4- TRỐNG TRƯỜNG THÀNH LUNG LAY BÓNG NGUYỆT...
Mời các bạn đọc bài 4- Trống trường thành lung lay bóng nguyệt...
Tiếp theo là câu Cửu tằng ấn kiếm khỉ vương định:
"Cửu 九" là chín, số đếm, là đơn vị tính. Cửu còn đọc là cưu 勼. Cưu 勼 là tụ tập, nhóm họp lại, nên gọi là cưu họp. Cưu cũng còn đọc là quân 军, quân 军 là binh lính, quân đội hay quân đoàn. Quân 君 thêm nghĩa là vua, là người làm chủ trong một nước. Quân còn có nghĩa là tuần 旬. Xưa kia, quy định 10 ngày là một tuần, như vậy, một tháng có ba tuần. Từ mồng một đến mồng mười là "thượng tuần 上旬", từ mười một đến hai mươi là "trung tuần 中旬", rồi từ hai mươi mốt đến ba mươi là "hạ tuần下旬". Thơ Nguyễn Du có câu "Nhị tuần sở kiến đãn san thanh: cả hai mươi ngày chỉ nhìn thấy núi xanh". Lại một tuần cũng là mười năm. Tục cho một năm dưới trần chỉ bằng một ngày trên trời, cho nên chúc thọ mười năm là chúc một tuần, như thất tuần thượng thọ: chúc thọ bảy mươi. Bát tuần thượng thọ: chúc thọ tám mươi.
"Tằng 层" là tầng, là lớp này chồng lên lớp kia, còn gọi là trùng điệp, trập trùng. "Tằng" có nhiều cách viết khác, như sau. Như chữ tằng 層 này cũng đọc là tầng, là lớp, như nhà nhiều tầng. Hoặc tằng là tằng lâu; gác hai từng. Và ngũ tằng lâu phòng: nhà lầu có năm từng. Thơ Nguyễn Du có câu "Thanh sơn lâu các nhất tằng tằng: lầu gác trên núi xanh tầng này nối thêm tầng khác". Nói chung hễ cái gì hai lần chồng chập lên nhau thì gọi là tằng. Lại tằng 層 còn là thứ bậc cao hay thấp. Tằng 曾 còn được dùng chỉ về thời gian trải qua, đi qua của những giai đoạn, như tôi đã từng có thời gian ở vùng đó năm năm, hay trước đây tôi đã từng học ở ngôi trường đó được hai năm. Như vậy, tằng 曾 có nghĩa là từng, là đã. Tóm lại. Tằng 曾 là từ, chữ dùng để chỉ định cho quãng thời gian mà chủ thể đã trải qua, đi qua trong quá khứ.
Núi Bân nhìn từ trên cao xuống
"Ấn 印" là in ấn, ấn loát kinh sách, văn chương. Hay "ấn 印" là cái ấn của vua chúa dùng để đóng, in vào văn thư, sắc lệnh, chiếu chỉ ban hành ra trong dân gian, quân đội và tổ chức triều đình về sự việc gì đó. Theo phép quy định của nhà Thanh xưa kia, cái ấn 印 của các quan Thân vương trở lên gọi là "bảo", từ hàng Quận vương trở xuống gọi là "ấn", riêng của các quan nhỏ thì gọi là "kiêm lý", của các quan Khâm sai thì gọi là "quan phòng", và của người bình thường được gọi là "đồ chương" hay "tư ấn". Ấn 印 nói chung mang nghĩa là in vào, ấn vào giấy tờ. Có thành ngữ "tâm tâm tương ấn" là để chỉ cho trường hợp khi hai bên cùng hợp ý đồng lòng. Hoặc do nhờ dựa vào cái này mà biết được cái kia thì gọi là hỗ tương ấn chứng. Ấn 印 cũng là dấu vết còn để lại, in lại, như bóng hình ai đó vẫn còn in, khắc sâu mãi trong tâm tư mà khó có bao giờ phai nhạt, xóa mất.
Mặt đàn núi Bân Sơn, nơi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đọc Chiếu lên ngôi xưa kia
Ấn 隱 còn đọc là ẩn, là trốn, không hiện ra cho mọi người thấy biết. Như trường hợp người không ra làm quan mà lại tìm lánh, ẩn một chỗ kín thì gọi là "ẩn luân" hay "ẩn dật". Hoặc dùng cái gì che kín mình lại khiến người nhìn vào không trông thấy thì cũng gọi là ẩn 隱, như ẩn ư bình hậu: nấp sau bình phong. Ẩn 隱 nên hiểu là giấu kín, không nói ra. Hoặc mối tình cần phải chôn giấu, không thể bộc bạch cho ai nấy hay biết thì gọi là ẩn tình. Sách Luận ngữ có câu "Nhị tam tử dĩ ngã vi ẩn hồ, ngô vô ẩn hồ nhỉ: Hai ba anh cho ta là giấu giếm điều gì chăng? Ta chẳng có giấu giếm chi cả". Tóm lại. Sự việc khi đang còn trong bóng tối, chưa được công bố, nói ra cho mọi người cùng biết thì gọi là ẩn 隱.
