Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

ƯỚT MI VỚI GIỌNG HÁT KHÓI SƯƠNG

ƯỚT MI VỚI GIỌNG HÁT KHÓI SƯƠNG 
Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại Huế trong một gia đình có 5 người con. Do bà mẹ mắc bệnh nan y nên gia đình Thanh Thúy phải rời đất Thần kinh đưa mẹ vào Sài Gòn chữa trị.

Gia đình họ thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng. Để mưu sinh và để kiếm thêm tiền phụ vào việc thuốc thang cho mẹ, Thanh Thúy đã đến với nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Thân gái dặm trường nơi đất khách quê người, điều khiến cho Thanh Thúy “dám” tự tin xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu chính là giọng hát của mình vốn từng được nhiều lời khen ngợi.

Lần đầu tiên tiếng hát Thanh Thúy đến với công chúng Sài Gòn là ở phòng trà Việt Long của Đức Quỳnh vào cuối năm 1959. Với chất giọng trầm ấm, hơi khàn và lối phát âm, nhả chữ rất riêng, giọng ca của Thanh Thúy mang nỗi buồn man mác, nghẹn ngào nức nở. Dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài màu trắng hoặc lam nhạt… tạo cho nàng ca sĩ xứ Huế này một phong thái thật đặc biệt…

Những bản nhạc Thanh Thúy thường hát là Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước), Kiếp nghèo (Lam Phương), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương)…

Tháng 6.1960, thân mẫu của Thanh Thúy qua đời, điều đó càng làm cho giọng hát của chị thêm não nùng để những ai “lỡ nghe” đều có cảm xúc lâng lâng… Và, như đã nói ở bài trước, có cả một thế hệ văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đâm ra…mê mệt với Thanh Thúy, trong đó có một chàng thư sinh mới tò te bước vào làng nhạc, nhưng sau này rất nổi tiếng: Trịnh Công Sơn!

người

Thanh Thúy là sự tái sanh của Thúy Kiều Hoàng Thị Thu Mai. Ai hiểu câu chuyện này?

Trong tác phẩm "Về một quãng đời Trịnh Công Sơn (của Nguyễn Thanh Ty)", nhạc sĩ tâm sự: “Năm đó tôi 17 tuổi, trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc Ướt Mi đầu tiên trong đời…”.

Đó là lần ngồi ở nhà hàng Mỹ Cảnh, chàng trai trẻ Trịnh Công Sơn đã viết vào một mảnh giấy nhỏ, đề nghị ca sĩ Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Điều chàng bất ngờ là Thanh Thúy đã hát bài này với một cảm xúc thật mãnh liệt, khi hát “…vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành, như nhủ trời xanh: Gió ngừng đi, mưa buồn chi, cho cõi lòng lâm ly… Ai nức nở thương đời châu buông mau, dương thế bao la sầu…” -nhớ đến người mẹ bị lao phổi nặng, đang mỏi mòn chờ con trong căn nhà nhỏ ở con hẻm sâu- nàng đã bật khóc. Những giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ tuổi mới tròn trăng (?NV) đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn nỗi xúc cảm tràn ngập để chàng viết thành ca khúc Ướt Mi.

“Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được…

Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt Mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi. Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca… Buồn ơi trong đêm thâu, ôm ấp giùm ta nhé: người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế…Trời sao chưa thôi mưa, ôi mắt người em ấy. Từ đây thôi mờ, nước mắt buồn mi em thơ ngây…”.

Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động…Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước lên và nói: “Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi”. Nàng “A” lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp: “Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không?”. Tôi luống cuống gật đầu…Tôi cùng nàng đón taxi về nhà nàng. Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẻm…

Cũng chính từ ngõ hẻm nhà nàng mà Trịnh Công Sơn làm tiếp bài Thương Một Người: “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi… Thương nụ cười và mái tóc buông lơi. Mùa thu úa trên môi, từng đêm qua ngõ tối, bàn chân âm thầm nói. Lặng nghe gió đêm nay, ngại buốt quá đôi vai. Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi…”.

Đó là hai bản nhạc trong “thuở vào đời” của Trịnh Công Sơn và những kỷ niệm thật đẹp với nữ ca sĩ Thanh Thúy.

Bài viết của tác giả Hà Đình Nguyên

 
 
 
 

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang