TÔI CHƯA CÓ MÙA XUÂN
Đợi hai ba năm nữa,
Quê mình thôi khói lửa.
Mời xuân đến với tôi,
Giờ còn nặng hai vai.
Thân chinh nhân hồ hải,
Hỏi xuân có gì vui?
Hiện tại, nó là một quân nhân rày đây mai đó, cuộc đời của nó trải dài theo những bước quân hành đi khắp các nơi, khi thì trèo lên cao nguyên đèo heo hút gió, lúc lại lặn xuống đồng bằng, miền duyên hải nằm tênh hênh trên vọng gác chỉ để nghe thời gian đi qua vùn vụt trong nỗi buồn sâu thẳm chưa biết tâm sự cùng ai.
Bạn bè của nó thì có đấy, đủ cả, đứa ở nam, đứa ở bắc, đứa ở trung, đứa con nhà giàu, đứa con nhà nghèo, đứa ở phố, đứa ở quê. Có đứa ở mãi trên cao nguyên, có đứa ở vùng biển, và mỗi đứa đều mang mỗi tính cách khác nhau. Chả đứa nào hợp với đứa nào. Thôi thì nó cứ sống im lặng giữa những bất đồng tính cách, ngôn ngữ vùng miền như vậy cho yên thân vui phận.
Đời lính, có những mùa xuân nó và đơn vị đóng quân mãi trong rừng sâu, hoặc các vùng biên giới, nơi giáp mặt với quân thù ngày đêm chỉ để khẳng định ai là người sẽ làm chủ kinh tuyến, địa giới phân chia. Vì thế, chuyện giao tranh, bắn giết giữa hai bên của những người lính ở khắp các vùng miền đất nước của hai chế độ, hai ý thức hệ là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Và cứ sau mỗi lần chạm trán với những người bên kia chiến tuyến thì những đứa bạn cùng đơn vị của nó ra đi cũng khá nhiều. Trong đó có đứa đang lành lặn, khỏe mạnh bỗng dưng trở thành kẻ tàn phế mất tay, mất chân, chột mắt, cuộc đời còn lại đành phải ngồi trên xe lăn hoặc chống nạng di chuyển từng đoạn, từng bước rất khó khăn, tội nghiệp. Riêng nó thì rất may, cũng vẫn còn sờ sờ ra đây khi chưa có một mảnh bom, đầu đạn, lưỡi dao nào của phía bên kia bất chợt một hôm tìm đến hỏi thăm. Hú vía! Có nhẽ nhờ phước đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ nó để lại đã che chở cho nó tai qua nạn khỏi chăng? Chớ ba cái ngữ vũ khí vô tri vô giác lạnh lùng của bọn mũi lõ mắt xanh độc ác giết người chớp nhoáng kia có bao giờ tha, từ chối một ai đâu?
Vì thế, mùa xuân, nói cho thật lòng, nhiều khi đối với đời chinh nhân hồ hải rày đây mai đó, chưa biết ngã xuống vào lúc nào của nó thiết nghĩ có gì vui, và có giá trị chút nào đâu?
Đợi hai ba năm nữa,
Quê mình thôi khói lửa.
Mời xuân đến với tôi,
Giờ này còn nổi trôi.
Riêng tôi xin từ chối,
Mà xuân chán gì nơi?
Khỏi nói thì khi nhìn vào thì ai cũng phải biết, cuộc đời của nó là cuộc đời ruỗi rong chinh chiến, rày đây mai đó có khác nào đâu nhánh lục bình trôi trên sông nước. Tạm ổn được vài hôm khi nào sóng yên gió lặng. Nhưng khi phong ba bão táp nổi dậy thì lại phải bôn ba xuôi ngược với những hiểm nguy đang chực chờ, rình rập từng phút, từng giây ở phía trước. Mạng sống của nó có khác nào như sợi chỉ mành cắc cớ treo quả chuông. Thôi, kể từ dạo đó nó có bao giờ mơ màng, mong mỏi gì xuân với tết nữa? Mà xuân với tết thì có quá nhiều nơi để nàng xuân tìm đến hỏi han, thăm viếng, khoe sắc hương, kìa, là những chốn bình yên, giàu có, nơi thành thị vui đông nhộn nhịp, lắm kẻ lại người qua. Còn ở đây, chỉ có nó và đồng đội đang ngày đêm đối diện với những trận đánh và những cái chết không chờ không hẹn. Vui xuân như thế hóa ra chẳng phải là kẻ ích kỷ, hẹp hòi và cũng lắm phập phù, may rủi lắm ru?
Nàng xuân chán gì nơi,
Xuân là của muôn người.
Mặc tình xuân lả lơi,
Xuân chẳng phải riêng ai.
Xuân đi rồi xuân tới,
Ngại rằng xuân kém tươi...
Nói đến xuân, đến tết, có nhẽ cần phải nói đến tình người và con người. Có thể nói, đất nước và dân tộc nào thì không biết, chứ đất nước và dân tộc của nó đây thì mùa xuân là cả một sự linh thiêng, huyền nhiệm và hạnh phúc lắm lắm! Nếu có ai đó không tin, cho nó là đứa ở rừng ưa nói càn, nói bậy. Vậy những kẻ đó hãy lắng nghe, có phải đây là những chứng tích của tổ tiên, ông bà nó từ thủa xa xưa còn để lại khi mỗi dịp xuân về. Trước hết, như bài thơ ngũ ngôn bốn câu Xuân hiểu của vua Trần Nhân Tông. Nói đến Trần Nhân Tông khỏi nói thì ai cũng biết đây là một vị vua anh minh, hùng tài đảm lược, Ngài đã hai lần xông pha vào lửa đạn để diệt giặc Nguyên mông, vỗ yên bờ cõi, đưa nhân dân vào nền thạnh trị, no ấm.
Rồi sau khi đám giặc Nguyên Mông hung hãn rút khỏi đất nước, nhà vua đã nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, Ngài tìm lên núi Yên Tử chăm lo tu hành. Bài Xuân hiểu này theo cái hiểu mờ nhạt, chắp nối ngắt quãng của nó có nhẽ Ngài sáng tác thời còn ở non thiêng Yên Tử. Bốn câu của bài thơ ấy như sau:
Ngủ dậy mở cửa sổ,
Không hay xuân đã về.
Một đôi bươm bướm trắng,
Vỗ cánh hướng về hoa.
(XUÂN HIỂU)
Trong bài thơ bốn câu này thì rõ ràng tác giả, nhà vua muốn cho mọi người hiểu đây là cảnh nước non khi đã qua thời binh đao khói lửa, chết chóc, tất cả từ nhân dân cho đến quan quân triều đình lúc này đang tất bật chăm lo xây dựng, phát triển đất nước sau bao năm triền miên chinh chiến với bọn giặc thù truyền kiếp Nguyên Mông. Câu thứ nhất "Ngủ dậy mở cửa sổ" là thể hiện cho sự bình yên đã đến với người người nhà nhà. Bởi đất nước có bình yên, thạnh trị cho nên nhân dân và quan quân mới có một giấc ngủ sâu, an lành, khỏe khoắn như thế. Câu thứ hai "Không hay xuân đã về" có nghĩa mọi người mọi nhà sau những cuộc chiến chinh là bắt tay vào xây dựng, phục hồi những đổ nát, điêu tàn do chiến tranh, giặc thù gây ra.
