nghĩa rất độc đáo, tài tình của Nguyễn Du vậy, đồng thời, qua đây, câu 53, ngày nay chúng ta được biết ngày ấy Nguyễn Du phải lựa cách nói, viết sao cho quan quân, các cán bộ triều Nguyễn khi đọc qua văn bản sẽ không thể nào nghĩ ra được những địa danh nói trên trong truyện lại nằm ngay trên đất Phú Xuân, cách đàn Nam Giao (triều Nguyễn) không bao xa, như Cung điện Đan Dương, "ngọn tiểu khê", chùa Thiên Đài, suối Hồng Khê, vvv... Riêng ở đây là chữ "khê" của "ngọn tiểu khê" chính là để chỉ cho khe nước (con Trèn, lời của thầy Nguyên Minh) chảy ra từ "ngọn đồi thiêng" (nơi lập đàn Nam Giao của triều Nguyễn về sau), nơi tọa lạc ngôi chùa Thiên Thai, khi sát nhập vào con suối Hồng Khê đó thôi.
Như vậy, tên con suối Hồng Khê, chảy về từ bờ Nam sông Hương, qua chùa Hồng Khê, chùa Trúc Lâm bên kia đường, song song với đường Võ Văn Kiệt, Tam Thai, cắt ngang dốc Minh Mạng, qua cầu Lim 1, đã có từ thời xa xưa. Nên Nguyễn Du mới lấy đưa, ẩn giấu hết sức khéo léo vào trong văn bản, qua câu chiết tự hình thanh (số 2) 53 "Bước dần theo ngọn tiểu khê..." như thế được. Ngang đây, để dễ nhận diện sự thật hơn nữa, thì từ vị trí Ngôi Tháp mộ của Bắc cung Hoàng hậu đến con suối Hồng Khê (ảnh trên) khoảng cách tầm 60m. Khoảng cách giữa Ngôi Tháp mộ Hoàng hậu và đường Minh Mạng rất ngắn, khoảng 30m, chỉ một dãy nhà là tới mép đường.
Có thể hiểu đơn giản như sau về con đường dẫn đến các địa giới liên quan. Nếu đi từ đỉnh dốc Minh Mạng xuống chân dốc, qua khỏi cầu Lim 1 vài chục mét, ngang đây, chúng ta sẽ gặp con đường nhựa bên tay trái, đường Tam Thai nối đường Võ Văn Kiệt như đã nói. Hướng trước mặt, tầm 120m, sẽ dẫn đến ngã ba Phật học viện, tại đây, đi tiếp sẽ gặp đồi Thiên An, rồi gặp Lăng Khải Định, cách chân dốc Minh Mạng khoảng 6-8km. Ngay ngã ba Phật học viện, nếu chúng ta rẽ phải, không đi theo hướng lên đồi Thiên An, sẽ gặp đường lên cầu Tuần dẫn đến Bến Than, đối diện bên kia là điện Hòn Chén. Từ ngã ba Phật học viện đến Bến Than tầm 1km.
Từ kiệt 15 Minh Mạng đi xuống tầm 100m gặp kiệt 47 là đường vào chùa tổ Tây Thiên.
Tóm lại. Các câu 49-50-51-52 được Nguyễn Du sử dụng mục đích ám chỉ Cung điện Mùa Đông của các chúa Nguyễn và thời điểm chuyển giao địa giới vùng miền qua các thể chế chính trị, đầu tiên là tướng vùng Phạm Ngô Cầu, người của phủ Trịnh xứ Đàng Ngoài. Đến khi Quang Trung Nguyễn Huệ đánh chiếm, tiếp quản Phú Xuân thì Cung điện Mùa Đông đã biến thành Cung điện Đan dương. Sau hết là thời kỳ của vua Cảnh Thịnh cai trị Phú Xuân, khi vua cha đã ra đi. Câu 49 "Ngổn ngang gò đống bước lên..." là hiện trường gò đồi cao thấp, nông sâu vùng đồi núi Dương Xuân Sơn, nơi các chúa Nguyễn xây dựng Phủ Dương Xuân. Khi Nguyễn Huệ kéo quân đánh chiếm Phú Xuân năm 1786, thì quân Tây Sơn và quân Phạm Ngô Cầu đã giao chiến kịch liệt tại khu vực này, tàn chiến cuộc, quân lính hai bên bỏ xác khá nhiều tại đây. Sau đó người ta đã đào hố, lập mộ chôn những chiến binh tử trận ngay tại vùng núi đồi này, khỏi phải di chuyển đâu cho xa. "Ngổn ngang gò đống bước lên..." là nói lên hiện trạng ấy của vùng núi đồi nhấp nhô, gò cao hố thấp, cùng với hệ lụy chiến tranh là những ngôi mộ hoang nhang tàn khói lạnh, không người thăm viếng của quân lính hy sinh, tử trận hai bên, nơi xây dựng Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn trước kia.