"Kiếm 剑" là thanh kiếm, thanh gươm, loại vũ khí ngày xưa được quan binh, vua chúa sử dụng để đi ra chiến trận đánh với quân thù hay với giặc cướp. "Kiếm 剑" được viết với nhiều cách khác nhau, như các chữ thế này 劔, 劍. Nhưng với cách viết nào, chữ nào thì "kiếm" cũng là để chỉ cho loại vũ khí dùng khi lâm trận đâm chém, giết người, giết giặc cả.
"Khỉ 岂" là núi trọc, là núi không có cây cối um tùm, rậm rạp. "Khỉ 岂" còn đọc là khởi, khải. Khởi 启 là mở ra, là bắt đầu cho một sự việc gì đôi khi có mang tính cấp bách, nghiêm trọng ở trong đó. Khởi 启 có âm là khải. Vậy khởi 启 hay khải 启 có nghĩa là bắt đầu, khởi sự, là cuộc trổi dậy, vùng lên, như cuộc khởi nghĩa đánh giặc ngoại xâm đã bắt đầu mở ra những bước đi đầu tiên với những trận thắng nhỏ, rải rác. Tóm lại. Sự gì mới bắt đầu mở ra, bày ra, dựng lên thì đều được gọi là khởi cả, như khởi sự, khởi phát, như có câu: vạn sự khởi đầu nan. Khởi 启 cũng còn đọc là kỷ 己. Kỷ 己 là can thứ 6 trong thập can. Hoặc kỷ 己 là mình, chỉ cho mình, còn bỉ 彼 là kia, chỉ cho người. Sách Luận ngữ có câu "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân: cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người".
Bậc cấp bước lên đàn Nam Giao Bân Sơn
Kỷ 紀 còn là kỷ cương, phép tắc (dây lớn ngoài mép lưới gọi là cương, dây nhỏ gọi là kỷ. Vì thế, nên sự việc gì liên hệ đến phép, lễ đều gọi là kỷ 紀, như kỷ luật, nội quy, ý nói sự việc có đuôi đầu như giường lưới, mắt lưới vậy), là kỷ luật của tổ chức, đoàn thể. Kỷ 紀 còn dùng để chỉ cho thời gian 12 năm. Một trăm năm thì gọi là một thế kỷ. Kỷ 紀 cũng còn có nghĩa là kỷ nguyên 紀元, là năm mới bắt đầu của một triều đại, một thời kỳ, như thế giới lấy năm đức Chúa giáng sinh làm năm kỷ nguyên.
Ở trên, là nói về chữ kỷ 紀, chữ khải 启 và chữ khởi 启, là những chữ bắt nguồn, kéo, lấy ra từ chữ "khỉ 岂". Lại khải cũng đọc là khai 開. Khai 開 là mở ra, là chữ dùng đối với bế 閉, là đóng lại. Như khai môn: mở cửa; khai trường: mở cửa trường. Khai 启 còn là mở mang, bày, đặt, là thiết lập nền tảng, căn cơ cho sự việc. Hoặc khai 启 là mở ra, gầy dựng ra một triều đại mới, thể chế mới, như khai quốc: mở nước. Đó cũng là trường hợp khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đọc chiếu lên ngôi tại núi Bân sơn, mở ra triều đại mới gọi là Quang Trung nguyên niên từ cuối năm Mậu Thân 1788 trước khi Ngài xuất chinh, kéo đội hùng binh cứu viện Tây Sơn lên đường Bắc tiến, ra đánh dẹp giặc Thanh đã đang ngang nhiên kéo từ Tàu chiếm đóng tại Thăng Long Hà Nội. Khai 開 cũng là bắt đầu khởi hành, thuyền nhổ neo bắt đầu chuyến đi...