Nếu trong thời điểm chỉ mới bắt đầu công cuộc dựng xây, phục hồi những đổ nát thì chắc chắn, đây sẽ là những thời điểm khó khăn, chật vật nhất cho nhân dân và quan quân triều đình. Trong đó, tất nhiên là không làm sao tránh khỏi sự nhớ thương, tiếc nuối đối với những người thân thích, ruột rà, láng giềng đã ra đi trong chiến cuộc. Rồi sau nỗi bi lụy, thống khổ, dày xéo, dằn vặt về tinh thần, còn lại là những thiếu thốn về vật chất, cơm áo gạo tiền, thuốc men trị chữa bệnh tật. Hai điều kiện tất yếu này do hệ lụy chiến tranh gây ra mà bất cứ một dân tộc, một quốc gia nào cũng thấu hiểu sâu sắc và cũng phải chạm trán nếu quốc gia, dân tộc đó đã từng gồng mình đi qua chinh chiến, đạn bom.
Nhưng ở đây, với câu thứ hai "Không hay xuân đã về" là nhà vua đã báo hiệu cho mọi người biết những mất mát, điêu tàn của chiến cuộc đã lùi xa vào quá khứ khi những nhớ thương, dằn vặt, bi lụy và thiếu thốn mọi mặt về vật chất hầu như đã được quân dân khắc phục, vượt qua bằng ý chí dõng mãnh, quyết liệt. Và nền thạnh trị, ấm no, hạnh phúc đã được đền đáp xứng đáng cho nhân dân và quan quân triều đình sau mấy cuộc kháng chiến nhọc nhằn, gian khó. Bởi con người dù ở trong hoàn cảnh và thời đại nào sau khi đã cùng vượt qua những mất mát, đớn đau do thiên nhiên, bão tố, dịch bệnh hay do chiến tranh, bom đạn gây ra thì sau đó mọi người cũng vẫn dễ dàng nhận thấy ra một sự thật hiển nhiên cứ như rằng. Cuộc sống là ở phía trước với những khó khăn cùng những hy vọng thầm kín đang chờ đón họ. Còn chuyện hôm qua, hôm kia dù muốn hay không thì cũng là sự việc của quá khứ, nó giờ đã trôi, đang trôi qua mất rồi. Còn gì đâu. Đây là một sự thật, là chân lý bất di dịch và nó đã được con người khám phá, xác định từ rất xa xưa, không phải đợi đến khi nền văn minh của loài người hoặc các tôn giáo ra đời và được phổ cập rộng rãi vào trong xã hội thì từ đó người ta mới bắt đầu làm quen và thấu hiểu ra quy luật tồn sinh này của cuộc sống.
Câu thứ ba, "Một đôi bươm bướm trắng" là ý nhà vua muốn nói, muốn xác định, cuộc sống bao giờ cũng phải là sự cộng trú của rất nhiều điều kiện, nhân duyên thì từ đó mới có thể hình thành, phát triển cho sự đồng bộ để cùng dắt dìu nhau đi tới mãi trên con đường xây dựng từ trong gia đình hay cho quê hương, đất nước. "Một đôi bươm bướm trắng" có thể hiểu đó là ẩn dụ cho người nam, người nữ hoặc là hai vợ chồng cùng nương tựa vào nhau trong công cuộc đổi mới của đất nước và gia đình sau thời kỳ cùng dắt díu, gồng gánh đi qua bao cuộc chiến chinh khói lửa, mất mát.
Câu cuối "Vỗ cánh hướng về hoa" là ẩn dụ cho hành động, việc làm chẳng phải chỉ riêng của thanh niên nam nữ hay của đôi chồng vợ nào đó mà là của tất cả mọi công dân đối với trách nhiệm, bổn phận trong công cuộc, hành trình xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, hoặc là phục hồi những đỗ nát, điêu tàn do chiến tranh để lại. "Vỗ cánh" như đã nói đó là động từ ẩn dụ cho những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực nào đó của con người đối với gia đình, xã hội. Ba chữ cuối "hướng về hoa" là mục tiêu, là định hướng tốt đẹp, cao cả của tất cả mọi người mọi nhà hay là của chính sách, đường lối của nền cai trị của nhà nước sở tại đặt định ra cho nhân dân và cán bộ trong công cuộc đổi mới, thay đổi đời sống.
Mà mọi người cũng nên biết. Hoa và bướm là hai thực thể tuy rất sinh động, tràn đầy nhựa sống nhưng xem ra lại rất mỏng manh, yếu đuối và cũng rất dễ tan vỡ, rụng rơi bất chợt nếu không được bảo quản hay bảo vệ trong một điều kiện tốt đẹp, an toàn nào đó. Nhưng ở đây, trong bài thơ Xuân hiểu bốn câu này thì câu thứ hai "Không hay xuân đã về" chính là nhà vua, đức Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm qua đó đã muốn nói cho tha nhân, cho nhân dân, hay cho lịch sử ngày sau biết rằng bài thơ này được Ngài sáng tác trong thời kỳ đất nước đang hưởng cảnh thái bình thịnh trị sau mấy lần Ngài trực tiếp rong ruỗi chinh chiến đánh đuổi giặc Nguyên Mông.
Có hai câu thơ nổi tiếng do nhà vua làm tại lễ Hiến tiệp -dâng tù binh lên tổ tiên, báo tin thắng trận- ở Chiêu Lăng -Lăng vua Trần Thái Tông- sau ngày ca khúc khải hoàn nói về những sự kiện đó như sau:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng)
Vua Trần Nhân Tông đã trực tiếp lãnh đạo quân dân đánh đuổi giặc Nguyên Mông hai lần, lần đầu vào năm 1285, lần hai năm 1288 tại các địa giới là Tây Kết, Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng. Đây là những vùng sông nước đặc thù, không phải là đất liền khô ráo hay thảo nguyên mênh mông, bạt ngàn cỏ và cỏ, là nơi sở đoản, tử huyệt, không thuộc sở trường của lối đánh ngồi trên lưng ngựa dùng đao kiếm, cung tên giáp lá cà của con cháu Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân.
Tóm lại. Chỉ với bốn câu thơ đơn giản, mộc mạc nhưng gói gọn trong đó là cả một quá trình hy sinh tất cả của cả một quốc gia, dân tộc trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, cũng như trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước sau những cuộc chiến triền miên của dân tộc. Vì thế, mùa xuân ở đây phải được hiểu có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất, đó là ngày tết sum vầy, đoàn viên, hạnh phúc, là truyền thống ngàn xưa của tổ tiên, dân tộc. Nghĩa thứ hai, đó là những tháng ngày hòa bình, độc lập, vui hưởng khúc âu ca của triều đại nhà Trần ngay trong thời điểm vua Trần Nhân Tông cai trị, chăn dắt muôn dân. Sau đó, khi đường lối chính sách cai trị đã được định hình, đường lối làm việc của Lục bộ triều đình đã sắc nét, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lánh lên non Yên Tử ẩn danh chuyên tu thiền định. Bài thơ này xét về nội dung, có thể được Ngài làm trong thời gian ở trên núi Yên Tử với khung cảnh tịch tịnh, thanh bình.
Lịch sử cho biết. Nhà Trần tồn tại được 175 năm, từ 1225 đến năm 1400 bắt đầu từ khi Trần Cảnh -Trần Thái Tông- lên ngôi năm 1225 do Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi. Và nhà Trần đã ba lần đánh đuổi giặc Nguyên Mông vào các năm 1258-1285-1288. Trong thời gian này lịch sử đất nước đã cho ra một danh tướng kiệt xuất là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Nhà Trần kéo dài đến đời vua Thuận Tông, tức Trần Thiếu Đế thì chấm dứt do có sự soán đoạt của Lê Quý Ly, tức Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly lập nên nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Bởi họ Hồ là dòng dõi nhà Ngu bên Tàu, cho nên Quý Ly mới đặt tên nước là Đại Ngu như thế.
