1-RÀNH RÀNH CHIÊU ẨN AM BA CHỮ BÀI...
Trước mặt các bạn là sáu tấm ảnh chúng tôi mới chụp lúc sáng nay, tầm 9h ngày 17 tháng 06 năm 2018. Sau cuộc họp tại khách sạn Thành Nội Huế do Ban Tuyên giáo Trung ương và Thừa Thiên Huế đứng ra tổ chức để nghe chúng tôi trình bày những phát hiện về Lăng mộ Hoàng Đế Quang Trung lúc 8h ngày 16 tháng 06 năm 2018.
Ảnh thứ nhất là tấm bảng hiệu tên con sông Như Ý. Con sông này là một chi nhánh của sông Hương, được hình thành nghe nói đâu từ thời các chúa Nguyễn. Hai ảnh kế tiếp là cầu Vân Dương II và đầu sông Như Ý. Ảnh thứ tư là đình làng Vân Dương. Đình làng này chúng tôi không biết rõ là được xây dựng từ thời nào. Chỉ nghe dân làng nói có thể đâu từ thời vua Bảo Đại nhà Nguyễn thì phải. Cũng có thể có từ trước đó nữa, chỉ đến đời vua Bảo Đại thì được dân làng trùng tu, sửa sang lại cho khang trang, bề thế hơn. Ảnh thứ năm là tấm bảng hiệu cầu Vân Dương đã bong tróc gần hết. Ảnh sáu là đầu sông Như ý đứng ở góc chụp khác.
Những thông tin này cũng không có gì là chính xác cho lắm. Tạm thời chúng ta chấp nhận ngôi đình Vân Dương này có thể được xây dựng từ thời vua Bảo Đại.
Chúng tôi muốn các bạn lưu ý đến những tấm ảnh tư liệu này là bởi vì ngôi đình Vân Dương tọa lạc tại ngôi làng Vân Dương, nằm bên bờ sông Như Ý, thuộc thành phố Huế. Ước chừng khoảng cách từ ngôi làng Vân Dương này về đến thành nội khoảng hơn 2km.
Nhưng đình làng Vân Dương hay ngôi làng Vân Dương này có liên quan gì đến truyện Kiều và câu Kiều 2036 "Rành rành Chiêu ẩn am ba chữ bài hay không?"
Lạ quá? (nhướng mắt...)
Thưa các bạn, có đấy chứ!
Bởi từ câu Kiều 2036 này trở đi là trong truyện Kiều chúng ta đã thấy xuất hiện một nhân vật trong chốn thiền môn, tên gọi là bà vãi Giác Duyên.
Từ đoạn này trở đi, độc giả truyện Kiều đã thấy rõ một điều. Nhờ bà vãi Giác Duyên này mà Thúy Kiều đã được cứu vớt rất nhiều lần. Như lần nhảy xuống sông Tiền Đường 前堂 tự vẫn, quyên sinh để quên đi nỗi đau đớn, nhục nhã, ê chề sau khi bị gã vua tặc Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc dùng vũ lực bức hiếp. Trước đó, để có thể làm được cái việc bỉ ổi, quá dơ nhớp này thì gã vua tặc Hồ Tôn Hiến Nguyễn Nhạc và đám loạn tướng cũng đã cùng nhau phục kích, giết chết "tướng giặc Từ Hải", tức Quang Trung Nguyễn Huệ. Thì sau đó y và đồng bọn mới có thể bức hiếp được Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai, tức Bắc cung Hoàng hậu, vợ thứ ba của Quang Trung Nguyễn Huệ.
Như đã nói, Thúy Kiều sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường 前堂, trôi đi một quãng khá xa, tầm 5 km thì gặp bà vãi Giác Duyên vớt lên, đưa vào thảo am tên là Chiêu ẩn bên bờ sông cứu sống. Thúy Kiều Thu Mai sau đó tỉnh lại, và nàng đã ở với vãi Giác Duyên một thời gian. Có thể Thúy Kiều sau đó đã nhờ bà vãi tốt bụng này làm lễ quy y, xuất gia nương nhờ cửa Phật, ở cùng với bà chăng?
Cầu Vân Dương bắt qua sông Như Ý ở làng Vân Dương
Lần cứu vớt này trên sông Tiền Đường 前堂 thuộc về đoạn sau. Còn trước đó, từ câu 2036 đến câu 2084 là đoạn Thúy Kiều Thu Mai ở với vãi Giác Duyên, sau đó bà vãi này tìm cách chối từ, đẩy qua nhà họ Bạc nào đó ở phía bên kia. Nhưng sau đó thì Thúy Kiều Thu Mai lại gặp trở lại vãi Giác Duyên khi nhảy sông Tiền Đường 前堂 tuẫn tiết để quên đi nỗi ô nhục, đớn đau, tuyệt vọng cùng tột như đã nói.
