2-RÀNH RÀNH CHIÊU ẨN AM BA CHỮ BÀI...
Bài viết này chúng tôi xin mời các bạn đọc lại bài viết của tác giả Thành Văn, đã được báo Đời Sống & Pháp Luật đăng ngày 19 tháng 02 năm 2012. Sau bài viết này chúng tôi sẽ mời các bạn đọc tiếp bài 3- Rành rành Chiêu ẩn am ba chữ bài... để các bạn biết được ngôi chùa mà bà vãi Ẩn Duyên, tức Vân Dương đã vớt Thúy Kiều lên là ở đâu trên đất Phú Xuân? Hay đây chỉ là câu chuyện hư cấu ở bên Tàu, không có thật trong lịch sử Việt Nam? Và những gì chúng tôi giải trình lâu nay về truyện Kiều là hoàn toàn không có, vô căn cứ, chỉ do suy diễn, áp đặt mà ra.
Bài viết của tác giả Thành Văn như sau:
TIẾT LỘ VỀ NỮ "ĐIỆP VIÊN" SIÊU HẠNG CỦA NGUYỄN ÁNH". ĐS&PL19/02/12 14:17
(Nguoiduatin.vn)-Công nữ Ngọc Huyên, con gái trưởng của Chúa Nguyễn Phúc Khoát, được xem là "tai mắt" của Nguyễn Ánh, tức Gia Long trong "lòng" nhà Tây Sơn thời kỳ còn thịnh vượng.
Là một trong số ít nữ kiệt hoạt động tình báo hiệu quả nhất, góp phần mang lại chiến thắng cho ông hoàng sáng lập triều Nguyễn sau này.
Giai đoạn Nam Bắc phân tranh
Trước hết, phải nhắc đến hoàn cảnh lịch sử phức tạp, khi mà Nguyễn Ánh bắt đầu cài cắm điệp viên của mình. Ông bắt đầu cài điệp viên tình báo ở thời Tây Sơn Triều-được sử dụng theo nhiều cách để chỉ giai đoạn khởi nghĩa nông dân và thành lập vương triều Tây Sơn trong bối cảnh tranh chấp quyền lực cuối thời Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Tên "Tây Sơn" được dùng để chỉ các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa (anh em nhà Tây Sơn) theo cách gọi của các đa số các sử gia, nhất là các sử gia hiện đại tại Việt Nam; Tây Sơn cũng được dùng làm tên cuộc chiến của Tây Sơn, cũng dùng để chỉ gọi triều đại của anh em nhà Tây Sơn. Riêng với triều đình nhà Nguyễn đối địch, Tây Sơn bị gọi là giặc phản loạn.
Nước Đại Việt thời ấy nằm dưới quyền cai trị tượng trưng của vua Lê, có danh mà không có quyền hành chính trị. Quyền lực thực sự nằm trong tay hai gia đình phong kiến, các chúa Trịnh ở phía Bắc, kiểm soát nhà vua và điều khiển triều đình ở Thăng Long và các chúa Nguyễn ở phía Nam, đóng đô tại thành Phú Xuân. Hai bên từng đánh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước trong suốt 45 năm và đều với chiêu bài tuyên bố trung thành với nhà Lê để củng cố quyền lực cho mình.
Giống như Trung Quốc ở thời điểm đó, đời sống nông dân rất thấp kém. Đa số ruộng đất theo thời gian rơi vào tay số ít người. Quan lại thường áp bức và tham nhũng; các vị chúa cai trị sống hoang phí trong những cung điện lớn. Cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh kết thúc năm 1672 và cuộc sống của những người nông dân ở phía bắc của các chúa Trịnh khá yên bình. Trong khi đó ở phía Nam, các chúa Nguyễn thường gây chiến với Đế chế Khmer yếu ớt ở bên cạnh và sau đó là với cả một nước khá mạnh là nước Xiêm. Các chúa Nguyễn thường thắng trận và mở mang thêm đất đai phía Nam.
Từ giữa thế kỷ 18, người nông dân bị bần cùng và họ đã đứng lên khởi nghĩa cả ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. So với Đàng Trong, phong trào nông dân Đàng Ngoài mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa... ở Đàng Ngoài và Đàng Trong nhìn chung đều chưa đủ quy mô, sức mạnh và sự liên kết cần thiết để đánh đổ chính quyền cai trị. Mặt khác, những người cầm quyền lúc đó như Trịnh Doanh ở Đàng Ngoài và Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong không có đủ tài năng, uy tín để huy động lực lượng trấn áp các cuộc khởi nghĩa. Nhất là việc ba anh em Tây Sơn, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, được gọi là "Tây Sơn tam kiệt".
Khởi phát từ ấp Tây Sơn, ba anh em họ Nguyễn tập hợp lực lượng, ban đầu chủ yếu là người Thượng, đứng lên khởi nghĩa. Do sự thuyết phục của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ quyết định đem quân ra Bắc đánh Thăng Long để diệt họ Trịnh. Sau đó không lâu, ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788), Bắc Bình vương Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Với lý do vua Lê đã bỏ nước và rước giặc về, để có danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.
Kể từ năm 1787, với sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua giám mục Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh quay trở lại Gia Định. Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối phó tình hình Bắc Hà, Nguyễn Lữ qua đời, Nguyễn Nhạc bất lực, Ánh nhanh chóng chiếm lại đất đai ở Nam Bộ rồi đánh lấn ra Diên Khang, Bình Thuận-đất của Nguyễn Nhạc.
Năm 1793, Nguyễn Ánh đem quân đánh Nguyễn Nhạc. Vua Thái Đức cầu cứu Phú Xuân. Quang Toản sai Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng đem 17.000 quân và 80 thớt voi vào cứu, quân Nguyễn Ánh rút lui. Quân Phú Xuân nhân đó lại đánh chiếm luôn đất đai của vua Thái Đức. Lúc đó, Nguyễn Nhạc đang bệnh trên giường, nghe tin cơ nghiệp của con mình là Quang Bảo bị chiếm mất uất quá thổ huyết mà qua đời. Quang Toản an trí ra huyện Phù Ly và cai quản toàn bộ đất đai của vua bác. Từ sự tranh chấp quyền lực trong triều đại Tây Sơn đã tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh củng cố binh lực, xây lực lượng trong và ngoài nước, kể cả việc lôi kéo người ở khắp nơi như trong lòng triều đình Tây Sơn giúp Nguyễn Ánh thực hiện việc đánh chiếm sau này.
Làm điệp viên vì thù nhà và những chiến công thầm lặng
Thế nhưng, theo sử sách ghi, để đánh dẹp được triều đại Tây Sơn, Nguyễn Ánh là người chủ trương xây dựng hệ thống điệp viên hùng hậu, có ảnh hưởng quan trọng đến thắng lợi sau này. Trong số điệp viên mà Nguyễn Ánh tuyển dụng, xuất sắc và có công lớn nhất phải kể đến Công nữ Ngọc Huyên do cung tần họ Tống sinh ra; lớn lên thì được gả cho Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống.
Năm Giáp Ngọ (1774), nhân lúc đàng Trong quân Tây Sơn nổi lên chống nhà Nguyễn, Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vào đánh phú Xuân, chiếm giữ được Thuận Hóa. Lúc đó, chồng chết, bà Ngọc Huyên không chạy theo quân Nguyễn vào Gia Định, mà ở lại xã Vân Dương (huyện Hương Thủy) cắt tóc đi tu. Vì thế, bà mới có tên gọi sư cô Vân Dương, hay bà vãi Vân Dương.