Đây là nói về thời kỳ thạnh trị của nhà Trần bắt đầu từ khi Trần Cảnh lên ngôi năm 1225 đến 1258. Sau ngai vàng được Trần Thái Tông bàn giao qua cho con là Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông năm 1258. Trần Thánh Tông cai trị đất nước đến năm 1278 thì nhường ngôi lại cho con là Trần Khâm, tức Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông lên ngôi năm 1279. trong thời gian vua Trần Nhân Tông tại ngôi thì đã hai lần Ngài lãnh đạo quân dân đánh tan giặc Nguyên Mông vào các năm 1285-1288. Đến năm 1293 thì Ngài nhường ngôi cho con là Trần AnhTông, lui về phủ Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng, sau lên núi Yên Tử ẩn tu thiền định như đã nói. Bài thơ Xuân hiểu bốn câu ở trên có thể được Ngài làm trong thời kỳ đất nước hòa bình, độc lập, nhân dân vui hưởng ấm no, hạnh phúc này.
Trong lịch sử, dùng thơ ca ngợi về mùa xuân không phải chỉ có nhà Trần với đại diện là vua Trần Nhân Tông. Mà trước đó, trong thời Lê còn có nhà thơ Thái Thuận từng sáng tác những bài thơ đặc tả về bốn mùa xuân hạ thu đông. Thái Thuận là một nhà thơ chuyên về loại thơ Đường luật đã từng được thi sĩ Quách Tấn ở Tây Sơn-Bình Định hết mực ngợi khen. Cụ Quách Tấn cho rằng thơ Thái Thuận không kém gì thơ Đường, thơ Tống, Thơ Thanh. Cụ Quách Tấn còn cho biết thêm, thơ của Thái Thuận gồm đủ loại, từ thơ cảnh, thơ vịnh sử, thơ vịnh vật, thơ hoài cổ, thơ tức sự, vvv... loại nào cũng nhã trí tinh kỳ, hay đẹp. Riêng về thơ tả cảnh, từ thời Lý Trần đến Trịnh Nguyễn phẩm cũng như lượng, tôi chưa gặp nhà thơ nào có thể vượt qua Lữ Đường thi của Thái Thuận. Cụ Quách Tấn cho biết.
Dưới đây là bài Đường luật Xuân mộ của Thái Thuận được thi sĩ Quách Tấn dịch âm, nghĩa và thơ như sau:
Bách niên thân thế thán phù bình,
Xuân khứ thùy năng bất lão thành.
Lưu thủy kiều biên dương liễu ảnh,
Tịch dương giang thượng giá cô thanh.
Nguyệt ư yên thọ tuy vô phận,
Phong dữ thiên hương thượng hữu tình.
Cửu thập thiều quang dung dị quá,
Thảo tâm du tử khổ nan bình* .
(XUÂN MỘ)
Dịch nghĩa:
Thân thế trăm năm than cho kiếp bèo nổi,
Xuân đi rồi có ai không thành người già.
Bên cầu nước chảy bóng dương liễu thướt tha,
Trên sông chiều tà tiếng đa đa não nuột.
Trăng lồng trong khói cây tuy không phận vụ,
Gió quyến hương trời vẫn có tình với nhau.
Chín chục thiều quang qua một cách dễ dàng,
Khiến lòng người đi xa mong đền ơn cha mẹ đau khổ khó lấp cho bằng được.
Dịch thơ:
Tấm thân bèo nổi ngậm ngùi thương,
Xuân lụn đầu ai khỏi điểm sương.
Bóng liễu thướt tha cầu thệ thủy,
Tiếng đa não nuột bến tà dương.
Phận dù không phận trăng lồng khói,
Tình vẫn ưa tình gió quyện hương.
Chín chục thiều quang thoi thấm thoát,
Bồn chồn tấc cỏ bước du phương.
(CHIỀU XUÂN)
Tâm sự của người trong bài thơ này thật khác xa tâm sự, tình cảnh của vua Trần Nhân Tông qua bài Xuân hiểu ở trên đến một trời một vực. Bởi ở trên là tâm sự của người sống trong trong cảnh thanh bình, no ấm, sum vầy, hạnh phúc. Còn ở dưới là tâm sự của kẻ xa quê lúc trời đã về chiều của một mùa xuân lang thang phiêu bạt, không định hướng. Chín chục thiều quang là trọn chín mươi ngày xuân xa nhà của kẻ lữ thứ cô độc. Tâm sự này của người xưa ôi có khác gì nỗi lòng của nó hôm nay đâu?
Thái Thuận là nhà thơ sinh năm 1440, mất năm nào không rõ. Thái Thuận đậu tiến sĩ năm 1475 (niên hiệu Hồng Đức thức 6). Như vậy, căn cứ vào ghi chép của lịch sử thì nhà thơ Thái Thuận sinh ra sau khi vua Lê Thái Tổ Lê Lợi ra đi đã được 7 năm. Vua Lê Thái Tổ lên ngôi năm 1428, mất năm 1433. Vậy Thái Thuận sinh vào thời trị vì của vua Lê Thái Tông (1434-1442), đậu Tiến sĩ dưới thời vua Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông làm vua từ năm 1460 đến năm 1497.
Đây là nó nhắc lại những mùa xuân đã đi qua trong lịch sử xa xưa của đất nước, dân tộc nó mà dù vui hay buồn, đói hay no thì cha ông, tổ tiên của nó cũng tìm mọi cách lưu chép lại để ngày sau đám con cháu lóc chóc, chộp rộp như nó sẽ còn có cơ hội lấy đó mà làm lẽ suy tư, chiêm nghiệm hầu sống sao cho được tốt đẹp, khỏi mang tiếng là kẻ mất gốc, lãng quên cội nguồn.
Cũng chính vì sự đồng cảm và thấu hiểu cội nguồn sâu xa đó của truyền thống đất nước mà vào thời trước nó không lâu, cũng có một gã giang hồ lãng tử hạ bút làm bài thơ đúng vào mùa xuân của dân tộc. Trong bài thơ này gã giang hồ lãng tử đã vẽ ra một khung cảnh đơn sơ, giản dị ở một miền quê no ấm, thanh bình, có đủ cả trẻ em, thiếu nữ, bà già, trời xanh, mây trắng, đồng lúa, vườn cây ăn trái và nét tín ngưỡng dân gian vùng miền độc đáo không dễ lẫn vào đâu qua hình ảnh cụ bà tóc bạc chống gậy đi lễ chùa đầu năm, chậc, lại sau lưng bà là mấy cô thôn nữ quàng yếm đỏ, khăn thâm theo truyền thống vùng miền mà mỗi lần đọc qua nó không làm sao tránh khỏi những xúc cảm bồi hồi, nhớ thương quay quắt:
Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm,
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe.
Lá nõn nhành non ai tráng bạc,
Gió về từng trận gió bay đi.
Thong thả dân gian nghĩ việc đồng,
Lúa thì con gái mượt như nhung.
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng.
Trên đường cát mịn một đôi cô,
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa.
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,
Tay lần tràng hạt miệng nam mô.
(XUÂN VỀ)
Gã giang hồ lãng tử khi làm bài thơ đậm chất dân gian này đơn thuần là gã chỉ ghi chép lại những sự việc chầm chậm lướt qua trước mắt gã. Đó là khung cảnh mùa xuân nơi quê hương của gã. Bởi mùa xuân là mùa của đất trời giao hòa tạo ra khung cảnh ấm êm, trong lành, mát mẻ, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa lá xinh tươi mơn mỡn khiến con người và vạn vật như hòa quyện làm một để cùng hát lên bản đàn xuân như ý, bất tuyệt. Mùa xuân, vì thế, chẳng phải là của riêng ai, và cũng chẳng phải là của ngàn cây nội cỏ mà là của vạn vật sinh linh trong vũ trụ bao la, hoặc của địa giới, vùng miền khắp đó, đây, kia...