Nói chung là giữa bà vãi Giác Duyên và Thúy Kiều Thu Mai có một nhân duyên đặc biệt. Trong nhà Phật gọi đó là nhân quả đã gieo từ đời trước, khi gặp lại nó liền bén rễ, hình thành nên mối giao hảo bền chặt lâu dài. Các bạn đọc truyện Kiều đã nhiều, hay mới đọc thì cũng nên đọc lại để thấy ra nhân duyên tốt đẹp, gắn bó, thủy chung giữa Thúy Kiều Thu Mai và bà vãi Giác Duyên mà nàng đã bất chợt bắt gặp trong thời gian trôi nổi, chưa ổn định cái ăn chốn ở khi mới lần đầu vào Đàng Trong cùng Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trên đất Phú Xuân.
Điều này không một ai có thể phủ nhận sự tương ưng nhân quả tốt đẹp của hai bên, một đời một đạo vậy.
Thưa các bạn,
khi chúng tôi bắt tay vào điều tra rất kỹ các văn bản văn sử học, sau đó là tìm đến các địa giới có liên quan trực tiếp đến câu chuyện tình sử éo le, bi đát chốn quan trường này. Theo đó, chúng tôi xác nhận, tất cả các địa danh có tên trong tập truyện thơ này đều ở tại Phú Xuân, như "Lâm Tri" là ám chỉ cho ngôi chùa lịch sử Thiền Lâm ở 150 Điện Biên Phủ ngày nay. Đoạn đầu câu chuyện là tại điện Kính Thiên thuộc Thăng Long Hà Nội. Thời điểm Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chinh phạt Bắc Hà lần thứ nhất vào năm Bính Ngọ 1786.
Khi đã nắm trong tay nhiều chứng cứ thuộc các văn bản văn sử học, cùng với nhiều địa giới mà chúng tôi đã đến tận nơi mục sở thị mắt thấy tai nghe tay sờ đụng, rồi đem ráp nối tất cả lại để lấy ra một thông số chung, thống nhất. Chứ không phải chúng tôi ngồi tại chỗ suy diễn, áp đặt rồi viết bài bình luận như các nhà làm văn học xưa nay từng thực hiện đối với các văn bản văn học quan trọng, nghiệt ngã, như hai tập Ngô Gia Văn Phái, nhất truyện Kiều, cả các bài thơ Đường luật trung đại có liên quan mật thiết đến câu chuyện. Thì liền sau đó chúng tôi đã đi đến một xác nhận, không phải như các tài liệu sử của nhiều nhà viết sử, trong đó có sử triều Nguyễn và những thông tin của nhà nghiên cứu sử Huế Nguyễn Đắc Xuân, khi đã xúm cùng nhau cho rằng. Lăng mộ, dấu tích của Quang Trung Nguyễn Huệ đã bị vua Gia Long và quan quân dưới trướng quật phá hết rồi còn đâu?
Đầu sông Như Ý
Trong đó, nổi bật nhất vẫn là nhân vật Nguyễn Đắc Xuân với rất nhiều lập luận để đi tới khẳng định rằng Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung đã bị vua Gia Long tàn phá sạch sẽ khi xưa. Ông Nguyễn Đắc Xuân còn táo bạo, đưa ra suy diễn nặng tính áp đặt. Trong thời Tây Sơn còn cai trị, thì tại Phú Xuân có bà vãi Vân Dương là con cháu của các chúa Nguyễn đã tình nguyện ở lại Phú Xuân để theo dõi mọi biến động của Nhà Tây Sơn. Sau đó tìm cách liên lạc, báo cáo cho Nguyễn Ánh ở trong kia hòng tìm thời cơ lật ngược thế cờ.
Trong một số bài viết, ông Nguyễn Đắc Xuân xác định. Với một người chịu ở lại Phú Xuân hoạt động năng nổ, tận lực như bà vãi Giác Duyên thì sau khi Quang Trung chết, Lăng mộ ông được triều Tây Sơn chôn giấu ở đâu đó thì làm sao bà vãi Giác Duyên không biết bởi tai mắt của bà cài cắm, ăn nằm khắp mọi nơi trên đất Phú Xuân. Một con muỗi cũng không thể bay lọt. Nói gì đến Lăng mộ, cái mã chôn người chết là vật quá lớn đối với vãi Giác Duyên và các tai mắt mật vụ của bà.
Sau đó, khi đã lật đổ được Nhà Tây Sơn, thì vua Gia Long đã sắc phong và ban thưởng cho bà vãi Giác Duyên rất trọng hậu nhờ tinh thần yêu nước nồng nàn, tha thiết, chịu ở lại nằm vùng hoạt động tình báo năng nổ, đắc lực để phục vụ cho công cuộc tái chiếm Phú Xuân và thống nhất đất nước của Nguyễn Ánh.
Sự xác nhận công lao, thành tích này của vua Gia Long đối với bà vãi Giác Duyên đã được rất nhiều nhà nghiên cứu sử ở Huế, nhất vẫn là ông Nguyễn Đắc Xuân, tất cả đã xúm cùng nhau nắc nỏm, ngợi ca không ngớt miệng, tiếc lời.
Đáng khen cho tinh thần yêu nước, yêu chế độ phong kiến dòng tộc bù nhìn, ngu dốt, hiểm độc nhất trong lịch sử của những nhà nghiên cứu sử học chuyên, không chuyên của đất thần kinh cố cựu mộng mơ vậy.
Nhưng thưa các bạn,
khi chúng tôi càng ngày càng lặn sâu vào lĩnh vực văn sử học thì chúng tôi lại càng thấy sự thật nó khác xa với cái hiểu, cái mặc định mù mờ, nằng nặc của mọi người, mọi tài liệu ghi chép đến một trời một vực. Chứ không phải như cái thấy rập khuôn, bám đuôi truyền thuyết, truyền thống rồi truyền thừa của các nhà sử học, cả ông Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Điền, cha con ông Nguyễn Hữu Châu Phan, Trần Đại Vinh ở Huế đã thấy và đã nói rùm beng điếc đầu điếc óc trên các phương tiện sách báo xưa nay.
Vậy cái thấy của chúng tôi như thế nào?
Việc này, thiết nghĩ các bạn khỏi cần phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần như thế, chỉ tổ hao tốn thời gian. Bởi chúng tôi đã nói rằng giữa Thúy Kiều Thu Mai và bà vãi... Vân Dương, ủa, quên, cái miệng quen ăn mắm ăn muối ưa nói bậy, hỏi bậy. Vãi "Giác Duyên" là có một mối thâm giao tri kỷ thủy chung rất tuyệt vời rồi mà!
Các bạn cho chúng tôi nói bậy ư? (nhướng mắt...)
Các bạn có biết. Bà vãi "Giác Duyên" chính là bà vãi... Vân Dương hay không?
Đình làng Vân Dương ở làng Vân Dương, quê hương bà vãi "Ẩn" Duyên.
Chúng tôi đã biết trước, thế nào các bạn cũng cho chúng tôi là người chuyên nói bậy. Nhưng chuyện nào còn thể nói bậy để qua mặt mọi người hòng kiếm chác chút đỉnh danh lợi chứ chuyện bà vãi "Giác Duyên" mà Nguyễn Du nói, tả trong Kiều chính là bà vãi Vân Dương thì chúng tôi không nói bậy bao giờ.
Không bao giờ!
Chúng tôi sở dĩ dám ăn to nói lớn ấy bởi trong truyện Kiều Nguyễn Du Thanh Tâm Tài Nhân đã có nói từ rất lâu rồi. Chỉ do các bạn không chịu lắng lòng, hoặc do các bạn còn mãi ham vui, phóng dật, không có thời gian rỗi rảnh ngồi xuống, đặt niệm phản tỉnh trước mặt để thấy dòng nhân quả đi qua trước mắt chậm dần, chậm dần như một thước phim dĩ vãng xa xưa...
Trong Kiều, các câu từ câu 3227 đến câu 3232 là đoạn lúc Kim Trọng và Thúy Kiều cùng gia đình sum họp đoàn viên, hạnh phúc tràn đầy mới sực nhớ đến sư thầy Giác Duyên, ân nhân cứu tử biết bao lần nên mới cùng nhau tìm đến thảo am của bà để đền ơn đáp nghĩa. Mời các bạn chịu khó đọc lại các câu này xem sao:
...Nhớ lời lập một am mây,
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.
Đến nơi đóng cửa cài then,
Rêu trùm kẽ ngạch, cỏ len mái nhà.
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay, hạc lánh biết là tìm đâu?
Chúng tôi xin hân hạnh nhắc lại chẳng phải chỉ một lần. Trong Kiều có rất nhiều câu thuộc dạng mật mã chết người nhưng được ẩn dưới những câu tả cảnh tả tình hay đẹp. Mà chỉ duy nhất chúng tôi là người có loại khả năng đọc ngoài văn bản, đón ý ngoài lời để hiểu xuyên qua bên kia các loại ngôn ngữ đã được Nguyễn Du Khiêm Trọng mã hóa tài tình, điêu luyện.
Trong tiếng Hán, Dương có nghĩa là thầy thuốc ngoại khoa. Vì thế, việc bà vãi Giác Duyên đi hái thuốc phương xa chỉ là dạng mật mã được Thanh Tâm Tài Nhân Nguyễn Du dùng để dựng lên một ngữ cảnh, chỉ cho chữ Dương 痒, tức dương y, là thầy thuốc ngoại khoa đó thôi.