Hai câu 53-54 là các dạng chiết tự hình thanh, chỉ sự vừa dùng chỉ vào ngôi chùa lịch sử Thiên Thai trên đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn, nơi chôn giấu thi hài, linh cữu vua cha Quang Trung Nguyễn Huệ của vua Cảnh Thịnh, vừa dùng ám chỉ thời gian năm tháng: thời điểm cai trị của vua Gia Long, bắt đầu từ năm Tân Dậu 1801, với chữ dậu 酉 của câu "Tà tà bóng ngả về tây...", rồi Nhâm Tuất 1802. Cho mãi đến năm Canh Thìn 1820 với hai câu chỉ sự 55-56 "Nao nao dòng nước uốn quanh, Nhịp cầu nho nhỏ giữa ghềnh bắc ngang..." là năm tác giả 3254 câu lục bát chữ Nôm tuyệt hay đã hay sắp ra đi, tức sự báo trước, cũng là năm vua tiền triều Nguyễn Gia Long, người cai trị Phú Xuân đã không còn, ông ra đi từ năm trước, Kỷ Mão 1819. Ngày nay, có điều kiện, thời gian ngồi đọc lại văn bản với những gì vừa giải thích, chúng ta được biết khi viết ra các câu dùng ám chỉ những bí mật lịch sử như thế vào đầu câu chuyện là Nguyễn Du có ý cho lịch sử biết rõ rằng dấu tích, lăng mộ kẻ thù của mình hiện vẫn tồn tại bất động tại hiện trường là ngôi chùa Thiên Đài 天台 nằm đơn độc đơn côi đơn tuyến đơn phương trên đỉnh đồi núi Dương Xuân Sơn, từ năm người tuổi Đinh Dậu 1777 Cảnh Thịnh lên thế ngôi vua cha cai quản kinh đô Phú Xuân, Quý Sửu 1793, cho đến thời điểm chị em Thúy Kiều đi chơi tiết Thanh minh, năm Canh Thân 1800, mãi cho đến năm Canh Thìn 1820, chưa bao giờ bị vua tiền triều Nguyễn Gia Long và quan quân phát hiện, tàn phá, lấy sọ đầu giam nhốt ngục thất, phần hài cốt hốt đổ sông sông biển như ghi chép trong biên niên sử của họ.