Nhưng nếu vì lý do gì đó mà lòng người bất chợt đổi thay thì sự giao hòa, tấu hợp giữa con người và thiên nhiên vạn vật rồi sẽ mất đi vẻ xinh tươi, tốt đẹp vốn có tự ngàn xưa. Vì thế, từ dạo đó người ta mới có lý do để dám nói lên rằng:
Xuân đi rồi xuân tới,
Ngại rằng xuân kém tươi...
Xuân kém tươi như đã nói không phải là lỗi do ở xuân, mà là do con người khi đã muốn tách biệt, đứng ra riêng một góc cạnh, rồi từ đó con người sẽ nhìn mùa xuân qua ánh mắt biên kiến nên mới cho xuân này kém hẳn xuân xưa. Như vậy, đây là cái lầm lạc của con người chứ không phải cái sai lạc của mùa xuân. Bởi vì là cái sai của con người cho nên nó mới có thể nói được như sau chớ?
Hai mươi mấy tuổi đời,
Ai đón ai mời.
Tôi chưa muốn trao lời,
Bản đàn xuân đã lơi.
Tơ lòng đang rối,
Xuân đến thêm buồn thôi...
Kể từ khi có những cái sai xảy ra trong con người, trong tôi anh chị, rồi cũng kể từ khi chặng đường đi của nó đến nay đếm đã được hai mươi mấy mùa xuân mà có bao người đã cùng gặp nhau chào hỏi, đón đưa, trao cho nhau lời ước hẹn trăm năm, và cùng thầm thì hướng tới một tương lai xán lạn như đôi bươm bướm trắng vỗ cánh hướng về hoa. Còn riêng nó thì vẫn cô độc. Chậc, nó cô độc là do nó không muốn trao lời ước hẹn cùng với ai kia, chứ không phải không có ai không muốn nói gì với nó. Ai nghĩ như vậy là chưa bao giờ ai hiểu gì về nó cả. Cho dù tiếng đàn thánh thót mùa xuân đôi khi vẫn vọng vang ở bên kia, bên đây. Nhưng ngặt sao một nỗi, nó vẫn thấy có một khoảng trống ngăn cách giữa nó và bên kia. Vì vậy, mùa xuân đến với nó nhiều khi chỉ đi thoáng qua như một giấc mơ đẹp nhưng đượm lắm vị buồn khi thức giấc chỉ thấy chung quanh sao chỉ có súng đạn và những cánh rừng bạt ngàn lá đổ cùng những cuộc quân hành triền miên, bất tận...
Hai mươi mấy tuổi rồi,
Tôi vẫn đi hoài.
Nghe như vắng tiếng cười,
Chạnh vì non nước tôi.
Đang còn lửa khói,
Ôi xót xa đầy vơi...
Như đã nói, đời binh nghiệp của nó luôn trải dài theo nhịp quân hành của đơn vị với lệnh tác chiến chưa biết sẽ đẩy, đưa đi lúc nào. Nó là lính bộ binh trực thuộc vùng II chiến thuật. Vùng II chiến thuật được thành lập ngày 01 tháng 10 năm 1957 hoạt động tác chiến ở toàn bộ vùng cao nguyên miền Trung và các vùng duyên hải Nam Trung bộ, bao gồm các tỉnh lỵ từ Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận. Trong vùng II chiến thuật có vùng chiến thuật đặc biệt bán tự vệ, gọi là Biệt khu 24 đóng tại thị xã Kon Tum, do trung đoàn độc lập 24 đảm nhiệm, bao gồm toàn bộ khu biên giới giáp Lào (thành lập tháng 7 năm 1966, giải thể tháng 4 năm 1970). Sở chỉ huy vùng II chiến thuật đóng tại Pleiku bao gồm khu chiến thuật 22 (sở chỉ huy ở cầu Bà Gi-Quy Nhơn) có các tiểu khu Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn. Khu chiến thuật 23 (sở chỉ huy đóng tại Buôn Ma Thuột) gồm các tiểu khu Đăk Lăk, Tuyên Đức, Quảng Đức, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận.
Do đóng quân ở vị trí chiến lược, trọng điểm, thuộc vùng cao nguyên để bao quát tất cả các mặt trận liên đới kể từ biên giới Việt-Lào và các vùng duyên hải trọng yếu của miền Trung, nơi giáp ranh với vùng biển Quảng Ngãi đến vịnh Cam Ranh mà nó đã bao lần khốn đốn, suýt nữa đi du lịch vùng... V chiến thuật mấy lần cùng mấy thằng bạn đời. Như trận đánh ở Đăk Tô-Tân Cảnh vào năm 1967 là một ví dụ.
Trong trận đánh này, lực lượng Quân đội Hoa Kỳ gồm có:
-Sư đoàn 4 bộ binh (do Trung tướng William R.Peers chỉ huy Sư đoàn kiêm chỉ huy mặt trận Đăk Tô).
-Lữ đoàn 173 (độc lập, do Thiếu tướng Leo H.Schweiter chỉ huy).
-Một Lữ đoàn của Sư đoàn Không Kỵ số 1.
-Các đơn vị Không quân hiệp đồng tác chiến.
-Lực lượng tham chiến của QLVNCH gồm Lữ đoàn bộ binh 42. Nó ở trong Lữ đoàn này.
Lực lượng tham chiến phía bên Bắc Việt gồm có:
-Sư đoàn 1 với ba trung đoàn 66, 174 (Trung đoàn trưởng là Đàm Văn Ngụy) và 320.
-Trung đoàn bộ binh độc lập 24.
-Trung đoàn pháo 40.
Tiểu đoàn 304 Kon Tum (thuộc bộ đội địa phương Tây Nguyên).
Trong trận đánh lịch sử, nhớ đời này thì quân số hai bên tổn thất khá nặng, nhưng quân số bên nó gồm quân đội Hoa Kỳ tăng viện Lữ đoàn 42 của nó hao hụt quá nhiều. Rất may là nó chỉ bị đầu đạn AK sượt vai, nếu không thì cũng tiêu đời rồi. Chỉ tội mấy thằng bạn, trong đó có đứa thân nhất đã ra đi khi cuộc chiến mới bắt đầu giao tranh vào lúc 8h sáng ngày 18 tháng 11.
Sau trận đánh tại Đăk Tô năm 1967 thì nó có vẻ chững lại hơn, không còn bộp chộp, xông xáo như trước nữa. Có nhiều khi nằm một mình buồn chán, nó rời láng trại, ra ngồi bên bờ suối vắng, trong đầu nó tự nêu lên những câu hỏi ngớ ngẩn:
Cuộc chiến giữa phe bên nó và phe bên miền Bắc đến bao giờ mới chấm dứt? Và nguyên do vì đâu mà xảy ra cuộc chiến đẫm máu, giành giật từng centimet địa giới và bắn giết loạn xạ của cả hai bên như thế? Và tại sao quân đội bọn Hoa Kỳ lại phải tham gia vào cuộc chiến này của dân tộc nó? Và cuộc chiến vô nghĩa này nếu còn tiếp diễn thì ngày đó nó và đồng đội có nhẽ sẽ phải còn khoác ba lô mang súng lên đường chỉ để làm bia đỡ đạn, gục ngã hàng loạt, hàng loạt để kéo dài chiến cuộc đến bao giờ và bao giờ chăng?
Chạnh vì non nước tôi,
Đang còn lửa khói.
Ôi xót xa đầy vơi...
