LÒNG MÌNH THÌ MUỐN NÍU ÂN TÌNH MÃI KHÔNG THÔI,
MÀ ĐỜI LÀ SUỐI NƯỚC VÔ TÌNH VẪN ÊM TRÔI...
Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo,
Trước thềm lan, hoa héo ron ron (hon hon 焝焝?NV).
Chùa Tiên khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu.
Nỗi bi kịch dễ hầu than thở,
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu, thảm thảm xiết bao,
Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời.
Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
Thuyền nan chèo quế thuận buồm vu qui...
(AI TƯ VÃN)
Bình luận bốn niệm xứ
Ba khổ thơ trích trên đây trong bài thơ Ai tư vãn của Bắc cung Hoàng hậu Hoàng Thị Thu Mai có nhiều chữ sai, như hai chữ "hon hon" đã bị tam sao thất bổn, viết thành hai chữ "ron ron". "Ron ron" là hai chữ sai biệt ngàn trùng, không có nghĩa gì cả, dù hiểu theo Hán tự hay Nôm tự cũng hoàn toàn vô nghĩa, trống không. Mà đó phải là hai chữ "hon hon 焝焝" như chúng tôi đã chú ở trên. "Hon 焝" nghĩa Nôm là héo hon, héo hắt.
Riêng khổ thứ ba có nhiều chữ dạng mật mã, bài viết ngắn này chúng tôi xin giải thích những mật mã vô cùng nghiệt ngã đó để xác định lại sự thật rằng ngày xưa khi Bắc cung Hoàng hậu Thu Mai từ Đàng Ngoài đi vào Đàng Trong cùng với chồng là Bắc Bình vương Nguyễn Huệ chính xác là năm nào? Hay đó là năm Bính Ngọ 1786 như sự ghi chép của các dạng tài liệu sử xưa nay?
Trước hết, câu thứ tư của khổ thứ ba có chữ sai, bậy, đó là chữ "nan", "thuyền nan" đã bị sửa thành chữ "lan", "thuyền lan". "Thuyền nan" là thuyền bện, đan, làm bằng tre, trúc. Đây chỉ là nghĩa đen. Tiếp theo hai chữ "Thuyền nan" là hai chữ "chèo quế". Quế 趹 còn đọc là quyết. Quyết là bộ Quyết một nét viết thế này亅. Còn "Thuyền nan" là tượng trưng cho bộ Nhất 一 một nét nằm ngang -cây tre, chiếc thuyền- trên đầu bộ Quyết亅. Bốn chữ "Thuyền nan chèo quế" là ám chỉ cho chữ Đinh 丁.
Cổng chùa Kim Tiên, bên trái là cây me cổ thụ. Với gốc cây này cho chúng ta biết nó đã có khoảng 200 năm rồi.
Bốn chữ còn lại "thuận buồm vu quy" là mật mã của chữ Vị. Muốn biết tại sao bốn chữ "thuận buồm vu quy" lại là mật mã chữ Vị thì các bạn cần phải đọc phần giải thích sau đây thì sẽ rõ ra thôi. "Thuận 順" tiếng Hán là suôn sẻ, xuôi theo, thuận theo lẽ phải, không chống báng, trái nghịch với ý của người. Đây là nghĩa chính của chữ "thuận 順". Lại "thuận 順" cũng là chữ tương đương với chữ vĩ. Vĩ 韙 là đúng, phải lẽ, là thuận, hợp lý với sự thật, lòng người. Hay vĩ 緯 là điều phải, đúng, thuận lý, không chống trái với một ai. Vĩ 緯 cũng còn đọc là vị. Vị 味 là mùi, là hương thơm, thúi của các loại vật chất. Vị 未 còn là chi Vị, chi thứ Tám trong Thập nhị chi Tý Sửu Dần Mẹo, vvv... Vị 未 còn là tượng trưng cho cột buồm dựng trên chiếc thuyền.
Như vậy, với ý nghĩa vừa được giải thích, chúng ta đã hiểu câu thứ tư khổ thứ ba "Thuyền nan chèo quế thuận buồm vu quy" là Bắc cung Hoàng hậu Thu Mai ám chỉ năm bà đi vào Đàng Trong cùng với chồng là tướng quân Nguyễn Huệ là năm Đinh Vị 丁未 1787, chớ không phải năm Bính Ngọ 1786 như các dạng tài liệu sử từng ghi chép, cho biết từ xưa nay như thế.
Chánh điện chùa Kim tiên, nơi ở của Bắc Cung Hoàng Hậu Thu Mai khi bà từ Bắc Hà vào cùng chồng đầu năm 1787
Câu thứ ba của khổ thứ ba "Rút dây vâng mệnh phụ hoàng" còn có ý mật mã như sau. Hai chữ "Rút dây" là mật mã chữ Huyền. Huyền 弦 tiếng Hán là dây đàn, dây cung. Hay huyền 縣 là treo. Hoặc huyền 悬 là treo lên, như lấy cái gì đem treo lủng lẳng, lưng chừng, giữa khoảng không, không bám níu vào đâu với đâu thì gọi là huyền. Như trăng huyền treo giữa trời không vậy.
Hai chữ "phụ hoàng" có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất, "phụ" là quả phụ, là người phụ nữ có chồng đã chết, gọi là quả phụ. "Hoàng" là họ Hoàng 黃. Họ Hoàng 黃 là họ cha của Bắc cung Hoàng hậu Hoàng Thị Thu Mai. Mẹ của Bắc cung Hoàng hậu vì vậy được người thời đó gọi là bà quả phụ họ Hoàng 黃 , vì chồng của bà là tướng đã chết trận. Sau, "phụ hoàng" là ám chỉ cho vua Lê Hiển Tông. Như chúng tôi từng nói quá nhiều trên nhiều bài viết rằng mẹ của Bắc Cung Hoàng Hậu với vợ vua Lê Hiển Tông là hai chị em ruột thịt. Vì vậy, Bắc cung Hoàng hậu gọi vua Lê bằng cậu. Cậu theo phong tục người Việt được xem như là người thay thế cho mẹ của các người con vậy.
Tóm lại. Sáu chữ "Rút dây vâng mệnh phụ hoàng" ý nói lúc này Bắc cung Hoàng hậu đã dứt -rút dây- ra khỏi vòng tay bao che, chăm sóc, lo lắng, nuôi nấng của mẹ là bà quả phụ họ Hoàng, tức bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền cùng cậu của mình là vua Lê Hiển Tông -phụ hoàng- để cất bước vu quy, lên đường đi vào Nam cùng chồng là tướng quân Nguyễn Huệ vào đầu năm Đinh Vị 丁未 1787 sau chiến thắng vang dội của chồng từ năm trước.