Nếu sự việc xảy ra như thế, rằng chút hài cốt, dấu tích, những tro tàn cáu cặn còn lại của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn huyền thoại ngày ấy đã bị Gia Long phát hiện và quật phá, không phải như những gì trần thuật, cài nén, ẩn giấu trong từng câu, chữ của Nguyễn Du trong đoạn đầu câu chuyện. Thì chắc chắn câu chuyện tình sử chốn quan trường ngày ấy đã được thi hào đất nước hạ bút trần thuật, xây dựng, viết theo một hướng khác, thủ thuật khác rồi. Không phải kỹ thuật, văn bản trực khởi, lồng trong nhiều cách chiết tự trá hình hòng che đậy sự dòm ngó từ các cá nhân chỉ điểm và thế lực chống đối, thù địch: nhập đề nói ngay vào cốt lõi câu chuyện. Đúng không? Giả sử nếu sự việc từng xảy ra như thế, thì nó sẽ diễn ra đúng theo trình tự, các bước như sau. Sau khi đã vào Phú Xuân từ năm Tân Dậu 1801, qua năm sau, Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Ánh xưng vương, rồi tiến đến việc quật phá hài cốt, lăng mộ của kẻ thù không đội trời chung tại Cung điện Đan Dương, thuộc khu vực chùa Thiền Lâm, phía bờ Nam sông Hương như ghi chép của các sử gia thể chế. Thì ắt hẳn ngày ấy Nguyễn Du và gia đình, vợ con, cùng những người liên hệ, như nhân vật Văn Quan, em trai (giữa) Bắc cung Hoàng hậu Thúy Kiều Thu Mai, bà Chiêu Nghi Nguyễn Thi Huyền, vợ Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, mẹ các chị em Thúy Kiều, cũng đã bị bạo chúa Gia Long mang ra xử chém sạch hết rồi. Thậm chí còn tru di cả tam tộc các bên, cả dòng họ Nguyễn Nghiễm ở Tiên Điền Nghi Xuân đố tránh đâu cho khỏi. Có đâu còn có thời gian, nơi chốn để ngồi tâm sự, trải lòng, viết ký, ròng rã, mài miệt những 10 năm (trừ năm đi sứ 1813), từ năm Canh Ngọ 1810 đến năm Canh Thìn 1820 với bao đúng sai, lựa chọn, bỏ lấy, lấy bỏ, xong, mang đem chôn giấu, ký thác ngay tại ngôi chùa lịch sử Thiên Thai 天台. Để lại cho hậu thế câu chuyện tình buồn cuộc đời kẻ sĩ sinh không nhằm thời mà nói là "Nhất thi tam bách phi thiên hậu, Thiên hạ tài nhân chấp Tố Như: Tố như chấp hết người tài trong thiên hạ ai là người đọc hiểu nổi 3254 câu lục bát chữ Nôm để lại muôn đời sau" kia chớ?
Với những gì chúng tôi vừa giải thích ở trên, qua các hình thức chữ nghĩa chiết tự đa dạng, lắm chiêu thế, nhiều tầng ngữ nghĩa, mục đích để cài nén, ẩn giấu những thông tin, bí mật lịch sử vô giá, từng xảy ra trên nước Việt, địa giới Phú Xuân, câu chuyện tình sử chốn quan trường/Hoạn trường tâm thanh, ngày nay văn học phương tây gọi là nghệ thuật viết tảng băng trôi, thì Nguyễn Du quả đúng là một thi thánh, một bậc thầy sử dụng chữ nghĩa đã đến trình độ tuyệt luân, trong thiên hạ, dưới gầm trời này khó có người theo kịp, sánh cho nổi vậy. Dù đó là những anh hào vang danh bốn cõi của nền thi ca Trung Hoa như Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, và nhân vật tầm cỡ, chẳng kém cạnh còn lại của thời vãn Đường Lý Thương Ẩn với bài thơ bất hủ Cẩm sắt. Nói thế mà chẳng thấy thẹn bởi các tài danh nói trên của đất nước Trung Hoa với những sáng tác dày đặc của họ thuộc dạng liễu nghĩa: đọc qua hiểu liền, nó không phải như dạng văn bản "tảng băng trôi" quỷ khốc thần sầu của Nguyễn Du, tên gọi xuất phát từ nền văn học phương tây ngày nay, song, lại viết, nói quá hời hợt thì sao được gọi là "tảng băng trôi?". Thiết nghĩ, hơn 200 năm trôi qua với bao cuộc dâu bể rùng trời mà sao người ta mãi cho đó là những bút ký dọc đường đi sứ của thi hào, là tác phẩm của người Tàu, do Thanh Tâm Tài Nhân người bên ấy sáng tác, Nguyễn Du chỉ có công săn nhặt tác phẩm ấy mang về ngồi mằn mò đến 10 năm dịch tải qua 3254 câu lục bát chữ Nôm kiếm tiền huê hồng ăn kẹo lạc uống chè xanh, tập trung đám thi hữu bình phẩm, bàn tán chỗ hay chỗ dở của hai văn bản Hán và Nôm. Hết. Lạ thế? (nhướng mắt...)