Nó cứ ngồi im lặng một cục bên bờ suối vắng như vậy rất lâu, tự đưa ra trong đầu nhiều những câu hỏi điệp trùng ngữ nghĩa đặc sệt như thế mà cũng không làm sao trả lời cho nổi. Cho đến khi trời tối mịt, nó mới chịu đứng dậy, chậm rải thả từng bước cô đơn đi vào láng trại...
Hỏi xuân có gì vui,
Xuân làm dáng cho đời.
Đẹp lòng giây phút thôi,
Ôi đất nước hai nơi.
Xuân đi làm sao tới,
Dặm dài xin chớ lui.
Sau trận đánh để đời mà đơn vị của nó tham gia tại Đăk Tô-Tân Cảnh vào năm 1967 như đã nói thì đến năm 1972 tại đây cũng xảy ra một trận đánh nữa, tại ngọn đồi có tên là Charlie bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 04. Trận đánh này nó và đơn vị không tham gia, mà là của Lữ đoàn II Nhảy Dù đã biệt phái Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù chốt đóng tại tử huyệt này với nhiệm vụ, trọng trách là kiểm soát cả một vùng rộng lớn ở ngã ba Đông Dương.
Một Tiểu đoàn theo biên chế quân đội quy định có quân số dao động từ 200-1000 người. Một Trung đoàn có quân số dao động từ 1000-5000 người. Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù có biệt danh là Song Kiếm Trấn Ải trong trận đánh lịch sử một mất một còn này đã không có sự hỗ trợ của lực lượng Không quân chiến thuật Hoa Kỳ. Vì thế, lúc này 1 người lính Nhảy Dù về mặt tương quan lực lượng là phải đương đầu với 6 người lính Bắc Việt. Bởi bên phía Bắc Việt lúc này có 2 Trung đoàn bộ binh trực thuộc Sư đoàn 320.
Cả Tiểu đoàn lúc đó phải hứng chịu hàng trận mưa pháo của Trung đoàn Pháo binh Bắc Việt. Đó là chưa nói đến việc 1 Trung đoàn Phòng không của Bắc Việt đã khống chế tất cả các phi vụ trực thăng tiếp tế lương thực, nước uống và nhiệm vụ tải thương. Cuối cùng, để bảo toàn quân số, với khoảng 50 chiến binh còn lại Tiểu đoàn đã tìm mọi cách phá vòng vây, rời ngọn đồi quỷ ám rút về tuyến an toàn phía sau.
Ngày 11 và 12 tháng 04 năm 1972.
Phía Bắc Việt đã bắt đầu mở trận hỏa công với hàng ngàn quả đạn 130 li, 122 li và hỏa tiển đủ loại vào các cứ điểm 960, 1020, 1050 thuộc hệ thống phòng ngự của căn cứ Charlie. Đến gần 9h sáng ngày 12 tháng 04 bên Bắc Việt tiếp tục pháo loại đạn nổ chậm. Nghe nói rằng Trung tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy dù đã chết ngay tại chỗ sau khi bị trúng nguyên một trái đạn xuyên qua hầm vào lúc gần 9h sáng ngày 12 tháng 04 năm 1972. Ngay lập tức, Thiếu tá Lê Văn Mễ là Tiểu đoàn phó đã được bộ chỉ huy Lữ đoàn Dù quyết định đặc cách đứng ra đảm nhiệm xử lý thường trực chức vụ Tiểu đoàn trưởng, thay Trung tá Nguyễn Đình Bảo để ứng phó kịp thời mọi diễn biến với lính Bắc Việt hiện đang tìm cách chiếm ngọn đồi quỷ ám.
Ngày 13 tháng 04/1972.
Đại đội 111 của Trung úy Thinh (từ đỉnh đồi 960 rút về đỉnh đồi 1020 trong ngày 12) được lệnh tung quân đi tìm nguồn nước uống và làm bãi đáp trực thăng để di tản thương binh và quân nhân tử trận. Cả đại đội 111 -200 người- chỉ còn non 50 chiến binh, tất cả liền mau chóng tuột khỏi đồi 1020 để xuống hướng Đông Nam. Di chuyển được 200m thì quân bên kia đã bố trí sẵn để phục kích. Trong lúc đang điều động chiến thuật chống trả, Trung úy Thinh đã hứng trọn một tràng AK vào người. Đại đội trưởng tử trận, Chuẩn úy Ba, một trung đội trưởng đã nhào lên điều động quân lính bắn trả để tìm cách vượt thoát vòng vây nhưng cũng bị trúng đạn tử trận. Quân nhân cấp bậc cao nhất lúc đó là Thiếu úy Khánh -sĩ quan tiền sát viên tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù- đã chỉ định Trung sĩ Lung dẫn tổ khinh binh xung phong mở đường máu phá vòng vây. Người hạ sĩ quan can trường này đã cầm đại liên quạt tứ phía mở đường cho đồng đội tìm đường rút lui. Cuối cùng, mãnh hổ nan địch quần hồ, Trung sĩ Lung đã bị 1 quả B40 bắn ngay vào người.
Ngày 14 tháng 04/1972.
Quân Bắc Việt mở đợt tấn công mới, một phần tuyến phòng ngự của đại đội 114 bị địch tràn chiếm. Vào lúc này, đơn vị đã hết đạn và cạn lương thực. Trước tình hình vô cùng nguy kịch, để bảo toàn quân số còn lại, Thiếu tá Lê Văn Mễ đã quyết định cho rút quân. Thiếu tá đã xin bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 Nhảy Dù nửa giờ sau cho bắn đạn nổ chụp ngay trên đồi 1020, rồi sau đó ra lệnh cho các đại đội rời cao điểm 1020 đi về hướng Đông Bắc, phương giác 800 để tìm đường rút về Tân Cảnh thay vì về Võ Định (nơi đóng quân của bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 Nhảy Dù) vì vị trí này quá xa căn cứ Charlie. Ngay sau đó ba tiểu đoàn quân Bắc Việt liền tràn lên chiếm đồi Charlie thì bị 6 chiếc B52 xuất trận dội hàng ngàn tấn bom. Quân Bắc Việt bị tan nát dưới trận mưa bom này.
5 giờ chiều cả tiểu đoàn đồng loạt xuống núi theo mé sườn thoai thoải. Những trái bom đầu tiên từ B52 đã nổ xuống khi người lính cuối cùng của đại đội 112 vừa xuống đến chân núi. Đoàn quân di chuyển hàng một và đi suốt đêm không nghĩ.
Ngày 15 tháng 04 năm 1972.
Rạng sáng ngày 15 tháng 04/1972 cả tiểu đoàn đi tới một bãi lau sậy trống trải. Quan sát địa hình, Thiếu tá Mễ thấy khu vực này có thể làm bãi đáp để trực thăng xuống bốc quân nên liền ra lệnh dừng quân. Thiếu tá liền điều động một toán qua suối để bảo vệ cạnh sườn, đồng thời dặn các đại đội chia ra từng toán 8 người đợi trực thăng đến bốc. Sau đó, Thiếu tá Mễ chỉ cho Thiếu tá Duffy-cố vấn trưởng tiểu đoàn- vị trí điểm dừng quân và yêu cầu vị cố vấn này gọi trực thăng Hoa Kỳ đến bốc đoàn quân về Võ Định ngay gấp. Liên lạc với Không quân, cố vấn Duffy báo cho Thiếu tá Mễ biết là khoảng 15 phút nữa trực thăng sẽ bay đến.