Tiếp theo. Câu: "Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu..." là vừa dùng để chỉ cho chữ Vân 雲 và chữ Dương 颺, vì mây tức là Vân 雲, và Dương 颺 tiếng Hán cũng còn có nghĩa là bay đi. Mà một khi ai đó đã bất chợt bay, bất chợt biến đi, lánh đi đâu mất rồi thì ai kia còn có thể đi lục lạo, kiếm tìm gì được nữa phải không bạn?
...Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?
Ô! Thật tuyệt vời cho kỹ thuật văn chương điêu luyện có một không hai dưới gầm trời này của Thanh Tâm Tài Nhân Khiêm Trọng Nguyễn Du vậy!
Bảng cầu Vân Dương đã bị bong tróc gần hết
Thế mà các nhà sử học chuyên, không chuyên, cả ông Nguyễn Đắc Xuân, vvv... từng cư trú trên đất thần kinh cố cựu mộng mơ xưa nay dựa vào đâu để đi đến một xác định như đinh đóng cột rằng. Bà vãi Vân Dương trong suốt thời gian Quang Trung Nguyễn Huệ còn chăn dân trị nước, hay lúc đã bất chợt ra đi thì bà là một gián điệp nằm vùng, ở lại âm thầm hoạt động lấy tin tức để cung cấp cho Nguyễn Ánh trong kia hòng nuôi mộng bình sơn, lật ngược thế cờ, nhất thông tin Lăng mộ Quang Trung chôn giấu ở đâu để tìm mọi cách quật phá, hốt đổ sông biển?
Xin các bạn trả lời đi!
Viết thêm đoạn.
Thật ra, bà vãi tu hành có lòng nhân từ, đạo đức ấy không phải là "Giác Duyên", mà là "Ẩn Duyên". Trước hết, vì trong Chiêu ẩn am có chữ Ẩn. Sau, "Ẩn" được dùng chính là để tuyệt đối giữ bí mật lịch sử, nhất để bảo vệ mạng sống của mình và gia đình, dòng họ, cháu con, cả bà vãi có một tình thương bao la như biển rộng sông dài nên Nguyễn Du buộc bắt phải sử dụng chữ "Ẩn", thế cho hai chữ Vân Dương. Che giấu tên tuổi của bà đi. Các bạn cũng cần phải biết thêm. Nguyên tắc làm thơ dù là thơ gì thì cũng cần phải tuân theo quy định là. Trong một câu thơ, nếu đó là chữ thuộc thanh bằng, dấu huyền. Thì bạn không thể thay vào đó là một thanh trắc hay thanh bằng không dấu. Hoặc đó là thanh trắc, đánh dấu ngã thì bạn cũng không thể dùng thanh trắc đánh dấu hỏi hay dấu nặng. Của nó như thế nào là phải như thế đó. Bạn không thể thay đổi tùy hứng hoặc áp đặt sao cũng được, sao cũng xong.
Sông Như Ý
Vậy muốn biết câu thơ với những từ chữ vẫn còn nguyên bản gốc hay đã bị chỉnh sửa thì các bạn cần phải kiểm tra lại qua cách thẩm âm, tức phải đọc hay ngâm lên nữa. Bạn thử đọc thầm hay ra tiếng hai chữ "Giác" và "Ẩn" xem sao. Trong hai chữ tuy cùng là thanh trắc nhưng chữ nào chính xác, âm nào không bị chỏi, và tròn âm rõ chữ, khẩu hình được sử dụng đúng cách hơn chữ nào.
Xong chưa bạn?
Tiếp nữa. "Duyên 沿" tiếng Hán có nghĩa là ven bờ, ven sông. Các bạn thấy rõ ràng trước mắt đó. Làng Vân Dương nằm kề bên bờ sông Như Ý mà chúng tôi đã cất công lặn lội đi chụp lúc sáng để có tài liệu cho bài viết này hầu cung cấp cho các bạn sự hiểu biết như thật về những việc làm mờ ám, bất chính của chính quyền các cấp cùng các nhà sử học ở Huế là bao giờ và luôn luôn họ cũng muốn tìm mọi cách tiêu diệt, tận diệt tất cả mọi dấu tích nhà Tây Sơn cho bằng được mới thôi, mới hả dạ vừa lòng. Mặc dù Lăng mộ, dấu tích của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn huyền thoại vẫn còn đó trong bóng đêm cô tịch dưới Cung điện ngầm dưới chánh điện chùa Thiên Thai kiệt 15 Minh Mạng thành phố Huế. Địa giới lắm quỷ nhiều ma, lắm vua nhiều chúa phản dân hại nước đã trở thành một loại mặc định truyền thống, truyền thuyết lâu đời, lâu kiếp mất rồi.
Than ôi!
Nhưng, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên!
Huế, lúc 13h42 ngày 17 tháng 06 năm 2018
Bốn niệm xứ