Sau khi chiếm được Phú Xuân, quân Tây Sơn đã phá hủy tan tành lăng tẩm của các chúa Nguyễn (?). Quá đau xót đến phẫn uất, bà Ngọc Huyên nuôi chí chống Tây Sơn. Bà sai con rể là Nguyễn Đức Tuấn cùng sư già thân tín bí mật đến các xã Định Môn, Kim Ngọc, Cự Chính... căn dặn người dân địa phương theo dõi và tìm cách bảo quản hài cốt của Nguyễn Phúc Luân (thân sinh Nguyễn Ánh). Đồng thời, nhất cử nhất động của quân Tây Sơn, từ lương thực đến các hoạt động huấn luyện quân sĩ, đều được bà thông tin cho Nguyễn ánh ở Gia Định... Thậm chí, bà vãi Vân Dương còn chép tập Hoài Nam Ca khúc của Hoàng Quang (người xã Thái Dương) sáng tác, với nội dung lòng dân vẫn còn có người hướng về dòng họ Nguyễn, để dâng lên Nguyễn Ánh.
Sách Chuyện các bà trong cung Nguyễn viết: Nguyễn Ánh đã lấy chùa nơi bà trụ trì làm căn cứ hoạt động cho lính trinh thám nhà Nguyễn. Đức Tuấn được giao tiền bạc đi chiêu dụ dân chúng, nhất là binh tướng của Tây Sơn. Nguyễn Ánh còn giao cho bà nhiều giấy tờ đóng sẵn dấu triện của Nguyễn Vương (tức Nguyễn Ánh) để bà tùy cơ điền vào mà ban cấp. Tuy nhiên, việc làm của bà đã bị quân Tây Sơn phát hiện, đến vây nhà. Cũng may, lúc đó mọi người đi vắng, không bắt được ai, quân Tây Sơn lấy một ít của cải của bà rồi rút đi.
Tưởng bà sẽ sợ mà an phận tu hành, nào ngờ còn thâm nhập sâu hơn vào nội bộ quân Tây Sơn. Năm Đinh Tỵ (1797), quan bộ binh của Tây Sơn là Nguyễn Đại Phát đi trấn thành Quy Nhơn, bà dò biết ông Phát đã mệt mỏi với nhà Tây Sơn, liền sai Đức Tuấn đi theo tiễn chân. Đến đoạn đường vắng, Đức Tuấn đọc cho ông Phát nghe một câu của ông Khoái Triệt ngày xưa: "Thời hồ thời hồ bất tái lai. Tạm dịch: Thời gian và cơ hội không trở lại lần thứ hai. Hiểu ý, ông Đại Phát đã quy thuận Nguyễn Ánh. Tiếp đó, phát hiện trong nội bộ Tây Sơn có chuyện bè đảng, tướng tài Lê Chất đã giả chết, về ở ẩn ở núi Trà Đông, vậy là bà sãi sai người đến dụ ông Chất về hàng và sau này, đã trở thành công thần nhà Nguyễn được phong tước quận công".
Năm Canh Thân (1800), quân Tây Sơn tập trung vây thành Quy Nhơn, bỏ trống thành Phú Xuân. Bà Huyên cho người khảo sát tình hình, vẽ bản đồ đồn sở bố trí của quân Tây Sơn ở cửa biển Tư Hiền và Thuận An, rồi biệt phái người theo đường núi vào nơi đóng quân của Nguyễn Ánh. Nhờ tin tức tình báo có một không hai đó của bà Ngọc Huyên, Nguyễn Ánh đã tổ chức đánh Phú Xuân, phá tan cuộc hành quân của quân đội Tây Sơn. Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, đã ban cấp lương bổng hàng năm và xây phủ đệ riêng cho bà vãi Vân Dương. Năm 1809, bà Ngọc Huyên mất, nhà vua đã sai lo tang lễ trọng thể, táng ở xã Dương Xuân, cấp cho 5 người coi mộ; đồng thời lấy nơi bà ở làm đền thờ, khắp nơi ca tụng...
Thành Văn
Tuy Phước, lúc 14h04 ngày 19 tháng 06 năm 2017
Bốn niệm xứ