Nhưng thời gian không còn chờ đợi được nữa. Quân Bắc Việt đã phục sẵn quanh bãi đáp và đang dàn trận tấn công. Đại úy Nho, Đại đội trưởng đại đội 110 đã điều động binh lính chống trả để bảo vệ ban chỉ huy tiểu đoàn. Đại úy tả xung hữu đột, chống trả mãnh liệt các đợt tấn công của quân Bắc Việt đang vây kín. Địch kêu gọi Đại úy đầu hàng nhưng Nho không chịu khuất phục, người đại đội trưởng này ấn tay vào cò súng, nổ từng loạt đạn về phía đối phương. Trong khi đang chiến đấu, một báng súng phe bên kia đập trúng đầu, Đại úy Nho bất tỉnh, liền sau đó bị địch bắt giải đi.
Nhờ sự chiến đấu can trường của Đại đội trưởng Nho, nên ban chỉ huy của Thiếu tá Mễ vượt thoát được vòng vây của địch. Trung úy Long -trưởng ban 2- kiểm điểm lại quân số chỉ còn 37 người. Ngay sau đó, có 3 trực thăng Mỹ bay vào tọa độ sinh tử, một chiếc hạ xuống bốc người, hai chiếc kia nhờ xung quanh có lau sậy thấp nên các xạ thủ phi hành quan sát thấy rõ địch quân, họ đã tác xạ liên tục vừa đại liên vừa rocket để đuổi địch quân ra khỏi khu vực ban chỉ huy tiểu đoàn.
Về Thiếu tá Mễ, do bị ảnh hưởng bởi quả lựu đạn bộc phá của địch ném ngày hôm trước, nên lúc di chuyển phải nhờ Trung úy Long đỡ phụ, nhưng khi trực thăng sà xuống để đón, Thiếu tá Mễ nói:
"Mình là cấp chỉ huy và có máy truyền tin nên cần phải đi sau chót".
Trung úy Long sắp xếp cho toán 7 người yếu sức cùng bác sĩ Tô Phạm Liệu -y sĩ trưởng tiểu đoàn- đi chuyến đầu tiên, số còn lại vừa chạy vừa trông chờ trực thăng xuống. Họ yêu cầu cố vấn Duffy gọi trực thăng bay nhanh hơn vì địch quân đang cận kề. Khi trực thăng trở lại thì viên phi công yêu cầu cố vấn Duffy lên trước, nhưng vị sĩ quan Hoa Kỳ này đã khẳng khái từ chối và nói với phi hành đoàn:
"Tôi đi rồi thì các anh đâu chịu trở lại cứu các bạn Nhảy Dù của tôi?".
Chuyến thứ 4 bốc thêm một số người, còn lại 5 người là Thiếu tá Mễ, Thiếu tá Hải -trưởng ban 3- Thiếu tá Duffy cố vấn, Trung úy Long và Hạ sĩ Long, "đệ tử" của Thiếu tá Mễ. Chuyến chót vừa đến thì địch quân đã theo sát, mọi người cố gắng trèo nhanh lên trực thăng. Vừa lên vừa hết thì bỗng nghe một loạt đạn, nguyên một tràng AK đã bắn trúng trực thăng, phi công phụ và một xạ thủ phi hành bị chết ngay. Riêng Thiếu tá Hải bị trúng đạn ngay bàn chân, cả người anh rớt khỏi máy bay ở cao độ 3 mét. Lập tức Thiếu tá Duffy nhảy theo để đỡ Thiếu tá Hải, có thể nói nếu Thiếu tá Duffy không nhảy xuống thì phi công vì hốt hoảng có thể bay đi luôn. Từ trực thăng, Trung úy Long nhìn thấy Thiếu tá Duffy đang đứng bơ vơ phía dưới, Trung úy vừa khâm phục vừa cảm mến người bạn Đồng minh tốt bụng và vô cùng can đảm này. Long tự nghĩ, nếu trực thăng không đáp tất anh cũng sẽ nhảy xuống cùng sống chết để bảo vệ người bạn Mỹ đầy lòng nghĩa khí này.
Trực thăng hạ thấp, cố vấn Duffy bồng thiếu tá Hải đưa lên sàn phi cơ, Trung úy Long và Thiếu tá Mễ giơ tay cố kéo Thiếu tá Duffy. Lên tới, vị cố vấn này đã vội kéo xạ thủ phi hành vừa bị trúng đạn lúc nãy định băng bó nhưng anh ta đã chết. Còn viên phi công phụ, theo lời của Thiếu tá Hải kể lại, anh đã được về Mỹ, nhưng hôm đó do thiếu người nên anh đã bay thế và đã bị trúng đạn cùng lúc với xạ thủ phi hành.
Ở trên là câu chuyện về sự thất thủ năm 1972 tại đồi quỷ ám Charlie với cái chết chấn động, gây bàng hoàng dư luận miền Nam thời đó của Thiếu tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Nhảy Dù mà Quân lực VNCH gọi là Mùa hè đỏ lửa, người Mỹ gọi là Easter Offensive. Tiếp đó là sự cuồng nộ của quân đội Hoa Kỳ khi cho trút hàng tấn bom lên ngọn đồi lịch sử để diệt gọn những người lính Bắc Việt đang chiếm đóng ngọn đồi quỷ ám này sau khi Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù rút khỏi nơi đây qua câu chuyện bi tráng ở trên.
Đồi Charlie nói theo tiếng Việt là Sạc Ly, đây là địa danh tiếp giáp giữa ba huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi, thuộc tỉnh Kon Tum. Địa danh này bỗng trở nên nổi tiếng bởi nhiều trận đánh một mất một còn giữa QLVNCH và QĐ Hoa Kỳ với Bộ đội Bắc Việt vào các năm 1967 và 1972 với cái chết thương tâm của Thiếu tá Nguyễn Đình Bảo như đã nói.
Từ trung tâm thành phố Kon Tum men theo đường 14 đi khoảng 45km, tới ngã ba Tân Cảnh là còn cách địa danh Charlie khoảng 10km. Vị trí đỉnh đổi Charlie có độ cao 900m so với mặt nước biển, nằm tại khu vực giáp ranh giữa các xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), PôKô, Tân Cảnh (Đăk Tô) và các xã SaLoong, Đăk Sú (Ngọc Hồi). Hai điểm cao ở cạnh bên là Ngọc Rinh Rong và Ngọc Rinh Rua, có độ cao là 800m, từng được mệnh danh là "chân cột cờ" khu vực đồi Charlie.
Do vị trí là điểm cao đột xuất, từ đây sẽ có tầm quan sát rộng, đỉnh đồi Charlie vì thế từng được Quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH sử dụng để xây dựng một cứ điểm quân sự hòng kiểm soát cả một vùng rộng lớn ngã ba Đông Dương. Vị trí cứ điểm chiến lược nằm trong một dãy cứ điểm liên hoàn của Lữ đoàn II Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa, được đặt tên theo các chữ cái A, B, C, D, Y nhằm bảo vệ phi trường Phượng Hoàng và tuyến phòng thủ ngoại vi cho căn cứ Tân Cảnh là bản doanh Bộ tư lệnh Hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh.
Theo quy định của Quân đội Mỹ và VNCH, mỗi cứ điểm đều có tên đặt theo các chữ cái bằng tiếng Anh và tiếng Việt, như Alfa -Anh Dũng- hoặc Yankee-Yên Thế. Chính vì vậy, cứ điểm trên ngọn đồi được đặt tên theo chữ cái đầu là C, được gọi tắt là đồi C (phiên âm tiếng Việt là Đồi Xê), hay đồi Charlie hoặc đồi Cách.