Chúng ta trở lại với chữ "khỉ 岂" trong câu. "Khỉ 岂" như đã nói là hòn núi trọc không có cây cối um tùm, rậm rạp như những hòn núi có nhiều cây cối quần tụ sinh sống, nảy nở khác. Vậy hòn núi trọc này ở đâu mà văn bản CPN lại nói tới như thế? Xin thưa, đó chính là núi Tam Tằng, còn gọi là núi Bân Sơn, nơi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ vào khoảng cuối năm Mậu Thân 1788 lập đàn tế cáo trời đất, đọc chiếu lên ngôi, xưng đế hiệu, và tiếp đó là kéo đội hùng binh cứu viện lên đường Bắc tiến ra đánh giặc Thanh đã đang chiếm đóng tại Thăng Long Hà Nội vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân, nhằm ngày 22 tháng 12 năm 1788. Đọc đến đoạn này, xin mời các bạn vui lòng bỏ chút đỉnh thời giờ vàng ngọc đọc qua lịch sử núi Bân Sơn xem sao:
NÚI BÂN
Núi Bân Sơn có chiều cao 43m92, diện tích 80.956m2; ở xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây, thành phố Huế). Thời nhà Nguyễn, núi Bân thuộc địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà. Đây là nơi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ gấp rút cho lập đàn (Đàn Nam Giao Tây Sơn) để làm lễ tế cáo trời, lên ngôi Hoàng đế và xuất quân ra Bắc Hà đánh quân Thanh xâm lược vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân như đã nói.
TÊN GỌI
Khi xưa không rõ núi tên gì, nhưng từ khi Nguyễn Huệ cho ban xẻ núi Bân thành ba tầng để lập đàn tế cáo trời thì người dân gọi là núi Động Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng, Ba Vành, Hòn Thiên...
Theo PGS-TS Đỗ Bang, thì rất có thể Nguyễn Huệ là người đã đặt tên Bân cho núi (nơi mà ông chọn để đắp đàn), với nghĩa: trong và ngoài đều hoàn mỹ. Sách Hoàng Lê nhất thống chí (bản của Ngô Thì Chí) chép nhầm chữ Bân (chữ Hán) thành chữ Sam; và khi phiên âm, các tác giả Trần Trọng Kim, Hoa Bằng, Phan Trần Chúc đều đã ghi nhầm chữ Bân thành chữ Bàn.
Đường lên đàn Nam Giao núi Bân Sơn
ĐÀN NAM GIAO TÂY SƠN
Để trở thành Đàn Nam Giao, những người thiết kế và thi công đã ban xẻ núi Bân thành ba khối hình nón cụt chồng lên nhau tăng dần theo chiều cao. Từ chân núi lên đỉnh ở độ cao 37m là tầng thứ nhất có chu vi 220m. Bề rộng của tầng này không đều nhau. Ngay ở chính giữa mặt tầng thứ nhất về phía Tây Nam, hiện còn dấu vết một tầng phụ cao 1m.
Tầng thứ hai có chu vi 122m5, chiều cao so với tầng thứ nhất là 1m65.
Tầng thứ ba ở ngay đỉnh đồi, bề mặt khá phẳng, có chu vi 52m7 và cao hơn tầng thứ hai 1m2.
Đường lên đàn theo bốn hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc), bề rộng các con đường càng lên cao càng thu hẹp dần, bề ngang ở tầng thứ nhất 5m2, ở tầng thứ hai chỉ còn 4m...
Và để sử dụng lâu dài, sai khi Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi và xuất quân ra Bắc năm 1788, người ta đã dùng gạch và đá xếp thành ba vòng tròn bó vỉa quanh ba tầng đàn (hiện nay chỉ còn lại dấu vết) nhằm hạn chế sự xói lở. Nhờ vậy, đàn vẫn được tiếp tục sử dụng để làm lễ cáo trời cho đến khi kinh đô Phú Xuân (Huế) bị chúa Nguyễn Phúc Ánh dẫn quân ra chiếm lấy vào mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (15 tháng 6 năm 1801).
CÂU ĐỐI LIÊN QUAN
Tại đền thờ Quang Trung ở chân núi Liên Phong, gần cửa biển Lạch Bạng, thuộc xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa còn lưu hai câu đối trên hai trụ gạch trước cổng đền như sau:
Anh hùng thanh sất Bân Sơn cổ,
Miếu mạo quang lưu Bạng hải kim
Tạm dịch:
Tiếng thét của người anh hùng vang dậy từ núi Bân xưa
Ánh sáng của tòa miếu mạo còn tỏa chiếu nơi cửa Bạng ngày nay...
Ở trên là thông tin được chúng tôi lấy trên trang mạng cho biết lai lịch hòn núi trọc, tức núi Bân Sơn hay núi Tam Tầng, nơi ngày xưa người anh hùng áo vải đất Tây Sơn huyền thoại đã cho tiến hành đắp đàn Nam Giao bước lên tế cáo trời đất, đọc chiếu lên ngôi, xưng đế hiệu, và liền sau đó là kéo đội hùng binh cứu viện lên đường Bắc tiến đánh dẹp giặc Thanh mà theo ghi chép lịch sử cho biết đó là vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân, nhằm ngày 22 tháng 12 năm 1788. Đoạn tích sự ngày tháng xuất binh này để bàn về sau thì có nhẽ hay hơn và có lý hơn. Còn hiện tại, xin mời các bạn đọc tiếp phần giải thích các từ, chữ còn lại trong câu.