Tóm lại. Với những trận đánh một mất một còn tại ngọn đồi quỷ ám Charlie mà sau đó những người lính của phe bên này, bên kia đều bị giết chết sạch sẽ như thế hóa ra đời quân nhân của nó cùng đồng đội -cả bên kia- chẳng phải chỉ là những kẻ đâm thuê, bắn mướn hay sao? Và chẳng phải một khi hai bên đã nhào vào nhau đấm đá túi bụi, bắn giết loạn xạ đến lúc đã thấm mệt, lết lê hết muốn nổi thì bọn quan thầy ngồi ngoài lúc này mới đứng dậy khoát tay, rút kiếm tiến vào nhẹ nhàng kết liễu cả hai mà không hao tốn chút sức lực, giọt mồ hôi nào cả không phải sao? Ba cái truyện kiếm hiệp rẻ tiền của Tàu gọi chiêu thế này là "Lưỡng bại câu thương: cả hai bên cùng chết". Thành ngữ này xuất xứ từ "Sử ký-Truyện Trương Nghi Liệt" như sau.
Thời Chiến Quốc, cuộc chiến tranh giữa hai nước Hàn Ngụy đã kéo dài hơn một năm mà vẫn chưa phân thắng bại. Tần Huệ Vương muốn xuất quân can thiệp việc này, mới triệu tập quần thần lại bàn bạc. Các đại thần mỗi người một ý khiến Tần Huệ Vương chẳng biết quyết đoán ra sao. Bấy giờ, có một người nước Sở tên là Trần Chẩn mới kể truyện Biện Trang Tử giết hổ cho mọi người nghe. Một hôm, Biện Trang Tử nhìn thấy hai con hổ đang ăn thịt một con trâu, ông định rút kiếm ra đâm chúng thì có một người đi theo ông vội ngăn lại và nói: "Hiện nay chúng đang mải ăn, nhưng đến lúc ăn ngon miệng rồi thì chúng tất tranh giành cắn xé nhau. Như vậy thì con hổ to hơn tất bị thương, còn con hổ nhỏ kia chắc chắn sẽ bị cắn chết. Đến lúc đó, ông mới ra tay đâm chết con hổ bị thương kia, thì chẳng phải trong một lúc mà giết được cả hai con hổ ư?". Biện Trang Tử nghe nói rất có lý, bèn dừng tay ngồi đợi. Cuối cùng quả đúng như người này đã nói, chỉ trong một lúc mà ông giết được hai con hổ.
Kỳ thực thì Trần Chẩn đã ví hai nước Hàn Ngụy là hai con hổ, khuyên vua Tần hãy đợi khi hai nước này đánh nhau thiệt hại nặng nề rồi mới tiến đánh, thì sẽ chẳng khác nào Biện Trang Tử ngồi không mà được lợi.
Tần Huệ Vương nghe xong vô cùng mừng rỡ, liền tạm ngừng xuất quân để chờ thời cơ.
Nếu cho cái miệng ăn mắm ăn muối của nó sao ưa hỏi, ưa nói những chuyện xằng bậy, bá láp bá xàm thì không phải Quân đội Hoa Kỳ sau khi đã mượn lực lượng quân lính Bắc Việt bắn giết gần hết đồng đội của nó. Thì liền sau đó bọn trùm sò Hoa Kỳ liền sai bọn giặc lái B52 trút hàng tấn bom diệt sạch lính Bắc Việt tại ngọn đồi Charlie quỷ ám thí điểm này cho mộng thôn tính Đông Nam Á của nhiều phe phái không phải à? Cũng có thể trong bàn cờ chính trị này có bàn tay lông lá của trùm sò Nga nhúng vào điều động nên Hoa kỳ buộc bắt phải ra tay hành động hòng ngăn chặn thế trận vết dầu loang chứ không thể nào ngồi im trong tình huống căng như sợi dây đàn vào lúc ấy. Và tất nhiên bọn quan thầy Nga-Mỹ lúc này chỉ ngồi trong mát ăn bát vàng chỉ tay năm ngón, để mặc cho những con chốt thí miền Nam, miền Bắc lao vào xâu xé, chém giết đã đời thì bọn trùm sò này bấy giờ mới nhào vô rút kiếm sử dụng tuyệt chiêu "Lưỡng bại câu thương" kết liễu cả hai như đã nói.
Theo đó, như nó biết, cao điểm của cuộc chiến ý thực hệ của người miền Nam, miền Bắc với sự nhảy chân chen vào đâm thọc của bọn quan thầy Nga-Mỹ là cuộc ký kết hiệp ước đình chiến, ngưng bắn với sự tham gia của cái gọi là "Bàn tròn liên hiệp bốn bên" gồm Hoa Kỳ-Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa-Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam-Việt Nam Cộng Hòa sau nhiều lần hoãn lại, dời đi đã được chính thức ký kết vào ngày 27 tháng 01 năm 1973. Đến ngày 29 tháng 01 năm 1973 thì người Mỹ cuối cùng cũng đã rời khỏi cuộc chiến nồi da xáo thịt của dân tộc Việt Nam.
Nhưng đây chỉ là nói trên văn bản, giấy tờ và nói theo tinh thần cuộc họp đình chiến được tổ chức tại Paris từ tháng 05 năm 1968 kéo dài đến tháng 01 năm 1973 giữa các bên tham chiến là tròn 5 năm. Và sau những tháng ngày căng thẳng của cuộc đình chiến, ngưng bắn tạm bợ nói cho vui tai vui miệng này thì quân đội hai miền Nam Bắc cũng vẫn cứ còn xông vào giáp chiến trên khắp bốn vùng chiến thuật đây kia. Và những người lính, đời quân nhân hồ hải rày đây mai đó như nó và đồng đội ắt sẽ còn mãi lê lết đôi chân trên vạn dặm trường chinh đi khắp các nơi để bắn, để giết, để đâm chém loạn xạ và cũng để gục ngã đau thương có phải chăng...
Ôi! Đời quân nhân sống nay chết mai, chưa biết lúc nào diêm vương giũ sổ, gạch tên thế thì mùa xuân từ đó thử hỏi có còn giá trị, có còn gì vui nữa đâu?
Ôi đất nước hai nơi,
Xuân đi làm sao tới.
Dặm dài xin chớ lui...
Nói đến Hiệp định, ngưng bắn được ký kết, thỏa hiệp giữa "Bàn tròn bốn bên" tại Paris vào ngày 27 tháng 01 năm 1973 với nội dung đã được các bên thống nhất nó cũng xin tạm nêu lên các điều khoản chính yếu của bản giao kết như sau:
-Ngừng bắn trên toàn Việt Nam sẽ bắt đầu từ 27 tháng 1 năm 1973. Và ở miền Nam tất cả các đơn vị quân sự Mỹ và đồng minh, hai bên miền Nam Việt Nam ở nguyên vị trí (không áp dụng với Quân đội nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển, chấm dứt việc thả mìn tại vùng biển, các cảng và sông ngòi và sẽ tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá huỷ tất cả những loại mìn ở vùng biển, các cảng và sông ngòi miền Bắc Việt Nam. Uỷ ban quân sự liên hợp giữa hai lực lượng quân sự hai bên miền Nam (tức của Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam) sẽ quy định vùng của hai lực lượng quân sự do mỗi bên kiểm soát, và những thể thức trú quân.
Trong vòng 60 ngày, sẽ có cuộc rút lui hoàn toàn của quân đội Mỹ và đồng minh cùng các nhân viên quân sự Mỹ, kể cả cố vấn quân sự tất cả các tổ chức bán quân sự và lực lượng cảnh sát của các nước nói trên ra khỏi miền nam Việt Nam, huỷ bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và các nước ở Nam Việt Nam. Các lực lượng chính quy thuộc mọi quân chủng và binh chủng và các lực lượng không chính quy của các bên ở miền Nam Việt Nam (Mỹ và đồng minh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam cộng hòa) phải ngừng mọi hành động tấn công nhau. Ngăn cấm mọi hoạt động vũ lực trên bộ, trên không và trên biển, mọi hành động đối địch, khủng bố và trả thù của cả hai bên.
Từ khi thực hiện ngừng bắn cho đến ngày thành lập chính phủ thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế, hai bên miền Nam Việt Nam (Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa) không được nhận đưa vào miền Nam Việt Nam quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh (không có tính ràng buộc với Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa). Trong thời gian này, hai bên miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam) được phép từng thời gian thay thế vũ khí, đạn dược, dụng cụ chiến tranh đã bị phá huỷ, hư hỏng, hao mòn hoặc dùng hết từ sau khi ngừng bắn, trên cơ sở một đổi một, cùng đặc điểm và tính năng, có sự kiểm soát của Ban liên hợp quân sự hai bên miền Nam Việt Nam và của Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam. Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
-Việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên (Mỹ và đồng minh, Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa) bị bắt sẽ tiến hành song song và hoàn thành không chậm hơn ngày hoàn thành việc rút quân trong vòng 60 ngày. Vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa) bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam (Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa) giải quyết trên cơ sở những nguyên tắc của Điều 21(b) của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 20/7/1954. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ làm điều đó trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhằm chấm dứt thù hằn, giảm bớt đau khổ và đoàn tụ các gia đình. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ gắng hết sức mình để giải quyết vấn đề này trong vòng chín mươi ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
-Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ quyết định tương lai chính trị của mình qua "tổng tuyển cử tự do và dân chủ dưới sự giám sát quốc tế" (Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ báo cáo với hai bên miền Nam Việt Nam những vấn đề về việc kiểm soát và giám sát cho đến khi Hội nghị quốc tế có những sắp xếp dứt khoát, và chấm dứt hoạt động của mình theo yêu cầu của chính phủ được thành lập sau Tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam). Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam. Hai bên miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam) cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hòa bình ở miền Nam Việt Nam, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.
Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau (được hiểu gồm Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, lực lượng thứ ba, Chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam). Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam trong vòng chín mươi ngày. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ cùng tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thương mà thỏa thuận. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phương theo như hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận.
Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam (được hiểu là Quân Giải phóng Miền Nam, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa) sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam) giải quyết trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, "phù hợp với tình hình sau chiến tranh". Hai bên miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam) sẽ thảo luận về việc giảm số quân của họ và phục viên số quân đã giảm càng sớm càng tốt. Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị.
-Sự tái thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thỏa thuận. Trong khi chờ đợi thống nhất, RANH GIỚI VÀ KHU PHI QUÂN SỰ TẠI VĨ TUYẾN 17 CHỈ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG ĐƯỢC TÍNH LÀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA THEO NHƯ HIỆP ĐỊNH GENEVE. Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ sớm bắt đầu thương lượng nhằm lập lại quan hệ bình thường về nhiều mặt bao gồm các vấn đề thể thức đi lại dân sự qua giới tuyến quân sự tạm thời. Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự hoặc khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự trên đất mình
-Để bảo đảm và giám sát việc thực hiện hiệp định, một ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế và Ban liên hợp quân sự bốn bên (gồm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Hoa Kỳ, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng Hoà), Ban liên hợp quân sự hai bên (Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng Hoà) sẽ được thành lập. Ban liên hợp quân sự bốn bên phối hợp hành động của các bên trong việc thực hiện về việc ngừng bắn, việc rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam của quân đội của Hoa Kỳ và quân đội đồng minh, việc hủy bỏ các căn cứ quân sự của họ...và chấm dứt hoạt động trong thời gian sáu mươi ngày, sau khi Hoa Kỳ và đồng minh rút quân. Ban liên hợp quân sự hai bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của hai bên miền Nam Việt Nam về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam (Quân Giải phóng Miền Nam, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa) sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình, về việc ngừng bắn giữa hai bên miền Nam Việt Nam, việc không được đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam từ khi thực hiện ngừng bắn cho đến ngày thành lập chính phủ mới,... Các bên thỏa thuận về việc triệu tập một Hội nghị quốc tế trong vòng ba mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này để ghi nhận các Hiệp định đã ký kết.
-Các bên tham gia Hội nghị phải triệt để tôn trọng Hiệp định Geneva năm 1954 về Campuchia và Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân hai nước về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ các nước đó. Các bên phải tôn trọng nền trung lập của hai nước. Các bên tham gia Hội nghị cam kết không dùng lãnh thổ của hai nước để xâm phạm chủ quyền và an ninh của nhau và của các nước khác. Các nước ngoài sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở hai nước, rút hết và không đưa trở lại vào hai nước đó quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh.
Như đã nói, thực chất sau Hiệp định ngừng bắn được ký kết vào ngày 27 tháng 01 năm 1973 đã được các bên tham gia chiến cuộc ký kết và cùng bắt tay hứa hẹn sẽ nghiêm túc thực hiện đúng như giao ước đã được nêu ra trong bản Hiệp định thì ở khắp đây kia trên bốn vùng chiến thuật vẫn còn xảy ra nhiều cuộc giao chiến của quân đội hai bên Bắc và Nam Việt Nam. Theo nó thiển nghĩ, cầu Hiền Lương là vùng phân chia giới tuyến tạm thời hai miền Nam Bắc có phải đó là sự tái hiện của lịch sử đã từng xảy ra thời Nam Bắc phân tranh giữa hai thế lực, hai giòng họ Trịnh-Nguyễn? Nhất thời điểm khi hai tập đoàn thế lực này đã bị Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lật nhào chỗng gọng. Và tiếp đó là sự tranh chấp vùng miền, lãnh thổ của hai anh em Tây Sơn, và nhà nước Tây Sơn sau đó đã đi đến quyết định dứt khoát. Lấy Đèo Ngang-Hoành Sơn Quan làm điểm phân chia đất nước của hai chính sách, hai anh em cùng cha khác mẹ Tây Sơn phải vậy chăng?
"Nhớ nước đau lòng gương quốc quốc,
Thương nhà khổ miệng ảnh gia gia..."
Nếu như đây là sự thật của việc tái lập lịch sử, và việc tái lập lịch sử này ngày hôm nay đã đem lại quá nhiều những buồn đau, mất mát cho dân tộc của nó với những cuộc nội chiến Nam Bắc triền miên chưa bao giờ chấm dứt. Và đời chinh nhân sống nay chết mai của nó thử hỏi làm sao còn có một niềm vui nào để có thể thanh thản, an lòng chờ đợi một mùa xuân đoàn viên, sum họp truyền thống của dân tộc đã có tự ngàn xưa?
Có lần đứa bạn khác đơn vị của nó viết thư thăm hỏi nó như sau:
"Bao giờ tao và mầy có người yêu hoặc in thiệp hồng chắc ngày ấy hòa bình mất C. nhỉ? Tao sẽ nhớ mãi tên mầy và hai thằng khùng của đại đội 48 hắc ám đã phải mỗi đứa một phương trời. Đừng quên tao C. nhé!"
Thằng bạn thân nhất của mầy.
HKHL.
Đọc lá thư của thằng bạn thân mà nó không biết trả lời làm sao. Sau đó thì đứa bạn thân nhất này của nó cũng đã nối gót ra đi cùng với những đứa khác. Nó chỉ biết ngồi lặng im trên gác vọng cheo leo, dõi mắt nhìn về tương lai tối đen sâu thẳm mà mơ hồ về một ngày mai chưa biết sẽ ra sao...
Ôi đất nước hai nơi,
Xuân đi làm sao tới.
Dặm dài xin chớ lui...
Miền trung thương nhớ,
lúc 9h30 ngày 15 tháng 03 năm 2019
Bốn niệm xứ