Tượng Hoàng đế Quang Trung tại núi Bân ngày nay
Tiếp theo chữ "khỉ 岂" là chữ "vương 王". "Vương 王" là vua, là người thống trị thiên hạ thời quân chủ, phong kiến. Kinh thư có câu "Thiên tử tác dân phụ mẫu, dĩ vi thiên hạ vương: bậc thiên tử là cha mẹ của dân, làm vua thiên hạ". Lại "vương 王" là tước vương, tước lớn nhất trong xã hội phong kiến ngày xưa. Hoặc "vương 王" là chỉ cho người đứng đầu, cai quản một vùng đất nào đó, như danh tướng Nguyễn Huệ được phong là Bắc Bình vương, người cai quản, trông coi mặt Bắc. Còn Đông Định vương Nguyễn Lữ là tướng coi giữ phía Nam. Chính giữa là vua Thái Đức, gọi là Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc. "Vương 王" vì thế cũng được xem như là chúa cai quản một vùng đất rộng lớn, trải dài nào đó vậy. Như triều Nguyễn có chín chúa thay nhau cai quản vùng đất từ đèo Ngang trở vào. Còn bên kia đèo Ngang là vùng đất thuộc quyền cai trị của vua Lê chúa Trịnh Đàng Ngoài.
"Định 定" là yên lặng, hay "định 定" là việc gì đã xong việc đó, đâu vào đấy, không còn toan tính, sửa đổi gì được. Hay "định 定" là sự liệu định, tính trước việc gì ra việc đó rồi, sau cứ thế mà tiến hành, không còn gì để phải lo âu, hoang mang, thay đổi được gì nữa. Lại "định 定" là sự việc quyết định, dứt khoát, đã được thông qua, hãy cứ thế mà tiến hành, thực thi theo mệnh lệnh, chiếu chỉ. "Định 定" thêm nghĩa là sự yên lặng, là cảnh giới thanh tịnh tuyệt đối của người nhập thiền định làm chủ sự sống chết. Nhà Phật gọi là thiền định.
"Định 定" cũng còn đọc là đính 嵿. Đính 嵿 là nơi cao nhất, như đỉnh đầu, đỉnh núi. Ở đây, đính 嵿 trong câu thơ này là chỉ cho núi Bân, tức núi Tam Tầng, nơi Hoàng Đế Quang trung lập đàn tế cáo trời đất, đọc chiếu lên ngôi trước khi kéo đội hùng binh cứu viện Tây Sơn lên đường Bắc tiến ra đánh dẹp 29 vạn cọp beo Thanh triều đã đang chiếm đóng Thăng Long Hà Nội vào hai năm 1788-1789. Đính 訂 còn có nghĩa là sự bàn luận, thỏa thuận của hai bên. Hoặc đính 訂 là hiệu đính, tức chỉ cho việc chỉnh sửa các dạng văn bản nào đó. Tóm lại. Đính 嵿 ngoài nghĩa là đỉnh núi, nơi cao nhất, thì đính 訂 còn thêm nghĩa là hiệu đính, là việc chỉnh sửa, đính chính lại, duyệt lại các dạng văn bản, giấy tờ nào đó trước khi mang ra đọc, công bố rộng rãi trong quần chúng, xã hội, tổ chức...
Câu "Cửu tằng ấn kiếm khỉ vương định" có ý nghĩa là: Vào tháng 9 dương lịch (cửu 九), tại hòn núi trọc (khỉ 岂) Tam Tầng (tằng 层) Bắc Bình vương Nguyễn Huệ (vương 王) đã quyết định (định 定) cho xẻ núi, đắp đàn, bước lên tế cáo trời đất, đọc chiếu lên ngôi, nhận ấn kiếm (印剑), xưng đế hiệu, mở ra (khỉ-khởi-khải-khai 岂, 启, 启, 開) một nhà nước, một triều đại mới để chính vị quyền lực, ổn định (định 定) lòng người và ba quân tướng sĩ trước khi xuất quân lên đường Bắc tiến ra đánh giặc Thanh tại Thăng Long-Hà Nội.
Tiếp theo là câu cuối "Bán dạ phi hịch trình xuất chinh..."
(còn tiếp)
Chú thích:
Chữ in đậm trong thơ là những chỉnh sửa, phục hồi, trả lại văn bản gốc của chúng tôi.